Chuyên đề

Nhà thơ Trần Quang Đạo: Bay về phía vòi vọi cao xanh

Nguyễn Hữu Quý
Hội nhà văn VN
21:05 | 15/11/2024
Baovannghe.vn - Thế đó, cuộc đời thi sĩ Trần Quang Đạo gắn với những đường bay thân thuộc nhưng lại chấp chới huyền ảo vừa quen vừa lạ, vừa thực vừa hư
aa
Nhà thơ Trần Quang Đạo: Bay về phía vòi vọi cao xanh
Nhà thơ Trần Quang Đạo

Biết nói sao đây khi trời đã “chọn” cho bạn cái giờ ấy, ngày ấy, tháng ấy, năm ấy để bắt đầu một hành trình mới. Như cái cách tư duy nhuốm màu tâm linh tôi đã nghĩ sự sống là hành trình bất tận. Tôi đã im lặng để cho những giọt nước mắt mặn mòi lặn vào trong khi đọc Tin buồn do trưởng nữ Trần La Thủy Trang thay mặt gia đình thông báo vào trưa ngày 11 tháng 11 là nhà thơ, nhà báo Trần Quang Đạo đã rời cõi tạm vào hồi 2 giờ ngày 10 tháng 11 năm 2024 (tức ngày 10 tháng 10 năm Giáp Thìn). Thực ra, thì cái tin Trần Quang Đạo mất tôi đã biết ngay từ tờ mờ sáng ngày hôm ấy sau khi bạn tôi trút hơi thở cuối cùng khoảng 3 giờ. Bàng hoàng. Xót thương trào dâng, tôi bật khóc theo những câu thơ của mình hiện ra trên màn hình điện thoại. Hình dung cuộc ra đi của bạn là một chuyến bay bất tận, trước hết là Bay về quê, cuộc hồi hương cuối cùng/ núi, sông và mẹ/ mùi mồ hôi xứ Lệ đẫm trong tiếng gọi/ “Đạo ơi, về ăn cơm…”, là để tiếp tục chặng khám phá vô cùng, vô biên của chàng thi sĩ lãng tử tài năng Bay như đang rong ruổi đi tìm bí mật của những dòng thơ không hề nhạt/ bằng ánh sáng thoát ra từ vệt di căn định mệnh đớn đau/ bằng sức bền của cây xương rồng nở hoa thắm đỏ…

Thế đó, cuộc đời thi sĩ Trần Quang Đạo gắn với những đường bay thân thuộc nhưng lại chấp chới huyền ảo vừa quen vừa lạ, vừa thực vừa hư, vừa truyền thống vừa hiện đại. Trộn hòa trong con người ấy, tâm hồn ấy một thế giới nhân sinh và thi ca có phần riêng biệt mang nhiều dấu ấn của sáng tạo. Bây giờ khen Đạo cũng thừa, bởi bạn tôi đã cho ngủ yên tất cả 5 giác quan, cả trái tim cũng ngưng nhịp đập sau khi hoạt động liên tục 68 năm ròng rã nếu tính theo lịch trăng. Tất cả bây giờ chỉ là ký ức. Hay nó chỉ còn thấp thoáng trong mù sương mang mang của vũ trụ. Một làng quê mang tên Phú Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình nơi bạn tôi sinh ra, lớn lên. Chiến tranh và hòa bình. Tuổi học trò đi qua bom đạn của vùng đất tuyến lửa. Tuổi thanh xuân. Đời lính. Đời sinh viên. Duyên nợ văn chương. Viết báo. Khi về nghỉ hưu là Tổng biên tập báo Nhi đồng, một tờ báo dành cho tuổi ấu thơ Việt Nam,

Với bạn tôi, tất cả đã qua rồi; bấy nhiêu thăng trầm trong cái được gọi là “bể khổ” cũng chả mảy may quan trọng nữa. Thế giới vô hình chỉ man mác những trong veo, những chíp chiu non tơ của yêu thương nguyên thủy, những dư âm xa xưa cũng chỉ lưu lại điều đẹp đẽ nhất thôi. Đấy là thơ. Những câu thơ Đạo để lại cho đời. Vâng, đúng thế, bây giờ bạn tôi đã về với mẹ trong sự lặng im tuyệt đối nhưng tôi vẫn mường tượng rất rõ giọng ấm của Đạo khi đọc thơ về mẹ: Cuống vé như cánh đồng được mùa/ mẹ cất kỹ trong túi áo nâu cài kim băng kín miệng/ sợ mất đi là mất cả mùa màng…/ Mẹ đi máy bay/ trầu cau ấm một khoang ngồi/ mùi rơm rạ lót trong kẽ tay còn phảng phất/ lòng mang đầy ca dao… (Mẹ đi máy bay). Yêu mẹ đến bao la mới có được mấy vần thơ ngậm ngùi như thế. Đấy là thơ. Muôn vàn yêu thương sâu lắng có trong từng con chữ cứa vào lòng người như là cách diễn ngôn giản dị về nhân văn vốn đã tốn rất nhiều giấy mực: Xa sông/ tôi thương từng con cá mình đã câu thuở nhỏ/ thương đàn cá con mất mẹ đỏ lấm tấm mặt sông/ Tôi hóc xương và khóc/ nước mắt đỏ trong mơ nhỏ xuống dòng trôi… (Thả cá xuống sông). Đấy là thơ. Chiếc trăng trở thành vầng nhẫn trong thơ Trần Quang Đạo thuở nảo thuở nào mà lung linh đến vậy. Chiếc nhẫn trăng ấy là biểu tượng của tình yêu vằng vặc, trong trẻo của không ít người: Có một nhẫn trăng lấp ló tròn đầy/ Em gìn giữ hào quang của tình yêu bền bỉ/ Một đời khép những chuỗi ngày đơn lẻ/ Vòng thời gian năm tháng kết liền/ Anh đi xa vầng sáng ở trên đầu/ Tròn vành vạnh giữa trong xanh cổ tích/ Anh cúi xuống suối trong màu ngọc bích/ Nhẫn trăng rơi lấp loáng mắt cười… (Nhẫn trăng). Dòng đời trôi, vẫn trôi theo lẽ vô thường. Cái hôm nay không còn như hôm qua nữa, cái ngày mai cũng sẽ khác hôm nay, nhưng yêu thương vẫn là mãi mãi, là sự cứu rỗi con người vượt thoát những tối tăm, là dẫn dắt đáng tin cậy cho hạnh phúc bình dị và bền vững: Có một nhẫn trăng ở mỗi cuộc đời/ Em giận dỗi đau một màu trăng khuyết/ Anh nóng giận mây đen trùm ánh biếc/ Nhưng bao giờ cũng vành vạnh rằm lên (Nhẫn trăng).

Và, Trần Quang Đạo cất cánh từ những luống đời mình. Trước hết, vẫn là những cố tình ưu đãi cho thi ca mà bạn tôi nguyện gắn bó suốt đời. Hay nói cách khác thơ chính là phần không thể thiếu được trong cuộc đời của Trần Quang Đạo. Sự sáng tạo thi ca trên nền tảng truyền thống đã mang lại cảm hứng cho nhà thơ tài hoa ấy và mặc nhiên nó được lan tỏa thấm ướt vào bạn đọc gần xa. Bay trong mơ chính là sự thăng hoa trời cho Trần Quang Đạo, hay đó cũng là báo hiệu mang tính tâm linh. Định mệnh đã được mã hóa trong mỗi người từ tích tắc giao hòa mẹ - cha giữa bao la hơn cả bao la của vũ trụ này. Không thể đổi dời được, và tôi nghĩ bay, được bay là hạnh phúc hoan hỉ của nhà thơ sinh ra ở dải đất hẹp nhất Tổ quốc này. Đây nhé, cái sự bay huyền diệu mang tên Trần Quang Đạo: Tôi tập bay trong mơ/ phía trước mẹ vừa bay vừa ngoái lại/ khích lệ tôi/ vẫy gọi tôi/ tôi mọc thêm màu sắc trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời… (Bay trong mơ). Chưa hết. Sự bay đó chính là tự do mà tự do thì mênh mông quá, chỉ có những tâm hồn hướng đẹp mới khao khát được vẫy vùng tung cánh: Bay không cần định hướng/ bầu trời xanh này của tôi/ của những bầu bạn khác/ tự do không khung cửa/ những tầng mây đỡ cánh tôi bay/ dù tôi không còn mẹ… (Bay trong mơ).

Có rất nhiều điều để viết về cuộc đời và thơ Trần Quang Đạo. Chỉ nói về thơ cũng đã nhiều. Thơ Đạo viết về quê hương, đất nước. Thơ Đạo viết về mẹ. Thơ Đạo viết về người lính. Thơ Đạo viết về tình yêu. Thơ Đạo viết về nỗi đau. Thơ Đạo với nhân tình thế thái. Ở mảng nào cũng có những bài thơ, câu thơ để nhớ. Trần Quang Đạo là một người viết xứng đáng để chúng ta tôn vinh thi sĩ. Điều đó không chỉ biểu hiện ở những tập thơ bạn tôi đã xuất bản như Luân khúc (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 1991; Vòng tay cỏ, Nhà xuất bản Văn học 1991; Ngọn cỏ thời yêu nhau, Nhà xuất bản Thanh niên 2001; Khúc biến tấu xương rồng 2004; Những giấc mơ cắt dán, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2008; Bay trong mơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2019 và gần đây là hai tập thơ song ngữ mang tên Nhẫn cỏ và Mật thi… cũng như các giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1984), Hội Nhà văn Việt Nam (2019), Asean (2020)… mà còn ở những đóng góp rất đáng ghi nhận với nền văn học Việt Nam nói chung và thơ nói riêng. Trong thơ ca, Trần Quang Đạo luôn biết cách vượt lên mình và nhờ tài năng đã thành công. Cái được của cuộc đời Đạo không thể không ghi nhận từ những gì bạn tôi đã cống hiến cho thơ. Tôi tin từ đây, bạn viết, bạn đọc sẽ tìm đến nhiều hơn với thơ Trần Quang Đạo để khám phá thêm vẻ đẹp của thi ca. Từ đó sẽ lĩnh hội thêm cái đẹp của cuộc đời, của những giấc mơ, của những khát vọng. Tôi tin Trần Quang Đạo sẽ được tỏa sáng hơn với đời thơ của mình, để khi bạn đã bay rồi thì những câu thơ hay vẫn còn thấm thía lòng người: Thôi thì hỏi trời/ vòi vọi cao xanh lặng im không nói/ thế mới biết những khi buồn vời vợi/ trời khác chi ta giông bão thất thường...

Giờ thì Trần Quang Đạo không cần phải hỏi trời làm chi nữa, bởi bạn tôi đã làm mây rồi. Mây bay. Như muôn đời mây vẫn bay. Và thơ, như muôn đời nay, thơ hay vẫn được giữ lại trong đời. Còn nhiều chuyện muốn kể lắm về Đạo. Chuyện hay cũng lắm. Chuyện dở, ư hư… cũng chả ít đâu. Nhưng mà, con người làm sao hoàn hảo được cơ chứ. Bạn cứ yên lòng bay về phía vòi vọi cao xanh nhé. Xin được gửi theo bạn mấy câu thơ này. Như nén hương thắp cho một tâm hồn bất tử:

Đạo ơi!

Bay trong mơ

bằng đôi cánh thi ca

có vầng mây mang tên bạn

Bay trên những đám cỏ xanh

bạn lấy về kết thành nhẫn tặng tình yêu

nắng sớm bão chiều

vò võ nỗi đau, nỗi đau, nỗi đau...

Bay về quê, cuộc hồi hương cuối cùng

núi, sông và mẹ

mùi mồ hôi xứ Lệ đẫm trong tiếng gọi

“Đạo ơi, về ăn cơm...”

Bay trong tiếng đàn ghi ta của đêm bè bạn

dốc cạn nỗi buồn vào mỗi ca từ

từng nốt nhạc mơ hồ

bơ vơ

Đạo hát!

Bay như đang rong ruổi đi tìm bí mật của

những dòng thơ không hề nhạt

bằng ánh sáng thoát ra từ vệt di căn định

mệnh đớn đau

bằng sức bền của cây xương rồng nở hoa

thắm đỏ

Bay nhé, bạn tôi

bao la dành cho một hạt bụi lừng danh

còn lại giữa cuộc đời này chiếc nhẫn cỏ

tặng cho tình yêu đích thực

tình yêu thủy chung nhé, Đạo ơi!

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn