Khi thành lập huyện mới thì cả Mường Lạn và Sốp Cộp trở thành xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Mã, không đường, không điện. Sau đó, đến ngày 2/12/2003, Sông Mã và Sốp Cộp lại tách ra thành hai huyện, nhưng các mường vẫn được giữ nguyên như trước. Chỉ khác, Mường Lạn thành xã cuối, là “cái đuôi” của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Người xưa đặt tên Mường Lạn nghĩa là những trường thành vách núi. Quả đúng với vị trí của nó bây giờ, một xã miền biên viễn với hai cửa ải là Nà Vạc và Pu Hao nằm chênh vênh giữa nửa quả núi xẻ đôi để thông sang nước Triệu Voi (Lào).
Từ thành phố Sơn La vào Mường Lạn phải vượt qua 160 km đường vách núi chênh vênh như thế. Xe cứ chon von lên cao, rồi hạ thấp xuống ngang mặt nước sông Mã. Xe mải miết vượt qua các đỉnh Chặm Cọ, Pu Si Na hiểm hóc, qua cầu Khua Họ, bắt đầu leo đèo Khe Sanh, Cổng Trời là đến địa phận huyện Sốp Cộp.
Theo lời kể của ông Lò Văn Thưởng, ở bản Sốp Nặm, xã Sốp Cộp, cựu thanh niên xung phong thời mở đường vào Sốp Cộp bằng cuốc, xẻng, sà beng thì năm 1964 con đường này mới được mở. Đến được Sốp Cộp rồi mới có thể về các xã Mường Và, Mường Lạn, Nặm Lạnh, Dồm Cang, Púng Bánh, Sam Kha, Mường Lèo.
Thượng nguồn sông Mã |
Vậy là liên tục gần chục năm trời với lực lượng dân công hoả tuyến hồi đó của tỉnh Sơn La, một đơn vị công binh và trên 200 thanh niên xung phong của huyện Sông Mã bươn mình quăng quật, đào sới, đu người trên vách đá để làm nên 30 cây số đường Ta Lắc - Ta Cọ. Năm 1968, khi đường đèo khai thông cũng là lúc Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thắng lợi. Để ghi nhớ thời khắc lịch sử trùng phùng đó, những thanh niên làm đường trên công trường 8 đã đặt tên con đèo Kéo Phó hiểm trở nhất nhì Tây Bắc này là đèo Khe Sanh. Nhưng phải đến năm 1973 thì ô tô mới chính thức đến trung tâm xã Sốp Cộp.
Mấy anh em công tác lâu năm ở huyện sông Mã nói rằng, trên đèo Khe Sanh có mỏ đất muối, người qua đường thỉnh thoảng vẫn gặp bò tót, voi, trâu rừng từng đàn, đến Khe Sanh tranh nhau quỳ gối liếm đất ăn muối. Trước đây hoang thú hoà thuận với con người, con người hoà nhập với thiên nhiên. Theo số liệu của ngành kiểm lâm Sơn La, năm 1975 còn 77 con voi rừng, hơn trăm con bò tót được ghi nhận tại đây, cho nên “voi gầm đầu bản, vượn reo cuối mường” là chuyện thường ngày ở Sông Mã , Sốp Cộp.
Đèo Khe Sanh đi xuyên qua Khu Bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp rộng gần 27.900 ha. Rừng được giữ nghiêm ngặt, nhưng động vật bày đàn thì giảm đi rất nhiều, hiện chỉ còn sót lại một cá thể voi, thỉnh thoảng từ bên đất Lào ghé thăm mà thôi. Mấy đàn “chặng ni” vượn đen má vàng ở ven suối Công vài năm nay cũng thôi, không thấy hót nữa.
Hồi đang là học sinh Trường Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc, mấy đứa bạn ở Sông Mã cứ khát khao có con đường lớn, vì mỗi lần về nghỉ hè, đi bộ nhiều hơn là đi xe. Chúng còn kể, lắm lúc gặp đàn lợn lòi chạy tắt qua trước mặt mà bủn rủn cả chân tay, khỉ cũng rung cây doạ người. Không rõ đi bao nhiêu cây số, nhưng nếu vào mùa mưa, núi sạt lở thì không chỉ tính bộ một ngày, hai ngày, mà có khi phải đợi cả tuần mới có chuyến xe tải chở khách. Ở đoạn đường thấp, dưới chân núi cũng uốn éo, cong queo men theo con suối Lẹ, người và xe phải lội qua 22 khúc ngầm rồi mới đến trung tâm huyện lỵ Sông Mã.
Điểm cuối quốc lộ 4G là đến địa phận huyện Sốp Cộp. Huyện này cách trung tâm thành phố Sơn La 130 km. Cái khác biệt của huyện Sốp Cộp là có chung đường biên giới với nước bạn Lào dài 120 km. Với vị trí đắc địa này đã tạo cho huyện Sốp Cộp có tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng mà tỉnh Sơn La cũng như cả nước quan tâm.
Sốp Cộp theo tiếng địa phương là ngã ba con suối gộp lại. Suối đổ từ khu đỉnh núi Pu Sâng xuống. Một suối bốn mùa nước trong xanh, còn suối kia thì đục ngầu như máu rồng, nên người dân ở địa phương gọi là Nặm Đanh (hoặc Lanh), người miền xuôi lên đây dạy học gọi là Nặm Lạnh.
Ở phía tây nam của Sốp Cộp là dãy núi Pu Sam Sẩu (còn gọi là Pu Sam Sao), thuộc dãy núi biên giới Việt - Lào, có đỉnh cao 1.897m, cấu tạo bởi cuội kết, cát kết, phiến sét Triat. Pu Sam Sẩu theo tiếng Thái là: ba ngọn núi “ông đầu râu” tạo thế chân kiềng. Truyền thuyết xưa cho rằng, nơi đó là cái bếp nấu cơm của người khổng lồẢi Lậc Ngậc.
Vùng đất biên cương này đúng là nơi tụ khí thiên thời, địa lợi. Bởi thế, dân địa phương mới có câu ngạn ngữ: “Pay Sốp Côp kin pa, mưa Mương Va kin khẩu…” nghĩa là đi Sốp Cộp ăn cá, về Mường Và ăn nếp cơm xôi, ý nói sự no đủ, sung túc của người dân, sự bình yên của bản mường.
Được trò chuyện với các vị cao niên mới biết Sốp Cộp thực sự là một trong những cái nôi của văn hoá vùng Tây Bắc. Ở nơi xa xôi vùng biên ải này có những tên núi như “Phá Thóng” nằm giữa đường biên Việt – Lào, theo tiếng địa phương là núi bổ cho một nửa là Lào và một nửa là Việt. Tên gọi Sam Kha cũng vậy, nghĩa là ba nhánh (hay ba cành “cây”), ý nói ba dãy núi tách ra từ dãy núi Việt – Lào.
Nơi này còn có cái tháp Mường Và cổ kính nhất vùng, do Chẩu Hua cùng người dân xây dựng khoảng thế kỷ XVI. Tháp Mường Và có chiều cao 15,6 mét, là công trình kiến trúc nghệ thuật tọa lạc trên gò đất đắp cao 17 mét. Hai mặt Tây Bắc của tháp là ngọn núi cao tựa thế tay ngai, hai mặt còn lại nhìn xuống bản Mường Và, với suối Nặm Ca uốn lượn là nơi tụ khí hưng thịnh. Nhưng lần này chúng tôi không có dịp ghé qua, chỉ nghe nói vào các dịp Lễ hội "Xên Mường" và "Khảu Hó" của dân tộc Lào hàng năm, dân trong vùng vẫn hội tụ đến chân tháp để dâng lễ, cầu khấn cho đất trời bình yên, mùa màng bội thu.
Sốp Cộp vốn là nơi hiếu học, chuộng cái mới, là nơi ngọn nguồn những con suối. Sốp Cộp còn tự hào là vùng đất “quả bầu” chứa đựng trăm hạt giống nòi, sản sinh ra những anh hùng hào kiệt. Thời xưa có anh chàng “Ải Má Hút”, người khổng lồẢi Lậc Ngậc lập bản dựng mường. Thời nay tuy khan hiếm người tài, nhưng Sốp Cộp cũng có nhà văn, nhà thơ như Lò Văn Cậy (hội viên Hội Nhà văn VN), Hoàng Trần Nghịch nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nhà thơ dân tộc Lò Văn E … Họ là những văn nghệ sĩ tiêu biểu đã cống hiến hết mình và để lại nhiều trang thơ, trang sách cho con cháu mai sau.
Hoa dã quỳ |
Đường vào Sông Mã, Sốp Cộp mùa nào cũng đầy cảnh đẹp của rừng, của suối bao la róc rách. Đúng lắm, phải có rừng, có suối, có những cung đường vắt qua sườn núi. Bởi thế, người Sốp Cộp thời trước ai mà đi xuyên rừng, vượt suối, dắt trâu, đuổi lợn ra đến Ta He, Ta Chan bến sông Đà mà đổi dầu, muối, tơ lụa gánh về Sốp Cộp được cho là trai khôn, được chọn làm rể quý.
Chúng tôi ngồi trên xe lúc lặng yên, lúc sôi nổi. Đường còn dài mới đến Mường Lạn. Chợt nhớ có một nghệ nhân kể cho tôi về câu chuyện tình Hoa dã quỳ. Những ngày cuối năm, hoa dã quỳ bung nở đẹp lắm.
Chuyện đó là thế này: Tại một bản của người Thái, có một chàng trai khỏe mạnh, hiền lành vì thương một cô gái Lào ở Mường Và nên quyết định đi buôn trâu một chuyến đến bến Ta He (bến sông Đà xưa) để mua tơ lụa về may khăn, áo cho nàng. Người con trai quàng lên vai cô gái mình yêu một chiếc khăn piêu, rồi nói đùa: “Khi nào nước suối cạn dòng chảy chỉ nhỏ bằng chiếc đũa thì hay quên nhau”, rồi chàng từ dã ra đi. Cô gái ngồi bên suối mùa tiếp mùa “ngắt hoa vông ngồi đợi, ngắt hoa bưởi ngồi chờ”, “con suối cạn vây cá nhô lên khỏi mặt nước” mà vẫn chẳng thấy người yêu trởlại. Nàng lo lắng, vội quàng khăn piêu lên cổ, quyết định đi tìm chàng trai. Nàng cứ đi, đi mãi hết mười mấy con suối, mấy chục mỏm ngọn núi “Pha Lạn”* mà người yêu chẳng thấy. Nàng kiệt sức rồi ngã xuống bên dòng suối Lanh*.
Nơi cô ngã xuống mọc lên một loài hoa lạ, trổ màu vàng rực giống màu tơ vàng,người đời gọi là Dã quỳ. Cây hoa Dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt như mối tình chung thủy của người con gái.
Giờ đây, tuyến quốc lộ 4G có tổng chiều dài 123 km đang được rải thảm bê tông nhựa. Đường về biên giới Sông Mã, Sốp Cộp không còn xa xôi, cách trở như trước. Hôm nọ, vợ của một quân nhân từ thành phố Sơn La cùng con gái vào Đồn Mường Lạn thăm chồng, xe chạy chỉ hơn bốn tiếng đồng hồ một chút là đến nơi. Và nếu đi vào suối nước nóng Púng Họn của xã Mường Lèo, quãng đường dài 190 cây số, thời gian khoảng năm đến sáu tiếng đồng hồ, vì xe phải vượt đỉnh Pu Sâng 5 tầng đường cong cua khúc khuỷu.
Dùng dằng chén tạc, chén thù giữa chủ và khách, cuối cùng cũng lên xe, chỉ vài giờ đồng hồ là về đến thành phố Sơn La. Chia tay Mường Lạn, Mường Lèo, Sốp Cộp, Mường Cai, Chiềng Khương mà vẫn không quên màu vàng của loài hoa dã quỳ bung nở nơi đầu nguồn sông Mã./.
Sơn La, tháng 11/2022
Con đường hoa dã quỳ Mùa hoa Dã Quỳ Xuôi dòng Mã giang Dì tôi - Tản văn của Đào Mạnh Long Chiếc xe đạp của mẹ. Tản văn của nhà văn Nguyễn Hiệp |