Văn hóa nghệ thuật

Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu

Dương Thanh Truyền
Sách
07:00 | 18/08/2024
Baovannghe.vn - Nói lái là một đặc sản của tiếng nước ta. Nhờ cách nói từng tiếng một (ngôn ngữ đơn âm), đồng bào ta có thể “trộm long tráo phụng”
aa

Chiều 24/10/2022, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) đã tổ chức khai mạc một cuộc triển lãm nghệ thuật đặc biệt với cách đặt tên đặc biệt! Triển lãm gồm 10 tác phẩm (nhiếp ảnh, điêu khắc động, sắp đặt tương tác, video sắp đặt đa kênh…) của chín nữ nghệ sĩ do một nữ nghệ sĩ làm giám tuyển, với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Tựa đề của triển lãm "Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu" đã chọn lối chơi chữ bằng cách nói lái dựa trên một câu tục ngữ, thể hiện rõ thái độ đối với những định kiến của xã hội truyền thống hàm chứa trong câu "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Thật là vừa hóm hỉnh, vừa châm biếm, vừa cho thấy rõ cái tài, cái trí của chị em xứ ta!

Ta có thêm một ví dụ sinh động từ cuộc sống, khẳng định nghệ thuật nói lái đã là “một phần tất yếu” của dân ta.

Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu
Ảnh minh họa. Nguồn internet

Từ câu đối đến thơ xưa

Nói lái là một đặc sản của tiếng nước ta. Nhờ cách nói từng tiếng một (ngôn ngữ đơn âm), đồng bào ta có thể “trộm long tráo phụng”, đổi chỗ cho nhau hoặc là thanh điệu (dấu giọng), hoặc là phụ âm đầu / phần vần của các tiếng, có thể kết hợp hoán đảo vị trí các tiếng, có thể dùng theo lối nói đồng âm, hay gần âm theo phương ngữ vùng miền.

Kiểu thứ nhất, chính là lái Bắc (chỉ đổi thanh điệu). Kiểu như: Thụy Điển mà cũng có thủy điện à? Hoa hậu Mộng Năng là cô nàng nặng mông! “Mộng dưới hoa” (ca khúc) thành … họa dưới mông! Nhà báo Đà Trang (Tuổi Trẻ), khi lên “Phây” thì dùng nick Chàng Đa…

Còn kiểu kia là lái Nam: Đừng chúc mình sức khỏe nha, sức khỏe là … sẽ khuất đó! “Em về tinh khôi” (ca khúc) nhưng … tôi về em khinh! Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên lúc viết báo thường ký tên Thiên Hằng (tức thằng Hiên). Cha đưa con đến trường, cha hoảng hốt la lên “Thôi chết con ơi trễ giờ rồi”, nhưng con thì vui vẻ nói ngay “Trễ giờ thì chở về thôi ba!”.

Đại đa số là lái đôi (hai tiếng). Nhưng cũng có lái ba: Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo. Câu lạc bộ Sáng tác Trẻ sớm muộn gì cũng sẽ trác táng (!). Muốn cầu gia đạo nên phải cạo da đầu. Nó hành nghề chà đồ nhôm, nghĩa là chuyên chôm đồ nhà…

Thậm chí người ta còn có thể lái liên tiếp những cặp hai tiếng kèm theo phép đảo ngữ tạo thành những kiểu diễn đạt ba vế rất ấn tượng.

Một nhóm hài đã dựng nên một tiểu phẩm mang tên “Bật mí bí mật bị mất”. Cầm ly rượu, một cô gái nghẹn ngào nói: Em uống ly này thiệt là cháy lòng, bởi em đang chống lầy, vì rất muốn lấy chồng. Thiên hạ thường dặn nhau: Đấu tranhtránh đâu, coi chừng bị trâu đánh. Vừa đá banh, vừa ăn bánh đa, coi chừng bị ba đánh!

Lối nói lái này tạo thành nhiều câu đối rất độc chiêu:

Con cá rô cố ra khỏi rá cô

Chú chó mực chực mó vào chõ mứt;

Văn sĩ Nhật Tiến bảo học tiếng Nhậttiện nhất

Luật sư Đức Tiến không biết tiếng Đức nên tức điếng…

Câu đối

Tác giả Nguyễn Văn Hiệp, trong “Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam” (Trang Saigon Ocean), có chia sẻ về chuyện nói lái trong câu đối, xin chọn ra một số câu thú vị dưới đây:

Câu đối Tết dành cho hạng người keo kiệt, bủn xỉn:

Thiên tường, tác biệt

Hiền tạ, thu sương.

Nghe qua có vẻ rất hàn lâm… Hán – Việt, kỳ thực là tả rõ bản chất “thương tiền, tiếc bạc; hà tiện, thương xu” của những kẻ xem đồng tiền to hơn mọi thứ trên đời.

Câu đối vịnh cảnh nghèo của nghề dạy học:

Thầy giáo…tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, đem giáo án ra… dán áo

Mèo con… còn meo, còn léo nhéo, kéo lòn nhòn, ngậm xương cá về… ca xướng. Cái tài nằm ở chỗ nói lái trong từng vế của từng câu.

Lại có câu đối dựa trên tên gọi khác nhau của cùng một sự vật:

Vợ nuôi chó, chồng chén cầy; tứ đốm tam khoanh, cây còn hóa ra là nhà Tuất Ngưòi bảo heo, kẻ kêu lợn; ba bầy bảy mối, lớn lại thành đích thị họ Trư

Chó là cầy, là Tuất và cây còn = (nói lái) con cầy; Heo là lợn, là Trư và lớn lại = lái lợn!

Từ vế đối “Gái Củ Chi, chỉ c…, hỏi củ chi?”, có bộ sưu tập các vế đối lại:

Trai Giồng dứa, trồng dừa giống, trên giồng dứa

Trai Láng Hạ, lạ háng người Láng Hạ

Trai Thành Đông, đồng thanh hét thành đồng…

Tất cà đều là nói lái dựa trên các địa danh.

Tác giả bài viết còn giới thiệu một vế đối (không rõ của ai) để mời mọi người cùng đáp đối: Xuân Cali lạnh lẽo, nghe gọi heo, gọi lợn, gọi chó, gọi cờ tây, chạnh thèm bát giả cầy…

Cái khó là do bát giả cầy, làm từ thịt heo, thịt lợn mà vẫn gọi thành thịt chó, thịt cờ tây = cầy tơ!

Bài thơ Tác hợp

Bài thơ sau đây được ghi lại trong “Quảng Nam nói lái” (Trang Khám phá tri thức – Violet) mà tác giả Huỳnh Ngọc Chiến xác nhận là “trong một tình huống có thực”.

Số là ở xứ Quảng Nam có ông Dương Quốc Thạnh, biệt hiệu Sơn Hồ, là người có tài làm thơ nói lái theo thể Đường luật, có thể đối nhau chan chát trong từng câu từng vế.

Chuyện rằng, có một anh công nhân gốc Hội An, đi làm việc ở Phú Ninh, rồi ăn ở với một cô thợ may nơi đây, khiến cô mang bầu. Anh về thú thực với gia đình và xin phép cưới gấp, nhưng ba mẹ nhất định không chịu. Do nhà thơ ngẫu nhiên quen biết cả hai bên, nên nhà gái bèn nhờ ông tìm cách thuyết phục bên đàng trai. Cuối cùng, đám cưới vẫn diễn ra suôn sẻ, với cô dâu đã mang bụng bầu sáu tháng.

Bộ sưu tập

Quán cà phê “Lão bộc” ở Bảo Lộc.

Dân công sở: Buổi trưa ăn bưởi chua.

Giảng viên mỹ thuật: Sáng làm vẽ sư, tối đi giữ xe!

Học viên ngoại ngữ: Em yếu tiếng Trung vì… em trúng tiếng yêu!

Dân chơi game: Chơi toàn ca khó, thua thì kho cá.

Siêu lừa: Muốn lừa đảo thì phải có đào lửa (hot girl).

Người bán hàng rong: Mấy anh ghê gớm là mấy anh gom ghế (thanh tra đô thị).

Thí sinh game show “Nhân tố bí ẩn”, có thể đội một chiếc mô tô 200 kg trên đầu mình: Người ta mua mô tô để “đậu trên đồi”, còn tôi chơi mô tô để “đội trên đầu”!...

Chuyện nói lái kể sao cho hết! Nó đơn giản như … đang giỡn, hàng ngày hàng giờ vẫn đang được thưởng thức và sáng tạo, mọi lúc mọi nơi, từ thị thành đến làng quê, từ bục giảng đến hàng quán, từ dân trí thức đến giới bình dân mang lại tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái hay tinh tế, ý nhị cho mỗi người trong cuộc sống đời thường, từ một kiểu nói thuộc vào loại “riêng một góc trời” của tiếng ta!

Không khí căng thẳng, nặng nề giữa hai họ được giải tỏa hoàn toàn nhờ vào bài thơ do ông làm ra và đọc lên, với tư cách chủ hôn, thậm chí nhà trai còn vui vẻ khi tuyên bố đón nhận nàng dâu:

Ai bàn chi chuyện đã an bài,

Trai khiển đồng tình gái triển khai.

Cứ sợ cho nên thành cớ sự,

Mai than mốt thở lỡ mang thai.

Tính từ ngày tháng vương tình tứ,

Khai ổ bây giờ báo khổ ai.

Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng,

Thôi đành để chúng được thành đôi!”

Lời bàn của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến:

“Ngẫm mới thấy bài thơ sâu sắc và lý thú. Chuyện đã rồi thì thôi đừng bàn ra tán vô làm chi. Do chàng trai điều khiển nên cô gái mới phải chịu theo, nhưng lỗi là do cô gái đồng tình nên cũng không thể trách ai. Vì quan hệ lén lút nên mới xảy ra “sự cố”. Bây giờ sắp đến ngày sinh nở rồi, sắp đến lúc “khai ổ” rồi, mà đám cưới không thành thì sẽ làm khổ cho cả hai bên nhà trai nhà gái lẫn hai người trong cuộc. Hai câu cuối quả thực vô cùng cảm động và mang nặng tính nhân văn”.

Quả là chí lý!

Dân ta nói lái… tiếng xứ người ta!

“Lưỡng cô dành dách cô xường toại”. Mới nghe qua, ai cũng tưởng đó là một câu nói của người Hoa Chợ Lớn. Câu nói vui này, đơn giản là: Có hai cô gái đang dành với một cô gái khác một trái / bịch xoài tượng!

Đây là cách dân Sài Gòn đùa nghịch theo lối chơi chữ bằng cách kết hợp nói lái với sử dụng âm giọng “y như thiệt”!

Người nói khi “thao tác” cần phải biết ngưng, biết nhấn, biết nhá… để tạo ra “âm hưởng” tiếng Hoa. Có khi còn phải thêm vào chữ lớ ở cuối câu!

Chẳng hạn như:

Cúng thài, cúng thái, cúng quần thai” tức là Cái thùng, cái thúng, cái quần thun. “Ngầu lôi tăng kể, mẵn cúi khíu chọ” = Ngồi lâu tê cẳng, muỗi cắn khó chịu. “Cáo chình quá vị khán dĩ!” = Kính chào quý vị khán giả!

“Pú tùng chảo từ” = Không hiểu (mượn âm tiếng Phổ thông , bất đổng)… chữ Tàu!

Cùng một kiểu như trên, dân ta cũng một thời tạo ra kiểu nói “nghe rất Tây”:

Ót măng xít mơ” = Ăn mót xơ mít.

“On me năng ăng rê” = Ăn me non ê răng.

“Quýt xơ măng bông sên” = Quăng xơ mít bên sông.

“Anh Tư Hăng – rết là anh Tư… hết răng!”.

Trên đây là cách người Việt nói lái để tạo ra giọng điệu nghe hệt như tiếng Tàu, tiếng Tây.

Dân ta, hơn thế nữa, còn có thể nói lái với chính tiếng Pháp, tiếng Anh!

Nóng quá mà thành ra đắt quá!

Thời Pháp thuộc có giai thoại được chép lại trong Thú chơi chữ (Lê Trung Hoa, Hồ Lê, NXB Trẻ, 1990), đại ý như sau:

Một bà vợ Việt đi với ông chồng Tây vào tiệm bán tranh sơn mài. Thấy chủ tiệm nói thách quá, vợ nói nhỏ vào tai chồng: Très chaud! Très chaud! (Nóng quá! Nóng quá!). Chồng tưởng vợ than trời nóng nực, vội vàng mua ngay.

Ra ngoài, vợ trách móc: Đã bảo đắt quá mà vẫn cứ mua! Chồng thắc mắc: Mình bảo lúc nào? Vợ giải thích: Người ta không thể nói trực tiếp được, sợ tay chủ tiệm bực mình, nên phải nói très chaud (phát âm: tré – sô), tức là trop cher (trố - se, đắt quá) đó! Vậy mà cũng không hiểu!

Ông chồng Tây này lấy vợ Việt, ở xứ Việt hẳn là rành tiếng Việt, nhưng kỹ năng nói lái chắc là còn lâu mới thành ra phản xạ được!

Lại có một chuyện cách đây chừng hơn 60 năm, cũng được ghi rõ ràng trong Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam Bộ (Nam Chi Bùi Thanh Kiên, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2017).

Tóm tắt như vầy:

Có một ông già dẫn một chú bé từ Bến Tre qua Mỹ Tho mua phụ tùng ráp chiếc xe đạp đòn vông (sườn ngang) để mai mốt cho nó đạp từ quê ra tỉnh đi học mỗi ngày. Hồi đó sườn xe và phụ tùng xe đạp đều nhập từ Pháp về. Hàng xịn đương nhiên là không thể rẻ. Tội nghiệp, cha con ông bán 20 giạ lúa được hơn 1.100 đồng, làm sao dám rớ tới mấy món hàng chánh hiệu.

Ông già mới nói nhỏ với ông chủ tiệm: Có đồ phụ tùng Lan – cô không ông? Chủ tiệm ngẫm nghĩ một hồi rồi vui vẻ nói: Có, Lan – cô cũng có nhiều thứ được lắm. Ráp chiếc xe đầy đủ, chỉ tốn hơn một ngàn đồng là tốt điếng rồi!

Xem ra hai ông già này hiểu ý nhau quá sức: Lan – cô nghe như thương hiệu “Lalco”, nhưng nếu nói lái thì thành ra lô – can, tức là “local” – đồ nội địa, chế tạo trong nước!

Nhân dịp “Bay thật xa” hãy cùng bar thật say!

Sinh viên xứ ta hồi đầu thế kỷ XX có câu đối độc đáo:

Học phi-lô nên phô-li

Đi vê-lô bị vô-lê.

Phi - lô (philosophie) là triết học, nói lái thành phô – li (folie) là điên: học triết học nhức đầu nhức óc quá, dễ hóa điên hóa khùng. Còn vê - lô (vélocipède) là xe đạp, nói lái thành vô - lê (volé) là mất cắp: đi xe đạp không trông coi cẩn thận dễ bị mất cắp.

Bằng cách này, dân ta nhắc nhau: Chơi pê - ta (pétard = pháo, trái nổ) có ngày thành pa - tê (pâté = món thịt / gan nghiền nhỏ, hấp chín). Hoặc kể chuyện: Phải sửa bu - gi (bougie = bộ phận đánh lửa của động cơ) để còn kịp đi mua bi - giu (bijou = nữ trang)…

Ngày nay, đã có không ít nhà báo đưa nói lái vào ngôn ngữ báo chí: “SIDA, hãy xa đi”, “Massage, hay là ma-xát?”, “Có quan chức xài tiền công tác như xài giấy các-tông!”…

GS.TS. Nguyễn Đức Dân đã từng ra đề cho sinh viên báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh bình luận về cái tít “thuộc vào loại bắt mắt” là “Cà phê vidéo = vô đi! Ê!”.

Và sinh viên đã “… người thì nói đề báo rất “quậy”, mang tính quảng cáo, người thì khen đề báo dí dỏm, người cho là đã lột tả được đặc điểm nhí nhố của loại cà phê vidéo nhiều ca ve và nhiều tiêu cực. Cách nói lái vidéo thành “vô đi, ê” nêu được đúng bản chất của loại hình cà phê này: mời gọi thiếu văn hóa nhưng lại ỡm ờ, khêu gợi đáng ngờ…” (Ngôn ngữ báo chí - Những vấn đề cơ bản, NXB Giáo dục, 2007).

Lại chép ra đây một câu từ bài giảng của copywriter nổi tiếng Huỳnh Vĩnh Sơn: Nhân dịp ra mắt an-bum “Bay thật xa”, mời anh em đến chung vui, mình cùng bar thật say!

Đơn giản như… đang giỡn

Khoảng năm 2000, trong một game show trên truyền hình, khi bước vào phần thi cuối cùng mà nếu thắng cuộc, người chơi còn lại có thể ẳm một phần thưởng trị giá đến 50 triệu, MC của chương trình bèn hỏi một câu hỏi muôn thuở: Xin chị cho biết cảm tưởng của chị trước khi bước vào vòng thi đặc biệt…

Và chị ấy đã trả lời như sau: Nếu tôi được thì coi như là của trời cho, còn nếu tôi thua thì cũng chỉ là trò chơi thôi mà! Khán giả trong trường quay lập tức vỗ tay nghe tán thưởng cho một cách nói lái thiệt là đúng chỗ, đúng lúc!

Chung quanh những cái tên

Sinh ra ta, cha mẹ ông bà quyết đặt cho một cái tên đẹp mà sang, kèm theo biết bao là tin yêu và kỳ vọng. Nhưng “bọn xấu” nào có chịu buông tha. Bích Đào bỗng biến thành Bào Đít, Diễm Trang thành Giãn Chim, Mai Liên thành Miên Lai, Dương Cầm thành Dâm Cường

Có một “thủ đoạn” thường xuyên bị những kẻ “bất nhơn” thực hiện: ghép vào tên ta thêm một tiếng khác. Những ai tên Đức đều đã từng đau khổ suốt một thời đi học, với những Đức cống / Đức cạp / Đức cớp … Nếu là Thái, đành sống quen với Thái dúi, Thái dũng … Còn Hải, chịu chết thành Hải dưới. Một anh tên Tâm, được gọi là Tâm già chả phải vì cái sự kính lão đắc thọ, mà chính là để bêu xấu thành tà dâm. Ta tên là Thanh, có “kẻ ác” ghép thêm thành Thanh khùng, nói lái thành Khung thành, rồi “dịch nghĩa” thành Gôn! Trời ơi! Có còn ai nhận ra tên ta nữa không?

Theo “công thức” này, mấy anh tài xế xe con ngán nhất là mấy cha Sơn (xe lớn, xe tải, xe container); còn các cô gái trẻ thì chỉ nghe danh thôi đã phải bỏ chạy trước những chàng tên Tú hai giáp (!).

Dưới miệt Đồng Tháp, có một anh cán bộ khuyến nông, nổi tiếng với biệt tài lắp ghép tên người. Anh đặt tên “mới” cho hết thảy mọi người trong cơ quan, rồi nối lại thành một cuốn “tiểu thuyết” có lớp có lang, có chương có hồi, dành đãi bạn bè lúc trà dư tửu hậu. Vì cốt truyện này quá “mặn” không thể kể hết ra đây, nên chỉ xin điểm qua vài cái tên để thấy nội công của bực cao thủ: Hiếu ổng (hổng yếu) / Nghiệm chui (nguội chim) / Liêm chao (lau chim) / Thành bọc (thọc bành) / Kỳ vô đạp (cạp vô đì) …

Đáng nói nhất, là chuyện một anh tên Kiệt. Bị người đời ác miệng gọi chết tên là Kiệt lặc. Mặc cảm bị … liệt, khiến anh Kiệt mất hết tự tin khi vào chốn đông người, vì sớm muộn gì cũng có kẻ lôi mình ra làm nhục!

Nhưng rồi, anh lại được “hồi sinh” nhờ vào tài nghệ của vị đại ca kia, đổi tên anh thành Kiệt thứ thu! Từ ngày được xướng danh là K … thứ thiệt, đời anh vui thấy rõ!

Tài nghệ không kém, là một bác sĩ ở Sài Gòn, cao cường “võ nghệ”, tên tuổi kiểu gì cũng có thể đổi tráo tức thì. Có lần anh bị một cô gái tên Ảnh bắt bí: tên em làm sao mà anh lái được! Nào ngờ, vị bác sĩ này liền tung ra ngay một thuật ngữ chuyên môn vốn thường được dùng trong ngoại khoa: Tên em là “vết thương lành ổn” (l… Ảnh). Thiệt là hết chỗ nói!

Sắc màu tình yêu

Dân gian đã tổng kết bốn sắc màu của tình yêu, theo đúng các giai đoạn của đời người. Thuở mới yêu nhau, sắc màu đẹp nhất chính là màu nho (mò nhau). Khi đã lấy nhau rồi, về ở chung với cha với mẹ, phòng ốc chưa được riêng tư, lại sợ tai vách mạch dừng, cứ vội vội vàng vàng, mà thành ra màu lam (làm mau). Làm ăn khấm khá, có cửa có nhà, lúc này là lúc sung sướng nhất đây, với sắc màu pha lê (cứ phêla). Nhưng rồi tuổi đời chồng chất, sức khỏe giảm dần, đến lúc chỉ còn lại với đời một màu đọt chuối (chọt đuối).

Lại nói chuyện yêu đương, bạn trẻ bây giờ xem ra cũng sòng phẳng lắm: Tiền ai nấy tính, tình ai nấy tiến! Và chẳng cần gìn vàng giữ ngọc như người thời xưa chi cho mất thời gian và công sức: Ăn cơm trước kẻng như ăn kem trước cổng! Cứ lao vào nhau thành ra yêu nhiều nên ốm - ôm nhiều nên yếu. Đến lúc thất bại thảm hại trong tình trường mới buột miệng than rằng: Tình theo giấc mộng tan, tàn theo giấc mộng tinh. Rồi chợt ngộ ra rằng: Đời thay đổi khi ta thôi đẩy! Đành chép miệng mà dặn dò nhau: Đừng mơ hão mà thành hao mỡ!

Ít ly thành … y lít!

Chuyện nói lái cũng đầy ắp bên chai bia chén rượu, từ câu đố, câu đối cho đến thơ ca nhạc họa, mà đại đa số là những món mặn hết cỡ, không thể ghi lại trên giấy trắng mực đen. Đành chép vào đây vài thứ “khai vị” gọi là điểm tô cho bữa tiệc nói lái mà dân gian ta bao đời nay đã sáng tạo nên thành một thú chơi chữ ngay trong đời thường.

Dân nhậu ngồi vô bàn vô mâm, anh nào cũng chết tên Kỳ Lâm (cầm ly). Vào cuộc, khi thì đố nhau: Ở đâu có phố Trần Dư ? Đáp rằng là phố trừ dân, chỉ dành cho các quan phụ mẫu, nơi nào chẳng có. Khi thì thông báo: Nước ta là cường quốc thi ca, nên khắp nơi từ Bắc vào Nam thảy đều có đường Thi Phú (thu phí)!

Có lúc kể chuyện chợ Cần Giuộc có bán chuột Cần Giờ, hay dặn dò qua cầu Ông Đen nhớ hỏi kèn ông đâu? Rồi cảnh giác: Nhiều đứa nhìn bao dung, mà quay lưng là bung dao với mình liền! Hoặc tâm sự nỗi lòng Em chưa có gì (còn độc thân) chưa gí cò

Ngay cả chuyện uống rượu cũng thành chuyện nói lái.

Cầm ly mời nhau là phải lên tiếng uống theo kiểu nào: kiểu Long Nhĩ (uống để nhỏng ly, không còn gì hết), kiểu hai ngày cưới (uống chung ly hai người một cái)… Thông thường, chả ai cho phép bạn uống theo lối Mộ Đức (uống có mức độ) mà phải theo mấy anh Đức Phổ (uống như đổ phứt), mấy anh Sơn Trạch (sạch trơn). Uống xong lại phải Tây Bắc (tức là bắt tay). Dân lưu linh thù nhất những kẻ mang tên Lý Đen, Lý Đẻn (lén đi, lẻn đi), Bảy Chọ, Bảy Nhỏ (bỏ chạy, bỏ nhảy).

Sợ vợ thì vẫn sợ nhưng vẫn phải giữ gìn thể diện trước mặt đám bạn cụng ly, nên buộc phải dùng cách “ra dấu” cho riêng vài chiến hữu cật ruột: bỏ đá (bả đó), Diệu Cơ (vợ kêu), tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu (biểu thôi)…

Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu
Sách Tình ca tiếng nước ta

Bài được trích đăng từ sách Tình ca tiếng nước ta của tác giả Dương Thành Truyền.

Nhà báo Dương Thành Truyền (còn có bút danh Duyên Trường).

Ông có 2 năm đi bộ đội, 5 năm dạy văn, 10 năm làm sách, 12 năm làm báo, 25 năm công tác Đoàn, Đội…

Ông là tác giả của Ký ức về nước mắt và tiếng cười (tạp bút), Chuyện gái trai (tạp văn), Trên đường về nhớ đầy (du ký), Trái tim có hình hộ khẩu (phiếm đàm), Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng Việt độc đáo.

Dương Thanh Truyền | Báo Văn Nghệ

--------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Philip Roth chính thức dừng cuộc chơi chữ nghĩa Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt Tiếng Việt và những "cắc cớ" của sự trong sáng Quyển sách tiếng Việt đầu tiên Hãy cứu lấy tiếng Việt!
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn