Chắc hẳn nó đã làm mẹ xúc động, vì sau đó không thấy bà chơi với sợi dây thêm lần nào. Chỉ có Bu là không thực sự dính chặt lấy cái gì. Còn lâu nó mới đủ tuổi đi làm để nuôi mẹ hay có thư ký riêng. Nó cũng không ham hố trở thành bác sĩ, cứ nhìn anh trai vì muốn thực hiện ước mơ mà ngày càng tiều tuỵ và hôi hám là đủ để nó hiểu sự vất vả của nghề này. Ngay cả ở trường cũng chẳng có môn học, bạn bè hay giáo viên nào muốn dính với nó. Thằng bé cảm thấy mình như một cục xà phòng ướt nhẹp, sờ vào là tuột khỏi tay, rơi xuống đất là trượt dài mất hút.
Vậy nên nó rất thích thú khi khám phá ra món đồ chơi cao su dính chặt ma quái đang rộ lên trong trường gần đây. Chúng mỏng như những chiếc lá, nhiều màu sắc, cấu tạo gồm hai phần: sợi dây đàn hồi với vòng tròn để móc ngón tay vào; nối với phần chính có kích cỡ gần bằng bao diêm, mô phỏng hình dạng lợn, hươu, voi, tê giác, bàn tay người... Một lần, thằng nhóc cùng lớp đã cho Bu sờ thử miếng dính ma quái của nó, cảm giác như chạm vào một miếng thạch rau câu: mềm, ẩm nhưng không ướt.
Điểm độc đáo khiến món đồ chơi này khác biệt so với hàng đống thứ rẻ tiền bán đầy ngoài cổng trường chính là khả năng dính chặt trên các bề mặt như nhựa, giấy, gỗ, thậm chí là bức tường. Bạn chỉ cần nhét một ngón tay vào vòng tròn là có thể yên tâm ném miếng cao su đi bất cứ đâu. Sau khi đã kéo giãn hết cỡ sợi dây nối, nó sẽ trở lại với bạn cùng bất kỳ thứ gì đủ nhẹ, như cuốn vở, chiếc bút chì, cục tẩy... Tụi con trai còn dùng thứ này để trêu bọn con gái, bằng cách cho dính lên tóc hoặc mông.
Với bọn trẻ con, món đồ chơi chỉ đơn giản giúp chúng biến thành chiến binh Bọ Cạp ngầu lòi trong trò chơi điện tử Rồng Đen. Nhưng với Bu, thứ ma quái thần kỳ đó đại diện cho tất cả những gì mà nó không có trên thế gian này: sự kết dính. Nó muốn sở hữu món đồ chơi đến phát điên lên, để có thể dính lấy bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì. Lũ trẻ con vẫn luôn ngây thơ như vậy, tin rằng một điểm mười Toán có thể biến chúng thành bác học, một khẩu súng đồ chơi giúp chúng hoá cao bồi, kết hôn khi đến tuổi là sẽ có gia đình êm ấm, thăng quan tiến chức sẽ khiến thiên hạ nể sợ mình, hay kiếm thật nhiều tiền là tự khắc hạnh phúc mãi mãi về sau... May mắn là sau khi trở thành người lớn, chúng sẽ không còn mù quáng như vậy nữa.
*
Miếng dính ma quái không được gói vào những túi nylon nhỏ và trong suốt, treo trên đòn gánh của các bà bán quà vặt trước cổng trường như những món đồ chơi khác. Chúng là phần thưởng đi kèm trong các gói bánh quy hình con gấu với bao bì toàn chữ Trung Quốc mà không ai hiểu được. Thành thử, để mua trúng gói bánh có hình bàn tay mà Bu thích nhất là một thử thách mang đậm tính hên xui. “Cứ như thể cuộc đời của mình chưa đủ khó khăn vậy”, thằng nhóc ngao ngán tự nói với chính bản thân.
Tuy nhiên, trước khi lo lắng tới việc đó, Bu cần có tiền để mua gói bánh. Đây mới thực sự là vấn đề nan giải, bởi gia đình nó rất nghèo. Sau khi chuyển sang ở với cô thư ký, bố nó vì bận rộn nên quên gửi tiền về cho gia đình, trong khi mẹ nó chưa bao giờ đi làm. Nhà nó từng có nhiều đồ đạc, nhưng đã dùng để đầu tư cho anh trai học làm bác sĩ.
“Nếu mẹ có thể để anh bán hết TV, tủ lạnh, nồi cơm điện, thì chẳng có lý do gì mà không cho mình năm trăm đồng để mua một gói bánh”. Bu tự trấn an bản thân. Tuy vậy, nó vẫn phải thu hết can đảm suốt quãng đường đi bộ từ trường về nhà để mở lời, bởi tuy là người yêu thương nó nhất, thi thoảng mẹ vẫn biến nó thành con khỉ đít đỏ với chiếc roi tự chế từ ống nước nhựa Tiền Phong, chỉ vì những lỗi lầm rất nhỏ nhặt như đứng bét lớp về thành tích học tập hay làm vỡ một chiếc bát.
“Đợi đến năm 2000 mẹ sẽ mua cho con món đồ chơi đó”. Ngay sau khi thở phào vì không bị đòn, Bu lập tức cảm thấy thất vọng tràn trề với câu trả lời của mẹ. Bu nhẩm tính, vẫn còn tận hai năm nữa mới đến năm 2000, lúc đó nó đã lên cấp hai và có thể ở cổng trường mới sẽ không bán loại bánh này. Đó là còn chưa kể rất nhiều cuốn truyện tranh đã khẳng định Trái Đất sẽ bị huỷ diệt khi bước sang thiên niên kỷ mới, khiến Bu càng thêm lo lắng.
Bu ước giá mà lá rụng hay sỏi đá có thể gom lại rồi đổi lấy tiền thì tốt biết mấy. Nó chẳng còn ai để xin xỏ nữa. Anh trai sẽ tát nó chảy máu mũi trước khi kịp nói hết câu, còn lũ bạn cùng lớp luôn chơi trốn tìm với nó ngay khi thấy bóng dáng thằng nhóc suy dinh dưỡng tiến vào lớp.
Nhưng rồi Bu nhớ ra mình vẫn còn một ông bố đang sống đâu đây. Mặc dù mẹ luôn nhắc nhở rằng bố rất bận và có lẽ cả cuộc đời này không thể gặp lại Bu, nhưng nó hồn nhiên nghĩ nếu đến tận nhà, bố sẽ không tiếc vài phút và vài đồng lẻ cho nó.
Bu vẫn nhớ đường đến nhà cô thư ký của bố, chỉ cách trường khoảng ba dãy phố và một con mương. Khi Bu học lớp Một, mẹ đã dắt nó và anh trai đến thăm nơi ở mới của bố, còn định để hai đứa ở lại sống cùng ông và cô thư ký cho vui. Nhưng sau khi được đưa cho một giỏ tiền, mẹ nó vui vẻ dắt hai đứa về, còn hứa hẹn chắc như đinh đóng cột với bố là ba mẹ con sẽ không bao giờ bén mảng lại gần căn nhà nữa.
Dù biết đang phá vỡ lời hứa của mẹ, Bu vẫn đánh liều bấm chiếc chuông cửa mà phải rướn chân hết cỡ mới với đến được. Bỗng dưng tim nó đấm thùm thụp trong lồng ngực, còn mồ hôi túa ra ướt sũng chiếc áo sơ mi trắng đồng phục đã ngả màu cháo lòng. Ban nãy trên đường đến đây nó còn thấy hồ hởi như một chú bé liên lạc đang đi làm nhiệm vụ, vậy mà giờ lại có cảm giác như một tên trộm nghèo hèn định đột nhập vào lâu đài châu báu.
Bu đã hy vọng người đang mở chiếc cửa gỗ màu đỏ nặng nề kia là bố nó, nhưng cuối cùng lại là cô thư ký. Vừa nhìn thấy thằng nhóc, khuôn mặt cô ta hiện lên biểu cảm khó hiểu như thể đang đọc đề bài kiểm tra thi học kỳ Toán. Phải mất một lúc cô mới nhận ra Bu, vì nó đã lớn hơn nhiều so với cách đây ba năm, trong khi cô ta vẫn y hệt như trước, vẫn khuôn mặt lem nhem phấn son như gã hề trong truyện Người Dơi cùng cặp ti to như mấy cô gái Tây trong băng video ca nhạc của anh trai Bu.
“Mày đến đây làm gì?”. Cô ta hỏi cộc lốc, hệt như cô giáo của Bu mỗi lần nó giơ tay thắc mắc về bài học trên lớp.
“Cháu... cháu muốn gặp bố ạ.” Bu rụt rè nói.
“Ở đây chẳng có ai là bố của mày cả. Căn nhà này chỉ có bố của con gái tao thôi.” Cô thư ký rít lên qua kẽ răng.
Sau khi nhận ra mình đang nói những lời quá khó hiểu với một đứa trẻ con tám tuổi, cô ta xua đuổi: “Mau cút về với con mẹ mồm l… răng cá mập của mày. Còn bén mảng đến đây một lần nữa, tao sẽ trói chân tay mày lại để bán sang Trung Quốc đấy.”
Sau đó, giống như một cảnh trong bộ phim Hong Kong dài tập mà mẹ Bu thường xem, cô thư ký đóng sầm cánh cửa trước mặt nó.
Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest. |
Tuy không hiểu “mồm l… răng cá mập” là gì, nhưng Bu đoán bố nó đã rời khỏi căn nhà đó, còn cô thư ký lấy chồng và sinh con. “Vậy là mình sẽ không bao giờ gặp lại bố nữa”, suy nghĩ thoáng hiện lên khiến Bu thấy buồn, nhưng món đồ chơi dính chặt ma quái nhanh chóng kéo thằng nhóc trở lại với câu hỏi phải làm sao khi những người có tiền đều đã cự tuyệt nó?
Bu nghĩ tới việc mượn của bạn bè mà không hỏi, giống như anh trai vẫn thường lén mang đồ đạc trong nhà đi bán sau lưng mẹ nó. Nhưng rồi nó nhớ ra có lần bà đã cầm dao đuổi theo anh nó quanh xóm, hệt như một tập phim Tom & Jerry. Tương tự, mấy thằng cùng lớp bình thường vốn hay bắt nạt Bu vì thấp còi nhất lớp, sẽ càng có cớ tẩn hội đồng thằng bé nếu dám ăn cắp đồ chơi của chúng. Vả lại, không chỉ bị bạn đánh, nó còn có nguy cơ phải đến gặp bà Tính giám thị - quan toà kiêm đao phủ của trường.
Bà Tính có hình dáng rất giống con lợn nái mà nhà hàng xóm của Bu đang nuôi. Cân nặng của bà chắc bằng tổng số cân nặng của tất cả giáo viên trong trường cộng lại rồi chia đôi. Mỗi buổi chào cờ đầu tuần, bà luôn đứng trên sân khấu, chắp hai tay sau phao câu và quét ánh nhìn nghiêm nghị của mình xuống hàng trăm đứa học sinh đang xếp hàng ngay ngắn như những cô cậu công nhân chuẩn bị vào nhà máy. Với bà, giáo dục là phải bình đẳng, nhất là trong một ngôi trường bé tí tẹo, với một trăm phần trăm học sinh là con em của dân lao động, chợ búa hoặc thất nghiệp.
Nói là làm, tất cả học sinh phạm lỗi phổ thông đều được bà thực thi một hình phạt: tát. Hôm nào đang vui và khoẻ mạnh, bà có thể tát một “phạm nhân” khoảng ba, bốn phát nổ đôm đốp như bắp rang bơ trong lò. Đi học muộn? Ăn tát. Vẽ bậy lên tường? Ăn tát? Đùn đẩy bạn khi đang xếp hàng? Ăn tát. Quên không cài cúc áo đồng phục? Ăn tát. Thi thoảng, bà sẽ nương tay với một vài đứa quá nhỏ, hoặc đang bị ốm, với lý do “giơ cao đánh khẽ để các con tự giác tỉnh ngộ”.
Bu nhớ có lần bà đã dùng hết công lực để tát một con bé học lớp Năm giữa sân trường, do nó mặc quần màu đen thay vì xanh tím than như nội quy của trường. Kẻ tội đồ xoay ba vòng giữa không trung rồi ngã sấp mặt xuống vũng nước mưa, trông tức cười như một cảnh giao đấu trong phim chưởng Hồng Kông.
Với những tội nặng hơn như đánh nhau, ăn cắp vặt, vẽ tranh châm biếm bà Tính giao phối với con lợn... sẽ được áp dụng các hình phạt do chính vị giám thị sáng tạo nên. Trong số đó, bắt học sinh phải đào những chiếc hố cho vườn sinh vật tương lai của trường là một phát minh chói sáng trong sự nghiệp trồng người của bà. Kẻ phạm tội sẽ được đích thân bà dẫn ra khu đất trống sau trường. Mỗi phạm nhân được phát cho một cái xẻng để đào một cái hố sâu hai thước. “Nếu không thể trồng người thì ít nhất hãy trồng cây”. Bà Tính lý giải cho hình phạt của mình.
Bu may mắn mới chỉ bị ăn tát vài lần, chưa bao giờ mắc trọng tội đến mức phải đào đất, nhưng hình ảnh những chiếc hố nham nhở ở khu đất sau trường vẫn luôn ám ảnh thằng nhóc không thôi. Vậy là nó nhanh chóng gạch bỏ ý tưởng “mượn” đồ chơi của bạn khỏi đầu. Mọi thứ trở nên bế tắc bởi bộ não học lực trung bình khá của nó chưa bao giờ nghĩ ra quá ba phương án cho một bài toán.
Cuộc sống của Bu dần trở nên khốn khổ khi phải giương mắt ếch nhìn bọn học sinh cùng lớp, cùng trường lần lượt sở hữu một miếng đồ chơi dính chặt ma quái. Thậm chí nhiều đứa còn được bố mẹ mua cho hai, ba miếng với các hình dáng khác nhau để chơi cho thoả thích. Chúng ném miếng dính vào nhau rồi cười khanh khách, cười thích thú, cười mãn nguyện như thể cuộc sống gần mười năm trên cõi đời này thế là đủ đầy và không còn gì hối tiếc, cười như muốn chế nhạo sự kém cỏi và nghèo hèn của Bu. Thằng bé thấy cuộc đời thật thiếu công bằng với nó. Suốt từ khi được sinh ra tới giờ, nó chưa từng sở hữu bất kỳ cái gì và cũng chẳng dám đòi hỏi. Quần áo, đồ chơi, truyện tranh, người thân... của nó đều là đồ đi mượn hoặc được thải ra. Lần đầu tiên trong đời, nó muốn mưu cầu một thứ cho riêng mình, một món đồ chơi rẻ tiền nhưng có thể giúp nó dính chặt với xã hội này. Vậy nhưng cuộc đời vẫn chẳng hào phóng với nó một tí ti nào.
Đúng vào lúc tưởng như “tuổi thơ của mình đã bị đánh cắp”, Bu nhìn lên trần nhà, ngay trên đầu giáo viên, và phải kiềm chế để không hét lên vì sung sướng.
Một miếng dính hình bàn tay màu xanh ngọc bích đang ngự chặt trên trần, với hai ngón tay và phần dây nối lủng lẳng trong không trung, mời gọi Bu đến giải thoát cho nó. Chắc hẳn đây là sai lầm của một thằng lớp Sáu học buổi sáng nào đó. Ngón tay của bọn chúng quá to để đút vào chiếc lỗ trên sợi dây, thành thử rất dễ tuột khi ném miếng dính đi xa.
Suốt buổi học hôm đó Bu không thể tập trung nghe giảng, chân tay bồn chồn hệt như anh trai nó mỗi lần không được bạn bè rủ đi làm bác sĩ vì hết tiền. Tiếng trống tan trường vừa dứt là thằng bé chạy như bay về nhà để tìm kiếm một thứ bình thường vốn rất đáng sợ, nhưng giờ trở thành công cụ tuyệt vời cho nó: chiếc ống nước bằng nhựa - cây roi tự chế của mẹ nó.
Chiếc ống nhẹ và dài gần bằng chiều cao của Bu, với phần bên trong rỗng, có thể đút vừa ngón tay cái người lớn. Mỗi lần mẹ yêu cầu, Bu sẽ lôi chiếc ống từ gầm giường ra và dâng cho bà bằng đôi tay đang run rẩy của mình như một hiệp sĩ dâng gươm cho nhà vua. Sau đó nó tự giác nằm sấp xuống nền gạch bông lạnh buốt in hình bông hoa, sẵn sàng đón nhận những cú đánh khiến chiếc mông đít lép kẹp muốn vỡ vụn.
Bu chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa thực sự của việc người lớn đánh đòn. Bọn trẻ con đánh nhau thì rõ ràng là nhằm phân định đứa nào khoẻ hơn đứa nào. Nhưng khi đối thủ là người lớn, nó không thể phản kháng, chỉ có thể chịu trận, dù là những đòn roi của mẹ hay những cái tát của bà Tính. Nó thắc mắc ai đã cho người lớn cái quyền được đánh trẻ con một cách thoải mái như vậy? Sau cùng nó tự suy luận trẻ con được sinh ra là để người lớn trút giận. Nếu không được đánh tụi nó, sẽ chẳng có người lớn nào muốn làm bố mẹ nữa, bởi nuôi một đứa trẻ rõ ràng là tốn kém và nhiều phiền phức. Kể từ đó, Bu dễ dàng đón nhận đòn roi hơn, thậm chí cảm thấy có chút tự hào vì mình đang làm tốt vai trò của một đứa trẻ con.
Chiều hôm sau, Bu đi học với thanh ống nước cao ngang đầu, trên đỉnh gắn một mối nối chữ T, trông như Tôn Ngộ Không cầm cây Thiết Bảng. Một đứa trẻ mang theo ống nhựa đi học hiển nhiên sẽ bị người đi đường soi mói. Có thể họ nghĩ thằng nhóc này định kéo bè kéo đảng đi đánh nhau hoặc phá làng phá xóm gì đây. Của đáng tội, chính Bu cũng cảm thấy hồi hộp và lo lắng, đâm ra dáng vẻ và khuôn mặt lấm lét như chuẩn bị làm điều xấu. “Mình phải tìm một lý do để trả lời trong trường hợp có người hỏi”. Nó thầm nghĩ. Cuối cùng Bu tưởng tượng đang đóng góp ống nhựa để trường xây dựng đường ống thoát nước mới cho nhà vệ sinh. Lý do này hợp lý đến mức nó đã dần lấy lại tự tin và ngẩng cao đầu bước đi hiên ngang trên con đường rợp bóng hoa xuyến chi và cứt chó.
Cuối cùng chẳng ai hỏi nó mang ống nhựa đến trường làm gì. Nó giấu chiếc ống trong ngăn bàn học cuối lớp, nơi không ai bén mảng vì luôn phát ra mùi khai khắm. Suốt năm tiết học buổi chiều hôm đó, thay vì tập trung vào tấm bảng đen và học hành chăm chỉ như chúng bạn để mai sau trở thành công dân có ích cho xã hội, Bu chỉ nghĩ đến vật thể ma quái đang lủng lẳng trên đầu giáo viên. Thi thoảng nó lén nhìn trộm để chắc chắn miếng dính vẫn nằm ở đó, thổi phần phật theo hướng gió quạt trần nhưng không rơi rụng. Thằng nhóc khẩn cầu tất cả các thể loại Người Dơi, Người Nhện, Son Goku, Đôrêmon, bác sĩ Black Jack... hãy phù hộ nó thực hiện trót lọt kế hoạch. Nghĩ đến viễn cảnh trở về nhà tối nay với chiến lợi phẩm là miếng dính ma quái từ trên trời rơi xuống theo đúng nghĩa đen khiến Bu háo hức mong sao trống trường điểm thật nhanh.
Rốt cục thời khắc quan trọng cũng đến. Tiếng trống vừa vang lên, cô giáo lập tức buông phấn, học trò buông bút, nhanh chóng cất sách vở, đồ dùng như thi xem ai ra khỏi lớp nhanh hơn. Chỉ có Bu vẫn đang giả bộ ghi chép nốt bài giảng trên bảng. Nó không cần phải đóng kịch lâu, bởi chưa đầy một phút sau, lớp học mới đây còn huyên náo và chật ních những bộ đồng phục áo trắng quần xanh giờ chỉ còn lại một thằng nhóc thấp còi đang ngồi với đống sách vở vẫn mở toang trên mặt bàn.
Đèn và quạt đều đã tắt hết khiến lớp học chìm trong màn đêm nhá nhem, rùng rợn. Bu nuốt nước bọt, đoạn nhẹ nhàng thò mặt ra ngoài cửa lớp để kiểm tra. Hành lang tầng ba dài như ruột của một con rắn khổng lồ, được chiếu sáng nghèo nàn nhờ đèn cao áp dưới sân trường hắt lên. Tất cả các lớp học đều trống trơn và toả ra một cảm giác ma quái. Bu ngó từ trên lan can xuống sân trường, không một bóng người. Ánh đèn từ phòng giáo vụ và một số căn phòng khác ở dãy nhà ban giám hiệu trông như những đốm lửa ma trơi càng khiến nó thêm sợ hãi. Trong một thoáng chốc, Bu đã định vơ vội sách vở vào cặp rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Nhưng miếng dính trên trần đã nhẹ nhàng động viên nó.
“Hãy mang tớ về nhà. Tớ sẽ chơi với cậu.”
Lời hứa hẹn của món đồ chơi khiến Bu cảm thấy gan dạ lên. Dù đôi tay đang run bần bật, nó vẫn xoay sở trèo lên bàn giáo viên với chiếc ống nhựa. Từ đây có thể nhìn thấy rất rõ ràng mọi vị trí trong lớp, thậm chí cả những bàn phía dưới cùng. Giờ thì Bu đã hiểu vì sao mọi hành động của bọn nó đều không thể qua mắt giáo viên. Bỗng nhiên nó cảm thấy mình thật oai phong, như thể đang đứng trên đỉnh Hoa Quả Sơn với cây Thiết Bảng trong tay. Bu tưởng tượng phía dưới kia là lũ bạn học đang cúi đầu, thi thoảng lén nhìn nó với ánh mắt hoảng sợ. Nó gõ một đầu ống nước xuống mặt bàn giáo viên thật mạnh và đứng chống nạnh, lũ bạn lập tức gào khóc thảm hại, van xin nó hãy tha tội chết.
“Được rồi. Bổn cung tạm tha cho lũ sâu bọ các người. Bổn cung có việc quan trọng hơn phải làm.” Bu tuyên bố trước lớp học trống không, đoạn bắt đầu đưa chiếc ống lên cao.
Tuy nhiên, dù đã rướn người và nhón hai chân hết cỡ, Bu vẫn không thể với đến miếng dính. Nó đã ngồi trước bàn học cả tối hôm qua để tính toán khoảng cách, vậy mà trong thực tế lại sai be bét. “Đồ ngu, mày là đồ ngu”. Ban đầu Bu chỉ lẩm nhẩm trong miệng, nhưng dần dần nó nói thành tiếng thật to, bắt chước những tiếng quát tháo của giáo viên, của mẹ nó và của cô thư ký. Nó bắt đầu nhấc một chân lên không trung, khiến mặt bàn chao đảo và rung bần bật. Bu ước gì chân của nó có thể đàn hồi và dính chặt lấy chiếc bàn giống như miếng đồ chơi dính trên lớp vữa trần nhà kia, hẳn nó có thể yên tâm rướn người xa hơn nữa. Chỉ một chút nữa thôi, có lẽ chỉ vài milimét (Nếu nó hiểu đúng về đơn vị đo lường) là mối nối hình chữ T sẽ chạm được vào miếng dính. Nhưng cũng giống như gia đình nó, bố nó, bạn bè và thầy cô giáo, miếng dính vẫn trơ trơ ra đó và nhất quyết không chịu thuộc về nó. Nước mắt bắt đầu rỉ ra từ hai khoé mắt, khiến nó càng không nhìn thấy gì trong không gian vốn đã tăm tối. Mặt trời sắp lặn hẳn, nó nghe thấy tiếng chương trình thời sự từ một căn nhà bên kia tường rào. Có tiếng nói cười của trẻ con và người lớn văng vẳng vào tai nó, mùi đồ ăn thơm ngon xộc vào mũi nó. Nó muốn về nhà, nhưng ở nhà cũng chẳng có gì cho nó. “Mày là đồ ngu. Đồ ngu ngốc.”
“THẰNG RANH KIA. XUỐNG NGAY!!!”
Tiếng quát như sấm nổ vào một đêm hè tháng Sáu khiến Bu giật mình và trượt chân. Trong khoảnh khắc trước khi ngã bổ nhào xuống chiếc bàn học đối diện bàn giáo viên, nó nhìn thấy bà Tính đang đứng trước cửa lớp, đôi mắt đỏ ngầu như có máu tụ và hàm răng vàng khè như chiếc hố xí xổm của trường .
Sau khi đập trán vào thành bàn, Bu ngã sấp mặt xuống sàn gạch. Nó thấy lạnh và ướt ở khắp mũi, miệng, trên đỉnh đầu. Trước khi khung cảnh mờ dần đi như tấm gương dính hơi nước nóng, thằng nhóc nhận ra gạch lót sàn của lớp học giống hệt thứ gạch bông in hình hoa hoét ở nhà. Hay là mình đang ở nhà? Bu nghĩ. Nó sẽ bị mẹ đánh đòn vì nghịch ngu mất thôi.
*
Khi Bu tỉnh lại, xung quanh nó là bố, mẹ, thầy cô giáo, bạn cùng lớp và rất nhiều đồ chơi. Mỗi đứa bạn đều tặng Bu một miếng dính ma quái với những hình thù khác nhau, thậm chí cả những đứa hay bắt nạt nó. Mẹ ôm Bu khóc nức nở và hứa từ nay sẽ dính chặt lấy nó suốt đời. Bố nó trông vẫn y hệt như lần gặp cuối, cũng cam đoan sẽ nghỉ việc và ở nhà chơi với nó. Bu còn bất ngờ hơn nữa khi được biết anh trai đã trở thành bác sĩ và luôn ở bên điều trị cho nó kể từ khi tai nạn xảy ra.
Bà Tính sau vụ việc này cũng thay đổi hoàn toàn. Bà tự tay lấp tất cả những chiếc hố, đồng thời xin ban giám hiệu lát bê tông khu đất để làm sân bóng đá cho học sinh, thay vì một vườn sinh vật vốn chẳng giúp ích gì cho tinh thần và thể chất của trẻ. Đề xuất của bà nhận được sự đồng tình tuyệt đối của nhà trường và phụ huynh. Bà cũng không còn tát học sinh hay trừng phạt chúng dưới bất kỳ hình thức nào nữa. Chẳng mấy chốc bà được học trò yêu mến, thầy cô giáo tin tưởng cất nhắc lên làm phó Hiệu trưởng.
Miếng cao su dính chặt ma quái cũng chỉ thịnh hành một thời gian ngắn rồi biến mất, nhường chỗ cho những trò chơi mới, giống như các thế hệ học sinh của trường đến rồi đi.
Nguồn Văn nghệ số 10/2022