Viet Thanh Nguyen sinh ra tại Việt Nam và lớn lên ở Mỹ. Anh là tác giả của The Committed, phần tiếp theo của The Sympathizer – cuốn tiểu thuyết từng đoạt Giải Pulitzer cho hư cấu năm 2016. Anh cũng là tác giả của tập truyện ngắn The Refugees; cuốn tiểu luận Nothing Ever Dies – một trong các đề cử chung khảo Giải Sách Quốc gia Hoa Kỳ (National Book Award); và To Save and to Destroy: Writing as an Other. Ngoài ra, anh còn là biên tập viên của tuyển tập văn chương người tị nạn The Displaced. Hiện anh giảng dạy tại Đại học Nam California. |
Có một cách để hiểu được tình thế tiến thoái lưỡng nan của nền văn học đương đại Hoa Kỳ trong kỉ nguyên của Donald Trump, đó là nhìn nó như một nền văn học đế quốc. Nước Mỹ là một kiểu đế chế đặc biệt, nó nỗ lực thực thi cái quyền lực bá chủ toàn cầu thông qua hàng trăm căn cứ quân sự và một mạng lưới các liên minh, các hiệp định thương mại và các thiết chế pháp lý và tài chính, tạo nên một “trật tự dựa trên luật pháp quốc tế” do Hoa Kỳ lãnh đạo, như tổng thống Joe Biden đã gọi.
Trong nhiều thập kỉ, nền văn học Hoa Kỳ đã giữ vai trò của nó trong trật tự này như một cánh tay của quyền lực mềm Mỹ, thể hiện cuộc sống bên trong của đế chế, trong khi hầu như phớt lờ phần còn lại của thế giới. Nên nhớ rằng Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) – cái tổ chức được đặt tên một cách xác đáng – hiểu khá rõ tầm quan trọng của quyền lực mềm và vai trò của nghệ thuật. Trong suốt thời kì chiến tranh lạnh, CIA đã bí mật tài trợ hoặc khuyến khích mọi thứ, từ việc cổ vũ chủ nghĩa hiện đại ở châu Âu đến việc nhập cảng các nhà văn quốc tế vào Mỹ, ở đó họ có cơ hội được thể hiện bản thân trong mĩ học văn chương Hoa Kỳ.
Nan đề đối với nền văn học đế quốc dưới thời Trump là ông ta chẳng cần thiết quyền lực mềm mà chỉ cần quyền lực cứng. Sự đổi mới của Trump trong nhiệm kì Trump II, hãy gọi nó là tập tiếp theo - người Mỹ thì vốn yêu thích phim nhiều tập - là loại bỏ bất kì cảm giác không hoàn hảo nào, đó là điều mà nền văn học đế quốc khám phá, cũng như ý niệm về các nguyên tắc, dù là trong nước hay quốc tế. Mặc dù Trump không hiểu bản chất của những nguyên tắc mà chính quyền Trump I đã đối mặt, nhưng ông ta luôn thích thú phá vỡ các quy tắc, giống như một nhân vật phản diện của Hollywood đang cố gắng chống lại những xiềng xích mà nhân vật Captain America [trong series phim cùng tên – chú thích của người dịch] buộc lên người anh ta. Captain America, dưới hình hài của Joe Biden, đã đánh bại Trump, nhưng giống như mọi nhân vật phản diện điển hình của điện ảnh Hollywood, Trump đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những người sáng tạo truyện tranh hiểu rất rõ rằng mọi câu chuyện đều cần một người anh hùng và một kẻ phản diện, và sự phân biệt giữa anh hùng và phản diện thì rất mong manh. Tương tự như vậy, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ từ trước tới nay luôn là người anh hùng lẫn kẻ phản diện, đối với các quốc gia khác cũng như cho chính nó.
Tính chất nước đôi này định hình nên các đời tổng thống Hoa Kỳ của mọi hệ tư tưởng và cũng tạo ra kịch tính lớn, vốn là điều mà các nhà văn Mỹ từ Herman Melville đến William Faulkner cho đến Toni Morrison đều tập trung khai thác. Thật không may, tính chất nước đôi này cũng rất bi thảm, nó liên quan đến cái chết của hàng chục triệu người, từ các quốc gia bản địa bị suy yếu bởi nạn diệt chủng cho đến những người châu Phi bị bắt làm nô lệ. Khi Trump nói “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại“, ông ta đang nói về sự trở lại của một phong cách ở thế kỉ 19, nổi bật với việc sử dụng bạo lực hoặc đe dọa bằng bạo lực một cách không thương tiếc, kiểu cách này được thực thi ở cấp độ một quốc gia đang bành trướng và chinh phục lẫn kiểu nam tính huênh hoang của một cá nhân.
Vốn chẳng mấy để tâm tới dân chủ và chỉ chăm chăm tập trung vào sự cứng rắn, chính quyền Trump miễn nhiễm với ý tưởng cho rằng văn học – một loại hình nghệ thuật được cho là mang tính nữ – có thể hữu dụng, trừ khi nó được thực hiện bởi những ứng cử viên tổng thống đầy tham vọng như JD Vance, tác giả của cuốn hồi kí bán chạy kể về việc thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống nông thôn đã giúp tên tuổi ông ta được cả nước biết tới. Đó cũng chính tình huống nghịch lý của văn học trong những vùng miền theo tư tưởng bảo thủ của nước Mỹ, ở đó văn học bị gạt ra vì người ta cho rằng nó chẳng có ích lợi gì song đồng thời cũng bị xem là cực kì nguy hiểm. Vì thế, sự gia tăng của lệnh cấm sách và các dạng thức kiểm duyệt khác cùng với nỗ lực của Trump nhằm kiểm soát các tự sự, từ việc ông ta vươn bàn tay tiếp quản Trung tâm Trình diễn Nghệ thuật Kennedy – nơi các đời tổng thống Hoa Kỳ, ngoại trừ Trump, đều đã trao tặng những danh hiệu cao quý cho các nghệ sĩ Mỹ – cho tới những nỗ lực mới nhất của ông ta nhằm ra lệnh cho các bảo tàng Hoa Kỳ rằng họ phải tôn vinh nước Mỹ hơn. Các nhà văn Mỹ phản đối những nỗ lực này, vì các nhà văn Mỹ, đặc biệt là các nhà văn được ngợi ca nhất, phần lớn là theo khuynh hướng tự do, và do đó, nhìn chung đều chống Trump mạnh mẽ.
![]() |
Chính trị trong nghệ thuật là một điều nghịch lí tại nước Mỹ, một đất nước chống chủ nghĩa cộng sản và có xu hướng coi những lời kêu gọi kết hợp minh nhiên nghệ thuật với chính trị là một thực hành mang tính cộng sản. Trong khi các nhà văn có thể tuần hành tại các cuộc biểu tình hoặc ký thư kêu gọi, người ta lại thường cho rằng trước tác của họ không nên mang tính chính trị, và nếu có ai làm vậy thì thường họ phải là những người đặc biệt hoặc là họ có phản ứng với những cuộc khủng hoảng cụ thể, chẳng hạn một số nhà văn đã phản đối chiến tranh Việt Nam, bao gồm nhà thơ Robert Lowell, nhà viết tiểu luận Susan Sontag, tiểu thuyết gia Mary McCarthy và Norman Mailer. Các tác giả như Melville và Faulkner, những người đã chuẩn đoán rất sâu các vấn đề trong chính thể Hoa Kỳ trong các tiểu thuyết như Moby Dick và Absalom, Absalom!, đều được nhìn nhận như là những nhà văn kinh điển. Họ không thường được coi là những nhà văn chính trị thuần túy, có lẽ bởi sự vĩ đại của họ được coi là nằm ở phương diện nghệ thuật hơn là chính trị, như thể hai điều này có thể tách rời nhau.
Viết như một thực hành chính trị liên tục thường chỉ được độc giả và các nhà phê bình ủy thác cho các nhà văn được coi là thứ lưu (minority) như Morrison. Các nhà văn thứ lưu được các độc giả của dòng chủ lưu, và thi thoảng bởi các cộng đồng thứ lưu của chính họ, kì vọng viết về những chấn thương, chẳng hạn như chế độ nô lệ, thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, di cư, hoặc chiến tranh – những điều định hình nên cộng đồng của họ – như một tập hợp các trải nghiệm đã xảy ra bởi họ phải chịu đựng sự lạm dụng quyền lực. Do đó, như Gilles Deleuze và Félix Guattari đã lập luận trong cuốn Kafka, vì một nền văn học thứ lưu (Kafka: Towards a Minor Literature), không gian của thứ lưu thì luôn mang tính chính trị.
Kafka được các nhà văn này sử dụng như là một tấm gương điển hình của mình, và phong cách Kafka (Kafkaesque) là sự miêu tả thích hợp cho trải nghiệm thứ lưu. Sau cùng, thật kì lạ là sống trong một nền dân chủ tự tuyên xưng và coi mình là Quốc gia Vĩ đại nhất trên Trái đất song lại cũng là quốc gia thực hành chế độ nô lệ, diệt chủng, giam cầm, thủ tiêu và trục xuất như những chiến thuật tiêu chuẩn để chống lại những nhóm thiểu số. Do vậy, cảm nhận của những người Mỹ theo đuổi giá trị tự do, rằng họ đang sống trong một thời đại kì quái dưới thời Trump II, phải được đặt vào cái bối cảnh mà phương thức tồn tại của các nhóm thiểu số vốn đã luôn kì quái [trong lịch sử]: hàng trăm nghìn người Mexico và những công dân Mỹ gốc Mexico bị trục xuất về Mexico vào thập niên 1930s, 120.000 người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm tại các trại tập trung trong suốt Thế chiến II, những người Mỹ gốc Phi bị biến mất, bị thiến, bị hãm hiếp, bị hành hình, bị tàn sát và thậm chí phải chịu những cuộc ném bom và không kích của nhà nước và những người da trắng, từ Tusla năm 1921 đến Birmingham năm 1963 cho tới Philadelphia năm 1985.
Trong khi nhiều nhà văn đồng cảm với người Palestine, nhiều tổ chức văn học của họ lại bối rối.
Các nhà văn da màu luôn viết về cái mâu thuẫn kì quái này giữa các lý tưởng cao cả và những thực tế tàn bạo, cái mâu thuẫn đã ngăn cản khả năng tồn tại của một chủ nghĩa nhân văn phổ quát. Mâu thuẫn này được minh họa sống động bằng hành động tấn công mang tính diệt chủng của người Israel lên dải Gaza, dùng bom đạn và vỏ bọc chính trị do Joe Biden cung cấp và được Trump tiếp tục trong một màn trình diễn lưỡng đảng của quyền lực đế chế Mỹ. Dưới danh nghĩa bảo vệ người Do thái, người Palestine đã bị hạ cấp xuống thành cái mà nhiều quan chức chính quyền Israel gọi là “những động vật người“, một thuật ngữ mang tính hạ nhục lặp lại cách thức mà những kẻ thực dân phương Tây luôn nhìn những dân tộc thuộc địa không phải là da trắng, những dân tộc mà những kẻ thực dân phương Tây này đã tàn sát nhân danh khai hoá họ. Người Palestine và những người ủng hộ họ là ngoại lệ trong nền văn minh phương Tây và chủ nghĩa ngoại biệt Mỹ, nhưng ngay cả việc chỉ ra điều này cũng sẽ bị trừng phạt ngày càng tàn bạo, từ việc kiểm duyệt, sa thải, nêu thông tin ở chốn công cộng và bắt giữ cho đến việc trục xuất và lưu đày.
Hệ quả là, thế giới văn học Mỹ đương đại bị rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong khi nhiều nhà văn đồng cảm với người Palestine, nhiều tổ chức văn học của họ lại tỏ ra bối rối, không thể hỗ trợ người Palestine, không dám gọi tên chế độ diệt chủng, hoặc không thể chủ động cất tiếng vạch trần bản chất hành động của Israel, ngay cả khi nhiều nhà văn yêu cầu các tổ chức này phải cất tiếng. Những tổ chức văn học này là một phần của đế chế, được nhà nước hoặc các mạnh thường quân đầy quyền lực tài trợ, những kẻ kiếm lợi từ cỗ máy của đế chế.
Cuộc diệt chủng ở dải Gaza, do đó, không phải là một sự kiện ngẫu nhiên để rồi bị bỏ qua mà là một biến cố quan trọng giống như cuộc chiến tranh Việt Nam, nơi mà những gì bị thiêu cháy bởi vũ khí Mỹ không chỉ là những người không phải da trắng mà còn là những lí tưởng của người Mỹ và những lối nói giảm nói tránh [để che đậy sự thật]. Dưới ánh sáng của ngọn lửa đó, chủ nghĩa đế quốc của Mỹ đã bị phơi bày, cũng như sự đồng lõa của những người Mỹ đã không làm gì cả, bao gồm cả những nhà văn chọn cách im lặng.
![]() |
Một nền văn học đế quốc thì ưa thích thứ chủ nghĩa hiện thực trong việc trưng ra tính nội tại không hoàn hảo bên trong đế chế Mỹ. |
Số lượng các nhà văn đương đại lên tiếng về vấn đề gì đó thông qua thực hành nghệ thuật của mình là tương đối hiếm hoi, chúng ta có thể kể ra một vài người, chẳng hạn Bob Shacochis và tiểu thuyết của ông, Woman Who Lost Her Soul (2013). Mặc dù nhiều giải thưởng đã được trao cho việc khám phá tình trạng chiến tranh liên miên của nước Mỹ với tư cách là một cường quốc quân sự toàn cầu này, cuốn tiểu thuyết đã không đưa Shacochis vào địa hạt của những người nổi tiếng trong giới văn học. Những cuốn sách được tán thưởng này được viết bởi những nhà văn [được gọi là] thuộc thứ lưu (minority), những người theo một cách nào đó được kì vọng sẽ lên tiếng, từ One Day, Everyone Will Have Always Been Against This của Omar El Akkad đến The Message của Ta-Nehisi Coates. Đó là những tác phẩm có tinh thần chống đế quốc bởi chúng kết nối những hành động phân biệt chủng tộc trong nước với chiến lược của Mỹ nhắm vào những người không phải da trắng, từ các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cho đến sự xâm lược, từ việc hỗ trợ các chính phủ độc tài cho đến sự diệt chủng.
Văn học Mỹ, trong tư cách một nền văn học đế quốc, không tạo ra kết nối đó, điều này hé lộ rằng tấm vỏ bọc của Giấc mơ Mỹ là một cơn ác mộng kì quái đối với rất nhiều người bên trong và bên ngoài đế chế đó. Một nền văn học đế quốc thì ưa chuộng cái chủ nghĩa hiện thực trong việc trưng ra tính nội tại không hoàn hảo bên trong đế chế Mỹ. Hành động phơi lộ này cấu thành một sự bất đồng chính kiến mức độ thấp, có thể đã được tổng thống Obama thúc đẩy qua việc đưa ra danh sách gợi ý các cuốn sách nên đọc hàng năm, điều này lấy lòng các nhà văn và cung cấp một vẻ hào nhoáng văn chương để che mờ việc Obama sử dụng rộng rãi các cuộc ám sát bằng máy bay không người lái và trục xuất những người di cư không có giấy tờ. Nhưng ngay cả những bất đồng quan điểm tối thiểu đó cũng không thể được tha thứ dưới thời Trump II, nơi mà những ý tưởng như sự đa dạng, chống phân biệt chủng tộc và nhiều chủ đề cốt lõi khác của một nền văn học được Obama chấp thuận giờ đều bị coi là bất hợp pháp.
Tất nhiên, đấu tranh chống lại các cuộc tấn công của tổng thống Trump là rất quan trọng. An sinh xã hội, các công viên quốc gia, các quyền bầu cử, các quyền nhập cư và nhiều quyền nữa sẽ cần phải được bảo vệ. Nhưng sự chống lại theo phản xạ đối với mọi thứ mà Trump tấn công cũng hé lộ rằng có thể đó là một sự đầu tư rộng rãi vào việc duy trì quyền lực toàn cầu của nước Mỹ. Chẳng hạn, than phiền về sự chấm dứt của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), với những thiệt hại nhân văn gây ra cho những người mất việc làm, những người mất nguồn viện trợ, là có thể hiểu được. Nhưng USAID cũng là một dạng thức của quyền lực mềm Mỹ, nó đã giúp che đậy cho quyền lực cứng của nước Mỹ. Một tinh thần bất đồng chính kiến thực chất hơn nên là việc kêu gọi nhiều quyền lực mềm hơn và ít quyền lực cứng đi, một sự thu hẹp triệt để của tổ hợp công nghiệp - quân sự mà các tổng thống thuộc phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều không sẵn sàng thực hiện.
Nếu Obama mở rộng lời mời gia nhập vào đế chế Mỹ cho các công dân, các cộng đồng thiểu số và đồng minh, thì Trump lại tìm cách biến đế chế Mỹ thành một câu lạc bộ chỉ dành riêng cho các thành viên đặc quyền nơi người ta chỉ có thể gia nhập bằng cống nạp và phục tùng. Và đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan của nền văn học Mỹ đương đại: cái tinh thần bất đồng quan điểm chống lại Trump và những gì ông ta đại diện nhưng không nhận ra rằng chủ nghĩa đế quốc của Trump là một phiên bản trần trụi hơn của chủ nghĩa đế quốc tự do [liberal imperialism], chỉ là một dạng bất đồng chính kiến hạn hẹp. Thay vào đó, chúng ta cần một sự bất đồng quan điểm của thứ lưu mà với nó, văn học Mỹ thực hiện chức năng đế quốc của nó, đó là tinh chỉnh quyền lực đế quốc thông qua việc thể hiện các giá trị văn học và tự do của sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, và bằng cách đó, nó thực hiện sứ mệnh ngoại giao của đế chế.
Kim Nhạn dịch, Lê Nguyên Long hiệu đính
Nguồn:
“Viet Thanh Nguyen: Most American Literature is The Literature of Empire”, từ trang LITERARY HUB