Cũng kiểu nhà sàn làng Tung nhưng cốt nhà cao, thoáng đãng; lại vườn cây, ao cá liên hoàn. Ông trưởng thôn cười, khóe miệng lòe ra chiếc răng bịt đồng “Nhất làng tôi đấy. Ở đây các anh tha hồ thoải mái, khỏi lo đụng chạm phong tục bà con.”
Chúng tôi trút đồ nghề vào gầm nhà rồi cất tiếng gọi. Phải đến lần thứ ba mới thấy chủ nhà đi ra. Đó là một ông lão gầy khằng mặc độc chiếc quần cộc, cái tẩu lệch miệng vương vít khói. Một nụ cười bối rối làm nhăn nhúm cả khuôn mặt “Tôi nặng tai nên không nghe rõ. Mời các anh lên nhà.”
Minh họa Đỗ Dũng |
Trải tấm chiếu ra sàn cho khách ngồi, ông vội đi mặc quần áo. Khi mắt đã quen với không gian nhập nhọa, tôi nhận ra một bà lão đang ngồi cạnh bếp. “Vợ tôi đấy!” Ông giới thiệu vắn tắt rồi cười ngượng nghịu. Tôi bắt chuyện:
- Nghe ông trưởng thôn nói bác là bộ đội, lấy vợ làng này rồi ở lại luôn. Quê bác đâu vậy ạ?
Như bị bắt quả tang đang làm một việc gì vụng trộm, ông bối rối liếc tôi một cái thật nhanh rồi lúng búng trả lời:
- Ở đâu… ở đây thôi. Cha trưởng thôn nói bậy đấy!
Nói xong ông quay người đi nhanh xuống bếp. Tôi chưng hửng. Rõ là ông trưởng thôn đã nói vậy mà?
Ngày hôm sau chúng tôi bắt tay vào việc. Nhiệm vụ của chúng tôi là dựng trụ đường dây 250KV. Đường ô tô không có, mọi việc phải làm bằng sức người. Chiều về chỉ kịp tắm táp loa qua, nấu cơm ăn xong là ai nấy lăn ra ngủ. Riêng tôi vì điều ông trưởng thôn nói, hễ cứ thức giấc là lại để ý xem vợ chồng ông lão có gì khác thường. Chẳng có gì cả. Chỉ là ông bà hơi ít trò chuyện, thỉnh thoảng mới trao đổi với nhau vài câu bằng tiếng Jrai. Lan man với những ý nghĩ không đầu không cuối, tôi bỗng nhớ thằng Long bạn học thời phổ thông. Sao ông lão này lại có nét gì giông giống bức ảnh bố nó tôi vẫn thấy ở nhà thế nhỉ? Bố nó đi bộ đội lúc nó mới học lớp ba. Từ ngày ông đi B, bác gái chỉ nhận được vỏn vẹn một lá thư rồi im bặt. Giải phóng miền Nam gần hai năm, bác ấy mới có giấy báo tử. Lẽ nào đây là… Lại nghĩ: Bậy, bác ấy đã được công nhận liệt sĩ rồi, làm gì có chuyện hoang đường thế được…
Nhân chủ nhật, chúng tôi làm một bữa rượu giải mỏi. Tôi nhờ ông mua giùm mấy con gà và dặn chiều ở nhà nhậu cho vui. Lúc đầu ông từ chối. Sau thấy chúng tôi nài nỉ mãi, ông mới đồng ý với điều kiện là để mình chịu đồ uống. “Rượu cần nhà tôi ngon lắm. Không phải ủ bằng củ mì hay gạo đâu, nó được làm bằng hạt gạo. Chắc là các chú chưa được uống?” Thế thì còn gì bằng nữa, vậy mà chúng tôi đã tính phải chạy ra ngoài xã lấy thứ rượu pha cồn của mấy quán “cắm làng”.
Bữa nhậu bắt đầu và quả như ông nói, nó đúng là một thứ rượu thật tuyệt. Bắt đầu là vị ngọt sánh đầu lưỡi khiến tôi coi thường chất men trong nó. Nhưng rồi không biết từ đâu ngọn lửa bỗng khe khẽ thức dậy trong tôi rồi bùng cháy. Chúng tôi cười đùa, hò hát váng nhà. Chừng như vui lây với đám trẻ, thoạt đầu ông chỉ uống cầm chừng, sau chúng tôi một “cang” ông cũng một “cang”. Đến khi thấm mệt, chúng tôi đã muốn nghỉ, bất ngờ ông quay sang tôi:
- Này, nghe chú mày nói biết ngay là dân “bọ”, nhưng ở chỗ mô đó?
- Minh Lệ bác ạ. Chỗ thị trấn Ba Đồn đi đò sang.
- Biết rồi. Cách thôn Cao Cựu một quãng đồng chưa đầy cây số.
Nói xong câu đó ông buông lơi chiếc cần rượu nhìn chúng tôi đờ đẫn. Tôi nín thở đăm đăm nhìn vào mắt ông, cảm giác ông sắp nói ra điều mình dự cảm… Ngồi lặng một lúc thật lâu, ông buông một tiếng thở dài rồi bật ra:
- Nói thật với chú tôi là người thôn Cao Cựu đây… Chẳng biết vợ con tôi ngoài đó còn sống hay bị bom đạn Mỹ giết rồi?
Tim đập thình thịch như muốn nhảy khỏi lồng ngực, tôi hỏi dồn:
- Vậy vợ bác tên là gì? Con tên gì?
- Vợ tôi tên là Hoàn. Con là Long.
- Trời ơi, là bác Khoa! - Tôi nhoài tới ôm chầm lấy ông - Cháu là con ông Cơ, cùng học với thằng Long đây mà… Không sao, không bom đạn nào đụng tới vợ con bác cả. Thằng Long giờ là kĩ sư xây dựng rồi. Bác gái vẫn ở vậy thờ bác đấy!
Ông đờ đẫn nhìn tôi rồi sụm người xuống. Hai dòng nước mắt trắng đục lăn dài trên gò má sạm đen…
*
Tôi đã tưởng cái ngày mình về làng ma lặng lẽ như mọi người làng này, tên tuổi, xác thịt sẽ tan chảy vào đất, chẳng một vết tích nào còn lại trên đời. Vậy mà không ngờ tôi lại được gặp chú. Có lẽ trời không muốn cái quá khứ của tôi ngủ yên, không muốn tôi chết đi mà không một niềm an ủi nên mới xui chú đến. Vậy thì lẽ gì mà tôi lại không chia sẻ với chú và các chú đây về cuộc đời mình, cũng coi như là lời di chúc tôi gửi lại cho cho vợ con…
Tôi nhập ngũ năm 1965, lúc đó thằng Long mới 8 tuổi. Cuối năm 1966 tôi được lệnh đi B. Mùa khô năm 1967 đơn vị tôi mới đến được Tây Nguyên. Chẳng biết cái số tôi hay sao, từ hồi vào bộ đội đến giờ cứ phải làm lính cấp dưỡng. Tổ nuôi quân của tôi có bốn nữ nhưng Rơma H’Choa dân tộc Jrai là trẻ nhất. Những năm ấy cái ăn của chúng tôi chủ yếu dựa vào dân. Tuy còn trẻ nhưng H’Choa rất nhanh nhẹn, tháo vát. Làng nào đồng bào cũng coi cô ấy như con. Thế nên những lúc khó khăn nhất, bộ đội lẫn dân phải ăn cả mì nhiễm chất độc hóa học đắng ngắt thì H’Choa vẫn tìm ra gạo để bồi dưỡng cho thương binh.
Ảnh minh hoạ. Nguổn: Internet |
Từ sự cảm phục, gần gũi trong công việc, chúng tôi mến nhau tự lúc nào không hay. Thế rồi H’Choa có thai. Đấy là một việc rất nghiêm trọng. Tôi cứ nghĩ mình sẽ bị kỉ luật nặng nhưng đơn vị cũng chỉ kiểm điểm loa qua rồi thôi. Có lẽ giữa lúc bom đạn mù trời, sống chết chẳng biết lúc nào nên các anh ấy cảm thương mà bỏ quá cho chăng… Khi H’Choa mang thai được gần ba tháng thì một biến cố xảy ra: địch càn vào căn cứ. Một quả pháo nổ gần khiến tai tôi gần như điếc đặc, hai mắt mờ đi vì khói đạn. Thấy vậy đơn vị quyết định cho tôi ra Bắc điều trị. Còn H’Choa, trước việc chẳng đặng đừng, chỉ huy gợi ý cô ấy về làng sinh nở xong rồi sẽ trở lại đơn vị. H’Choa đồng ý…
Chúng tôi chia tay bịn rịn. Như trong vô thức, tôi cứ theo H’Choa đến mãi tận cửa rừng. Suốt dọc đường H’Choa cứ khóc như mưa như gió. Mãi đến lúc tôi phải quay trở lại cô ấy mới nghẹn ngào thốt được một câu “Nhanh vào với em, đừng bỏ em.” Rồi như sợ mình khuỵu xuống, H’Choa đi nhanh như chạy vào cánh rừng trước mặt. Nhìn cái dáng nhỏ nhắn với chiếc ba lô lép kẹp đang khuất dần, ruột gan tôi như nẫu ra. Cô ấy về làng rồi sẽ sống ra sao? Ai giúp đỡ cô ấy trong lúc vượt cạn? Chiến tranh ác liệt, bom đạn bời bời thế này ai biết điều gì sẽ xảy ra. Nhỡ mình hi sinh thì giọt máu của mình sẽ ra sao? Không cưỡng nổi niềm thương cảm đang cuộn dâng trong lòng, tôi đuổi theo cuống quýt gọi “H’Choa, H’Choa, chờ anh với!”
Bàn tay ông vít nặng cần rượu. Hai lần đưa lên môi rồi lại buông. Hiểu là ông đang cố nén xúc động, chúng tôi ngồi lặng phắc. Ông nhìn chúng tôi nở một nụ cười héo hắt rồi tiếp tục:
- Nằm trong vùng “tự do oanh kích” của địch, làng Tung bị bom đạn cày xới xác xơ. Bây giờ H’Choa mới biết là người chị ruột duy nhất của mình đã bị bom Mỹ giết chỉ mới tháng trước. Chỗ dựa duy nhất không còn, chúng tôi đành chặt cây dựng một căn lều để ở rồi khẩn trương bắt tay vào phát rẫy để có cái ăn. Ngoảnh đi ngoảnh lại ba tháng đã trôi qua. Thực tình là lúc đầu tôi chỉ định lo xong nơi ăn chốn ở cho H’Choa thì đi ngay. Thế nhưng bây giờ thì tôi thấy không thể. Bụng cô ấy đã lớn. Những cơn mưa dữ dằn đang sắp đến. Lúa mới nảy mầm, năm tháng nữa mới được gặt trong khi cái ăn - kể cả hạt muối chúng tôi cũng phải mượn của dân làng… Ruột gan rối bời tôi đành tặc lưỡi: thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Đợi cô ấy sinh nở xong, gửi lại cho dân làng rồi mình trở lại đơn vị. Nói rõ nguồn cơn, các anh ấy không tha thì chịu kỉ luật chứ biết làm sao…
Các chú ạ, con người ta đôi khi lạ lắm. Lúc đắc thắng thì cứ như có ai nắm tóc lôi lên. Nhưng khi đã gặp xui thì cứ như bị ấn đầu mãi xuống bùn… Hồi hộp đợi chờ rồi cũng đến ngày H’Choa sinh. Một bà mụ làng đã giúp cô ấy vượt cạn thành công. Thế nhưng khổ thay H’Choa lại bị băng huyết. May nhờ bà mụ bên làng Kênh, hai ngày sau thì H’Choa cầm máu nhưng sức lực cô ấy đã kiệt. Hậu quả là bị ngắt sữa. Trong làng không có ai đang nuôi con nhỏ để cho bú nhờ, tôi chỉ còn cách nấu cháo rồi chắt lấy nước đổ cho cháu… Nhìn cháu lả dần, tiếng khóc như mèo ốm, tôi cắn môi đến bật máu vì bất lực. Được hơn một tháng thì cháu từ giã cõi đời…
Suốt mấy tuần trăng tôi cứ như người mất hồn. Có lần đang giắt cây rìu sau lưng mà tôi cứ cuống quýt đi lục khắp mọi xó lều. Nhưng rồi H’Choa cũng dần hồi phục. Có lẽ niềm vui này làm tôi tĩnh trí lại. Bữa cơm chỉ muối ớt chấm lá sắn luộc, lâu lâu mới có vài con cá suối bà con cho, vậy mà cô ấy qua khỏi… Một hôm cô ấy bỗng dè dặt nói “Anh này, con mình chết rồi. Em cũng đã thấy khỏe, hay mình trở lại đơn vị?” Tôi giật mình. Bấm đốt ngón tay gần một năm trời đã trôi qua! Tôi ngồi thừ ra rồi ngần ngừ bảo H’Choa: “Có lẽ phải vậy nhưng phải thư thêm mấy bữa. Cũng phải trả nợ lúa má cho bà con, cảm ơn họ rồi đi chứ…” Nêu lí do cho có vẻ vậy, thực tình là tôi muốn lần khân để tự trấn tĩnh, nghĩ cách đối phó. Tâm trí rối bời, cuối cùng tôi thấy tốt nhất vẫn là có sao nói vậy. Cái gì phải xảy ra thì cứ để nó tự xảy ra…
Nhưng đúng ngày chúng tôi chuẩn bị lên đường thì đã xảy ra chuyện không thể nào ngờ tới. Buổi sáng ấy trong cái lạnh thấu xương của khí rừng bao phủ, chợt nghe văng vẳng tiếng ai vừa chạy vừa la. Tôi chạy vội tới xem có chuyện gì. Thì ra là ông Ten trưởng làng. Nhún nhảy từng bước như không chạm đất, đến mỗi nhà, khúc nứa trong tay ông lại đập phạch vào cầu thang: “Dậy mau, có tin to. Sài Gòn giải phóng rồi. Mỹ - ngụy thua rồi, hơ!...” Tôi khựng lại, mắt tối sầm, choáng váng không tin vào tai mình. Lần tới nhà tôi nằm lăn ra sạp nứa, đầu như long ra bởi hai tiếng “giải phóng”. Trời ơi, vậy là tôi đã không còn đường lui nữa rồi!
Có bước chân nhè nhẹ của H’Choa. Có lẽ cô ấy vừa mới đi hóng tin về. Nhìn giọt nước mắt còn vướng trên má tôi, H’Choa đã hiểu. Cô nói giọng bùi ngùi:
- Thôi anh ạ. Vợ chồng mình không đi hết đường là có lỗi. Nhưng mình đâu có đi đầu hàng giặc. Chắc rồi mai mốt biết ra anh em cũng thông cảm cho thôi!
Tôi nắm chặt tay H’Choa kéo lại gần. Bây giờ chỉ còn cô ấy là niềm an ủi, là chỗ dựa cho những ngày phía trước có lẽ còn rất dài mà tôi chưa biết sẽ trôi về đâu…
*
Tin miền Nam giải phóng có làm làng Tung nhộn nhạo lên ít ngày rồi lại trở về lặng lẽ. Những gì đang diễn ra ngoài kia dường như chẳng tác động gì đến họ. Mỗi nóc nhà vẫn là mỗi thế giới khép kín. Họ chỉ mở ra mỗi khi làng có chuyện vui, buồn. Cuộc sống như thế với tôi bây giờ lại càng hay. Sáng lên rẫy, chiều về lua láo ba bát cơm rồi cuộn tròn bên bếp ngủ. Chẳng phải lo ai quấy rầy vì những chuyện không đâu. Có lẽ tôi sẽ sống được chăng hay chớ chỉ để chờ ngày về với làng ma nếu không có một biến cố xảy ra…
Cái năm chín mươi (1990) ấy làng Tung đói tợn. Nguyên do là nắng hạn giữa mùa khiến lúa chết hơn một nửa. Số còn lại trổ được bông thì chim, chuột phá hết. Thật ra thì chẳng riêng năm hạn hán, cứ đến giáp hạt là làng hết ăn. Nhưng mọi năm đói còn trông cậy vào củ mài, giờ muốn có phải vào tít rừng xa. Chiều chiều quanh mấy gốc mít còi cọc trong làng, người già, trẻ con túm tụm đưa cặp mắt buồn rầu dõi về phía mặt trời lặn chờ người nhà đi đào củ mài về, cái khố bằng vải bạt xe trễ xuống cũng chẳng buồn kéo lên. Cảnh ấy làm tôi thấy mủi lòng. Bà con cứ đeo đẳng mãi cây lúa rẫy thì cái đói sẽ còn theo đuổi. Có cách nào giúp được họ đây… Chợt nhớ ra cách làng Tung chừng bốn cây số có một lũng ruộng rộng phải đến ba - bốn chục ha. Trong chiến tranh một đơn vị bộ đội đã từng đóng quân ở đây sản xuất lương thực. Bờ thửa, mương máng dẫn nước đã sẵn, giờ chỉ việc phục hóa là xong. Khảo sát cặn kẽ, ra tận làng người Kinh mua thóc giống về, mọi việc chuẩn bị đâu vào đấy tôi mới nói ông Ten họp làng bàn làm lúa nước. Cứ ngỡ họ sẽ ôm lấy tôi mà hoan hô, nào ngờ nhà rông rung lên bởi tiếng la ó. Không còn ai nghe ai, ông Ten phải đập cây nứa vào cột mấy lần tiếng la mới lắng xuống. Tôi ngơ ngác. Hóa ra là “Yang H’ri (Thần lúa) xưa nay chỉ ở trên rẫy. Nay thằng Khoa bắt xuống nước thì Yang chết đuối. Làng đã đói, nó còn làm cho đói thêm nữa! Đắng ngắt! Bao nhiêu là công sức nhưng đã là lệ tục thì thuyết phục suông mấy ngày nữa cũng thế thôi. Nghĩ ra một cách, tôi đứng phắt lên nói to:
- Thôi được, nếu bà con đã sợ Yang H’ri chết đuối thì đi làm cho nhà tôi. Đến lúc thu hoạch tôi sẽ trả công mỗi sào năm bao lúa, được chưa?
Đang ồn ào, thoắt cái cuộc họp bỗng lặng như tờ. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Tôi hiểu họ nghĩ gì. Làm lúa rẫy, được mùa lắm cũng chỉ một sào hai bao là hết. Thế mà bây giờ chưa biết Yang H’ri có sống được không, hắn đã trả công đến năm bao?
- Bà con cứ yên bụng mà làm đi - Tôi cầm con dao chặt vào cột nhà rông thề - Nếu không trả đủ lúa, Khoa này sẽ thắt cổ chết trước mặt dân làng để đền, được chưa?
Lặng phắc. Dấn thêm bước nữa, tôi mời ông Ten đứng ra làm chứng… Mọi việc tưởng thế đã xong, nào ngờ hôm sau phải đi từng nhà chèo kéo. Rát cả họng, cuối cùng chỉ được hơn chục người chịu đi làm. Đã thế hễ cứ khuất mặt tôi là họ ngồi chơi, nói chuyện phiếm. Tôi mỗi ngày nướng một trái bắp khô ăn rồi nằm chực tại đồng, hai con mắt trũng sâu như ống lồ ô. H’Choa ra xem thấy thế chỉ còn biết bưng mặt khóc...
Những ngày dài như leo núi rồi cũng đi qua. Hôm thu hoạch, tôi đi báo cho cả làng ra xem. Mỗi sào không chỉ mười sáu bao như tôi dự tính mà tới những hai chục bao! Nhìn đống lúa to lù trước mặt, những lời bàn tán cứ sôi lên. Trả công cho người làm rồi, tôi còn lãi được một trăm bao lúa - tức khoảng năm tấn. Chỉ giữ lại một ít đủ cho vợ chồng ăn, còn tôi đem chia tất cho những hộ đói. Tôi lại bảo H’Choa làm một bữa rượu đãi cả làng nhưng không mảy may đả động đến chuyện lúa má xem họ nghĩ gì. Rượu ngấm, một cánh tay bỗng giơ lên, đó là ông Ten.
“Khoa giúp tôi làm lúa nước đi. Giờ con mắt tôi đã sáng ra rồi.”
Tôi chắc nịch: “Ai chịu làm sẽ đến tận ruộng chỉ việc.” Vậy là những cánh tay đồng loạt giơ lên.
Phải gác bỏ việc nhà, thậm chí lúc ăn cơm cũng không được yên. Vợ trách “Đang không lại cái việc ôm rơm vào bụng.” Tôi cười nói cho H’Choa hiểu: Đã nhen lên được việc khó này, để một người thất bại, thối chí sẽ làm lây sang người khác.
Quả là một cuộc chiến đầy sự cam go!
Bây giờ thì tôi mới thấy để đồng bào bỏ được lệ tục lạc hậu phải khó khăn như thế nào. Thành công này khiến tôi khỏe ra, tinh thần trở nên phấn chấn. Giúp đỡ bà con chính là cách để chuộc lỗi và quên đi quá khứ. Vậy là tôi đã tìm thấy động lực sống cho mình. Chỉ có điều đáng buồn với tôi là sau biến chứng sinh nở ấy, H’Choa đã không thể có con nữa. Tôi bàn với cô ấy xin con nuôi. Nghe người ta mách bên Kon Tum có vợ chồng người Xê Đăng muốn cho con, tôi tìm đến. Cứ tưởng họ nghèo khổ mà phải cho con, hóa ra chỉ vì cháu là con sinh đôi! Tập tục của người Xê Đăng, điều đáng sợ nhất là trong làng có ai đó đẻ sinh đôi. Con người ta, chỉ khi bắt vợ bắt chồng mới thành đôi, lọt lòng đã có đôi, họa chỉ là ma rừng! Không muốn trở thành ma rừng thì phải giết đi một đứa. Cũng may cha cháu là người có chút hiểu biết nên không theo lệ tục lạc hậu. Thế là cả làng xa lánh, không ai dám bước vào ngõ ngôi nhà ma quỷ ấy. Bức xúc quá cha cháu sinh ra rượu chè, đánh đập vợ con khiến cháu phải hôm ở với người này, mai nương nhờ người khác. Đã mười tuổi nhưng sự bất hạnh khiến cháu se sắt lại chỉ bằng đứa trẻ bảy, tám. Tôi lấy họ H’Choa đặt tên mới cho cháu là Siu H’diêm theo phong tục của người Jrai. Giải thoát cho cháu, tôi đâu ngờ số phận của cháu… Chuyện này để kể sau…
Người Jrai nhiều tục lệ tôi vẫn còn chưa biết. Lạ hơn cả là tục chôn chung. Họ cho rằng người ta sống thế nào thì chết về làng ma cũng vậy. Thế nên khi chết phải được chôn chung để họ sang thế giới ấy vẫn đi lại, ăn ở được với nhau. Nghe thì biết vậy nhưng chưa được tường. Cho đến ngày tôi phải đi đưa ma H’Mơi, một người bà con của H”Choa. Trước đó mới khoảng 20 ngày nhà H’Mơi đã có một người chết. Như vậy là cỏ chưa kịp mọc đã phải đào con ma cũ lên! Trời mưa như có ai nghiêng thùng mà trút. Đoàn người bì bõm lội trong mưa. Đến nhà mả, tôi hồi hộp nhìn đám thanh niên bắt tay vào việc. Chỉ mươi phút bới đất, nắp quan tài đã hiện ra trong vũng nước. Bởi để chôn chung nên cái hòm khoét bằng thân cây rất lớn. Bốn người gò lưng bẩy mà nó vẫn không nhúc nhích, phải thêm hai người nữa…
- “Bụp!” - Yếm khí nổ một tiếng nhẹ và thoát ra như một làn sương mỏng. Những người đứng gần huyệt mộ cùng giật mình té ngửa. Cái xác đã trương lên như một hình nộm bằng cao su. Thế này thì không còn chỗ đặt thêm con ma mới, họ đứng lên cái xác trương phềnh và cố sức nhún xuống. Người giẫm, người múc từ quan tài ra những vốc nước đen ngòm. Phải nữa giờ mới có chỗ cho người chết mới…
Tuy đã bóp mũi bằng hai lần vạt áo nhưng ruột gan tôi vẫn như có ai xoắn. Cả đêm hôm đó tôi không thể nào ngủ được. Cái tục lệ này khủng khiếp quá sức tưởng tượng. Không bỏ nó đi thì có ngày cái làng Tung này cũng sẽ bị xóa sổ vì bệnh tật. Bụng no mà sống với những lệ tục lạc hậu cũng vô nghĩa. Tôi đem ý nghĩ của mình nói với H’Choa, cô ấy giãy nãy:
- Không được đâu, anh sẽ ôm vào mình chuyện lôi thôi đó. Mà anh định bỏ nó bằng cách nào chớ?
Quả là tôi chưa nghĩ được cách nào thật. Tìm ông Ten ướm thử, ông ngồi lặng có vẻ suy nghĩ rất lung, cuối cùng mới bảo tôi:
- Hay mình vận động bà con dời làng ra gần chỗ làm ruộng nước đó?
Đã từ lâu tôi muốn dời làng ra cạnh cánh đồng lúa nước. Một vùng đất có thể nói là lí tưởng để làm ăn. Đã dời làng ra đó thì phải bỏ mả. Không thể đưa người chết về nhà mả cũ thì phải vào nghĩa địa mới, như thế cũng nghĩa là chẳng còn chỗ mà chôn chung nữa! Hay quá, một mũi tên được hai đích. Tôi và ông Ten bí mật chuẩn bị cho việc dời làng. Chúng tôi lên báo cáo huyện, nhờ thiết kế đường sá, chia lô đâu đó rồi họp làng. Cũng đã lường trước, tôi vẫn không nghĩ không khí lại căng đến thế. Nhà rông rung lên vì tiếng la ó, tiếng chửi. Ông Ten lúng túng, không biết nói sao để xiêu được cái lí “Lệ ông bà, có bị con ma rừng bắt đi cùng lúc nhiều người mới phải dời. Nay đang yên lành, cớ gì?” Thế này thì phải liều thôi! Tôi đứng phắt lên: “Bà con hãy cho Khoa nói một lời xem có lọt lỗ tai không. Ngày xưa ông bà mình phải vào rừng ở là để tránh bom đạn thằng địch. Nay hòa bình, phải ra chỗ đất bằng để nhà nước làm đường cho ô tô chạy đến làng; đưa điện đến cho bà con thắp đèn, xem tivi. Như vậy sướng hơn hay cứ tối tăm như con mang, con chồn trong núi?” Nghe nói điện, cả mấy người đang hăng nói cũng tự dưng lặng phắc. “Ờ, nếu ra đó mà để có điện, có cái hộp tivi như trên huyện thì được…” Chuyện đang như dây nỏ kéo căng bỗng chùng lại. Để chắc ăn, tôi và ông Ten dời nhà trước. Thế là hôm sau rồi hôm sau nữa chẳng ai bảo ai, nhà nhà nối nhau như đàn kiến rời tổ. Tôi thở phào...
Chỗ ở mới rõ ràng là hơn làng cũ một trời một vực. Có ruộng nước, có đất chăn bò, ao thả cá... Chuyện có thể đã không có gì xảy ra nếu cuộc sống nơi đất mới đủ để dân làng nhạt đi nếp cũ. Rủi thay nhà cất lên chưa ấm chỗ thì làng đã có người chết. Đó là con nhà Ma Thoa. Như một con gấu ngủ đông thức dậy, bây giờ người ta mới chợt nhớ lại cái lệ tục cố hữu của mình. Đưa người chết về làng cũ thì quá xa, lại đã bỏ mả mất rồi. Chôn vào nghĩa địa mới thì Yang phạt. Ma Thoa khóc thảm thiết. Tôi nói nhỏ vào tai anh ta: Cứ chôn vào nghĩa địa mới. Nếu Yang phạt tôi sẽ chịu. Không còn cách nào khác, Ma Thoa phải nghe. Thế nhưng làng Tung thì vẫn âm ỉ như một thùng thuốc súng. “Thằng Khoa nói ra nơi ở mới để có đường ô tô, có cái điện nhưng thấy đâu? Chẳng qua là nó lừa phỉnh để phá mình đó thôi. Phải kiện cho công an xuống bắt tù cái tội đào ngũ, phá lệ làng của nó đi!” Họ kéo nhau lên kiện huyện. Ông Hiển chủ tịch phải về tổ chức họp. Nghe thì nghe nhưng nỗi hậm hực cứ âm ỉ trong họ. Đi đâu họ cũng rủa: Thế nào Yang cũng sẽ phạt chết nhà thằng Khoa!
Chẳng biết lời rủa của họ có phải dớp hay không, vừa đúng một tháng sau ngày con Ma Thoa chết thì con Siu H’diêm của vợ chồng tôi chết!
- Cháu là chỗ dựa tinh thần, là tất cả niềm hi vọng của vợ chồng tôi - Giọng ông nghẹn lại, cố nuốt vào lòng tiếng nấc. Để cháu có được một tương lai thật tốt, tôi đã gửi cháu ra thị trấn học. Hết cấp 1, tôi xin cho cháu vào trường dân tộc nội trú tỉnh. Hôm đó đang nghỉ hè, cháu xin ra đồng tát nước cùng mẹ. Cả buổi sáng, hai mẹ con vẫn vừa làm vừa nói cười vui vẻ. Đến gần trưa con Siu H’diêm bỗng loạng choạng như người say rồi ngã úp mặt xuống nước. Nghe H’Choa la, tôi đâm bổ đến, cõng cháu chạy tới được trạm xá xã thì đã tắt thở. Đang buổi trưa, tin con H’diêm bỗng nhiên mà chết lan khắp làng như lửa cháy tranh khô. “Nói có sai đâu, thế nào Yàng cũng phạt thằng Khoa mà! Không phá nhà nó rồi đuổi đi, làng này rồi cũng bị Yàng phạt chết hết.” Mấy chục người nhanh nhảu nhất lập tức cầm dao, cầm gậy xông đến nhà tôi. H’Choa gào khóc thảm thiết. Chẳng hiểu sao trước tình thế đó tôi vẫn bình tĩnh được. Tôi bước ra đứng trên cầu thang nói xuống: Bà con hãy khoan để Khoa này nói mấy lời rồi muốn giết, muốn phá nhà cũng được. Nghĩ lại mà coi, Khoa nào thì đưa cây lúa nước về làng giúp bà con hết đói; nào bày cho bà con nuôi cá để bữa cơm có thức ăn. Đã ai thấy Khoa làm việc gì không vì dân làng chưa? Tục chôn chung, nếu nó không làm hại người sống sao Khoa phải đeo cái khổ vào thân? Yang có phạt thì phạt kẻ xấu, cớ gì lại đi phạt người làm việc tốt? Con H’diêm chết là do bệnh thôi, không tin thì ra trạm xá hỏi bác sĩ. Nó đã chết thảm thế, bà con không thương lại còn đòi giết cha nó, phá nhà nó. Làm con người mà thế, không thấy ác trong bụng à?
Câu cuối của tôi thật có sức nặng. Người ta nhìn nhau rồi lảng dần.
Nhưng mà không phá được nhà, không đụng được đến tôi, có kẻ lại bày chuyện khác. Họ xui “Cứ nhè vào vợ nó mà chửi.” Vậy là H’Choa đi lấy nước thấy, chửi; ngang qua nhà thấy, chửi... Không biết phải làm sao, H’Choa cứ đi đâu về là lại xuống bếp ngồi khóc một mình. Tôi phải cầm tay bà ấy an ủi “Cứ mặc cho họ chửi. Mình không nghe thì cũng như nước đổ lá môn. Thế nào rồi cũng có ngày họ phải chán thôi.”
Quả nhiên là chửi mãi mà thấy vợ chồng tôi cứ trơ ra thì cũng đâm chán. Quan trọng nữa là một thời gian dài trong làng không xảy ra chuyện gì bất thường. Các làng khác trong xã lại tổ chức học tập làng Tung bỏ tục chôn chung. Người làng Tung bỗng thấy như đấm tay vào bị không. Tục chôn chung thế là chấm dứt...
Ông Khoa dừng câu chuyện. Đêm có lẽ đã rất khuya. Vầng trăng xuống thấp, hắt qua cửa sổ một khung trăng ngời ngợi. Nước trong ché rượu cũng sóng sánh những trăng. Ông cúi đầu lặng lẽ như ướp mình vào ánh trăng xanh. Từng khắc lặng lẽ trôi. Ông dường như đã quên chúng tôi trước mặt…
*
Tôi viết một lá thư dài cho thằng Long thuật lại cuộc gặp gỡ. Tôi còn cẩn thận vẽ sơ đồ đường đi cho nó tới làng Tung. Mấy tháng sau công việc hoàn tất, được nghỉ phép, việc đầu tiên của tôi là sang Cao Cựu tìm thằng Long. Sau cái ôm thật chặt, bằng một giọng bùi ngùi, nó kể cho tôi nghe đoạn kết của câu chuyện xúc động này... “Nhận được thư cậu, mình lập tức lên đường. Mình đã tưởng tượng đến cái giây phút sẽ nhào vào ôm lấy cha trong tiếng khóc vỡ ra uất nghẹn… Thế nhưng khi gặp, một tấm chắn vô hình đã làm mình sững lại. Lẽ nào cha mình lại là một ông già đen đúa, lụ khụ đi bên cạnh một bà già mặc váy lộc ngộc. Những lời hỏi han ban đầu cứ như người xa lạ bị ép đến gặp nhau. Nhưng rồi dần dà một sức hút vô hình khiến mình nhào tới ôm chầm lấy cha. Những tiếng khóc vỡ ra nghẹn ngào. Bao lâu rồi những giọt nước mắt của mình mới thực sự trào ra tự đáy lòng như thế!
Rồi mình thuyết phục ông cụ về thăm nhà. Hàng bao năm nay cái làng Cao Cựu tĩnh lặng mới xảy ra một chuyện lạ đời như vậy. Cả tuần liền nhà mình cứ chật ních. Người đến thăm, người đến vì sự tò mò. Cán bộ xã cũng đến làm lễ hạ bằng “Tổ quốc ghi công” cho ông. Vậy là ông cụ đã gần bốn chục cái giỗ! Họ hàng hỏi ông bây giờ tính sao. Ông bảo: Tôi không nghĩ lại có một ngày được gặp vợ con, họ hàng, làng xóm; lại càng không thể nghĩ tất cả đều bao dung, tha thứ cho tôi. Thế nhưng từ lâu tôi đã là con người của núi rừng rồi. Vả chăng lại còn bà H’Choa nữa. Cuộc sống ở nơi ấy cần đến tôi hơn… Thế là dù họ hàng, con cháu khuyên giải thế nào, ông vẫn một hai vào lại làng Tung…”
Một cái kết quả là hơi khác với ước đoán của tôi. Nhưng dẫu sao thì nó vẫn là cái kết có hậu!
Pleiku 18/ 7/ 2024