Lần đó về Hà Nội, tâm tư khuấy động, tôi quyết định quay lại nơi tôi đã từng trọ xưa kia. Khi phóng xe băng qua ngã tư mà giờ đây đã rộng và khang trang hơn, tôi bỗng giật mình thấy hình như vừa thừa vừa thiếu một cái gì đó. Tôi dừng hẳn lại, ngắm nhìn khu phố sầm uất đồ sộ này, bởi cách đây một thời gian, nó không hẳn thế.
Vâng phải rồi, tôi thấy vắng bóng cái quán be bé quen thuộc ngày xưa nơi góc phố ấy, có cây bàng mới lớn nhưng tỏa bóng rộng vào mùa hè, nơi có bà cụ già hom hem ngồi bên bậu cửa. Dân chúng trong khu phố này đều đã quen với hình ảnh ấy. Người ta dường như cũng quên hẳn tên thật của bà, mà chỉ còn giữ lại cái tên dễ nhớ : Bà già mài dao. Vì bà vốn làm nghề mài dao kéo. Nhưng tôi thơ mộng hơn đặt cho bà biệt danh «Người đàn bà cầm dao».
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Bà quê quán ở đâu, chẳng ai biết rõ. Bà chưa già lắm, chỉ độ trên dưới sáu mươi, nhưng cuộc đời chắc lam lũ và khốn đốn khiến bà hom hem. Thời gian tàn phá đánh dấu trên khuôn mặt bà bằng vô vàn nếp nhăn chằng chịt, khắc khổ. Con phố sầm uất này trước đây vốn là một bãi rác, là một khu chứa chấp các thứ tệ nạn, nghiện ngập, trộm cắp, ca-ve… hay còn là nơi dành cho người tứ xứ phiêu bạt lên Hà thành không nơi nương tựa và người ta quen gọi là Xóm Liều.
Trong mắt tôi ngày ấy bà là một người phụ nữ đầy huyền bí và tôi quyết định tìm hiểu. Nên tôi hay ghé quán bà mài dao, đôi khi chỉ là cái cớ để có dịp hỏi chuyện. Quán của bà cũng là nơi trú ngụ chỉ vẻn vẹn vài mét vuông, được kê mấy tấm ván vừa làm nơi tác nghiệp, vừa làm chỗ ngả lưng, thậm chí làm bếp nấu nướng khi trời mưa và chỗ ngủ khi đêm về. Trong nhà chẳng thứ gì đáng tiền. Sau nhà trống hoang xếp vài xô chậu lủng củng, thi thoảng ta thoáng thấy khách qua đường vào đó tiểu tiện… Bà ít kể chuyện mình, nếu có chỉ là những cái gật lắc hờ hững. Bà hình như không còn muốn nhớ đến những năm tháng quá khứ mỏi mòn của mình. Ấy thế mà thi thoảng, trong những buổi trưa hè lặng vắng, trước lời thủ thỉ của tôi thì vừa mài dao bà vừa tâm sự với tôi bằng những dòng kể đứt quãng mà qua nhiều lần được nghe, mỗi lần một chuyện, một mẩu đời, và tôi cố chắp thành một câu chuyện.
Bà sinh ra trong một miền quê đầy nắng và gió. Những cơn gió Lào mùa hè thổi thốc đến khiến cho làn da thiếu nữ mau hanh khô. Mồ côi cha mẹ, lớn lên bà đi thanh niên xung phong. Sau một thời gian cô thanh nữ được phân công về trông kho trong một khu rừng già ở Trường Sơn. Tiểu đội có năm cô gái đến từ nhiều miền quê khác nhau. Trong rừng, những ngày không tiếp các đoàn bộ đội hành quân qua thật buồn. Ban ngày sau những lúc kiểm và dọn kho thì thay nhau ra suối tắm, lấy mặt suối làm gương, rồi xa xót khi thấy những sợi tóc dài đen nhánh rụng xuống sau mỗi lần gội đầu, họ buồn bã thấy mái tóc mình cứ mỗi ngày một mỏng dần, chỉ có làn da như trắng thêm và mang màu tai tái của rừng… Chiều hoàng hôn gây bâng khuâng khi những đàn chim cất cánh về tổ, thả xuống đầu các cô những âm thanh rời rạc. Đêm đến mới lại càng âm u giữa miền rừng sâu thẳm này. Đêm đặc quánh mà không được phép đốt lửa vì sợ máy bay thám thính địch. Các cô tận dụng những đêm trăng sáng để mang đàn ra chơi. Tiếng đàn bập bùng thánh thót trầm bổng ngân vang, len lỏi qua các cành cây vách đá rồi lẩn mất hút sau những sườn núi xa xa, để lại các cô gái mới lớn bất chợt rùng mình nhìn sững nhau rồi ôm mặt bật khóc…
Lần ấy có một đoàn bộ đội hành quân qua và anh đang bị ốm nặng, các đồng đội phải cáng đi, nên khi đến trạm các cô, Đại đội trưởng đã quyết định để anh ở lại trạm chữa bệnh và dưỡng sức. Qua những cuộc trò chuyện giữa hai cơn mê sảng, cô gái phát hiện anh là người cùng huyện với cô. Anh có chiếc răng khểnh nên lúc nào cũng như cười, rất duyên, ngay cả khi anh nhăn mặt do cơn đau hành hạ. Dưới bàn tay chăm sóc của những cô gái, anh dần hồi phục. Và các bạn nữ cùng trạm thường dành cho họ những giây phút riêng tư hơn kể từ khi biết hai người là đồng hương…
Có anh, trạm vui lên biết bao nhiêu, tiếng hát đồng ca nam nữ của họ vui hơn, hoành tráng hơn, tiếng đàn cũng nhộn hơn và không còn bay quá xa nữa, chúng hình như vang đi rồi lại quay về quần tụ quanh họ. Nhất là Anh và Chị, mắt họ luôn tìm nhau, trao nhau những cử chỉ thiết tha trìu mến. Sau những lời ca tiếng hát, đám bạn nữ biết ý tìm cớ lảng dần, chỉ còn lại Anh Chị. Hai người ra bờ suối gần lán tâm sự và điều gì phải đến đã đến. Chị đã trao cái «ngàn vàng» cho Anh. Anh say đắm.
Sức khỏe đã hồi phục, anh lên đường và hẹn ngày gặp lại. Họ trao nhau địa chỉ, anh còn hẹn khi trở về sẽ đến quê tìm chị. Sau đó họ viết thư. Chị ngất ngây mỗi lần nhận được những bức thư nồng cháy của anh nhưng rồi những lá thư được gửi đến cứ thưa dần, rồi cả năm chị không nhận được lá thư nào. Thời gian trôi. Không biết bao lâu. Các cô gái chỉ còn biết nhìn màu lá rừng đoán mùa sang. Bỗng một hôm có một đoàn cán bộ quân đội đến thông báo với các cô rằng chúng ta đã chiến thắng, họ đến tiếp quản những kho hàng và các cô có thể hồi hương...
Niềm vui vỡ òa, những người bạn hân hoan chuẩn bị đồ đạc. Chị thì không, nỗi ưu tư tràn ngập lòng khiến chúng toát ra trong ánh mắt, hiện rõ trên khuôn mặt. Tách khỏi đoàn, chị thẫn thờ đến ngồi bên bờ suối. Hình ảnh mảnh mai của cô gái im lìm bên suối vắng trong buổi hoàng hôn chạng vạng giữa núi rừng mới thê thương làm sao, đến nỗi người cán bộ trưởng đoàn đã đứng tuổi, sau khi giải thích những công việc cần làm cho những người dưới quyền, cũng bước theo chị. Cô gái trẻ kia chỉ đáng tuổi con gái ông…
- Chú ấy tên là Đán cháu ạ, Nguyễn Đình Đán! – Bà bỗng ngẩng lên nói với tôi. Tôi linh cảm rằng người đàn ông này chắc hẳn quan trọng đối với bà.
«Chú ấy đến cạnh bà và cũng ngồi xuống, tay nhổ mấy ngọn cỏ bên cạnh, thi thoảng liếc nhìn sang bà… » Bà kể tiếp với tôi. Bỗng người lính già choàng tay qua vai cô gái, ghì nhẹ:
- Cháu có nỗi niềm gì, kể chú nghe?!
- Con khổ lắm chú ơi… !
Cô gái trẻ bỗng òa khóc và gục đầu vào vai người sỹ quan già. Cô bỗng thấy thật ấm áp. Cô cảm nhận được một thứ tình cảm mới lạ, đầy tin tưởng. Bao nhiêu nỗi niềm nhớ nhung, buồn thảm, uất ức cứ theo dòng nước mắt và những tiếng nức nở chảy ra ngoài. Người sỹ quan thoạt đầu cứ để yên cho cô khóc. Chừng thấy cô đã nguôi ngoai, ông đẩy nhẹ cô gái ra và nhìn thẳng vào mắt cô. Như được cổ vũ, cô bắt đầu kể cho ông nghe mối tình gần như tuyệt vọng của mình với Anh ấy, tên Nguyễn Tuấn H. a3, b5, c3… binh chủng…, «Anh ấy đang học dở Khoa Chế tạo máy trường Đại học Bách Khoa thì tòng quân chú ạ. Anh ấy đã kể cho con nghe những ước mơ. Anh muốn chế tạo những cố máy để cải thiện nghề nông, rằng những cỗ máy sẽ thay thế những con trâu, những cỗ máy tuốt lúa, những cỗ máy cấy để các bà các cô không còn vất vả nữa... Vâng con còn nhớ tên anh Đại đội trưởng của anh ấy là…», - chị nói thêm và đứng dậy!
- Con muốn chỉ cho chú xem chỗ này…
Người sỹ quan cũng đứng lên theo. Chị dẫn ông đi khá xa khỏi lán, đến bên một gốc cây to, cạnh đó có một mô đất hơi nhô cao, ngồi sụp xuống bên cạnh, chị nói :
- Đây chính là giọt máu của con và Anh ấy…
Người sỹ quan già giật mình. Chuyện đã đi xa đến vậy sao? Như đoán được suy nghĩ của ông, chị kể tiếp :
- Sau khi anh ấy đi, đến kỳ thì con không thấy nữa ! Lúc đầu con nghĩ là do ở rừng lâu nên có lúc rối loạn, trước đây cũng đã có tháng con bị như vậy, nên con không thực sự cảm thấy lo lắng. Tháng thứ hai qua đi, cũng không thấy… Và con bắt đầu có triệu chứng thích ăn đồ chua và nôn ọe… Bạn bè xúm lại hỏi, con giấu biệt và cố tỏ ra bình thường. Con cố ép bụng cho nhỏ lại, và con đã tự xây dựng một dự án cho riêng mình: Con sẽ giữ lại đứa con của anh ấy! Đến lúc mà không thể giấu được nữa, con sẽ đi khỏi đây! Con sẽ không về quê, mà sẽ tìm đến một bản làng nào đó, sinh con và nuôi lớn, nhất định anh ấy sẽ đi tìm mẹ con con… Nhưng rồi mới đến tháng thứ năm, hôm đó do thích ăn mấy trái chua, mọc trên cây nằm cheo veo trên vách đá, con đã cố nhoài ra hái, và đã bị ngã…, - chị lại bật khóc nức nở, rồi kể tiếp cho ông nghe những gì đã xảy ra và mình đã làm gì sau đó.
Người cán bộ quân đội cao cấp ngước nhìn bầu trời đang tím dần, những vì sao li ti nhấp nháy chạy quanh vầng trăng non… Ông thấy cám cảnh cô gái trẻ quá! Cuộc chiến tranh này, có hàng ngàn những cô thanh niên xung phong, trường hợp của Huệ có lẽ không phải là duy nhất. Ông nghĩ đến tương lai của cô, kỷ luật quân đội vốn rất khắt khe. Vả lại, cô gái trẻ này hình như vẫn chưa lường được những gì sẽ xảy đến với cô trong chuỗi ngày sắp tới đây.
- Chú ơi, chú cho phép con ở đây thêm một thời gian nữa, có thể lá thư anh ấy đã gửi sắp được chuyển tới, hoặc có thể trên đường quay ra, anh ấy sẽ ghé đây tìm con… Vả lại, con cũng không muốn xa nấm mồ nhỏ này! – chị nói và ngước cặp mắt nhìn ông như cầu khẩn.
Người sỹ quan cũng ngồi xuống cạnh nấm mộ, nhặt vài hòn đất đắp cho cao thêm rồi trầm ngâm nói :
- Tất cả những gì cháu vừa kể đây rất nghiêm trọng. Chú muốn rằng chú là người duy nhất được nghe câu chuyện này, và có thể là Anh ấy nữa, nếu chúng ta sẽ tìm lại được…, cháu hiểu chứ hả? Chuyện đâu còn đó, dần dần tính. Để chú…
Cô gái nhìn người sỹ quan già bằng ánh mắt hàm ơn, rồi gật đầu!
- Cháu biết không, cả đêm ấy, chú Đán đã hầu như không ngủ, – bà bỗng quay sang nhìn tôi, ánh mắt lúc như sáng lên, lúc khác lại chùng xuống xa xăm. - Bà đương nhiên cũng chẳng ngủ được…
Tối đó, người lính già tra sổ sách, quay máy đến các nơi hỏi thăm rất khuya. Sáng hôm sau khi các cô gái thức dậy thì ông đã ngồi bên ấm trà. Ông chỉ liếc qua Huệ rồi lại chuyển ánh mắt đi nơi khác, nhìn những tia nắng đầu ngày đang rọi qua những kẽ lá, đung đưa trên mặt suối lóng lánh ánh bạc. Ông đắn đo trước khi nói sự thật với Huệ, điều này chẳng dễ dàng gì. Người bạn Trung đoàn trưởng của ông tối qua đã lục tung danh sách quân của mình và đã tìm thấy tên Nguyễn Tuấn H. quê quán… ngày tháng năm sinh… thuộc quân số của A3 B5 C3 binh chủng… đã hy sinh ngày… tháng… năm… tại trận đánh Thành cổ Quảng Trị.
Thế nhưng Huệ đón nhận cái thông tin khủng khiếp kia bình tĩnh hơn ông tưởng, bởi đơn giản là Huệ không tin Anh đã hi sinh. Anh không thể chết. Anh đã hứa cố gắng sống để về tìm chị…
Sau một tháng ở cùng đoàn cán bộ tiếp quản kho, Huệ cũng phải ra đi…
Huệ về quê. Trên đường hồi hương chị bị trộm móc mất giấy tờ và bỗng trở thành người không danh phận! Do đơn vị Thanh niên xung phong của chị đã giải thể nên phải mất hàng năm, qua nhiều cửa, gặp các cơ quan liên quan, chị mới lại được người ta chiếu cố cấp cho giấy tờ công nhận là nữ thanh niên xung phong. Và qua những lần đi «gõ cửa» các nơi ấy, chị vô tình nhận được tin chú Đán đã hi sinh do vướng mìn đợt chú cùng đoàn đi tiếp quản những kho hàng ở Tây Ninh… Huệ ngậm ngùi. Nhớ lại địa chỉ, chị tìm đến nhà anh. Chẳng còn ai. Ngôi nhà đứng đìu hiu trong vườn vắng, cửa đóng im lìm, cây cối xác xơ. Hàng xóm thông báo anh đã có giấy báo tử, hy sinh trong trận Thành cổ Quảng Trị và phần mộ đã được chuyển lên nghĩa trang Trường Sơn. Bố mẹ đã mất trong một trận bom cách đây mấy năm, người em trai cũng bỏ làng đi biệt xứ… Chị nghe chuyện mà lòng buồn thăm thẳm. Dù thâm tâm không tin anh đã hi sinh, nhưng để cho thỏa nguyện, chị quyết định đi tìm hiểu sự thực.
Một mình, Chị đến nghĩa trang Trường Sơn.
Nghĩa trang bạt ngàn khiến chị choáng váng! Những ngày đầu, người coi nghĩa trang chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ cứ lần hồi đi hết hàng này sang dãy khác, miệng lẩm nhẩm đọc tên ghi trên những bia đá. Ngày một, ngày hai… chị đi hết, đọc hết không bỏ sót nấm mộ nào. Ai ở đây? Anh ở đâu? Đêm đêm nằm trong tấm lều bạt gần nghĩa trang, chị như nghe thấy cả trăm ngàn tiếng thì thầm từ những ngôi mộ, từ lòng đất sâu vọng về. Trăm ngàn những cánh tay đưa lên chới với nhoài về phía chị… Cả nhiều ngày len lỏi giữa bao hàng bia đá, không có tấm nào khắc tên Anh. Chị đánh bạo hỏi, người sỹ quan đeo quân hàm Thiếu tá ấy cũng đành ngậm ngùi lắc đầu. Kể từ đấy, chị cứ đi, hỏi hết bản này đến làng khác, hễ cứ nghe nói trung đoàn anh đã hành quân qua khu nào là chị tìm đến... Thâm nhập vào các bản làng, cùng họ làm rẫy, tra hạt để có thể tìm ra manh mối về anh. Gặp đơn vị bộ đội nào chị cũng hỏi thăm, thế rồi chẳng ai giúp chị tìm được người yêu. Người ta khuyên chị trở về…
Lại về quê ư ? Nhà cửa tiêu điều. Chị thấy sợ. Cuộc sống xô bồ hình như đã len lỏi vào làng quê khiến người phụ nữ quen sống trong rừng rú cảm thấy lạc lõng ngay trên quê mình. Chị dạt lên thành phố. Không lưng vốn, không bằng cấp, không nghề nghiệp, không người thân, Chị làm tất cả những công việc có thể. Ngày đó, nghề giúp việc, chăm em còn chưa thịnh, việc đó phải có người tin cậy giới thiệu. Chị không quen ai…
Chị đi làm bốc vác ở chợ đêm Long Biên. Nhọc nhằn thật! Chị không sợ nặng, sợ khổ nhưng sợ cảnh người ta đối xử với nhau ở đây! Cùng cảnh làm thuê, đến chốn phồn hoa này kiếm cơm nhưng sao những tay cai bãi tàn ác thế! Ăn chặn tiền khách, mạt sát người làm công, bặm chợn, sẵn sàng dùng vũ khí để nói chuyện… Chị còn nghe nói kẻ cai thầu chóp bu sống như vương giả, một bước lên xe và luôn có vài kẻ đàn em tháp tùng… Cuộc sống thân gái đơn côi đã dạy chị nhiều điều. Chị biết phận, sống khép kín, làm đúng phần mình, không giả nhời, không nhìn sửng, không đặt quá nhiều câu hỏi thế nên người ta để cho chị yên. Nhưng nỗi ám ảnh của chị là cảnh sinh hoạt ở khu ổ chuột ven đê… Mùa nào cũng đáng sợ! Mùa đông lạnh, những tấm bao tải không che nổi những cơn gió tê tái, xồng xộc ào vào qua các khe hổng những tấm phên lắp ghép sơ sài, mùa xuân mưa phùn ẩm thấp, mùa hè ngoài ruồi muỗi và mùi khai thối nồng nặc, họ còn bị những cơn lũ đe dọa, có thể cuốn phăng đi bất kỳ lúc nào… Và bệnh tật cũng khiến chị sợ…
Bệnh tật từ ngày ở rừng đôi khi gượng dậy quật ngã chị, sức khỏe hao mòn và chị không thể tiếp tục làm công việc nặng nhọc này. Người ta không thuê chị nữa…
Chị sắm đôi quang gánh và bắt đầu nghề bán rong. Gánh hàng của chị đã cung cấp cho bao gia đình những mớ rau, con cá… Gần như không một hang cùng ngõ hẻm nào của đất Hà thành không in dấu chân Chị. Rồi một ngày nọ, tính lãng mạn nổi lên, chị quyết định chuyển sang bán hoa. Mỗi sáng chị dậy sớm đi bộ đến làng Ngọc Hà mua hoa rồi gánh đi bán…
Trong những ngày bán rong ấy, chị phát hiện ra một thế giới mới, một thế giới gần gụi với chị hơn, đầy tình người! Những chú xe ôm, những người đi làm công thường tụ tập ở các «chợ người», các cô cậu bé đánh giày bán báo và nhất là các chị em cùng cảnh bán hàng rong. Họ đến từ khắp mọi miền, họ tản khỏi nhà trọ đi mưu sinh từ rất sớm và đêm muộn mới quay về. Bình thường, họ tắm rửa vội vàng rồi đi ngủ ngay, nhưng nếu như có ai đó trong khu trọ mà bị ốm thì cả khu đều nháo nhào. Ở chỗ này ai cũng sợ ốm. Ốm nhẹ thì không đi làm được, ốm nặng thì phải đi bệnh viện… Thế là tất cả đều xúm vào, kẻ nấu cháo, đun nước xông, người cạo gió… Những bài thuốc dân gian của từng miền được đưa ra áp dụng. Ấm áp biết bao!
- Nhưng một lần, cả khu đã rất sợ cháu ạ! – bỗng bà ngừng hẳn tay đang mài dao, mắt đăm đăm nhìn một con kiến đang bò qua bò lại cạnh hòn đá mài. – Chị An, quê ở Ninh Bình tự nhiên bị đau bụng. Lúc đầu chị chỉ nhăn mặt, mọi người nghĩ chắc ăn phải cái gì đó không tươi. Nhưng rồi mặt chị ấy cứ tái dần, người vã mồ hôi… đau quặn quại, nên mấy chú lái xe ôm quyết định đưa chị ấy vào bệnh viện Thanh Nhàn.
Bác sỹ chẩn đoán chị bị vỡ ruột thừa và phải mổ gấp.
- May cho chị ấy cháu nhỉ, - bà nói tiếp rồi lại tiếp tục mài dao. - Đợt đó khu trọ cũng quyên góp tặng chị ấy một món tiền, chẳng nhiều nhặn gì, nhưng là tấm lòng của mọi người. Sau đợt ấy, chị An về quê và bà cũng chẳng bao giờ gặp lại nữa…
Một ngày gần cuối năm ấy, trời mưa phùn, lạnh cóng, đang lúi húi bó hoa cho một bà già, thì có tiếng gọi «Hoa ơi», chị ngẩng lên! Bắt gặp ánh mắt của một người đàn ông chững chạc lịch lãm, ngồi trên xe máy, sau xe là một phụ nữ đẹp. Chị nhìn sững người đàn ông, quên cả lấy tiền bà khách vừa mua. Người đàn bà đẹp sang đường rồi cúi xuống chọn hoa trong gánh hàng của chị. Người đàn ông vẫn cứ nhìn chị không chớp, hình như có chút sững sờ. Chọn hoa xong, người đàn bà đẹp hỏi giá tiền, chị nói «Cô cho bao nhiêu cũng được!» Sau cái nhíu mày khó hiểu, người đàn bà quý phái mở ví lấy tờ tiền mới cóng nhét vào tay chị. Chị hững hờ cầm lấy. Người đàn bà đặt bó hoa vào rọ xe, ngồi bám eo và giục người đàn ông đi. Người đàn ông nổ máy, mắt vẫn không dời cô hàng hoa, còn chị lúc này kéo sụp nón xuống. Chị không dám tin, chỉ tự cho là nhìn nhầm. Đã bao năm qua rồi, mà những người từa tựa giống nhau trên đời thì nhiều vô kể, anh đã có giấy báo tử rồi kia mà! Nhưng cái nhìn ấy, chiếc răng khểnh khiến lúc nào cũng như đang cười…
Đã có lúc chị thèm một đứa con nên nghĩ quẩn đi «xin» đại một ai đó! Một ông xích lô, một anh lái xe ôm, một cậu đánh giầy… Với những người cùng cảnh ngộ, chắc sẽ không khó! Nhưng khi nhìn những đứa trẻ lem luốc lang thang, và nhất là khi gánh hàng qua trước cửa những bệnh viện, chị bỗng rùng mình kinh sợ! Một mình chị còn chưa lo nổi cho mình, có con thì sao? Rồi lúc nó ốm đau, rồi học hành… Bất chợt ngôi mộ nhỏ hiện lên trong tâm trí… Chị cố ép mình quên đi niềm hạnh phúc được làm mẹ ấy!
Năm tháng dần trôi, cộng với cảnh đời nghiệt ngã, nữ thanh niên xung phong ngày nào đã mang dáng dấp của một bà già! Người ta không còn gọi chị hay cô hàng hoa nữa, mà gọi là Bà hàng hoa!
Ít lâu sau, Chính quyền có lệnh dẹp hàng rong, đôi lần bị những nhà quản lý phường bắt được, cảnh giằng co xin xỏ khiến Bà xấu hổ. Bà quyết định không gánh hoa đi bán nữa…
Quê Bà vốn có nghề làm dao, mài kéo. Nhờ đã gom được một số vốn nho nhỏ, và do trước đây thường bán hoa cho một bà chủ nhà trên phố đó. Bà phát hiện ngôi nhà có mặt tiền hẹp nhưng bỏ trống. Bà lân la hỏi thuê khu mặt tiền và một góc nhà để mở cửa hiệu và ăn ở luôn tại đó. Mặt tiền cửa hiệu chỉ đủ đặt một sạp hàng nhỏ. Hồi đầu buôn bán cũng được, bà con trong khu phố đến mua và mài dao rất đông. Cho tới một hôm vừa tối trời, Bà đang dọn hàng đóng cửa, thì một đám thanh niên phóng những cỗ xe máy phân khối lớn, rú ầm ĩ… Đến trước cửa hàng của bà, họ bỗng dừng lại, xuống xe cà khịa nhau rồi rút dao trên sạp của Bà chém nhau ngay trước ánh mắt sợ hãi của bà con trên phố. Bà lại sợ. Kể từ ngày đó, Bà không còn dám bán dao nơi phố thị nữa. Tứ cố vô thân, thấy người ta dựng lều, nhảy dù đến Xóm Liều cạnh bãi rác to tướng ấy, Bà làm theo. Chút vốn nhỏ dành dụm được đã hết, Bà đành mở hiệu mài dao tại nhà mình. Nói là hiệu cho oai chứ chỉ có tấm bảng kẻ hàng chữ vuông vức «Mài dao kéo» được một chú xe ôm khéo tay làm cho, treo ngay trên tường trước cửa nhà. Bà chỉ ngồi mài dao thôi. Bà lấy rẻ, đôi khi còn không lấy tiền, ai cho bao nhiêu cũng cầm. Bà còn nói: «Vả lại những con dao I-nốc bây giờ cũng khó mài …, hay về chốn năm xưa nhỉ ? », - một lần bà nói với tôi thế, mắt nhìn xa vắng. Nhưng lúc ấy, tôi chỉ nghe mà không nghĩ xa.
Thời mở cửa, đô thị hóa phát triển tới tấp. Khu xóm liều xưa giờ bỗng biến thành khu phố đông vui nhộn nhịp. Nhà nhà làm sổ sách để được công nhận quyền sở hữu đất. Người ta khai man đủ thứ, còn bà chỉ khai đúng số đất mà bà đã dựng căn lều. Những căn nhà tân kỳ mọc lên, đường mở rộng. Nhưng căn nhà xiêu vẹo của bà vẫn thế. Nó như một vết sẹo xấu xí trên khuôn mặt một thiếu phụ cao sang đài các. Nhiều kẻ lăm le nhòm ngó nơi ở của bà và trả giá rất cao. Còn bà vẫn cần mẫn ngồi mài dao kéo mà chẳng màng đến tiền bạc. Mỗi con dao mài ở chợ thường là 2000 đồng, còn bà thì chỉ lấy 1000 hoặc 500 đồng. Thế rồi, người đến mài dao cũng ít đi. Bây giờ, người ta chỉ dùng toàn dao thái, hỏng là vứt liền, chứ còn ai đủ thời gian đem dao ra quán của bà để mài nữa đâu. Không có tiền thì bà nhịn, nhiều lúc đi ngang qua, tôi thấy bà vơ những nắm lá bên đường đốt để nấu một bát mì tôm. Bà cũng không đi xin ăn. Đã có lúc tôi ngỏ ý rằng bà nên về quê, dù gì cũng là nơi chôn rau cắt rốn, tình làng nghĩa xóm, bà đáp :
- Về quê? Bà đã lưu lạc quê người bao năm nay rồi còn gì. Bà đi thanh niên xung phong khi chưa đầy 17 tuổi. Thế hệ bà chắc nhiều người cũng đã qua đời, còn lớp trẻ thì không biết bà là ai nữa. Người ta xa xứ khi hồi hương thì vinh quy bái tổ, xe pháo đề huề làm rạng rỡ tổ tông. Còn bà thân gái không chồng, mấy chục năm bôn ba, giờ lại vác cái xác già cằn cỗi không tiền bạc này về… Cháu thử nghĩ xem! Rồi có kẻ ác miệng sẽ nói bà về để tranh thủ miếng đất ngoài nghĩa địa…
Những lời nói sau cùng của bà khiến tôi thấy đăng đắng chua xót pha sự nghẹn ngào đầy ẩn ức. Tôi hình như chợt vỡ ra điều gì. Nhưng với tuổi đời của tôi khi ấy, nó cứ mờ mờ ảo ảo, chưa định hình…
Thế rồi công việc cứ cuốn tôi đi, những lần ra quán bà mài dao cũng thưa dần. Rồi tôi chuyển chỗ ở. Rồi tôi đi Tây…
Tôi bồi hồi dựng xe bên vỉa hè và lần tìm nơi mà trước đây vốn là cái quán của bà. Không còn nữa. Tại đó đã mọc lên một cửa hiệu bán hoa lộng lẫy. Tôi vào hỏi, nhưng chủ cửa hàng lắc đầu nói không biết bà là ai… Mặt tiền sơ sài ngày xưa với tấm bảng gỗ có hàng chữ vuông vức «Mài Dao Kéo» thì giờ đây được thay bằng những thùng chứa hồng nhung thắm đỏ, hồng vàng ngát hương, loa kèn trắng muốt, những bó pensée chúm chím, đây đó điểm những chùm mi-mô-za rực rỡ…
Trời mùa thu, những chùm nắng vàng rợi cuối ngày hắt trên những tán lá, cành cây và những khu nhà cao tầng. Những chiếc xe tải chở cát phóng vù qua trước mặt tôi, hất bụi bay mù mịt. Tôi quay đi lấy khăn che mắt. Lòng bỗng trào dâng bởi biết bao cảm xúc cứ ứ dần lên, nghèn nghẹn ở cổ họng, cay cay ở sống mũi và ươn ướt ở mắt. Trong lòng đường biết bao con người đang hối hả phóng xe đi. Tôi lại ngước mắt ngắm nhìn khu phố. Đã được liền mạch bằng những tòa nhà cao tầng hiện đại. Khuôn mặt của người thiếu phụ giờ đã được chỉnh hình, đẹp lộng lẫy kiêu sa. Nhưng người ta đã ném đâu đó rồi một mảnh đời, mảnh đời Người đàn bà cầm dao của tôi!
Sau lần đó, có người nói với tôi rằng bà đã quay về chốn rừng già năm xưa, tôi chưa có dịp kiểm chứng nên không biết có đúng không…
Paris 11/2015
VN3-2016