Văn hóa nghệ thuật

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Thẩm mỹ "Đẹp như tranh" và những hệ lụy

Đặng Hoàng Giang
Sách
10:00 | 19/10/2024
Baovannghe.vn - Quan điểm chỉ cái gì trông như tranh hay ảnh thì mới được coi là đẹp ăn sâu vào tiềm thức của ta. Thưởng thức thiên nhiên được đánh đồng với thưởng thức phong cảnh, và thưởng thức phong cảnh được đánh đồng với thưởng thức view...
aa

Xuống núi hóa ra có thách thức riêng của nó, Tò Mò thầm nghĩ trong khi thận trọng tìm chỗ để đặt chân, tay cậu thì chới với tìm chỗ bám. Cậu còn không nhớ lần cuối mình dùng các cơ bắp chân là khi nào, và giờ đây, chúng đang dõng dạc lên tiếng về sự tồn tại của mình.

Tới đoạn đỡ dốc hơn, tâm trí Tò Mò trở về với câu chuyện tối qua. Cậu nói với Suy Ngẫm: “Vậy là cái cách thưởng thức thiên nhiên của tớ là xem thiên nhiên như xem tranh…”

“Không riêng gì của cậu đâu”, Suy Ngẫm ngoảnh lại an ủi. Từ nãy cô vẫn bước nhẹ nhàng như đang đi trên đường bằng, hai tay buông thõng.

“… và nó có nguồn gốc từ sự trỗi dậy của thể loại tranh phong cảnh ở châu Âu vào thế kỷ 17?”

Suy Ngẫm gật đầu.

Chuẩn thẩm mỹ picturesque coi phong cảnh phải như tranh thì mới đáng để được thưởng thức.

“Rồi từ trào lưu này, chuẩn thẩm mỹ picturesque ra đời, coi phong cảnh phải như tranh thì mới đáng để được thưởng thức. Gu này bắt đầu viral từ giữa thế kỷ 18 và đẻ ra một thiết bị kỳ lạ làm mưa làm gió, gương Claude. Gương được dùng để ‘cải thiện’ phong cảnh trước mắt, không, sau lưng người xem, sao cho nó giống tranh vẽ hơn.” Tò Mò vẫn chưa hết kinh ngạc.

“Thị hiếu này thống trị”, Suy Ngẫm bổ sung, “tới mức các sách guide hồi đó hay quảng cáo một cung đường theo kiểu, đầu tiên du khách sẽ thấy một cảnh giống tranh của họa sĩ này, sau đó sẽ gặp một cảnh giống tranh của họa sĩ kia, rồi cuối cùng là một cảnh giống tranh của họa sĩ nọ.”

Cô bước chậm lại, đợi Tò Mò bắt kịp, rồi nói tiếp: “Cậu có nhớ sáng hôm qua mình có nói tới phạm trù thẩm mỹ sublime, hùng vĩ, của mỹ học phương Tây hồi đó?”

“Tớ nhớ. Đó là cái đẹp của những cảnh tượng thiên nhiên rộng lớn. Bão tố trên biển, núi non trong mây mù, thác đổ xuống vực sâu.”

“Cái hùng vĩ khiến người thưởng ngoạn kinh ngạc, sợ hãi và kính nể. Trong nó có cả sự đe dọa và nguy hiểm, khiến người ta cảm thấy bé nhỏ và bị khuất phục.

Ngược với hùng vĩ là phạm trù xinh đẹp, beautiful, đó là vẻ đẹp của những thứ nhỏ nhắn, xinh xắn, hiền hòa. Hoa lá, thảm cỏ, hồ nước, dòng suối, vườn tược. Nếu như cái hùng vĩ có tính bạo lực và vô trật tự thì cái xinh xắn đều đặn và hài hòa.

Cái picturesque mà ta nói tới đêm hôm qua là phạm trù mỹ học thứ ba của lý thuyết mỹ học phương Tây hồi đó và nó được đặt đâu đó ở giữa, mang trong mình những yếu tố của cả hai cực. Tiền cảnh của phong cảnh thì có thể là những chi tiết xinh xắn nhưng không quá đều đặn, trật tự, và đằng xa xa sẽ là núi non trập trùng, lởm chởm nhưng không quá đáng sợ.”

“Và các quý tộc Anh hồi đó sẽ phải thạo tất cả các lý thuyết này?”

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Thẩm mỹ "Đẹp như tranh" và những hệ lụy
Thẩm mỹ "đẹp như tranh" và những hệ lụy

“Nếu họ muốn được coi là có gu và đẳng cấp. Đề tài chém gió ưa thích của giới quý tộc là mổ xẻ xem một phong cảnh nào đó có đủ điều kiện để được coi là picturesque, ‘như tranh’ hay không, và nó thiếu cái gì để có thể xứng đáng được một họa sĩ vẽ lại. Một nhà lý thuyết có tiếng khen thiên nhiên là một nhà pha màu đáng khâm phục, nhưng nghiêm khắc phê bình là nó ít khi đúng đắn về bố cục. ‘Hoặc tiền cảnh hoặc hậu cảnh bị sai tỉ lệ’, ông ta phán, ‘hoặc có cái cây bị đặt sai vị trí, hay bờ sông bị cứng quèo, hoặc có cái gì đó không nằm đúng chỗ nó cần nằm’.”

“Ôi, sự ngạo mạn của con người...”

“Để chứng tỏ mình sành sỏi nghệ thuật, người ta đưa ra những đề xuất để ‘sửa sang’ phong cảnh, cắt ngắn cái cây này, dịch chuyển mỏm đá kia. Gilpin...”

“Cái ông gắn gương Claude vào bên xe ngựa để nhìn cảnh trong đó thay vì nhìn cảnh thật bên ngoài?”

“Chính ông đó! Gilpin thậm chí còn đề xuất là cần phá bỏ một phần tu viện cổ Tintern Abbey, một danh lam nổi tiếng được xây từ thế kỷ 12, để khi đứng xa nhìn vào thì cái view được hoàn hảo hơn! Ngoài lề một chút là hồi đó các công trình đổ nát được coi là rất mốt; chả họa sĩ nào chọn vẽ một công trình lành lặn trong tranh của mình cả. Vậy nên nhiều quý tộc cho xây lâu đài lên rồi đập đi một phần và sắp xếp sao cho đống đá trông thật là ngổn ngang, để nhận được sự gật gù tán thưởng của khách khứa dùng trà chiều.”

“Để đu trend thì ta sẵn sàng fake, tớ thấy quen quen cậu ạ”, Tò Mò lắc đầu. “Tớ liên tưởng tới việc giờ đây người ta dựng cổng đá Bali bằng giấy bồi ở Đà Lạt, rồi đặt một cái gương dưới máy ảnh để tạo ra ‘hồ nước’ lung linh phản chiếu mây trời.

Mà hồi đó người Anh có dùng chữ ‘săn view’ không nhỉ?”

“Không y chang chữ này, nhưng người ta cũng so sánh khoái cảm mà dân quý tộc có được khi ‘truy lùng’ thiên nhiên, băng từ ‘đồi núi qua thung lũng’ để phát hiện ra view đẹp, với khoái cảm của người thợ săn!

Mốt thưởng ngoạn này còn đẻ ra những thứ mà ta khó hình dung. Ví dụ một nguyên tắc được truyền tai nhau là để phong cảnh đẹp thì có một nhóm ba con bò cạnh nhau trên bãi cỏ là chuẩn, nhưng bốn con thì hỏng bét.”

“Tớ hình dung cảnh một quý tộc quát um lên vì khách sắp tới rồi mà người làm vẫn để cho bốn con bò túm tụm”, Tò Mò ôm đầu. “Ông ta sẽ gào lên: ‘Giấu một con đi! Giấu một con đi!’”

Hai người bạn ngồi nghỉ ở một chân dốc. Trời nhiều mây và lạnh hẳn đi so với mấy hôm trước. Mùa đông đã tới thật rồi. Trong đầu Tò Mò thoáng nuối tiếc, chuyến đi đã sắp kết thúc.

“Và rồi cơn sốt gương Claude cũng qua đi?” Cậu hỏi.

“… như mọi mốt. Nhưng cái còn lại là thị hiếu thích view. Trước kia, người châu Âu xây chuồng trại chắn trước nhà ở của mình mà chẳng quan tâm tới cảnh núi non đằng sau; từ giữa thế kỷ 19 thì người ta bắt đầu để ý tới view khi xây nhà.

Chúng ta có thói quen nhìn thế giới bằng mắt của người chụp ảnh. Dù không có camera trong tay, chúng ta vẫn nhìn thiên nhiên như là nhìn qua camera, vẫn vô thức đóng khung thiên nhiên khi quan sát nó.

Rồi cách cảm thụ này được nhiếp ảnh củng cố, được du lịch đại trà và toàn cầu hóa mang đi khắp nơi. Người Việt chúng ta thì nhảy cóc tới smartphone luôn. Ảnh thay thế cho tranh. Tới giờ thì ai cũng đã xem và tự chụp vô vàn ảnh. Hệ quả là chúng ta có thói quen nhìn thế giới bằng mắt của người chụp ảnh. Dù không có camera trong tay, chúng ta vẫn nhìn thiên nhiên như là nhìn qua camera, vẫn vô thức đóng khung thiên nhiên khi quan sát nó.”

“Tớ thề là từ đầu chuyến đi tới giờ não tớ luôn cân nhắc cảnh trước mặt tớ có đáng để được chụp không, nếu chụp thì nên chọn khung hình và góc chụp như thế nào.”

“Quan điểm chỉ cái gì trông như tranh hay ảnh thì mới được coi là đẹp ăn sâu vào tiềm thức của ta. Thưởng thức thiên nhiên được đánh đồng với thưởng thức phong cảnh, và thưởng thức phong cảnh được đánh đồng với thưởng thức view. Hôm trước mình đã nói là ngày nay người ta đến với thiên nhiên chủ yếu qua các chuyến du lịch, mà đích của các chuyến đi thì lại thường là những view đẹp như tranh.”

“Còn được gọi là ‘view triệu đô’, thứ khiến cho Đen Vâu còn phải ghen tị với trẻ em miền núi. Thú thực, bây giờ tớ mới ý thức được về sự thống trị của thẩm mỹ này. Tớ vẫn bắt gặp nhiều bài báo hay trang quảng cáo du lịch chạy tít ‘Khám phá những khung cảnh đẹp như tranh vẽ ở Thụy Sĩ’ hay ‘Xao xuyến trước cảnh đẹp như tranh vẽ của đồi cỏ hồng Đà Lạt’. Hoặc một điểm đến được quảng bá là ‘đẹp như hình nền máy tính’.”

“Cậu để ý mà xem, các sản phẩm du lịch ‘độc’ và mới nhất cũng chủ yếu là để phục vụ cho việc ‘ngắm tranh’ này. Dịch vụ bay dù lượn ngắm lúa chín ở Mù Cang Chải này, máy bay trực thăng ngắm cảnh Vịnh Hạ Long này, cầu kính bên trên Thung lũng Tình yêu ở Đà Lạt này.

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Thẩm mỹ "Đẹp như tranh" và những hệ lụy
Ruộng lúa ở Tam Cốc, Ninh Bình - Ảnh: instagram: i.m.dung

Ninh Bình còn tạo hình cậu bé cưỡi trâu trên ruộng lúa rộng 10 nghìn mét vuông để phục vụ du khách trên núi nhìn xuống và chụp ảnh. Ở đây những cánh đồng lúa được sử dụng như toan tranh, theo nghĩa đen.”

*

Đôi bạn dừng chân ở một khe núi. Tít trên cao, gió thổi từng cơn dài.

“Một số bạn tớ tự gọi mình là ‘tín đồ săn mây’. Gọi vui, nhưng đúng là có một sự cuồng tín ở đây nhỉ?”

“Nhiều triết gia mỹ học về thiên nhiên cũng nhận xét tương tự, rằng chúng ta như là đang theo một giáo phái tôn thờ view vậy. Ngay từ thế kỷ 18, nhiều trí thức Anh đã phê bình là trong cách tiếp cận thiên nhiên thuần túy theo chủ nghĩa hình thức này có cái gì đó thương mại, lạnh lẽo và thậm chí độc ác. Người thưởng ngoạn phong cảnh thờ ơ với hiện trạng xã hội, như sự nghèo khổ của người dân đang sống trong phong cảnh đó. Người nông dân hay gia súc đơn giản được coi như những chi tiết trong tranh…”

“… khiến bố cục tranh có thể thành công hơn mà cũng có thể bị hỏng, ví dụ khi cả đàn bò đứng cạnh nhau”, Tò Mò trở nên sôi nổi. “Bây giờ chụp ảnh ruộng bậc thang ở Sa Pa thì nhiều người cũng cố đưa một phụ nữ dân tộc mặc váy thổ cẩm và địu con vào tiền cảnh, như là một đạo cụ sân khấu. Lịch sử, số phận của họ thì không được quan tâm.”

“Thậm chỉ các quý tộc Anh còn cho bứng đi cả một làng nghèo để view nhìn từ trang trại của họ được hoàn hảo hơn. Nhưng còn có những hệ lụy khác, tinh vi hơn nữa.”

Suy Ngẫm dừng hẳn lại. Tò Mò nhìn cô bạn, chờ đợi.

Với cách thưởng ngoạn này, chúng ta tách mình khỏi thiên nhiên. Ta biến thiên nhiên thành 2D, đóng khung nó, ngắm nó từ xa.

“Với cách thưởng ngoạn này, chúng ta tách mình khỏi thiên nhiên. Ta biến thiên nhiên thành 2D, đóng khung nó, ngắm nó từ xa. Qua các chuyến đi, ta thưởng thức thiên nhiên như một bộ sưu tập của những bức hình hai chiều, xấu đẹp được đánh giá chỉ hoàn toàn dựa trên những yếu tố bề mặt như màu sắc, đường nét và bố cục. Mấy chục năm trước, nhà xã hội học Urry trích lời một du khách khi nhìn thấy thác nước Victoria: ‘Ái chà! Trông bưu thiếp quá nhỉ!’”

“Giờ đây, ta sẽ thốt lên ‘Như trong Instagram!’ Tớ bắt đầu thấy gợn gợn. Có cái gì đó không hợp lý khi thiên nhiên chỉ được tán thưởng khi nó giống sản phẩm của con người, một bức tranh. Ví dụ điển hình là khi nói tới vịnh Hạ Long, người ta ca ngợi thiên nhiên là ‘nghệ sĩ tạo hình vĩ đại’. Nhìn quanh, ta sẽ thấy cách thưởng thức này không chỉ được dùng cho phong cảnh, mà cả cho các điều khác trong thiên nhiên, ví dụ một cái cây hay tảng đá. Ta đặc biệt thích thú khi tình cờ chúng giống cái gì đó của thế giới con người. Tết đến, người ta đổ xô tới ngắm một cây mai có hình bàn tay năm ngón hay một cây đào có thế rồng bay.”

Tò Mò gật đầu: “Nhưng thiên nhiên đâu có chủ đích, nó đâu có ý định làm hài lòng con người, đâu có nghĩa vụ chạy theo gu thẩm mỹ của chúng ta? Tớ nhớ tới công viên địa chất Yeh Liu ở Đài Loan. Nơi đây như một cửa sổ mở vào quá khứ của trái đất, nhưng chẳng có mấy du khách quan tâm tới điều này. Họ đứng xếp hàng để được chụp cùng một mỏm đá bé bé mà mưa gió hàng ngàn năm nay đã khiến nó trông giống đầu Nữ hoàng Anh.”

“Hôm đó tớ cũng làm vậy”, Tò Mò hạ giọng, “lúc đó tớ chưa nói chuyện với cậu mà.”

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Thẩm mỹ "Đẹp như tranh" và những hệ lụy
“Đầu Nữ hoàng” tại công viên địa chất Yeh Liu, Đài Loan - Ảnh: Đặng Hoàng Giang

“Nếu trong tương lai, ‘đầu Nữ hoàng’ bị sập do xói mòn, điều hoàn toàn có thể xảy ra, thì tớ đoán công viên địa chất này sẽ mất rất nhiều du khách”, Suy Ngẫm bình luận. “Trong khi đó, sẽ thật ly kỳ nếu chúng ta tìm hiểu lịch sử của nó. Gió, nắng, mưa, sóng biển và các dịch chuyển của vỏ Trái đất đã để lại dấu tích qua hàng triệu năm ra sao, và ta có thể mơ màng hình dung hình hài của vùng đất đó sau hàng ngàn thế hệ nữa. Tớ thấy những điều đó thú vị hơn rất nhiều việc một tảng đá tình cờ trông giống đầu người!”

“Tớ đồng ý. Gu thẩm mỹ ‘đẹp như tranh’ đang khiến cảm nhận thiên nhiên của chúng ta bị nông và hạn hẹp.”

“John Muir, nhà tự nhiên học và bảo tồn tiên phong của Mỹ, người có công lớn trong việc lập nên các vườn quốc gia ở Mỹ vào cuối thế kỷ 19, kể về một chuyến đi của ông cùng hai họa sĩ ở vùng núi High Sierra. Núi non rực rỡ tuyệt vời là vậy, nhưng các họa sĩ cứ phàn nàn là không tìm được cái gì thú vị cả, vì ‘tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh’ cứ giống hệt nhau.”

“Tớ cá là rất nhiều người bây giờ cũng sẽ nói tương tự. ‘Toàn cây là cây!’”

“Có lẽ hệ quả méo mó nhất của thị hiếu này là người ta sẵn lòng ngắm và chụp ảnh cái giả và cho là nó đẹp hơn cái thật. Nhiều khu du lịch cắm cây nhựa vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, ‘hoa’ nở quanh năm mà không phải chăm sóc gì, hoặc họ chặt cây thật đi để chôn xuống cây bê tông, to hơn, hoành tráng hơn.”

“Cái fake muôn năm. Ta chỉ tiếp tục truyền thống của các quý tộc Anh với các lâu đài đổ nát giả thôi mà… Nói vậy nhưng tớ thấy buồn.”

“Nếu không dựng lên cái giả thì chúng ta cũng chỉ quan tâm để làm sao tới được điểm ngắm view tiếp theo nhanh chóng, tiện lợi và đỡ tốn sức nhất. Với những công nghệ mà quý tộc Anh trước đây không có, chúng ta sẵn sàng bê tông hóa và san phẳng núi non để có thể tới thẳng chỗ có view bằng xe máy, ô tô hay cáp treo.”

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Thẩm mỹ "Đẹp như tranh" và những hệ lụy
Hoa giả ở một khu du lịch ở Tây Nguyên - Ảnh: Bambi Phan

“Mà không cần phải đổ giọt mồ hôi nào.”

“Từ nhiều thập kỷ trước, nhiều triết gia đã buồn bã nhận xét rằng chúng ta lũ lượt kéo nhau tới những chỗ xa xôi để nhìn những cảnh hoành tráng như tìm tới tranh treo trong phòng triển lãm mà bỏ qua và coi thường những lòng sông, những cánh đồng hoang, những đầm lầy than bùn hay ao hồ hẻo lánh. Rung động thẩm mỹ của chúng ta nghèo nàn, như cậu đã nhận ra, vì nó chỉ mang tính bề mặt. Nhưng thiên nhiên không chỉ là màu sắc và đường nét. Một dòng sông hay một thung lũng có lịch sử, có đời sống, có vũ trụ riêng của nó.”

*

Đôi bạn tiếp tục hành trình xuống núi. Mặt Tò Mò lộ vẻ băn khoăn, nhưng mãi sau cậu mới rụt rè: “Suy Ngẫm này, nhưng những cảnh như trong bưu thiếp cũng rất tuyệt mà…”

“Hiển nhiên rồi. Đã bao lần tớ mê mẩn với hoàng hôn trên biển, hay như sáng hôm qua thôi, với biển mây trắng dưới chân chúng ta. Những bức ảnh hoàn hảo cho Instagram! Chúng tuyệt vời mà!”

“Nhưng?”

“Nhưng nếu năng lực cảm thụ vẻ đẹp thiên nhiên của ta chỉ dừng lại ở việc trầm trồ cái view thì sẽ là thiếu sót lớn. Chúng ta sẽ không cảm được cái đẹp, cái kỳ diệu của một vùng đầm lầy chẳng hạn. Mà khi không có khả năng cảm nhận vẻ đẹp của điều gì đó thì không chỉ đời sống tinh thần của bản thân bị nghèo nàn, mà chúng ta sẽ thờ ơ với số phận của nó, sẽ không quan tâm để gìn giữ, bảo vệ nó.”

“Tớ hiểu ý cậu. Trước nguy cơ nó bị biến mất, ta sẽ chỉ nhún vai: ‘Có sao đâu, ở đây chỉ có sú vẹt với sình lầy mà thôi.’

Quan sát trào lưu săn view triệu đô vẫn đang rầm rộ, tớ thấy bi quan cậu ạ”, Tò Mò vẫn chưa hết băn khoăn. “Chúng ta có thể thay đổi được tình hình không nhỉ?”

Khi không có khả năng cảm nhận vẻ đẹp của điều gì đó thì không chỉ đời sống tinh thần của bản thân bị nghèo nàn, mà chúng ta sẽ thờ ơ với số phận của nó, sẽ không quan tâm để gìn giữ, bảo vệ nó.

“Cậu biết không, ngày nay, đầm lầy Everglades, rộng tương đương một trăm lần diện tích Quận 1 của Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những vườn quốc gia quan trọng và được ưa thích nhất của Mỹ. Nhưng vào thập kỷ 1930, khi đề xuất bảo tồn vùng này được lần đầu đưa ra, quan điểm chung của công chúng, quan chức và cả của nhiều người hoạt động bảo tồn là ‘chả có gì đẹp đẽ ở đây cả’. Rằng tuy ‘không xấu như các đầm lầy khác’, nhưng nó còn lâu mới xứng đáng để được đứng bên các vườn quốc gia huy hoàng tráng lệ khác của đất nước. Một quan chức đánh giá Everglades là nơi chốn của ‘sâu bọ độc hại’, của ‘rắn rết truyền dịch bệnh’ còn ‘tệ hơn cả vô giá trị’. May mắn cho các thế hệ sau, các dự án làm khô Everglades để biến nó thành đất nông nghiệp trong các thập kỷ tiếp theo đã không thành công, dù chúng cũng đã kịp tạo ra nhiều tác hại mà giờ đây người ta đang tìm cách khắc phục.”

Tò Mò phấn chấn lên: “Tớ quên mất là quan điểm về núi non của phương Tây cũng đã từng rất khác!”

“Cái mà ta đang thấy tầm thường, thậm chí thấy xấu, thấy sợ, có thể trở thành đẹp”, Suy Ngẫm nhấn mạnh, “nếu như ta có phương pháp.”

Lúc này, cái bản nhỏ đã thấp thoáng ở dưới con dốc.

“Chúng mình sẽ nói về phương pháp chứ?”

“Và cả về hệ lụy này nữa”, Suy Ngẫm gật đầu, “nếu mải chạy theo hình thức, thậm chí chúng ta còn có thể xuýt xoa ngưỡng mộ ‘cái đẹp’ mà không ý thức được là nó đang gây hại, hay nó phi đạo đức như thế nào. Chúng ta sẽ nói kỹ hơn về những khía cạnh này trong chuyến đi tới nhé!”

“Vậy là tớ có điều gì đó để mong đợi trong lúc giết thời gian trong cái văn phòng buồn chán của mình rồi”, Tò Mò tươi tỉnh. “Cho tới lúc đó, tớ sẽ phải tiêu hóa tất cả những gì mà chúng mình vừa trao đổi. Chà, chuyến đi sau của chúng ta sẽ bận rộn đó nhỉ!”

Tò Mò xốc lại ba lô. Đã có thể nghe thấy tiếng gà vịt và chó sủa vẳng lên từ phía dưới.

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Thẩm mỹ "Đẹp như tranh" và những hệ lụy

Bài viết được trích từ cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - Hay vì sao chúng ta cần thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên của tác giả Đặng Hoàng Giang, được Omega Plus phát hành trong tháng 10/2024.

Qua những chuyến đi và những cuộc trò chuyện của đôi bạn trẻ hư cấu là Tò Mò và Suy Ngẫm - hai nhân vật đại diện cho những người trẻ ham học hỏi, có cá tính riêng và cùng yêu thiên nhiên; tác giả chỉ ra hệ lụy từ cách mà chúng ta đang thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh và sinh vật.

Cuốn sách mở ra những con đường mới để mỗi người có thể phát triển khả năng rung động và kết nối sâu sắc với mọi hình thái của thiên nhiên, thay vì chỉ với những phong cảnh hợp Instagram. Hành trình của Tò Mò và Suy Ngẫm cũng giúp độc giả đi xuyên qua vẻ bề ngoài để cảm nhận được vẻ đẹp của những điều mà trước kia ta coi là tầm thường, xấu xí.

Đặng Hoàng Giang

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Nuôi dưỡng mỹ cảm với thiên nhiên Con người và bài học ứng xử với thiên nhiên Sám hối của loài người gửi mẹ thiên nhiên Thiên nhiên là bức ảnh đẹp nhất Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn
Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương