Trời vừa sẩm tối thì khách cũng vừa kịp kéo đến. Khách ngoại quốc, khách nội địa, đủ cả nam thanh nữ tú đi theo từng nhóm, từng đôi. Đúng 17h15 cổng sân khấu mở cửa đón khách. Ban ngày đó chỉ là cái hồ nước lớn, xung quanh là những vạt rừng cây, không có gì đáng chú ý như bao nhiêu cái hồ khác ở miền sơn thủy này. Ấy vậy mà lúc bắt đầu giờ biểu diễn, đèn màu bật sáng, cái hồ hiện ra một vẻ đẹp khác lạ, nhất là khi nhạc nổi lên, con tim của khách đường xa cũng phải xao xuyến. Cũng là những bản nhạc đã từng nghe, nhưng khi đưa vào sân khấu thực cảnh, được phát ra từ những bộ loa thùng cỡ đại, lại kích thích và quyến rũ trái tim vô cùng. Giữa không gian thực-cảnh, khách xem được sống trong chính những câu chuyện đang được kể trên sân khấu, cảm nhận Tinh Hoa Bắc Bộ - tinh hoa hồn Việt.
![]() |
![]() |
Ảnh minh họa |
Mở đầu chương trình là cảnh làm ăn sinh sống của người nông dân đồng bằng Bắc bộ như đi cày, đi cấy, cất vó, vãi chài, kéo lưới, gánh nước, xay thóc, giã gạo... Tất cả những hoạt động ấy do những diễn viên nông dân thể hiện rất thành thạo, lại được đạo diễn thổi hồn nghệ thuật vào, được nền nhạc rước lên thu hút sự chú ý và lấy được cảm xúc của người xem.
Phần hai có tiêu đề “Cõi Phật”, dẫn dắt khán giả đến với câu chuyện về Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Có rất nhiều sử sách, dã sử ghi chép cũng như trong dân gian, người ta luôn coi Từ Đạo Hạnh là Tăng, là Phật, là Vua. Từ Đạo Hạnh còn là tổ sư của nghề múa rối nước. Nhân dân quanh vùng gọi Ngài là Thầy. Hầu hết các địa danh ở xã Sài Sơn và chùa Thầy đều có chữ Thầy. Ngôi chùa lớn và cổ kính bậc nhất vùng này nghiễm nhiên có tên chùa Thầy. Lễ hội chùa Thầy từ xưa đến nay được coi là lễ hội du xuân và lễ hội của tình yêu đôi lứa. (Phải chăng vì thế mà khách đến xem sân khấu thực cảnh tối này phần lớn là những cặp đôi nam thanh nữ tú chăng?) Sân khấu thực cảnh đã thể hiện rất thành công tiết mục Cõi Phật. Từ sự xuất hiện của Thiền sư cùng các phật tử cho đến nhạc nền trầm bổng linh thiêng gợi cho ta hình dung ra cả một thời đại Phật giáo nguyên bản.
Tôi quan sát khán giả, thấy trăm người như một đều hướng cặp mắt về phía sân khấu mà chiêm bái, ngưỡng vọng. Bây giờ thì tôi mới vỡ nhẽ vì sao ông chủ tập đoàn Tuần Châu lại chọn vị trí chân núi Sài Sơn, gần sát với chùa Thầy để xây dựng tập đoàn Tuần Châu Hà Nội. Người ta đến chùa là thắp hương lễ Phật. Nhưng để thấm nhuần và tôn kính Phật giáo thì đi mấy trăm bước chân là đến với sân khấu thực cảnh Tuần Châu Hà Nội. Chương trình sân khấu thực cảnh có tên “Tinh hoa Bắc Bộ” sẽ mở rộng tầm nhìn về Phật giáo cho họ, lay động trái tim và đánh thức “nhân chi sơ tính bản thiện” trong họ một cách tự nhiên nhưng thấm nhuần sâu sắc hơn những những lời trong kinh Phật vừa khô khan vừa trừu tượng. Hình thức du lịch này “thắng” về cả hai mặt văn hóa và kinh tế.
Xuyên suốt cả 6 phần trong đêm trình diễn sân khấu thực cảnh là mô tả, thể hiện những gì thuộc về tinh hoa cuộc sống lao động, sinh hoạt văn hóa của người nông dân miền Bắc, và mỗi tiết mục thể hiện một góc độ riêng. Có tiết mục, bắt đầu là cả một ngôi thủy đình từ dưới lòng hồ từ từ nhô lên khỏi mặt nước. Những con rối xuất hiện biểu diễn những tiết mục tinh hoa nhất của rối nước đồng quê. Có tiết mục thể hiện cảnh các sĩ tử lều chõng đi thi, dự lễ xướng danh, nhà vua ban mũ áo làm quan, luyện tập võ nghệ, chỉ huy quân lính chống giặc ngoại xâm. Có tiết mục thể hiện cảnh các nghệ sĩ dân gian vẽ tranh Đông Hồ trên giấy điều, giấy dó. Có tiết mục quảng bá dàn nhạc cụ hoàn toàn được sản xuất từ nông thôn Bắc Bộ, như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tứ, nhị, hồ... đệm cho các làn điệu chèo, chầu văn, quan họ, hầu đồng Mẫu Thoải và trò chơi dân gian... Có tiết mục thể hiện cảnh lễ hội làng, gắn với lễ hội đền chùa. Rồi các tiết mục Lão ngư phủ, Tát nước đầu đình, Bài ca dân chài, Lời ru bên nôi, Mùa sen nở (có Thiền sư xuất hiện), Tứ bình Tố nữ, Rước kiệu song loan... Cuối cùng là Tạ từ (Thiền sư tiếp tục xuất hiện), sau đó là giã biệt với bài Người ơi người ở đừng về. Có tiết mục hát cả bài, có tiết mục chỉ trích đoạn cho nên cả chương trình sân khấu thực cảnh chỉ kéo dài 75 phút, vừa độ hài lòng của khán giả. Tuy thời gian không dài nhưng khán giả tiếp nhận được một khối lượng thông tin, thông điệp không hề nhỏ.
Sân khấu thực cảnh tận dụng cảnh quan tự nhiên là chính. Sân khấu thực cảnh dưới chân núi Sài Sơn của tập đoàn Tuần Châu Hà Nội rộng tới 19.000m2. Hồ nước ở vị trí trung tâm sân khấu rộng 4.300m2, phục dựng hình ảnh hoang sơ, thanh bình của làng quê Bắc Bộ như sông Hồng, thuyền bè, cánh đồng làng, đàn trâu, lũy tre, vạt cỏ, đầm sen... Phía sau sân khấu tận dụng vẻ đẹp tự nhiên của núi Sài Sơn. Sân khấu ở phần dưới hồ được thiết kế bằng vật liệu bền chắc, kết cấu tinh xảo, thẩm mỹ cao, cộng với ánh sáng đèn tạo nên sự huyền ảo như cõi mộng, như chốn thiên thai. Các đường đi cho diễn viên thiết kết bên dưới mặt nước 10cm, khi diễn viên bước đi hay chạy có cảm giác như họ lướt trên mặt nước hoặc bay trên không trung. Ngoài hàng trăm “diễn viên nông dân” còn huy động một số sinh viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Hệ thống ánh sáng gồm mạch giao thoa laser và 3D mapping. Có cả hệ thống ánh sáng ngầm dưới nước. Âm nhạc kết hợp tinh hoa dân gian Bắc bộ với âm nhạc hiện đại của thế giới, dẫn dắt khá giả mà chỉ ở sân khấu thực cảnh mới có.
![]() |
![]() |
Hôm tôi thưởng thức vở thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ là thứ bảy, buổi tối đông khách nhất trong tuần. Khách ngồi kín khoảng 2/3 số ghế. Tôi quay sang hỏi Việt Anh, phó Giám đốc tập đoàn Tuần Châu Hà Nội (tên gọi của tập đoàn Tuần Châu khu vực 2 này):
- Giá vé xem sân khấu thực cảnh là bao nhiêu một người?
- Ba trăm ngàn thôi anh. Lượng khách như hôm nay là chúng tôi có lãi.
- Giá vé như thế... có đắt không?
- Không đắt đâu anh. Khách chấp nhận mà!
Việt Anh nói, du lịch về văn hóa rất khó lãi, nếu có thì lãi cũng không nhiều. Tổng giám đốc tập đoàn Đào Hồng Tuyển đã từng đi thăm nhiều nước phát triển thì thấy có nơi nhà nước còn phải bù lỗ cho du lịch văn hóa.
- Và họ vẫn làm?
- Vâng, vẫn làm. Du lịch văn hóa có thể không sinh ra nhiều tiền, nhưng lợi ích nó mang lại có khi chẳng tiền bạc nào mua được!
Quả thực, để làm du lịch văn hoá là không dễ. Việc tạo ra một vở thực cảnh mang dấu ấn thương hiệu đã khó, vận hành và kết hợp vào một một khu du lịch càng không dễ. Vừa chiều nay, Việt Anh mời chúng tôi đi thăm cơ ngơi của tập đoàn như Khách sạn Tuần Châu Hà Nội gồm 9 ngôi biệt thự với 84 phòng rộng rãi và tiện nghi, hoàn hảo cho một kỳ nghỉ của công ty hay gia đình, tránh xa nơi ồn ào bụi bặm phố thị. Nơi đây có đủ nhà, quán cà phê, Trung tâm hội nghị - tiệc cưới và sự kiện với nhiều phòng VIP. Chúng tôi cũng ghé thăm công viên biển Tuần Châu Hà Nội có nơi vui chơi bãi biển nhân tạo với diện tích mặt nước hơn 5000m2; các trò chơi trong khuôn viên như cầu trượt tốc độ cao, cầu trượt xoắn đôi, cầu trượt Tornado…
Nhưng khu vực ẩm thực “chợ quê” mà từ cổng bước vào đã thấy những sạp hàng, bên trên bày biện một số món bánh kẹo đặc sản vùng này là thú vị hơn cả. Chủ những sạp hàng là những người phụ nữ thôn quê. Chúng tôi vào quán nước, gọi mỗi người một bát nước vối - thứ vối “nếp” ủ trong giành tích, nước vàng sánh, hương vị rất thơm. Mấy bà chủ quán đều ở tầm tuổi trên dưới 50, mặc áo tứ thân, thắt khăn mỏ quạ, rập khuôn trang phục của những người đàn bà nông thôn Bắc bộ thời xưa.
Các cô, các chị đây đều là người của địa phương này. Ban ngày họ đi làm đủ mọi việc của nhà nông. Nhưng buổi tối thì họ trở thành những diễn viên. Sân khấu thực cảnh của Tuần Châu Hà Nội có hàng trăm diễn viên như thế. Chỉ có một số ít là diễn viên mang tính chuyên nghiệp thôi. Những diễn viên “nông dân” được các đạo diễn chuyên nghiệp huấn luyện kỹ, họ trình diễn không kém gì diễn viên chuyên nghiệp đâu. Mà có khi họ trình diễn những tiết mục cày cấy, tát nước gàu sòng, xay thóc giã gạo còn đáng xem hơn cả diễn viên chuyên nghiệp ấy chứ. Thảo nào tôi cứ thấy ngờ ngợ, đã gặp những diễn viên sân khấu ở đâu đó, gần đây.
Nhắc đến tập đoàn Tuần Châu, tôi thường hình dung ra một hòn đảo cách đất liền khoảng một hải lý, được cải tạo và xây dựng thành khu du lịch khá nổi tiếng. Nhưng hôm nay tôi được chứng kiến một Tuần Châu khác, hay chính xác là cơ sở thứ hai của tập đoàn này, ở ngay thủ đô Hà Nội, chỉ cách trung tâm thành phố nửa giờ đi xe ô tô hoặc xe gắn máy, đó là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Cơ sở hai của tập đoàn Tuần Châu cũng làm du lịch, nhưng là một kiểu du lịch rất mới mẻ với xứ xở của chúng ta: tuy vẫn là kinh doanh, nhưng ở đây không đặt vấn đề “lợi nhuận” lên trên hết. Khu đất mà họ đang sở hữu nằm ngay dưới chân núi Sài Sơn, cách chùa Thầy không xa.
Ông chủ tập đoàn Tuần Châu xưa nay vốn là người nổi tiếng vì dám làm những việc “động trời” mà ít người dám làm. Con người ấy đã được khẳng định tên tuổi với con đường vượt biển ra hòn đảo Tuần Châu, xây dựng bến du thuyền lớn nhất Việt Nam, biến hòn đảo hoang thành một khu du lịch mang tầm quốc tế như hôm nay. Giờ đây ông đã và đang tạo nên một khu du lịch văn hóa tâm linh Tuần Châu Hà Nội với mỗi tuần có 3 đêm trình diễn sân khấu thực cảnh, mở mang tầm hiểu biết, làm phong phú thêm tâm hồn người Việt. Với người ngoại quốc sẽ được mở mang tầm hiểu biết về văn hóa tâm linh Việt Nam và trân quý những giá trị Việt Nam hơn.