Văn hóa nghệ thuật

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Nuôi dưỡng mỹ cảm với thiên nhiên

Đặng Hoàng Giang
Sách
10:15 | 18/10/2024
Baovannghe.vn - Cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên sẽ thôi thúc chúng ta mạnh mẽ hơn để hành động bảo vệ nó. Thông tin một sinh cảnh quý hiếm nào đó bị đe dọa có thể khiến ta quan tâm, nhưng thường sẽ không quá lâu. Nhưng nếu ta đã có những trải nghiệm đẹp đẽ trong sinh cảnh đó, đã rung động trước nó, đã cảm thấy gần gũi với nó, thì ta sẽ tâm huyết hơn rất nhiều trong nỗ lực bảo vệ nó. Bởi ta đã yêu nó mất rồi.
aa

Hóa ra chèo kayak không khó như Tò Mò tưởng. Hai người bạn té nước nhau một chặp và cười nghiêng ngả như trẻ con, rồi bắt đầu thong thả đưa mái chèo. Thoạt đầu, Tò Mò lúng túng khiến chiếc kayak của cậu chòng chành. Nước, nắng và hoạt động chân tay làm cậu bừng tỉnh.

“Cả sáng nay tớ có một băn khoăn trong đầu”, Tò Mò nói. “Ta vẫn coi giáo dục nghệ thuật là điều cần thiết mà không cần phải bàn cãi. Trẻ em, và cả người lớn, cần được dạy vẽ, dạy nhạc, dạy múa, được đưa tới bảo tàng hay nhà hát, để trau dồi năng lực thẩm mỹ, khả năng cảm thụ nghệ thuật. Khả năng rung động trước các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt trước các tác phẩm ‘khó’, phi thương mại, được coi là một năng lực quan trọng của một nhân cách toàn diện, của một tâm hồn giàu có, và khả năng này cần phải được trau dồi.”

“Tớ nghĩ rằng chúng ta cần làm tương tự với thiên nhiên”, Tò Mò dừng một nhịp chèo, “ta cần giáo dục thẩm mỹ về thiên nhiên, nuôi dưỡng năng lực cảm nhận những vẻ đẹp của nó, đặc biệt là những vẻ đẹp ‘khó’, không hay xuất hiện trên Instagram. Cũng với mục đích là để đời sống tinh thần của ta phong phú, đẹp đẽ hơn.”

Cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên sẽ thôi thúc chúng ta mạnh mẽ hơn để hành động bảo vệ nó.

“Không chỉ tâm hồn và tinh thần ta được hưởng lợi đâu cậu. Cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên sẽ thôi thúc chúng ta mạnh mẽ hơn để hành động bảo vệ nó. Thông tin một sinh cảnh quý hiếm nào đó bị đe dọa có thể khiến ta quan tâm, nhưng thường sẽ không quá lâu. Nhưng nếu ta đã có những trải nghiệm đẹp đẽ trong sinh cảnh đó, đã rung động trước nó, đã cảm thấy gần gũi với nó, thì ta sẽ tâm huyết hơn rất nhiều trong nỗ lực bảo vệ nó. Bởi ta đã yêu nó mất rồi.”

“Khi thấy điều gì đẹp, ta sẽ yêu nó, mà khi đã yêu thì ta muốn gìn giữ nó”, Tò Mò nhắc lại. “Ngược lại, ta không thể yêu được cái mà ta thấy xấu xí.”

“Với người cũng vậy thôi, đúng không cậu? Chả ai nói là, tôi yêu anh ấy say đắm, và tôi thấy anh ấy thật xấu. Nhưng băn khoăn của cậu là gì nhỉ?”

“Tớ tự hỏi, để tăng khả năng rung động, tăng nhạy cảm thẩm mỹ, tăng năng lực nhìn ra cái đẹp trong thiên nhiên thì hoạt động giáo dục cần có những nội dung gì, những hình thức nào? Hay nói nôm na là làm gì để có thể trở thành người ‘sành’ thiên nhiên, như chúng ta sành tranh hay sành nhạc? Tớ nghĩ chỉ học về phân loại và tái sử dụng rác, hay về ích lợi của rừng là không đủ.”

“Thật vui là cậu quan tâm tới chủ đề này, và sau những gì mình đã trao đổi sáng nay thì đây cũng là thời điểm vô cùng hợp lý để chúng ta nói về nó.”

*

“Cậu nhớ cách tiếp cận của Arnold Berleant, đúng không? Đắm chìm, hay như người Việt chúng ta nói, hòa mình vào thiên nhiên. Vậy nên một xuất phát điểm quan trọng là ta tập luyện để mài sắc các giác quan, để những cảm nhận của ta sắc nét hơn, tập trung hơn và trọn vẹn hơn. Sau khi rèn luyện đôi tai của mình ở vùng núi Yosemite mùa này qua mùa khác, ngày và đêm, trong mọi loại gió khác nhau, John Muir có thể chỉ qua âm nhạc vi vu của những cây thông mà xác định được vị trí của mình trên núi. Với ông, âm thanh của mỗi chiếc lá kim như một nốt nhạc được ‘lên dây’ cẩn thận và không thể lẫn được.”

“Siêu việt thật! Nhưng nghe chữ ‘bài tập’ tớ thấy hơi ngại ngại.” Tò Mò e dè.

“Tin tốt cho cậu đây, dù được gọi là bài tập, nhưng các hoạt động sẽ nhanh chóng đem lại niềm vui cho người thực hành, không giống như các bài tập toán, lý trong trí nhớ của cậu đâu.

Ta có thể bắt đầu bằng một hoạt động hay được người đi tắm rừng ưa thích. Ta chọn một chỗ nào đó dễ chịu trong thiên nhiên, ví dụ trong công viên hay trong rừng, không quá nắng, không quá ồn, và ghi nhận các cảm quan của mình. Ta dành thời gian để lần lượt tập trung vào một giác quan trước khi chuyển sang giác quan khác. Ví dụ, trong năm hay mười phút đầu tiên, ta tập trung vào khứu giác. Ta ngửi thấy mùi gì, nó từ đâu tới nhỉ? Nó đã biến mất? Ta chờ đợi, nó có thể quay lại. Hay nó đã nhường chỗ cho mùi khác? Rồi ta có thể một cách có ý thức ngửi những thứ mà ta chưa bao giờ ngửi, một hòn đá, một mẩu vỏ cây.

Trong mười phút tiếp theo, ta chỉ tập trung vào xúc giác. Bàn tay ta cảm nhận được gì từ phiến đá? Mặt đá ráp hay trơn, ấm hay mát, ta thấy buồn buồn hay hơi đau? Cạnh đó, lớp lá rụng đem lại cho bàn chân trần của ta cảm giác gì? Rồi thân cây mục, rồi mặt đất?

Rồi ta lắng nghe. Có những âm thanh nào, chúng tới từ đâu, chúng có cao độ, giai điệu và nhịp điệu thế nào?”

Tò Mò để mái chèo lên ngang đùi, cậu thực hành luôn. Nước róc rách rỏ xuống từ mái chèo trong tiếng gió trên cao và tiếng sóng vỗ nhẹ vào thành những chiếc kayak.

“Tớ dễ bị các suy nghĩ cuốn mình đi”, Tò Mò ngẩng lên, phá vỡ sự im lặng. “Vèo một cái, tâm trí tớ đã ở đẩu đâu...”

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Nuôi dưỡng mỹ cảm với thiên nhiên
Cuốn sách "Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường" - Ảnh: Omega+

“Một vấn đề rất phổ biến. Vậy nên Bharat Cornell, một trong những nhà giáo dục thiên nhiên có ảnh hưởng nhất, thiết kế một game đơn giản. Cậu chọn một tư thế thoải mái, hai bàn tay đặt lên đùi. Mỗi khi có điều gì đó khiến cậu chú ý, cậu ấn nhẹ một ngón tay xuống đùi để ghi nhớ. Cậu tự nhủ ‘Tôi thấy mây đang trôi nhanh trên trời’, và ấn ngón cái trái xuống đùi. Cậu ghi nhận ‘Tôi nghe thấy một tiếng chim đơn độc’, và ấn ngón trỏ trái xuống đùi. Khi suy nghĩ được nhận diện, chúng sẽ không kéo ta đi. Ta sẽ không nghĩ ‘Chim gì ấy nhỉ, hình như mình đã từng biết, trí nhớ của mình thật là tệ…’ Chỉ ghi nhận cảm quan của mình và ấn ngón tay xuống đùi. Hết mười ngón, cậu có thể làm vòng tiếp theo, rồi tiếp theo nữa. Với cách này, tiếng chim được ghi nhận cùng với một cảm giác thân thể, ngón trỏ ấn vào đùi, và có thể liên kết này sẽ ở rất lâu trong ký ức của ta.”

Một cơn gió mạnh đi qua, những chiếc kayak dập dềnh trên mặt nước.

“Cậu cũng sẽ nhận thấy là khi bắt đầu ngồi trong thiên nhiên mà không làm gì cả, ta thường sốt ruột. Ta muốn mở cái điện thoại ra, đầu ta đầy ắp các suy nghĩ. Nhưng ngồi càng lâu thì lại càng có nhiều thứ xuất hiện quanh ta. Chuyên gia tắm rừng Clifford nói là sau mười lăm phút bỗng nhiên ta mới phát hiện ra những bông hoa li ti ngay trước mặt mình.”

Suy Ngẫm vớt một cái lá lên, cẩn thận lau khô nó, và tiếp tục: “Sau khi đã dành nhiều thời gian để cảm nhận về không gian rộng lớn xung quanh, cậu có thể làm bài tập tiếp theo, tập trung vào một vật thể nào đó, ví dụ như cái lá này. Trong một tư thế thoải mái, cậu nhắm mắt, giữ nó trong tay rồi nhẹ nhàng chuyển nó từ tay này sang tay kia. Cậu thấy gì về trọng lượng của nó? Kích cỡ của nó ra sao, nó có nằm gọn trong lòng bàn tay hay không? Khi bóp nhẹ nó, cậu thấy gì? Nó thô hay nhẵn, nó mát hay ấm? Cậu thấy gì khi đưa nó lên và cọ nhẹ nó vào má mình?

Rồi cậu đưa nó lên mũi. Nó có mùi gì nhỉ? Nó có khiến cậu bất ngờ? Hãy thử nhấm nó, vị của nó thế nào?

Giờ hãy đưa cái lá lên sát tai và lắng nghe các âm thanh được tạo ra khi các ngón tay cậu cọ vào nó. Những âm thanh cao hay thấp, rỗng hay đặc, chúng thay đổi thế nào khi cậu tác động bằng những cách khác nhau, ở những chỗ khác nhau?

Và đây là một gợi ý của chuyên gia tắm rừng Hackenmiller mà tớ rất thích. Vẫn nhắm mắt, cậu điểm lại trải nghiệm của tất cả các giác quan mà cậu vừa có. Hãy hình dung cậu chưa bao giờ nhìn thấy vật thể đang nằm trong tay cậu. Nếu chỉ dựa vào ghi nhận của các giác quan khác trong những phút qua, cậu sẽ có hình dung gì về nó? Hãy cho mình vài khoảnh khắc trước khi mở mắt ra và nhìn cái lá như là lần đầu tiên trong đời cậu thấy nó. Hãy ghi nhận màu sắc, hình hài của nó, cấu trúc bề mặt của nó, hãy xoay nó trong tay và nhìn thật kỹ.”

“Tớ tin là tớ sẽ nhìn được nhiều điều mới mẻ mà trước kia, trong cả ngàn vạn lần nhìn những cái lá, tớ không để ý.”

Suy Ngẫm thả cái lá xuống nước: “Rồi cậu có thể làm bài tập này với một hòn đá, một bông hoa hay một nắm rêu.”

Tò Mò gật đầu, cậu thả một tay xuống nước, nước ấm áp đặc quánh bao quanh bàn tay cậu.

“Nước cũng là một thứ tuyệt vời để chúng ta thực hành mài sắc các giác quan”, Suy Ngẫm tiếp tục. “Cậu nhớ không, hồi nhỏ, chỉ với hai bàn tay, mình có thể chơi với nước cả giờ đồng hồ. Giờ ta chỉ cần làm y như khi ta còn bé. Ta chạm nhẹ một ngón tay vào nước, ta vuốt ve nước, thả bàn tay vào trong nước rồi chậm rãi nhấc nó lên. Những giọt nước rơi tạo ra những âm thanh gì? Ánh sáng lóng lánh trên mặt nước ra sao và khúc xạ dưới mặt nước thế nào? Ta thấy những động thực vật nào đang sống cuộc đời của mình trong nước? Tí nữa, trên bãi cát, chúng ta sẽ cùng từ từ ngâm mình xuống nước nhé, để cảm nhận nước tới bụng chân, tới hông, tới bụng, tới ngực, tới cằm. Ta sẽ chăm chú như là lần đầu tiên trong đời được dầm mình xuống nước vậy. Sẽ hít hà, sẽ nếm thử. Ta sẽ nằm ngửa và nhìn lên bầu trời.”

“Nghịch cát ướt hay bùn nữa cũng thật là tuyệt! Đắp bùn lên người luôn đem lại một cảm giác thật nguyên thủy. Bùn đen, bùn nâu, bùn mịn như nước, bùn thô như cát, bùn mát, bùn ấm. Bùn có thể đem lại cho ta niềm vui và cơ hội khám phá vô tận.”

Cái đảo nhỏ đã tới gần. Thỉnh thoảng, Tò Mò và Suy Ngẫm phải gác mái chèo, dùng tay bám vào đá nổi trên mặt nước để đưa chiếc kayak đi tiếp.

Mài sắc thị giác hóa ra lại là một thách thức lớn, bởi chúng ta vốn quen dùng nó một cách vội vàng và hời hợt.

“Mài sắc thị giác hóa ra lại là một thách thức lớn, bởi chúng ta vốn quen dùng nó một cách vội vàng và hời hợt. Hackenmiller đề xuất một bài tập để sửa thói quen này. Trong công viên, cậu ngồi hay nằm tùy ý, và bắt đầu quan sát thật chăm chú phần gốc của một cái cây lớn. Sau khi đã quan sát thật kỹ, cậu từ từ đưa ánh mắt lên trên một chút, khám phá phần thân dưới của nó. Vỏ cây, những mấu sù sì, rêu và địa y loang lổ. Rồi cậu lại đưa mắt tiếp lên cao. Một vài cây tầm gửi. Lên cao chút nữa, cậu gặp cành lớn đầu tiên. Toàn bộ bài tập này có thể kéo dài năm phút. Tớ cam đoan, sau đó cậu sẽ có một kết nối khác với cái cây đó.”

“Chút nữa chúng ta sẽ thực hành bài tập này với một vách đá nhé!”, Tò Mò hào hứng. “Chưa bao giờ tớ nhìn một cái vách đá năm phút cả!”

“Với đa số, ý tưởng dành năm phút chỉ để nhìn một cái cây hay một vách đá nghe như tra tấn, nhưng nhiều người nói rằng càng về sau, họ càng muốn có nhiều thời gian hơn cho bài tập này.”

“Tớ có thể hình dung được. Các giác quan càng sắc thì ta lại càng thấy thích thú, và càng thích thú thì ta lại càng muốn tiếp tục.”

“Trong một bài tập để làm mới cái nhìn rất được ưa thích khác của Cornell, cậu được bịt mắt. Một người bạn dẫn cậu đi lòng vòng trong công viên để cậu mất phương hướng, trước khi cho cậu dừng lại trước một cái cây. Mắt vẫn bị bịt, cậu dùng bàn tay, cánh tay, má, đùi hay gì cũng được để ôm cây, sờ nắn cây, từ dưới lên trên. Rồi cậu lại được dẫn ra xa và tháo cái bịt mắt ra. Giờ đây, dựa trên trí nhớ xúc giác của mình, cậu phải tìm ra được cái cây ‘của cậu’.

Tớ đã chơi trò này, và đặc biệt làm sao, khi mở mắt ra, tớ thấy mỗi cái cây là một cá thể độc nhất. Chúng không giống nhau như những hạt đỗ trong một vốc đỗ nữa. Chúng khác nhau theo cách những khuôn mặt người khác nhau vậy.

Một bài tập khác của Cornell, cũng để làm tươi mới con mắt, tên là camera. Cậu là camera, nhắm mắt, đằng sau cậu, hai tay đặt lên vai cậu, là ‘người chụp ảnh’. Trong im lặng, người chụp ảnh dẫn cậu đi tới chỗ này, chỗ kia, và khi thấy có gì thú vị thì vỗ nhẹ hai cái lên vai cậu. Cậu mở mắt ra. Sau ba giây, người chụp ảnh lại vỗ nhẹ vào vai cậu, và cậu ‘đóng máy’. Sau một thời gian thì hai người đổi vai.

Nhiều người tham gia nói với Cornell là sau năm năm, họ vẫn nhớ như in hình ảnh họ thấy khi họ mở mắt ra sau hai cái vỗ của người bạn. Tớ cũng đã có một trải nghiệm đẹp khi làm bài tập này trong một khu rừng già. Tầng tầng lớp lớp trên cao, các tán cây lớn phủ kín không gian. Tớ nhắm mắt. Bốn bề xung quanh, những giọt nước lớn rớt xuống những chiếc lá khổng lồ, vang lên như trống, nhưng lạ sao, ta lại không ướt gì cả. Có tiếng chim kêu lảnh lót và tiếng gió nhẹ. Tiếng thì thào của người cùng đoàn bỗng nổi lên bên cạnh, khiến ta có cảm giác họ vừa bước ra ánh sáng, rồi với sự im lặng họ lại chìm vào trong bóng tối. Sau hai cái vỗ vai của người bạn, tớ mở mắt và thấy đám dương xỉ dập dìu trong gió và sáng lên vì nước mưa. Chỉ là dương xỉ thôi, nhưng sau năm phút trong bóng tối, đó như là một cảnh thần tiên.”

Càng vào gần bờ, đá càng nhiều hơn. Suy Ngẫm bị kẹt, cô thận trọng chống mái chèo lên một mỏm đá để đẩy chiếc kayak ra.

“Liên quan tới thị giác, có lẽ tớ sẽ không bao giờ quên cái đêm tớ lội suối trong rừng nguyên sinh cùng vài người bạn. Những cột sáng của mấy cái đèn pin đeo trên trán chỉ đủ để hắt một thứ ánh sáng mờ ảo và ma mị lên những thân cây cao bảy tám tầng nhà, những cây leo lớn bằng bắp đùi buông xuống hay vắt ngang hết cả tầm nhìn. Con suối sáng nhẹ trong ánh trăng ít ỏi lọt qua được những tán lá. Tiếng nước rì rào vọng tới từ bốn phía. Nước suối lúc ấm lúc mát, vờn và cù vào bụng chân. Sương đều đều buông xuống làm không khí ẩm ướt. Cú đêm gù gù trầm và sâu. Vài tiếng chim đêm lạc lõng. Như được điểm danh bởi một đội trưởng vô hình, ếch nhái bất ngờ ộp oạp lúc gần lúc xa, lúc to lúc nhỏ, lúc cụt lủn lúc ngân vang. Âm thanh của côn trùng như một làn sương mù lẩn khuất, như sóng biển lúc xa lúc gần. Có giọng khàn khàn nhỏ nhẹ, có giọng gắt và đanh, có giọng mượt như lụa, có giọng mềm mại nỉ non.

Trong không gian khổng lồ đó, cái nhìn của tớ được hướng dẫn để tập trung vào những thứ bé nhỏ nhất, điều tớ chưa từng làm. Một con ếch. Một con ô rô. Nhỏ nữa. Một con muỗm, một con dế lạc đà, một con sâu róm. Nhỏ nữa. Một con đom đóm đang mắc trong mạng nhện. Nhỏ nữa. Một con thiếu trùng chuồn chuồn ngô. Một con nòng nọc. Nhỏ nữa. Một con giun đầu đinh chỉ bằng sợi chỉ. Lũ mối li ti bên dưới chiếc lá mục. Cậu có hình dung được không? Cậu ở trong một khu rừng nguyên sinh mênh mông, trong đêm, và cậu ghi nhận sự tồn tại của một con rầy bé bằng đầu kim, sáng lên trong ánh đèn pin như một bông tuyết. Hàng triệu, hàng triệu sinh linh đang sống cuộc đời của mình, có thể chỉ buổi tối hôm đó, có thể cả một thế kỷ, trong không gian và thời gian mà tiến hóa đã đặt chúng vào. Và tớ may mắn có mặt ở đó cùng chúng.”

*

Chiếc kayak của Tò Mò trườn nhẹ lên cát rồi dừng lại, chiếc của Suy Ngẫm theo sau. Hai người bạn nhảy xuống nước ngập tới bụng chân, bắt đầu loay hoay kéo hai chiếc thuyền lên mặt cát, cột chúng vào một tảng đá rồi ngả ngốn ra bãi. Đằng sau họ, những cây dừa và rặng phi lao xanh tốt được che chở bởi vách đá đầy những vết cứa ngang dọc của thời gian.

“Mảng hoạt động thứ hai để trau dồi khả năng rung động trước thiên nhiên, chắc cậu cũng đoán được…”, Suy Ngẫm nói.

“Tớ đoán nó liên quan tới thu nhận kiến thức khoa học? Những hiểu biết về địa chất, sinh học, sinh thái học?”

“Đúng vậy, và dựa vào đó, ta gửi trí tưởng tượng của mình về quá khứ hay tương lai”, Suy Ngẫm giơ bàn tay còn ướt lên. “Những giọt nước này, khi nào chúng sẽ nhập vào những đám mây trên kia? Gió sẽ đưa chúng về đâu? Chúng sẽ tưới tắm cho đồng ruộng nào?

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Nuôi dưỡng mỹ cảm với thiên nhiên

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang hiện là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận, nghiên cứu và vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân.

Giờ đây, với những ứng dụng như Seek hay iNaturalist, kiến thức chỉ cách chúng ta vài cái gõ ngón tay. Cậu chụp ảnh cái lá hay con bọ nào đó, và sau một phút, đã biết đủ điều thú vị về nó. Nếu cậu được đi cùng với một người hiểu biết và có khả năng truyền cảm hứng thì còn tuyệt hơn nữa! Tớ đã nhìn thấy sự thay đổi đáng ngạc nhiên của lũ trẻ nọ trong một chuyến tham quan vào rừng. Sáng đầu tiên, trước cửa rừng, chúng sợ bẩn, sợ côn trùng, chúng muốn quay về phòng của mình để chơi game. Cuối ngày hôm sau, chúng nhận biết và say mê với các loại mạng nhện khác nhau. Chúng chiêm ngưỡng gián rừng, lá bào tử, chúng ngạc nhiên với cách bọ que cái thu hút con đực.

Trước kia, khi vào vườn quốc gia đó, tớ chỉ nhanh chóng tìm tới cây chò chỉ ngàn năm để chụp ảnh. Lần đi cùng bọn trẻ đó, tớ mất hơn một tiếng để di chuyển 200 mét. Có quá nhiều thứ để ngắm, ngửi, sờ, nghe và để tìm hiểu.”

Suy Ngẫm dừng lại, cô quan sát hồi lâu một con dã tràng đang loay hoay ra vào cái hang của mình, rồi tiếp tục.

“Chắc cậu còn nhớ, dùng kiến thức để đặt mình vào vị trí của thiên nhiên là một cách tiếp cận quan trọng khác. Có những bài tập kinh điển để thực hành thấu cảm. Ví dụ, trong vườn, cậu hình dung mình là một cái cây. Cậu nhắm mắt, đứng dạng hai chân để có tư thế vững chãi. Rồi cậu hình dung rễ cái của cậu bắt đầu đi sâu vào lòng đất. Một mét, hai mét, năm mét, mười mét. Nó uốn lượn để xuyên qua đất, lách qua đá. Ngay dưới mặt đất thì các rễ bên của cậu lan tỏa thành vòng tròn. Rễ bên lan ra tới đâu, trên cao, tán cậu tỏa ra tới đó. Rồi cậu hình dung mình đi qua mùa hè đỏ lửa, những cơn bão đầu thu, mùa đông hanh hao, mùa xuân ẩm ướt. Rồi cậu hình dung chim chóc tới làm tổ trên cậu. Cậu là nơi trú ẩn của thằn lằn và sóc. Cậu cần bướm, chim và ong, cậu là một phần của hệ sinh thái. Giờ đây, nếu dùng một từ để nói về thân phận làm cây, cậu sẽ chọn từ gì?“

“Kiên nhẫn? Bền bỉ? Không…”, Tò Mò bị bất ngờ. “Kết nối? Khó đấy nhỉ! Tớ chưa bao giờ nghĩ tới thân phận của một cái cây, thật là tiếc! Tớ quá bận bịu với thân phận của tớ.”

“Cậu cũng có thể chọn làm con dã tràng này và sống cuộc đời của nó trong hình dung của mình. Tớ thực sự ấn tượng là sự thấu cảm có thể nảy nở nhanh như thế nào. Vào cuối chuyến đi cùng bọn trẻ mà tớ vừa kể, một em để yên cho ‘bạn’ vắt đang bám trên cổ tay mình lấy thêm chút máu nữa, trong khi mẹ em thì cuống quít bên cạnh. Em biết sự xuất hiện của vắt là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ rừng vẫn còn thú và có đủ độ ẩm. Hai em khác sau khi ngắm nghía kỹ một ‘bạn’ ô rô được thầy bắt bỏ trong lọ và tìm hiểu đó là ô rô đực hay cái thì cẩn thận chọn một cái lá đẫm nắng để thả nó ra, các em biết rằng ô rô muốn sưởi nắng.

Một lần khác, theo một bài tập của Cornell, tớ chọn một con thằn lằn trong vườn để quan sát thật kỹ và ghi nhận năm điều của nó mà tớ chưa bao giờ để ý tới. Màu mắt của nó, cách nó thở, cách nó nghiêng đầu, những ngón chân bé xíu của nó, cách đuôi nó chuyển động khi nó di chuyển.

Cornell gợi ý ta tìm một từ để mô tả tinh thần đặc trưng của thứ ta đang quan sát. Cậu biết không, thật khó để diễn đạt tinh thần đặc trưng của một con thằn lằn. Tớ vẫn chưa làm xong bài tập này, tớ vẫn cần tiếp tục quan sát và suy ngẫm.”

Tò Mò ngồi dậy. Cậu vén những sợi tóc lòa xòa trước trán vì gió và nói khẽ: “Tớ cảm nhận được tình yêu và sự tôn trọng mà cậu dành cho nó.”

Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường: Nuôi dưỡng mỹ cảm với thiên nhiên

Bài viết được trích từ cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - Hay vì sao chúng ta cần thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên của tác giả Đặng Hoàng Giang, được Omega Plus phát hành trong tháng 10/2024.

Qua những chuyến đi và những cuộc trò chuyện của đôi bạn trẻ hư cấu là Tò Mò và Suy Ngẫm - hai nhân vật đại diện cho những người trẻ ham học hỏi, có cá tính riêng và cùng yêu thiên nhiên; tác giả chỉ ra hệ lụy từ cách mà chúng ta đang thưởng thức vẻ đẹp của phong cảnh và sinh vật.

Cuốn sách mở ra những con đường mới để mỗi người có thể phát triển khả năng rung động và kết nối sâu sắc với mọi hình thái của thiên nhiên, thay vì chỉ với những phong cảnh hợp Instagram. Hành trình của Tò Mò và Suy Ngẫm cũng giúp độc giả đi xuyên qua vẻ bề ngoài để cảm nhận được vẻ đẹp của những điều mà trước kia ta coi là tầm thường, xấu xí.

Đặng Hoàng Giang

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Con người và bài học ứng xử với thiên nhiên Sám hối của loài người gửi mẹ thiên nhiên Thiên nhiên là bức ảnh đẹp nhất Cái tôi thắm đượm tình yêu thiên nhiên và con người Hậu bão Yagi: Hãy ứng xử với thiên nhiên phù hợp
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn
Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Đọc truyện: Nhánh lan vảy rồng. Truyện ngắn dự thi của Trung Sỹ

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương