Chuyên đề

Từ Thăng Long tới Hà Nội

Tô Như
Tư liệu
20:02 | 10/10/2024
Baovannghe.vn - Năm 1010, vua Lý Thái tổ định đô ở Thăng Long, trải hơn một ngàn năm tồn tại từ thời điểm đó, Thăng Long đã nhiều lần thay tên đổi dạng. Để kể hết các tên gọi của Thăng Long chắc chắn không hề dễ, bài viết này sẽ cố gắng liệt các danh hiệu cùng các mốc thời gian liên quan đến từng tên gọi của Thăng Long xưa.
aa

Những cái tên quen thuộc

Mùa thu tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái tổ dời đô tới Đại La, nhân điềm rồng bay mà đổi tên là Thăng Long[1].

Cái tên Đông Đô gắn liền với thời nhà Hồ, thường được giải thích rằng bởi Thanh Hóa đổi thành Tây Đô mà Thăng Long gọi là Đông Đô. Thực ra không đúng. Cuối thời nhà Trần, đời vua Thuận tông, tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397), Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) bắt đầu cho đắp thành đào hào ở động An Tôn phủ Thanh Hóa rồi lập nhà tông miếu, đàn xã tắc. Tới tháng Mười một, họ Lê bức vua dời đô về Thanh Hóa. Tức là Tây Đô trở thành kinh đô của hai triều Trần, Hồ bắt đầu từ tháng Mười một năm 1397. Tuy nhiên, tháng Tư năm đó, Hồ Hán Thương đã được bổ làm chức quản lĩnh phủ Đô hộ lộ Đông Đô. Như vậy cái tên Đông Đô có lẽ có trước cái tên Tây Đô[2]. Chúng ta không thấy có văn bản nào ghi chép việc đổi tên Thăng Long thành Đông Đô mà Đông Đô là tên lộ, tức là đơn vị hành chính của nhà Trần.

Tuy nhiên, ta lại có một ghi chép khác của Toàn thư, rằng từ thời nhà Đinh đã gọi Ái Châu là Tây Đô: “Rồi đó chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Điền, Bặc ở Tây Đô (Hoàn người Ái Châu, đóng đô ở Hoa Lư, cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô)”[3]. Như vậy, cách gọi Tây Đô đã có từ rất sớm, và có lẽ cả Đông Đô cũng vậy, cả hai đều tồn tại trước khi nhà Lý dời đô về Thăng Long chăng?

Thời Thuộc Minh, người Trung Quốc đặt nước ta làm quận, Thăng Long và Đông Đô không còn tồn tại mà đổi thành Đông Quan.

Thời nhà Lê, Thăng Long được mang tên Đông Kinh, nhưng không phải ngay khi vua Thái tổ mới lên ngôi mà phải năm Canh Tuất (1430), mới cho đổi Đông Đô thành Đông Kinh (và Tây Đô thành Tây Kinh).[4] Như vậy Thăng Long trong khoảng từ năm 1428 tới 1430 được gọi là Đông Đô như thời Trần, Hồ[5]. Nhưng cũng lưu ý rằng những tên gọi Thăng Long, Đông Đô vẫn còn được sử dụng trong các ghi chép thời Lê sơ và Lê Trung hưng (như Toàn thư và Loại chí)[6].

Năm Mậu Thân (1788), sau khi Nguyễn Huệ ra bắc giết Vũ Văn Nhậm, đổi Thăng Long thành Bắc Thành. Tới thời vua Gia Long nhà Nguyễn, Bắc Thành trở thành tổng trấn mà Thăng Long (昇龍 - rồng bay) đổi sang tên mới là Thăng Long (昇隆 - hưng thịnh). Năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng đổi Thăng Long thành Hà Nội. Tên gọi được giữ nguyên tới ngày nay[7].

Từ Thăng Long tới Hà Nội
Tranh của họa sĩ Nguyễn Thành Phong minh họa cho triển lãm Kẻ Chợ > Phố Cổ (trưng bày cố định tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) . Cộng tác cùng họa sĩ (KTS) Romain Orfeuvre.

