Ngày 9 tháng 2 năm 1929, quãng 20h00, trên phố Huế vắng tanh vào dịp Tết, Alfred Bazin, Giám đốc Tổng nha Lao động Đông Dương (Office général de la main-d’œuvre indochinoise, OGMIC), ra khỏi nhà người tình, cô Carcel. Lập tức có hai người đàn ông mặc âu phục áp sát Alfred, chĩa súng bắt ông ta phải đọc một tài liệu tố cáo các hoạt động của Tổng nha. Bazin không có thời gian đọc hết, ông bị bắn ba phát đạn ở cự ly gần. Cuộc điều tra do Sở Mật thám Đông Dương (Sûreté générale indochinoise) thực hiện đã dẫn đến việc bắt giữ Léon Van Sanh vào ngày 16 tháng 2 mà trên người y cảnh sát tìm thấy một danh sách các thành viên của Việt Nam Quốc dân Đảng (Parti Nationaliste du Vietnam). Cuộc đàn áp nhắm vào phong trào dân tộc chủ nghĩa của người Việt là rất dữ dội và làm nó suy yếu đáng kể. Vụ việc kia bị loan ra và đã được báo cáo chi tiết (Vann, 2006). Tiếng vọng của những phát súng hạ sát Bazin trở thành biểu tượng chống lại ách áp bức thực dân và vang tới tận chính quốc. Ngoài ý nghĩa chính trị và biểu tượng của biến cố này, chúng ta cần phải đặt nó trong một bối cảnh kinh tế và xã hội tại những thuộc địa “thân thương” với Albert Sarraut, những nơi ghi khắc dấu ấn công cuộc khai khẩn của ông ta(1). Cố nhiên, chúng ta phải cẩn thận để không sa vào cạm bẫy vẫn còn lấn lướt trong công trình sử liệu vốn phân đôi rạch ròi giữa thời chinh phục và thời thiết lập nhà nước thuộc địa, vì có như thế thì cây thước của người khảo sát mới tiếp nối thanh kiếm của sĩ quan. Định đề này bị coi nhẹ bởi hầu hết các sử gia thuộc địa (Grémont, 2018) vốn cho rằng thuộc địa hóa là một công cuộc “chinh phục không ngừng”(2) khi họ phê bình thuật ngữ mà Florence Bernault dùng để nói đến các nhà tù ở châu Phi thời thuộc địa.
Phu cao su làm việc dưới sự giám sát của người Pháp - Ảnh: Tư liệu |
Nhưng nó không nhất thiết phải là một cuộc chiến bất tận trong đó bom đạn súng ống là sự tham gia duy nhất của nước Pháp. Sự phát triển của các công ty thuộc địa, đặc biệt sau Thế chiến thứ nhất, là một thực tế được thể hiện qua nhu cầu lao động khổng lồ và đòi hỏi tuyển dụng đã vượt quá khuôn khổ địa phương nơi doanh nghiệp trú đóng. Ví dụ, từ năm 1929 đến năm 1937, diện tích canh tác cao su đã tăng 41%, từ 90.000 lên hơn 127.000 hecta (Boucheret, 2014: 28). Các luồng di cư mới trong nội địa Đông Dương hoặc ngoài biên giới liên bang đã manh nha xuất hiện. Các lòng chảo tuyển dụng hình thành, nhất là ở Bắc kỳ và Trung kỳ, nơi các trung tâm được mở ra để đáp ứng nhu cầu lao động. Trong số đó có OGMIC của Alfred Bazin. Thành lập năm 1927, Tổng nha Lao động Đông Dương đặt trụ sở tại Hải Phòng, là công ty mộ phu cho các đồn điền ở phía nam bán đảo Đông Dương hoặc xa hơn nữa ở các thuộc địa Tân-Calédonie và Tân-Hébrides. Công ty này có mạng lưới chi nhánh ở khắp các trung tâm chính của Bắc kỳ. Nếu từng có thời công ty này đóng một vai trò quan trọng trong phong trào lao dịch khế ước ở Đông Dương cho đến khi Bazin qua đời năm 1929, thì về sau nó không còn giữ được thế độc quyền trong một lĩnh vực đầy cạnh tranh, nơi có rất nhiều công ty “thịt người”(3), đúng như cụm từ được Paul-Augustin Lapique(4) đặt ra. Bản thân Paul-Augustin Lapique có công ty riêng mang tên mình và nó đã trở thành đại diện cho Nghiệp đoàn điền chủ cao su Đông Dương (Syndicat des planteurs de caoutchouc de l’Indochine) tại Bắc kỳ từ những năm 1930 và đã triển khai các hoạt động trên nhiều thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương.
Sử liệu về quá trình phát triển kinh tế và xã hội của các lãnh thổ thuộc địa này tương đối phong phú (Jeoung, 2018; Boucheret, 2015). Ngoài ra, còn có nhiều công trình đề cập đến các phong trào di cư do những thay đổi trong lòng xã hội Việt Nam tác động (Brocheux, 2015), đồng thời làm suy yếu một số giả định, đặc biệt là giả định người nông dân Việt gắn bó với quê hương (Hardy, 2010)(5).
Vai trò của lãnh mộ phần lớn vẫn chưa được biết đến và các nhà sử học chỉ đề cập tới họ một cách thoáng qua, trong khi họ xứng đáng được tìm hiểu nhiều hơn thế. |
Trái lại, vai trò của lãnh mộ(6) phần lớn vẫn chưa được biết đến và các nhà sử học chỉ đề cập tới họ một cách thoáng qua, trong khi họ xứng đáng được tìm hiểu nhiều hơn thế. Quả thực, họ là những nhân tố chủ chốt quyết định sự vận hành trơn tru của hoạt động đặc biệt này. Là cộng tác viên của hệ thống kinh tế thuộc địa, họ đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và thúc đẩy dòng di cư. Tuy nhiên, cách thức tuyển dụng của họ vẫn còn chưa được xác định rõ ràng. Làm thế nào họ hoàn thành vai trò đại lý quảng bá để thu hút ứng viên? Tổ chức nào đảm bảo tuyển dụng và đưa di dân tới đích? Liệu có thể vén bức màn để đưa những tác nhân - mảnh ghép quan trọng cấu thành động lực di cư này ra khỏi bóng tối không? Mục đích của bài này là phác thảo các mốc lịch sử của trung gian tuyển mộ lao động Đông Dương trong thời kỳ thuộc địa mà cho tới nay vẫn cần phải nghiên cứu.
Sau khi trình bày cấu trúc tổng quát của lĩnh vực nghiên cứu này, đặc biệt từ quan điểm của phát triển khuôn khổ pháp lý, chúng tôi sẽ đưa ra kết quả khai thác quỹ dữ liệu hiện có tại Trung tâm Lưu trữ [Quốc gia] I ở Hà Nội, tất cả được phân tích dưới góc độ cụ thể, góc độ của dòng di cư giữa Bắc kỳ và Tân-Calédonie.
Người phu cao su tại đồn điền An Lộc. Ảnh: J. Boyer/TL |
Như Paul Veyne từng nói, “kiến thức lịch sử được đúc kết trên khuôn mẫu của các tài liệu bị cắt xén”. Việc lập bản đồ các nguồn sẽ cho phép trả lời câu hỏi về cách thức vận hành hệ sinh thái trung gian lao động ở Bắc kỳ cũng như hồ sơ của những tác nhân đó sẽ giúp dựng lại một bối cảnh đa dạng với nguồn gốc chủ yếu dựa vào tài liệu lưu trữ công cộng từ cuối những năm 1920. Ta có thể cần đến một cuộc đối chiếu giữa các nguồn lưu trữ này với lưu trữ riêng của các công ty đã từng có hoạt động tuyển dụng, hoặc ít nhất là các công ty vẫn còn hồ sơ dữ liệu.
Đối với các nguồn công cộng, chúng ta nên đặt vào bối cảnh ngay sau chiến tranh, khi mà ở chính quốc xuất hiện một luận điệu được khích lệ bởi mong muốn du nhập các giá trị của nền Cộng hòa vào các lãnh thổ thuộc địa. Không biểu thị cho một sự thay đổi mô hình triệt để, luận điệu này một phần được kích động bởi cuộc lên án một hệ thống được coi là quá áp bức, như hình ảnh từ phóng sự do Albert Londres thực hiện tại Tây Phi thuộc Pháp thể hiện, và bởi nguyện vọng cải tổ của một số chính trị gia như Maurice Perrier. Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa vào năm 1926, ông ta đã thúc đẩy một cuộc khảo sát lực lượng lao động trên diện rộng để hiểu rõ hơn điều kiện lao động của người dân địa phương. Cuộc khảo sát do thanh tra Gayet tiến hành năm 1927 ở Nam kỳ đã gay gắt tố cáo tình trạng phu phen đồn điền và khuyết điểm - hoặc ít ra bị coi là khuyết điểm - của chính quyền địa phương. Bầu không khí cải cách này do đó đã cho phép Alexandre Varenne, người đứng đầu chính quyền thuộc địa Đông Dương từ năm 1925 khởi động một cuộc cách tân khuôn khổ pháp lý. Tuy nhiên, đây không phải là một sự đoạn tuyệt với thời kỳ trước bởi lẽ ngay từ năm 1918 Albert Sarraut đã ban hành một nghị định nhằm điều chỉnh lao động nông nghiệp và thành lập một ban thanh tra lao động ở Nam kỳ. Về thành phần trung gian thì các điều khoản khác nhau được thông qua từ năm 1927 đến năm 1934 đều nhắm vào việc xác định rõ hơn các tác nhân này bằng cách buộc họ phải trình diện chính quyền địa phương.
Được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa vào năm 1926, Maurice Perrier đã thúc đẩy một cuộc khảo sát lực lượng lao động trên diện rộng để hiểu rõ hơn điều kiện lao động của người dân địa phương. |
Thật vậy, vai trò mà các trung gian đó đảm nhiệm không phải là không gây ra những tranh cãi nhất định trong phương pháp tuyển dụng lao động. Tháng 4 năm 1929, tờ Le Colon français của Pháp đưa tin “Sở Cẩm Hải Phòng đã cho điều tra các vụ hành hung của hãng Lapicque đối với những người tuyển dụng bản địa liên quan đến việc hành nghề của họ”(7). Paul Monnet [sic, Monet] tố cáo tầng lớp trung gian này là một ngành “công nghiệp ký sinh”(8) mà quả thật một vài tác nhân cũng cảm nhận rằng đó là một hoạt động săn mồi tận dụng các thảm họa khí hậu chẳng hạn như lũ lụt để “buộc người nghèo khổ phải ly hương và chịu ách nô lệ tạm thời”(9). Theo các nhà quan sát thì có hẳn một kho quân giới được triển khai nhằm thu thập “thịt vàng”(10) bằng cách lừa đảo lôi kéo cho tới bắt cóc. Paul Monnet [sic] trích dẫn tờ Volonté indochinoise, và nhấn mạnh rằng “nhà tuyển dụng chính là kẻ khoác lác: [...] toàn bộ chính quyền đồng hành với hắn và xác nhận lời bịp bợm của hắn”(11). Nhưng ngoài vai trò tung hứng đó thì nhà tuyển dụng còn có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác có tính chất tội phạm hơn nữa. Hắn có thể nhờ đến đường dây của mẹ mìn, người dễ dàng bắt cóc trẻ em và thiếu nữ hơn bằng cách cho nạn nhân sử dụng ma túy khiến họ mất hết ý thức phản kháng (Firpo, 2013). Như Paul Monnet [sic] viết, “nghề tuyển dụng đã trở nên khó khăn kể từ khi những người nông dân An Nam dốt nát nhất cũng biết được điều gì ẩn giấu đằng sau cam kết kia, những tên cai trơ tráo không ngại dùng đến phương tiện đáng kinh ngạc nhưng rất đỗi thực tế này để bắt những người đáng thương phải phục tùng chúng”(12). Dĩ nhiên ta cần thận trọng trước lời tố cáo của Paul Monnet [sic], nhưng lời này vẫn đáng được xem xét bởi những động cơ của luận chứng mà nó sử dụng. Quả thực, các động cơ đã đánh đồng hoạt động trung gian với nạn buôn người, hai hoạt động này đều có sự tiếp tay của nhân vật không kém gây tranh cãi là mẹ mìn, một nhân vật bù nhìn mà truyền thông dựng lên giữa hai cuộc chiến để quy kết cho các vụ bắt cóc các cô gái trẻ. Mối bận tâm về nguồn gốc và tính minh bạch trong quá trình tuyển dụng đã dẫn đến việc áp dụng điều 18 của nghị định ngày 25 tháng 10 năm 1927 liên quan đến bảo vệ lao động bản địa và lao động châu Á có hợp đồng. Điều này có thể được hiểu như là một thiện chí xác minh rõ hơn lai lịch những nhà tuyển dụng. Do đó, nó quy định rằng “yêu cầu cấp phép tuyển dụng phải ghi rõ: tên và chuyên ngành của bên sử dụng lao động và tên của nhà tuyển dụng”(13).
