Trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, hai làn sóng di cư lớn đã bị thúc đẩy bởi các cuộc đại chiến ở châu Âu: hàng chục ngàn người rời quê nhà đến Pháp, để chiến đấu ngoài mặt trận hoặc để làm việc, nhất là trong các nhà máy sản xuất vũ khí. Lần đầu tiên có một cuộc chạm trán giữa người Pháp với người Việt Nam diễn ra trên lãnh thổ chính quốc với quy mô lớn và giữa những thường dân, những người nông dân Việt thường không bao giờ ra khỏi làng quê và những người Pháp chỉ biết đến thuộc địa thông qua những cái tên. Nếu như tài liệu lưu trữ vẫn cần được khảo cứu hoặc tái khám phá thì chúng ta có thể nhờ cậy một nguồn khác. Những văn bản văn học quả thực có thể cung cấp thông tin về hiện tượng di cư ở Việt Nam, đặc biệt là từ góc nhìn của người Việt Nam.
Bìa ấn bản đầu tiên của tiểu thuyết "Tây phương mỹ nhơn" của Huỳnh Thị Bảo Hòa, Sài Gòn, nhà in Bảo Tồn, 1927, II-[IV]-II-76p - Ảnh: Gallica |
Bài viết này muốn tập trung vào tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn do bà Huỳnh Thị Bảo Hòa xuất bản tại Sài Gòn năm 1927. Một trong những tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đầu tiên kể về cuộc đời của một người lính Việt tham gia thế chiến và cưới một phụ nữ Pháp khi đang tại ngũ ở mặt trận phía đông. Chiến tranh chấm dứt, người chồng bị gửi trả về Đông Dương. Vợ anh ta mang thai đứa con thứ hai nhưng vẫn quyết cùng đứa con gái nhỏ lên tàu thủy đi Đông Dương. Cô đã phải đối mặt với những khó khăn tồi tệ nhất mà chính quyền thuộc địa giăng ra khi họ nhìn cuộc hôn nhân của cô bằng con mắt ác ý. Cuối cùng cô cũng được phép gặp lại chồng nhưng lúc này cặp đôi bị cấm ở lại thuộc địa. “Trên chiếc tàu sắp chạy về Pháp, có hai người hành khách, một người đàn ông An Nam, một người đàn bà Pháp, tay bồng một đứa con thơ, bên cạnh lại có đứa con gái bé ước chừng ba tuổi.” Dù sự kiện được hư cấu hay có thật, như tác giả và một trong những người viết lời giới thiệu đã khẳng định, thì đây vẫn là một tài liệu rất đáng quan tâm. Tây phương mỹ nhơn thực sự kể lại bước đường tòng chinh của một thanh niên người Việt trong suốt Thế chiến thứ nhất, từ năm 1915 đến năm 1919.
Trước hết chúng ta hãy xem từng bước của cuộc tòng quân. Sau đó chúng ta sẽ đi vào phân tích câu chữ được sử dụng để nói về tòng quân ra sao và những đoạn mô tả thực tế của chiến tranh cũng như đời sống của lính mộ. Cuối cùng, thông qua câu chuyện của một cá nhân, chúng ta sẽ thử phân tích những dụng ý và giá trị mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả.
Tuấn Ngọc, nhân vật chính, là con út của một gia đình khá giả (hương hộ giàu có) ở một làng thuộc Trung kỳ, nay là miền Trung Việt Nam. Chế độ thuộc địa đã cắm rễ sâu, người cha gửi đứa con chừng 8-9 tuổi theo “Tây học” trong khi người anh cả ở lại làng để chăm sóc cha mẹ và làm ruộng. Sau khi lấy bằng Sơ học Pháp-Việt năm 17 tuổi, anh tiếp tục đèn sách. Ba năm sau, người cha bệnh nặng qua đời, anh mới hay tin anh trai đã bán ruộng đất gia đình để chuộc cha ra tù sau khi chịu án oan giết một du khách xin ở qua đêm. Sau cái chết của cha, mẹ cũng đổ bệnh rồi qua đời, Tuấn Ngọc bị đuổi khỏi trường vì nghỉ học [quá lâu để chăm mẹ]. Ở tuổi đôi mươi, anh hẳn muốn tìm việc làm nhưng lại chưa từng học nghề gì. Anh bị hủy hôn với một gia đình điền chủ giàu có trong làng mà cha mẹ đã ước định từ lâu (điều này khiến anh nhẹ nhõm), rồi sau đó trượt kỳ thi thông ngôn do một sở tổ chức (điều này khiến anh thù ghét đồng tiền gấp đôi, vì một người bạn [Trần Háo Danh] của anh tuy dốt nát mà vẫn trúng tuyển bằng cách đút lót cho giám khảo). Trở về làng, anh không kiếm được kế sinh nhai, lại nghe nói có chiến dịch mộ lính.
Chiến dịch mộ lính
Hồi thứ hai (tr.56-63) với nhan đề “Cuộc phong vân Âu địa chiến tranh/Chí hồ thỉ Nguyễn gia ứng mộ”, dành để nói đến cuộc mộ lính tòng quân. Hồi này mở đầu bằng một trang mô tả tương quan lực lượng giữa các cường quốc Âu châu và binh lính Á châu tham gia chiến trận, sau đó vạch trần tình hình của Việt Nam dưới thời Pháp bảo hộ. Chiến dịch mộ lính được quan lại tích cực triển khai sau khi triều đình ra chỉ dụ.
“Khi ấy nước Việt-Nam [sic] cũng dự cuộc chiến tranh đó, vì chánh phủ Pháp thương thuyết với vua, rồi có chỉ dụ cho mộ lính để đem qua giúp Pháp. Hễ ai ra ứng mộ thì được thưởng một số tiền là 80$00, có hạng thì 45$00, và cho tiền tháng để lại cho vợ con anh em. Đạo nghị định ấy ban ra thì khắp các tỉnh đâu đâu cũng có mộ lính, các nha môn đều có hiểu dụ cho dân biết, lại thêm các viên quan trung thành với chánh phủ bảo hộ và muốn lập công thăng chức, các ngài mới đem tài Trương Nghi, Tô Tần [hai người có tài biện thuyết (khéo nói) ở đời Chiến Quốc] ra diễn thuyết cho dân nghe.” (tr.57)(1) |
Nhờ công sức của quan lại mà cuộc tuyển mộ thành công tốt đẹp: người ứng mộ bị quyến rũ bởi lời lẽ, mồi phú quý và bả vinh hoa, kéo đến “hàng mấy vạn người”.
“Cái phong trào tuyển lính lan ra khắp mọi nơi, trong hương thôn nhiều người nao-nức kéo nhau ra ứng mộ, người nào quan thầy thuốc xem hợp cách thì đi, ai yếu đuối phải loại ra, người nào trúng tuyển thì cha mẹ vợ con khóc lóc, sợ chết bỏ thân nơi nước người, nỗi thảm khốc kể sao cho xiết.” (tr.58) |
Sau khi bàn bạc, Tuấn Ngọc và anh trai quyết chí ra đi, coi đăng lính là một cách thoát khỏi khó khăn, nhưng cũng có phần ham thích phiêu lưu. Hai anh em ra ứng tuyển ở tòa Pháp [dinh công sứ]:
“Cách ít bữa sau tại dinh quan công-sứ, đồng hồ đánh 8 tiếng, cửa tòa mở rộng, các ông thông ông phán vào bàn giấy làm việc, ngoài cửa tòa có một lũ đông người đứng chực đưa đơn tình nguyện; con nít đàn bà theo sau khóc khóc mếu mếu, vì nỗi chồng con đi ứng mộ. Trong đám đông ấy có hai người thanh niên là Minh Châu và Tuấn Ngọc, hai anh em ra đầu đơn tại tòa, quan trên chấp đơn, theo lệ thường anh em Tuấn Ngọc tới phòng cho quan đốc-tờ khám nghiệm, khám xong hai anh em đều trúng tuyển cả.” (tr.61) |
Cuộc tuyển mộ diễn ra mau chóng. Cốt yếu là việc khám sức khỏe do một “đốc-tờ” (docteur) thực hiện, ông ta sẽ từ chối người nào không đủ hình thể. Được “trúng tuyển” do đó là một niềm tự hào. Người ứng mộ có thể không được phép về nhà trước khi nhập trại. Cuốn tiểu thuyết chỉ nói rằng “vài ngày sau, có người gặp anh em Minh Châu ăn mặc đồ binh [...] dạo chơi trên con đường giữa phố.” (tr.61).
Trước khi xuống tàu đi Sài Gòn, rồi Marseille, họ phải theo một khóa huấn luyện đặc biệt ở trại binh đóng trong thành.
Trại huấn luyện
“Từ đó anh em hằng ngày luyện tập, thức khuya dậy sớm ăn uống cam khổ, làm việc nặng nề.” (tr.62) Lời văn hàm súc. Cuộc sống trong trại gian khổ, nhất là với Tuấn Ngọc, “một học trò” [dài lưng tốn vải ăn no lại nằm] chưa từng làm việc chân tay. Tuy nhiên anh tập quen với việc huấn luyện quân sự nhờ vào sự “bền chí kiên gan” (tr.62) và phải chống chọi sự ngược đãi của cai đội người Việt:
“Song le khổ về một nỗi bác Cai thầy Đội ỷ quyền húng hiếp lên mặt làm oai, hơi sai một tí gì thì phạt thì giam, thậm chí dùng đến báng súng chuôi gươm mà đánh vào lưng người đồng-bào, mà chẳng chút thương tâm. Ôi! Gà cùng một mẹ bôi mặt đá nhau! Có người vì phải đòn mà mang bịnh, rủi có chết thì đổ tại trời, còn biết kêu vào đâu cho được. Minh Châu và Tuấn Ngọc cũng biết vậy chẳng nài khó nhọc nên chẳng bao lâu cũng quen lần, nhờ tập luyện mà gân cốt ngày một cứng, da thịt cũng nở nang, việc cầm súng chùi gươm đã thuần thục. Kế được lịnh trên, anh em Tuấn Ngọc cùng các bạn đồng nghiệp đều xuống tàu sang Pháp.” (tr.62) |
Trong trại lính, cai và đội “ỷ quyền húng hiếp lên mặt làm oai” là những người có thế lực nhất. Đối mặt với hệ thống không cho phép người ta khiếu nại này, kể cả chết vì bị đánh và thương tích bởi những người giám sát, thì chiến lược mà hai nhân vật vạch ra - có lẽ khả dĩ nhất - là cúi đầu nhịn nhục tuân lệnh.
Sau kỳ huấn luyện ở trại binh (không rõ thời gian), thì hành trình đến Pháp kéo dài một tháng rưỡi trên biển lại là một thử thách mới.
Hành trình trên biển
Minh Châu và Tuấn Ngọc đáp tàu ở nửa chặng. Những lính mộ khác bắt đầu xuống từ Hải Phòng, cảng chính ở phía bắc. Con tàu chật ních, đưa lính tới tận Sài Gòn, nhưng còn chở cả khách và hàng hóa nữa:
“Khi ấy gặp tiết cuối xuân sang hạ, trời thanh biển lặng, tàu chạy sang Pháp [sic] cũng ít sóng gió; chuyến này đi có chở 800 lính mộ, lại thêm hành khách cũng đông, còn hàng hóa thì chất đống như núi. Trong tàu chật chội, nên lính phải ở dưới hầm tàu; gặp lúc trời nóng bức, trong hầm thì chật hẹp mà chứa hằng 7, 8 trăm con người, làm cho không khí bế tắc mất cả vệ sinh. Những lính, người nào người ấy mặt mày đỏ lửng, mồ hôi nhỏ giọt, phần thì ăn uống thất thường, tấm thân cực khổ kể sao cho xiết. Có người sức yếu lâm bịnh nặng, thuốc thang sơ sài mà phải chết. Cho nên mỗi chuyến tàu chở lính từ Hải Phòng tới Sài Gòn thì sao cũng có đôi ba mươi người lính bị thiệt mạng.” (tr.64) |
Tới Sài Gòn, lính mộ bắt một tàu khác, lớn hơn; và họ cũng được phép rời khỏi hầm tàu:
“Nhưng may khi đến Sài Gòn thì sang tàu khác rộng hơn, và cho lính ở trên boong tàu, cho nên cũng đỡ bớt. Từ Annam sang Tây tàu linh đinh mặt biển, nhiều khi phải ẩn tránh, nên ngót tháng rưỡi mới tới nơi.” (tr.65) |
Đến gần nước Pháp, lính mộ mới thực sự thấy cái chết bày trước mắt, bởi có một vụ tàu trúng thủy lôi nổ tan tác:
“Khi tàu đến địa phận Âu châu bắt đầu từ Địa Trung Hải trở đi, quân Đức thả thủy lôi và cho tàu ngầm rình đánh tàu các nước Đồng minh, đi gần tới mấy chỗ nguy hiểm, thì trong tàu dự bị sẵn sàng, mỗi người đều đeo phao vào mình và thả tam bản xuống nước phòng khi rủi ro tàu bị chìm khỏi chết. Cũng một chuyến ấy có chiếc tàu Anh Cát Lợi chở lính Ấn Độ sang Âu châu, chiếc tàu ấy đi trước cách tàu Pháp chừng vài mươi hải lý thì đụng nhằm thủy lôi nghe một tiếng nổ vang trời động đất, xem ra thì chiếc tàu Anh bị vỡ làm đôi, và chìm lỉm xuống đáy biển, những lính và thủy thủ trong tàu, kẻ thì chết, người thì trôi chới với giữa giòng, may gặp tàu khác tới cứu thì sống, không may thì chôn vào bụng cá.” (tr.65) |
Trong nhà máy và ngoài mặt trận
Thời gian ở lại Marseille không rõ bao lâu nhưng chính đây là nơi lính mộ được phân tán, tùy theo thể trạng, vào làm công nhân hoặc ra làm lính trận ở nhiều địa điểm khác nhau:
“Đến Mạc-Xây [Marseille] quan Thống soái mới ra lịnh cho các lính thợ đi giúp việc các xưởng chế tạo binh khí, và đi sửa các chỗ bị giặc tàn phá. Nhơn thiếu binh tiếp ở mặt trận, quan Thống soái mới cho lựa lấy những người mạnh mẽ và tập luyện giỏi rồi cho đi tiếp ứng và giữ các chỗ giáp giới nước Đức. Minh Châu thuộc về lính thợ phải đi Tu-Long [Toulon] giúp việc trong xưởng máy. Còn Tuấn Ngọc được tuyển vào lính trận thì đi Vệ Đông [Verdun] để ra phòng giữ các chỗ hiểm yếu, vì thế cho nên anh em lại phân ly [mỗi] người một ngả.” (tr.66) |
Ngoài chiến trường cũng như trong nhà máy, lính mộ phải chịu những điều kiện rất khắc nghiệt. Công việc ở xưởng thì nguy hiểm, khiến cho công nhân bị thương tật cả đời. Ở đoạn sau (Hồi thứ tám), kể rằng: “Minh Châu ở Tu-Long làm trong xưởng máy, những việc khó nhọc nguy hiểm, như chế thuốc súng để làm đạn, vì nhiều hơi độc quá nên có kẻ mù mắt. Nhưng Minh Châu tốt phước nên qua khỏi không bị tật như họ.” (tr.117).
Về phần lính trận gửi qua phía đông thì họ thực sự ở ngoài tiền tuyến. Ngoài bom đạn, “nước Đức phát minh ra nhiều thứ mới lạ, như là xe phá lũy, lại thêm các thứ hơi độc [...]” (tr. 66). Tuấn Ngọc chịu trách nhiệm “ngày ngày canh gác, chuyên việc tuần phòng” (tr. 66). Đời sống của anh vì thế vừa thiếu thốn lại thường trực hiểm nguy:
“Tuấn Ngọc nhiều lần phải ở dưới hầm hàng mấy ngày. Có lúc thiếu thốn lương thực quân lính phải nhịn đói nhịn khát, và thức luôn đêm luôn ngày; hai bên đánh nhau, bên tai nghe súng nổ đì đùng, trên đầu đạn bay qua vì vụt, chung quanh thì xác chết ngổn ngang, trông rất nên ghê sợ. Trong quân thì lương thực thiếu luôn, vì đường giao thông bị cắt, dân gian thì đi lánh nạn không ai cày cấy làm ăn, nên mọi vật dùng đều thiếu thốn, quân lính chỉ ăn bánh khô uống nước lã để cầm thực mà thôi. Sự cực khổ không bút nào tả cho cùng. Nhứt là lính thuộc địa lại càng khổ hơn nữa, vì không quen khí hậu.” (tr.67)
“Tuấn Ngọc nhiều lần phải ở dưới hầm hàng mấy ngày. Có lúc thiếu thốn lương thực quân lính phải nhịn đói nhịn khát, và thức luôn đêm luôn ngày; hai bên đánh nhau, bên tai nghe súng nổ đì đùng, trên đầu đạn bay qua vì vụt, chung quanh thì xác chết ngổn ngang, trông rất nên ghê sợ. Trong quân thì lương thực thiếu luôn, vì đường giao thông bị cắt, dân gian thì đi lánh nạn không ai cày cấy làm ăn, nên mọi vật dùng đều thiếu thốn, quân lính chỉ ăn bánh khô uống nước lã để cầm thực mà thôi. Sự cực khổ không bút nào tả cho cùng. Nhứt là lính thuộc địa lại càng khổ hơn nữa, vì không quen khí hậu.” (tr.67) |
Anh cũng tham gia các chiến dịch quân sự bảo vệ thành phố. Anh bị thương và được đưa vào một quân y viện:
“Thành Vệ Đông gần chỗ giáp giới thường bị quân giặc tràn qua phá hại, và ném bom giết hại vô kể, nên sự canh giữ rất là vất vả. Tuấn Ngọc đôi phen xông pha hàng trận, tỏ ra người can đảm quan trên phải ngợi khen. Một ngày kia toán lính đi tuần bị giặc ném bom vào toán quân, nhiều người chết và bị thương. Tuấn Ngọc cũng bị mảnh trái phá bắn vào đùi và vai bị thương, nên phải khiêng về nhà bệnh viện; các chỗ thương tích phải mổ cho nên đau đớn nhức nhối, nằm mê man trong mấy ngày, hễ chợp mắt đi thì chiêm bao mộng mị, tỉnh giấc ra lại nghe những tiếng rên rỉ của bịnh nhơn, người bể đầu, kẻ gãy tay.” (tr.69) |
Chính trong bệnh viện nơi Tuấn Ngọc phải nằm lại mấy tháng mà anh gặp được Bạch Lan(2), một thiếu nữ tình nguyện của Hồng Thập Tự. Sau khi bình phục, anh được gửi trả lại trại binh rồi bị điều đi nơi khác:
“Được ít lâu, nước Pháp thắng trận sông Mã-Nê [Marne], nước Đức bại trận lui lần về, cho nên việc tuần phòng cũng bớt vất vả. Nước Pháp khôi phục được hai tỉnh An-Sắt [Alsace], Lô-ren [Lorraine], công việc chấn chỉnh lại cần phải có nhiều người, nên có lịnh rút bớt quân ở Vệ Đông đem về An-Sắt. Tuấn Ngọc theo đạo binh đổi về An-Sắt, ở đấy cũng được thong thả hơn.” (tr.72) |
Anh được phân công dưới quyền một trung úy ở thành An Sắt(3):
“Khi Tuấn Ngọc đổi đến đó thuộc quyền trung úy coi sóc. Trung úy Đạt Văn thấy Tuấn Ngọc là người lanh lợi lại thêm chữ nghĩa giỏi giang, ông đem lòng yêu mà chọn làm thơ ký riêng cho ông, khỏi làm công việc nặng nề như lính khác.” (tr.75) |
Mục đích của chúng tôi không phải là dựng lại lộ trình và bản đồ hoạt động chính xác của một người lính mộ Việt Nam tại Pháp trong Thế chiến thứ nhất. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng cuốn tiểu thuyết đã thuật lại hành trình của một người lính mộ từ chiến hào ngoài mặt trận đến văn phòng một sĩ quan Pháp. Dù vẫn ở trong doanh trại nhưng cuộc sống hằng ngày của anh đã trở thành cuộc sống của một nhân viên bàn giấy:
“Từ đó Tuấn Ngọc ngày ngày tới đó làm các giấy má cho Đạt Văn, ông thấy cậu nết na thành thiệt thì tin cậy lắm. Nhưng Tuấn Ngọc không phải như ai thấy quan yêu mà lên mặt, cậu cứ giữ cho hết bổn phận mà thôi. Hết giờ làm về trại thì lại đọc sách và dạy giùm những lính chưa biết chữ; đôi khi lại viết giùm đơn trương thơ từ, cho nên anh em nghĩ tình cho quà bánh luôn, nên cũng phong lưu lắm.” (tr.76) |
Chính nhờ công việc trong văn phòng của sĩ quan người Pháp này mà anh có cơ hội gặp lại Bạch Lan, người không ai khác là con gái út của cấp trên đó. Bạch Lan giới thiệu anh với cha mẹ và họ cho phép Tuấn Ngọc tới nhà riêng. Sau khi đã vượt qua mọi trở ngại, hai người được phép chính thức thành hôn ở nhà thờ trong thành phố.
Tuy nhiên, Tuấn Ngọc vẫn là anh lính với “tiền lương tháng chẳng đáng là bao” (tr.114); vợ anh phải làm việc may vá thêu thùa để trang trải. Sau khi [các nước Đồng minh] “ký tờ ‘đình chiến’ ngày 11 Novembre [tháng 11] năm 1918” và nhận được thư anh trai báo tin muốn trở về Đông Dương, Tuấn Ngọc nghĩ tới chuyện giải ngũ. “Tuấn Ngọc nghĩ có một cách hễ mãn hạn, thì xin cho lại tùy tiện làm ăn bao giờ giàu có dư dả sẽ đem vợ con về nước cho luôn. Nghĩ rồi bèn làm đơn xin gởi lên quan trên, thì được quan cho tùy ý.” (tr.119).
Mãn hạn quân ngũ
Niềm vui của dân chúng Pháp vì chiến tranh kết thúc chẳng mang lại lợi ích gì cho lính mộ. Chiến sự chấm dứt nghĩa là không còn cần đến binh lính và thợ thuyền thuộc địa: “Giặc yên rồi chính phủ hạ lịnh thải bớt lính các nước về cho đỡ phí tổn; lính thợ ở Tu Long cũng cho về (chim hết thì bẻ ná).” (tr.118).
Tiền trợ cấp giải ngũ không đủ để cải thiện đời sống. Mãn hạn lính mà Tuấn Ngọc chẳng nhận được gì:
“Tuấn Ngọc mãn khóa giao trả đồ quân phục lại cho nhà nước mà ra 2 bàn tay trắng. Kể từ khi ra ứng mộ đến nay 4, 5 năm trời, trải bao gian nan nguy hiểm, xông pha vào chỗ muôn chết, mà không được một chút danh phận gì; duy có vài tấm giấy khen hão mà thôi.” (tr.119) |
Nhờ giỏi tiếng Pháp mà cuộc sống mới của anh ở Pháp trong vai trò làm công ăn lương đỡ chật vật: “Tuấn Ngọc thôi lính ra ngoài kiếm việc khác mà làm. Nhờ có tài khôn khéo lại chữ nghĩa khá, nên tiền lương cũng đủ dùng, khỏi lo bề thiếu thốn.” (tr.120).
Đáng lẽ Tuấn Ngọc có thể ở lại Pháp và sống an nhàn như bao người lao động khác, tỉ như Lamine Senghor, anh lính tập người Sénegal đã cưới một cô vợ Pháp vậy. Nhưng một trở ngại nữa lại ngăn anh thực hiện kế hoạch này. Mặc dù đã được cho phép ở lại Pháp vì là chồng của gái Pháp, nhưng vì lời tố cáo của một kẻ từng lỡ duyên với vợ Tuấn Ngọc nên anh bị đuổi về Đông Dương.
Điều đáng lưu ý là sau khi mãn hạn lính trở về làng, hai anh em lại bắt đầu một cuộc sống mà họ đã từng hy vọng rời bỏ bốn năm về trước. Minh Châu phải cày cấy còn Tuấn Ngọc thì thử mọi cách trước khi quyết định dấn thân vào thương trường, tìm mua hàng hóa của nhà sản xuất rồi đem vào thành phố bán. Hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo nhờ đi lính thuộc địa đã hoàn toàn thất bại. Không có đủ tiền đáp tàu trở lại Pháp, Tuấn Ngọc cay đắng nghĩ:
“Xong việc rồi lại hết sức tìm cách trở qua Tây, nhưng luống công vô ích, vì lúc nầy hết giặc nhà nước không cần dùng người nữa. Nếu muốn đi trừ phi có tiền nhà mới được. Nhưng tiền tàu mắc lắm, không có bạc năm bảy trăm thì không xong. Mà Tuấn Ngọc thì gia tư thanh bạch món tiền to thế làm chi cho có. Tuấn Ngọc ngẫm nghĩ lấy làm ghê cho thế lực kim tiền, vì có tiền thì được trung được hiếu, không tiền mất thảo mất ngay.” (tr.127)
“Xong việc rồi lại hết sức tìm cách trở qua Tây, nhưng luống công vô ích, vì lúc nầy hết giặc nhà nước không cần dùng người nữa. Nếu muốn đi trừ phi có tiền nhà mới được. Nhưng tiền tàu mắc lắm, không có bạc năm bảy trăm thì không xong. Mà Tuấn Ngọc thì gia tư thanh bạch món tiền to thế làm chi cho có. Tuấn Ngọc ngẫm nghĩ lấy làm ghê cho thế lực kim tiền, vì có tiền thì được trung được hiếu, không tiền mất thảo mất ngay.” (tr.127) |
Tiền lương của lính hay của thợ không đáng là bao. Khi ký hợp đồng thì anh nhận một khoản, mà phần nhiều đã để lại cho gia đình, vì lính mộ sẽ lập tức được đưa vào doanh trại. Số tiền này có thể dao động lớn, từ 45$ cho tới 80$ tùy theo hạng, như đã nói trong sách, cái cốt yếu là đi lính thì gia đình sẽ bớt được một miệng ăn trong vài năm và được nhận một phần lương(4). Lính mộ nhận một phần nhỏ của lương tháng, phần còn lại gửi cho gia đình, do quan huyện lãnh giùm. Trong tiểu thuyết, số bạc này là 3$ mỗi tháng, còn khoản 18$ (tức hai lần 9$ do Tuấn Ngọc lúc đăng lính còn độc thân nên phần của anh gửi cho chị dâu), thì tri huyện phải phân phát cho gia đình hàng quý.
Một hệ thống lừa đảo ở thuộc địa
Đăng lính quả thực không phải là chuyện của cá nhân, mà là chuyện của gia đình. Một trong những lý do thúc đẩy người ta ra đi chính là vì hứa hẹn giúp gia đình ở lại quê nhà có thể nhận một khoản tiền đều đặn trong thời gian nghĩa vụ. Tuy nhiên, sự tình không dễ như vậy: “(...) từ khi hai anh em đi Tây, để tiền lại cứ 3 tháng mới lãnh một kỳ là 18 đồng, trong ba bốn năm trời kể có hàng mấy trăm đồng bạc, mà Trương thị không được lãnh đồng nào cả.” (tr.126).
Tiền mà hai anh em gửi về đã bị quan trên, người chịu trách nhiệm phân phát, đoạt mất vì một lý do đơn giản và nhờ một chữ ký giả mạo dễ dàng:
“Hồ tri huyện là người tham lam vô hạn, từ trước đã làm cho hai cha mẹ Tuấn Ngọc tán thân bại gia rồi; đã đổi đi tỉnh khác, nhơn tiếc chỗ huyện đó béo bở dễ kiếm tiền, mới thầy thợ xin đổi trở về huyện nầy. Nay thấy hai anh em Minh Châu đi lính để tiền lại cho Trương thị 3 tháng lãnh một kỳ là 18 đồng, Hồ tri huyện thấy đàn bà quê mùa dốt nát còn anh em Minh Châu đi lính chắc bị chết vì súng, không còn ai kêu nài chi nữa, nghĩ vậy mới đem lòng tham hạ bút làm điều đê tiện, mà mạo chữ ký rồi lấy tiền bỏ túi. Mỗi lần Trương thị đến lãnh thì dối rằng không có quan trên chưa gởi, Trương thị nhiều lần phải đi chầu chực mất công, mà không được chi; sau lần thua buồn cũng thôi. Còn quan huyện thi hành thủ đoạn ấy chẳng những một mình Trương thị mà còn nhiều người khác nữa. Nên mỗi kỳ quan mạo 5, 6 chữ ký thế là quan đút túi được bạc trăm rồi; tha hồ ăn chơi phung phí, hầu non gái đẹp nhởn nhơ!” (tr.116) |
Số tiền bị cướp đoạt ngót 300$, tương đương với 16 quý, tức 4 năm trời. Chỉ sau khi hai anh em đâm đơn kiện thì mới lấy lại được tiền. Lừa đảo rất khó bị vạch trần do thiếu thông tin liên lạc. Tuy nhiên, ta thấy gia đình đã nỗ lực để báo tin cho hai anh em:
“[Vợ Minh Châu] có nhiều lần gởi thơ cho Minh Châu, song vì đường sá bị giặc ngăn trở, cho nên thơ từ bị lạc hết, cho nên Minh Châu không hay biết chi hết. Mãi đến năm sau Trương thị mới bắt được thơ mới biết Minh châu ở Tu-Long. Trương thị nhờ người viết giùm một lá thơ kể hết nông nỗi ở nhà mẹ con khốn khổ, vì không lãnh được tiền lương.” (tr.116-117). |
Vì không biết tiếng Pháp nên Minh Châu nhờ em trai khiếu nại. Đối mặt với thái độ im lặng của chính quyền, “[...] Tuấn Ngọc làm đơn kêu với quan trên nhiều lần, song cũng không thấy hiệu chi. Sau Tuấn Ngọc mới viết thơ cho Minh Châu dặn giữ những thơ từ ấy để làm bằng cớ, sau về nước hẵng hay.” (tr.118)
Đoạn này cho thấy nhân vật có đủ hiểu biết về hệ thống Pháp. Chính vì vậy anh đợi về nước mới làm. “Ừ, để ta dò la cho kỹ, tìm bằng cớ cho đủ, rồi làm đơn kiện quan huyện; hễ quan trên mà công bình ra, thì Tri huyện phải tội nặng.” (tr.126). Hai anh em khiếu nại đã thành, nhưng cái được của họ không có nghĩa là công lý đã thiết lập ở thuộc địa:
“Tuấn Ngọc tìm được chứng cớ đích xác rồi, anh em Tuấn Ngọc đầu đơn kiện quan huyện; việc tới tỉnh tới tòa, quan trên xét ra quả thiệt tri huyện man trá mới trị tội. Hồ tri huyện biết lỗi lo chạy mất nhiều tiền, nhưng vì tri huyện hà lạm quá làm nhiều điều trái phép, hiện có nhiều đơn kiện nữa, quan trên không thể làm ngơ che lấp được. Cho nên phải cách chức Hồ tri huyện và đuổi về [làm] dân, và bổ quan huyện khác về thay, lại bắt trả những tiền ăn gian của Trương thị lại tất cả ngót 300 đồng.” (tr.126) |
Chúng ta đã đi về cuối câu chuyện đăng lính. Số tiền trả lại cho gia đình là công sức bốn năm quân ngũ của hai anh em; số ấy dường như chỉ đủ để chi trả lúc bí bách. Tuấn Ngọc đưa phần mình cho gia đình anh trai, vì dầu thế nào, anh cũng không thể tính chuyện mua vé tàu vì nó cao gấp bồn lần số tiền đó. Nhập ngũ quả thật chỉ là một lời hứa hão về cuộc sống tươi đẹp hơn.
Trong tiểu thuyết, lính mộ gọi là lính(5) (lính; một từ thông dụng trong tiếng Việt ngày nay), lính thợ (lính, thợ) hoặc lính trận (lính, đánh trận). Về miêu tả một người lính mặc quân phục, có đoạn:
“Vài ngày sau [sau đợt tuyển quân], có người gặp anh em Minh Châu, ăn mặc đồ binh, đầu đội mũ chào mào, chân quấn xà cạp, mang giày sơn-đá lập cập, mình mặc bộ áo ka-ki rộng xùng xình, hai anh em đã nghiễm nhiên là hai bác lính chào mào đương lững thững dạo chơi trên con đường giữa phố.” (tr.62) |
Ta cũng bắt gặp từ lính thuộc địa mà Mĩ Sen, một phú hộ ve vãn Bạch Lan, đã dùng để gièm pha Tuấn Ngọc (tr.81). Cụm từ này cũng được chính Bạch Lan sử dụng để giải thích với cha mẹ rằng cô đã gặp Tuấn Ngọc trong bệnh viện (tr.77), nhưng nói chung cô tránh gọi anh bằng từ lính, thay vào đó là những cách gọi khác:
“Cậu sang giúp nước tôi trong cơn binh hỏa.” (tr.70)
“đem thân vô vòng quân lính” (tr.78)
“vốn người Annam sang tùng chinh” (tr.81)
Đối với Bạch Lan, từ lính có vẻ không thích hợp để chỉ Tuấn Ngọc. Sự thật là anh ở Pháp chỉ tạm thời (đi lính không phải nhiệm vụ của anh), như một nghĩa vụ cao quý (đến cứu giúp nước Pháp) hoặc vì bắt buộc (làm lính không phải là lựa chọn của anh).
Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, thông qua câu chuyện mộ lính của nhân vật chính hồi Đại chiến thế giới, đã vạch trần hố sâu ngăn cách giữa những lời diễn văn đẹp đẽ và thực tế phũ phàng kéo dài suốt bốn năm. |
Những từ dùng chỉ lính mộ tuy vậy không mang nghĩa tiêu cực. Trong đoạn mô tả quân phục của lính, những chữ “hai bác lính chào mào” là chữ dân gian thường dùng, thậm chí biểu thị cho cái nhìn ngưỡng mộ của người ngoài đối với quân phục. Cũng như hai người anh em trong tiểu thuyết, lính mộ chắc hẳn cũng có thoáng kiêu hãnh trước khi vào trại huấn luyện.
Tương tự như vậy, các động từ chỉ quá trình ứng mộ, mộ lính, tuyển lính không mang hàm ý xấu. Tuyển thường được dùng để chỉ quá trình sàng lọc chọn ra những gì tốt nhất. Còn mộ là một từ cũ, theo tự điển nghĩa là “gọi và bắt nhiều người cùng lúc làm việc gì đó”. Từ này chỉ dùng cho mộ lính và mộ phu; sau khi chấm dứt chế độ lao dịch khế ước thì nó không còn được sử dụng nữa.
Từ mộ (không nên nhầm với từ đồng âm “mộ” nghĩa là mộ phần) ban đầu có thể nhẹ nhàng nhưng sau đó đã trở thành một từ hàm ý nặng nề trong văn chương và văn hóa Việt Nam. Trong các tác phẩm văn chương, có thể thấy xung quanh một đoạn hội thoại giữa các nhân vật rằng từ này “làm người ta lạnh sống lưng”. Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, thông qua câu chuyện mộ lính của nhân vật chính hồi Đại chiến thế giới, đã vạch trần hố sâu ngăn cách giữa những lời diễn văn đẹp đẽ và thực tế phũ phàng kéo dài suốt bốn năm.
Động cơ thăng tiến
Chiến dịch mộ lính rất khác với mộ phu, bởi lẽ mộ lính là do chính quyền kêu gọi. Chỉ dụ của triều đình được quan lại sốt sắng tuân theo bởi họ thấy có cơ hội thể hiện với triều đình lẫn chính quyền thuộc địa. Họ trưng ra mặt lấp lánh của chiếc mề-đay tới tận thôn làng:
“[Quan lại] nói rằng giúp nước Pháp thì được vinh hoa: phẩm hàm mề-đay, rủi có thác lại lập miễu phụng thờ, cái tài dỗ dân của các quan rất khéo, khiến cho hạng thanh niên cường tráng ra ứng mộ hàng mấy vạn người.” (tr.57) |
Trong những bài phát biểu chính thức, đăng lính được nói đến như một phương cách thăng tiến xã hội xuất sắc: trở nên giàu có và trở về làng với địa vị cao quý. Thoát khỏi hoàn cảnh quen thuộc, dù sống hay chết (được hứa lập miễu thờ) thực sự là khát vọng của quần chúng. Vì lẽ đó không có gì ngạc nhiên khi người tình nguyện đăng lính ồ ạt kéo đến “hàng vạn” như mô tả trong tiểu thuyết đề cập đến An Nam xưa với tổng dân số 90.000 người(6).
Động lực của người ra ứng tuyển
“Những người ra mộ cũng có nhiều lẽ, nhưng phần nhiều đều bị cái mồi phú quí cái bả vinh hoa nó quyến rũ, hoặc ham tiền thưởng mà ra đi, còn kể chi là sống chết; tóm lại hạng người như vậy thì nhiều, chớ ít người có chí muốn ra nước ngoài cho rộng tầm con mắt, mà bắt chước cái văn minh Âu-Mỹ hoặc học lấy kỹ nghệ công thương, một mai đem về bồi bổ cho nước nhà, hạng người có chí thì ít, chỉ rặt những phường phí thân để cầu lấy chút lời con con, hoặc để vui chơi làm mãn nguyện.” (tr.58) |
Dưới ngòi bút của một nữ văn sĩ hiện đại(7) - thêm vào những điều đó còn có cái ngây thơ phù phiếm của những thanh niên ấy. Sự hăng hái ra ứng mộ và niềm kiêu hãnh được “chọn” của họ trái ngược với nước mắt của mẹ, của vợ, một “nỗi thảm khốc kể sao cho xiết”. Khác với phần lớn lính mộ, Tuấn Ngọc có những lý do khác mang tính cá nhân hơn:
“Tuấn Ngọc từ khi bị Lê phú ông từ hôn, lấy làm chán ngán thói đời, phần thì thù cha chưa trả, việc làm ăn cũng lắm nỗi long đong, nay nghe mộ lính sang Tây, mới nghĩ rằng: kiếp nam nhi đứng trong vũ trụ, công sanh thành đã không toàn chữ hiếu, nợ quốc gia không báo cho hết chữ trung, chẳng là hổ thẹn với non sông lắm ru.” (tr.59) |
Chuẩn mực Nho giáo - hiếu nghĩa và trung quân - đã che lấp những lý do có lẽ tầm thường hơn. Tuy nhiên, vấn đề tài chính gia đình và sự bế tắc của đời sống cá nhân cũng như công việc có lẽ không phải là những động cơ duy nhất. Mong muốn phiêu lưu và mong muốn học hỏi thế giới bên ngoài có thể đã đóng một vai trò đáng kể: quả thực Tuấn Ngọc đã tận dụng những ngày ở Pháp để học tập. Đáp lại câu hỏi của người anh về lý do nổ ra chiến tranh ở châu Âu, anh đã đưa ra phân tích của riêng mình và chia sẻ kế hoạch đăng lính. Một lần nữa, anh không đưa ra lý do thực sự mà chỉ phơi bày tư tưởng Nho giáo về cái chết danh dự, bằng cách nêu tấm gương điển tích về người quân tử thà chết nơi sa trường hơn là sống nệm ấm chăn êm.
Điều thú vị là lời lẽ của Tuấn Ngọc thấm đẫm những tư tưởng của một phong trào nghĩa sĩ, phong trào của những người theo chủ nghĩa hiện đại mà khoảng mười năm trước(8) đã kêu gọi mở cửa xã hội Việt Nam. Trong suy nghĩ của Tuấn Ngọc, một người đàn ông phải khám phá thế giới chứ không ru rú một góc nhà; anh thấy đăng lính là một cơ hội “đi tới nước văn minh, họa may lĩnh hội được ít nhiều, sau các nước họ khỏi cười ta là dã man hèn nhát” (tr.60). Trong thời gian ở Pháp, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đọc sách (tr.76, tr.102), dạy cho những người lính khác viết hoặc viết thư giùm họ, và thậm chí còn học chơi vĩ cầm (tr.77).
Dấu vết hiện đại còn hiện rõ khi loay hoay tìm việc để trả tiền tàu trở về Pháp với vợ con, anh đã quyết định buôn bán: “Ở thế kỷ thứ hai mươi nầy thì sĩ nông công thương thảy đều trọng cả. Thôi chừ ta văn không hay, võ không thành, âu là ta xây qua bề thiệt nghiệp, họa may có ngày phấn chấn, rồi ta lo kinh doanh cho lớn, trước là giúp ích cho đời, sau nữa cũng mở mặt râu mày với thiên hạ.” (tr.182).
Nhân vật Tuấn Ngọc, năm 1915, đang ở độ tuổi hai mươi, dường như rất hiểu những sự kiện thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trong những năm 1905-1908 ở Trung kỳ. Tuy nhiên, theo tiểu thuyết thì phần lớn lính mộ không có lý tưởng cao đẹp như vậy. Dẫu sao thì sự thật của mộ lính vẫn khác xa với những ý tưởng cao vời.
Sự thật của mộ lính và chiến tranh
Những người ra ứng mộ phần lớn không hiểu biết gì. Khi cố gắng động viên anh trai tham gia, Tuấn Ngọc đã giải thích nghề đi lính như sau: “Thưa anh, đời nay họ đánh giặc bằng súng đạn, chớ không phải như xưa mà đánh bằng gươm giáo, những lính mới mộ họ tập đi đứng cho có thứ tự và biết cầm súng là đủ.” (tr.60).
Mặt trái của chiếc mề-đay bắt đầu lộ diện, như đã thấy, ngay khi vào trại huấn luyện, trước cả khi xuống tàu, lính mộ đã không có ăn, bị đánh đập sỉ nhục hằng ngày, rồi sau đó là hiểm nguy bủa vây triền miên trên biển. Khi tới Pháp, lính thợ có nguy cơ bị mù vì khói độc trong các nhà máy chế tạo vũ khí. Trên chiến trường, nếu không bị thương hoặc bỏ xác vì súng đạn thì lính thợ cũng phải vùi mình suốt ngày trong chiến hào, xung quanh là “xác chết ngổn ngang, trông rất nên ghê sợ.” (tr.67). Thêm vào đó là mùa đông khắc nghiệt làm rã rời hàng ngũ:
“Có nhiều người ngủ một đêm tới sáng dậy thấy chết cứng từ bao giờ, là vì máu đông lại mà chết, trông rất thảm thương; những cảnh tượng ấy xẩy ra hằng ngày trước mắt Tuấn Ngọc, không thể kể hết, ai có đi tùng chinh rồi mới biết.” (tr.68) |
Có thể tưởng tượng rằng đối với lính mộ còn sống thì ám ảnh về chiến tranh như nhân vật trong tiểu thuyết này chịu là có thật. Tác phẩm nhắc đến tổn thương đó một cách thoáng qua nhưng chắn hẳn nó ghê gớm khôn tả. Đối với người chết, đã có một sự công nhận chính thức, dù sớm hay muộn, bằng tượng đài dựng trong ba thànhphố lớn ở Việt Nam: năm 1920 ở kinh đô Huế, trước trường Quốc Học; năm 1928 ở Hà Nội (mười năm sau khi chiến tranh kết thúc); và ở Sài Gòn. Không có miễu thờ như đã hứa nhưng một vài người được khắc tên ở tượng đài, như ở Huế có 78 cái tên người Việt trong vùng này.
Khác với những gì có thể công nhận đối với việc tòng chinh ở châu Phi, hoặc ngay cả ở Thái Lan(9), tòng chinh trong thời Đại chiến không được người Việt Nam nghĩ, trải nghiệm như một phương cách giải phóng. Lý do thì có nhiều. Trước hết vì sự tổ chức tuyển mộ và bối cảnh xã hội chính trị chung của đất nước. Chiến dịch tuyển mộ mà quan lại hỗ trợ, hẳn là rình rang, được triển khai chỉ bảy năm sau cuộc đàn áp năm 1908, cuộc đàn áp đã dập tắt tiếng nói của những người đòi hiện đại hóa mà những lãnh tụ chính đã bị bỏ tù hoặc chịu lưu đày. Năm 1914-1915, chúng ta chưa thể nói đến “làng báo”(10) Việt Nam: ở phía bắc, duy chỉ tờ Đông Dương tạp chí (Revue indochinoise) đưa tin, nhưng chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh đã bị ép buộc định hướng nội dung nghiêng về văn học để có vẻ vô hại. Một lý do khác là chính bản thân lính mộ. Trình độ học vấn và động lực không cho phép họ thấy điều gì khác ngoài tiền trợ cấp và mề-đay. Trừ những trường hợp ngoại lệ, cuộc tòng chinh trong Thế chiến thứ nhất đã không mang đến thăng tiến xã hội hay nhận thức chính trị tập thể nào(11).
Nguyễn Phương Ngọc là giảng viên, có tư cách chủ trì các nghiên cứu về Việt Nam tại Khoa Nghiên cứu châu Á của Đại học Aix Marseille và là thành viên của Viện Nghiên cứu châu Á (IRASIA, UMR 7306, CNRS-AMU) mà bà làm giám đốc từ năm 2018. Trong luận án À l'origine de l'anthropologie au Vietnam (Nguồn gốc nhân học ở Việt Nam) xuất bản thành sách năm 2012, bà đã nghiên cứu các nhà nhân học đầu tiên của Việt Nam như Nguyễn Văn Huyên, tiến sĩ Trường Sorbonne và thành viên của Viện Viễn Đông Bác cổ từ năm 1939 đến năm 1945 trước khi trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam [Dân chủ Cộng hòa, 1946-1975] suốt ba mươi năm. Bằng cách tiếp tục nghiên cứu về giới trí thức và các nhà văn Việt Nam, bà đã bảo vệ lấy tư cách chủ trì nghiên cứu (HDR) bằng luận án có tên Recherche sur l’espace littéraire vietnamien (1900-1945). Bà cũng dịch các tiểu thuyết tiếng Việt sang tiếng Pháp như Giấc mộng con của Tản Đà (1917) và Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa (1927) được nhà xuất bản Decrescenzo ra mắt vào năm 2017 và 2020. Bản dịch của Tây phương mỹ nhơn kể về một chàng thanh niên người Việt đăng lính đi chiến đấu ở Pháp trong thời Đại chiến và cưới một cô gái Pháp. Bản dịch được hỗ trợ bởi tổ chức Pháp ngữ quốc tế (OIF) trong khuôn khổ dự án Tempo Traduction 2020. |
Số phận của lính mộ sống sót sau Đại chiến có thể là một chủ đề chưa được nhắc đến ở Đông Dương, ngoại trừ trong những lễ tưởng niệm ngày 11 tháng 11. Cũng giống như hai nhân vật trong tiểu thuyết, những lính mộ còn sống hẳn đã tiếp tục cuộc sống khó khăn hằng ngày như trước khi họ rời bỏ để đi chinh chiến bốn năm về trước. Văn chương lúc này có thể là một nguồn hữu ích. Văn chương quả thực gọi họ là “lính mộ” cũ, lại thường mô tả họ như kẻ điên hoặc bạo lực. Nhân vật nổi tiếng Chí Phèo, “kẻ cùng đinh liều mạng”, là một ví dụ. Hắn từng là lính mộ(12) trước khi phục dịch cho lý trưởng. Gã nông dân “lành như cục đất” bất ngờ trở về từ cuộc chiến. Hắn ứng mộ để giúp gia đình thoát cảnh nghèo đói, nhưng lại nghe vợ nói không còn xu nào của khoản tiền đi lính. Trên thực tế, chính lý trưởng đã cùng với người vợ tiêu xài hết. Bị người chồng đòi tiền, lý trưởng chối bỏ tất cả bằng cách cho anh ta tiền và thuê anh ta ở đợ, nhất là để đe dọa các con nợ và kẻ thù của lý trưởng. Sau khi đi lính về, gã nông dân không còn muốn làm ruộng nữa và trở thành một loại tay sai, đồng lõa trong việc duy trì áp bức ở làng hắn.