Thành và Phủ

Thăng Long là kinh đô của Đại Việt, nhưng cái tên này cũng chỉ thành trì gồm ba lớp thành[8] chứ không phải đơn vị hành chính. Ở trên ta đã thấy cuối thời Trần có lộ Đông Đô bao trùm Thăng Long. Lộ là đơn vị hành chính cao nhất của thời Trần, dưới lộ là phủ. Phủ là đơn vị hành chính có dân cư sinh sống bên ngoài Hoàng thành (như Long Thành 36 phố phường thời Lê) và phụ cận La thành. Gộp chung Hoàng thành và phủ, ta có một kinh đô hoàn chỉnh[9].

Thời nhà Đinh, phủ có tên là Ứng Thiên, sau khi nhà Lý dời đô, đến năm Giáp Dần (1014), đổi tên phủ Ứng Thiên thành phủ Nam Kinh[10].

Cuối thời Trần, phủ được đổi gọi là Trung Đô[11] hoặc Trung Kinh[12]. Từ năm Ất Sửu (1265) thời Trần, chức vụ quản lý kinh sư là quan Đại an phủ sứ, sau đổi thành Kinh sư Đại doãn hoặc Kinh sư doãn[13]. Đến năm Giáp Tuất (1394), đổi chức Kinh sư doãn thành Trung Đô doãn. Tuy nhiên, năm 1394 chỉ là thời điểm đổi tên cho chức vụ Phủ doãn, trước đó gần 20 năm, phủ Trung Đô đã xuất hiện với chức vụ “Trung Đô phủ Tổng quản” của Hồ Đỗ[14].

Phủ Trung Đô tồn tại tới hết thời nhà Hồ, tới khi vua Lê Thái tổ dựng nước, lại theo phép tiền triều mà đặt các chức Trung Đô Phủ doãn và Trung Đô Thiếu doãn. Trung Đô vẫn là tên phủ như Toàn thư chép “Các nhà quân, dân ở các lộ, huyện, phủ Trung Đô, nhà nào có nô tỳ là người Ngô, không được cho ra ngoài thông đồng với sứ nhà Minh”[15]. Tới năm Bính Tuất (1466), triều đình cải cách hành chính, chia nước thành 12 thừa tuyên và một phủ. Phủ đó vẫn mang tên là Trung Đô. Phủ Trung Đô bao gồm hai huyện là Thọ Xương và Quảng Đức[16], chính là Long Thành 36 phố phường.

Đến năm Kỷ Sửu (1469), triều đình định lại bản đồ cả nước, đổi phủ Trung Đô thành phủ Phụng Thiên. Cái tên Phụng Thiên tồn tại tới hết thời Lê Trung hưng[17]; sang thời Tây Sơn, phủ Phụng Thiên vẫn giữ được tên, thuộc về trấn Bắc Thành[18] cho tới tận thời Nguyễn. Đến năm Ất Sửu (1805), cùng với sự kiện đổi tên thành Thăng Long, vua Gia Long đổi tên phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức và cho thuộc vào trấn Sơn Nam. Đến năm 1831, vua Minh Mạng lấy phủ Hoài Đức lấy thêm huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, hợp với ba phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam để lập thành tỉnh Hà Nội, lỵ sở đặt ở phủ Hoài Đức, tức là thành Thăng Long xưa[19].

Như vậy, ngoài các tên gọi quen thuộc, kinh đô Thăng Long còn gắn liền với các tên gọi các phủ Ứng Thiên, Nam Kinh, Trung Đô, Trung Kinh, Phụng Thiên, Hoài Đức.

Bắc Kinh

Tháng Năm năm Tân Dậu (1801), vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn bị Nguyễn Phúc Ánh đánh bại, bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Thành - tức Thăng Long. Tiếp đó, “đắp Viên Khâu ở ngoài cửa chợ Dừa, xây Phương Trạch ở hồ Tây, để đến ngày đông chí, hạ chí chia tế trời đất. Thân đến nhà Quốc tử giám khảo khóa học sinh, ai được ưu thì thưởng tiền cho.”[20]

Tháng Sáu năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh mới từ trong nam đánh ra và diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn. Với tròn một năm đóng ở Bắc Thành, vua Cảnh Thịnh đã kịp xây dựng cho mình một triều đình. Không những vậy, vị vua trẻ này còn đắp xong đàn tế trời đất ở Bắc Thành. Hay nói một cách khác, với việc xây dựng đàn Viên Khâu và đàn Phương Trạch để tế trời đất, Bắc Thành đã trở thành kinh đô mới của nhà Tây Sơn trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ nửa sau năm 1801 đến tháng Sáu năm 1802.

Kinh đô mới này mang tên là gì? Vua Quang Trung ngày trước từng ấp ủ xây dựng Trung Đô ở núi Phượng Hoàng, liệu vua Cảnh Thịnh có giữ cái tên Trung Đô ấy, hay là trở lại với những tên quen thuộc trước đây của Thăng Long?

Sử sách không chép, nhưng may mắn thay, có một tác phẩm văn chương là Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ đã ghi lại: “Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), vua Thiếu Chủ đời Tây Sơn (Quang Toản) bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc Thành, đổi Bắc Thành là Kinh Bắc, cho đắp gò Hoàn Khâu ở ngoài cửa Da Thị (Da Thị tức là Chợ Dừa - đây chính là Ô Chợ Dừa ngày nay, nơi có di tích đàn Xã Tắc), xây đàn Phương Trạch ở trên Tây Hồ, định cứ đến ngày đông chí, hạ chí thì tế thiên địa ở hai nơi ấy. Còn như Chiêu Sự điện ở nền Nam Giao thì cứ theo như lễ quang minh điện ở trung triều để làm nơi cầu đảo cáo yết và khi nào đổi niên hiệu thì đến đấy làm lễ cáo tạ.”

Trong đoạn trích trên, nguyên văn chữ Hán là “西山少主棄富春北走升北城為北京” - Tây Sơn Thiếu chủ khí Phú Xuân bắc tẩu thăng Bắc Thành vi Bắc Kinh. (Bản dịch Vũ trung tùy bút đã nhầm “Bắc Kinh” thành “Kinh Bắc”. Kinh Bắc là tên của trấn Bắc Giang ở thời Lê, mang ý nghĩa là trấn phía bắc của kinh đô. Còn Bắc Kinh của vua Cảnh Thịnh mang nghĩa kinh đô ở phía bắc vì cựu kinh là Phú Xuân ở phía nam.)

Phạm Đình Hổ là danh sĩ Bắc Hà nổi tiếng học rộng, sống đúng trong những ngày giao thời Tây Sơn - Nguyễn ở đất Thăng Long, những ghi chép của ông về địa phương này hẳn là đáng tin cậy. Ngoài ra, câu “trúc Hoàn Khâu ư Da Thị môn ngoại, trứu Phương Trạch ư Tây Hồ, dĩ đông hạ nhị chí phân tự thiên địa” trong Vũ trung tùy bút được đưa nguyên văn vào Đại Nam liệt truyện, đã phần nào nói lên độ khả tín của ghi chép.

Từ một trấn thăng lên kinh đô, từ Bắc Thành đổi qua Bắc Kinh (Kinh đô ở phía Bắc), không quá khó hiểu cách mà vua Cảnh Thịnh chọn tên cho Thăng Long.

-------

[1] Toàn thư, Lý, 1010.

[2] Toàn thư, Trần, 1397.

[3] Toàn thư, Đinh, 979.

[4] Toàn thư, Lê, 1430.

[5] Mặc dù trước đó, ở thời điểm tháng Tư năm Mậu Thân (1428), Toàn thư từng viết “Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh).” Nhưng với việc sử chép rất rõ ràng việc đổi tên từ Đông Đô thành Đông Kinh; Tây Đô thành Tây Kinh ở năm 1430, đồng thời ở tháng Tư nhuận năm 1428 lại chép “Những quân dân bị bắt vào bốn thành Tây Đô, Đông Kinh, Cổ Lộng, Chí Linh đã được bổ vào các quân phụ vào quân Thiết đột mà có ruộng đất, nhà cửa bị tịch thu thỉ được trả lại”, thì rõ ràng cách gọi Tây Đô vẫn được duy trì và thậm chí kéo dài tới tận tháng Mười một năm Kỷ Dậu (1429): “vua ngự về Tây Đô bái yết sơn lăng”.

[6] Thăng Long được Toàn thư dùng rất nhiều trong thời Lê, Mạc, ví như ở năm Bính Tuất (1526) chép “Đăng Dung vào thành Thăng Long, ở tại chính điện”, hay một văn bản chính quy của triều đình là lời dụ của vua Huyền tông cho bách quan ở năm 1664 có câu “Lại dốc nghĩa tôn vua, kính rước thánh giá tiến về thành Thăng Long”. Còn Đông Đô thì được Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí ghi chép “Năm thứ 3 [1551], Thái sư là Trịnh Kiểm đem quân tiến vào lấy được Đông Đô”; “Năm Quang Hưng thứ 15 [1592], Tiết chế Trịnh Tùng tiến quân lấy được Đông Đô”.

[7] Ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn trong năm 1948, Hà Nội sáp nhập với Hà Đông thành tỉnh Lưỡng Hà rồi lại tách ra.

[8] Lớp trong cùng là Cấm thành hay Cung thành, lớp giữa là Hoàng thành và ngoài cùng là La thành.

[9] Với các phủ bình thường, phủ quản lý cả phần thành là nơi đặt trị sở của phủ. Nhưng với kinh đô, phần Hoàng thành không có dân cư sinh sống nên vị quan cai quản phủ (Phủ doãn) không có quyền đối với khu vực Hoàng thành. Trị sở của quan Phủ doãn cũng đặt ở ngoài Hoàng thành (vị trí ngày nay là ở phố Phủ Doãn, Hà Nội).

[10] Toàn thư, Lý, 1014.

[11] Trung Đô (中都) thực ra theo từ điển chỉ là kinh đô, kinh thành; nhưng vì nó xuất hiện dưới dạng tên phủ, tên chức quan nên có thể hiểu Trung Đô như một tên riêng của khu vực Thăng Long và phụ cận.

[12] Đại Nam nhất thống chí, quyển 13.

[13] Lịch triều hiến chương loại chí - Quan chức chí. Trước khi có chức Đại an phủ sứ thì cơ quan quản lý việc tụng ngục kinh sư gọi là Kinh thành Bình bạc ty, không rõ đứng đầu Bình bạc ty là chức vụ gì.

[14] Toàn thư, Trần, 1377.

[15] Toàn thư, Lê, 1462.

[16] Bản dịch Cương mục dẫn Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu chép tên hai huyện này lệ thuộc vào kinh kỳ. Mặc dù vậy, Cương mục quyển 21 chép về việc định lại bản đồ cả nước, khi chép về phủ Phụng Thiên thì nhắc tới hai huyện này, không rõ có phải Nguyễn Văn Siêu cũng lấy thông tin của phủ Phụng Thiên mà án vào phủ Trung Đô hay không.

[17] Cương mục quyển 47 chép năm 1787, Nguyễn Bá Lan làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên.

[18] Đại Nam thực lục, đệ nhất kỷ, 1802.

[19] Đại Nam thực lục, đệ nhị kỷ, 1831.

[20] Đại Nam liệt truyện, Nguyễn Quang Toản truyện. Bản dịch nhầm “Hoàn Khâu” là tên đàn thành “gỗ tròn”, ngoài ra “Phương Trạch” cũng nên hiểu là tên đàn, do đàn hình vuông và thường đắp ở nơi đầm lầy (trạch) nên thành tên. Dịch thành “đền vuông” thì khá vô nghĩa.

Tô Như | Báo Văn nghệ

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.