Điều khoản này còn được bổ sung bằng một nghị định khác ngày 16 tháng 7 năm 1930 quy định cụ thể về nghề tuyển dụng lao động. Điều khoản đầu tiên của nghị định buộc một đại lý di cư tư nhân phải là “giám đốc của một công ty tham gia thường xuyên hoặc không thườngxuyên vào việc tuyển dụng người lao động làm việc theo hợp đồng”(14). Ngoài nỗ lực định nghĩa này, phải nhấn mạnh rằng khoản 2 của nghị định trên quy định “các cơ quan tuyển dụng phải cung cấp danh sách tất cả nhân viên hoặc đại diện chịu trách nhiệm tiến hành tuyển dụng cho phòng, hoặc sở địa phương có nghĩa vụ kiểm soát di cư lao động trước khi có bất kỳ hoạt động nào”(15). Cuối cùng, cấu trúc pháp lý này được hoàn hiện bằng nghị định ngày 19 tháng 12 năm 1934 bắt buộc nhà tuyển dụng phải có thẻ hành nghề và phải đăng ký. Vậy là, xuất phát từ một giả định cho rằng không có sự bảo vệ lẫn kiểm soát, chính quyền thực sự lo ngại về lai lịch của nhà tuyển dụng trong khi một vài đại diện của chính quyền đã cảm thấy có sự mờ ám nhất định của hoạt động [tuyển dụng] này. Thống sứ (résident supérieur) Robin do đó đã thổ lộ rằng cần phải “cố gắng loại bỏ nghề này. Theo tôi, tuyển dụng không nên có tính chất thương mại. Nó không nên có mục đích gì hơn ngoài đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động và cung cấp cho nhân công một cơ hội kiếm sống trong những điều kiện thỏa đáng. Chính vì lý do này, tôi nghĩ rằng tuyển dụng không nên được ủy thác cho bất kỳ trung gian nào, và chỉ nên ủy thác cho các đơn vị sử dụng lao động hoặc người được ủy nhiệm không vụ lợi”(16). Tuy nhiên, lập trường chính trị này không được đưa vào thực tiễn bằng việc thi hành quyết định hành chính nhằm chống lại các công ty tuyển dụng mà thay vào đó là một khuôn khổ nhằm kiểm soát tốt hơn các đại lý có phương thức hoạt động bị coi là lạm quyền. Tất nhiên, khuôn khổ chung này là một đồng minh tiềm năng đặc biệt có giá trị đối với nhà sử học muốn tìm hiểu sâu hơn vấn đề trung gian tuyển dụng. Các nguồn lưu trữ của các cơ cấu hành chính thuộc địa hẳn phải có một danh sách các đại lý này. Thế nhưng, cần nhắc lại rằng kiểm duyệt hành chính bằng cách áp dụng các quy định liên tiếp nhau với cùng một chủ đề hòng điều tra danh tính của nhà tuyển dụng thường là một chỉ dấu cho thấy sự tuân thủ mơ hồ đối với khung pháp lý được chính quyền Đông Dương thông qua. Chỉ khi nguồn lưu trữ về chủ đề này được khai thác có hệ thống và đúng đắn thì chúng ta mới có thể cởi bỏ nghi ngờ.
Về mặt này, Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại sở hữu nhiều phông có thể làm sáng tỏ vấn đề. Đặc biệt, série M về lao động và lực lượng lao động, série F về di dân và lực lượng lao động Đông Dương, các phông của Thống sứ Bắc kỳ, Nha Kinh tế và kế hoạch của Bộ Thuộc địa, Nha Kiểm soát mà kiểm kê hiện vẫn đang được tiến hành.
Ngoài ra, vì chiếm vị trí đầu mối của các dòng di cư nên tòa đốc lý Hải Phòng đã lập một văn phòng Bảo hộ theo nghị định ngày 8 tháng 7 năm 1927 chịu trách nhiệm kiểm soát tuyển dụng và di cư lao động. Nhiệm vụ của nó được nêu rõ trong nghị định ngày 2 tháng 10 năm 1927: ngoài việc giám sát các trại tập trung nơi người di cư đợi xuống tàu thì phải đảm bảo thăm khám y tế cũng như trang thiết bị cho di dân Bắc kỳ trên tàu. Như vậy, đây là bằng chứng đặc biệt cho thấy điều kiện ra đi của người lao động theo hợp đồng và cho phép chúng ta hiểu được cách thức tiến hành cuộc ra đi ấy.
Cuối cùng, quá trình khai thác tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội, đặc biệt là của những phông liên quan đến các công sứ tỉnh, cũng có thể soi tỏ thêm về hoạt động trung gian tuyển dụng. Những kết quả ban đầu của cuộc khảo cứu các phông Thống sứ Bắc kỳ, Công sứ Nam Định và Công sứ Hà Đông về tuyển dụng lao động cho các thuộc địa Pháp ở Thái Bình Dương đã đặt ra những cơ sở đầu tiên cho vấn đề này.
Để hiểu rõ hơn những lý do dẫn đến việc tổ chức một dòng di cư giữa Đông Dương và các thuộc địa Pháp ở Thái Bình Dương, đặc biệt là Tân-Calédonie, trước hết chúng ta sẽ điểm qua các giai đoạn chính của lịch sử hòn đảo thuộc địa này.
Dân số bản địa bị sụt giảm khiến cho các doanh nghiệp phải mở rộng phạm vi địa lý để đảm bảo tuyển dụng lao động. |
Bị Pháp chiếm từ năm 1853, Tân-Calédonie ban đầu trở thành lãnh thổ hình sự dựa trên sắc lệnh (décret) ngày 2 tháng 9 năm 1863 về việc thành lập một nhà tù khổ sai. Trong hơn ba mươi năm, có khoảng 20.000 tù nhân với án tù khác nhau (chuyển trại, lưu đày, phát vãng) đã tới đây thụ án và cư trú trên thuộc địa Thái Bình Dương này. Bên cạnh đó, khai thác tự do cũng được khuyến khích, nhất là bởi Thống đốc Paul Feillet, người đã đưa ra chính sách chấm dứt sử dụng lãnh thổ Calédonie như là nơi chứa chấp tội phạm vào năm 1898, đồng nghĩa với việc tước đi lực lượng lao động giá rẻ mà công nghiệp và nông nghiệp rất cần tới. Các doanh nghiệp cũng bị thu hút bởi sự giàu có về khoáng sản của các đảo này, đặc biệt là nickel được Jules Garnier phát hiện vào năm 1866. Một ngành công nghiệp khoáng sản thâm dụng lao động bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, dân số bản địa bị sụt giảm khiến cho các doanh nghiệp phải mở rộng phạm vi địa lý để đảm bảo tuyển dụng lao động. Như Le Journal des débats đã viết, “không nên che giấu rằng một trong những khó khăn nghiêm trọng của các công ty này [ở Tân-Calédonie] là tình trạng khan hiếm lao động, và, từ quan điểm cụ thể đó, chính quyền thuộc địa cần hỗ trợ họ vượt qua trở ngại”(17).
Một trong những doanh nghiệp đó, công ty Ballande, rất tích cực trong lĩnh vực này. Đặt trụ sở tại Bordeaux, công ty chuyên về vận chuyển hàng hóa nhưng cũng sở hữu các hoạt động khai thác khoáng sản. Năm 1891, chính quyền thuộc địa Đông Dương đã gửi lao động địa phương cho các công ty này. Họ đã tổ chức cho tàu Chéribon đưa đi 835 người, trong đó có 785 tù nhân Côn Đảo và 50 người di cư tự do.
Việc hình thành dòng di cư giữa Đông Dương và Tân-Calédonie chứng tỏ sức sống của một mạng lưới thuộc địa, nơi mà động lực trao đổi không bị điều khiển bởi chính quốc và cũng không thông qua chính quốc. Nhưng sự xuất hiện của những di dân này không phải không gặp trở ngại. Như Thống đốc Paul Feillet thừa nhận, “việc bố trí họ vào môi trường bản địa ban đầu khá vất vả”(18). Theo ông, cùng lúc đó có sáu trăm người Nhật Bản tới đây và sự trùng hợp này đã gây ra tình trạng ứ đọng cho thị trường lao động cũng như gây ra khó khăn trong việc bố trí việc làm cho lao động và tù nhân đến từ bán đảo Đông Dương. Ngay khi đến nơi, họ bị cách ly ở đảo Freycinet trong khi chờ đợi công việc. Tình trạng chen chúc quá tải, thiếu rau quả và nắng nóng đã gây ra dịch bệnh béribéri(19) và tỷ lệ tử vong khá cao trong quần thể này. Ngoài ra, chính quyền Calédonie cho rằng lai lịch của những người này đã mau chóng góp phần làm xấu đi mối quan hệ với những công ty thuê lao động. Từ đó, Thống đốc Tân‐Calédonie dựng lên một bức chân dung không mấy thiện cảm, cũng có thể nó phù hợp với thực tế và là cách khéo léo không chỉ trích những lựa chọn mà người đồng nhiệm ở Đông Dương đã làm trong việc tuyển lựa lao động. Ông thông báo rằng “những lao động thuê đó sống bừa bãi, coi sự trừng phạt của chúng tôi là trò trẻ nít và tuyên bố rằng họ không sợ gì”(20). Hơn thế nữa, một vài người trong số họ còn nổi loạn và bỏ trốn. Họ chạy sâu vào trong đảo, nơi mà “họ sống bằng cướp bóc cho tới ngày người bản địa tổ chức truy lùng, thì mới tìm được họ”(21). Và cuối cùng, một số khác “quên đời vì thuốc phiện, rượu chè đến nỗi một người tiền nhiệm của tôi phải ra nghị định cấm bán những thứ này cho công nhân”(22). Trong tình trạng đó, đám dân bị coi là tương đối hỗn loạn “giờ đây không được coi trọng lắm”(23) như Thống đốc Tân‐Calédonie nhấn mạnh.
Về phần mình, chính quyền thuộc địa Đông Dương tự hạn chế theo đuổi trải nghiệm này. Họ lấy làm tiếc vì thiếu tầm nhìn đối với tương lai của những người lao động. Như Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan thông báo với người đồng nhiệm ở Tân-Calédonie, “từ khi họ xuống tàu, chúng tôi không nhận được thông tin gì về các lao động thuê và các tù nhân”(24). Do đó, bản tổng kết mà hai chính quyền thuộc địa rút ra từ sự việc này là đặc biệt sơ sài.
Johann Grémont là Tiến sĩ lịch sử và nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Á của Pháp (IFRAE). Ông từng là giáo viên lịch sử và địa lý trước khi đến làm việc tại Việt Nam với tư cách là đại diện của thành phố Montreuil, sau đó làm việc tại bộ phận Quan hệ Quốc tế tại trụ sở giáo dục Créteil. Hiện là tùy viên chính quyền trung ương. Ông cũng nghiên cứu về việc duy trì trật tự trong môi trường thuộc địa theo hướng mới như lao động thuộc địa. Ông đã cho xuất bản Maintenir l’ordre aux confins de l’Empire tại NXB Maisonneuve & Larose Nouvelles Editions/Hémisphères. |
Dẫu vậy, bất chấp những khó khăn ban đầu, nhu cầu tuyển dụng lao động liên tục ở các thuộc địa Thái Bình Dương đã khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đầu tư ở những vùng lãnh thổ này phải đổi mới cách thức, song lần này họ kêu gọi “những nhân tố tự do lập thành một đoàn di cư” như Phòng Nông nghiệp và Liên minh nông nghiệp Calédonie(25) nhắc đến, tình huống đó hẳn có thể giải thích được bằng những khó khăn mà họ vấp phải vào năm 1891 và bằng chính sách mà Thống đốc Feillet khởi xướng nhằm ngăn chặn triệt để công cuộc khai phá thuộc địa hình sự ở Tân-Calédonie. Để làm được điều này, hãng Ballande đã mua một con tàu hơi nước, tàu Saint Louis, và họ muốn tàu tới Bắc kỳ trong tháng 1 năm 1895 để đón di dân mới sang Tân-Calédonie. Tuy nhiên, khác với lần trước đó, chính quyền không còn đóng vai trò nhà tuyển dụng nữa. Các nhà điều hành kinh tế kể từ lúc đó phải tự tiến hành tuyển dụng di dân dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa. Do đó đã nảy sinh nhu cầu cần đến các nhân tố đóng vai trò trung gian để đáp ứng đòi hỏi này. Và trong bối cảnh vẫn còn mơ hồ, đã xuất hiện một gương mặt mới, gương mặt của nhà môi giới. Đại lý di cư tư nhân đầu tiên được biết đến có tên là Dang Van Du. Là một trong số ít người làm thuê tự do ra đi năm 1891, ông ta đã trở về định cư ở Bắc kỳ sau khi hợp đồng hết hạn, tại số 2 phố Hàng Chĩnh (rue des Vases), Hà Nội. Dang Van Du là đại diện của hãng Ballande, được Thống đốc Feillet giới thiệu với người đồng cấp ở Đông Dương ngày 22 tháng 12 năm 1894 nhân gửi thư báo trước cuộc viếng thăm Hải Phòng sắp tới của ông ta. Feillet viết “người châu Á này nói tiếng Pháp rất tốt và viết khá chuẩn [...] anh ta thậm chí có thể cung cấp cho đồng bào mình mọi thông tin liên quan đến cách thức đãi ngộ lao động ở thuộc địa Tân-Calédonie và các chính sách bảo vệ họ”(26).
Năm 1895 là năm khai sinh của đại lý môi giới tuyển dụng, đơn vị thay mặt cho một nhóm các nhà khai thác tư nhân đi tìm kiếm lao động. Một sự ra đời thậm chí được chính quyền tối cao của Đông Dương chúc phúc, bất chấp sự miễn cưỡng thuở ban đầu như chúng ta đã thấy và còn lặp lại sau đó. |
Tuy nhiên, chính quyền Đông Dương ban đầu đã phản đối hoạt động tuyển dụng này mà không đưa ra lý do xác đáng. Luật sư Paul Devaux đã yêu cầu Toàn quyền Đông Dương xác nhận phản đối vào tháng 2 năm 1895. Như ông ta viết, “xin ông vui lòng giải thích [...] rằng cả chính quyền An Nam lẫn chính quyền [thuộc địa] Pháp đều không ủng hộ những nỗ lực di dân mới đến Tân-Calédonie”(27). Và đối mặt với sự kiên trì của hãng Ballande trong việc đảm bảo tuyển dụng nhân công Bắc kỳ bất chấp thái độ miễn cưỡng của chính quyền thuộc địa, Thống sứ Bắc kỳ đã gửi một bức điện cảnh báo cho Đốc lý Hải Phòng, ra lệnh ngăn chặn hoạt động của đại lý môi giới kia. Thống sứ đã yêu cầu Đốc lý “áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn Dang Van Du thực hiện kế hoạch”(28). Tuy nhiên, dường như các cơ quan công quyền đã phải xem xét lại quyết định bởi vì Paul Devaux thông báo cho chánh văn phòng của Toàn quyền Đông Dương rằng “ngay khi nhận được giấy phép chính thức của Toàn quyền, tôi sẽ cử anh ta [Dang Van Du] tới Bắc Ninh và Nam Định để tuyển người”(29). Do đó, năm 1895 là năm khai sinh của đại lý môi giới tuyển dụng, đơn vị thay mặt cho một nhóm các nhà khai thác tư nhân đi tìm kiếm lao động. Một sự ra đời thậm chí được chính quyền tối cao của Đông Dương chúc phúc, bất chấp sự miễn cưỡng thuở ban đầu như chúng ta đã thấy và còn lặp lại sau đó. Năm 1897, Paul Doumer khuyến khích các điền chủ của đảo Réunion bắt tay với “một người Pháp ở Hà Nội hoặc Hải Phòng để họ lo việc tuyển dụng cho các điền chủ ở thuộc địa”(30). Sẽ là liều lĩnh nếu coi nhân tố mới này như một người lao động độc lập đang lùng sục khắp các làng quê Bắc kỳ để tìm phu phen thu hoạch cho nhu cầu của các công ty thuộc địa. Ngoài một vài trường hợp đặc biệt, hoạt động của Dang Van Du quả thực là một mô hình đã được thừa nhận. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực sơ cấp cần đến nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phải nhờ tới các môi giới địa phương để đảm bảo nguồn lao động dưới sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa. Nếu như đường dây được phác thảo đại khái này vẫn hoạt động trong suốt thời kỳ thuộc địa, thì trái lại mắt xích trung gian cho thấy một sự thiếu đồng nhất và mờ ám khiến cho nghiên cứu về nó trở nên phức tạp. Bởi vì, ngoài danh tính của giới trung gian, thì tính kinh tế của hoạt động này, vốn không phải là ngoài lề, vẫn cần được khám phá.
Không đề cập đến hệ thống tạm ứng trả cho người được tuyển dụng hoặc thù lao phân bổ cho chính quyền địa phương, thì cũng phải tính đến việc vận chuyển và quản lý các dòng di cư lao động này trong khi chờ họ xuống tàu đi đến một thuộc địa ở Thái Bình Dương. Ví dụ, để đến cảng Hải Phòng đòi hỏi phải thành lập một đội hậu cần mang bóng dáng của môi giới. Công ty của Paul-Augustin Lapicque sở hữu hai trại, một nằm ở đại lộ Bonnal và thuộc về OGMIC cho tới khi Bazin bị ám sát năm 1929, có diện tích 3.526m2, trại còn lại mang tên trại Cửa Cấm rộng 21.000m2 có thể chứa đến 1.200 người. Theo nhà tuyển dụng này, không dưới 27.000 người đã được gửi đi thông qua chương trình của họ, từ năm 1924 đến năm 1928, tức trung bình hơn 5.000 lao động mỗi năm.
Hoạt động tuyển dụng thông qua mô giới nhộn nhịp hơn sau Thế chiến thứ nhất, thời kỳ được coi là phát triển về mọi mặt của chủ nghĩa tư bản thuộc địa trong các lĩnh vực nông nghiệp và hầm mỏ ở các thuộc địa châu Á và châu Đại Dương. |
Về sự phát triển của hoạt động môi giới kể từ đầu thế kỷ XX, các nguồn tham khảo không cho biết nhiều lắm về giai đoạn này nhưng không có nghĩa là tuyển dụng thông qua môi giới bị đóng băng. Hoạt động này nhộn nhịp hơn sau Thế chiến thứ nhất, thời kỳ được coi là phát triển về mọi mặt của chủ nghĩa tư bản thuộc địa trong các lĩnh vực nông nghiệp và hầm mỏ ở các thuộc địa châu Á và châu Đại Dương. Do đó, vào năm 1923, ông Pénet, Chỉ huy trưởng Sở Hiến binh kiêm Cảnh sát trưởng đã gửi một công điện cho Công sứ-Đốc lý nói rằng ngày 22 tháng 12 “có 138 đàn ông, 130 phụ nữ, 17 thanh niên từ 15 đến 18 tuổi và 45 trẻ em xuống tàu ở Nam Định và ở Tân Đệ đi Tân-Hébrides. Những người bản địa này được ông Baudon tuyển mộ ở Nam Định và Thái Bình”(31), ông Baudon đó đã thay mặt cho ông Milliard và đồng thời là đại diện của hãng Ballande. Tuy nhiên, việc xác thực người môi giới không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ví dụ như, hàng trăm hợp đồng lao động kèm ảnh và dấu vân tay được lưu giữ ở Phông Công sứ Hà Đông ghi rõ bên tuyển dụng là hãng Denis Frères nhưng không cho biết danh tính của người tuyển dụng. Trái lại, công văn hành chính cho phép điều tra sâu hơn về chủ đề này. Năm 1925, Công sứ Pháp ở Ninh Bình thông báo cho Thống sứ Bắc kỳ rằng “người tuyển dụng, ông Phạm Kim Bảng, phụ trách mộ phu ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình nói với tôi rằng đã lấy giấy tờ tùy thân của những người lao động ở tòa công sứ Ninh Bình trước khi đưa họ đến Nam Định, là nơi họ đang được tập kết”(32). Tương tự như vậy, vào tháng 9 năm 1924, ông Marain, Chỉ huy trưởng Sở Hiến binh thông báo cho công sứ Pháp tại Nam Định rằng các hoạt động tuyển dụng đã diễn ra tại số 4 phố Harmand, Nam Định, và rằng “560 cu-li nam, nữ đã xuống tàu ở Nam Định và Tân Đệ đi Tân-Calédonie. Những người bản địa này được Nguyễn Xuân Kim mộ ở Nam Định và Thái Bình”(33).
Nhu cầu lao động tăng cao kết hợp với việc xuất hiện nhiều nguồn cung hơn trong lĩnh vực này có thể đã dẫn đến việc ra đời loại hình công ty đầu tư vào hoạt động môi giới trước Thế chiến thứ hai. Ngoài những sáng kiến cá nhân ở giai đoạn mà các nhà sử học không thể tìm hiểu cặn kẽ vì thiếu nguồn xác tín thì các công ty môi giới có thể được xếp vào ba dạng sau. Trước hết là các công ty chuyên biệt như OGMIC với hoạt động duy nhất là tuyển dụng lao động. Tiếp đến là các công ty coi tuyển dụng lao động di cư là một sự đa dạng hóa hoạt động như hãng Denis Frères. Cuối cùng là các công ty coi hoạt động của nhà tuyển dụng là một phần của hoạt động chung, như Société française des Charbons du Tonkin “đã cung cấp những nhà tuyển dụng người Việt giỏi nhất” (Jeoung, 2018: 299) trong hai chiến dịch thường niên. Sự phát triển của tư bản thuộc địa ở châu Á và châu Đại Dương đã đồng hành với sự hình thành và cơ cấu của một hoạt động gây tranh cãi, lén lút hơn là công khai nhưng vẫn rất cơ bản trong tổ chức các dòng di cư trong lòng đế chế thuộc địa Pháp.
Chúng ta rút ra được kết luận gì từ việc khai thác dữ liệu của Trung tâm Lưu trữ 1 ở Hà Nội, khi giá trị của khai thác trước hết là để kiểm tra tính khả thi của một nghiên cứu về các tác nhân trung gian trong giai đoạn thuộc địa ở Việt Nam?
Kết luận đầu tiên chính là sự xác nhận có tồn tại một mảng nghiên cứu lịch sử hoàn chỉnh cần được khảo sát và tồn tại một mỏ lưu trữ cần được khai phá để hiểu hơn về các cơ chế trung gian.
Không hẳn là một hiện tượng phụ nằm bên rìa địa lý của đế chế thuộc địa Pháp và chỉ giới hạn trong giai đoạn thuộc địa, hoạt động thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế của các doanh nghiệp thâm dụng lao động này tuy thế vẫn còn xa lạ với các công trình học thuật.
Hiểu được cơ chế của trung gian sẽ cho phép nắm bắt động lực của lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp - mắt xích thiết yếu trong tổ chức di dân lao động, bằng cách đặt nó trong dòng chảy liên tục của lịch sử bắt đầu từ buổi hoàng hôn của thế kỷ XIX. |
Tiếp đến, việc mô tả thật rành mạch các tác nhân trung gian tại Bắc kỳ thực sự là nhạy cảm, bởi người môi giới luôn che giấu mình đằng sau một công văn hành chính hoặc hợp đồng lao động. Nếu như khảo sát có thể giúp dựng lên chân dung của những nhà tuyển dụng này thì quả là thú vị về mặt thông tin, song nó ẩn chứa nguy cơ tương đối nhọc nhằn. Tuy nhiên, nhận định này sẽ được bù đắp thỏa đáng bởi nhu cầu khám phá toàn bộ hệ sinh thái đã cấu thành và tổ chức các dòng di cư trong lòng đế chế thuộc địa Pháp. Hệ sinh thái đó có riêng một khuôn khổ pháp lý, những người ủng hộ lẫn những người chỉ trích, nền kinh tế của nó cũng liên quan đến vô số tác nhân địa phương, những người muốn hưởng lợi từ hoạt động này. Cơ cấu trung gian cũng đánh dấu lãnh địa của nó bằng các dòng di dân, các điểm nút là các thành phố cảng nơi tổ chức quá cảnh cho những người di cư đó.
“Lịch sử là con gái của thời đại”, Fernand Braudel(34) đã nói như thế. Và thời đại này được ghi dấu bởi một bối cảnh mà sự chú ý của truyền thông, của các tổ chức thuộc xã hội dân sự và thậm chí của tư pháp phải đổ dồn vào sự buông thả của các công ty chuyên ngành tuyển dụng lao động di cư tạm thời gửi sang một môi trường khác, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp. Về mặt này, hiểu được cơ chế của trung gian sẽ cho phép nắm bắt động lực của lĩnh vực hoạt động này - mắt xích thiết yếu trong tổ chức di dân lao động, bằng cách đặt nó trong dòng chảy liên tục của lịch sử bắt đầu từ buổi hoàng hôn của thế kỷ XIX.
Bài viết được trích từ cuốn sách Lao động di cư trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc (Omega & NXB Hồng Đức), phác thảo các mốc lịch sử của trung gian tuyển mộ lao động Đông Dương trong thời kỳ thuộc địa mà cho tới nay vẫn cần phải nghiên cứu. |
1. Sarraut Albert, La mise en valeur des colonies, Paris, Payot, 1923, 56p.
2. Dẫn bởi Blanchard và Glasman (2012).
3. Thư của Paul-Augustin Lapique gửi cho quan thầy Mathieu, chủ tịch Nghiệp đoàn điền chủ cao su, ngày 5 tháng 9 năm 1929, đăng trên Bulletin du Syndicat des planteurs de caoutchouc de l’Indochine (Tập san của Nghiệp đoàn điền chủ cao su Đông Dương), ngày 11 tháng 9 năm 1929.
4. Paul-Augustin Lapicque (16/10/1873 - 26/12/1949) là một chủ tàu, thuyền trưởng và doanh nhân người Pháp. Năm 1912, ông tới Hải Phòng và lập nghiệp với nhiều hoạt động về hàng hải, công nghiệp, đồn điền và xây dựng. Ông mất tại Hòn Gai, Quảng Ninh, Việt Nam - ND.
5. Nhà địa lý học Charles Robequain cũng viết trong L’évolution économique de l’Indochine française (Sự phát triển kinh tế của Đông Dương thuộc Pháp), xuất bản năm 1939, rằng “rời bỏ quê hương không mong ngày trở lại là điều đại nghịch [...]. Con người cảm thấy gắn bó sâu nặng với cộng đồng lãnh thổ thần bí này”, tr.73.
6. Lãnh mộ: nguyên văn: recruteur, một số tài liệu dịch là cai mộ. Bấy giờ, giới cai này còn có cai thầu (tâcheron), cai xu-ba-giăng (surveillant), cai bếp (nourrisseur) - BT.
7. Le Colon français républicain. Journal de défense des intérêts français et annamites, no 483, 4 tháng 4 năm 1929.
8. Monet Paul, Les Jauniers. Une histoire vraie, Paris, Gallimard, 1930, 339tr, tr.41.
9. Monet Paul, Les Jauniers. Une histoire vraie, sđd, tr.51.
10. Monet Paul, Les Jauniers. Une histoire vraie, sđd, tr.51.
11. Monet Paul, Les Jauniers. Une histoire vraie, sđd, tr.45.
12. Monet Paul, Les Jauniers. Une histoire vraie, sđd, tr.108.
13. Fonds de la résidence supérieure au Tonkin [Phông Thống sứ Bắc kỳ], 71926, Arrêté du 25 octobre 1927 [Nghị định ngày 25 tháng 10 năm 1927]. Protection de la main-d’œuvre indigène et asiatique étrangère employée par contrat [Bảo vệ lao động bản địa và lao động châu Á tuyển dụng theo hợp đồng].
14. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 71926, Nghị định ngày 16 tháng 7 năm 1930 của Toàn quyền Đông Dương quy định về thực hiện nghiệp vụ tuyển dụng lao động.
15. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 71926, Nghị định ngày 16 tháng 7 năm 1930 của Toàn quyền Đông Dương quy định về thực hiện nghiệp vụ tuyển dụng lao động.
16. L’Éveil économique de l’Indochine, ngày 27 tháng 10 năm 1929.
17. Le Journal des Débats, ngày 8 tháng 9 năm 1890.
18. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, note du gouverneur de Nouvelle-Calédonie augouverneur général de l’Indochine, Nouméa, 26 octobre 1894 (công hàm của Thống đốc Tân-Calédonie gửi Toàn quyền Đông Dương, Nouméa, ngày 26 tháng 10 năm 1894).
19. Thiếu vitamine B1 - ND.
20. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, công hàm của Thống đốc Tân-Calédonie gửi Toàn quyền Đông Dương, Nouméa, 26 tháng 10 năm 1894.
21. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, công hàm của Thống đốc Tân-Calédonie gửi Toàn quyền Đông Dương, Nouméa, 26 tháng 10 năm 1894.
22. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, công hàm của Thống đốc Tân-Calédonie gửi Toàn quyền Đông Dương, Nouméa, 26 tháng 10 năm 1894.
23. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, công hàm của Thống đốc Tân-Calédonie gửi Toàn quyền Đông Dương, Nouméa, 26 tháng 10 năm 1894.
24. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, công hàm của Toàn quyền Đông Dương gửi Thống đốc Tân-Calédonie, Hà Nội, 26 tháng 7 năm 1894.
25. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, Paris, 5 tháng 12 năm 1894.
26. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, thư của Thống đốc Tân-Calédonie và cấp dưới gửi Toàn quyền Đông Dương, Nouméa, 22 tháng 12 năm 1894.
27. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, thư của luật sư Paul Devaux gửi Toàn quyền Đông Dương, Hải Phòng, 14 tháng 2 năm 1895.
28. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, điện tín của Thống sứ Bắc kỳ gửi Công sứ - Đốc lý Hải Phòng, Hà Nội, 28 tháng 2 năm 1895.
29. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, thư của luật sư Paul Devaux gửi chánh văn phòng của Toàn quyền Đông Dương, Hải Phòng, 1 tháng 4 năm 1895.
30. Phông Thống sứ Bắc kỳ, 29792, thư của Toàn quyền Đông Dương gửi Thống đốc Réunion ở Saint Denis, Sài Gòn, 28 tháng 3 năm 1897.
31. Phông Công sứ Hà Đông, 3256, công điện của Chỉ huy trưởng Sở Hiến binh Pénet kiêm cảnh sát trưởng gửi Công sứ-Đốc lý Nam Định, 24 tháng 12 năm 1923.
32. Phông Công sứ Nam Định, 3225, thư của Thanh tra lao động Bride gửi Thống sứ Bắc kỳ, 16 tháng 3 năm 1925.
33. Phông Công sứ Hà Đông, 3256, công điện của Chỉ huy trưởng Sở Hiến binh Marain kiêm Cảnh sát trưởng gửi Công sứ Pháp, Nam Định, 11 tháng 9 năm 1924.
34. Braudel Fernand, “Les Responsabilités de l’Histoire” [Trách nhiệm của Lịch sử], Cahiers internationaux de Sociologie, volume 10, 1951, tr. 3-18, tr.3.
Lao động di cư trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc (Eric Guerassimoff, Andrew Hardy, Nguyen Phuong Ngoc và Emmanuel Poisson chủ biên; Thanh Thư dịch, NXB Hồng Đức, 2024) bao gồm 12 tiểu luận đặc sắc của nhiều nhà Việt Nam học hàng đầu cùng bàn luận về chủ đề rất hiếm khi được đề cập đến trong các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Đó là những cuộc di dân trong lịch sử Việt Nam. Cuốn sách là thành quả hợp tác của các nhà Việt Nam học đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 4 tác giả người Việt và 9 tác giả nước ngoài, với những phông lưu trữ phong phú ở Việt Nam, Tân-Calédonie, phông Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại (ANOM), phông Công ty Le Nickel... Từ những cách tiếp cận khác nhau, dựa trên nguồn sử liệu phong phú, thông qua cuốn sách, một bức tranh rộng lớn về lịch sử di dân ở Việt Nam thời Pháp thuộc lần đầu tiên được phác họa một cách sáng rõ, góp phần mở ra một góc nhìn mới về sự cai trị của đế chế, đồng thời giúp độc giả thấy được cách thức đế quốc Pháp đã vận hành ở cấp địa phương và ở bình diện đa quốc gia, trong tương quan với những đế quốc khác là Việt Nam và Trung Hoa. Sách thuộc Tủ sách "Hiểu về Việt Nam qua các tư liệu Pháp ngữ" của Omega Plus. |
Johann Grémont / Thanh Thư dịch
------------
Bài viết cùng chuyên mục: