Chuyên đề

Đi học hay ở nhà vui? - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa

Nguyễn Thị Kim Hòa
Văn học thiếu nhi
10:00 | 24/08/2024
Baovannghe.vn - Bạn có bao giờ tự hỏi: Bạn thích đi học hay ở nhà? Tụi bạn tôi đều nói rằng chúng thích đi học. Đi học vui quá chừng vui. Còn ở nhà, thật chán.
aa

BẠN THÍCH ĐI HỌC HAY Ở NHÀ?

Bạn có bao giờ tự hỏi: Bạn thích đi học hay ở nhà? Tụi bạn tôi đều nói rằng chúng thích đi học. Đi học vui quá chừng vui. Còn ở nhà, thật chán.

- Nếu ở nhà, tui chỉ toàn coi ti vi. Coi muốn mòn con mắt. - Hồng cận nói.

Tụi bạn dòm vào mắt nó và tất cả cùng công nhận là hình như mắt nó có nhỏ hơn thường ngày một tí ti. Đúng là mắt bị mòn thật.

Quang ù cũng nói mắt nó sắp mòn giống con Hồng. Vì hễ ở nhà là nó chơi điện tử trên máy tính.

Chơi điện tử thì thú vị rồi. Nhưng chơi có một mình thì chán thí mồ. Đã vậy điện tử lại chẳng bao giờ biết gật đầu khi nó kêu: Năn nỉ đó, uống giùm tao hộp sữa đi mày.

Nên tất nhiên, nó chẳng bao giờ thích ở nhà.

Còn thằng Tý, nó quên mất đã từng ước "phải chi mùa hè dài 100 tháng” cũng nhoi nhoi lên: Tao thích đi học. Thích đi học.

Cái thằng. Tôi mà kể ra chuyện mẹ nó phải dùng đến một cái roi bự đến cỡ nào để bắt nó xuống giường đi học, nó chắc là sẽ quê xệ tới già.

Tôi có phải vừa đeo cặp vừa khóc thút thít như nó đâu. Sáng, tôi còn dậy sớm hơn cả ba mẹ. Bỏ sách vở vào cặp nhé. Ăn sáng nhé. Thắt khăn quàng nhé. Tôi làm việc gì cũng nhanh vèo vèo.

Chỉ đến lúc ra tới cửa, vèo vèo mới phải ngưng ngang vì tiếng mẹ.

- Bin. Đứng lại. Cái gì trong túi quần, hả?

Ai lại bắt Thỏ đang trên đường đua đứng lại bao giờ. Mẹ tôi thật chán. Mẹ còn kéo tai Thỏ một cái quá trời đau.

- Hình, hình. Đi học hay đi chơi hả? Bỏ hết ở nhà. Thế đấy. Vậy là Thỏ tôi phải đi học chỉ với một cái tai. Cái tai kia có còn đâu. Mẹ đã bứt nó để ở nhà rồi, cùng với xấp hình tịch thu được từ túi quần tôi.

Người lớn có lúc thật quá đáng. Người lớn chẳng bao giờ cho trẻ con giải thích. Nên chả bao giờ người lớn thấy được một xấp hình quái thú và siêu nhân cuồng phong đáng để đem lên trường như thế nào.

Tôi là một con thỏ. Không. Chính xác là một cậu bé đau khổ.

Người đau khổ thì có quyền làm những việc khác với mọi người chứ.

Nên chắc chắn rồi, giờ tôi chả thích đi học tẹo nào. Tôi chỉ muốn ở nhà.

Đi học hay ở nhà vui? - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa
Đi học hay ở nhà vui...

Ở NHÀ VUI

Bạn cũng sẽ nói thích ở nhà như tôi thôi. Nếu bạn biết tôi có một vương quốc tuyệt vời như thế nào lúc ở nhà.

Bạn sẽ không hình dung nổi đâu. Đó là một vương quốc to và rộng nhất thế giới.

Nhưng tất nhiên, vì có một chiến binh can trường là tôi sinh sống, nên đó cũng là vương quốc khắc nghiệt nhất thế giới.

Ngày ngày, mặt trời chiếu xuống vương quốc những luồng lửa đỏ rực và đốt cháy tất cả.

Chẳng có gì tồn tại được trên vương quốc, ngoài những sa mạc cháy khét lẹt nối nhau, không một vết chân người.

Mỗi tháng một lần, tôi và lạc đà Mắt Đen lại làm một cuộc trường chinh băng sa mạc đầy vất vả để đánh chiếm nguồn nước từ các bộ lạc khác và săn bắt những con khủng long vĩ đại trong thung lũng Xanh Lè. Có như vậy mới không gục ngã vì đói khát.

Chúng thật sự là những cuộc chiến khốc liệt, ghê gớm. Không phải chỉ một lúc là tôi có thể kể bạn nghe hết được.

Chỉ có thể nói rằng, trong cuộc chiến nào thì lạc đà Mắt Đen cũng là người lính dũng cảm và đáng tin nhất.

Với sức mạnh vô địch, khả năng chịu khát phi thường và cả cái bướu đẹp kiêu hãnh rất lạc đà, chính Mắt Đen nhiều khi cũng trở thành mục tiêu cho những cuộc săn đuổi từ bên ngoài vương quốc.

Rất may, sự quả cảm và lòng trung thành tuyệt đối của một chiến binh sa mạc luôn giúp Mắt Đen thoát mọi hiểm nguy, giam cầm để trở về. Dù là trở về với một tiếng la om sòm:

- Bin. Mày lại kêu con Nu lên rượt phá cừu phải không? Chết với mẹ nghe chưa.

Bạn đang cười rũ ra và bảo rằng tôi ba xạo. Rằng chả có vương quốc nào hết chứ gì. Thế thì bạn lầm to rồi đấy. Đích thực là có một vương quốc nhé. Đó là nơi khắc nghiệt nhưng tuyệt nhất trái đất. Nơi bạn có thể nhìn thấy những con khủng long trắng muốt, đã chạy thì chạy nhanh như gió. Chúng còn biết ăn cỏ và kêu "bê...bê”.. Lắm lúc có những con khủng long bé xíu, dễ thương đến mức bạn sẽ không muốn săn chúng để ăn thịt mà chỉ để ôm lên một cái và khen rằng: Ui chao. Anh bạn nhỏ xíu thật dễ ghét.

Nhưng tôi phải nhắc chừng bạn nhé. Nhớ để ý đến những tên khổng lồ một mắt. Chúng là thần bảo vệ của đàn khủng long. Chúng có rất nhiều tài phép và biến hóa. Lúc nào chúng cũng canh me biến thành mẹ để dọa tôi phải chạy dài. Giờ bạn hiểu rồi chứ. Vương quốc tôi là một nơi tuyệt vời và đầy rẫy hiểm nguy như thế đấy. Bạn có dám đến chơi không?

Chúng ta sẽ có hẳn những chuyến phiêu lưu đúng nghĩa. Nào chiến đấu với bọn xương rồng khổng lồ nhé. Nào băng qua Khu rừng Ngứa Ngáy. Rồi cả nhặt kim cương trong hầm mộ sâu thẳm dưới lòng đất. Rồi... gì nữa... gì nữa nhỉ? Chả suy nghĩ thêm được vì những tiếng kèn xe cứ "bin bin” điếc cả tai. Đường gần cổng trường lúc nào cũng đông mà. Nếu có thể mượn được phép của khổng lồ một mắt, tôi sẽ biến hết bọn kèn thành những tấm hình siêu nhân và quái thú. Liệu người tịch thu hình trong túi tôi sáng nay là mẹ hay bọn khổng lồ một mắt nhỉ? Chỉ những con mắt thần của chúng mới có thể xuyên qua được túi quần tôi mà thôi. Đúng là phải nên nghi ngờ tất cả.

- Bin. Tới đây. Con chải đầu chưa mà tóc tại bờm xờm vầy nè? Vô lớp không được lì, biết chưa? Trưa về mẹ làm tôm nướng cho mà ăn.

À. Thế này thì đúng mẹ tôi đây rồi. Chỉ có mẹ mới có bàn tay vuốt lại tóc cho tôi mát và mềm đến thế. Chỉ có mẹ mới có ánh mắt âu yếm, dịu dàng đến thế. Và chỉ có mẹ mới có món tôm nướng vừa nghe nhắc thôi đã nghe mùi từ đâu bay đến thơm lừng. Vậy là tôi ôm mẹ một cái, rồi chạy ù thật nhanh vào cổng trường. Chạy theo tôi, đương nhiên vẫn là mùi tôm nướng. Đi học kể ra cũng vui đấy chứ. Nhất là khi bạn đi học về sẽ có những chú tôm đỏ au chào bạn từ một chiếc dĩa như vầy:

- Chào người đi học vất vả. Xin mời thưởng thức tôi để người đi học có thêm sức khỏe nào.

ĐI HỌC VUI

Đi học đúng là vui.

Bạn biết vì sao nữa không? Vì đi học bên cạnh bạn sẽ có một đứa tên là thằng Tý. Hơi rắc rối một tẹo nếu bạn biết nhà tôi và thằng Tý chỉ cách nhau một mặt đường đất mà thôi. Mặt đường ấy bằng đúng 20 bước chân của tôi và 23 bước chân của nó. Tôi đoán là nó đã ăn gian, cố tình bước nhỏ hơn tôi ở vài đoạn nào đó. Hoặc cũng có thể như ba nói vì nó nhỏ con hơn tôi, nên bước chân cũng ngắn hơn một xíu xiu. Dù sao thì với khoảng cách 20 hoặc 23 bước chân bạn sẽ tha hồ mà thắc mắc nhé. Gần xịt như vậy, không phải lúc nào ở nhà tôi cũng có một đứa tên là Tý bên cạnh hay sao.

Đừng vội. Tôi sẽ tiết lộ cho bạn một bí mật.

Thằng Tý ở nhà và thằng Tý trên trường là hai đứa khác xa nhau. Thằng Tý ở nhà có thể giành được người lớn khen với bạn. Chuyên gia chỉ chỗ những lúc mẹ xách roi đi lùng bạn. Hoặc suốt ngày lẵng nhẵng đi theo chú lạc đà oai hùng của bạn chỉ để hỏi: "Ủa. Mày cột cục vải trên lưng con Nu làm chi vậy, Bin?”

Nhưng thằng Tý trên trường thì khác hẳn. Nó sẽ là đứa sẵn sàng bẻ cho bạn hơn một nửa cái bánh nó đang cầm. Sẵn sàng ôm lại bất cứ đứa bự con nào, giúp bạn chạy thoát trong trò rượt bắt. Và tuyệt nhất, vẫn là lúc nào cũng lôi được từ trong cặp ra cả một xấp hình dày cộp, đẹp đến hoa mắt:

- Nè. Tao giấu được mẹ tao. Tụi mình ra đấu hình với tụi thằng Quang đi.

Đó. Lí do tôi thích thằng Tý trên trường hơn hẳn là như thế đó. Nên thỉnh thoảng tôi có nhắc mình thế này: Vì nó, dù thằng Tý ở nhà có chán cỡ nào đi nữa, tôi cũng sẽ thích luôn cả hai thằng Tý. Thằng Tý nào cũng là bạn của tôi mà, bạn rất rất thân.

Đi học hay ở nhà vui? - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa

BẠN MỚI

Sẽ như thế nào nếu ngày nọ ngay chỗ ngồi bạn bỗng mọc ra thêm một cái đầu. Cái đầu lạ hoắc. Tóc tai bờm xờm. Mũi thì lòng thòng chảy nước.

Đã vậy nó còn là một đứa con gái nữa mới ghê. Tôi chả bao giờ thích bọn con gái. Chúng mít ướt và hay thích làm những bà chị Hai mách lẻo. Cứ xem Hồng cận thì biết. Năm ngoái ngồi kế nó, tôi đếm một ngày nó méc cô phải gần mấy chục lần. Có lần vừa đứng dậy méc, nó còn hu hu khóc.

Tôi đã làm gì chứ? Chỉ là tôi thấy con rít nó thắt trên đầu ngộ quá, càng nhìn càng y như một con rít thiệt bự chảng, nên mới thử đưa tay kéo một tí. Chỉ có một tí thôi nhé. Để kiểm tra xem nó có biết cắn như con rít thật không đó mà.

Có vậy thôi đó. Vậy mà nó cũng la óe lên rồi khóc bù lu bù loa. Đúng là đồ con gái. Trong mắt bọn con gái chắc là chứa đến một tỉ lít nước chứ chẳng chơi. Nên chỉ cần động một tí ti thôi, nước sẽ đổ ra, chảy lênh láng. Ngồi gần bọn con gái, tôi thấy đúng là nguy hiểm. Y như bạn bị bắt vừa chạy vừa cầm một cái li đầy nước vậy. Trước sau gì cũng làm nước đổ. Và đương nhiên, trước sau gì cũng bị người lớn cho ăn đòn. Vậy mà giờ. Eo ui. Có một đứa con gái đang lù lù ngồi ngay tại bàn tôi. Một đứa con gái chả quen.

- Mày là ai? - Tôi làm mặt ngầu, cố tình nhe cái răng khểnh ra cho giống răng nanh.

- Bin không được chọc bạn mới đâu đấy. Tui sẽ méc cô. - Hồng cận từ dãy bàn đối diện nói vọng qua.

Thật nhiều chuyện. Tôi đâu có hỏi nó. "Bạn mới” ngước nhìn tôi. Tay quẹt một đường nước mũi vắt lên má. Không phải đang ra oai chắc tôi đã co giò chạy tuốt ra ngoài. Nó mất vệ sinh quá mà.

- Mình... mình... mình ... là Bông.

- Tao đâu hỏi tên mày. Tao hỏi ai cho mày ngồi chỗ của tao?

- Cô mới xếp Bông ngồi chỗ đó đó. Bin đi trễ còn không lo vô chỗ lẹ. Cô sắp vô rồi cà.

- Biết rồi. Đồ lớp trưởng khó chịu. - Bực mình tôi cầu nhàu trong cổ họng nhưng Hồng cận chắc vừa sắm được đôi tai thính của mèo. Nó la lên:

- Bin nhớ nhen. Chửi tui. Tui sẽ méc cô.

Khổ thân tôi không. Sao tôi lại cứ bị xui xẻo vì bọn con gái là thế nào. Đã vậy, bọn bàn trước, bàn sau tôi tất cả đều đang nhăn răng, bụm miệng cười hích hích. Sùng quá, tôi nhắc đầu bàn trước mặt mình ra một cái ầm. Hầm hầm tiến vào như một ông vua. Ngồi phịch xuống ghế, liếc qua, tôi còn thấy đứa con gái bên cạnh mặt xanh lè. Nó sợ tôi quá đấy mà. Đáng đời. Ai kêu tự nhiên làm cục xui xẻo chạy vô chỗ tôi ngồi.

GIẬN NHAU VÌ BẠN MỚI

-Sao mày ghét con Bông dữ vậy? - Một bữa, thằng Tý hỏi tôi.

- Nó ở dơ thí mồ. Mũi dãi lòng thòng...

- Nó đang bịnh mà. Khi tao bịnh cũng toàn sổ mũi.

- Nó giành chỗ của hai đứa mình.

-Bàn mình rộng mà. Tao cũng không thích ngồi bàn rộng. Bàn rộng cô toàn kêu tao với mày ngồi cách ra. Muốn nói chuyện với mày khó quá chừng...

- Còn nữa, nó là con gái.

- Con gái thì có sao? Ba mày nói gì mày quên hả? Con trai, con gái gì cũng làm bạn được hết. Chơi là không được phân biệt bạn bè. Nhớ chưa?

- Kệ tao. Tao phân biệt đó. Còn hơn mày... Có một bài chính tả viết tới viết lui mà còn sai cả chục lỗi. Đầu như đầu bò.

Khùng lên vì bị nó đem ba ra hù (ba của tôi chứ bộ), tôi đập cây thước lên bàn cái ầm. Thế là cái bàn nảy lên, trượt xuống cùng cả quyển vở thằng Tý như đang trượt patin.

Tôi quên kể với bạn thằng Tý và tôi đang ở đâu phải không? Vẫn trong vương quốc của tôi đấy. Trên cái gò là ngọn núi cao nhất vương quốc. Ngày mai là thứ ba, có môn chính tả. Nên tôi không thể vượt sa mạc đi đánh chiếm nguồn nước hay săn thú. Tôi phải giúp thằng Tý chuẩn bị chính tả. Nếu không giúp nó, thế nào khi kiểm tra vở, ba nó cũng cho hai cái mông nó sưng lên. Thằng Tý có thể được khen trong mọi việc. Nó không lì như tôi, không làm biếng như tôi. Nhưng hễ đụng đến việc học, nó toàn bị ăn đòn. Nó là trùm sai chính tả. Bài chính tả nào của nó cũng chi chít các dấu sửa lỗi, cứ như một cái áo bị lủng lỗ, vá chỗ này một miếng, vá chỗ kia một miếng. Cái áo te tua như vậy mà nó cứ để cho trang vở mặc hoài. Tới chừng ba nó tuyên bố một lỗi sai sẽ tương đương với một roi thì nó mới cuống lên, chạy qua năn nỉ tôi tập viết chính tả giùm.

Thế là tôi trở thành thầy giáo. Thầy giáo đương nhiên phải nghiêm hơn cô giáo. Nên tôi sắm hẳn cho mình một cây thước rất to. Chả để làm gì. Chỉ để gõ lên cái bàn là miếng ván xẹp lép kê trên hai cục đá ra oai. Và để đứa học sinh đang nằm dài, lâu lâu lại giật thót, chữ đi thành một đường dài trên giấy: "Làm hết hồn, mày.”

Kể ra thì làm một ông thầy cũng chả sung sướng gì. Bạn phải khàn cả tiếng để đọc hết lần này sang lần khác mỗi một bài chính tả nhé. Bạn còn phải muốn nổ mắt tìm lỗi sai giữa đám chữ như giun bò của nó. Đã vậy, giỡn chơi hay lỡ miệng một tí, tức thì cả bàn học lẫn học trò đều phản ứng ngay. Như lúc này đây. Khi quyển vở vẫn tiếp tục trượt patin xuống dốc gò cùng bàn học miếng ván, học trò Tý đang nhìn tôi bằng một cặp mắt thật ai oán:

- Ờ. Thì tao là con bò từ đó giờ mà. - Nói rồi, nó lầm lụi bỏ xuống gò.

Nhìn theo dáng nó buồn hiu xách quyển vở đi về, tôi thấy ghét mình kinh khủng. Khi bạn làm một người bạn buồn, nỗi buồn đó sẽ lan sang bạn nhiều nhiều lắm. Ngày mai, khi sang xin lỗi nó, tôi sẽ nói: Thật ra tôi cũng là một con bò.

BẠN MỚI RẤT KÌ CỤC

Tất cả là tại con Bông.

Hồng cận suốt ngày canh me tôi để méc cô. Thằng Tý giận hờn. Những chuyến săn khủng long không biết vì sao cứ thất bại liên tục ở vương quốc. Còn Bông đúng thật là một cục xui xẻo khổng lồ. Một cục xui xẻo kì cục. Bạn không biết đâu. Nó kì cục lắm. Nó ghi bài bằng tay trái. Tôi chả bao giờ thấy ai cầm bút bằng tay trái. Ba tôi ăn cơm bằng tay trái. Mẹ cầm roi lùa cừu bằng tay trái. Nhưng khi cần viết gì đó, ba mẹ tôi đều dùng tay phải. Tay phải là bàn tay học giỏi. Còn tay trái, hồi lớp 3, tôi có tập cho nó học thử rồi. Lóng ngóng cầm bút lên, ì ạch nó ráng viết. Nhưng chỉ được những đường loằng ngoằng, chạy lên chạy xuống, đọc chả biết chữ gì. Nó đúng là bàn tay học dở.

Thế mà ở với con Bông, có một bàn tay trái khác lắm. Nó ghi bài nhanh thoăn thoắt (còn nhanh hơn tay phải của tôi ấy chứ). Đã vậy chữ nào chữ nấy vừa tròn vừa đẹp. Hàng nào hàng nấy đều tăm tắp. Nhìn cứ như bọn chữ đang xếp hàng chào cờ.

Tay phải tôi nói rằng nó ghét tay trái của con Bông quá đi mất. Vì lúc ngồi viết bài, tay trái nó lâu lâu đụng vào tay phải tôi, làm chữ chạy tùm lum. Giờ tập làm văn, lúc hai cái tay ở gần nhau, không nhịn nổi nữa, tay phải tôi canh me hích cho tay trái con Bông một cú. Thế là cây bút con Bông cầm giật mình, rơi xuống đất. Còn trong trang giấy trước mặt nó là một vết mực lem luốc, dài nhằng. Tôi cứ nghĩ phen này con Bông sẽ khóc òa lên, một tỉ lít nước trong mắt nó sẽ tuôn ròng ròng như con Hồng. Ấy vậy mà không nhé.

Ngớ ra một thoáng, nhìn cuốn vở, rồi nhìn qua vẻ mặt đang vênh vênh của tôi. Im lặng, nó cúi xuống nhặt lên cây bút. Rồi đưa tay khều khều lưng đứa bàn trên, giọng nó nhỏ xíu:

- Nguyên ơi, có bút tẩy không? Cho mình mượn.

Chuyện là thế. Giờ tôi có thêm một phát hiện mới. Những đứa con gái ghi bài tay trái trong mắt chúng sẽ có thêm một cánh cửa sổ. Cánh cửa ấy được gài chốt thật chặt. Bạn sẽ không dễ gì chọc chúng khóc được. Vì làm gì có giọt nước nào lọt ra khỏi cánh cửa sổ ấy được đâu. Thiệt là rầu.

(Trích truyện dài "Cút cà cút kít")

Thơ viết cho thiếu nhi: Khi cảm xúc được nuôi dưỡng "Tiệm sách Cơn Mưa" - Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách Thú vị những ngày "đại náo nhà ông ngoại" Khai mạc Trại sáng tác Văn học thiếu nhi năm 2024 tại Phú Yên Về cuốn sách "Vài kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi"

Nguyễn Thị Kim Hòa | Báo Văn nghệ

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn