Tháng 5 này, những người lính Trường Sơn mở đường Hồ Chí Minh lại nhớ về ngày thành lập Đoàn 559. Thoắt đấy đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người lính già của đường dây 559 đã trên tuổi bát thập, thế hệ trẻ những người vào chiến trường năm 1973, khi ranh giới mặt trận từ dòng sông Bến Hải đã đẩy lùi về bờ Nam sông Thạch Hãn, giờ cũng đã xấp xỉ thất thập... Đi qua chiến tranh, đi qua thời tuổi trẻ thanh xuân, giờ gặp lại nhau, những người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn sâu nặng nghĩa tình đồng đội.
Nhà văn Lê Lựu |
Chiến tranh đã đi qua, tuổi trẻ với những năm tháng mở đường Trường Sơn cũng đã lùi xa, chỉ còn trong kỷ niệm. Tháng 5 này nhớ về đồng đội, nhớ về Đoàn 559, tôi lại nhớ về xưởng in Trường Sơn nhỏ bé ở giữa rừng Gio An (Quảng Trị), lần đầu tiên tôi được gặp nhà văn Lê Lựu, khi ấy anh là phóng viên của báo Trường Sơn.
Ấy là vào cuối năm 1973, mặt trận phía Nam đã bớt căng thẳng, vì ta đã ký được Hiệp định Paris. Lúc này ranh giới chiến trường là sông Thạch Hãn (Quảng Trị), bờ bắc là khu giải phóng. Chúng tôi là lính nhà Tuyên huấn, không phải ra mặt trận, không phải đối mặt với đạn bom. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 khi ấy đóng quân tại huyện Gio Linh, Quảng Trị, thuộc vùng giải phóng. Xưởng in báo Trường Sơn cũng chuyển quân vào xã Gio An cùng với phòng Tuyên Huấn, cục Chính trị. Nhiệm vụ của xưởng in là in Báo Trường Sơn cùng các tài liệu phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong thuộc Đoàn 559. Trong phòng Tuyên huấn, mối quan hệ của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, trong Ban biên tập báo Trường Sơn với xưởng in báo thân thiết hơn các phòng ban khác. Báo Trường Sơn hồi đó do anh Lục Văn Thao làm Tổng Biên tập, các phóng viên đều là các nhà thơ, nhà văn, nhà báo có tên tuổi như các anh Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Phạm Minh Lợi, Lê Đình Hy, Nguyễn Khắc Thiệu, Lê Thanh Tùng…
Hồi còn ở nhà chưa đi bộ đội, tôi đã từng xem bộ phim Người về đồng cói, một truyện ngắn của nhà văn Lê Lựu được dựng phim; nay gặp anh ở chiến trường, lại cùng phòng Tuyên huấn, cánh lính trẻ chúng tôi kính nể anh lắm. Tuy là nhà văn có tên tuổi, nhưng ở gần cũng thấy anh bình thường như những người khác, thậm chí còn có vẻ “nông dân” hơn là một anh bộ đội trí thức, một nhà văn. Theo cảm nhận của tôi ngày ấy thì người trí thức thường hay đeo kính cận, da trắng, nói năng nhỏ nhẹ… đằng này nhà văn Lê Lựu đã không đeo kính trắng, không nói năng nhỏ nhẹ, mà còn hút thuốc lào, ăn mặc cũng xềnh xoàng, đầu tóc lúc nào cũng quăn quăn rối rối. Dáng vẻ bề ngoài dân giã ấy của nhà văn khiến cho chúng tôi (các cô gái nhà in), thấy dễ gần anh hơn.
Tính cách nhà văn Lê Lựu cũng trầm trầm, khi anh đến chơi với chúng tôi cũng chỉ rủ rỉ trò chuyện về quê hương, gia đình. Thì ra đó cũng là cách của nhà văn tiếp cận với các nhân vật nữ thanh niên xung phong để viết cuốn tiểu thuyết Mở rừng mà anh đang ấp ủ… Qua những buổi trò chuyện ấy, nỗi nhớ nhà của chúng tôi, những cảm xúc ngày đầu mới vào chiến trường gian khổ ra sao, đều trở thành những chi tiết mà Lê Lựu quan tâm để thể hiện về những chiến sĩ gái ở Trường Sơn như chúng tôi ngày ấy trong tiểu thuyết của anh… Có hôm thấy nhà văn đến chơi, chúng tôi đề nghị anh kể chuyện Người về đồng cói, thế là Lê Lựu vừa là người dẫn chuyện, vừa thể hiện các nhân vật trong truyện cũng y hệt như trong phim. Chúng tôi lắng nghe, phục anh quá. Tôi nghĩ thuộc lòng đến 7-8 trang sách đã quá giỏi rồi, đằng này thuộc lòng cả mấy chục trang sách, lại vào vai bấy nhiêu nhân vật, thì quả là mình chưa gặp ai như thế. Anh kể chuyện rủ rỉ, giọng khàn khàn, thỉnh thoảng lại ngừng để hút thuốc lào vặt, vậy mà người nghe cứ say như điếu đổ...
Dạo ấy sinh hoạt với báo Trường Sơn, nhưng Lê Lựu không viết báo, anh là cán bộ của tạp chí Văn nghệ Quân đội vào Trường Sơn để thâm nhập thực tế sáng tác. Anh mới xuống các binh trạm và các đơn vị thanh niên xung phong ngoài mặt trận để viết phần đầu tiểu thuyết Mở rừng. Anh thường thức rất khuya, khi cả khu vực đã tắt ánh điện máy nổ, thì ở phòng của mình, nhìn qua cửa sổ sang phía dãy nhà anh ở vẫn thấy ánh đèn bão, và bóng nhà văn đang ngồi viết. Trong số 8 cô gái ở nhà in Trường Sơn ngày ấy, có lẽ tôi là người ham đọc truyện nhất và ít nhiều cũng có một chút vốn liếng văn thơ, vì thế tôi được anh Lê Lựu quý mến hơn. Biết anh thường thức khuya làm việc, nên buổi sáng dậy muộn, thế là buổi tối tôi thường rang cơm mang sang để anh ăn thêm về khuya. Hồi ấy ở chiến trường thức ăn cũng hiếm, thôi thì cơm rang mắm mỡ cũng ngon lắm rồi. Hôm nào khẩu phần ăn có thêm ruốc cá, thế nào tôi cũng dành một chút để rang cơm cho anh, nhưng đa phần chỉ là cơm rang mắm mỡ thôi. Sáng hoặc chiều, khi qua Ban biên tập lấy bản thảo cho báo, tôi lại ghé qua phòng nhà văn để thay lọ hoa cho anh. Cũng chỉ là vài bông hoa hái ven rừng hoặc ven bờ suối, thời ấy ở chiến trường kiếm được một lọ hoa cũng lãng mạn lắm. Có lẽ vì đọc nhiều truyện, nhiều thơ, nên chất lãng mạn trong tôi cũng có phần hơn những người bạn gái khác. Lọ hoa tôi tự tạo là chiếc cốc uống nước, còn hoa rừng thì chả thiếu, chỉ có hoa phong lan là không kiếm được, vì loại hoa này ở rừng sâu. Việc tôi rang cơm và cắm hoa cho nhà văn Lê Lựu, cả nhà in và Ban biên tập báo Trường Sơn ai cũng biết. Nó tự nhiên từ tình cảm người em quý mến người anh, từ tình cảm và sự ngưỡng mộ, kính trọng của một người yêu văn chương với các nhà văn, nhà thơ; và tôi cũng được anh và nhiều nhà văn ở Trường Sơn khi ấy quý mến. Anh Lê Lựu còn gọi tôi là “cô bé cơm rang”.
Cứ như vậy, trong mấy tháng trời, nhà văn Lê Lựu sống với các nhân vật và sự kiện trong tiểu thuyết Mở rừng. Cứ xong một chương hay một vài chương, hôm nào rỗi là anh lại sang gọi các cô gái nhà in đến ngồi nghe anh đọc truyện. Mà phải nói là anh kể chuyện thì đúng hơn, vì bằng trí nhớ, anh kể hẳn một chương, hoặc vài chương. Đã từng nghe anh kể Người về đồng cói, giờ lại nghe anh kể Mở rừng, chao ôi, trông con người ấy, củ mỉ, dân giã mà tài ba đến thế. Cả 8 cô gái xưởng in Trường Sơn ngày ấy đã trở thành những độc giả được đón nhận tiểu thuyết Mở rừng đầu tiên, từ khi nó còn trên các trang bản thảo. Và đó cũng là tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn Lê Lựu.
Thế rồi cuối năm 1974, nhà văn Lê Lựu trở ra Hà Nội, sau đó lại đi theo đoàn quân giải phóng vào chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Khi tạm biệt báo Trường Sơn, anh tặng mỗi cô gái nhà in một tấm hình. Riêng tấm hình tặng cho tôi, anh đề: Tặng “cô bé cơm rang”.
Năm 1998, tôi có tổ chức một buổi giới thiệu các ca khúc phổ thơ Nghiêm Thị Hằng. Trong số đồng đội cũ của Trường Sơn đến dự, có nhà văn Lê Lựu. Sau buổi biểu diễn, anh lên sân khấu tặng hoa cho tôi và xúc động nói: “Hơn 25 năm, một phần tư thế kỷ đã qua, tôi rất mừng vì cô bé rang cơm cho tôi viết tiểu thuyết Mở rừng ở Trường Sơn ngày ấy, giờ đã trở thành nhà thơ, đứng chung đội ngũ người cầm bút với chúng tôi...”
Thoáng đấy mà chúng tôi đã xa Trường Sơn trên 45 năm. Chiến tranh đã qua, một thời đạn bom gian khổ đã qua, cái còn lắng đọng lại chỉ là tình người, tình đồng đội. Thời gian càng lùi xa lại càng thêm gắn bó. Đó là tâm sự của những người lính Trường Sơn hôm nay.
Thế nhưng thời gian vốn có những quy luật nghiệt ngã của nó mà chẳng ai cưỡng nổi. Bao nhiêu đồng đội đã cùng nhau đi qua thời chiến tranh gian khổ, rồi lại cùng nhau đi qua năm tháng tuổi già. Nhiều người giờ đã về cùng tiên tổ, như các bạn văn nghệ sỹ ở Trường Sơn: Nhà báo Lục Văn Thao, Lê Thanh Tùng, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Trọng Khoát, nhà điêu khắc Minh Đỉnh, họa sỹ Vĩnh Phúc, Hoàng Đình Tài, nhiếp ảnh gia Vương Khánh Hồng… Tất cả cứ vắng dần, lặng lẽ dần, để lại những khoảng trống ngơ ngác trong lòng người ở lại, nhất là trong những dịp kỷ niệm, những buổi họp mặt để cùng nhau ôn lại những ký ức của một thời sôi nổi hào hùng như thế này…
Mới đây, vào đầu tháng 4 năm 2021, tôi đến thăm nhà văn Lê Lựu. Ông đã yếu lắm rồi. Nhà văn nằm liệt giường, không nói được gì, đôi mắt ông mờ đục hé mở khi tôi đến hỏi thăm. Có thể ông vẫn nhận ra tôi, nhưng ông không nói được… Bệnh tật nhiều năm rồi, nhà văn lực bất tòng tâm nằm đấy, với những năm tháng tuổi già, nhớ Mở rừng, nhớ Thời xa vắng với Thời loạn, và vẫn mơ về Sóng ở đáy sông...
Nhà văn chưa hết duyên nợ với đời, dẫu cuộc đời này cho ông lắm tài ba và cũng nhiều cay đắng.
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021