Sáng tác

Nỗi nhớ mùa xưa. Tản văn của Ngọc Khánh

Ngọc Khánh
Tản văn
08:00 | 21/11/2024
Baovannghe.vn - Chân trời xưa thăm thẳm không còn nữa. Dốc Đình gần phố, gần sông, gần ruộng, giáp đồng, sớm chiều rau quả, cá tôm theo bàn chân trần lấm lem tụ họp, lâu ngày, người đâu đổ về thành xóm chợ...
aa

Trước cửa nhà mẹ đã từng có chân trời.

Xóm Chùa, Dốc Đình ngày ấy gần chục nóc nhà quấn túm lấy nhau, dựa lưng vào gốc đa cổ thụ, quay lại sau lưng là chùa cổ, sẫm bóng cây quéo già. Còn trước mặt là ngã ba, không nhà cửa, chỉ thấy thăm thẳm đồng bãi tiếp trời.

Sông lan vào sát nhà, chia nhánh gót thành hai hồ lớn. Sóng oàm oạp phù sa lùi lại sau ruộng vườn để lại ở cửa ngõ thị xã hai hồ sen mênh mông một trắng, một hồng. Mùa hè mở cửa ra là thấy sen trùng trùng trước mặt. Trong lá xanh mướt mát, sen hồng nao nức như bình minh chín cuối hè, sen trắng thanh tân như giọt mây trời vừa rơi khi mê mải từ cuối xuân vào hạ. Hai dòng sông hoa bình yên mở cửa vào thị xã - thị xã nhỏ, hiền nằm ngoan trong vòng ôm của dòng Thái Bình vời vợi phù sa. Làng trong phố, đê giữa phố và người quê của phố. Lũ trẻ Xóm Chùa sáng đi học, chiều vớt bèo lợn, vớt tóc tiên, rong đuôi chồn, rồi tụ lại trên con đường rải sỏi giữa hai hồ sen vào bệnh viện Đông Y - bệnh viện nhỏ cũng hiền, trầm tư trong bóng lá xanh miên man đủ màu của thầu dầu cô tiên, của thảo quyết minh, của ké hoa vàng... để kèo nhèo, nằn nỉ: "Ông ơi! Cho con xin một bông đi mà!"

Hồ sen của bệnh viện, ông là bảo vệ nên quản luôn cả hai hồ sen ấy. Cái bóng gầy lủ khủ, đội nón vá quẩn quanh bên đầm sen cao lút đầu quen đến nỗi bây giờ cứ trông thấy sen là lại nhớ tới người. Chỉ cần xin một bông thôi là cũng đủ chuyền tay nhau đến tận cuối chiều.

Đã có thời trước cửa nhà mẹ là chân trời.

Nhưng chân trời ấy biến mất từ khi những chiếc xe ben đầu tiên rùng rùng kéo đến trút cát, lấp lòng hồ. Đúng mùa sen. Ơi lá xanh mướt mát, ơi nụ hồng bình minh, ơi nụ trắng mây trời, ơi những chiều tụ hội, ơi cái dáng gầy khòng mùa đông trần mình làm cỏ, mùa xuân gieo thêm hạt ở những khoảnh trống vụ rồi... Tất cả bị chôn vùi trong cát mãi mãi không hẹn mùa sau. Có đứa trong lũ trẻ đứng thẫn thờ với ông chiều ấy đến tận bây giờ, trong mơ, vẫn thi thoảng nghe sen khóc gọi tên mình.

Thế là một nửa chân trời hồ bên kia bị chặn bởi tòa nhà cao tầng xây vội, nửa chừng bỏ dở, sắt thép, gạch đá ngổn ngang, đen xì, xám xịt, hoen rỉ màu rêu. Nửa chân trời bên này bị chắn bởi dây thép gai và xám trơ màu cát. Trông nắng hừng hực và nghe cát cuốn theo gió thốc, lại xót xa nhớ mùi hương ngọt, nhớ nước trong văn vắt, nhớ nụ trắng, nụ hồng.

Từ khi lấp hồ, thị xã nâng cấp lên thành phố. Bọn trẻ Xóm Chùa ngày ấy phiêu tán chẳng lúc nào quần tụ đủ. Chỉ còn những người già ở lại, đôi lúc bâng quơ kể: "Ngày xưa, chỗ này từng là hồ sen".

Nói vu vơ thế thôi chứ lấy gì làm bằng chứng. Chỗ này bây giờ là bãi đỗ xe, là mấy ngân hàng chi nhánh hóng mặt ra ngã ba đón khách, là cửa hàng xe máy, xe đạp điện trơ mặt giữa nắng hè, là dãy kiốt căng tấm biển cho thuê hết mùa này sang mùa khác. Chân trời xưa thăm thẳm không còn nữa. Dốc Đình gần phố, gần sông, gần ruộng, giáp đồng, sớm chiều rau quả, cá tôm theo bàn chân trần lấm lem tụ họp, lâu ngày, người đâu đổ về thành xóm chợ. Chỉ cần mở khóa, kéo ngang cánh cổng là thấy chợ chắn trước mặt mình. Người Xóm Chùa mở cửa mưu sinh, người xa đến thuê nhà, thuê vỉa hè dựng quán. Chợ cóc nhỏ nuôi bao người ăn theo. Hàng đậu phụ từ Hà Nam tìm đến. Chồng loanh quanh bốn mùa trong căn nhà tạm lợp tôn với lò than rừng rực sau thềm. Vợ phàn nàn với khách đủ điều. Ba mẹ con bán hàng khô chụm đầu vào cái điện thoại bắt nhờ wifi nhà chủ, xem ảnh bố ở đồn biên phòng Nậm Luộng mới gửi về. Mải mê và hối hả, chắc chẳng ai mong một ngày chợ biến mất để trở về con đường nhỏ với hồ xưa.

Nhưng không hẳn thế.

Mấy hôm nay, trước cửa nhà mẹ xuất hiện thêm em gái bán đồ ăn sẵn. Trẻ trung nhưng lam lũ, thoăn thoắt viên chả cá, gói nem quay quanh mấy chảo dầu liu riu. Ngày xưa ở đây có cái hồ sen. Em ở tận đầu kia thành phố mà thỉnh thoảng vẫn được bố cho ra đây chơi. Hồ đẹp thế mà lấp đi. Sao người ta không thấy tiếc? "Nếu không lấp hồ lấy đâu ra chỗ em bán hàng bây giờ?". "Không lấp hồ có lẽ khác chị ơi!"

Ừ có lẽ! Nếu không có tiền đền bù, mẹ chồng em vẫn chỉ quẩn quanh vườn ruộng với mớ rau, cái hến. Bố chồng em không đủ tiền mua cho hai con trai hai chiếc tắcxi để làm ăn chứ còn đâu ruộng vườn mà bám víu. Khách chẳng thấy, chỉ thấy một đứa cờ rong bạc xới, một đứa nghiện oặt xà lai. Nhà cửa bán, người nhà tứ tán. Chỉ còn em - cô con dâu bám lại nơi này và hôm nay nhắc chuyện ngày xưa.

Những chân trời xưa ơi, sen nở có mùa nhưng lòng người chờ sen nở không mùa. Sen có tuổi mà tình người nhớ sen xưa không tuổi. Đầm sen rực rỡ, thanh tân tưởng đã ngủ yên trong lòng thành phố nhưng đêm đêm vẫn nương theo kí ức tìm về. Để chiều nay trong gió bấc đầu mùa, trong mưa rây chéo mặt, có ít nhất hai người ngồi bên thềm đông mới nhớ mùa xưa...

Nỗi nhớ mùa xưa. Tản văn của Ngọc Khánh
Tranh Vietnamartisy.com
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn