Sáng tác

Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Vũ Thị Huyền Trang
Truyện
11:00 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Có hôm đang đi Nhã dừng xe ngồi lại trên ghế đá công viên nhìn dòng người qua lại. Nhã tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng xe cộ ầm ĩ nữa. Nhã đã rơi tõm vào một thế giới khác. Thế giới của hồi tưởng và ký ức. Nó hoàn toàn khác với những ngày Nhã thấy mình sắp phát điên. Triệu chứng sợ ánh sáng và tiếng ồn lúc nhỏ lại trở về...
aa

Đã mấy năm nay ông cho mình cái quyền không cần phải giải trình cuộc đời mình với bất cứ ai. Không cần phải để ý thái độ người ta mà sống. Ông muốn được trở về như một đứa trẻ. Muốn ngủ nướng bao nhiêu tùy thích. Muốn gặp gỡ ai tùy thích. Muốn ăn cái gì cũng tùy thích. Nên việc đầu tiên khi ngủ dậy ông ra ngoài khóa cổng. Dù bây giờ ông không còn là Chủ tịch xã hay Trưởng thôn như trước nữa, cũng ít người qua lại hỏi han. Nhưng ngay cả hàng xóm ông cũng không muốn gặp.

Ông Toẹt dậy khỏi giường lúc bảy giờ sáng. Ở quê, chẳng ai còn nằm trên giường đến giờ ấy cả. Nhất là vào mùa hè, năm giờ trời đã sáng choang. Lũ gà đã ra vườn bới giun, đàn bà đã ra đến chợ. Đàn ông thì tranh thủ ra vườn vặng, đồng ruộng làm sớm, tí nữa nắng dồn tận đỉnh đầu chạy nhanh còn kịp. Bảy giờ ông lững thững mò dậy đi ra giếng thể nào cũng bắt gặp cái bĩu môi của bà.

- Người ta đi làm đồng về đến nơi mà giờ ông mới dậy.

- Kệ tôi. Người ta có ruộng thì người ta dậy sớm làm. Tôi dậy sớm cũng chẳng có việc gì vậy tại sao phải dậy?

- Thì dậy tập thể dục cho khỏe mạnh. Cứ nằm mãi đó ườn người.

- Kệ tôi. Tôi muốn được yên thân.

Cái câu “tôi muốn được yên thân” trở thành câu cửa miệng, câu thần chú của một ông lão đã về hưu. Cả đời đã vì dân vì nước thì đến lúc cuối đời cũng phải để cho ông được sống cho chính mình.

- Cái chính mình của ông là không gặp gỡ ai? Tóc không muốn cắt? Lười tắm? Và ngại cả nói chuyện đấy ư?

Ông không buồn trả lời. Vợ con ông thường bảo nhau:

- Bố mày về già trái tính trái nết. Cả năm nay chẳng chịu ra gặp gỡ ai cả. Người ta đến hỏi thăm toàn cáo bệnh nằm trong giường như gái cấm cung.

- Hình như mấy năm nay bố cũng không đi giỗ họ? - Anh Cả hỏi.

- Mẹ chịu chẳng làm sao nói nổi. Chúng mày xem túm vào mà nói.

- Kệ bố. Bố muốn được yên thân thì có gì sai?

- Mày giống bố lại chẳng bênh nhau. Mày soi gương xem có giống con vẹt bảy màu không Nhã? Mày đi ra ngoài thế nào mẹ không biết. Nhưng đã về cái làng này thì đầu tóc, quần áo phải ra hồn người.

Nhã cười. Nhã đã mệt nhoài về thứ “hồn người” mà mẹ nói ràn rạt mỗi ngày từ khi chị còn là một đứa trẻ. Lúc ấy Nhã cũng lười tắm như bố vào những ngày đông. Nhã thích chui vào một xó xỉnh nào đó chơi với các con vật trong nhà. Thỉnh thoảng mẹ lôi Nhã từ trong gậm giường ra cùng bầy gà con đang lăn quay ra ngủ. Có khi mẹ lôi Nhã từ đống rơm ra, tay còn ôm chú mèo mướp và củ khoai lang nướng cháy đen nhẻm, trong khi cả nhà đang háo hức chuẩn bị đi chơi Tết. Có khi mẹ tìm thấy Nhã nằm trên rừng cây bạch đàn đang ngủ ngon lành trong khi những đứa trẻ khác rủ nhau đi xem hội ở đình làng. Mẹ thường rít lên: “Mày như đứa tự kỷ ấy. Chỗ đông vui không thấy mặt cứ chui rúc ở xó xỉnh một mình là thế nào. Mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo nhặm nhượi. Phải sống cho ra cái hồn người chứ?”. Những lúc ấy bố thường hiền từ cười bao dung với Nhã. Bố vẫn nói với mẹ: “Một đứa trẻ muốn sống theo cách của nó thì có gì sai chứ?”. Mẹ nhìn bố, muôn phần tức giận. “Uốn cây từ thuở còn non. Ông đừng dung túng cho con điều xấu”. Sau này Nhã bỏ thi vào trường đại học mà mẹ muốn để trở thành một nhà văn. Dù có cố gắng thế nào, dù xã hội có công nhận ra sao thì trong mắt mẹ Nhã vẫn luôn là phiên bản lỗi của bố. Tại sao lại là phiên bản lỗi? “À… thì ít ra bố mày đến cuối đời mới dở chứng”.

Nhã thường xuyên diện những chiếc quần hộp, áo bò, tóc cắt ngắn như đàn ông, sơn xanh đỏ đủ màu như con vẹt. Nhã đã sống như thế nhiều năm một cách tự nhiên nhất, hạnh phúc nhất và cũng căng cựa nhất. Nhã khoái nhất mái tóc trên cơ thể. Nó thỏa mãn niềm đam mê biến hóa của mình. Nó có thể vuốt keo trông như con nhím. Cũng có thể nhuộm nó thành bảy sắc cầu vồng. Hoặc chụp từ trên cao xuồng đầu Nhã, có thể trả lời câu hỏi của con Sóc: Nếu đóa cẩm tú cầu nhiều màu thì trông sẽ thế nào mẹ nhỉ? Mỗi khi gặp chuyện gì đó buồn quá hoặc vui quá Nhã thường đi cắt tóc, nhuộm tóc. Phải tím ngắt, đỏ lừ, xanh bát ngát. Bước ra từ hiệu làm tóc Nhã thấy mình mới mẻ. Tưởng như có luồng năng lượng bung ra từ mái tóc thốc ngược lên trời, nhấc Nhã bay lên lơ lửng. Nhã tung tẩy bước đi, không để ý gì đến ánh mắt xung quanh. Nhã bỏ lại sau lưng mình câu “trông chẳng giống ai”. Nhà chồng “bảy phần bất lực ba phần yêu thương” chỉ biết ngao ngán lắc đầu mỗi khi Nhã về nhà với một mái tóc khác. Mẹ chồng Nhã thậm chí còn tuyên bố với hàng xóm: “Từ giờ đừng ai hỏi tôi về tóc của con dâu. Tốt nhất cứ mặc kệ nó đi. Cứ coi như tóc nó có thể tự đổi màu”. Bố chồng thì cười bảo con trai:

- Đầu tóc cứ như cây nấm. Có phải mày hái con dâu bố trên núi về không?

- Vâng bố, xin thứ lỗi cho con đã hái nhầm nấm độc.

Cả nhà được trận cười nghiêng ngả. Dẫu sao Nhã cũng biết ơn vì điều đó. Thắng - chồng Nhã có lúc nói: “Em như một thằng thanh niên hoi ấy. Ngang bướng và phá phách”. Lần nào Nhã gọi báo sẽ về quê, mẹ cũng dặn: “Mày đội ngay cái mũ trước khi về tới cổng làng. Mẹ không muốn nghe người ta hỏi mãi về mái tóc của mày. Đau đầu lắm”. Ngay cả lúc đứng trước bàn thờ thắp hương tổ tiên mẹ cũng bảo: “Đội ngay cái mũ vào, đừng để các cụ về sốc nhiệt”. Trong bữa cơm vẫn câu chuyện cũ mẹ mang ra nhắc:

- Thế mày định không đẻ nữa thật à? Hơn bốn mươi tuổi rồi, càng ngày càng khó đẻ. Mà con Sóc nó học lớp bốn rồi đấy.

- Thì con đã nói với mẹ là con chỉ sinh mình bé Sóc thôi.

- Thêm người là thêm của. Thế mày không nghĩ cho thằng Thắng à? Nhà có mình nó là con trai, mày phải sinh được thằng cu mà nối dõi tông đường chứ.

- Mẹ ơi. Con không có trách nhiệm sinh ra một đứa trẻ chỉ vì chuyện nối dõi tông đường. Con chỉ sinh ra nó khi con thấy thật sự muốn có nó. Hiện tại con thấy có bé Sóc thôi là đủ.

- Thế sau này mày già cả chết đi, chỉ còn mình con Sóc trên đời. Mày có nghĩ nó sẽ cô đơn lắm không?

- Không mẹ ạ. Khi đó Sóc đã có bạn bè và gia đình của nó. Nếu có cô đơn thì đó cũng trạng thái cảm xúc bình thường mà ai cũng gặp trên đời.

- Mày chỉ ngụy biện cho sự ích kỷ của mình. Mày sợ vất vả. Mày muốn rảnh thân mà suốt ngày đầu xanh đầu đỏ.

- Con đâu cần ngụy biện. Con muốn sống cho mình. Như thế có gì sai?

“Chẳng có gì sai cả”, Túc quả quyết như thế sau khi nghe Nhã kể về cuộc đối thoại của hai mẹ con mình. Nhã không thiếu những mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội, nhưng những lời thật lòng thì chỉ có thể nói cùng với Túc. So với Nhã, Túc là cô gái bản năng đến hoang dại nhưng lại yếu đuối đến kiệt cùng. Túc kém Nhã vài tuổi, chưa chồng con, sống ở ngoại thành. Căn nhà của Túc nằm bên hồ nước, mờ ảo sương sớm, bảng lảng khói chiều. Thỉnh thoảng khi thấy không thể chịu đựng thêm sự ồn ã của phố xá, Nhã lôi Sóc về đó nằm bệt hai ngày cuối tuần. Cách trung tâm thành phố vài chục cây số thôi mà Nhã như thấy mình lạc vào một thế giới khác, tràn ngập màu xanh và sự tĩnh lặng. Theo như lời con Sóc thì “Chúng ta đã rơi tọt xuống hành tinh đáng sống này”.

Sóc lại là phiên bản hoàn thiện nhất của Nhã. Trong thế giới xa lạ và đầy định kiến này chỉ con Sóc thấu hiểu và yêu thương mẹ vô điều kiện. Nó thích mê bất cứ màu tóc nào mẹ nhuộm. Nó cổ xúy mọi việc mà mẹ làm. Nó đắm chìm trong thứ hạnh phúc ngọt ngào mà mẹ tạo ra mỗi ngày. Con bé yêu mẹ hệt như cách mã Nhã yêu bố của mình. Một tình yêu vừa rộng lượng vừa bảo thủ. Sau khi ngửa cổ thè lưỡi liếm từng giọt sương trên chiếc lá, Sóc hỏi:

- Ở đây sẽ không có tiếng đồng hồ báo thức đúng không mẹ?

- Tất nhiên rồi.

- Con có thể không ăn rau như những chú sâu chứ ạ?

- Ồ, tất nhiên. Nếu muốn con có thể nuôi một chú ốc sên làm bạn.

Con bé nhảy cẫng lên sung sướng rồi lúi húi vạch bụi cây tìm mấy bông hoa chè hút mật. Nó ào ra dòng suối trước nhà tìm nhặt những viên sỏi trắng. Thỉnh thoảng nhặt được một viên sỏi bẹt nó đút vào quần mang về cho Túc vẽ. Nhã nằm khỏa thân dưới suối, kê đầu áp tai vào phiến đá để nghe tiếng róc rách chảy trong những địa tầng lịch sử. Dòng nước mát lành trườn qua cơ thể Nhã, vuốt ve mọi cảm xúc của một người đàn bà quá chán chường phố xá và đồng loại.

- Cậu đang viết gì vậy?

- Hồi ký cho một ông lão không có gì ngoài tiền.

- Ông ta trả cho cậu bao nhiêu?

- Đủ để trang trải. Hơn một năm nay xây dựng đình trệ, các công ty hoạt động cầm chừng. Chồng tớ mang tiếng là chủ nhiệm dự án mà bị nợ lương suốt. Không thể bám mãi vào đồng lương của bố mẹ chồng. Mình phải tìm cách mà xoay xở.

- Và cậu đang dằn vặt đấy ư?

- Lắm lúc tớ thấy mình như văn sĩ Hộ vậy. Ngày mải miết viết thuê. Đêm về nghĩ đến một tác phẩm lớn lao mà mình sẽ viết thế rồi chìm vào giấc ngủ. Sáng ra sự bận bịu khiến mình quên mất đêm qua định viết cái gì. Nói đúng ra sự viết thuê làm mình kiệt sức. Không có thời gian, sức lực và tâm huyết để bắt đầu cái gì đó tử tế, lớn lao. Có lúc tớ thấy nghề viết của mình chẳng khác gì đi đào củ mài mùa đói cả. Cứ cặm cụi đào mãi, đào mãi rồi có khi cắm đầu chết dưới cái hố sâu mà mình ra.

- Một là cậu cứ coi viết là một nghề. Mà nghề nào chẳng phải đi làm thuê. Thế thì cứ viết đi và đừng dằn vặt. Hai là bỏ đi, đừng viết nữa. Ngoài kia thiếu gì nghề để kiếm tiền. Không ai đánh cắp sự tử tế của cậu nếu chưa được cậu cho phép. Thế thôi.

- Thế mà ngày xưa tớ từng nghĩ, chỉ có nghề viết mới cho mình quyền làm chủ. Hóa ra vẫn cứ là nô lệ của đồng tiền.

- Nghĩ ít thôi, ai cũng cần phải sống. Nếu cần tớ giúp gì, cứ nói. Đừng ngại.

- Giúp một chỗ nương náu thế này là quá tốt rồi. Gia đình cậu dạo này sao rồi?

- Vẫn vậy. Mỗi lần thấy điện thoại từ nhà là tớ lại giật mình. Lại thêm một khoản nợ cần chi trả.

- Cậu cứ định gánh nợ mãi thế ư?

- Biết làm sao được. Gia đình là gót chân Asin của tớ. Tớ không có cách nào buông bỏ.

Nhiều người từng hỏi tại sao tranh của Túc luôn có một nỗi buồn ẩn sau thứ sắc màu tươi rói và rực rỡ. Họ đâu biết ẩn ức là một thứ chất liệu đặc biệt Túc dành để vẽ tranh. Triển lãm tranh mới nhất của Túc mang tên “GIÓ”. Ở đó không tìm thấy câu chuyện rõ ràng nào được kể. Phải thôi, tranh không có sứ mệnh phải kể bất cứ câu chuyện gì. Thế nhưng Nhã, một người chẳng am hiểu gì về tranh lại có thể nhìn thấu luồng ký ức buồn xuyên suốt những bức tranh. Có sự đổ vỡ trong sum vầy. Lạnh lẽo trong ấm áp. Lụi tàn trong nảy nở. Túc gọi tất cả những thứ cảm xúc đó là nỗi buồn rực rỡ và kiêu hãnh.

Nhã từng hỏi tại sao màu sắc trong tranh Túc luôn tươi rói? Túc nằm xuống cỏ nheo mắt ngắm những tia nắng mặt trời rọi qua tán lá. Túc bắt đầu kể về tuổi thơ của mình. Chậm rãi như cách mà con Sóc đang nhấm nháp những quả mâm xôi chín mũm bên bờ suối. Hồi ấy Túc chắc cũng tầm tuổi Sóc bây giờ. Người gầy nhẳng và đen nhẻm đi qua những mùa đói kéo dài. Dưới gậm giường luôn là những mầm khoai lang lặng lẽ mọc lên trong bóng tối. Ngoài sân mùi sắn phơi theo gió thổi căng phồng lồng ngực. Thằng em ốm đau bệnh tật thường cởi trần gầy giơ xương sườn ngồi ở đầu hè để thở. Thỉnh thoảng tiếng hát yếu ớt cất lên. Túc không còn nhớ em hát những gì, chỉ nhớ âm hưởng vừa vui vừa buồn cứ đan xen, thắt nghẹn rồi ùa ra theo tiếng gió. Bụng em nổi đầy nốt, chi chít, tròn như một chiếc tổ ong. Thằng bé gãi suốt ngày, lớp da non không kịp mọc. Mẹ Túc chỉ cần nghe thấy con hát là mừng. Bởi mấy tháng trước mẹ tưởng mất đi thằng bé khi nó bị bệnh viện trả về. Chẳng nơi nào tìm ra bệnh của nó. Chỉ thấy cơ thể ngày càng suy nhược. Đêm đầu tiên về nhà mẹ nằm mơ thấy ai đó dẫn lên rừng tìm lá thuốc. Sáng tỉnh dậy mẹ men theo giấc mơ mà đi. Không ngờ rừng rẽ đường cho mẹ tìm thấy cây thuốc quý. Mẹ mang về đun lên cho thằng út uống, thế mà bệnh tình đỡ dần. Thằng út dần khỏe lại liếm láp những hạt muối trắng trong lòng bàn tay ngoan như con mèo nhỏ. Suốt tuổi thơ của Túc níu lấy những lời hát nghêu ngao của đứa em bé nhỏ mà khôn lớn từng ngày.

- Người ta nói trong tranh của cậu có men rượu, chuếnh choáng những cơn say. Sống ở nơi tiên cảnh thế này mà không say cũng phí.

- Cậu tin không, chẳng cần ngụm rượu nào tớ cũng say. Hơi men như đã ngấm sẵn trong từng mạch máu. Cả tuổi thơ ngồi sau xe bố. Những vòng xe loạng choạng. Bố vừa đi vừa hát. Bố vừa đi vừa chửi. Gió tạt hơi rượi lại phía sau. Tớ không biết là mình say hay ngủ gật. Đến tận khi hai bố con lao xuống ruộng hoặc bụi cây mới tỉnh. Những cơn say như biến bố thành con người khác. Đòn roi hằn trên da thịt mẹ như những lằn ranh. Câu hỏi của mẹ cứ văng vẳng mãi theo năm tháng: Tại sao chúng mày không biết bảo vệ mẹ? Sao chúng mày chỉ biết đứng nhìn? Mẹ không biết câu hỏi đó có tính sát thương như một lưỡi lam, cứ cứa dần vào trái tim những đứa con bé nhỏ.

- Bây giờ bố cậu có còn say nữa không?

- Mọi thứ bố tớ đều có thể ngâm vào rượu. Ngâm nỗi buồn, thời gian và những niềm vui hiếm hoi, chớp nhoáng.

Túc im lặng và bắt đầu mê đắm trong những sắc màu. Những sắc màu tươi rói và rực rỡ tưởng chừng như có thể nuốt chửng được nỗi buồn. Khi vẽ Túc như quên hết thế giới xung quanh. Nhưng cũng có khi vang lên trong đầu Túc tiếng hát nghêu ngao của đứa em trai và tiếng hát của người say cứ chấp chới lúc cao lúc thấp. Đồng lúa chín vàng dần hiện ra. Thấp thoáng đâu đó như bóng người bay trên con đường đá sỏi. Phía chân trời nếu nhìn kỹ người ta sẽ thấy một cơn giông màu đỏ. Nhưng con Sóc nói thật ra đó chỉ là một chiếc màn nhung màu đỏ như trên các sân khấu. Chỉ lát nữa thôi khi tấm màn nhung được vén ra là biết bao điều hay ho, thú vị. Cũng phải thôi, con Sóc có thể yêu được cả những cục phân chó ị vì cho rằng chúng có phận sự nạp năng lượng cho cây cỏ dọc đường. Ừ, thế thì có gì lạ khi Sóc nhìn đâu cũng thấy tươi đẹp, diệu kỳ. Nhưng hồi bằng tuổi Sóc, Túc sợ ánh sáng và đủ thứ màu sắc rực rỡ khác. Túc thích bóng tối và sợ tiếng người. Cái bệnh sợ người vẫn theo Túc đến tận bây giờ. Có lẽ vì thế mà Túc rời phố về đây sống cùng cây cỏ, tiếng ếch nhái và gió sương lặng lẽ.

Khi còn học đại học, bạn bè hay nói Túc bị tự kỷ. Chính bản thân Túc cũng nghĩ mình bị bệnh. Nhưng Nhã bảo đó không phải là bệnh. Đó là nhu cầu được yên thân. Được sống một cách “nguyên chất” nhất. Như viên sỏi chìm xuống đáy suối, cả đời cứ nằm đó dẫu nước trong hay đục. Ngay cả khi không có tia ánh nắng mặt trời nào chiếu rọi lấp lánh nó cũng vẫn có vẻ đẹp của riêng mình. Chẳng cần ai nhìn ngó. Như con sâu nằm trong cái kén kín mít chật chội tối tăm. Nhưng không, với con sâu đó là cái tổ ấm vừa vặn và bình yên nhất. Không nắng. Không gió. Không cần dịch chuyển. Sự vận động nằm trong bất động. Để một ngày thoát cái kén ấy bung ra đôi cánh bướm rực rỡ và kiêu hãnh. Nhiều lúc Nhã cũng muốn giấu mình trong cái kén. Để được tĩnh lặng. Được yên thân. Được chiêm nghiệm. Để một ngày nào đó đủ nội lực viết được một tác phẩm để đời. Như Đức Phật tìm ra chân tu vậy. Viết là một hành trình tự thân và cô độc. Nhã từ chối đám đông. Những đám đông hời hợt và sâu sắc nửa vời.

Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang
Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Nửa đêm Nhã nhận được cuộc gọi của mẹ. “Bố con bị tai biến đang đưa đi cấp cứu không biết có qua khỏi hay không…”. Nhã lập tức trở về, những ký ức tuổi thơ sáng lên lấp lánh, lập lòe như đom đóm. Về những ngày Tết khi nhà nhà, người người nâng ly chúc tụng nhau hay kéo thành từng đoàn dài đi lễ chùa. Thì hai bố con Nhã thường ở nhà đốt một đống lửa nhỏ. Nhã đọc sách, bố uống trà. Không ai làm phiền ai. Lúc đứng dậy mùa xuân đã ngấm đẫm trên mái đầu, chiếc áo Tết và cả những ngón tay thô ráp. Nhiều đêm thức giấc Nhã thấy bố ngồi một mình ngoài hiên, dưới ánh trăng bàng bạc. Đêm không một tiếng động nhưng Nhã biết lửa đạn gầm gào trong đầu người đàn ông đã đi qua cuộc chiến tranh biên giới đau đớn và khốc liệt. Có những trận chiến không kết thúc. Có những quả bom nổ hàng ngàn lần, những mảnh đạn găm hàng ngàn lần vào ký ức của một người lính. Sau mỗi lần như thế bố đứng dậy, mạnh mẽ và quyết đoán. Như người chiến sĩ được sống lại thêm một lần nữa. Bố có thêm sức mạnh vượt qua mọi cám dỗ đời thường của một người chủ tịch xã. Cả một đời phục vụ nhân dân bố chưa bao giờ biết tơ hào cái gì cho mình cái gì. Những năm tháng ấy cánh cửa nhà luôn mở. Người đến nhờ vả nhiều vô kể. Việc đúng bố làm. Việc sai bố chẳng ngại thẳng thắn chối từ. Mẹ xem phim thấy cảnh quan chức nhận bổng lộc liền quay ra lườm bố bảo: “Tôi chắc cũng được coi là vợ quan nhỉ? Người ta thì túi đầy túi vơi. Còn nhà này đến nải chuối, quả hồng, quả bưởi bố mày cũng không cho nhận”. Nhã từng hỏi:

- Con vẫn không hiểu người như bố tại sao không chọn việc khác để làm?

- Bố là một người lính, thấy cái gì mình làm tốt thì làm. Một khi đã vì cái chung thì phải biết nén lại cái riêng.

Ngày về hưu bố mừng lắm nên tuyên bố với cả nhà: “Từ giờ tôi sẽ sống cho mình đừng ai quản”. Ấy thế mà dân làng lại đặt lên vai ông chức trưởng thôn. Từ chối không được thì đành. Cố vài năm ông nhất định không chịu làm thêm nữa. Ông quay vào căn buồng nhỏ của mình, đóng cửa cài then đã nhiều năm. Lần nào Nhã về mẹ cũng than: “Bố mày càng già càng trái nết. Cả ngày chẳng chịu mở mồm giao tiếp với ai”. Giờ thì ông liệt nửa người không đi lại cũng không nói được. Từ hôm ở viện về, cửa buồng bố luôn mở toang hoang. Nhã hình dung ra sự bất lực của bố. Sự lõa lồ của âm thanh và ánh sáng luôn chiếu thẳng đến chỗ bố nằm. Người khác thích đút cho ăn lúc nào thì ăn, tắm lúc nào thì tắm. Người đến thăm bố mỗi ngày mỗi đông. Họ vào tận nơi, nắm lấy bàn tay ông, nói những lời xót thương. Mắt ông luôn hướng ra ngoài cửa sổ, nơi có hàng cau đang ra hoa thơm ngát. Mẹ thở dài bảo:

- Đấy. Lúc khỏe chả thèm tiếp ai. Lúc nằm đâu nằm đấy người ta vẫn đến thăm.

- Chắc gì bố đã vui. Bố cần được nghỉ ngơi. Mai hạn chế người vào thăm mẹ ạ. Ai đến chơi ngồi bên ngoài được rồi, mẹ cứ bảo bố ngủ rồi. Chẳng ai muốn người khác nhìn thấy mình lúc liệt giường liệt chiếu.

- Mày đúng thật… Ông ấy cả đời giúp đỡ không biết bao người. Giờ người ta đến thăm cũng là lẽ thường tình.

Sóc về, ngồi cạnh giường vẽ tranh cho ông xem. Nó vừa vẽ vừa thủng thẳng đọc bài thơ:

Ông ơi con mèo sướng thật

Chẳng cần vất vả tới trường

Vai chẳng cần đeo cặp sách

Tối đến chẳng cần học bài

Ông nhìn nó thảnh thơi hoài

Chuột cũng đâu còn để bắt

Tối ngày vuốt râu rửa mặt

Rong chơi tít tận mái nhà.

Nhã thấy hình như trên khuân mặt khắc khổ của bố khẽ nở một nụ cười.

Bỗng có tiếng ô tô đỗ tận trong sân. “A! Bác cả về”, con Sóc reo lên chạy ùa ra sân. Anh trai Nhã về, khệ nệ xách theo một đống đồ. Thấy con trai về, mẹ vui hẳn, thở phào một cái cứ như thể bao nhiêu gánh nặng đều có thể trút xuống. Cũng phải thôi, trong nhà này anh là niềm tự hào của mẹ. Cao ráo đẹp trai, học hành giỏi giang từ nhỏ. Anh hơn Nhã mười tuổi, là người tham vọng và nỗ lực hết mình. Lúc Nhã giãy giụa ra khỏi những quy tắc của mẹ thì anh đã có công danh, sự nghiệp. Mười năm sau lúc Nhã còn chênh vênh trước cuộc đời thì anh trở thành tân chủ tịch một huyện miền núi nhưng giàu tiềm năng phát triển. Mẹ nở mày nở mặt, cười bảo bố:

- Thế mới bõ công mang nặng đẻ đau.

Bố thở dài bảo:

- Chớ thấy con làm quan mà mừng. Thế bà không nghe câu “quan cả vạ lớn” à? Đủ thứ cám dỗ liệu có biết giữ mình. Có con làm quan đêm nằm lo ngay ngáy.

- Ôi dào. Người như ông cả đời không vui được ngày nào trọn vẹn.

Nhã biết chừng ấy năm dõi theo con ở chốn quan trường bố chưa bao giờ ngon giấc. Bố ít nói, lời dạy như muối mặn. Lần nào anh cũng bảo “bố mẹ cứ yên tâm”. Anh về lần này bàn với mẹ chuyện đón bố về nhà mình ở. Nơi anh công tác cách xa nhà mấy chục cây số. Cả nhà đều ái ngại vì anh chị bận bịu thế chăm bố làm sao?

- Mọi người cứ yên tâm, chúng con đi vắng thì đã có giúp việc ở nhà.

- Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Cứ để ông ở nhà với mẹ là tốt nhất.

- Hay là mẹ lên đó ở cùng con chăm bố luôn một thể.

- Vậy cứ để bố mày ở nhà. Tự nhiên kéo nhau lên đó làm gì. Nhà cửa ở đấy thì chật chội. Mẹ còn bao nhiêu việc thờ cúng, họ hàng, giỗ chạp sao nói đi là đi ngay được.

- Mẹ nói đúng đấy. Hơn nữa bố cũng muốn ở nhà. Em chắc là bố không muốn đi đâu khỏi căn nhà này hết. Nhã nói.

- Thì cũng phải để vợ chồng anh có cơ hội mà chăm sóc bố chứ. Quan trọng là nhà anh gần ông bác sĩ rất giỏi, trước làm trưởng khoa phục hồi chức năng bệnh viện tỉnh. Giờ nghỉ hưu mở phòng khám chữa bệnh ở nhà. Anh muốn cho bố châm cứu, luyện tập phục hồi chức năng. Chăm chỉ tập luyện biết đâu bố sớm đi lại được. Anh đã tính vậy thì không bàn nữa. Cứ thế mà làm.

Lúc đưa ông Toẹt ra xe trời bỗng nhiên đổ mưa. Mắt ông ngân ngấn nước như muốn nói với Nhã điều gì đó. Nhã nắm lấy bàn tay gầy gò của bố nước mắt cứ thế rơi. Bố là người cả đời không muốn ai phục vụ mình cái gì. Chiếc áo đứt cúc bố còn tự sâu kim khâu lấy. Mà giờ bố nằm đâu nằm đấy, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác. Mà một khi đã phụ thuộc vào người khác thì làm sao có thể yên thân. Trong những đêm dài thật dài Nhã hay nghĩ về bố. Trong bức tranh con Sóc vẽ, ông ngoại nằm quấn tròn trong chăn như một cái kén. Nhưng nó không còn là chiếc kén tự do. Nó chỉ còn là chiếc kén bị cầm tù. Nhã ấn vài cuộc gọi video, nhưng anh cả thường không bắt máy.

Những ngày này đột nhiên Nhã không muốn làm gì hết. Thật ra thì một năm sẽ đôi lần Nhã rơi vào trạng thái như vậy. Buông bỏ mọi thứ ngồi một mình trên căn phòng, tựa cằm vào cửa sổ nhìn xuống con phố nhỏ. Hoặc sẽ lang thang vô định dưới những con đường mưa bụi, lá cây rơi lả tả vai gầy. Có hôm Nhã bước vào một ngôi chùa và cứ ngồi ở đó rồi chìm nghỉm vào tiếng tụng kinh. Có hôm đang đi Nhã dừng xe ngồi lại trên ghế đá công viên nhìn dòng người qua lại. Nhã tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng xe cộ ầm ĩ nữa. Nhã đã rơi tõm vào một thế giới khác. Thế giới của hồi tưởng và ký ức. Nó hoàn toàn khác với những ngày Nhã thấy mình sắp phát điên. Triệu chứng sợ ánh sáng và tiếng ồn lúc nhỏ lại trở về. Nhã co rúm trong căn phòng và không muốn tiếp xúc với ai. Những tiếng còi sắc nhọn ồn ã xuyên qua bức tường, cửa kính đâm thẳng vào đầu. Bệnh đau nửa đầu tái phát. Có khi đang bưng bát cơm Nhã còn phải buông rơi, hai tay ôm chặt lấy đầu. Những cơn đau giày vò Nhã khủng khiếp. Cả ngàn con chữ căng cựa muốn nổ tung giải thoát ra ngoài. Vài nơi đặt hàng viết cái này cái kia. Nhưng dù cố gắng đến đâu Nhã cũng không viết nổi chữ nào. Có phải chữ nghĩa là chán Nhã rồi không? Chữ nghĩa đòi quyền được huy hoàng?

- Có phải cậu đã suy nghĩ quá nhiều không? Nghệ thuật suy cho cùng không phải thứ gì quá cao siêu. Nghệ thuật chỉ cần chạm được vào trái tim. Một câu thơ, một đoạn văn cũng chẳng cần phải nói đến những điều lớn lao. Chỉ cần làm lay động lòng người là đủ. Cậu khổ vì cứ dằn vặt mãi những chuyện đời thường.

- Nghĩ như thế có phải là quá dễ dãi hay không?

- Cậu biết giai đoạn giá trị nhất của đời một con tằm là lúc nào không? Không phải lúc nở thành một chú bướm xinh với đôi cánh tự do đâu. Mà là lúc nhả tơ cuốn kén. Có bao giờ cậu tự hỏi đời một người làm nghệ thuật có bao năm nằm trong cái kén? Những bức tranh tớ vẽ không đến từ cảnh tượng trước mắt. Cũng không đến từ cảnh tượng tương lai. Mà đến vào những ngày chỉ nhắm mắt, nằm im trên võng. Những ngày không cầm cọ, tay sạch sẽ chẳng dính một chút màu. Biết đâu đến một ngày không hẹn trước, cậu ngồi xuống và viết ra tác phẩm của đời mình.

Khi nói những câu đó Túc đã ngồi rất lâu trước khung toan trắng. Nhã hỏi có phải đây chính là lúc Túc đang vẽ hay không? Túc chỉ cười, lông mày như chân mây xa thẳm. Không ai nhìn thấu được vết sẹo trong lòng Túc. Cả tuổi thơ ngâm trong những cơn say của bố, lằn roi trên cơ thể mẹ đã khiến Túc không còn tin vào tình yêu và hôn nhân nữa. Túc vẽ lên biết bao nhiêu bức tranh tươi đẹp cũng chưa thể vẽ lành được lòng mình. Nhưng gần đây mỗi khi nhắm mắt lại Túc thường thấy một luồng ánh sáng dịu nhẹ. Thứ ánh sáng có màu sắc đẹp đến mức Túc nhiều lần muốn vẽ lại nhưng không làm sao vừa ý. Màu sắc đều bất lực dù Túc có phối chúng thế nào đi chăng nữa. Những hòn sỏi được Sóc nhặt dưới suối, đút túi quần mang về. Nhìn chiếc quần bị đá kéo tụt xuống hở chiếc bụng tròn xoe của Sóc, Nhã không khỏi bật cười. Sóc nằm kềnh dưới cỏ và bảo: “Đừng ai làm phiền con. Con bận nhấm nháp sự hạnh phúc”.

*

Khi Nhã tới, nhà anh cả khách khứa đang đông. Xe ô tô đỗ mấy chiếc dọc hai bên cổng. Vừa bước vào nhà đã thấy người xếp ghế ngồi chật từ cửa buồng bố vào. Bố nằm đó, bao nhiêu đôi mắt nhìn vào cảm thương, ái ngại. Nhưng ngay cả chiếc cúc áo bố bị tuột hở cả da thịt nhăn nheo cũng không ai đóng lại. Nhã vội kéo chiếc chăn mỏng đắp lên người bố. Khách chưa ra khỏi cổng đã thấy chị dâu kiểm tra các túi quà. Những chiếc phong bì được đặt dưới hộp sữa, hộp sâm đắt đỏ. Chị thản nhiên bảo chồng:

- Còn thằng Tấn phòng nội vụ vẫn chưa thấy đâu. Cả mấy ông bên quy hoạch, giải phóng mặt bằng nữa.

- Chắc bận. Đang lo nốt cái dự án xây khu đô thị. Kiểu gì mai, kia chẳng tới.

- Mà lần trước anh đi thăm mẹ ông Tuấn ốm bao nhiêu? Em nhớ là cũng nhiều, sao giờ đi trả lại có một triệu?

- Cũng chẳng nhớ. Bao nhiêu việc làm sao nhớ nổi. Thế còn các phòng ban khác thì thế nào?

- Tèm nhèm nhất ông Cửu. Chắc ông ấy sắp về hưu rồi, biết là chẳng nhờ vả được anh cái gì nữa nên chỉ đến hỏi thăm cho có lệ.

Những lời nói to nhỏ từ ngoài vọng vào chỗ ông Toẹt nằm rõ mồn một. Nhã cài lại cúc áo cho bố nước mắt chỉ chực trào ra. Chị dâu đon đả bảo: “Từ hôm ông xuống bận bịu khách khứa quá nên chưa kịp đưa ông đi tập vật lý trị liệu. Hay cô ở đây tí phụ chị giúp việc tắm cho ông. Anh chị bận đi chút việc”. Chị giúp việc vừa thấy bóng chủ nhà đi khuất cổng đã bĩu môi nói chỏng lỏn: “Chỉ tiền là nhanh”. Lúc tắm cho bố, chị giúp việc thở dài bảo:

- Khổ thân ông, già ốm cũng không yên. Trước kia tôi cứ than thở con cái nghèo khổ, làm mãi chẳng giàu. Nhưng giờ tôi lại thấy mình may mắn chán. Nghèo mà hiếu thuận còn hơn giàu mà chỉ coi bố mẹ như công cụ kiếm tiền. Tôi thà đẻ ra quả trứng tỏm vào mồm cho nhanh.

Nhã khẽ ra hiệu cho chị giúp việc đừng nói nữa. Nhưng chị ta vẫn khơi khơi kể:

- Tôi nói có sai đâu. Từ hôm ông xuống đây, hết lượt khách này đến khách khác. Bà chủ đếm phong bì cười hi hí. Nhưng đã bao giờ tự tay bón cho bố chồng được thìa cháo nào không?

Ông Toẹt nằm không ú ớ câu nào. Mặc cho con gái và người giúp việc nâng tay trái, hạ tay phải, lật người nghiêng bên trái rồi lại lật quay sang bên phải để lau sạch sẽ. Chị giúp việc vẫn không ngừng nói:

- Tôi khuyên thật. Bảo mẹ chị đưa ông về quê châm cứu, chịu khó tập luyện. Khối người bị liệt nửa người mà có phương pháp điều trị tốt vẫn đi lại được đấy thôi. Chứ cứ để nằm đây thế này khéo thối da thối thịt.

Ông Toẹt nhìn con ánh mắt như đang cất lên lời cầu cứu. “Bố yên tâm. Con sẽ đưa bố về nhà”. Nhã lấy khăn lau mặt bố, để mặc nước mắt trên mặt mình chữ lã chã rơi.

*

Một buổi sáng Nhã tự nhiên nghe thấy tiếng gà báo canh liền vùng dậy. Nhưng ở phố làm gì có tiếng gà. Có thể đó là tiếng gà cất lên từ trong tâm thức. Nhã thức dậy, thấy trong lòng thôi thúc muốn viết. Lâu lắm rồi Nhã không có được sự thôi thúc đó. Nhã thường ngồi bàn viết nghĩ những thứ lớn lao nhưng cuối cùng lại dặn mình phải viết thế nào cho phù hợp báo A, khoảng bao nhiêu chữ thì phù hợp với báo B. Những cái kết nên có hậu. Vài biên tập viên gọi sửa chỗ này chỗ kia thường là Nhã đều gật đầu đồng ý. Có khi họ tự sửa chẳng thèm hỏi han gì. Lúc đọc thơ mình trên trang báo tự nhiên thấy hẫng, như mình vừa bước hụt. Vài lần buồn khi truyện mình ưng ý nhất lại chẳng báo nào chịu nhận đăng. Rồi lại tự hỏi đây đâu phải là mình? Mình phải thoát khỏi những thứ níu buộc tầm thường. Mình phải bay vụt lên mà sống. Thế là ra quán làm tóc nhuộm tím nhuộm xanh. Làm bộ móng tay phừng phừng như ngọn lửa. Chỉ con Sóc mới nhận ra lòng mẹ nó liu riu như tiếng nước sôi trên bếp củi.

Nhã chìm nghỉm trong tiếng lạch cạch của bàn phím. Không! Chỉ có bàn phím nảy lên những câu chữ, ngôn từ. Không có gì điều khiển chúng, ngay cả những ngón tay của Nhã cũng hóa vô hình. Tiếng chuông báo thức cứ reo vang cho đến khi con Sóc tắt đi. Ngoài đường người ta đùn đẩy chen lấn nhau, bấm còi inh ỏi cho một ngày mới tất bật mưu sinh. Trong nhà tiếng xoong chảo bát đĩa vang lên. Tất cả đều không thể nào chạm được tới Nhã nữa rồi. Lúc Sóc mặc kệ tiếng kim đồng hồ chạy, nó từ tốn nhấm nháp niềm hạnh phúc đọng thành miếng mứt dâu trên miếng bánh mì. Thì Nhã đã biến mất không dấu vết, chỉ còn lại âm thanh của ngôn từ đang khô khốc cất lên...

Văn nghệ, số 43/2022
Gió mùa Thu - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Gió mùa Thu - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Ru con bằng câu ca dao/ Ru con bằng cả ngọt ngào đắng cay
Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Khuôn sáo cứng đơ giết mòn ngữ nghĩa/ Muốn tự do tông tột đến sứt sờn
Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Baovannghe.vn - Một buổi chiều Hậu ngồi tết tóc cho bé Duyên ở sân chùa thì cô bảo bé hát. Bé Duyên đứng lên, cất tiếng hát trong trẻo, cao vút khiến Hậu hết sức bất ngờ. Sự vô tư lự của bé khi giơ hai cẳng tay không có bàn tay lên cao đu đưa người theo nhịp điệu bài hát đã tiếp thêm nghị lực sống và khát vọng sống cho Hậu. Tự dưng cô khao khát có con, khao khát sống...
Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Baovannghe.vn - Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế, là cơ sở để đạt được mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Baovannghe.vn - Khi tới Bảo tàng Tokugawa từ ngày 22/10/2024 đến ngày 04/11/2024, khán giả có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập của gia tộc Tokugawa về “Truyện Genji” cùng thế giới Miyabi (Nhã) đại diện cho văn hóa quý tộc Nhật Bản xưa.