Tòng chinh trong thời Đại chiến mà chính quyền đế quốc và chính quyền thuộc địa bày ra, dường như đã cuốn xã hội Việt Nam thời thuộc địa vào một lời dối trá có chủ ý, ở nhiều cấp độ và ít nhiều chính thức, như ta thấy trong tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn (1927) hay truyện ngắn Chí Phèo (1941). |
Tòng chinh trong thời Đại chiến mà chính quyền đế quốc và chính quyền thuộc địa bày ra, dường như đã cuốn xã hội Việt Nam thời thuộc địa vào một lời dối trá có chủ ý, ở nhiều cấp độ và ít nhiều chính thức, như ta thấy trong tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn (1927) hay truyện ngắn Chí Phèo (1941). Kết cục là lính mộ và gia đình luôn là người thua cuộc: “Thương hại thay Trương thị! Mẹ con đành chịu đói rách cực khổ, chạy ngược chạy xuôi, được bữa trưa mất bữa tối, mà không biết kêu vào đâu cho được.” (tr.116).
Dân chúng Việt Nam dĩ nhiên vẫn biết thực tế của việc đi lính. Ngay chữ mộ trong tuyển mộ đã hàm ý tiêu cực(13). Kinh nghiệm của lần đi thứ nhất từ năm 1915 đến năm 1919 sẽ tác động trực tiếp đến chiến dịch lần thứ hai vào năm 1939-1940: người ra ứng mộ ít hơn hẳn, và để đáp ứng yêu cầu của chính quyền, bọn thế lực trong làng nhân cơ hội đó bắt đi những người nghèo nhất hoặc chọn người trong phe cánh cạnh tranh(14).
Để hiểu hơn về việc đi lính trong thế chiến, đặc biệt là ở góc độ đời sống thường nhật và góc độ biểu tượng, ta cần xây dựng một kho ngữ liệu văn học. Trường hợp tiểu thuyết tập trung hoàn toàn vào chuyện tòng chinh và nhân vật chính là lính mộ như tiểu thuyết được dẫn ra ở đây là một ngoại lệ. Tuy thế, trong truyện ngắn và tiểu thuyết, nhân vật phụ có thể là cựu lính mộ; hoặc có những đoạn văn nói về chuyện đi lính. Chúng ta cũng có những bài vè đi Tây(15), những bài thơ đã xuất bản hoặc chưa, kể về chuyện nhập ngũ của một người hay một tập thể theo một phong cách ước lệ, một nghiên cứu về hoàn cảnh và xuất thân của họ và của tác giả có thể sẽ hé lộ thêm về hiện tượng đi lính trong xã hội Việt Nam(16).
Ngoài giá trị tư liệu về sự kiện đi lính, tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn đã đem đến cho độc giả một thế giới quan mới của nước Pháp và của người Pháp thông qua đoạn đường của một người lính mộ, và vạch trần thân phận con người nói chung, cũng như thân phận của kẻ bị trị.
Rời bỏ làng quê, đất nước, Tuấn Ngọc khám phá trước hết là lính mộ đến từ các quốc gia khác. Ngoài chiến trường, trước làn đạn của quân thù, lính mộ cùng chung một số phận: “Tại đó có đủ các thứ binh Tàu, Nhựt, Ấn Độ, Chà Và, các giống da trắng, đen, vàng, đỏ cùng nhau hòa giọt máu đào trong trường chiến trận.” (tr.67).
Trong truyện không nói nhân vật kề vai sát cánh với người Tàu (từ “binh” trong tiếng Việt chỉ lính trong quân ngũ) hay người Nhật (có lẽ là chi tiết hư cấu), nhưng anh đặc biệt đồng cảm với người Phi khi chứng kiến họ chết vì mùa đông khắc nghiệt:
“Lính Tàu, lính Nhựt thì còn khá, duy có lính da đen họ sinh trưởng ở miền nhiệt đới, chưa quen chịu lạnh, nay phải tùng chinh qua Pháp gặp lúc tuyết sa gió Bắc, thì khốn khổ cho họ biết bao! Có nhiều người ngủ một đêm tới sáng dậy thấy chết cứng từ bao giờ [...]” (tr.68) |
Còn về người Pháp, đề cập đầu tiên trong tác phẩm là về Bạch Lan, một y tá tình nguyện. Có lẽ bệnh viện là nơi anh thường thấy phụ nữ Pháp, những cô y tá không phải đều đối xử trọng thị với “lính thuộc địa” bị thương, điều này khiến anh cảm thán:
“Trong các cô nữ khán-hộ duy có Bạch Lan là người có tư cách hoàn toàn, lính các nước coi bình đẳng như nhau, không bắt chước như mấy cô kia đem lòng kỳ thị, một dạ khinh khi đối với kẻ vì nước mình mà hi sinh tánh mạng.” (tr.72) |
Những người Pháp khác, ở Pháp và ở Đông Dương, thường xuất hiện trong tác phẩm với một thái độ kỳ thị đối với dân thuộc địa.
Thân phận người dân thuộc địa
Quả thực, dù cho phải chịu gian khổ suốt thời chiến tranh nhưng điều khiến Tuấn Ngọc khó chịu nhất chính là bị coi như hạ đẳng. Nhiều đoạn mô tả sự bất công xã hội và sự nhục nhã khi bị đối xử như nô lệ.
Trong một lần đến nhà Bạch Lan, Tuấn Ngọc gặp anh chàng Mĩ Sen (Michel?). Người này khi biết anh là lính mộ, đã “lấy khăn lau tay [...] để tỏ ra lòng kỳ thị; đoạn bỏ nói sang chuyện khác, chớ không thèm nói chi với Tuấn Ngọc cả” (tr.81). Sau đó, trước mặt cha của Bạch Lan - cô gái mà hắn đang tán tỉnh, Mĩ Sen thuyết giảng một bài mà có lẽ nhiều người Pháp khác ở chính quốc đồng tình: “[...] nếu người đó quả là tài hạnh, thì can chi phải cực khổ sang đến nước ta làm chi?” (tr. 89). Tuấn ngọc thấy người ta thay đổi thái độ ngay khi biết anh là lính mộ, nhưng anh vẫn bình thản như không. Nhiều đoạn văn cho thấy anh hoàn toàn nhận thức được địa vị của kẻ thuộc quốc.
Trong một cuộc trò chuyện với Bạch Lan, khi cô gặng hỏi lý do khiến Tuấn Ngọc ra đi, anh đã nói quê hương mình là xứ “mất tự do” (tr.79). Đối mặt với bất công (anh bị buộc tội ăn cắp đồng hồ) khiến anh bị giam cầm 8 ngày, anh đã than van: “Ôi! Tấm thân nộ lệ đi đâu cũng là nô lệ [...]” (tr. 96). Sau này, để thuyết phục Bạch Lan đợi mình trở lại Pháp, anh nói: “[...] nước tôi còn dưới quyền bảo hộ, người quý quốc họ sẵn lòng kỳ thị và khinh dễ chúng tôi, coi như là nô lệ.” (tr.121).
Cuối cùng khi vợ chồng gặp lại nhau và Bạch Lan muốn bất chấp lệnh cấm của chính quyền để về tận làng thì anh đã giải thích rằng thực tế thuộc địa không chấp nhận quan hệ của hai người:
“Ở nước tôi không phải được tự do như nước Pháp, nếu không nghe, thì họa đến sau lưng, như thế chẳng ích chi mà lại thêm khổ cho nhau mà thôi, vả lại đàng sá quê mùa lặn lội, nếu nàng có lòng thì để tôi về nhà mời bà con ra cho nàng thăm cũng đủ, rồi sẽ thu xếp mà qua Pháp mới được, chớ ở đây thì không yên với họ.” (tr.191) |
Cảnh hùng hồn nhất là cảnh đối đầu giữa Tuấn Ngọc và viên sĩ quan Pháp ở trại binh mà Tuấn Ngọc được phân về sau khi bình phục. Viên sĩ quan buộc tội anh đã đánh cắp chiếc đồng hồ của hắn. Lập luận của viên sĩ quan, rằng “người nước anh có tính gian giảo lắm, dầu anh khéo nói cho mấy ta cũng không tin” (tr. 93) khiến cho Tuấn Ngọc tức giận mà đáp trả: “Chẳng hay ông có bằng cớ gì mà dám cả quyết cho tôi là ăn cắp của ông? Nếu tôi có lầm lỗi thì ông mắng một mình tôi, can chi ông nói xấu cả nước tôi như vậy? Kìa những việc giết người lấy của, móc túi lần lưng, lường gạt lẫn nhau hằng ngày xảy ra nhan nhản đó, thì nước nào nhiều ăn cắp hơn?” (tr.93).
Án mạng suýt nữa đã xảy ra nếu như Bạch Lan không can thiệp để trấn an cha mình và cứu người yêu. Quả thực, đối diện với khẩu súng lục mà viên trung úy vung lên, Tuấn Ngọc “xông tới cự lại dầu sống chết cũng cam, chớ không thèm lạy lục kêu van như người hèn nhát.” (tr.93).
Mâu thuẫn giữa sĩ quan Pháp và Tuấn Ngọc được giải quyết êm đẹp (Tuấn Ngọc rửa được tiếng oan sau khi phát hiện ra tên trộm thực sự là một gia nhân người Pháp; rồi anh được cho phép kết hôn vì chiến công giết gián điệp Đức và đoạt lấy tài liệu quan trọng), nhưng bất công vẫn đeo đẳng thân phận người thuộc địa. Chữ cường quyền nhiều lần được dùng trong tiểu thuyết. Ngay cả một phụ nữ Pháp như Bạch Lan, khi cưới một người Việt Nam cũng phải chịu hậu quả của cường quyền trong lúc mòn mỏi đợi Tuấn Ngọc quay lại Pháp:
“Thầm trách cái cường quyền kia thật là độc địa, vợ chồng ta đang đoàn tụ, bỗng phân rẽ hai nơi; lại thơ ta gởi cho chồng ta can cớ chi mà cũng lạc mất? Nghĩ cái xã hội Việt Nam [sic] cũng nhiều điều uất ức!” (tr.140) |
Một nước Pháp văn minh
Trong bối cảnh ấy, Bạch Lan nổi bật lên giữa một xã hội thực dân Pháp đầy quyền lực. Được người phụ nữ trẻ của hội Hồng Thập Tự chăm sóc tận tình, Tuấn Ngọc đã suy nghĩ như sau:
“Cô này cốt cách phong lưu ắt hẳn con nhà trâm anh đài các, cô lại không nài khó nhọc, tình nguyện vô hội Hồng Thập Tự đi giúp người bị nạn, thiệt đáng khen! Rồi cậu lại nghĩ: con gái nước văn minh khí khái như thế đó, lúc nước nhà hữu hạn, tấm thân bồ liễu không mang gươm ra trận, nhưng cũng chung một nghĩa vụ là hiến thân cho nước [...]” (tr.70-71) |
So với cậu ấm cô chiêu nước Nam thì một trời một vực. Những người đó “chưa hiểu quốc gia là gì, nghĩa vụ là gì, thì làm sao cho có cái tư cách cao thượng ấy!” (tr.71).
Những cuộc trò chuyện giữa anh với Bạch Lan trong lúc anh nằm viện cũng như sau này ở nhà nàng, thường về những chủ đề cao quý như văn chương, lịch sử, “công nghiệp anh hùng” (tr.72). Bạch Lan ở đây là mẫu người phụ nữ học thức và thị dân(17). Cô 29 tuổi (tr.74)(18), lớn lên trong một gia đình yêu thương và khoan hậu. Cha mẹ không buộc cô phải cưới chồng và cho phép cô được tiếp đón bạn bè:
“[...] vợ chồng Đạt Văn vui lòng coi Tuấn Ngọc như người bạn của con mình (vì phong tục Âu châu không câu nệ sự con trai con gái làm bạn với nhau), nên cho phép đi lại chơi bời như khách vậy. Mỗi khi Tuấn Ngọc gặp ngày nghỉ thường đến chơi với Bạch Lan, có khi đàm luận về cách trí văn chương, có lúc lại cầm kỳ thi họa. Tuấn Ngọc bẩm tính thông minh, từ khi qua Tây lại học được nghề đánh đờn vi-ô-lông (violon) nên thường cùng nhau xướng họa, thật là tài tử giai nhơn ít ai bì kịp.” (tr.77) |
Cha mẹ cô thậm chí còn chúc phúc khi Bạch Lan thổ lộ tình cảm. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà thờ, sau đó là chiêu đãi ở nhà cô dâu cùng với đầy đủ quan khách và “mấy người anh em bạn của Tuấn Ngọc.” (tr.113).
Kết thúc có hậu cho câu chuyện tình yêu giữa hai người đã chứng minh cho độc giả Việt Nam thấy một gia đình Pháp khác biệt với mô hình truyền thống mà họ biết như thế nào(19). Cha của Bạch Lan, dù là lính nhưng vẫn dám nhận lỗi lầm, điều này đối với Việt Nam chắc chắn là biểu hiện của một tinh thần cao cả của một người Pháp có văn hóa. Bên cạnh người cha nghiêm khắc nhưng đầy tình yêu thương này là một người mẹ nhân hậu và thấu hiểu, người chị cả của Bạch Lan cũng là một nhân vật tích cực luôn ủng hộ và giúp đỡ tài chính cho em qua Đông Dương. Con hầu Sa Nhi, “bộ tịch nhanh nhảu, tính nết thật thà”, cũng rất gắn bó: “vừa thấy cái phong con tem trong có hàng chữ Indochine, bất giác mừng rỡ vội vã chạy vào kêu Bạch Lan: cô ơi! Có thơ bên Đông Dương đây nầy! Cô khá mau ra mà xem!” (tr.136).
Tính phổ quát của tình cảm con người
Vượt lên những khác biệt về địa vị trong một xã hội thuộc địa, về văn hóa và giáo dục, cuốn tiểu thuyết đã dàn dựng những nhân vật mang tính phổ quát của nhân tình, dù là Pháp hay Việt.
Những nhân vật phản diện, bị thúc đẩy bởi đố kị nhỏ nhen hoặc thèm khát quyền lực, hoặc bởi lòng tham thì ở Pháp hay ở Việt Nam đều có cả. Tên nhà giàu Mĩ Sen hay đứa con nhà gia thế Sĩ Vinh khao khát Bạch Lan đã làm đủ mọi cách để trả thù Tuấn Ngọc: khiến cho Tuấn Ngọc không thể thăng tiến dù xứng đáng (tr.112) và thậm chí phải rời nước Pháp (tr.120). Ở Việt Nam thì có quan chủ tỉnh và cảnh sát trưởng gây khó dễ đủ trò để ngăn Bạch Lan tìm chồng: trước là lừa cô, sau là đe dọa những người muốn giúp cô, cuối cùng là đe dọa cô “nếu không nghe lời thì tôi có thể cưỡng bách cô phải tuân lịnh; vì chiếu theo pháp luật thì tên ấy không có phép kết hôn với cô, mà tôi có thể bắt phải về Pháp được.” (tr.175). Người Việt Nam xấu xa cũng không ngoại lệ: một gã giàu có muốn dụ dỗ Bạch Lan với lý do có tin chồng của cô (tr.165-169). Về phần Tuấn ngọc, cũng như lính mộ khác, anh phải chịu sự độc đoán của cai và đội, những người lợi dụng tình thế để đàn áp họ nhưng có cả một đồng đội cũ đã tố cáo anh với thuyền trưởng và tên tri huyện ăn chặn đồng lương anh gửi về cho gia đình.
Về các nhân vật chính diện, họ đều xuất hiện ở cả hai bên Pháp và Việt. Trong hành trình đi tìm chồng, Bạch Lan được cô Tư Hiệp giúp đỡ. Tư Hiệp có học và biết nói tiếng Pháp nhưng nhìn chung, dân chúng ở Trung kỳ hay ở Nam kỳ đều thông cảm với cô:
“Bạch Lan để con là Tuyết Mai ngồi trong một cái xe nhỏ hằng ngày đi đâu thì dắt theo, thơ thẩn tìm chồng, tình cảnh rất đáng thương. Khiến cho ai xem thấy và biết rõ tâm sự Bạch Lan, thì cũng ái ngại, và ngợi khen là người tiết nghĩa, cho nên có nhiều người muốn xem cho biết mặt, mỗi khi nàng đi ra ngoài thiên hạ theo coi như đám hội; có nhiều người thấy Tuyết Mai thì thường đem cho bánh trái luôn.” (tr.162) |
Đối với độc giả Việt Nam, Bạch Lan rõ ràng là mẫu hình của tình yêu và chung thủy, mẫu hình được tôn vinh bởi phẩm chất của một phụ nữ Pháp và bởi lòng dũng cảm tìm tới tận An Nam, trong khi “tay bồng con dại, bụng nọ hoài thai” (tr.162). Tìm chồng trong tuyệt vọng, cô đã đến bước đường muốn quyên sinh trước mặt quan chủ tỉnh, khiến cho quan phải can ngăn. Nhờ sự giúp đỡ của một nhân viên người Việt mà Bạch Lan giành được quyền gặp lại chồng. Tên người đó là Hoàng Trung Trực, anh ta biện hộ cho Bạch Lan trước quan chủ tỉnh chỉ biết lo giữ thể diện:
“Chủ tỉnh còn dùng dằng chưa quyết, vì sợ mất lòng ông Gia Bi, và sợ người Annam thấy đàn bà Pháp như vậy thì chê cười chăng? Ông Hoàng Trung Trực thấy quan tỉnh hiểu lầm như thế, nên cắt nghĩa rằng: người Annam tôi thấy đàn bà quý quốc ăn ở thủy chung như vậy, thì ngợi khen lắm, khi nào lại cười chê mà ngài sợ.” (tr.178) |
Nhờ có nhân viên người Việt trong bộ máy thuộc địa này can thiệp mà quan chủ tỉnh “đành phải tư giấy về làng đòi Tuấn Ngọc phải ra hầu quan lập tức.” (tr.178)
Tình cảm chung của độc giả Việt Nam khi câu chuyện kết thúc dường như được phản ánh trong đoạn cuối tiểu thuyết:
“Trong xã hội Nam kỳ có nhiều người đi tiễn chưn [tức, chân] còn đứng trên cầu nhìn theo, hồi lâu chiếc tàu đi khuất, trông ra nước mây man mác chỉ thấy một đám đen đen bập bình theo làn sóng, bất giác ngậm ngùi rơi lệ [...]” (tr.194) |
Tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn được xuất bản năm 1927, tám năm sau khi thế chiến kết thúc và lính mộ trở về. Chúng ta không biết công luận và chính quyền đã đón nhận tiểu thuyết ra sao, nhưng sự tồn tại của nó dường như khá mờ nhạt trong phê bình cũng như trong lịch sử văn chương Việt Nam. Cho tới khi Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội tái khám phá và tái bản nó vào năm 2003 trong một cuốn sách giới thiệu toàn bộ sáng tác của Huỳnh Thị Bảo Hòa(20) thì tiểu thuyết này chưa từng nổi tiếng ở Việt Nam, ngay cả giáo viên và các nhà nghiên cứu cũng không biết đến. Ngoài những thông tin tác phẩm cung cấp về sự tòng chinh của lính Việt Nam trong Thế chiến thứ nhất, cuốn tiểu thuyết có lẽ còn hữu ích cho sử gia như một trường hợp cần nghiên cứu, mà trong đó văn chương được cho là một phương thức hành động. Đây là ý của nhà nho hiện đại Huỳnh Thúc Kháng, người viết lời tựa: “Ấy chính vì thế mà tiểu thuyết mới thành ra một thứ lợi khí truyền bá tư tưởng trong xã hội”. Về sự thật của tòng chinh, của dự án thuộc địa, của kỳ vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn, cuốn tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn chắc chắn đem lại cho độc giả nhiều ý tưởng và giá trị hơn bất kỳ lời diễn thuyết chính thức nào.
Bài viết có tên đầy đủ là "Nguồn văn học đối với nghiên cứu về tòng quân. Trường hợp tiểu thuyết tiếng Việt 'Tây phương mỹ nhơn' (1972)", được trích từ cuốn sách "Lao động di cư trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc" (Omega & NXB Hồng Đức). |
1. Tây phương mỹ nhơn nguyên bản được viết bằng tiếng Việt, trong bài viết này tác giả đã dịch những đoạn trích sang tiếng Pháp. Vì vậy, thay vì dịch ngược trở lại, chúng tôi chọn giải pháp tối ưu là truy nguyên lại toàn bộ văn bản dựa trên bản in năm 1927 tại Sài Gòn - BT.
2. Thời đó tên nhân vật người Pháp đều được Việt hóa. Những tên này thường có nghĩa: Bạch Lan (trắng, hoa lan) và Tuấn Ngọc (oai vệ, đá quý) nói lên phẩm chất đạo đức và vẻ ngoài của họ.
3. Thành An-Sắt có lẽ là Thann, trong thời chiến vẫn thuộc Pháp. Cảm ơn Gilles de Gantès đã cung cấp cho tôi thông tin này.
4. Nhưng trên tờ yết thị lưu ở ANOM, khoản tiền này chỉ có 20$.
5. Trong tiếng Việt ngày nay, chữ lính được dùng song song với chữ bộ đội, chữ lính thì thân mật gần gũi hơn (những người lính cũng dùng chữ này để nói về chính họ trong những tình huống khác nhau), còn từ bộ đội để chỉ “một chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
6. Mireille Le Van Ho, Des Vietnamiens dans la Grande guerre (Người Việt trong Đại chiến thế giới), Paris, Ed. Vendémiaire, 2014, tr. 11. Tác giả nói tổng số lính mộ từ năm 1915 đến năm 1919: 91.747, trong đó 48.981 lính thợ được bổ vào các nhà máy chế tạo vũ khí (ghi chú 5, tr.228).
7. Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982) là một văn sĩ nổi tiếng. Bà sống ở Tourane (nay là Đà Nẵng), cách kinh đô Huế 90km, bà viết báo và cổ vũ bình dân học vụ, đặc biệt là cho phụ nữ. Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết đã diễn ra tại thành phố Tourane, khi bà khoảng 25 tuổi.
8. Sau chiến thắng của Nhật Bản trước Nga năm 1905, các nhà nho hiện đại đã kêu gọi dân chúng “duy tân”, mở trường học, mở báo chí và đầu tư vào kinh tế. “Duy Tân” thậm chí còn được chọn cho triều đại mới năm 1907; ở tuổi 16, hoàng đế Duy Tân lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1916 và bị đày đi Réunion. Trong tiểu thuyết, “nhà vua” là chỉ vị vua trẻ tuổi ấy, một nhà “ái quốc” đối với ngườiViệt Nam. Xem: Gilles de Gantès et Nguyen Phuong Ngoc, Vietnam, le moment moderniste, Aix-en-Provence, PUP, 2009.
9. “Master of their own destiny. Asians in the First World War and its aftermath” (Làm chủ vận mệnh. Người châu Á trong Thế chiến thứ nhất và hậu quả), 9-10 tháng 11 năm 2018, triển lãm và hội thảo quốc tế do đại học Chulalongkorn và IRASEC tổ chức; http://www.irasec. com/documents/fichiers/209.pdf. Xem thêm: Claire Tran Thi Lien [Trần Thị Liên], “Première Guerre mondiale: ces Asiatiques venus au front” (Thế chiến thứ nhất: những người châu Á ở mặt trận), Le Journal du CNRS, 9 tháng 11 năm 2018, https://lejournal.cnrs.fr/billets/premiere-guerre-mondiale-ces-asiatiques-venus-au-front
10. Chữ của Philippe Peycam, The Birth of Vietnamese Political Journalism. Saigon 1916-1930, New York, Columbia University Press, 2012.
11. Văn khố lưu giữ rất nhiều báo cáo thể hiện một tinh thần phản kháng của những người lính mộ đối với thân hào ở làng quê, nhưng chính quyền thuộc địa dường như biết rõ về thói nhũng lạm của quan lại và thân hào đã mau chóng buộc tội các lính mộ này. Xem thêm Mireille Le Van Ho, sđd, tr. 208-215.
12. Nam Cao, Chí Phèo, paria casse-cou, et autres nouvelles, dịch bởi Le Van Lap và Georges Boudarel, la Tour d’Aigues, Ed. De l’Aube, 1997.
13. Di cư lao động - tới đồn điền và đặc biệt qua Thái Bình Dương - đã được trải nghiệm như một chấn thương tâm thần. Có những câu thơ rất phổ biến về đồn điền cao su đã lan tỏa và neo giữ một hình ảnh nhất định trong tâm trí của người Việt, từ đó chuẩn bị cho sự thể hiện chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Vụ ám sát giám đốc Tổng nha Lao động Đông Dương, Alfred Bazin, người chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân lực cho các mỏ ở Tân-Calédonie, là một sự kiện chấn động trên báo chí Việt Nam.
14. Như ví dụ trong tiểu thuyết có nhan đề Lính thợ O.N.S. của Đặng Văn Long, Hà Nội, Nxb. Lao Động, 1996.
15. Dang Van Chieu, Vè lính tập và thơ đi Tây (có thơ lính tập gởi về làng), Sài Gòn, Impr. de l’Union, 1919 (tái bản lần 3).
16. Chính quyền cũng quan tâm đến văn chương nhằm nâng cao tinh thần binh lính, các ấn phẩm dường như được phân phát cho lính trận và lính thợ. Phân tích những tác phẩm này sẽ cho phép hiểu hơn kỳ vọng của lính mộ và những gì mà chính quyền chịu trách nhiệm đáp ứng cho hàng chục ngàn người Việt ấy.
17. Việc khám phá phụ nữ Pháp là một khía cạnh được các nhà sử học nhấn mạnh, nhưng câu chuyện được kể trong tiểu thuyết này khác hẳn, liên quan đến một người phụ nữ xuất thân thượng lưu chứ không phải công nhân, nông dân hay gái làng chơi.
18. Tuấn Ngọc khoảng 25 tuổi, cách biệt này không có gì ghê gớm trong văn hóa Việt Nam thời đó.
19. Năm 1925, tiểu thuyết nổi tiếng Tố Tâm kể chuyện tình ngang trái của Đạm Thủy với Tố Tâm. Bị gia đình ép cưới một người mình không yêu, Tố Tâm đã chết ngay sau đám cưới.
20. Trương Duy Hy, Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa. Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên, Hà Nội, Nxb. Văn Học, 2003. Những trang trích dẫn trong bài viết này là của lần tái bản 2003. Phiên bản gốc của tác phẩm (gồm hai tập) hiện có trên Gallica, trong thư viện số Pháp-Việt Nam do BnF mở từ mùa xuân năm 2020. Bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Phương Ngọc, xuất bản cuối năm 2020 với sự hỗ trợ của tổ chức Pháp ngữ (OIF) trong khuôn khổ dự án Tempo Traduction.
Lao động di cư trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc (Eric Guerassimoff, Andrew Hardy, Nguyen Phuong Ngoc và Emmanuel Poisson chủ biên; Thanh Thư dịch, NXB Hồng Đức, 2024) bao gồm 12 tiểu luận đặc sắc của nhiều nhà Việt Nam học hàng đầu cùng bàn luận về chủ đề rất hiếm khi được đề cập đến trong các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Đó là những cuộc di dân trong lịch sử Việt Nam. Cuốn sách là thành quả hợp tác của các nhà Việt Nam học đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 4 tác giả người Việt và 9 tác giả nước ngoài, với những phông lưu trữ phong phú ở Việt Nam, Tân-Calédonie, phông Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (ANOM), phông Công ty Le Nickel... Từ những cách tiếp cận khác nhau, dựa trên nguồn sử liệu phong phú, thông qua cuốn sách, một bức tranh rộng lớn về lịch sử di dân ở Việt Nam thời Pháp thuộc lần đầu tiên được phác họa một cách sáng rõ, góp phần mở ra một góc nhìn mới về sự cai trị của đế chế, đồng thời giúp độc giả thấy được cách thức đế quốc Pháp đã vận hành ở cấp địa phương và ở bình diện đa quốc gia, trong tương quan với những đế quốc khác là Việt Nam và Trung Hoa. Sách thuộc Tủ sách "Hiểu về Việt Nam qua các tư liệu Pháp ngữ" của Omega Plus. |
Nguyễn Phương Ngọc
------------
Bài viết cùng chuyên mục: