Sự kiện & Bình luận

Nếm mật nằm gai có thực sự liên quan đến Việt vương Câu Tiễn?

Tô Như
Lăng kính văn nghệ
10:30 | 22/12/2024
Nếm mật nằm gai là thành ngữ Trung quốc - "Thường đảm ngọa tân". Nhưng "Thường đảm" - nếm mật - ý nghĩa là gì? Sử sách giai đoạn này, có thể kể tới Sử ký, Ngô Việt xuân thu, Việt tuyệt thư viết về Câu Tiễn đều không hề nhắc tới nằm gai.
aa

Nếm mật nằm gai là thành ngữ Trung quốc - "Thường đảm ngọa tân". Nhưng "Thường đảm" - nếm mật - ý nghĩa là gì?

Sử ký - Việt vương Câu Tiễn thế gia viết: “Sau khi nước Ngô đã tha tội cho nước Việt, vua Việt Câu Tiễn trở về nước, khổ mình nhọc sức, đặt mật ở chỗ ngồi, khi ngồi hay khi nằm đều nhìn mật, khi uống hay khi ăn đều nếm mật[1]. Câu Tiễn nói: ‘Mày quên cái nhục ở Cối Kê rồi hay sao?’”

Nghĩa là tích này vốn chỉ có “Nếm mật” chứ không có “Nằm gai”. Sử sách giai đoạn này, có thể kể tới Sử ký, Ngô Việt xuân thu, Việt tuyệt thư viết về Câu Tiễn đều không hề nhắc tới nằm gai.

Nếm mật nằm gai có thực sự liên quan đến Việt vương Câu Tiễn?

Trong tích này, “Nếm mật” ban đầu tuyệt không mang ý nghĩa chịu đựng gian khổ gì cả. “Khổ mình nhọc sức" là cụ Phan Ngọc dịch từ cụm “khổ thân tiêu tứ”, nghĩa là lao khổ suy tính sâu xa, ở đây nói về trí chứ không phải lực, không phải chịu đựng gian khổ, tương đương với cụm “lao tâm khổ tứ” thông dụng ngày nay. Câu Tiễn nếm mật, nếm vị đắng để khi ăn uống không quên đắng cay, luôn nhớ về cái nhục Cối Kê.

Cách hiểu này khá thông dụng ở thời Đường. Ví như thơ Đỗ Phủ có câu:

Mãnh tướng nghi thường đảm

Long tuyền tất tại yêu.

(Tướng khỏe nên "thường đảm", kiếm Long tuyền luôn đeo bên mình.)

Thơ Vương Duy cũng có câu:

Báo thù chỉ thị văn thường đảm,

Ẩm tửu bất tằng phương quát cốt.

(Báo thù chẳng qua nghe chuyện thường đảm, nạo xương chẳng ngăn được uống rượu.[2])

Sau này, Trịnh Quan Ứng đời Thanh viết: “Triều đình đại độ ưu dung, tiểu phẫn tất nhẫn; bách tính thiên lương thượng tại, thường đảm tri cừu”

(Triều đình độ lượng khoan dung, cái giận nhỏ tất nhẫn nại, bá tính chú trọng thiên lương, thường đảm ghi thù.)

Đến mãi thời Tống mới xuất hiện “Nằm gai”, cụ Tô Đông Pha viết bài Nghĩ Tôn Quyền đáp Tào Tháo, có câu “Bộc thụ di dĩ lai, ngọa tân thường đảm. Điếu nhật nguyệt chi du mại, nhi thán công danh chi bất lập. Thượng phụ tiên thần vị báo chi trung, hạ thiểm Bá Phù tri nhân chi minh.” Bộc là chủ ngữ ở câu trên là Tôn Quyền khiêm xưng (câu sau nhắc tới tiên thần tức Tôn Kiên và Bá Phù tức Tôn Sách).

“Ngọa tân” xuất xứ ra sao và mang ý nghĩa gì? Thực khó mà xác quyết được, nhưng cũng trong sử ở giai đoạn khá sớm, có tích "bão hỏa ngọa tân" - ôm lửa nằm trên giường củi. Đó là Tam quốc chí - Hoa Hạch truyện[3]. “Bão hỏa ngọa tân” là thành ngữ dùng để chỉ tình thế nguy hiểm, tai họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Rất có thể “ngọa tân” mà Tô Đông Pha dùng là lấy từ tích này. Ý nghĩa của nó tuyệt không liên quan tới “phục thù” hay “mưu đồ việc lớn” như ngày nay ta vẫn sử dụng.

Sau khi Tô Đông Pha viết “ngọa tân thường đảm” gợi nhớ tới Câu Tiễn “nếm mật”, hậu thế liền ghép chung hai cụm từ với nhau để tạo ra thành ngữ. Nhưng khi đó, tích “nằm gai” lại chưa gắn với ông ta, mà gắn với Ngô vương Phù Sai.

Phù Sai khá giống với Câu Tiễn, xuất phát điểm là mối thù truyền kiếp Ngô-Việt. Thời Nguyên, có sách Thập bát sử lược của Tăng Tiên Chi viết: “Ngô phạt Việt, Hạp Lư thương nhi tử, tử Phù Sai lập, Tử Tư phục sự chi. Phù Sai chí phục cừu, triêu tịch ngọa tân trung, xuất nhập sử nhân hô viết: Phù Sai, nhi vong Việt nhân chi sát nhi phụ da?”

(Ngô phạt Việt, Hạp Lư bị thương mà chết, con là Phù Sai nối ngôi, Tử Tư giúp rập cho. Phù Sai muốn báo thù, sáng tối nằm trên đống củi, ra vào sai người hô rằng: “Phù Sai, mài quên người Việt giết cha mày à?”)

Như vậy, cặp đối thủ truyền kiếp Phù Sai - Câu Tiễn là đối tượng ban đầu của cặp “nằm gai nếm mật” mà về sau, người ta loại bỏ Phù Sai mà quy hết cho Câu Tiễn. Đông Chu liệt quốc của Phùng Mộng Long thời Minh cũng thu nạp cách hiểu này và biến nó thành phổ biến.

Tựu trung, trong nguyên tích, “nếm mật” không có nghĩa chịu đựng gian khó mà chỉ là một biện pháp để Câu Tiễn không quên đi mối nhục. Muộn hơn một chút, xuất phát từ Tô Thức mà có thêm tích “nằm gai” được gán cho Phù Sai, cũng không có nghĩa chịu đựng gian khó mà chỉ là một biện pháp để Phù Sai không quên đi mối thù.

Rồi với thời gian cùng nhiều phen “dĩ hư truyền hư”, câu thành ngữ này mới khoác thêm ý nghĩa "chịu đựng gian khó để mưu việc lớn" mà chúng ta hay hiểu như ngày nay.

Nói dài dòng như vậy để chúng ta hiểu rằng một thành ngữ thường có xuất xứ rất phức tạp, với nhiều lớp lịch sử và văn hóa chồng lấn lên nhau, khiến nó có thể thoát ly rất xa ý nghĩa ban đầu. Câu thành ngữ “nằm gai nếm mật” được từ điển Hoàng Phê giải nghĩa rằng "chịu đựng mọi gian khổ [để mưu đồ việc lớn]". Có nghĩa là ý nghĩa là “chịu đựng mọi gian khổ để mưu đồ việc lớn” nhưng cũng có thể sử dụng theo nghĩa rút gọn (rộng hơn) là “chịu đựng mọi gian khổ”.


[1] Nguyên văn: “Việt vương Câu Tiễn phản quốc, nãi khổ thân tiêu tư, trí đảm ư tọa, tọa ngọa tức ngưỡng đảm, ẩm thực diệc thường đảm dã.” Đoạn dịch trên của cố dịch giả Phan Ngọc.

[2] “Nạo xương” là tích Hoa Đà nạo xương chữa cho Quan Vũ, Vũ vẫn điềm nhiên uống rượu cùng các tướng.

[3] Tam quốc chí - quyển 65 - Ngô thư - Vương, Lâu, Hạ, Vi, Hoa truyện.

Buổi sáng thần tiên. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long

Buổi sáng thần tiên. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long

Baovannghe.vn - Trong gian nhà nhỏ của Bé, buổi tối thật là vui. Bốn “bố con” (hai tiếng ấy của Bố thân mật bao gồm cả Mẹ) nằm lăn ra dưới sàn gỗ mà đùa.
Tanhia. Truyện ngắn của Nguyễn Thiên Việt

Tanhia. Truyện ngắn của Nguyễn Thiên Việt

Baovannghe.vn - Hằng đêm, Tân mơ thấy mình trẻ về Kiev, lang thang trong khu nhà xưa, gõ cửa từng căn phòng thân quen, rồi dừng lại trước phòng em, Tanhia.
Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Cú sốc. Truyện ngắn của Bích Ngân

Baovannghe.vn - My chìm vào giấc ngủ. Mái tóc phủ kín chiếc gối ôm lấy gương mặt ngời ngợi hạnh phúc. Gương mặt My bình yên theo nhịp thở, trôi nổi phiêu bồng
Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Ngọn gió xuân - Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Baovannghe.vn- Làm sao cầm được ngọn gió xuân tràn về/ Để nghe hơi ấm đầy sớm mai chớm lạnh
Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Hội thảo khoa học "Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817) với Thăng Long - Hà Nội"

Baovannghe.vn - Hướng tới kỷ niệm 220 năm xây dựng công trình Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội (1805-2025), sáng 19/12/2024, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức hội thảo khoa học về Tổng trấn Nguyễn Văn Thành (1758-1817), một danh nhân văn hóa đã để lại dấu ấn đặc biệt trên mảnh đất Thủ đô.