Mẹ trước là giáo viên cấp một. Bà được đào tạo theo lối, lớp mười cộng bổ túc chuyên môn, nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu giáo viên ngày ấy. Một hình thức đào tạo mà y cố hình dung cũng không tài nào mường tượng ra được các dấu vết còn sót lại. Gần hai mươi năm đứng lớp, bà xin nghỉ một cách khó hiểu. Để quyết định chắc bà phải rất cân nhắc đắn đo. Sau này y tò mò. Mẹ giải thích chung chung. Bà bảo mẹ lớn tuổi năng lực hạn chế so với thế hệ sau được đào tạo bài bản. Vả lại, càng ngày mẹ càng cảm thấy áp lực hơn từ phương pháp giảng dạy, chương trình sách giáo khoa, bệnh thành tích của nhà trường, của phụ huynh.
Rõ ràng, mẹ đối đáp chống chế, chưa thuyết phục y. Vế thứ hai tạm tin tưởng được. Chứ vế thứ nhất, năng lực hạn chế là cách nói trung tính để che giấu nguyên nhân thực đằng sau. Dạy vỡ lòng thì khó ở phương pháp và nhiệt huyết tận tụy yêu nghề. Đến giờ y chẳng nhớ nổi mẹ dạy y những gì. Bao nhiêu bạn bè trong lớp có ai bây giờ không biết đọc, biết viết, tính toán cộng trừ sơ đẳng đâu. Bài học đọng lại kí ức là bài học nói về ước mơ. Y nhớ tất cả các nghề nghiệp sang trọng như bác sĩ, kĩ sư, phi công, giáo viên…đều lần lượt phát ra từ những chiếc môi xinh xinh. Chưa biết chừng những ước mơ thuở bé thơ ươm mầm kế thừa thế hệ trước. Đến lượt, y phản xạ rất nhanh. Em thưa cô, lớn lên em muốn khám phá tại sao con người phải chết ạ? Mẹ y hơi bất ngờ. Bà gặng hỏi lần nữa. Đương nhiên khuôn mặt bà gợn chút lăn tăn. Một mơ ước kì lạ chăng? Câu trả lời khác biệt nhất bà từng nghe trong đời giáo viên. Bà, tất nhiên, vẫn giữ thái độ vui vẻ tôn trọng, khen ước mơ học trò. Về nhà, bà nhẹ nhàng hỏi lí do. Y nghĩ sao nói vậy. Trẻ con mà. Y thỏ thẻ, mơ ước dễ thuộc các bạn đã nói hết. Không lẽ lặp lại. Thế là y tìm câu trả lời khác. May thay, hình ảnh đám ma bố ông chủ tịch huyện xoẹt qua đầu y. Ông ta chết tuần trước. Thực tình, y nhớ đến những chiếc ô tô sang trọng cơ. Một đám tang nhiều ô tô và vòng hoa nhất nhì thị trấn. Y chạy từ nhà sang bên kia đường để ngắm, sờ lên những chiếc ô tô. Quả là nó cứng cáp, mát hơn so với những chiếc ô tô, máy cẩu đồ chơi góc nhà. Y toan nói về ước mơ liên quan đến ô tô. Nhưng y kìm được, ô tô xoàng quá, đứa nào chả biết.
Nhiều năm cô giáo xưa giờ là bà nội trợ. Bà nội trợ giữ thói quen lau dọn nhà cửa suốt ngày từ tầng hai xuống tầng một. Chân lỡ vấy bẩn nền gạch hoa men sứ, y như rằng bà cầm cây lau di di, miết miết đến khi thật hài lòng. Thỉnh thoảng y trêu mẹ, kĩ quá, sạch quá, soi gương được kìa. Bà xoay xoay chổi lau, nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm. Chứ không phải cuộc sống mẹ tẻ nhạt? Y hỏi. Không, không nhàm, mẹ sợ nhàn cư vi bất thiện. Mẹ đáp.
Y hoảng hồn tự nhủ, chết chưa, mẹ nhắc khéo y? Có thể, có thể. Bà muốn y kiếm công việc lâu dài. Công việc lâu dài ổn định, theo quan niệm người quê y, chắc chắn là công việc văn phòng. Nhìn nam nữ nhân viên văn phòng bao giờ cũng cảm tình hơn các kĩ sư cơ khí như y chẳng hạn, dù y chưa đi làm. Y suýt phì cười vì lối đánh giá sang hèn qua nghề nghiệp. Số là, một lần, họ y có cỗ cưới. Y phục vụ trong nhà bếp. Cô dâu đông bạn, chia làm nhiều tốp khác nhau như phần tầng giai cấp. Bạn làng xóm cởi truồng tắm mưa chơi chắt chơi chuyền. Bạn cấp ba. Bạn đại học. Bạn nơi làm việc. Tới phiên khách cơ quan, cô dâu biên chế một sở của tỉnh, tự dưng ai đó đưa ra sáng kiến mỗi mâm thêm đĩa thịt gà. Hỏi, người nọ bảo người kia. Không rõ chủ trương từ ai. Mấy anh em băm băm, thái thái đùa, khách xa trên tỉnh cần tiếp đón nhiệt tình, chu đáo. Y bụng bảo dạ, thêm đĩa thịt gà cho độ sang hèn vẻ ngoài ăn mặc, nghề nghiệp hay độ dày mỏng phong bì?
Nói đến dày mỏng là nói đến so sánh. Mà mọi so sánh đều là nguyên nhân đau khổ, ganh đua hơn thua ở đời. Y xác quyết điều này vì có vô vàn ví dụ thực tiễn sinh động. Tỉ như cuộc tình giữa anh họ y và cô tiểu thư con quan VIP hàng tỉnh. Anh ả yêu nhau thắm thiết lắm, đã tính tới chuyện kết hôn hẳn hoi. Ông anh phởn ra mặt. Nấc thang danh vọng từ đây vù vù thăng tiến. Đùng cái cuộc tình chấm dứt không kèn không trống. Ông anh chua chát, chia tay văn minh, chia tay không đòi quà, chia tay không đánh ghen ầm ĩ. Không biết anh lưu luyến mối tình hay nuối tiếc gia thế người đẹp. Dịp gia đình giỗ họ, một ông anh khác hiểu rõ ngọn ngành. Anh này oang oang chuyện kín, con ấy nó bỏ quân mình là đúng. Con ấy gia thế khủng, du học tây tàu đủ cả, súng nội pháo ngoại nó đều thử qua. Bên mình đủ đạn đáp ứng thế nào được. Mấy ông anh bà chị người nhặt rau, kẻ xiên thịt bấm bụng cười rinh rích.
Còn y loáng thoáng tưởng tượng. Lại so sánh. Cô người yêu anh họ nằm bên ta mà nhớ giường tây, tiêu tiền đồng lại mơ tiền đô. Đường tình đôi ta ngắn bấy nhiêu thôi. Bao ân tình đành phải chia phôi. Cớ sao nàng lại phụ tình tôi. Có lý. Y nghĩ.
Đường tình ngắn nhưng đường đời còn dài. Anh họ tự động viên mình. Y biết, người như anh thì thua keo này ta phải bày keo khác. Chú mới ra trường, ít kinh nghiệm, cần học hỏi nhiều nhiều. Ông anh nói bằng giọng tâm sự hay khuyên răn chính y không biết nữa. Y vốn tuýp người đểnh đoảng nên lời khuyên, bài học đạo đức thường vô tai trái ra tai phải. Chóng vánh đúng kiểu lời nói gió bay. Tất nhiên, lời anh họ, lời thiên hạ thì bay được. Còn lời bố thì não y luôn cài chế độ nhớ tự động. Bố ướm lời gợi ý.
-Tình hình anh xin việc đến đâu rồi?
Bố luôn bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách không thể trịnh trọng hơn. Đại từ nhân xưng “anh” ông dùng từ ngày y bé xíu. Lúc đó y thắc mắc rất trẻ con, tại sao bố gọi con là “anh”? Bố cười cười, con lớn hơn em, gọi anh là đương nhiên. Vì y nhỏ nên cách gọi thay kiểu ấy lạ hoắc. Giờ tiếng “anh” tự thân mang hàm nghĩa khác. Anh và tôi đồng nghĩa tư cách công dân ngang hàng, sòng phẳng. Anh và tôi đồng nghĩa với việc anh trưởng thành mọi mặt. Do đó, y trả lời bố hết sức nhã nhặn, đầy đủ chủ vị. Cách ứng xử, nói năng của những đứa trẻ được giáo dục cơ bản.
-Dạ, con đã nộp hồ sơ, phỏng vấn vài nơi nhưng họ bảo cứ chờ ạ.
-Chờ…Chờ là chờ đến bao giờ! Người ta nói vậy là nói khéo. Anh phải tự hiểu.
Giọng bố hơi hướng thiêu thiếu sự kiên nhẫn. Ông có vẻ dị ứng với việc đợi chờ. Một kết cục y ít mong muốn nhất. Y cố dùng thái độ con ngoan trò giỏi để hầu vớt vát khả năng khả quan trong việc tự do lựa chọn chỗ làm tương lai. Nhưng xem ra kết quả không như kì vọng. Bố vào ngay nội dung chính khi y vừa kịp phân tích giọng nói ông vừa xuất ra đằng khẩu.
-Anh lớn anh nên hiểu thời buổi nó thế. Xin việc thời nay đều dựa vào các mối quan hệ, tiền bạc. Anh cò phơ cò phất quan hệ không, trên răng dưới dép, kẹp sườn mỗi mảnh bằng, thử hỏi anh đi được đến đâu, ai tiếp anh?
Y ngẫm bố nói không sai. Không sai tức là y nghiễm nhiên bon bon trên vạch kẻ sẵn. Vạch kẻ sẵn rộng hay hẹp không quan trọng. Quan trọng đi trên đó an toàn. Về lí thuyết thì như thế. Y chưa tìm được lí do bác bỏ ý tứ bố. Trong đầu y, hoạt cảnh bố mẹ dắt ông con trai lênh khênh đi xin việc, là điều bất thường. Nếu gã bạn thân cùng lớp đại học phát hiện ra điều này, gã sẽ vỗ đùi đen đét, tưởng nào hóa thuộc loại phèn, phèn lắm. Một nhận xét ưa thích khi những trái khoáy cuộc đời đập vào mắt gã.
Cuộc đối thoại song phương không thể im lặng mãi. Y không nói thì bố y lên tiếng.
-Bây giờ anh nghe tôi. Ai cũng có ước mơ riêng mình. Giấc mơ thực tế là giấc mơ trong tầm tay. Anh đem hồ sơ tôi nhờ bạn tôi giúp. Nó không hơn anh đem hồ sơ rải vào may rủi à?
Dường như y không còn lựa chọn. Giả sử y găng lên, việc này để y tự quyết. Bố y sẽ nhân đà nổi xung. Biết đâu ông chẳng đang chờ điều này. Ông là người cực gia trưởng. Dù ông rất yêu thương vợ con. Với ông, tình yêu và sự phục tùng nằm chung giao điểm. Việc lớn việc nhỏ mẹ chưa khi nào trái ý ông. Ông nhất nhất một mình quyết tất. Càng lớn y càng nhận rõ tính cách đối ngược giữa hai người. Mẹ nhẫn nhịn cam chịu dựa bóng chồng. Miên man suy nghĩ, khó khăn lắm y mới bật ra điều nung nấu. Cảm giác lời nói bị chặn lại nơi yết hầu. Âm thanh trong trẻo mọi ngày trở nên khan đặc nơi cổ họng.
-Bố để con suy nghĩ thêm.
-Suy nghĩ gì nữa anh ơi. Tôi cho anh nửa năm rồi. Bác ấy giục đem hồ sơ lâu lắm rồi. Người có lòng như thế thời nay hiếm lắm. Người ta được cái gì nào. Chẳng qua bác ấy nể cái tình bạn lính năm xưa với tôi…bác ấy giúp.
Bác ấy ở trên là ông cựu binh. Hai người cùng đơn vị trong cuộc chiến biên giới phía Bắc. Ông cựu binh luồn lách phấn đấu thành ông phó sở. Y gặp ông ta cách đây hai năm. Hằng năm nhóm cựu binh năm xưa đều tổ chức liên hoan gặp mặt quay vòng từng nhà. Lần đó ở nhà y. Thú thật, ông ta không khác các cán bộ đương quyền mà y từng biết. Vẻ quan cách đi kèm từ giọng nói đến cái vung tay. Bố giới thiệu, ông lạnh nhạt bắt tay. Cái bắt tay lợn cợn hình thức xã giao. Cảm nhận ban đầu đã nhuốm mùi giả tạo. Song song việc bắt tay, ông đành hỏi thăm chiếu lệ: “Năm thứ ba cơ à? Nhanh đáo để. Ra trường về sở bác xin cho.” Tránh mất lòng ông và làm khó xử bố, y cố nặn nọt nụ cười phớn phở: “Cháu học cơ khí, trái ngành bác ạ.” Tinh thần dân túy đầu môi chót lưỡi của các chính trị gia lão luyện dễ lan tỏa thế sao! Y đổi chân sửa sửa tư thế đứng. À, y vẫn là gã sinh viên sắp ra trường. Ông ta tiếp tục động viên. Chính lúc này ông bắt đầu chuyển tông giọng. Cái phẩy tay, đầu gật gù tinh thần chỉ đạo cấp dưới: “Bằng nào cũng được, miễn có, chính qui đúng không? Quá tốt.” Y chưa kịp đáp lời thì chiến hữu lục tục kéo đến. Thủ tục đầu tiên là họ hồ hởi bắt tay chào ông. Tận mắt chứng kiến, y nhủ thầm, thời gian tám tiếng làm việc chắc chỉ đủ lãnh đạo ta đi họp và bắt tay.
Y thấy sợ khi nghĩ tới viễn cảnh làm việc dưới quyền những người như ông phó sở. Nhưng từ chối thẳng thừng lại chất chứa nguy cơ biến lòng nhiệt tình của bố thành nỗi thất vọng ê chề. Người như bố y không bao giờ chấp nhận thất bại đó. Phải câu giờ, phải hoãn binh. Đầu y phác thảo vô số giải pháp. Giải pháp là cách nói văn hoa, chứ thực tế y lựa lời diễn đạt sao cho lọt lỗ tai ông già.
Ông già ngồi tư lự, tay vân vê điện thoại. Những gì cần, ông đã nói hết. Y hiểu. Điều ông muốn là chính kiến rõ ràng từ miệng gã con trai. Không thể, làm không ra làm, chơi chả ra chơi. Ăn có bữa, chơi có thời. Khuôn mặt ông bố ẩn hiện thái độ lửa đốt, sốt ruột. Tâm trí bần thần, y nhấp nha nhấp nhứ cất lời. Mỗi lần y định nói toạc tâm tư thì dậy lên một nỗi sợ mơ hồ. Y hoàn toàn giống kẻ bị cấm khẩu.
Cuộc thử thách lòng nhẫn nại cuối cùng thúc thủ trước hồi chuông điện thoại. Nó bất ngờ phản chủ, ngẫu hứng reng reng reng hết sức vô duyên. Ông uể oải liếc màn hình. Mắt đăm đăm, khó chịu. Cuộc gọi không đúng lúc. Ông không thèm bắt máy. Ông loạch choạch nhắn tin. Trước khi đến một cuộc hẹn, y đoán, ông tranh thủ tạo một cuộc hẹn khác. Ông nhét điện thoại vào túi, ấn ấn nó xuống sâu hơn. Ông nói mà không nhìn mặt y.
-Anh nhanh chóng trả lời tôi việc này. Càng sớm càng tốt. Người ta không có thời gian chờ, chưa kể cái này là mình phụ thuộc người ta.
Tiếng xe ông xa dần. Y thở phào nhẹ nhõm. Thời gian trôi chậm đến mức y tưởng nó bị đóng băng thành khối. Bỏ tiếng xe ra khỏi đầu, y loay hoay biện pháp đối phó.
Khổ nỗi, ngày nhận bằng y nảy ra ý tưởng thực hiện một chuyến “gap year”. Nôm na đó là học sinh cấp ba hoặc sinh viên mới tốt nghiệp bỏ hẳn một năm để trải nghiệm những gì mình muốn. Quá trình trải nghiệm gắn với việc vừa làm vừa chơi. Làm ưu tiên hơn chơi.
Y chia sẻ kế hoạch với một số bạn. Đa phần im lặng. Im lặng trong trường hợp này là không tán thành. Vài đứa quả quyết y hâm dở. Y thực sự hoang mang, bối rối. Bạn bè nhìn nhận dự định như thế thì mong gì bố y đồng ý. Một cuộc phiêu lưu tốn công, vô ích. Xác suất lớn bố y chủ trương kết luận vậy.
Giả định bố phản ứng nhẹ nhàng trước. Còn nặng hơn y không dám dự đoán. Căn tính gia trưởng và quyền lực chủ sự gia đình ông đời nào chấp thuận những yêu sách phù phiếm từ vợ con. Lối hành xử ấy liệu mang bản chất di truyền? Và liệu các thành viên khác có phát tiết? Chắc là có.
Chuyện bà chị họ, con ông bác y, là một điển hình nhỡn tiền. Chị gần ba mươi mà chưa lấy chồng. Ấy là một sự lạ ở thị trấn bé tẹo này. Thị trấn thoát thai từ một làng trung du bán sơn địa. Tên gọi không thể nào gột rửa sạch các dấu vết đặc trưng làng Việt. Hương ước, lệ làng, gia phong thấm nhuần từng gia đình, dòng họ. Dòng họ y không ngoại lệ. Gia đình tổ chức bất cứ đại sự hiếu hỉ hay tiểu sự cỗ bàn tân gia giỗ chạp thôi nôi đầy tháng đều tuân theo qui trình định sẵn. Mục thứ nhất: họp gia đình.
Lúc nhận tin nhắn họp gia đình, y đang thảnh thơi chuẩn bị nhập tiệc rượu. Mới mồng bốn Tết ta. Y thắc mắc họp gì không biết. Thắc mắc thì cũng phải về. Lệ là vậy. Bước chân chưa qua hết cổng, thấp thoáng bóng bố mẹ, các bác các chú và các ông bà tiên chỉ trong họ. Đông đủ cả.
Lựa chọn khả dĩ - Truyện ngắn của Đào Văn Hợp |
Ông trưởng chi đứng lên ý kiến ngay. Được sự ủy quyền ông thay mặt hai bác y mà phát biểu rằng. Sở dĩ có buổi họp hôm nay là việc chẳng đặng đừng. Con gái hăm tám tuổi chưa lập gia đình cầm chắc ế. Các cụ dạy, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Bằng tuổi chị con các bạn đồng trang lứa rục rịch học cấp hai. Ông trình bày xong thì ông hỏi ý kiến chị thế nào. Chị từ tốn lễ phép thưa. Lối thưa gửi vâng dạ bệnh nghề nghiệp giáo viên. Thưa các ông các bà, thưa bố mẹ, thưa các bác các bá, thưa các cô các chú, cùng toàn thể các anh chị em. Cháu biết chuyện hôn nhân gia thất của cháu gây mất thời gian và làm phiền mọi người. Cháu thành thật xin lỗi, nhận khuyết điểm và hứa sớm khắc phục tình trạng độc thân. Hơn nữa, chuyện vợ chồng lấy nhau nó là cái duyên cái số nên…Nghe đến đây, ông trưởng chi ngắt lời chị. Thôi thôi chị ơi, duyên tình phận số là cái lúc mười tám đôi mươi kia. Chị không chọn được, chúng tôi sẽ huy động cả họ kén giúp chị.
Để tăng tính quan trọng, cuộc họp biểu quyết chị phải viết biên bản xác định thời điểm kết hôn. Sau thời điểm trên, nếu tình trạng hôn nhân không tiến triển, việc chị lấy ai dứt khoát do cha mẹ, gia đình sắp xếp. Chị hết quyền phản đối. Chị lí nhí dạ vâng cháu xin nghe. Một đất nước tỉ lệ đi bầu, tỉ lệ đồng thuận trong các kì bầu cử, thông qua các dự luật, các chính sách quốc kế dân sinh luôn đạt ngưỡng ngất ngưởng hơn chín mươi phần trăm thì tiếng nói phủ quyết yếu ớt thiểu số như chị là việc ném đá ao bèo.
Ông trưởng chi đọc đi đọc lại biên bản. Thiếu thiếu cái gì. Mãi một lúc ông mới nhớ, cần chữ kí người làm chứng. Ông trỏ y, anh kĩ sư ngoạc mấy chữ vào đây. Một sự phân công làm chứng hợp tình hợp lý. Y là em con chú con bác với đương sự. Y gãi tai, viết cái gì, viết thế nào cháu đâu có kinh nghiệm. Mọi người nhao nhao, đại ý, tôi tên này xác nhận biên bản này do người này viết. Y bảo thế thì được. Y nắn nót. “Tôi tên Phí Bính Thìn, 22 tuổi. Quan hệ: Là em của người lập biên bản. Tôi xin cam đoan chị Phí Thu Hoài là người thảo bản cam kết này. Đồng thời, tôi xin xác nhận chị Hoài viết biên bản trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo và có đầy đủ nhận thức về quyền nhân thân cá nhân mình. Kí tên: Thìn. Phí Bính Thìn.”
Y run run cầm biên bản đọc đoạn vừa viết. Tờ giấy học trò thân quen nhẹ bẫng rung rung trên tay. Những hàng chữ ngả nghiêng dưới ánh đèn vàng vọt. Y thở sâu, cố gắng phát âm rõ từng chữ. Càng cố kìm nén thì tiếng cười càng muốn bung ra. Bởi cha sinh mẹ đẻ y mục sở thị cuộc họp độc nhất vô nhị. Không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào, khi đọc đến Phí Thu Hoài, y dừng giây lát, chêm thêm rằng tên thường gọi ở nhà là Phí Hoài. Một ông tiên chỉ ngẩn người rồi giật mình. Ông đỏ mặt đập bàn, anh không được hỗn, anh bỏ ngay chữ Phí Hoài đi cho tôi, đã Phí còn Hoài, anh ám chỉ họ ta điều gì? Đây không phải trò đùa trẻ ranh con nít của các anh các chị. Y rối rít cháu xin lỗi, cháu nhỡ mồm.
Ông bác y thiết lập thành công một tiền lệ. Vậy chả có lí do gì cha y không tiếp bước. Phản đối quán tính sắp đặt từ phía phụ huynh quá ư mạo hiểm. Áp lực là một cuộc họp gia đình. Cảnh cả họ đọc biên bản bà chị khiến y muốn độn thổ. Đất trời như sụp dưới chân y.
Y phải tìm đồng minh. Đồng minh để giải tỏa yếu tố tâm lí. Y nhớ đứa em gái. Ô, nhanh thật, nó đã vào đại học. Không được, y lẩm nhẩm. Cái đứa nữ sinh năm nhất nhốt mình online trong phòng cả năm khéo còn làm cho sự việc be bét thêm. Cái đứa đầu chứa toàn tích phân đạo hàm ô mê ga phi tê cộng bình phương, cái chân chưa ra khỏi thị trấn làm sao dung nạp được khái niệm “gap year”. Dáng ngồi học rung đùi ăn xoài xanh muối ớt mới ngứa mắt làm sao! Dẹp đồng minh này qua một bên cho nhanh.
Vẫn còn người y có thể tâm sự. Mẹ. Người giáo viên vỡ lòng, bà nội trợ lầm lũi lau hai tầng lầu ngày ngày. Y nói hết những điều dự tính. Mẹ nghe, gương mặt thoáng buồn. Nỗi buồn biến thành những giọt nước mắt. Mẹ khóc. Y lúng túng không thốt nên lời.
Mẹ khóc một lúc thì kể y nghe chuyện đột ngột bỏ nghề. Bí mật phủ bụi thời gian dần dần hé mở. Một sự thật làm y ngỡ ngàng. Hóa ra ngần ấy năm trời mẹ đơn độc âm thầm chịu đựng.
…Ngày đó mẹ được đánh giá là một giáo viên giỏi, triển vọng. Sau nhiều năm cống hiến, mẹ được cử đi học lớp quản lí. Người ta có hướng đưa mẹ lên hiệu phó. Thời kỳ đói kém, lương giáo viên ba cọc ba đồng, phương tiện giao thông khó khăn, mẹ miễn cưỡng đi nhờ xe nam đồng nghiệp xã bên. Rồi bố con nghe thiên hạ gièm pha, dị nghị. Ông bắt mẹ lựa chọn giữa công việc và gia đình. Mẹ van nài bố con đến hết nước mắt nhưng không lay chuyển được ý chí ông. Mẹ không chịu nổi cảnh các con tan đàn xẻ ghé nên buông xuôi chấp nhận…
Y thương mẹ quá. Bao năm mẹ là cái bóng bên cạnh cha. Thực chất, mẹ sống là cái bóng chính mình. Mẹ lặng lẽ buộc chân giam mình quanh chiếc cầu thang mười bảy mét chiều dài. Y phải khác. Y là thằng con trai. Không bao giờ y chịu dẫm vào vết xe của mẹ. Đến đây, y bất giác đứng thẳng. Hai tay y dang rộng ôm lấy đôi vai mảnh mai người giáo viên năm nào. Đôi vai gầy từng nhịp nức nở. Y cảm thấy mình thật khác. Không phải y khác mà xứ này lạc lõng. Xứ sở mệnh danh duy tình, thế mà hiếm khi những đứa con bày tỏ tình cảm trân quý cha mẹ bằng những cái ôm hôn thân thương.
Mẹ vẫn khóc. Nước mắt thấm đẫm vai áo y. Trong nước mắt nhạt nhòa, mẹ dặn y: “Mẹ ủng hộ mọi lựa chọn của con. Nhớ, là người tử tế, làm việc hợp pháp.” Y gật gật đầu.
Thoát khỏi trạng thái xúc động, y nhận ra vai áo ươn ướt. Nước mắt mẹ. Phép ngầm so sánh vụt lóe. Y mắc cái tật lạ. Bất kì vui hay buồn, gặp một sự vật hiện tượng đặc biệt, y liền phóng trường liên tưởng sự vật hiện tượng tương đồng khác.
Nước mắt mẹ. Nước mắt anh họ. Rõ lẩn thẩn. Ông anh họ trung thành phương châm sống: sóng gió phủ đời trai, tương lai nhờ đằng vợ. Thất bại mối tình con quan VIP hàng tỉnh, anh chuyển gu sang con doanh nhân đại gia. Anh tăm tia. Anh lật tung thị trấn. Rồi anh cầu được ước thấy. Con gái ông chủ tiệm vàng to nhất thị trấn thỉnh thoảng giúp mẹ bán hàng, lọt vào mắt anh. Anh dùng chiêu đưa mẹ tới mua vàng chỉ để tiếp cận làm quen. Đỉa bám lâu da trâu cũng rách. Anh toại nguyện. Nói chính xác cả hai bên đều tìm thấy cái thiếu của mình ở nửa kia. Anh được làm rể nhà gia phú hào môn. Chị kiếm được chồng học hành, công danh tươm tất.
Ngày cưới, cô dâu chú rể trao nhau nhẫn cưới trong tiếng nhạc, tiếng la hét chúc phúc trăm năm. Chị cầm ngón tay anh, nhẹ nhàng đeo nhẫn. Anh cứ thế tồ tồ nước mắt tuôn rơi. Một sự lạ đời vô tiền khoáng hậu. Cả hội hôn hai họ ngơ ngác nhìn nhau. Không ai hiểu sao chú rể lại khóc. Người ta liên tục đưa cô dâu khăn mùi xoa. Đám thanh nữ bạn cô dâu ngồi ngay hàng đầu. Hôm nay các nàng được dịp xem phim ngôn tình cận cảnh. Giọng nữ vút lanh lảnh: “Eo ôi, nhìn chú rể khóc muốn cưng chết đi kìa. Cô dâu hạnh phúc nhất nhá.” Lại giọng nữ cao chót vót: “Ôi, mẹ ơi, nhìn tân nương chấm chấm nước mắt tân lang muốn rụng tim quá trời. Cứ như phim Hàn í.”
Y đứng một góc cười mỉm. Đơn giản y biết tỏng vì đâu chú rể khóc. Ông anh họ lõi đời thực dụng khóc vì đống của hồi môn trên người cô dâu. Nó vượt xa số lượng anh phỏng đoán ban đầu. Nhất là giá vàng đang đà lao về cực đại.
Lựa chọn theo bố, hoặc noi gương theo anh không phải quan điểm y sống. Bởi y sinh ra tự có lựa chọn của riêng mình.
Nguồn Văn nghệ số 22/2022