Ngày Việt Nam ở nước ngoài là chương trình quảng bá quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, tổ chức thường niên từ năm 2010. Năm nay chương trình do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) tổ chức dừng chân tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản với mong muốn quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam tại ba quốc gia này.
Cụ thể, chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nam Phi, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và Việt Nam - Nhật Bản.
Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023 tại thủ đô Pretoria của Nam Phi trong hai ngày 14, 15/9 đánh dấu lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung.
Ông Hoàng Hữu Anh cho biết dù số lượng người từ Nam Phi vào Việt Nam không cao, đạt khoảng 5.000 người/năm vào thời điểm trước dịch COVID-19, tuy nhiên Việt Nam muốn thu hút sự quan tâm của người dân Nam Phi bởi quốc gia này đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi.
Sau Nam Phi, Pháp và Nhật Bản sẽ là những điểm đến tiếp theo của chuỗi sự kiện này vào tháng 11, 12.
Bên cạnh các hoạt động mang ý nghĩa chính trị, chương trình còn tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư, các chương trình biểu diễn, giao lưu tương tác mang đậm sắc màu văn hoá Việt, nổi bật là Không gian văn hóa Việt Nam với chủ đề xuyên suốt: Nguồn cội, sức sống và sự tiếp nối.
Được biết, Không gian văn hoá Việt Nam quy tụ nhiều nghệ nhân và người thực hành văn hóa trẻ, mang đến các hoạt động có tính tương tác trải nghiệm cao như làm tranh sơn mài và tranh dân gian Đông Hồ, nặn đồ chơi tò he, mặc thử và chụp hình cùng cổ phục thời Nguyễn, trải nghiệm ẩm thực Việt. Đây cũng là nơi trưng bày các triển lãm ảnh về quan hệ ngoại giao, di sản, đất nước, con người Việt Nam.Chương trình sẽ giới thiệu thương hiệu phở nổi tiếng của Hà Nội tới bạn bè quốc tế. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong chuỗi sự kiện được xây dựng theo một mạch truyện với tên gọi Sắc màu Việt.
Khán giả sẽ được thưởng thức nghệ thuật ba miền từ điệu sáo Mèo vùng cao, bài múa tắm sen cho thấy nguồn cội của người Bắc Bộ, tới các tiết mục trình diễn trang phục thời Nguyễn, nghe điệu Lý cây bông, bài hát Sài Gòn đẹp lắm…
QH