Sáng tác

Nắng tái sinh - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa

Nguyễn Thị Kim Hòa
Truyện
15:00 | 31/08/2024
Baovannghe.vn - Anh nhìn theo hướng chỉ của cánh tay nhỏ. Từ đồng cỏ ven đường, một đụn trắng ùn lên, loang ra trong gió.
aa

-Ba ơi! Khói!

Vừa ra khỏi quốc lộ, con trai đã cất tiếng gọi.

Anh nhìn theo hướng chỉ của cánh tay nhỏ. Từ đồng cỏ ven đường, một đụn trắng ùn lên, loang ra trong gió.

Trời chưa thấy nắng. Dự báo thời tiết sớm này anh nghe vẫn ra rả báo giữa mùa khô.

Chắc nhà ai đốt cỏ sớm!

Vẫn không giảm ga, định lướt xe nhanh qua bầy khói trắng, thì dội vào anh một mùi rất quen. Lâm châm bên cánh mũi, buôn buốt chân lông rồi lách thẳng vào giữa hơi thở anh cơn lạnh.

Anh đã từng thế này. Cảm giác hơi thở không thuộc về mình hoàn toàn nữa. Cảm giác bị tước đoạt, bị xâm nhập.

Hình như đó là lần nhậu trúng gió trên đèo Đà Lạt.

Hay buổi trưa ngồi phơi máy lạnh hết cỡ trong sân toà án.

Hay bữa ông anh tinh thần gởi tin nhắn từ Sa Pa.

Nắng tái sinh - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa
Nắng tái sinh - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa

Trí nhớ còn đang loay hoay tìm tên gọi mùi giữa các mảnh thời gian, mắt anh đã bắt được một chuyển động.

Bầy khói đã không chỉ ở đồng cỏ. Chen chúc tự lúc nào khắp mặt đường nhựa, từng cụm trắng xoá đang bò lổm ngổm qua cả mấy đám ruộng bên kia đường. Khói bây giờ không còn đụn, còn bầy mà kết lại, nhân lên thành trảng, thành cả tấm màn trắng khổng lồ, đổ ụp.

Khói nhưng rõ ràng không phải khói. Là sương mù!

Bốn mươi năm cuộc đời lần đầu tiên anh thấy sương mù trên đất này.

Sương (nếu có) chỉ là mấy chấm tròn khô queo đọng trên lá cỏ bầy cừu nhai mỗi sớm mai, hoặc vệt nước vỡ lăn quá đám gai chỉ chít bọc kín trái xương rồng đỏ. Suốt những tháng năm thần tiên làm trẻ nhỏ, anh từng theo vết rồi mất dấu sương biết bao nhiêu lần nên nhớ rõ lắm.

Giờ, sương từ đâu đổ về? Còn giăng mù, mờ mịt hết con đường cha con anh về rẫy nội.

Mai sẽ tròn 20 năm kể từ ngày ông nội mất.

Tròn 20 lần anh ngồi bên ông, đọc bài thơ ông thích nhất trước ngày đám giỗ.

Nước non nặng một nhời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

............

Những giỗ đầu, khi còn trong tuổi 20 nhiều rung cảm và mộng tưởng, anh có thể đọc nội nghe bài thơ làu làu. Câu chữ tựa hồ cắm rễ, đâm cành sẵn giữa tim anh. Chực đến lúc anh ngồi bên ngôi mộ đá xanh, rưng rưng trong hoài nhớ lập tức bật ra thành vần điệu, đơm hoa. Mộ ông khi ấy còn được bàn tay bà chăm, quanh năm hoa nở thắm bia đá bất kể mùa hạn hay mùa gió. Anh chỉ việc leo động cát lên, mơ màng theo khói nhang bà thắp và đọc thơ.

Rồi những năm 30 ập đến. Những lần anh về giỗ trở nên vội vàng hơn (dù không hề muốn). Bài thơ của Tản Đà vẫn ở trong đầu, nhưng vài chữ rồi vài đoạn lẫn vào nhau. Ngồi trước mộ, anh đọc những dòng thơ rối, cứ phải vừa đọc, vừa ngưng để gỡ. Dần dần, những con chữ có thêm xu hướng biến mất. Buổi đọc thơ hệt chuyến xe chưa qua hết trúc trắc ổ gà lại mất hút luôn dấu đích đến.

Càng về cuối những năm tuổi 30, thời gian anh ở bên ngôi mộ đá xanh càng ngắn hẳn. Thề non nước đã in sẵn ra giấy nhưng thơ đọc cho nội vẫn ngắc ngứ, ngưng ngang vì điện thoại anh rung liên tục. Ông anh tinh thần gọi phụ tiếp khách, đám nhân viên hỏi xin ý kiến, tin nhắn từ ngân hàng. Có lần, lật đật chạy về quá, anh làm rớt bay đâu mất tờ Thề non nước giữa bạt ngàn cát đỏ.

-Khói làm lạnh tay con!

Con trai làu bàu. Bàn tay nhỏ quơ chạm lên cánh tay anh, méc vốn.

Ngừng xe, anh lục tung trong cốp tìm bao tay, nhưng cuối cùng chỉ lôi ra được một cặp vớ cũ.

-Kệ đi ba. Mình cho tay mang vớ mới ngầu!

Con anh luôn là đứa nhỏ rộng bụng. Đi học, nghe cô giáo kể hễ có bánh kẹo, đồ chơi con đều chia cho bạn hết. Cả hộp sữa đang uống thấy bạn có vẻ thích liền tặng luôn. Ngó con hăng hái đeo chiếc vớ đã ngả màu vào tay, anh tự nhiên đổ bực. Đến thằng nhỏ tám tuổi còn nhận ra anh cần được chia sớt. Anh thà nghe con chê hay mè nheo đòi ba một đôi bao tay cho ra dáng. Tử tế của con trai càng làm anh thấy mình vô dụng, bất lực.

Tăng ga, anh ném cơn giận vào tiếng gió vù bên tai. Xe lao như muốn cắt đôi màn sương mờ đục.

Sương rẽ ra trước mũi xe anh, từng dải trắng rời nhau, lả tả phất về hai phía theo hướng gió. Đắc thắng, anh bật đèn xe. Ánh sáng mở thêm một vòng cung sắc lẹm chém nốt dải sương thành đoạn gãy lìa như lưỡi hái phạt ngang thân cỏ. Bóng cây cầu đánh dấu nửa chặng đường hiện rõ. Nhưng chỉ một chớp mắt, mọi đường nét vụt mờ mịt trở lại. Một màn trắng thậm chí còn dày hơn, mịt mờ lúc ban đầu thả thốc xuống. Xe anh nẩy lên, sống lưng như dội ngược, ê ẩm. Choáng váng vì đợt tập kích bất ngờ của sương, anh quên mất cái ổ gà tênh hênh ngay mép cầu.

Trước khi có cái ổ gà, cầu đã từng một lần gãy. Đó là thời cầu còn là cây cầu gỗ. Nghe ông nội kể ngày chiến tranh kết thúc, người thành phố trở về quê chen chúc dữ quá, ván gỗ mục miễu lâu năm không trụ được, bục ra một nhịp, lôi theo cả mớ người xuống nước. May quãng sông vốn chỉ là mương nước thủy lợi đâu từ thời các vua Chăm nên không rộng lắm, lại gặp mùa giữa hạn, nước mới lấp xấp ngực, nên ai nấy đều tự lội lên bờ, không cần nhờ giúp. Sau mở cửa, cây cầu gỗ vá chằng vá đụp được dỡ bỏ. Sắt thép, xi măng đổ về. Một cây cầu bê tông hẳn hoi xuất hiện cùng với con đường tráng nhựa đè lên mặt đường cát cũ. Trảng cát trắng lẫn xương rồng dạt hết về hai bên đường rồi dần mất tích. Chỉ bèo lục bình cố bám lại chân cầu, lởn vởn bên dòng chữ khắc ngày tháng khởi công.

Ba anh ưa ngồi câu bên gốc gòn bé tí mọc dưới cầu. Gòn trong rẫy nội cũng soi bóng xuống một mặt ao đầy cá, từ gốc đến thân đều to cộ, lá dày rợp, trái múp míp đến thích mắt, nhưng chưa thấy ba ngồi tựa, thả cần bao giờ. Thành lệ, mỗi lần ba rục rịch tìm cần câu, dắt xe, mẹ lại lật đật kiếm anh, đẩy đi theo ba.

Mẹ là con gái trong làng. Bà nội thấy hợp tuổi, làm lụng giỏi giang nên cưới về làm dâu. Mẹ và bà nội hợp tính nhau mọi chuyện, trừ việc cho anh theo ba đi câu.

“ Nó đi rồi về. Chớ lo chi tào lao rồi bắt thằng nhỏ theo giang nắng giang non. Mẹ gì không biết xót con!”

Anh ở phe nội. Nhất là những lúc đang chơi vui cùng tụi bạn trong xóm thì phải ấm ức ngưng ngang, về theo ba ra cầu.

Nhưng ấm ức thường không được lâu. Vì lắc lư vui thích của ba ga xe khi qua những khúc đường cát tràn, rù rì tiếng gió nói trong tai, rồi hoi hoi mùi rơm từ mấy chiếc xe bò đi trước, ngòn ngọt của chùm da đá ba hay hái bên đường. Chừng nghe được man mát hơi nước sông, mắt anh đã no nê, chực ríu xuống. Dưới bóng lá lỗ chỗ nắng của cây gòn nhỏ, cạnh người cha đang câu cá, anh hay lăn ra ngủ. Giấc mơ dẫu có ngứa ngáy vì cỏ châm lưng hay sợi bông gòn vướng mặt vẫn say sưa niềm vui đi đường. Anh thấy mình giống ba. Mê hành trình hơn đích đến.

Mẹ không hiểu ba. Trong tưởng tượng mẹ, luôn có một người đàn bà chờ ba đâu đó quanh chân cầu.

“Chỉ có dị ông mới ham ra ngoải. Chớ bao nhiêu chỗ đầy cá gần đây sao ông không câu? Phải ham cái gì chỗ xa lơ xa lắc đó không?”

Đến tận giờ, khi đã thành hai người tóc bạc, ba vẫn không trả lời mẹ. Ngày nhỏ, anh từng trách ba làm mẹ khổ, để mẹ sống trong nơm nớp, nghi ngờ. Càng lớn, anh nhận ra không phải ai cũng hiểu, cũng say đắm với những cuộc đi, nhất là phụ nữ. Họ giống những gốc cây lớn, ngại xê dịch, ưa cảm giác an toàn, thích trói buộc. Nên anh cũng im lặng, khi vợ trách sao nghỉ việc công ty cũ, vợ khóc lên khóc xuống mỗi lần việc làm ăn vào ngõ cụt. Kể cả lúc vợ mặt mày tái ngắt chìa ra trước anh hợp đồng vay ngân hàng chục tỷ và sau cùng là lá đơn li dị, anh nhớ, cũng đã không nói một câu nào. Hương vị tuyệt vời từ những cuộc hành trình, hưng phấn run rẩy của mạo hiểm là những thứ vợ (và mẹ anh nữa) mãi sẽ chẳng nếm được.

Nắng tái sinh - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa
Mùa nắng - Ảnh từ Pixabay.com

Con trai liệu rồi có giống anh không?

Nhìn xuống cặp tai thỏ vểnh từ chiếc mũ bảo hiểm nhỏ trước mặt, anh bỗng tự hỏi. Ba ngày xưa biết có từng đặt câu hỏi vậy lúc cho anh theo những chuyến đi câu? Lâu rồi, anh không nói chuyện được với ba. Sau vụ li dị, trước ông, anh cũng thành vô hình.

-Ba chạy chậm đi ba. Lỡ rớt xuống hố nữa sao!

Giọng nhắc nhở nghiêm khắc vang từ chiếc mũ bảo hiểm tai thỏ.

Xe giảm tốc độ tức khắc.

Sau cái ổ gà anh không kịp né, đường về đúng còn mấy đoạn bể nát, mấy cái hố nhỏ hố to nữa. Người ta quy hết tội cho các đoàn xe chở cát. Giá dân làng ai cũng ngồi bàn nhậu cùng đám cán bộ làm đường nhiều như anh. Với một con đường bị rút ruột, đâu cần đến xe chở cát, có qua lại rón rén cỡ nào thì mấy cái bụng khâu tạm bợ đấy cũng đến ngày bục chỉ, lòi gian dối. Hồi nhận thầu mỏ cát trắng của làng bên cạnh, không phải nhờ xe chở cát của công ty anh mà đám sâu đục đường ấy bị vạch mặt nhanh hơn sao?

Vậy mà, mấy mỏ cát công ty anh mua sau này đều bị trục trặc. Chỗ mỏ cát lớn nhất, dân kéo nhau ra giăng hàng trên đường, không cho xe ra vô. Đám đầu gấu thuê bảo vệ nổi cơn anh hùng không cần thiết, dao gậy cuốc xẻng đá đấm lên tiếng, rồi máu đổ. Tiền đền bù, tiền chạy mỏ hoạt động trở lại bòn sạch của anh những đồng sót từ món tiền mượn chục tỷ, khoản vay “giọt nước tràn ly” – như cách vợ gọi, lúc trừng mắt hét vào mặt anh.

Cô ta chưa từng có dũng khí đó. Ánh mắt dành cho anh từ lúc biết nhau chỉ có đắm đuối, tuân phục. Quá lắm cũng chỉ dỗi hờn, trách móc. Hình như anh đã quá tự tin vào tình yêu. Vợ yêu anh ngay cái nhìn đầu tiên, dính lấy anh bất chấp ba mẹ vợ ngăn cấm, dám cầm dao rạch cổ tay mình để được làm cô dâu của anh. Sợi dây buộc tên gọi tình yêu với đàn bà hoá ra còn dễ đứt hơn mạch máu nơi cổ tay. Vợ đã thay đổi. Cô ta cứa đứt, bứt mình ra khỏi anh từ lúc nào? Dạo anh phải bám đuôi các công trình xây dựng từ miệt biển lên đèo Đà Lạt? Đợt con trai mổ ruột thừa anh phải đi tiếp khách cùng ông anh tinh thần? Hay mấy lần ra chở giùm anh về sau những cuộc giao lưu làm ăn không lái xe nổi được?

Quá tin vào tình yêu đã làm anh mất cảnh giác. Một cô tiểu thư sẵn sàng chết để có được anh. Một người vợ luôn ở phe anh trong mọi cuộc chiến, dù là chiến đấu với gia đình cô ta. Một tín đồ trung thành, tận hiến cho vị thánh anh mọi thứ cô ta có. Ai có thể ngờ một ngày lại dám ném vào mặt anh tờ đơn li dị. Lãnh địa anh khổ công xây dựng đổ sụp chỉ trong một ngày. Tự tôn anh không dưng bị nhục mạ, chà đạp. Dù không một người đàn ông nào chen giữa, anh vẫn thấy bị vợ phản bội. “Rồi cô ta sẽ ân hận cả đời!” Chữ ký anh nghiến muốn rách mặt đơn. Lúc ra khỏi toà, đầu anh ngẩng cao, ngực ưỡn, từ bước chân đến lực tay sập cửa xe đều mạnh mẽ, chắc nụi. Sáng ấy, cũng như hôm nay, không thấy nắng. Đoàn chở cát cho công trình trên đèo báo về gặp mưa núi xoáy lở đường, nhưng sân toà án không một hột mưa rớt. Giằng co giữa nắng và mưa, trời cau mặt đục ngầu, phả đầy hơi ngột ngạt, hầm bức. Anh nhớ thứ sung sướng vỡ oà lúc bật được máy xe, nghe hơi lạnh phả ra, hất hơi ngột văng ngoài cửa kính. Chỉ khi bóng con trai trong kính chiếu hậu dần nhỏ xíu rồi biến mất, lâng lâng chiến thắng ấy mới lạnh đi, buốt cóng từng đầu ngón tay, kẽ da anh.

Sương càng lúc càng nhoè nhoẹt hết tầm nhìn. Căng mắt, rồi dụi mắt, mặt đường phía trước anh vẫn như chìm lút giữa biển mênh mông mờ đục. Mấy mảng đường bể không khác nào lũ tảng băng trôi hiểm hóc, cứ lừ lừ nhô ra ở những đoạn anh không ngờ nhất. Cố tránh hết mức, xe vẫn xóc nảy liên tục. Đợt công ty anh rút khỏi mỏ cát trắng làng bên cạnh, anh nhớ con đường có được tu bổ, vá đắp lại. Anh còn ủng hộ vụ này một khoảng khá lớn. Chủ yếu để về rẫy không phải nghe ông bà già càm ràm và mấy đợt cúng giỗ được mấy ông bác trong họ lẫn đám cán bộ xã đến cụng ly, khen đóng góp.

Bin! Bin! Bin!

Tiếng còi xe thét lên xé tai làm anh giật bắn, bẻ nhanh tay lái. Lo cắm cúi vào mặt đường lồi lõm, anh đã không thấy cái bóng lù lù của chiếc xe tải vụt trồi ra giữa màn sương.

-Má! Chạy bật đèn xe lên thằng chó!

Anh chửi theo ầm ầm máy xe. Suýt chút nữa, nếu tay tài xế chết tiệt không bấm còi, anh đã đâm sầm vào con quái vật sắt kinh dị đó. Anh có ra sao càng tiện, nhưng còn con trai... Thằng nhỏ đang ngồi ngay trước anh, chỗ chắn chắn đập mạnh nhất vào đầu xe tải. Rùng mình, anh không dám nghĩ tiếp. Mồ hôi lạnh bất giác túa ra, đầm đìa khắp tay chân, mình mẩy. Tấp hẳn xe vô lề đường, anh lẩy bẩy lục túi, tìm gói thuốc.

-Dị mà bữa ba hứa không hút thuốc, không chửi bậy nữa!

Anh cười trừ với cặp mắt liêng liếc và đôi môi nhỏ đang dẫu ra, vẻ hờn mát. Đã tự nhủ không để con thấy thêm hình ảnh tệ hại, xấu xí nào của mình nữa. Rốt cuộc, anh vẫn không làm được.

Điếu thuốc vừa châm lửa chưa kịp rít đã nghe thêm tiếng bánh xe nghiến sầm sập mặt đường. Lại một chiếc xe tải lao qua, đục thủng mịt mù sương. Lần này, anh có thể nhìn rõ hơn. Vẫn tấm bạt lớn phần phật bay trên thùng xe, như một cái miệng lớn há hốc ra, đen ngòm. Vẫn cuộn vòng theo sau xe quầng khói đen đục sặc sụa hơi xăng dầu lẫn hơi cát ẩm. Anh quá quen với những hình ảnh, hơi hám này. Là xe tải chở cát.

Rõ ràng khi công ty anh rút đi, mỏ cát trắng làng bên cạnh đã cạn. Con đường này chỉ có thể dẫn về làng họ hoặc làng anh. Lẽ nào mới có thêm nguồn cát mới ngon lành mà anh chưa biết được?

Không phải! Linh tính kéo anh ra chỗ cát chiếc xe vừa vương vãi xuống. Những lởm đỏ, vũng đỏ giắt hàng, nối đuôi nhau như những vũng máu bết đầy mặt đường. Sương đặc sệt luồn khắp buồng phổi anh. Mắt anh như đóng đinh lên màu cát đỏ. Màu từng quấn quýt quanh mấy trái xương rồng chín anh cùng đám bạn hái, thui gai, lột ăn ngọt lịm. Màu điểm xuyết cho mặt mũi, cặp vở anh những mùa bấc đội gió đi học. Màu vương từ áo bà nội sang áo mẹ anh mỗi lần về từ chợ làng. Không lầm được. Là màu của kỉ niệm, của tuổi thơ anh đang chảy theo vệt bánh xe tải. Màu của động cát đỏ sau rẫy nội.

Anh tự hù dọa mình rồi. Động cát đỏ từ lâu nay khác nào vách chắn, mái che gió biển cho làng anh. Người làng lớn lên cùng cát đỏ, chết trở về trong cát đỏ. Ngôi mộ đá xanh của ông, rồi bà anh giờ cũng nằm trên động. Khu nghĩa trang làng kéo dài gần hết nửa động cát. Ai dám cấp phép khai thác?

Chắc chắn là tụi xúc trộm liều mạng. Không chừng đứa tài xế cũng đang rơi vào khốn khiếp khốn nạn như anh. Trong cùng quẫn, người ta làm được hết, kể cả chết.

Quăng điếu thuốc chưa hút xuống đất, anh chà mũi giày lên, cho đến khi nó nát bét, bể tung ruột.

Sương chưa thấy dấu hiệu loãng bớt. Mặt trời chết tiệt vẫn biến đâu mất. Ba tháng nay, không biết bao mặt người cũng tan biến như vậy. Tiếp anh, chỉ những hồi chuông điện thoại đổ dài, những cánh cửa đóng im lìm, những cái lắc đầu cảm thông tàn nhẫn. Ông anh tinh thần nhắn tin báo phải ở lại quê lâu ngày chữa bệnh. Việc nhà nước bào sức khỏe ông anh đúng lúc có tin đoàn thanh tra sắp về tỉnh. Công ty dù ông anh và bạn bè đổ vốn vào mạnh nhất, nhưng anh là người đứng tên. Anh đọc đến thuộc lòng từng dấu phẩy trong tin nhắn ông anh tha thiết gởi gắm, đọc ra được cả không khí Sa Pa lành lạnh ấm cúng toả ra từ mỗi con chữ ông anh gõ trong khách sạn, cạnh đứa gái non thích check in facebook.

-Mình đi tiếp đi, ba!

Con trai ở sau anh từ bao giờ, bàn tay nhỏ nắm tay anh, giật giật. Lay tỉnh, anh quay lại, nhấc bổng thân hình còm ròm, công kênh về chỗ xe máy. Tiếng cười trẻ nhỏ trong vắt tưới lên anh. Lâu lắm, anh mới nghe con cười. Sau vụ li dị, trong những lần hiếm hoi gặp nhau, thằng nhỏ chưa bao giờ cười với anh. Ánh mắt con trai nhìn anh, thỉnh thoảng, lại hệt như mắt mẹ nó, nghiêm khắc và xa cách. Trước con, anh hay rơi vào cảnh không biết nói gì, dù nỗi nhớ có chuẩn bị sẵn trăm ngàn câu hỏi, chuyện kể. Mấy bữa nay, ngày nào anh cũng nghĩ đến con. Giỗ nội càng đến gần, khao khát được cùng con lội lên đồi cát đỏ, chỉ cho con đoạn đường anh vẫn đi ngày nhỏ, để con được gặp ngôi mộ đá xanh càng thêm cháy bỏng trong anh. Tối qua, anh đã lên google tìm lại Thề non nước của Tản Đà. Lát nữa, trên đỉnh cát đỏ, anh sẽ đọc cho ông, cho bà và cả con trai nghe bài thơ đã khắc lại trong trí nhớ.

Việc anh còn có thể làm, quà tặng anh có thể để lại cho những người thân yêu, chỉ duy nhất điều này.

Công ty đã chạm đáy vực. Đội xe tải, xe xúc, xe đào,... đến cái ghế ngồi trong văn phòng anh giờ đều thuộc tài sản ngân hàng. Ngôi nhà, miếng đất định sau này cho con trai ba tháng trước cũng đã thay tên người khác. Như chưa đủ, đơn kiện nhân viên anh hành hung, kiện công ty gây ô nhiễm, giấy phép khai thác không hợp lệ liên tục được phía toà án thông báo. Ba tháng trời, chui rúc trong mấy khách sạn cũ, các nhà trọ, anh không dám cả nhắn tin hỏi thăm con. Đám đòi nợ thuê từ các chủ vay nóng vẫn đang lùng rất gắt.

“Về đi con. Ba mày chịu rồi. Về ba mẹ đưa sổ đỏ rẫy. Coi mà trả bớt cho người ta!”

Mẹ gọi, giữa lúc giấc ngủ chập chờn vừa đến với anh sau cả tuần thức trắng.

Hành trình anh bẻ cua, quay ngược về xuất phát tự lúc nào?

Năm mười tuổi, những lần theo ba đi câu, anh đã nuôi giấc mơ về cuộc hành trình vĩ đại của riêng mình. Cũng vì giấc mơ ấy, những năm tuổi hai mươi, người yêu anh chỉ có những cô tiểu thư thành phố. Hơn ba mươi, một trong những cô gái ấy thành vợ, giấc mơ anh cán đích với một ngôi nhà ba tầng giữa trung tâm, vị trí trưởng phòng của một tập đoàn nhà vợ quen. Ba lăm tuổi, anh quen ông anh tinh thần, quyết định lập công ty riêng, ra khỏi cái bóng kẻ bám nhờ nhà vợ. Tròn bốn mươi, chuyến phiêu lưu viển vông của một thằng nhà quê ôm nặng mặc cảm chính thức kết thúc. Anh thua xa ba mình, người còn chưa đi quá khỏi bóng cây cầu bao giờ.

Sương càng lúc càng dày đặc. Mắt anh không thấy gì nữa ngoài trắng xoá. Dụi tung từng mảng sương chực áp kín mắt, anh nổ lại máy xe. Hành trình còn nốt chặng cuối nữa. Đâu dễ lại làm anh mù loà.

Rẫy nhà chỉ còn cách chưa tới ba cây số. Cái rẫy bao bọc tuổi thơ anh, nuôi anh đi học, chứng kiến anh lớn lên. Rẫy lập từ thời còn Pháp, Nhật. Nội kể ông cố anh trốn bắt lính nên đem theo bà cố bỏ làng cũ, đi vào sâu trong động cát, kiếm chỗ lánh tạm. Dần dà, chỗ ở tạm thành rẫy, thành cả ngôi làng xanh rì nhờ hưởng mạch nước ngầm dưới chân động cát đỏ. Ông cố để lại rẫy cho ông nội như một món quà. Rồi nội tặng nó cho ba. Trong hành trình của anh, rẫy nhà vô hình. Một món quà thế hệ cũ kĩ, trị giá không bằng một phần ba ngôi nhà anh xây giữa phố thì giúp được gì, ngoài những buổi nhậu lâu lâu cũng cần chút gió quê.

Đã thấy bức tường xanh nõn chuối của ngôi nhà Chăm bên đường. Hình như sương đang tan bớt. Làng cặp kè mặt ngoài làng anh rõ dần, những nóc nhà bạc thếch, một cây hoa bằng lăng lớn chết khô ngay chỗ rẽ vào mỏ cát trắng cũ. Chợ làng không thấy nhóm, cũng không nghe tiếng cừu dê be từ mấy chuồng nuôi sát đường. Cảm giác bất an chợt xô tới, anh phóng xe nhanh hơn. Qua thêm ba khúc quanh, cổng làng anh hiện ra, như mắc kẹt trong lưới nắng thình lình quăng xuống. Sương biến đâu hết sạch. Cùng lưỡi dao nắng, đâm vào mắt anh là cả đoàn xe nối đuôi nhau trườn trên đỉnh cát đỏ.

-Xe giống xe công ty ba kìa, ba!

Mắt anh đau buốt trong tiếng gọi phấn khích của con trai.

Ngân hàng. Toà án. Đám đòi nợ thuê. Miếng rẫy của ông bà già. Anh đã tìm ra cách ổn thoả cho tất cả. Trừ điều này.

Đoàn xe như con rắn gớm ghiếc nhìn xuống anh, cái miệng tham lam ngoác rộng vẻ mai mỉa.

Động cát đỏ rồi sẽ bị nuốt sạch. Cát làng anh đang chịu quả báo xé da, lóc thịt thay anh. Anh làm được gì?

Hồn người làng, hồn ông bà anh đang phải nghe tiếng máy xe gầm, nghe mặt cát dưới từng chân mộ run rẩy kêu khóc. Anh làm gì được?

Anh còn có thể làm gì? Rồi họ sẽ san phẳng động cát đỏ như anh từng làm với mỏ cát trắng làng bên và bao nhiêu mỏ cát khác. Con trai anh lớn lên sẽ không biết về ngôi mộ đá xanh, về con đường lội cát lên động, về bài thơ được đọc trước mộ trong ngày giỗ. Trong trí nhớ con, làng anh, rẫy nhà anh cũng sẽ tan biến. Chút neo giữ cuối cùng ấy mất đi thì anh còn hi vọng được con nhớ đến?

Không. Anh không phải một người cha đến kỉ niệm cũng không thể cho con. Không phải kẻ thất bại chỉ chực lẩn trốn.

Dưới chân động cát đỏ, ngay con đường dẫn lên động, anh đạp ngã tấm bảng gỗ đề dòng chữ trắng “Khu khai thác” và quay đầu xe.

Tập hồ sơ anh cất dưới gầm giường phòng trọ vẫn còn nhiều trang giấy có thể khiến vài cái tên ngưng quăng bừa chữ kí và ông anh tinh thần thật sự đổ bệnh.

-Mình không vô rẫy thăm nội nữa hả ba? – Con trai thắc mắc.

-Đâu. Vô chớ. Sau này, hễ con muốn, ngày nào ba cũng chở vô.

Trong nắng, anh chắc nịch hứa với con.

Chai thuốc rầy định ra bờ ao pha rượu uống, lát nữa, anh sẽ đem xịt lũ sâu đang đục thân cây gòn.

Nắng chói chang trong buổi sáng 20 năm từ ngày ông nội mất.

Anh thấy mình vừa được hồi sinh.

Đi học hay ở nhà vui? - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa Khoảng cách - Truyện ngắn của Phạm Thị Huệ Chiếc nhẫn đá. Truyện ngắn của Phạm Đình Trúc Thu Một lần xứ khác. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hiền Con thú - Truyện ngắn của Dương Quốc Hải

Nguyễn Thị Kim Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.