Sự kiện & Bình luận

Triệu Đà là vị hiền quân!

Vũ Nho
Tiếng nói nhà văn
10:02 | 19/08/2024
Baovannghe.vn- “Triệu Đà là vị hiền quân”. Đó là khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài diễn ca Lịch sử nước ta do Người viết trước năm 1945 để làm tài liệu vận động cách mạng.
aa
Triệu Đà là vị hiền quân!
Nhà văn Vũ Nho

Trước đây trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, câu văn Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương… (Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc/ Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương), thì chữ “Triệu” được chú thích là “Triệu Vũ Đế, là kỷ nhà Triệu trong Đại Việt sử ký toàn thư”.

Sau này không biết vì lý do gì mà người ta hoặc lờ đi không chú thích; hoặc coi đó là do Nguyễn Trãi “nhầm” như GS Bùi Văn Nguyên quan niệm; hoặc là chú thích không mấy thân thiện với Triệu Đà như sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở lớp 8, tập 2, của Nhà xuất bản Giáo dục năm 2004, cho rằng: “Đinh, Lý, Trần là những triều đại xây dựng nền độc lập của đất nước ta. Còn Triệu là chỉ triều đại của Triệu Đà, kẻ đã cướp nước Âu Lạc, nhưng sử sách trước đây có tài liệu coi đó là một triều đại của nước nhà” (trang 68).

Theo suy đoán của chúng tôi, nhiều năm sách giáo khoa của chúng ta có đưa truyện Mị Châu - Trọng Thủy với mục đích nói về sự ngây thơ, mất cảnh giác của nàng Mị Châu, dẫn đến việc bị tráo nỏ thần, do vậy nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương bị rơi vào tay nhà Triệu. Xin được nói thêm: Âu Lạc là nhà nước thứ hai của lịch sử nước Việt Nam ngày nay, tiếp sau nhà nước Văn Lang. Kinh đô Âu Lạc đóng ở Cổ Loa, nay vẫn còn dấu tích ở xã Cổ Loa, thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Niên đại trị vì của Thục Phán An Dương Vương được các bộ sử cổ như Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho là khoảng 50 năm, từ năm 257 trước Công nguyên (TCN) đến năm 208 TCN.

Theo câu chuyện tình nhuốm màu huyền thoại Mị Châu - Trọng Thủy, thì mặc nhiên Triệu Đà bị coi là kẻ xâm lược. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Tâm sự của ông, cũng đã viết:

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...

Nhưng sự thực Thục Phán An Dương Vương là người thế nào? Triệu Đà là người thế nào? Trong bài viết công phu của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục có tiêu đề “An Dương Vương và Triệu Vũ Đế nên thờ ai?”, in trong cuốn Vừa đi vừa nghĩ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu 2024, ở trang 14 có đoạn viết: “Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long chăm ban đức huệ, để vỗ về yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến; con cháu nối dòng đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn 2000 năm; buộc nút dây mà làm chính trị, dân không thói gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy. Đến vua sau (tức vua cuối cùng) đức kém, lười chính sự, bỏ việc võ bị không sửa, ham mê tửu sắc làm vui, binh nước Thục đến thì quốc thống mất”…

Vậy là Thục Phán, hậu duệ của nước Thục (ở khoảng Tứ Xuyên - Trung Quốc) đã đem quân xâm chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương, rồi hợp nhất bộ tộc Tây Âu của nhà Thục với tộc Lạc Việt của Hùng Vương, đổi tên thành bộ tộc Âu Lạc, rồi lên làm vua, xưng là An Dương Vương. An Dương Vương (tức Thục Phán) đã chuyển kinh đô từ vùng Bách Thần - Nghĩa Lĩnh thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay, xuống vùng Phong Khê (nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội), xây thành ốc Cổ Loa. Theo tài liệu Sử ký Tư Mã Thiên của Trung Quốc, thì Thục Phán An Dương Vương là người nước Thục, chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương, làm vua được 30 năm, sau sinh ra lười biếng kiêu căng, sa đọa... An Dương Vương tin dùng những kẻ xấu, giết hại một số Lạc hầu, Lạc tướng, khiến vương triều suy yếu, bị Triệu Đà diệt. Các tài liệu cổ sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục... đều không có lời nào khen ngợi ông vua An Dương Vương người nước Thục này.

Theo các tài liệu cổ sử Trung Quốc, thì Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế (240 TCN - 137 TCN) có tổ tiên là người Chân Định của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây lại cho rằng Triệu Vũ Đế là người Việt cổ, tên là Nguyễn Cẩn, cháu nội vua Hùng Duệ Vương. Do biến thiên thời thế, Nguyễn Cẩn sang nước Tần làm con nuôi hoạn quan Triệu Cao, là trọng thần của Tần Thủy Hoàng nên mang họ Triệu. Ông ta nhân loạn nhà Tần mà chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, tức bao gồm đất đai của người Bách Việt (hàng trăm tộc Việt), thuộc phía Nam núi Ngũ Lĩnh, xưa gọi là đất Lĩnh Ngoại (ngoài Ngũ Lĩnh), hay còn gọi là Lĩnh Nam (phía Nam dãy Ngũ Lĩnh) gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây chạy dài ra đến tận quần đảo Hải Nam thuộc Trung Quốc hiện nay. Hàng trăm tộc Việt (Bách Việt) mà Triệu Vũ Đế lãnh đạo, trong đó có người Lạc Việt của nước ta bây giờ, gọi chung là nước Nam Việt. Triệu Đà lãnh đạo dân Bách Việt chống nhau với nhà Hán, giữ vững nền độc lập, tồn tại hơn trăm năm

Đối chiếu với các dữ liệu cổ sử Việt Nam và Trung quốc đã dẫn trên đây, chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để nhất trí với những nhận định trong bài viết công phu của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục có nhan đề “An Dương Vương và Triệu Vũ Đế nên thờ ai”. Bài viết này nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhằm khẳng định là Nguyễn Trãi không hề “nhầm” như một số người quan niệm. Chính một số người Việt chúng ta mới nhầm lẫn. Triệu Vũ Đế tức Triệu Đà được viết trong Đại việt sử ký toàn thư là một bộ sử chính thống của nước ta. Triệu Vũ Đế có chính thất người tỉnh Thái Bình, có đền thờ ở tỉnh Thái Bình, nay vẫn còn. Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục khẳng định dứt khoát: “Triệu Đà tuy gốc ở Chân Định - Trung Quốc, sử nhà Hán chép thế là vì ông ấy là con nuôi Triệu Cao, nhưng cả đời ông ấy sống với người Việt, lấy vợ người Việt, con cháu nối tiếp nhau sống theo phong tục tập quán của dân tộc Việt. Cho dù là ở Chân Định thuộc đất Hán, nhưng Triệu Đà chính gốc người Việt, nước Văn Lang xưa”.

Cũng trong bài viết nêu trên, Vũ Bình Lục còn công phu sưu tầm đoạn đối thoại của vua Trần với Trần Quốc Tuấn: “Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) ốm nặng, vua Trần Anh Tông từ Thăng Long về thăm và hỏi rằng: Nếu chẳng may ngài mất đi, giặc phương Bắc lại sang lấn cướp thì kế sách giữ nước như thế nào. Hưng Đạo Vương nói rằng: “Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh thì nhân dân làm kế thanh dã (kế vườn không nhà trống - chú thích của Vũ Bình Lục) rồi đem đại quân từ Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, dùng đoản binh đánh úp đằng sau, đó là một thời”. Như thế chẳng phải Hưng Đạo Đại Vương đã thừa nhận Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) là ông vua tài lược của nước ta đó sao?

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài diễn ca Lịch sử nước ta cũng viết:

Hồng Bàng là Tổ nước ta.

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang

Triệu Đà là vị hiền quân,

Quốc danh Nam Việt trị

dân năm đời.

Năm đời nhà Triệu gồm Vũ Đế ở ngôi 71 năm, Văn Vương ở ngôi 12 năm, Minh Vương ở ngôi 12 năm, Ai Vương ở ngôi 1 năm, Thuật Dương Vương ở ngôi 1 năm. Như vậy, cần phải chú thích rõ ràng câu văn của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo; ghi rõ “Triệu” là Triệu Vũ Đế, người lập nên nhà Triệu với tên nước (quốc danh) là Nam Việt. Hãy trả lại danh dự cho người đứng đầu triều đại độc lập của dân tộc Việt Nam chống lại nhà Hán phương Bắc.

VŨ NHO | Báo Văn nghệ

PGS.TS Vũ Nho là nhà nghiên cứu - phê bình văn học.

Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của Báo Văn nghệ.

Công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh về tiêu cực, tham nhũng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về công tác phòng, chống COVID-19 Giáo viên phản ánh, cùng bộ SGK mỗi cuốn viết một kiểu gây khó cho học sinh Hà Nội: Đẩy mạnh giải quyết phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan
Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Baovannghe.vn - “Hà Nội – Bản hùng ca phố”, cho chúng ta thấy một Hà Nội xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố đang phát triển trong thời đại mới.
Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Baovannghe.vn - Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã có những kết quả vượt trội, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty
Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Baovannghe.vn - Tôi sinh ra trong một ngôi nhà to lớn với những cột kèo nâu bóng cũ kỹ, nham nhở những vết khắc vụng dại. Mảnh sân rộng đầy rêu và khu vườn tối tăm đầy bí mật. Sau này mẹ tôi kể lại, ngày tôi ra đời, hàng trăm con bướm bay về đậu rợp cả sân. Bà nội tôi bỏ vào buồng, không ra nữa. Bà ốm ba tuần lễ. Bà chỉ ốm ba tuần lễ khi quá tuyệt vọng vì một điều gì đó. Bà đã hy vọng quá nhiều về một đứa cháu trai.
Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Baovannghe.vn- Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ.
Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Baovannghe - Trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo ( GD&ĐT) xin ý kiến Quốc hội có nội dung đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo.