Sau 1975, chiến tranh kết thúc, thực tiễn đời sống có những thay đổi theo hướng chuyển từ trạng thái chiến tranh sang hòa bình. Sau những hiện thực khốc liệt, trực diện, cấp bách của thực tế chiến trường; sau những hồ hởi, xúc cảm ban đầu trước không khí hòa bình mới được lập lại, các cây bút cũng cần có một quãng thời gian để “nhìn lại và bước tới”. Các hình thức, tiểu loại kí đã hiện diện trong đời sống văn học với những sắc thái mới, tương thích với những biến chuyển của đời sống sau bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Sự thay đổi này nhìn từ thể loại kí có những đặc điểm khác biệt với từng tiểu loại. Nếu như trước 1975, bút kí, truyện kí, được nhiều người viết lựa chọn thì sau 1975, thể bút kí với tính chất là ghi chép những sự việc của đời sống mới diễn ra có xu hướng giảm dần, ít được người viết lựa chọn. Thời điểm chiến tranh vừa mới kết thúc và những năm sau chiến tranh, dù bút kí không phải là hình thức thể loại phát triển mạnh mẽ như trước nhưng vẫn có những tác phẩm đáng chú ý. Bút kí của Nguyễn Sinh - Vũ Kỳ Lân - Kí sự miền đất lửa (1978), Hoàng Phủ Ngọc Tường - Rất nhiều ánh lửa (1979), được đón nhận. Kí sự miền đất lửa là tập kí của những người từng sống và chiến đấu ở Vĩnh Linh - vùng đất diễn ra những hoạt động chiến sự ác liệt trong những năm tháng chống Mĩ đã gây được sự chú ý của người đọc. Rất nhiều ánh lửa - Hoàng Phủ Ngọc Tường có sự tái hiện đan xen những trang viết về vùng đất tác giả đặt chân đến trong và sau chiến tranh và việc nhìn lại những đặc tính của đời sống chiến tranh sau chiến tranh.
|
Thể phóng sự tạo nên một thời kì sôi động vào cuối thập niên 80 với sự xuất hiện của nhiều tác phẩm có tiếng vang. Trước Đổi mới, phóng sự ít có cơ hội hiện diện bởi tính chất của đời sống xã hội và văn học. Với tính chất là hình thức thể loại trung gian giữa văn học và báo chí, có lợi thế trong việc phơi bày, mổ xẻ những vấn đề hiện thực xã hội nóng bỏng, phức tạp, các cây bút phóng sự đã nhanh chóng tiếp cận hiện thực mới bằng việc viết và công bố nhiều tác phẩm. Công cuộc đổi mới và những bước phát triển trong đời sống kinh tế xã hội đã bộc lộ đặc điểm của giai đoạn chuyển mình: những chuyển đổi của cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lí có thể dẫn đến xung đột cũ mới. Từ sau 1986 khi quá trình tái thiết đất nước đã đi vào quỹ đạo, đời sống kinh tế thị trường, quá trình đổi mới cơ chế, thay đổi cách thức vận hành đã làm bung ra những vấn đề, sự vụ cần tiếp cận và làm rõ. Sau 1986, thể phóng sự ghi những dấu ấn quan trọng với Câu chuyện về ông vua lốp (Trần Huy Quang), Cái đêm hôm ấy... đêm gì (Phùng Gia Lộc), Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa (Võ Văn Trực), Thủ tục làm người còn sống (Minh Chuyên), Người đàn bà quỳ (Trần Khắc), Làng giáo có gì vui (Hoàng Minh Tường)... Tính chất đa sự của đời sống, các vấn đề nóng đã được các cây bút tiếp cận, nắm bắt, chuyển tải. Sau chặng đầu của quá trình đổi mới, phóng sự vẫn hiện diện nhưng không còn sôi động như những năm đầu của thời kỳ đổi mới.
Sau ngày thống nhất đất nước, trong số những tác phẩm thuộc hình thức tự sự ngắn, tản văn cũng đã ghi dấu ấn. Cùng với sự vận động của đời sống văn học, sự mở rộng tính chất dân chủ trong đời sống và nghệ thuật, nhu cầu được bộc lộ, được thể hiện, bày tỏ quan điểm trước những vấn đề của cá nhân và đời sống, sự xuất hiện của những người viết mới, sự phát triển có xu hướng mở rộng các hình thức xuất bản trong đời sống xuất bản; nhiều tác phẩm tản văn được xuất bản. Có thể thấy sự đổi mới trong đời sống xã hội đã có sức lan tỏa mạnh mẽ tác động đến không gian văn hóa văn học. Tinh thần phản biện xã hội được thể hiện và mở rộng trên nhiều diễn đàn và các kênh thông tin. Trong văn học, hơn bao giờ hết, nhà văn có nhiều cơ hội bộc lộ chủ kiến, giải bày những suy tư về hiện thực đời sống. Mỗi thể loại văn học sẽ có được những ưu thế riêng để người viết lựa chọn một hình thức có khả năng biểu đạt ý tưởng. Tản văn đáp ứng được tiêu chỉ bộc lộ chủ kiến, suy tưởng, những cảm nghiệm của người viết một cách trực diện. Dung lượng tác phẩm phù hợp với khuôn khổ của nhiều trang báo, phù hợp với thời gian đọc có giới hạn của độc giả, tính chất dễ biểu đạt các vấn đề của đời sống đã khiến cho nhiều sáng tác tản văn có cơ hội được hiện diện trong đời sống xuất bản, cùng với những cộng hưởng trong đời sống văn học trong bối cảnh mới. Với tản văn, những suy nghĩ rời rạc, những cảm xúc tản mạn riêng tư được thể hiện trong một hình hài thể loại khác với những tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn... vốn được nhìn nhận như những thể loại quan trọng trong việc phản ánh hiện thực lớn lao trước đây. Nhìn từ đời sống thể loại văn học có thể thấy đây là giai đoạn vượt trội của tản văn, ở số lượng người viết, số tác phẩm được xuất bản. Trong đời sống văn học sau 1975, nhất là những thập kỉ gần đây chứng kiến sự xuất hiện nhiều tản văn của các thế hệ cầm bút từ Tô Hoài, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn, Dạ Ngân, Y Phương đến Nguyễn Nhật Ánh, Phan Thị Vàng Anh, Trang Hạ, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý… Nhiều người viết thường xuyên có tản văn xuất bản như Nguyễn Ngọc Tư (Yêu người ngóng núi, Biển của mỗi người, Ngày mai của những ngày mai), Nguyễn Việt Hà (Đàn bà uống rượu, Con giai phố cổ), Đỗ Bích Thúy (Trên căn gác áp mái, Đến độ hoa vàng), Đỗ Phấn (Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Ngẫm ngợi phố phường, Đi chơi bờ Hồ, Bâng quơ một thời Hà Nội), Thảo Hảo (Nhân trường hợp chị thỏ bông), Nguyễn Vĩnh Nguyên (Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách); Trần Nhã Thụy (Cuộc đời vui quá không buồn được; Triều cường, chân ngắn và rau sạch); Trang Hạ (Đàn bà ba mươi). Một số tập tản văn gần đây cũng được vinh danh trong các giải thưởng văn học như Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm của Y Phương, Tản mạn trước đèn của Đỗ Chu đã phần nào cho thấy dấu ấn của tản văn trong đời sống văn học thời kỳ mới. Tính chất đời thường của văn học được thể hiện ở các phạm vi tản văn đề cập: viết về phong tục tập quán, thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền, bộc lộ những kiến thức, những trải nghiệm, góc nhìn của chủ thể viết, bộc lộ những ý kiến mang tính phản biện (Phan Thị Vàng Anh với những tản văn về việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, thực tiễn một số khía cạnh của giáo dục, những vấn đề của đời sống điện ảnh - nghệ thuật đương đại; những hạn chế cần khắc phục của ngành du lịch, những căn bệnh trầm kha của người Việt...). Cùng tinh thần và góc nhìn mang tính phản biện, tản văn của Nguyễn Quang Thiều bộc lộ nỗi day dứt về những thực trạng đáng báo động trong đời sống: suy ngẫm về thực trạng những đứa trẻ được bao bọc quá nhiều, mất đi những khả năng tự vệ và tìm đến cái chết một cách dễ dàng để lại niềm đau cho những người còn sống (Chúng ta đang bỏ quên con cái trong ngôi nhà của mình); những cảm nghiệm của người viết về thái độ của con người trước thiên nhiên, quy luật của tạo hóa và những hệ lụy khi con người phá vỡ quy luật đó (Những lối đi bí ẩn của tháng giêng). Hồ Anh Thái bộc lộ những cảm thức riêng, độc đáo về Hà Nội: Hà Nội thành phố của những dòng nhập cư không đồng bộ với cơ sở hạ tầng khiến cho cảnh đông đúc chật chội luôn là một thực tế thường ngày phải đối mặt (Hướng nào Hà Nội cũng sông). Những bài viết đã thể hiện quan sát, đúc kết, chiêm nghiệm và vốn văn hóa, cái nhìn thẳng thắn, trực diện của các tác giả, góp thêm những góc nhìn về một đời sống đang vận động, biến đổi. Với tính chất linh hoạt, phóng túng, đa dạng về dạng thức và đề tài (lịch sử, địa lí, văn hóa phong tục, tôn giáo, nghệ thuật…); tản văn những thập niên gần đây đa dạng trong giọng điệu thể hiện được dấu ấn của người viết.
Bối cảnh đời sống xã hội thay đổi đã tạo nền tảng cho sự phát triển của một số hình thức thể loại và du kí là một biểu hiện của đặc điểm đó. Những thập niên đầu thế kỉ XXI, trong bối cảnh văn học đại chúng phát triển với sự tiếp sức, thay thế của nhiều thể loại, hình thức thể loại mới, du kí đã được nhiều người viết lựa chọn để chuyển tải những vấn đề của đời sống. Có thời điểm du kí xuất hiện nở rộ với đội ngũ những người viết và những đặc thù của bối cảnh văn hóa mới. Du kí đã là hình thức thể loại tồn tại trong đời sống văn học từ những thập niên đầu thế kỉ XX nhưng sự hiện diện có thời điểm trở nên thưa thớt. Những thập niên đầu sau chiến tranh, khi nền kinh tế được phục hồi và trên đà phát triển, nhu cầu xê dịch được thúc đẩy tạo ra những cơ hội để được đi đến nhiều vùng đất. Nhu cầu được xê dịch, được bước ra với thế giới từ chỗ là những khát vọng và mong mỏi đã trở thành một hành vi tự thân với nhiều người, nhất là những người trẻ. Toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội cho những giao lưu văn hóa, kinh tế, văn hóa. Việc đi công cán ở nhiều quốc gia dân tộc, nhiều không gian trên lãnh thổ mỗi quốc gia và thế giới trở nên thường xuyên là chất xúc tác cho những tác phẩm du kí được viết ra. Ngành du lịch phát triển mạnh mẽ ở mỗi quốc gia và trên thế giới khiến cho mỗi người đều tăng khả năng, cơ hội xê dịch đặt chân đến nhiều vùng đất mới. Một bộ phận những người trẻ hiện là du học sinh đã và đang lưu trú ở các nước sở tại, nhất là các quốc gia châu Âu có điều kiện được đi nhiều nơi. Dường như xê dịch, đi đến những vùng đất mới để trải nghiệm và khám phá là một phần trong cuộc sống của chính họ. Điều kiện làm việc ở nhiều không gian khác nhau là một yếu tố thúc đẩy những cá nhân đó tiếp xúc với nhiều nền văn hóa; đồng thời bộc lộ nhu cầu được viết ra, được thể hiện những thứ mình tri nhận được trên bước đường du ngoạn và trải nghiệm. Người viết du kí có thể là những cây bút chuyên và không chuyên. Hồ Anh Thái là cây bút từng đặt chân đến nhiều quốc gia và viết về các vùng đất mình đặt chân đến. Năm 2019, tập du kí Chốc lát những bến bờ được xuất bản. Từ những trải nghiệm sống và hành trình đi qua hơn 40 quốc gia trên thế giới, Nguyễn Phan Quế Mai viết và xuất bản Hạt muối rong chơi. Đây cũng là cuốn du kí thứ hai của chị sau Từ tuyết đến mặt trời. Điều đáng chú ý là trong sự sôi động của việc công bố, xuất bản du kí, tác phẩm của các cây bút nữ chiếm một số lượng lớn. Có thể kể đến những tác giả và tác phẩm du kí như Phương Mai với Con đường Hồi giáo, Tôi là một con lừa; Ngô Thị Giáng Uyên với Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương; Đinh Hằng - Quá trẻ để chết, Chân đi không mỏi… Viết du kí đang là xu hướng của nhiều người trẻ - những người có nhiều trải nghiệm xê dịch, có hứng thú và điều kiện, khả năng viết. Các tác phẩm du kí thời kì này bộc lộ hứng thú chinh phục vùng đất mới, nhu cầu khám phá thế giới, đồng thời cho thấy bản ngã của cá nhân trong một đời sống luôn dịch chuyển.
Sau 1975, đất nước kết thúc thời kì đấu tranh giải phóng dân tộc dài lâu đồng thời bước vào thời kì ổn định, tái thiết đất nước. Sau quãng thời gian vận động theo quán tính, trong đời sống văn học hình thành xu hướng nhận thức lại hiện thực, ghi lại những hồi ức của cá nhân. Khi đời sống xã hội trở về với nhịp sống đời thường, đặc biệt là thời kì đổi mới với tinh thần nhận thức lại hiện thực nhiều người viết đã lựa chọn thể hồi kí, lối viết tự thuật để ghi lại những năm tháng đã qua của cá nhân mình, tái hiện một giai đoạn, những chặng đường lịch sử. Nhìn từ phương diện thể loại, thể hồi kí được những người viết có quãng thời gian, kinh nghiệm sống và viết dài lâu lựa chọn. Tác giả hồi kí có những đặc điểm đặc thù là những người nhiều về tuổi đời, khi ở độ tuổi đủ chiêm nghiệm và có nhu cầu được viết lại những chặng đường đã qua của cá nhân và thời cuộc. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, hồi kí chưa có nhiều không gian cho sự hiện diện chủ yếu từ phía ý thức của người viết. Hồi kí được viết và xuất bản nhiều ở những năm cuối thập kỉ 90 thế kỉ XX và những thập niên đầu thế kỉ XXI. Nhiều nhà văn đã viết hồi kí từ những trải nghiệm cá nhân và thời cuộc: Từ bến sông Thương (Anh Thơ), Những năm tháng ấy (Vũ Ngọc Phan), Cát bụi chân ai (Tô Hoài), Trong mưa núi (Phan Tứ), Sáng tối mặt người (Sao Mai), Rừng xưa xanh lá, Viết về bè bạn (Bùi Ngọc Tấn), Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (Ma Văn Kháng)… Một số hồi kí cách mạng, hồi kí của các tướng lĩnh, những người lính chiến trường cũng được công bố. Các tác phẩm hồi kí Hồi ức lính - Vũ Công Chiến, Lính Hà - Nguyễn Ngọc Tiến, Chuyện lính Tây Nam - Trung Sỹ, Kí ức chiến tranh - Vương Khả Sơn, Có một thời như thế - Võ Minh… kể lại trải nghiệm của người trong cuộc về những con người và trong không gian lịch sử chiến tranh, cách mạng. Một số nhà làm phim, đạo diễn điện ảnh, những người hoạt động trong giới nghệ thuật cũng viết và xuất bản hồi kí. Tình thần đổi mới với ý thức nhìn nhận lại hiện thực, tự do sáng tạo, ý thức khẳng định cá nhân, ý thức về những giá trị của quá khứ đã tạo ra không gian cho người viết hồi kí công bố tác phẩm. Những trang viết đã phục dựng những chặng đường lịch sử, văn học, phục dựng những sự kiện nhân vật lịch sử, những vùng hiện thực khuất lấp, từ quan sát, trải nghiệm cá nhân của người viết không chỉ có ý nghĩa về mặt tư liệu mà còn thể hiện những đúc kết nghệ thuật thể hiện trong bút pháp và lối viết. Với hình thức phi hư cấu, các tác giả đã cho thấy những hiện thực khuất lấp, khơi mở những vấn đề của cá nhân và đời sống. Nhiều tác phẩm hồi kí không chỉ có ý nghĩa lịch sử xã hội mà còn có giá trị nghệ thuật, là sản phẩm của một quá trình trải nghiệm lịch sử đời sống thể hiện vốn sống và tri thức văn hóa, bản lĩnh của người viết. Nhìn từ lối viết có thể thấy, tính chất đan xen, pha trộn thể loại là một đặc điểm của đời sống thể loại văn học nói chung và hồi kí nói riêng. Trong một số tác phẩm hồi kí có sự đan xen của hình thức tiểu thuyết tự truyện, tiểu thuyết tư liệu cho thấy thực tiễn sinh động, những vận động của thể loại và lối viết hồi kí trong đời sống văn học sau 1975.
Các tác phẩm nhật kí được công bố trong đời sống xuất bản không nhiều do tính chất của thể loại là những ghi chép riêng tư và thường người viết không có nhu cầu công bố. Các tác phẩm Nhật kí chiến tranh (Chu Cẩm Phong), Nhật kí chiến trường (Dương Thị Xuân Quý), Nhật kí Đặng Thùy Trâm (Đặng Thùy Trâm), Mãi mãi tuổi 20 (Nguyễn Văn Thạc)… đều được xuất bản sau khi tác giả nhật kí đã mất. Nhiều cuốn nhật kí được công bố đã tạo được hiệu ứng xã hội. Nhật kí chiến tranh của nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong đã cung cấp tư liệu quan trọng về lịch sử chiến tranh từ góc nhìn của một nhà văn - người lính có mặt ở chiến trường khốc liệt. Nhật kí chiến trường của Dương Thị Xuân Quý - nhà văn - liệt sĩ hi sinh ở tuổi 28 trên mảnh đất Duy Xuyên - Quảng Nam sau một trần càn quét của địch có ý nghĩa quý giá về tư liệu lịch sử và văn học. Viết trong những năm tháng khốc liệt ở chiến trường Nhật kí Đặng Thùy Trâm được xuất bản đã có sức lay động nhiều thế hệ người đọc, được tái bản nhiều lần, tạo cảm hứng cho các loại hình nghệ thuật khác khai thác như điện ảnh, hội họa...
Dấu ấn của loại hình kí trong đời sống văn học sau 1975 bộc lộ riêng khác ở từng tiểu loại, cho thấy đặc điểm, tính ưu trội của hình thức thể loại và ý thức lựa chọn thể loại của chủ thể sáng tạo nhưng đồng thời cũng bộc lộ những hạn định. Những hạn định này chủ yếu thuộc về khả năng và ý thức của người viết. Trong một số tác phẩm, người viết thường chú trọng cung cấp thông tin, thể hiện những suy tư về đời sống; tính nghệ thuật, giá trị biểu cảm và hiệu ứng thẩm mỹ chưa được nhiều người viết chú ý. Sự phong phú về số lượng tác phẩm ở một số tiểu thể loại kí là điều dễ nhận thấy nhưng có những tác phẩm mới dừng lại ở những ghi chép cá nhân, chưa được đầu tư kĩ lưỡng.
Nhìn từ logic của các tiểu loại kí trong đời sống văn học sau 1975 có thể thấy cơ chế của sự vận động, bao gồm cả những yếu tố nội tại và ngoại tại. Từ thực tiễn viết, công bố, xuất bản và phát hành tác phẩm có thể thấy mỗi hình thức của thể loại kí có khả năng hiện diện khác nhau và có tính thời điểm, tương thích với bối cảnh, không gian văn hóa xã hội. Đặc điểm này được quy định bởi tính chất của mỗi tiểu loại, chủ ý sử dụng hình thức thể loại của tác giả (ngoài việc thuộc về tạng viết, khả năng, sở trường còn là những quy hoạch sự viết, chủ ý của tác giả), những yêu cầu của việc chuyển tải đời sống từ trải nghiệm cá nhân và thời cuộc. Xuất phát từ ý thức của chủ thể sáng tạo từ thực tiễn đời sống trong bối cảnh mới; sự phát triển các thể kí từ sau 1975 đã cho thấy tính năng động của thể loại và khả năng chuyển tải đời sống của chủ thể sáng tạo bằng những hình thức thể loại đa dạng và đặc thù. Điều kiện của hòa bình và độc lập dân tộc, tinh thần đổi mới trong văn học, đời sống phát triển nhiều chiều kích đã tạo nên những không gian của hoạt động sáng tạo, thúc đẩy sự viết. Các thể kí thời kỳ này đã bộc lộ những góc nhìn về các vấn đề của đời sống qua việc tái hiện lịch sử đã qua và hiện thực đời thường hôm nay. Không chỉ đào sâu vào các vỉa tầng của hiện thực, các tác giả kí đã bộc lộ chính kiến về các vấn đề của đời sống, thể hiện tiếng nói có trách nhiệm xã hội.