Sáng tác

Margaret Atwood: Bánh mì

Margaret Atwood
Văn học nước ngoài
08:00 | 21/08/2024
Baovannghe.vn- Tưởng tượng một nạn đói xem. Rồi tưởng tượng một miếng bánh mì. Cả hai đều là thật nhưng các vị tình cờ chỉ đang ở cùng với một trong hai. Hãy tự đặt mình vào một chỗ khác xem, tâm trí để làm vậy mà.
aa
Margaret Atwood: Bánh mì
Margaret Atwood (sinh ngày 18 tháng 11 năm 1939) là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học, người viết tiểu luận, nhà phát minh, nhà giáo và nhà hoạt động môi trường người Canada. Bà đã xuất bản mười bảy tập thơ, mười sáu tiểu thuyết, mười cuốn sách phi hư cấu, tám bộ tiểu thuyết ngắn, tám cuốn sách thiếu nhi, và một cuốn tiểu thuyết đồ họa, cũng như một số ấn bản báo chí nhỏ bằng thơ và tiểu thuyết. Atwood và các tác phẩm của bà đã giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu bao gồm Giải thưởng Man Booker, Giải thưởng Arthur C. Clarke, Giải thưởng của Toàn quyền, Giải thưởng Franz Kafka và Giải thưởng Thành tựu trọn đời của Trung tâm phê bình sách và Trung tâm PEN Hoa Kỳ.

Tưởng tượng một miếng bánh mì xem. Các vị không phải tưởng tượng đâu, nó ngay đó trong bếp, trên giá để bánh, trong túi đựng bánh, nằm bên con dao cắt bánh mì. Con dao này cũ, các vị đã cầm lên trong một cuộc đấu giá, có khắc chữ BÁNH MÌ trên cán gỗ. Các vị sẽ mở túi bánh, lột giấy bọc, cắt một lát bánh cho mình. Các vị phết lên bơ đậu phộng, rồi mật ong, gập lát bánh lại. Một ít mật ong tràn ra ngón tay và các vị sẽ liếm. Mất chừng một phút để ăn miếng bánh đó. Cái bánh này tình cờ màu nâu, nhưng cũng có bánh mì trắng, trong tủ lạnh, và một khúc đầu bánh bột mạch đen các vị mua tuần trước, tròn như một cái bụng căng lúc đó, bây giờ thì mốc lên rồi. Thỉnh thoảng các vị sẽ làm bánh mì. Các vị sẽ nghĩ đấy là một thứ để đôi tay mình được thư giãn.

Tưởng tượng một nạn đói xem. Rồi tưởng tượng một miếng bánh mì. Cả hai đều là thật nhưng các vị tình cờ chỉ đang ở cùng với một trong hai. Hãy tự đặt mình vào một chỗ khác xem, tâm trí để làm vậy mà. Giờ đây các vị đang nằm dài trên một tấm đệm lép xẹp trong một căn phòng nực nội. Các bức vách bằng đất khô; em gái các vị, non trẻ hơn, cũng ở cùng trong đó. Cô ấy đang lả đi vì đói, bụng trương lên, đám ruồi đậu trên mắt cô ấy; các vị phủi chúng đi bằng tay. Các vị cũng có một bộ quần áo, bẩn mà ướt, đem đắp lên trán và môi cô ấy. Mẩu bánh mì đó là mẩu bánh các vị đã để dành, có vẻ từ nhiều ngày. Các vị cũng đói như cô ấy, nhưng chưa yếu đến mức đó. Chuyện này kéo dài bao lâu đây? Khi nào mới có người đem đến thêm bánh mì? Các vị nghĩ đến việc đi ra ngoài tìm xem có gì ăn được, nhưng ngoài kia đường phố đầy người đi bới rác và mùi thây ma ở khắp chỗ. Các vị sẽ nên chia mẩu bánh với em gái mình chứ? Các vị sẽ nên ăn bánh đó một mình thôi chứ? Sau hết, các vị có cơ hội sống còn hơn, các vị đang còn khỏe hơn mà. Phải mất bao lâu để quyết định đây?

Tưởng tượng một nhà tù xem. Có chuyện các vị biết mà các vị chưa nói ra. Những người kiểm soát nhà tù biết rằng các vị biết. Những người không kiểm soát nhà tù cũng biết điều đó. Nếu các vị nói ra, ba mươi hay bốn mươi hay cả trăm bạn bè, đồng chí của các vị sẽ bị bắt và sẽ chết. Nếu các vị không chịu nói ra, đêm nay sẽ là đêm cuối cùng của các vị. Họ luôn luôn chọn buổi đêm. Tuy nhiên các vị không nghĩ đến buổi đêm, mà đến miếng bánh mì bọn họ đưa cho các vị. Sẽ mất bao lâu? Mẩu bánh mì đó màu nâu thơm tươi và nhắc các vị nhớ luồng nắng trải qua sàn nhà lát gỗ. Nó nhắc nhớ các vị đến một cái bát, một cái bát màu vàng dạo trước ở nhà các vị. Cái bát đựng táo với lê; cái bát ở trên bàn nơi các vị vẫn nhớ. Không phải cái đói hay cái đau đang giết các vị mà là sự vắng cái bát màu vàng. Chỉ cần được ôm cái bát ấy trong tay mình, ngay đây, các vị có thể chịu đựng bất kỳ điều gì, các vị tự nhủ. Miếng bánh mì bọn họ đưa cho các vị là sự lật nhào, sự bội phản, nó không mang nghĩa sự sống.

Ngày xưa có hai chị em nhà kia. Một người thì giàu và không con, người kia có năm con và góa bụa, nghèo túng đến mức không còn gì mà ăn. Bà này đến chỗ người chị em để xin một miếng bánh mì. “Các con tôi chết đến nơi rồi,” bà nói. Người chị em giàu bảo, “Tôi còn chẳng đủ ăn đây,” và xua bà kia khỏi cửa. Rồi chồng của bà giàu về và muốn cắt một lát bánh để ăn; nhưng ông ta vừa cắt vào bánh thì thấy máu đỏ chảy ra.

Ai cũng hiểu chuyện đó ý nghĩa là gì.

Đấy là một truyện cổ tích Đức.

Ổ bánh mì mà tôi đã gợi lên với các vị lơ lửng ở khoảng ba mươi phân bên trên bàn bếp của các vị. Cái bàn đó bình thường, chẳng có cái cửa bẫy nào trong đó. Một cái khăn lau bát xanh lơ trôi nổi bên dưới ổ bánh mì. Không có sợi dây nào gắn cái khăn với ổ bánh hay ổ bánh với trần nhà hay cái bàn với cái khăn, các vị cứ việc đưa tay qua lại bên trên và bên dưới chúng để biết. Dẫu vậy, các vị không chạm vào bánh đó. Cái gì ngăn các vị? Các vị không muốn biết liệu bánh mì ấy có thực không hay phải chăng đó chỉ là một ảo ảnh mà tôi bằng cách nào đấy đã dụ các vị trông thấy. Chẳng nghi ngờ gì rằng các vị có thể thấy bánh mì đó, các vị thậm chí có thể ngửi thấy mùi bánh, nó tỏa mùi như men, trông mồn một như cánh tay của chính các vị. Nhưng các vị có thể tin vào nó không đây? Các vị có thể ăn bánh đó không đây? Các vị không muốn biết, tưởng tượng mà xem./.

Hữu Phi dịch | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Chùm tản văn tâm lý nước ngoài Bổ sung danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử Chính thức lấy ngày 8/9 là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài Xuất bản sách phục vụ việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.