Chuyên đề

MARGARET ATWOOD: “Tôi sẽ nói điều người khác sợ nói ra”

Câu chuyện văn hoá
08:56 | 21/05/2024
Tác giả Chuyện người tùy nữ luôn thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề bà cho là quan trọng, như tuổi tác, xung đột văn hóa và chính trị…
aa

Tác giả Chuyện người tùy nữ luôn thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề bà cho là quan trọng, như tuổi tác, xung đột văn hóa và chính trị…

Qua cuộc phỏng vấn online với The Guardian, Margaret tự nhận mình là nhà hiền triết vĩ đại sống trên núi. Bà nói: “Sống đến một độ tuổi nhất định rồi, người đời bắt đầu nghĩ bạn biết nhiều hơn họ.”

Ở tuổi 84, hầu hết các nhà văn có thể tự cho mình quyền được thư giãn, nhưng Atwood Margaret vẫn năng suất hơn bao giờ hết. Bà đã trải qua nhiều biến động những năm gần đây: Tác phẩm Chuyện người tùy nữ của bà được chuyển thể thành phim truyền hình và giành được nhiều thành công, Atwood cũng đã cho xuất bản phần hai của cuốn sách, The Testaments (tạm dịch: Chúc thư) và đoạt giải Booker năm 2019. Người bạn đời của bà, tiểu thuyết gia Graeme Gibson, qua đời vì đột quỵ giữa chuyến đi quảng bá sách và Atwood, với tính kiên định điển hình, đã tiếp tục tour quảng bá.

Nhà văn Margaret Atwood. Derek Shapton/The Guardian

Bà xuất bản thêm tập thơ Dearly (tạm dịch: Thương mến), trong đó có nhiều bài thơ tưởng nhớ Gibson; một tập tiểu luận tên Burning questions (tạm dịch: Những câu hỏi nóng); tập truyện ngắn Old babes in the wood (tạm dịch: Những kẻ khờ già). Atwood vẫn phong độ, vẫn duy trì tốc độ và chất lượng viết ổn định suốt hơn 60 năm.

“Tôi là người từ thế hệ khác. Tôi không bày tỏ sự buồn thương ở nơi công cộng.” Khi được hỏi về quyết định tiếp tục chuyến đi quảng bá sách sau khi Gibson qua đời, Atwood nói: “Một bên là phòng khách sạn, các sự kiện đông đúc, một bên là một ngôi nhà trống, một cái ghế cô quạnh, bạn chọn bên nào, thưa quý độc giả?”

Hẳn nhiên, sau cùng, cũng đến lúc Atwood phải đối mặt với căn nhà trống và cái ghế cô quạnh. Với bà, đây là một điều không thể tránh được trong đời. Bà chọn bày tỏ nỗi đau buồn trên trang giấy. Bà gài cắm trải nghiệm cá nhân vào câu chuyện trong Old babes in the wood, giãi bày cõi lòng lên những áng thơ trong Dearly.

Bà cho biết cuộc sống của bà không có gì thay đổi, bà giữ bản thân bận rộn với công việc viết lách. Và sau nhiều năm khăng khăng rằng bà sẽ không bao giờ viết hồi ký, cuối cùng, Atwood cũng bắt tay vào viết một cuốn. “Họ cứ tổng tấn công tôi”, bà nói, ý chỉ biên tập viên và quản lý của mình. “Tôi bị nói cho bùi tai.”

Cho đến nay, việc viết lách vẫn đem lại cho bà nhiều niềm vui. “Tôi vốn là một người phù phiếm và thường nhớ đến những kỷ niệm ngớ ngẩn trước, vậy nên, tôi vẫn chưa viết đến mấy đoạn buồn. Đến giờ thì, mọi ‘nhân vật’ vẫn còn sống.”

Kiểu tác giả không ngần ngại động đến những chủ đề nhạy cảm

Cuối năm ngoái, Atwood gắn máy điều hoà nhịp tim mới. Bà cũng phải sử dụng rất nhiều thuốc để cải thiện tình trạng tim. Những vấn đề mà người cao tuổi gặp phải chính là nền tảng cho tác phẩm mới nhất của bà, Cut & Thirst, một cuốn tiểu thuyết thuộc thể loại tội phạm lão khoa kiểu Richard Osman.

Trong Cut & Thirst, 3 phụ nữ đứng tuổi lên kế hoạch trả thù 9 nhà văn nam, những người chịu trách nhiệm cho việc huỷ hoại danh tiếng của một nhà văn nữ nhiều năm trước.

Mối thù văn học này dường như dựa trên các sự kiện có thật. Margaret Atwood nháy mắt: “Tại sao không nhỉ? Ở thời của Martin Amis, những chuyện kiểu này xảy ra khá thường xuyên.”

Dù vậy, Atwood nhấn mạnh rằng cuốn sách không viết về Amis và nhóm bạn văn của ông (những nhà văn tên tuổi khác như Julian Barnes, Ian McEwan…) trong thời hoàng kim của họ, nhưng bà cũng bật mí rằng sẽ có người phải “tự nhột” khi đọc sách.

Atwood cho biết những mối thù văn chương không phải một hiện tượng mới. Kể từ thời La Mã, người ta đã dùng những từ ngữ lóng để hạ bệ nhau; sau, người ta viết những câu chuyện bóng gió trên tạp chí văn học; ngày nay, người ta có thể có những cuộc bút chiến trực tiếp trên mạng xã hội.

Atwood là kiểu tác giả không ngần ngại động đến những chủ đề nhạy cảm và, thông qua các nhân vật của mình, đưa đến cái nhìn đa chiều về những vấn đề ấy. Tác phẩm của bà chạm đến những chủ đề như bình đẳng giới, cách mạng Pháp và khuôn mẫu cách mạng mà bà cho rằng phong trào Maga của Trump đã áp dụng.

Bà tin rằng các câu hỏi về quyền tự do ngôn luận hiện đang là vấn đề nóng, khi mà cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Mỹ đều đang nhắm đến vấn đề kiểm duyệt. “Một bên thì nói: ‘Các người phải mang cuốn sách này ra khỏi trường vì nó làm tổn thương cảm xúc của con tôi’, bên kia lại nói: ‘Chà, cuốn sách này làm tổn thương cảm xúc của con tôi, vì vậy bạn phải lấy nó ra.’ Và cứ như vậy cho đến khi chẳng còn lại cuốn sách nào. Chỉ cần đi quá xa theo một trong hai hướng, ta sẽ chặn họng mọi phát ngôn chính trị.”

Theo The Guardian, khi Atwood phát biểu, cả thế giới sẽ lắng nghe và họ có lý do chính đáng để làm thế: sự sụp đổ tài chính, sự trỗi dậy của phe cực hữu và sự xâm phạm quyền tự do của phụ nữ trong những năm gần đây đều đã được dự đoán trước trong tác phẩm của bà. Giải thích cho những “tiên đoán” này, Atwood nói: “Chỉ là tôi có để tâm đến thế giới thôi.”

Địa vị của bà như một nhà tiên tri và một kho báu quốc tế đồng nghĩa là bà thường xuyên được hỏi ý kiến về các vấn đề nóng nhất. “Tôi thấy mình như một cái bảng thăm dò ý kiến di động. Từ những câu hỏi người ta đặt cho tôi, tôi cũng có thể đoán ra được họ đang nghĩ gì, điều gì đang ám ảnh họ ngay lúc ấy.”

Nhưng Atwood cũng luôn rất cẩn trọng với câu trả lời của mình. Không phải vấn đề nào cũng có một lời giải đáp độc nhất. Khi được hỏi bà nghĩ gì về tương lai của phụ nữ, bà đáp: “Tôi xin hỏi lại là phụ nữ thế nào? Ở độ tuổi nào? Người nước nào? Có muôn vàn kiểu phụ nữ trên thế giới.”

Bà cho rằng bà thẳng thắn như vậy là do bà không có một công việc bình thường: “Tôi có thể nói những điều mà người khác sợ nói ra vì họ không muốn bị mất việc hoặc bị tẩy chay.”

Trước đây, nhà văn người Canada thường bị đặt câu hỏi: “Tại sao bà lại ghét đàn ông?”; bây giờ, người ta lại hỏi bà: “Chúng ta có hy vọng không?” Thông thường, để trả lời câu hỏi này, bà không tham khảo quả cầu pha lê màu nhiệm nào mà chọn cách nhìn về quá khứ: bà cho rằng mọi thế hệ đều có xu hướng nghĩ rằng họ đang sống trong thời kỳ cuối cùng trước tận thế, nhưng ta luôn có hy vọng. “Nó đi kèm với việc ta là con người. Nó đi kèm với ngữ pháp mà chúng ta đã nghĩ ra, cho phép chúng ta nói về tương lai, tương lai chưa tồn tại. Đó là một cấu trúc của trí tưởng tượng.”

Anh Vũ (theo The Guardian)

Nguồn Văn nghệ số 20/2024


Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 1)

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 1)

Baovannghe.vn - Sáng 21/12, tại thành phố Thái Nguyên, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khu vực các tỉnh phía Bắc (Cụm 1)
Bản tin Văn nghệ ngày 22/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/12/2024

Baovannghe.vn - Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới sẽ là màn biểu diễn với những kỹ xảo âm thanh kết hợp với ánh sáng hiện đại tái hiện không khí Tết Huế
Điện ảnh như một nghệ thuật: "Mỹ học phim" trong thời hậu-điện ảnh

Điện ảnh như một nghệ thuật: "Mỹ học phim" trong thời hậu-điện ảnh

Baovannghe.vn - Sáng 20/12, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm giới thiệu sách Mỹ học phim (tác giả: Jacques Aumont, Alain Bergala, Michel Marie, Marc Vernet; dịch giả: Phùng Ngọc Kiên) với chủ đề Điện ảnh như một nghệ thuật: "Mỹ học phim" trong thời hậu-điện ảnh, với sự tham gia của đông đảo bạn đọc yêu điện ảnh.
Quá trình rèn luyện nghề viết văn của tôi - Hồi ký của Giáo sư Đặng Thai Mai

Quá trình rèn luyện nghề viết văn của tôi - Hồi ký của Giáo sư Đặng Thai Mai

Baovannghe.vn - Đối với nghề viết văn, khá nhiều sự kiện bất ngờ trong cuộc đời vẫn ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm, quan niệm về cuộc sống cũng như nếp suy nghĩ và phong cách của người cầm bút. Câu hỏi ý nghĩa hơn ở đây là: Trong những trường hợp nhất định con người đã xử sự thế nào, và lối xử sự ấy có giá trị gì hay không?
Buổi sáng thần tiên. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long

Buổi sáng thần tiên. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long

Baovannghe.vn - Trong gian nhà nhỏ của Bé, buổi tối thật là vui. Bốn “bố con” (hai tiếng ấy của Bố thân mật bao gồm cả Mẹ) nằm lăn ra dưới sàn gỗ mà đùa.