Sáng tác

Đời phố. Tản văn của Triệu Văn Đồi

Triệu Văn Đồi
Tản văn
15:00 | 16/11/2024
Baovannghe.vn - Chiều nào tôi cũng dành khoảng thời gian đi bộ từ cuối phố nơi mình ở đến đầu phố và ngược lại. Tôi như chiếc kim đồng hồ quay ngược thời gian
aa

Nhà tôi ở cuối phố. Khái niệm đầu, cuối của một con phố so với đầu làng, cuối làng thì không được chính xác, bởi con phố này đều nối vào hai đại lộ. Đã mấy chục năm phố không có tên và nhà không có số. Nó vốn là một con đường trên công trường xây dựng với các dãy nhà tập thể nằm rải rác hai bên. Từ một con phố “vô danh” cả phố lẫn nhà, bây giờ thì đã có tên tuổi hẳn hoi và, đương nhiên đầu phố phải bắt đầu từ con số 01 bên lẻ và 02 bên chẵn.

Chiều nào tôi cũng dành một khoảng thời gian đi bộ từ cuối phố nơi mình ở đến đầu phố và ngược lại. Tôi như chiếc kim đồng hồ quay ngược thời gian, chỉ mới đây thôi mà ngỡ như đã là xưa cũ.

… Đấy là những hôm công trường phát thực phẩm (thịt) giữa ca. Cả con phố này thơm lừng mùi mỡ. Các dãy nhà tập thể dọc theo con phố từng tốp, từng nơi tụ tập. Đàn ông cởi trần, cánh tay, u vai rám nắng, cuồn cuộn cơ bắp. Đàn bà khuôn ngực ngồn ngộn ẩn hiện qua lần áo bảo hộ, áo đông xuân. Có những cặp vợ chồng vừa mới cưới, có những cặp vợ chồng đã có một hai con. Nhưng phần đông đều là những trai chưa vợ, gái chưa chồng. Thực phẩm giữa ca là thịt mỡ, mì sợi luộc… lấp đầy cái đói. Chưa ăn xong mà có người đã tựa lưng vào tường, đã nằm thẳng giữa nền nhà mà ngáy… giấc ngủ ùa vào thân xác họ trong chốc lát.

Đời phố. Tản văn của Triệu Văn Đồi
Tranh: Null

Mỗi chiều hè, các bể nước và nhà tắm tập thể ào ào tiếng dội nước. Ngày ấy chưa có nước sạch như bây giờ nhưng rất mát vì có cả phù sa. Những giọt phù sa từ Châu Mộc, Châu Yên qua thác Bờ tung lên như bờm ngựa, lặng lẽ thấm vào làn da con gái công trường. Nhiều đêm công trường mất điện. Con phố im lìm ngủ dưới trăng lu. Phố ngủ. Nhưng trong lòng phố nhiều cặp gái trai vẫn thức. Thức cùng làn da con gái như ánh trăng khuya, ngợp hương của trăm miền tụ hội… Trên những lan can sắt, trên những dây thép căng vội, quần áo trẻ con, tã lót, xô màn phất phới reo vui trong nắng. Phố đã sinh sôi. Một thế hệ mới của phố không tên đã ra đời cùng hệ thống những nhà trẻ và trường tiểu học. Cây xanh chưa nhiều mà phố trông đã mềm mại như người đàn bà đang thời sinh nở.

Trời sinh voi nhưng trời không sinh cỏ. Những ngày công trường giãn việc, phố tao tác như cơn bão mới đi qua. Thưa thớt những bóng đàn ông khi họ chuyển đi những công trường mới và xuất khẩu lao động khiến con phố bỗng trở thành một con phố vọng phu. Rồi cơn lũ khủng khiếp hoành hành đã cuốn trôi bao nhiêu số phận, những bầu đoàn thể tử dắt díu về quê, trôi dạt mãi đâu đâu. Hóa ra những chàng Sơn Tinh đã từng đắp đập, khơi kênh dẫn nước, chặn đứng được bao nhiêu trận lũ của dòng sông vốn hung dữ như con ngựa bất kham. Nhưng cơn lũ này thì không còn đủ sức để chặn nổi và bị nó cuốn trôi.

Mới có trên dưới bốn mươi năm, một khoảng thời gian trọn vẹn cho công việc, sự cống hiến và hưởng thụ của mỗi con người từ khi trưởng thành cho đến lúc nghỉ hưu. Một khoảng thời gian mà cộng thêm sự chuyển tiếp thế hệ, những chàng trai chưa vợ, những cô gái chưa chồng ngày ấy đã nên ông, nên bà. Phố đã có tam đại, tứ đại đồng đường. Nhà dọc hai bên phố vẫn thụt thò, lồi lõm, đường phố chưa được thông thoáng nhưng nó đã từng in hàng vạn lượt bước chân lon ton của hai thế hệ trẻ con cắp sách đến trường, hàng nghìn lượt “thoi vàng vó rắc” tiễn đưa những người quá cố. Với một đời người là một khoảng thời gian khá dài. Với một đời phố thì vẫn còn quá ngắn ngủi để có thể hình thành một nếp sống đô thị và hướng tới cái gọi là văn minh đô thị.

Cũng ở thành phố này, khi nhắc tới hai địa danh: Chợ Phương Lâm và phố Đúng thì người Hoà Bình ai cũng biết. Phố Đúng xa xưa lèo tèo dăm bảy quán tranh, phên nứa với đèn dầu le lói, đêm ra khỏi nhà đốt đuốc nứa soi đường, một trại lính khố đỏ, một nhà tù và hệ thống công sở và dinh quan công sứ người Pháp Ferrando, dinh chánh quan lang Đinh Công Xuân, Đinh Công Quý giờ chỉ còn trong hoang phế. Nhưng phố Đúng là con phố lâu năm nhất của tỉnh lỵ Hoà Bình với gần một trăm ba mươi năm tuổi. Tuy không còn, nhưng phố Đúng vẫn luôn hiện hữu trong ký ức về một thời nô lệ, lầm than của người dân xứ Mường cùng những phận người phiêu bạt từ các tình miền xuôi lên trú ngụ.

Chẳng giám so sánh với những con phố đã ba trăm năm tuổi của Sài Gòn - Gia Định, những con phố đã một nghìn năm tuổi của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, chỉ với phố Đúng thôi, con phố của tôi cũng đã thuộc hàng chắt chít.

Một con phố mà mỗi độ hè sang, những tán bàng xanh mướt, rậm rì vẫn trùm lên che mát một phần của cuộc đời tôi. Và, mỗi độ giữa đông, sắc lá chuyển sang màu đỏ xậm và tím loãng, chuẩn bị cho những ngày bời bời lá trút đến xao lòng, đến ngẩn ngơ khi bàn chân đạp trên thảm lá dày đặc hai bên hè phố.

Tôi nhận ra rằng phố như người đàn bà vừa viên mãn, vừa gợn những âu lo lúc mang thai. Phố vẫn sinh sôi khi những búp non nơi đầu cành thắp lửa giêng hai.

Thời tiết ngày 11/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển mưa rét

Thời tiết ngày 11/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ chuyển mưa rét

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 11/12: Bắc Bộ đón đợt không khí lạnh. Nam Bộ mưa rào và giông vài nơi.
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.