Sáng tác

Chuyện của Tét

Đức Anh
Truyện
13:28 | 21/10/2024
Baovannghe.vn - Chuyện của Tét được trích từ tiểu thuyết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời của nhà văn Đức Anh - tác phẩm giành Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023.
aa

Họ yêu nhau. Đúng hơn: họ nghiện nhau. Nhưng không bởi điều gì to tát mà là vì một thứ mùi cơ thể. Mùi của anh giống như lá xương sông cắt nghiền ra vào mùa hè. Mùi của cô giống như xà bông rơi xuống, bị xéo nát trên nền đất và ứ ở đó lâu năm. Cái mùi đó của nhau làm họ như bị tâm thần. Họ nằm bên nhau mười bảy tiếng lẻ hai mươi lăm phút mỗi thứ bảy và mười sáu tiếng mỗi chủ nhật (dẫu chủ nhật thì định đi xem phim Mỹ). Trên giường, mỏi mệt, họ thấy sống mũi của nhau óng lên ánh sáng bò ra từ khe dưới cửa, vụt thẳng vào lọ hoa khách sạn giả men rạn. Họ thấy nhau trong gương, trần truồng. Lại ngửi thấy mùi, họ vồ lấy nhau và yêu nhau như những cơn động đất ở Nepal.

Cô gái không mấy ai nhớ tên thật. Chứng minh thư ghi Lê Thị Hồng Tuyết. Trong chứng minh thư, tóc cô ngắn không nhìn thấy dấu vết sau tai. Nhưng bên ngoài, cô thích người ta gọi là Tét, cô ghét cái tên quá Trung Quốc của mình. Tóc cô dài đến hông, những sợi quăn tự nhiên. Cô cao một mét bảy mươi mốt, chân thon dài, nhưng cô không sải bước, cô đứng im để trái đất xoay quanh. Cô hay mặc sơ mi trắng. Trên chiếc sơ mi trắng, khuôn mặt cô có ánh sáng của một nỗi tiếc nuối cổ xưa, lúc loài người minh mẫn và hạnh phúc. Đôi mắt cô sắc sảo và quỷ quyệt, nhưng là một nỗi quỷ quyệt lâu không được dùng đến. Nụ cười của cô là nụ cười thấu thị kẻ đối diện. Ngực cô rất to. Và mỗi khi cô xuất hiện, cùng một lúc người ta vừa say mê vừa khó chịu. Cô nói một thứ tiếng Việt của tương lai, một thứ ngôn ngữ của luận điểm không che giấu hay nể nang. Mọi lời nói của cô đều là lập luận bén ngọt. Cô cũng biết khuyên người khác những điều mà rồi sẽ nghiệm đúng. Và khi khinh bỉ, cô im lặng, môi cô mím lại, ánh mắt trượt đi vào khoảng không trung ở giữa. Người ta sợ cô nói chuyện với họ. Người ta cũng sợ cô không nói chuyện với họ. Đối diện với cô, người ta tìm cách lánh mặt hoặc lảng sang chuyện khác, vì họ cảm thấy mất đi cái chủ quyền riêng tư được tự hiểu về mình mà không có kẻ nào được can thiệp. Trước khi quen anh, cô làm bạn với một con mèo lười biếng và bạc nhược, không biết cả bắt gián, cô đặt tên cho nó, y như thế, là Con Mèo Bạc Nhược.

Chuyện của Tét
Tranh của Họa sĩ Nguyễn Lê Anh.

Cô - hai mươi hai tuổi - độc lập với cuộc đời, đọc triết học Emmanuel Levinas, am hiểu văn chương và hội họa, biết ba loại ngoại ngữ. Không ai đến được với cô, vì trí tuệ của kim cương và sắc đẹp của pha lê. Vì ánh sáng chói, cha cô cũng không gần cô được. Cha cô đi lấy một phụ nữ người nước ngoài, rồi sang Đức định cư, cô có rất nhiều tiền của ông để lại. Tóm lại: cô chẳng cần gì hết từ thiên hạ. Cô cũng không nghĩ mình là một người tốt, cô không có nhiều lòng trắc ẩn. Cô thường phân tích lòng tốt và lẽ phải là gì, ngày nào cũng vậy: cô phân tích từ bối cảnh, đến từ nguyên, đến lịch sử dụng ngữ, đến ẩn dụ, đến xã hội học, đến phân tâm học, đến kinh tế học hành vi, nhưng ít khi nghiệm thu được điều gì đáng kể. Mỗi lần có kêu gọi từ thiện, cô uể oải đóng đúng số tiền trung bình mà người ta gợi ý. Suốt những mùa đông, cô cùng Con Mèo Bạc Nhược ngồi trên thảm lông, hai chân cô hờ hững luồn vào cái chăn lông cừu màu tro xám. Không nhiều người trong số chúng ta - những người vất vả nai lưng làm việc, trong văn phòng, trên nơi ngổn ngang gạch vỡ hay còn đang run rẩy vì bị cấp trên sờ gáy - biết rằng ở Hải Phòng, trong một chung cư nọ, trong một căn nhà bảy mươi bảy mét vuông nọ, nơi mà nỗi an nhàn đã gặm mòn mọi đồ đạc, có một cô gái xinh đẹp tuyệt trần cùng Con Mèo Bạc Nhược ngồi trên thảm lông.

Cô không giống chúng ta, cô là một sinh vật cao cấp. Cô không làm gì cả, không rượu hay thú chơi. Ngay cả sách cô cũng săn giảm giá hoặc sách cũ. Cô biết mình hạnh phúc. Nhưng những tính toán quỷ quyệt của cô cho hay: cuộc đời giống như thẻ tín dụng trả sau. Không lẽ gì mà có một linh hồn an nhiên như vậy được phép có mặt một cách nhởn nhơ ở trên thế gian. Khi chuông đời gióng lên, tai họa có thể ập xuống. Cho nên cô ngồi, cô chỉ ngồi.

Cô xác định việc của mình trong cuộc đời này là tạo ra bộ quy tắc ứng xử, dựa trên một tinh thần duy nhất là tôn trọng sự độc lập và riêng tư của từng người. Ý tưởng là thế. Cô chưa biết bắt đầu từ đâu. Khi bắt tay vào việc này, cô nhận ra một số ưu điểm của bản thân: hóa ra cô cũng là người ưa công bình và yêu những lý tưởng đạo đức. Phường và quận nên trao cho cô giải thưởng công dân tiêu biểu.

Cô xác định việc của mình trong cuộc đời này là tạo ra bộ quy tắc ứng xử, dựa trên một tinh thần duy nhất là tôn trọng sự độc lập và riêng tư của từng người.

Nhưng đến khi gặp người đàn ông tên Phát, cô quyết định đánh đổi hạnh phúc đang có bằng một hạnh phúc mới. Theo cô hiểu, tình yêu là một loại thiên tai, chính vì thế nó có thể phần nào tiêu tan vận hạn. Và cái anh chàng này, người lòng khòng, nhiều lông như vượn, khỏe mạnh, cục cằn, làm cho cô buồn cười và bực mình bởi sự xốc xáo, nhưng khiến cô mê say vì cái sự khéo giả vờ thiếu hiểu biết của anh.

Ngày đầu tiên đưa nhau vào khách sạn để làm tình, mắt anh ta cứ nhướn lên tường không thèm nhìn cô, làm như là có phim Tây du ký chiếu trên đó. Làm tình xong, dưới điều kiện thiếu sáng, thì trông mặt anh ta rất ngu. Nhưng cũng giống như cô, vẻ xấu xí của anh ta là một bí ẩn của tạo hóa. Họ bên nhau ngày đêm, làm tình mọi nơi, ăn nho Mỹ để làm tình, bật nhạc ca trù để làm tình, đuổi Con Mèo Bạc Nhược ra khỏi nóc máy giặt để làm tình. Làm tình lúc đợi ship bún ốc. Làm tình lúc chứng khoán đi lên. Làm tình khi mùa thu mây thấp. Làm tình khi khai mạc SEA Games. Làm tình ngay cả lúc làm tình khiên cưỡng vì chưa biết phải xử sự thế nào cho bớt khiên cưỡng.

“Em có đẹp không?”

“Em đẹp”

“Nếu em không đẹp thì em có được anh yêu không?” - Cô hơi làm nũng.

“Có chứ!”

“Đừng nói lại cái câu anh yêu em vì tâm hồn nhé, sến bỏ bu!”

“Không. Anh yêu em vì thể xác. Và yêu em vì hôm nay em ở đây. Ngày mai thế nào anh không biết. Nhưng hôm nay em đã ở đây rồi thì anh yêu em mãi mãi”.

“Thế còn sến hơn!” - Cô cười khùng khục.

“Theo em linh hồn và thể xác cái nào quan trọng hơn?”

Cô định nói là linh hồn. Nhưng trí tuệ thông minh làm cô kịp phanh lại trong nửa giây để suy nghĩ. Nửa giây dài như một nhịp vũ trụ ấy khiến cô nhớ ra rằng cô rất khó có thể hạnh phúc nếu như không mang theo cái hình hài đẹp đẽ này.

“Em nghĩ quan trọng như nhau!”

“Còn anh nghĩ là thể xác, yêu ạ!”

Đây là một thế giới tươi đẹp do lứa đôi thống trị. Cô kết luận lúc cài khuy áo lót. Cô bảo anh là cô có thể nuôi anh, anh khỏi phải đi bán sức lao động để nuôi thân làm cái gì nữa. Anh đáp lại vì anh yêu nghề làm bác sĩ nam khoa và vì truyền thống thầy thuốc của gia đình. Cô hỏi yêu nghề thật không đến lần thứ ba thì anh lắc đầu. Anh bảo nếu vậy thì đẻ con thì ai nuôi. Cô bảo việc gì khó quá ta cứ mạnh dạn bỏ qua: đừng đẻ con là xong chứ gì. Trên giường, cô với anh chơi trò nêu giả thuyết về thế giới, xem ai luyên thuyên nhất. Cô nói:

“Tất cả con người đều có mặt lưng. Mặt lưng con người cũng có cách giao tiếp với nhau, và có luật lệ riêng. Nhưng mặt trước của con người không bao giờ biết”.

Anh nói:

“Có một phim hoạt hình nói thật ra cây cối là sinh vật cao cấp và thượng đẳng nhất. Trong cách nhìn của cây cối thì con người là hạ đẳng”.

Cô tiếp lời:

“Có những người không có quả tim, chẳng qua bác sĩ không mổ nên không biết”.

“Không có tim thì sống làm sao?”

“Có cơ chế riêng. Trong lịch sử người ta không phát hiện được là bởi vì người ta chỉ phỏng đoán qua phép quy nạp. Tia X mới chiếu đến bảy mươi phần trăm loài người, thế mà đã kết luận vội là ai cũng có tim”.

“Anh có hai tim!”

“Thật không?” - Cô cười khúc khích.

“Thật. Một tim ở đây dành cho em. Một tim ở một nơi khác”.

“Ở chỗ nào?”

“Đại học Sư phạm Thái Nguyên!”

Cô càng cười to hơn. Trong lúc cười cô đớp phải cái mùi lá xương sông của anh và họ lại làm tình.

“Thật đấy” - Anh vừa nói vừa thở - “Trái tim đấy của anh biết dịch cả quyển Thần khúc của Dante sang tiếng Việt”

“Anh chỉ là ông bác sĩ nam khoa thôi anh Phát ạ”.

Nhưng sáu ngày sau, trong một buổi chiều nam khoa, khi anh vừa bị cấp trên khiển trách vì ký nhầm kết luận suy nhược sinh lý cho một gã có số lượng đơn vị tinh trùng gần bằng dân số nước Mỹ, thì cô ngồi đó, tò mò vén cái túi da cá sấu của anh, thấy một quyển sách in theo kiểu photo, không giấy phép, có tựa đề Thần khúc của Dante Alighieri. Bên trong sách: vết bút mực óng ả, gạch gạch xóa xóa như đang sửa câu từ. Cô nhận ra nét bút của anh.

Một hôm họ ngồi bên nhau trên sofa. Tiết xuân âm ẩm liếm lên những đầu ngón. Hương hoa sền sệt trong không gian, Con Mèo Bạc Nhược không thèm giết chú gián tập tễnh và giọng cô phát thanh viên đầy nhục cảm trong chương trình thời sự. Cô và anh ngừng hôn nhau. Cô gãi vào bọng trũng mắt của anh.

“Ái chà chà, anh có đọc quyển Thần khúc. Em nhìn thấy trong cặp của anh”

Anh gật đầu nên cô nói tiếp:

“Khó thế mà anh cũng đọc được. Em tưởng anh chỉ suốt ngày đi cầm của quý của người khác thôi chứ”.

“Anh luyện đọc sách, vì sợ mình dốt”.

“Sao lại thế? Ở với em, anh không cần giỏi dốt làm gì. Có quan trọng gì đâu?”

“Anh đọc sách để theo kịp bộ não của anh”

“Buồn cười thế” - Cô lại làm cái điệu cười khùng khục, ôm đầu anh và dúi vào nách của cô. Khi họ cùng đong đưa, anh mới nói:

“Mặt em đẹp quá. Nếu bây giờ anh biến thành thiếu nữ thì em có yêu anh không?”.

“Tất nhiên không”.

“Anh hỏi thật đấy!”

“Ừ thì... cũng có thể có!” - Cô giả vờ suy nghĩ.

“Vậy em đố anh đi!”

“Đố cái gì?”

“Đố câu lúc nãy. Nếu em là gì đó, anh có yêu em không, chẳng hạn thế”

“Chịu. Em chưa từng giả định mình là ai khác cả”.

“Nhưng chúng ta đều có hai con người, phải không? Cả em cũng thế” - Giọng anh bỗng nhiên quả quyết.

“Sao tự nhiên anh nói chuyện văn vẻ thế?”

“Vì anh đang muốn kể cho em...” - Giọng anh mệt nhọc - “Thế giới của những người có hai cái xác”.

“Hội chứng đa nhân cách ý hả?”

“Không. Đa nhân cách là nhiều linh hồn chui trong một cái xác. Còn nhân sinh kép thì ngược lại, một linh hồn san đều sang hai cái xác”.

Cô hào hứng vì tưởng tượng này của anh:

“Vậy thì họ điều khiển hai cái xác ấy kiểu gì? Khác gì cùng lúc lái hai cái xe đạp đâu nhỉ?”

“Có cơ chế riêng của tạo hóa. Cơ chế nào của tạo hóa cũng tinh vi như nhau mà”.

“Cụ thể?”

“Họ điều khiển luân phiên, khi bên này được điều khiển thì bên kia trả về cho bản năng”.

Cô suy nghĩ gì đó, rồi nói:

“Thế thì phiền phức ra phết! Ai mà biết là cái xác bản năng kia sẽ phá phách thế nào”.

“Tất nhiên. Nhưng nếu một linh hồn lành mạnh nhuần nhuyễn điều khiển hai thân xác, kiểu như tay trái tay phải chơi độc tấu đàn piano ấy, thì cả hai sẽ hoạt động nhịp nhàng”.

“Chắc em phải đọc lại sách triết học mất!”

“Trên đời có những người như vậy đó em. Một linh hồn, hai cái xác. Hai cái xác có hai quả tim, hai miếng gan khác nhau, chiều cao khác nhau, thậm chí cả giới tính. Nhưng chung linh hồn. Có một thế giới như thế tồn tại ngấm ngầm mà không ai biết”.

“Hờ hờ, anh đang kể chuyện Hỗn thế đấy à?”

“Sao lại hỗn thế?”

“Vì nếu mỗi người có hai cái xác thì loạn cả đám. Vậy bố mẹ sinh ra chúng ta, nhưng chúng ta cũng có một cái xác nữa bên ngoài kia. OK, thế là đủ hỗn tạp rồi. Nhưng nếu mẹ chúng ta lại có một cái thân xác khác, rồi học cùng đại học với thân xác thứ hai của chúng ta thì kinh lắm! Chẳng là Hỗn thế thì là gì?”

“Em thông minh quá...” - Anh nhún vai - “Nhưng anh nghĩ là bình thường mà. Thế anh mới nói thể xác quan trọng, nó quy định nhiều cái hơn linh hồn mông lung”.

“Nói chung anh đang kể về phim nào đấy, nói luôn đi để em xem với!” - Cô cười thật tươi.

Nhưng đấy không phải là một bộ phim. Đấy là đời thực, và là cuộc đời của Phát. Phần cuộc đời này thì Tét chưa biết về anh.

Nhưng một con người bình thường thì sẽ luôn đặt ra câu hỏi: cuộc sống này có ý nghĩa gì?

Khi sinh ra Phát không phải là anh như bây giờ. Anh quê gốc ở làng cổ Đường Lâm. Lúc nhỏ, anh là đứa trẻ yếu ớt và cô độc. Anh thường hớn mắt lên khi có đứa bạn nào đó bỗng nhiên lại gần chơi với mình, nhưng ngay lập tức hóa ra nó tiếp cận anh để dán giấy lên lưng. Anh nghĩ rằng để được bạn bè chơi cùng thì phải có thật nhiều bi. Nhà anh nghèo, bố anh là thầy giáo, mẹ anh là công nhân dệt may, không có bi ve. Anh đã ăn trộm bi ve của một anh hàng xóm. Anh hàng xóm bắt được, nhưng chỉ cười và cho anh nguyên cái hòm bi nhiệm màu đó. Mỗi khi có bi thì anh trở thành đứa được hâm mộ nhất bọn, anh mang đi cho hết hai năm thì hết sạch thùng bi và trở lại với cuộc sống một mình. Nhìn cái hòm bi rỗng, anh quyết định không chơi với bất cứ đứa nào nữa. Một mình anh với thế giới tưởng tượng của riêng anh. Nhờ cái sự cô đơn đó, anh có cách nhìn cuộc đời khác hẳn, ngay từ nhỏ, anh thấy hết mọi sự, mọi diễn biến, mọi buồn vui của chúng bạn chỉ trong một cái liếc mắt. Anh tên là Ngọc.

Lẽ ra sau này, anh với sự cô độc, tay đan tay, đưa nhau vào đời. Nhưng tình thế đã khác đi khi Ngọc biết mình có thêm một sinh thể nữa. Vào năm sáu tuổi, anh nhận ra là nếu hít thật sâu và nhắm mắt lại, anh sẽ được dịch chuyển đến một nơi xa lạ, nơi đó anh được ôm ấp bởi một người phụ nữ không quen mặt. Và cũng giống như mọi nhân sinh kép, anh dần chấp nhận tình hình: ngoài việc là Ngọc, anh còn là một đứa trẻ thứ hai nữa, tên là Phát. Phát là người Hà Nội, quý tử của một lương y danh tiếng. Cả Ngọc và Phát đều được uốn nắn bởi gia đạo của cha mình. Hai sinh thể của anh lớn lên đều hiền lành, cư xử nhân văn, nhường nhịn kẻ khác và trả nhiều cái giá đau cho những lần cả nể.

Nhưng một con người bình thường thì sẽ luôn đặt ra câu hỏi: cuộc sống này có ý nghĩa gì (và chưa kịp tìm câu trả lời thì lạc vào trong dâu bể của trách nhiệm sống). Phát cũng vậy. Anh đặt ra tới tận hai câu hỏi, với cả hai cuộc đời anh có. Phần nào đó các câu trả lời đã có ở phía Ngọc. Ngọc ngưng phát triển chiều cao vào năm mười bốn tuổi. Vai anh thuôn, tiếng nói anh cao như một phụ nữ. Kể từ ấy đến suốt cuộc đời mình, Ngọc tìm và yêu những điều thứ yếu và lạc lõng trong thế gian. Ngọc chờ một bài hát của danh ca không người biết, mê một bài thơ trên một tạp chí lãng quên, cố gắng tìm một đường thoát hẹp giữa quảng trường của nhân sinh - và không chỉ có vậy, còn yêu con đường đó, phát ngôn cho con đường đó. Ngọc là một kẻ mạnh trong vị trí dạt lề, ngoài vòng mọi luật chơi và tránh những ánh sáng rọi vào mình.

Bằng đôi dép da màu nâu, anh dấn bước vào trường Sư Phạm Thái Nguyên. Ở đây những ông thầy với cặp kính trễ trĩu nặng cùng những tay áo xắn cáu bẩn đã đưa anh vào thế giới văn chương. Ra trường, anh ở lại dạy học. Ước mơ của anh là giống như ông thầy ngày nào, đứng trên bục giảng, gần những sang trọng quý phái của một bài thơ đẹp, còn ngoài cửa sổ thì chiều ngả nắng vàng. Điều anh nói sẽ đẹp mãi. Bài thơ anh bình giảng sẽ là bi ve lấp lánh mãi trong lòng bể sâu. Nắng thơm, mắt biếc, những quả dưa xanh thắm của mùa hè, sẽ sáng danh muôn thưở ở đó trước những cái nhìn chòng chọc của các nhà nghiên cứu... Nhưng những mùa hè lặp đi lặp lại. Những bài thơ lặp đi lặp lại. Những con mắt sinh viên ngái ngủ, đã quen chờ xem có gì đó để thất vọng không. Anh ái ngại khi bắt gặp những tia nhìn sắc sảo của một cô nữ sinh nào. Cô yêu những bài thơ, và rồi cô còn viết văn hay nữa: thế là đời xong rồi! Những đề tài khoa học, quản lý học viên, giáo án kéo đến rồi đi qua... Vẫn như ngày xưa, những viên bi đẹp cứ cho đi mãi. Những bài giảng văn đẹp đẽ anh mang lại cho đời có ý nghĩa gì? Anh vẫn đi dép da màu nâu cho đến hết tuổi trẻ mới biết đến đôi giày sneaker đầu tiên. Buổi tối nào anh cũng dấp nước lên mặt. Rồi anh nhìn mình trong gương: vầng trán bé và lông mày đao phủ. Anh đứng nghiêm, hai tay nép vào hông, lần đầu tiên trong đời anh thấy mình thật sự thấp bé. Lần đầu tiên anh nghĩ mình là một quả dưa chuột xanh vĩnh cửu, ngày lại ngày cần được kẻ khác cầm lên rửa qua thật nhẹ nhàng. Anh thèm cái cơ thể cường tráng của Phát. Anh chui vào đó mỗi khi thấy trỗng rỗng hư vô.

Trong thân thể Phát, anh đã đi một con đường khác. Tuy vậy, phần lớn thời gian, anh chỉ dùng Phát để lánh đời. Phát - với bản năng được giáo dục kỹ càng - đã nối nghiệp y học của gia đình. Nhưng anh lại học về nam khoa, điều này nằm ngoài ý muốn của Ngọc: lúc Phát chọn chuyên ngành thì siêu ngã đang nằm ở phía Ngọc. Trong người Phát như lúc nào cũng có tàn đèn chờ được tiếp dầu. Nhưng không khác với những giờ bình giảng lặp đi lặp lại, cuộc đời của Phát cũng là một vé miễn phí xem buổi diễu hành vô tận những của quý đàn ông. Phần lớn mọi lần khám bệnh là Phát ở dạng bản ngã thứ cấp - một sinh thể chuyên nghiệp và chính xác. Chỉ trừ một lần quá tò mò, anh đã nhảy vào cái công việc đó. Chính là hôm anh ký nhầm kết quả khám chữa.

Nhưng Phát - Ngọc có thích công việc của mình không? Đương nhiên không! Tuy vậy họ lại thích công việc của nhau. Khi trở lại thân thể Phát, anh bỗng thấy những niềm yêu ngày xưa trở lại. Trong những buổi khám bệnh vắng khách, Phát có sẵn sách trong cặp để đọc. Anh cũng hay lang thang trong các hiệu sách và trà thư quán. Ở đó, anh bừng lên cái niềm hạnh phúc bất tận của việc rờ tay qua những gáy sách vuông vức, và nỗi háo hức xen lẫn một niềm tin nghiêm cẩn vào những gì được giới thiệu trên bìa. Ở những hiệu sách, chúng ta chạm tay vào văn chương ngay trước cả khi sột soạt trang giấy, bởi những chồng sách toát ra một mị lực lạ thường mà chúng chỉ có được khi đứng bên nhau. Nhưng nếu anh ở trong cái thân xác của Ngọc, mọi thứ lại không giống như vậy. Không còn nữa cái nỗi mê mẩn ban sơ, ánh nhìn sư phạm của Ngọc chọc thẳng vào câu chữ in trên giấy, quyết nạy cho bằng được nắp cống đen sì đậy lên một giá trị nội tại nào đó, mà phần lớn chỉ là ảo tưởng riêng anh. Khi trú ngụ trong thân xác Ngọc, anh cũng lại nhớ về những buổi chiều nam khoa. Nhưng anh không thừa nhận điều đó, với cả siêu ngã, với cả bản ngã của anh và của Phát. Anh đậy nắp cống lên niềm khoái cảm non yếu ấy mãi mãi.

Chuyện của Tét

Xuất hiện trên văn đàn từ năm 2018 và ngay lập tức mang đến không khí mới mẻ, đầy hứng khởi sáng tạo, tác giả Đức Anh (sinh năm 1993) được độc giả ủng hộ bởi lối kể chuyện lớp lang đặc sắc, cách tạo tình huống bất ngờ thú vị, xóa mờ lằn ranh giữa giải trí và nghệ thuật.

Tiểu thuyết đã xuất bản: Tường lửa (NXB Hội Nhà văn, 2019); Thiên thần mù sương (NXB Văn học, 2019); Đảo bạo bệnh (NXB Công an nhân dân, 2020)...

Giải thưởng: Cuộc vận động sáng tác Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống (2017-2020) của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam (tác phẩm Đảo bạo bệnh); Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 (tác phẩm Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời).

Họ - Ngọc và Phát - đã yêu một cô gái đẹp ngoài sức tưởng tượng. Kẻ bắt được tình yêu ấy là Phát - ở dạng bản năng. Phát chỉ làm mỗi cái việc là tò tò đi theo cô ta mọi nơi, mọi lúc, làm cô ta cáu, bảo vệ cô ta, mua cơm nắm ở Circle K cho cô ta dẫu cô ta không cần. Phát chỉ là một bản ngã thứ cấp: anh ta làm việc, làm việc và làm việc cốt để đạt mục đích sinh tồn. Thế nên, trong một lần cô ta thách Phát sủa như chó, Phát quỳ xuống và nói tiếng cẩu ngữ thật. Nhưng kẻ làm tình với cô gái lại là toàn bộ siêu ngã - cái linh hồn độc nhất của anh, trong phiên bản thân xác khỏe khoắn nhất, hăng hái giơ cánh tay để ái tình cứu vớt khỏi nỗi cô độc. Cuối cùng, anh không rõ Phát hay là anh yêu Tét nhiều hơn. Anh nghĩ là cả hai: lắm khi anh tự ghen với chính mình, khi anh lê cái linh hồn chán chường đến để tặng hoa Tét, thì cái xác không hồn kia thực ra đã nhanh chân đến trước, lột trần truồng và lùa cái lưỡi dơ bẩn vào miệng cô.

Khốn nạn ở chỗ, cái ghen tức tự thân ấy bất ngờ bơm thêm cho Phát một năng lượng yêu đương rất lớn nữa: anh luôn muốn mình yêu Tét nhiều hơn cái sinh thể bản năng của mình. Nhiều khi anh có cảm tưởng một mình anh đang cưỡng hiếp tập thể cô nhân ngãi.

Cố nhiên, Phát không biết cảm thụ văn chương và Ngọc thì cũng không biết cư xử với người bệnh. Số mệnh của anh bị phân cực bởi một bàn tay gà mờ. Bao nhiêu cảm hứng có được từ trang văn qua đôi mắt của Phát đã hoàn toàn biến mất khi dép nâu chạm lên bục giảng. Từ đó, anh kết luận: thể xác mới quan trọng hơn tất cả. Các tác phẩm văn học viết về thể xác nhiều hơn linh hồn. Và rõ ràng, Ngọc - cái hình nhân non yếu này - được ban cho một tài năng cực lớn là luôn biết mệt mỏi trước mọi sự. Thế nên làm sao để không chấm dứt cuộc đời ở một cuộc tự sát? Chỉ có một câu trả lời: hãy làm điều gì đó khác, một thứ công việc mà cả hai sinh thể đều có cảm hứng cho nó. Đắn đo nhiều lần, anh đi tham khảo người thầy cũ. Người thầy cô đơn trọn đời ấy trong lúc bỏ nắm rau cải vào chiếc nồi cơm điện cáu bẩn, tiết lộ với anh rằng ông đã từng dịch một kiệt tác của nhân loại, nhưng thất bại vì phải dịch qua bản tiếng Anh. Đó là quyển Thần khúc của Dante. Hăng hái vào cuộc được mươi trang, anh thở dài kết luận đó vẫn cứ là một công việc nhọc nhằn, không kém gì việc chịu đựng cuộc đời. Nhưng may thay anh vẫn còn đó thân thể Phát. Dẫu không tinh tế, Phát yêu cuốn sách do mình nhọc công đếm đong từng chữ. Điều đó động viên Ngọc: và họ đã đạt được mục đích, ít nhất ở cái việc là cả hai cùng tiến lên trong một cảm hứng sống chung.

*

Làm sao để anh nói được cho Tét những điều thành thực của mình? Anh yêu cô thật, nhưng cũng không khác gì lừa dối cô. Những lúc không yêu cô cho lắm, anh để cho cái sinh thể kia quấn lấy cô, còn anh vào vai thầy giáo Ngọc lê dép lên giảng đường. Cư xử như thế trong tình yêu là đúng hay sai?

Giống với mọi nhân sinh kép, Ngọc cũng biết đến những nhân sinh kép khác. Thực ra từ năm hai mươi lăm tuổi, anh đã biết đến VKTB - lúc ấy chưa thịnh vượng ở Việt Nam như bây giờ, nhưng mang lại cho anh một số người bạn chân thành. Và với bản năng của một người làm trong ngành khoa học xã hội, Ngọc mau chóng tiếp cận được sách vở viết về những người sống hai cuộc đời, từ đó tích lũy được không ít kiến thức qua đọc và quan sát. Không ngờ, điều này có hại cho anh.

Có hại là ở chỗ, một hôm đang vuốt ve bờ mông trái của Tét óng lên trong đêm sâu, anh chợt trỗi dậy một linh cảm mạnh: Tét nhất quyết là một nhân sinh kép.

Không có bằng chứng? Anh sẽ đi tìm bằng chứng. Anh quan sát Tét, mân mê từng centimet trên cơ thể nàng, soi cả khoang miệng và hàm răng nàng, chờ nàng lộ ra điểm yếu. Cuối cùng anh nhận thấy một dấu vết qua trọng là ngươi mắt của Tét có thể đổi màu rất nhanh trong vài giây, đó là biểu hiện đặc trưng của một linh hồn có thể di chuyển, theo như sách vở cổ xưa ghi chép lại.

Khi đã chắc chắn về điều này, Phát (và Ngọc - nhưng tóm lại chúng ta cứ tạm gọi là Phát) vừa phấn khích lại vừa lo lắng. Phấn khích vì cô cũng là kiểu người như anh: từ đây họ chung nhau một nỗi đời bí mật, cùng là người của “vạn kiếp phôi pha”. Nhưng lo lắng - và cái này nhiều hơn phấn khích - bởi nếu cả hai không phải là những con người độc bản, duy nhất một thân xác, thì có nghĩa là họ chỉ có một nửa thuộc về nhau. Thể xác kia của Tét là ai? Và tương tự, Tét có yêu anh theo cái cách hỗn loạn về mặt danh tính giống như anh đang yêu Tét? Anh tra tìm trong sách vở, cũng như hỏi han các chuyên gia. Người ta nói: thông thường các lứa đôi nhân sinh kép khó có thể đến với nhau, vì họ không thể tin nhau. Hai nhân sinh kép mà nên duyên với nhau thì khác gì bốn kẻ quần hôn. Muốn có thể tiếp tục, cách tốt nhất là thành thực, và thấu hiểu lẫn nhau. Hoặc cách hơi khó hơn nữa là hoàn toàn rạch ròi về mặt tâm trí: tức là nếu sinh thể A1 của người A yêu sinh thể B1 của người B, thì họ thầm giao ước với nhau là A2 cũng như B2 không thể được liên quan và can dự vào bất cứ yếu tố nào trong tình cảm. Nhưng thường xuyên họ nghi ngờ lẫn nhau: cái kẻ nằm trong vòng tay họ là chỉ là một cái xác sống trong bản năng (hay còn gọi là bản ngã thứ cấp) hay là một linh hồn đầy đủ? Người ta phân tích như thế cho Phát, và không đưa ra lời khuyên nào. Kết quả như ta thấy: anh cố gắng hỏi Tét sự thật về con người cô.

“Anh có hai tim! Một tim ở đây dành cho em. Một tim ở một nơi khác”.

“Chuyện này anh phịa lần trước rồi. Phịa chuyện khác hay hơn được không?”

“Không phải là chuyện phịa” - Anh co người lên, và cái chăn lông cừu tuột ra khỏi mông - “Anh xin em, đấy không phải là chuyện phịa. Thật sự có một thế giới mà người ta có một linh hồn và hai cái xác. Chúng mình đều sống trong thế giới ấy!”

“Anh đọc sách nhiều nên mụ đầu rồi hả?” - Tét lườm yêu. Nhưng cái tôi sắc sảo báo cho cô biết có chuyện gì đó phía sau những lời tâm sự lặp đi lặp lại của Phát.

“Nhưng em có biết về cái thế giới đó không?”

Dĩ nhiên cô lắc đầu. Nhưng cô lắc thật khẽ, làm ra vẻ không đùa. Cô mở một con đường để anh có thể nói thêm về những gì còn ấp úng.

“Tại sao mắt em lại đổi màu được nhỉ?”

“Từ bé em đã thế. Em nghĩ chức là một cái tật nào đấy, kiểu như trên mạng còn kể có một ông tim nằm bên phải thay vì bên trái”.

“Hy vọng thế!” - Anh thở dài.

Cô bóp mạnh vào của quý của anh, làm anh úp sấp người xuống. Cô vừa cười vừa nghiến răng:

“Thế tóm lại cái Hỗn thế của anh là như thế nào đấy?”

Phát không trả lời ngay. Trong đầu anh cấn lên một ý nghĩ, giống như các chuyên gia đã cảnh báo: cái sinh thể mà anh đang ôm ấp đây không phải là một linh hồn toàn vẹn. Cô có thể là một sinh thể bị bỏ đói bản ngã chăng?

Nhưng cuối cùng, vì tình yêu giống như nhật nguyệt trên vai, anh đã vượt qua nỗi hoài nghi khốn khổ để kể với cô, đầy đủ, không thiếu một chi tiết nào về nhân sinh kép. Ban đầu, Tét rất ngạc nhiên về khả năng tưởng tượng của Phát. Cô nghĩ anh có thể ngay lập tức tham gia một hãng phim của Mỹ, hoặc viết được một cuốn sách chứ không phải chỉ chuyển ngữ quyển Thần khúc của ngài Dante. Song, dẫu phải nghiêm túc một cách giả tạo, nhưng cô cũng cố đặt ra các câu hỏi khớp với thế giới của Phát:

“Vậy các sinh thể có phải là ẩn dụ cho hai phần sáng tối của một con người?”

“Ẩn dụ đấy chỉ có trong văn học thôi. Còn thực tế hai cái sinh thể ấy có thể hoàn toàn chẳng liên quan tẹo nào. Khác tuổi, khác cả giới tính, khẩu vị”.

“Vậy thì đúng rồi. Bình thường em thấy con người chúng ta cũng là những phần hoàn toàn khác nhau mà!”

“Nhưng tách ra làm hẳn hai cái xác khác nhau mới là vấn đề!” - Anh hơi chề môi.

“Vậy thì sinh thể kia của anh là ai?”

“Anh sẽ kể cho em, vào một dịp đặc biệt!”

Phát không trả lời câu hỏi này. Cái dịp đặc biệt mà anh nói đến, thực ra là bóng gió việc khi nào Tét khai thật về sinh thể thứ hai của mình. Chắc chắn Tét có một bản ngã nữa. Linh cảm của anh đối với người con gái mà anh yêu, bằng chứng trong ngươi mắt Tét, không thể nào sai được. Chỉ là khi nào và khi nào...

Nhưng thời gian trôi qua, những mùa xuân ẩm ướt, những mùa hè táng tận, cái “khi” ấy mãi mãi không bao giờ đến. Chỉ có cuốn Thần khúc đã được chuyển ngữ xong, sau bốn năm làm việc nhọc nhằn. Anh - trong thân thể Ngọc - lại đứng trước gương, thấy mình đã già. Già, đơn độc, bám vào văn chương mà sống. Chỉ có giảng đường là trẻ mãi, vẫn những bài thơ như thưở anh còn đi học, vẫn những nét đẹp ấy nấp sau cái kiểu lý luận văn học nước đôi ấy, và những dung nhan tuổi xanh học trò vẫn ngáp, ngáp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mười năm giảng dạy, ngọn triều dâng của Tiếng Việt lóng lánh không táp được vào đâu. Mười năm ấy, anh chỉ tiến được một bước duy nhất trên nấc thang nghiêm khắc, khi dám cho điểm liệt một vài phần tử phá hoại. Mẹ anh nằm ở trong viện, những phòng chờ bất tận nơi câu chuyện duy nhất là lịch mổ. Nhưng mẹ anh có lẽ không đợi được. Một lần, anh đánh liều, trong thân thể Phát, dẫn Tét vào thăm bà cụ. Phát nói rằng đi thăm mẹ của một người bạn. Cuối cùng bà cũng được nhìn thấy người yêu của con mình, dẫu không phải là đứa con máu mủ. Tuy nhiên, niềm vui sướng nho nhỏ ấy trong lòng Phát không khỏa lấp đi được một cảm giác vô đạo rõ rệt: trong thân xác Phát thì anh tìm được sự gắn kết với bà cụ. Mẹ anh nằm đó, nhưng là một người mẹ xa lạ. Phát không thể giải thích được. Nó làm anh tổn thương ghê gớm, cái vết thương vẫn còn hằn lại trong tâm hồn nhạy cảm của Ngọc, sau đại tang.

Cô ta là một dạng người bất hạnh khi mà toàn bộ trí thông minh ít ỏi lại đi dồn vào cái việc nhìn thấy rất rõ sự nông cạn của mình.

Đầu năm 2014, ở gần phố Cầu Gỗ, có một quán rượu nho nhỏ hay tụ tập những văn nghệ sĩ nửa mùa đến đó lánh đời - những kẻ hiếm hoi nhìn ra được sự liên quan giữa những chiếc ghế tre, đĩa đậu tẩm hành, chai LaVie rượu trắng và âm nhạc của Vũ Thành An. Họ bám vào đó, cái chỗ dựa vững chắc duy nhất của một đời vô nghĩa, hoặc quá nhiều ý nghĩa. Trong đám này, có một phụ nữ tóc ngắn, lẽ ra đã xinh đẹp nếu như không tốn nửa đầu cuộc đời vào lối sống buông thả và nửa sau cuộc đời vào việc buồn chán vì nửa đầu. Bởi vì cô gái này là một nhân sinh kép, cô ta có bản thể khác là đàn ông, rất liều lĩnh, năng nổ và giàu có. Vì vậy, cô càng buồn chán tợn. Tiền là một dạng mỡ lợn quết lên cái dốc của cuộc đời, và nỗi buồn thì là một cái ván trượt đắt giá, theo đó, kẻ nào buồn chán mà lại trót có tiền thì sẽ xuống hố bằng tốc độ rất cao. Không ai yêu cô ta, không ai thấy cô ta nữ tính, không ai đồng ý rằng cô ta cười cũng khả ái nếu nhìn nghiêng, không ai nghe cô ta nói. Quá hiếm người thấy cô ta thông minh. Tất cả có thể chỉ vì cái mặt của cô trông quá ác. Điều đó làm cho cô khó sống trong một đất nước có truyền thống tin vào nhân tướng học. Nhưng tệ hơn cả: bản thân cô ta cũng tự thấy mình nông cạn. Cô ta là một dạng người bất hạnh khi mà toàn bộ trí thông minh ít ỏi lại đi dồn vào cái việc nhìn thấy rất rõ sự nông cạn của mình.

Cô sở hữu một chiếc Mercedes G63. Cô có một nhân tình trẻ làm nghề xăm, nhưng cô vừa tự thể hiện sự ngu ngốc khi đọc phải tin nhắn của anh chàng nói với bạn về cô. Ra khỏi quán rượu, cô ta lái xe đi, bạt mạng, qua đường đê Yên Phụ. Báo chí gọi xe của cô ta là xe điên. Không ai yêu cô ta, không ai thấy cô ta nữ tính, không ai đồng ý rằng cô ta cười cũng khả ái nếu nhìn nghiêng, không ai nghe cô ta nói. Cư dân mạng phỉ nhổ vào mặt cô ta. Cô ta gây thương tích nặng cho sáu người, và có một người thiệt mạng, đó là Phát.

Ngọc biết tin này khi đang bình giảng thơ của Quách Tấn. Lúc này, anh rơi vào tình trạng giống như Kiên - nhân vật chính của chúng ta trong câu chuyện này. Nhưng khác với Kiên, Ngọc nhút nhát. Anh không dám ra khỏi nhà. Anh ốm liền nửa tháng sau đó, chỉ may mắn không mất mạng khi có người kịp thời đưa đi cấp cứu. Trong những giấc mơ tiếp nối phần đời còn lại, chỉ còn hình ảnh của Tét chấp chới mơ hồ. Ngọc nhiều lần có ý định liên lạc với Tét nhưng luôn đầu hàng trước một sự phân vân lớn: nên để cho số phận trôi đi tự nhiên, hay tiếp tục can thiệp vào đời nàng. Cuối cùng anh lựa chọn cứ âm thầm theo dõi Tét.

Câu chuyện giữa anh và Tét đã kết thúc chưa? Anh chưa có câu trả lời xác đáng.

Chuyện của Tét (Trích tiểu thuyết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời)

Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời (Linh Lan Books và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2023) là tác phẩm giả tưởng kết hợp trinh thám viết về thế giới của những người có hai thân xác nhưng chung một linh hồn, hay còn được gọi là “nhân sinh kép”. Cuốn sách sử dụng yếu tố giả tưởng để khai phá một cốt truyện mới mẻ, lý thú nhưng vẫn mang đậm tính hiện thực.

Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023.

Đức Anh

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhân sinh kép: Sống bao nhiêu cho đủ? Giải thưởng Hội Nhà văn 2023, tôn vinh “Bản lĩnh người sáng tạo và bản lĩnh hội đồng lựa chọn” Tiểu thuyết "Nắng Thổ Tang" của Đinh Phương đoạt giải Sách hay 2024 “Kẻ sĩ thời loạn” một diễn giải về lịch sử và kẻ sĩ Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.