Và trong lòng nôi văn hóa dân tộc, mãi vẫn còn in đậm những da diết tìm tòi mang ý nghĩa tiên khởi của “người chiến sĩ” “xung kích” Nguyễn Đình Thi trong khát vọng làm giàu có thêm, làm hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc.
1. Trước hết là những nỗ lực tìm tòi “xung kích” trong lĩnh vực lý luận, phê bình. Nguyễn Đình Thi viết lý luận phê bình khi cách mạng mới thành công..Khi đó đối với giới văn nghệ, tất cả còn mới lạ và với một bộ phận còn có phần bối rối, lúng túng trong cuộc “tìm đường”, “chọn đường”; nhiều câu hỏi chưa được giải đáp cả về lý luận và thực tiễn sáng tác. Trong bối cảnh ấy và trước yêu cầu của thực tiễn văn nghệ kháng chiến khi ấy, Nguyễn Đình Thi đã “xung kích” vào lĩnh vực lý luận. Ông viết nhiều bài tiểu luận phê bình khơi mở, đặt ra những vấn đề cơ bản thuộc phương hướng lớn của nền văn nghệ cách mạng. Qua những bài phê bình kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, Núi cứu quốc của Tô Hoài, sáng tác của Trần Đăng, Nam Cao và những bài tiểu luận tâm huyết, sắc sảo: Thực tại với văn nghệ, Tiếng nói của văn nghệ, Tìm nghĩa hiện thực mới, đặc biệt Nhận đường, Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh và khẳng định tinh thần nhận đường và quyết tâm của văn nghệ sĩ đi vào hòa nhập với cuộc sống kháng chiến, quyết tâm làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tròn sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ: “Đem ý thức kháng chiến vào cuộc đời hàng ngày, châm lên trong lòng người những tình cảm kháng chiến mãnh liệt, làm cho mọi người gắn liền vào cuộc sống kháng chiến bằng những phần sâu xa nhất của đời sống mình, sức mạnh và nhiệm vụ văn nghệ là ở đấy”(1).
Khẳng định dứt khoát “Nghệ thuật với cuộc sống không thể nào tách rời nhau, nghệ thuật phải hòa vào với cuộc sống rộng rãi, thiết tha của nhân dân ta hiện thời”, Nguyễn Đình Thi đặc biệt quan tâm và sớm nêu ra những vấn đề mấu chốt của nền văn học mới: mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, giữa sống và viết góp phần quan trọng vào việc trang bị lý luận văn nghệ cho văn nghệ sĩ và soi sáng, tác động tích cực cho công việc sáng tạo, từ đó khắc phục những “vụng về, yếu ớt” của văn nghệ buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các bài tiểu luận phê bình của Nguyễn Đình Thi đều nói đến vấn đề đi vào cuộc sống, sống và viết: “Sống được cuộc sống kháng chiến của dân tộc, hiểu được hướng đi của xã hội ta hiện thời, cảm xúc được những cảm xúc mới của kháng chiến, tất cả vấn đề sáng tác quyết định ở điểm ấy”(2). Người nghệ sĩ muốn sáng tác tốt, muốn có “những trang sách cháy bỏng đầu ngón tay… muốn có những cuốn tiểu thuyết, những câu thơ thay đổi cả cuộc đời người đọc… những tiếng hát làm dạt dào cả đất nước” không có cách nào khác là phải đi vào cuộc sống, “cùng với nhân dân kháng chiến chứ không phải đứng ngoài nhìn” và lại phải “làm sao sự sống ấy biến thành máu thịt của mình” thành cảm xúc của mình, bởi “cảm giác, tình tự, đời sống cảm xúc, ấy là chiến khu chính của văn nghệ”.
Phản ánh chân thật hiện thực theo Nguyễn Đình Thi không có nghĩa người nghệ sĩ cứ bê nguyên xi một cách “sống sít” hiện thực vào tác phẩm mà phải biết cảm nhận, lắng lọc qua lăng kính của người nghệ sĩ bởi văn nghệ là tiếng nói của tình cảm. Trong cái bộn bề của hiện thực đời sống kháng chiến người nghệ sĩ phải biết tìm đến những nơi mà sự sống “mạnh nhất, sâu nhất”; biết tìm chọn được “những nét lớn”, “những nét chính”, những nét “điển hình” ở những nơi “điển hình”, “những tính cách điển hình trong những trường hợp điển hình” như Ăngghen nói; đồng thời phải thấy được sự phát triển cách mạng của hiện thực. Có thể nói, ngay trong hoàn cảnh kháng chiến, Nguyễn Đình Thi đã quan tâm và đề cập đến những vấn đề cơ bản thuộc phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đặt trong bối cảnh văn nghệ kháng chiến chống Pháp, đây thực sự là một đóng góp mới, có ý nghĩa “khai phá” (chữ dùng của Lê Đình Kỵ) của Nguyễn Đình Thi.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi |
Ngay từ năm 1944 trong bài nói chuyện với sinh viên, Nguyễn Đình Thi đã tâm huyết bàn về “sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích”, thầm kín gửi gắm những tình cảm yêu nước, tự hào ngợi ca sức sống của dân tộc, nền văn nghệ của dân tộc, khích lệ mọi người hướng về dân tộc. “Muốn hiểu rõ nguồn sống chạy trong mạch máu của dân tộc chúng ta, phải tìm đến văn chương của dân chúng, tuy bình dị nhưng thực biểu lộ được ý nghĩ, tình cảm và đời sống của dân ta”. Từ rất sớm ông đã tâm niệm: “Cội nguồn của sức sống dân tộc ấy là văn hóa dân tộc”. Trên hành trình tìm tòi đổi mới nghệ thuật, ông chủ trương phải luôn học hỏi những cái hay cái giỏi ở mọi nơi, nhưng cũng phải luôn có ý thức tìm về cội nguồn văn hóa, văn học dân tộc. “Từ đó chúng ta đi lên và cũng từ đó chúng ta mới đi lên được”. Chính những phương pháp nghệ thuật trong các tác phẩm dân gian và bác học của dân tộc “sẽ giúp nhiều cho chúng ta đi tới hiện đại một cách độc đáo”. Đi tới cùng dân tộc sẽ gặp được nhân loại - quan niệm truyền thống và hiện đại, cách tân trên cơ sở truyền thống và tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa nhân loại của ông vẫn đang là vấn đề thời sự trong đời sống văn học hiện nay.
Nguyễn Đình Thi cũng thật sắc sảo và tinh tế khi bàn đến vấn đề sáng tác kịp thời, phục vụ kịp thời - một vấn đề lớn, có ý nghĩa, rất được quan tâm trong văn học kháng chiến. Một mặt ông đòi hỏi văn học phải cập nhật, phải bắt kịp nhịp sống kháng chiến, phản ánh kịp thời hiện thực đời sống, đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn đời sống kháng chiến, nhưng mặt khác ông phân định rõ “kịp thời không phải là cái cớ để qua loa, tắc trách, viết xoàng, viết vừa vừa cũng được, miễn sao phục vụ được quần chúng”. Nghệ thuật phải phục vụ đại chúng, hình thức của nghệ thuật phải rộng rãi, đại chúng nhưng rộng rãi, đại chúng không có nghĩa là không cần đến nghệ thuật, “trái lại càng rộng rãi, đại chúng, nghệ thuật càng cần có thực chất”.
Cùng với những vấn đề cơ bản mang ý nghĩa định hướng và kịp thời trang bị, giải đáp những vấn đề lý luận mà nhiều văn nghệ sĩ quan tâm, Nguyễn Đình Thi cũng quan tâm bàn về những vấn đề cụ thể trong sáng tạo nghệ thuật. Trong những công trình, bài viết của ông: Mấy ý nghĩ về thơ, Thực tế và lý tưởng trong tiểu thuyết, Mấy nhận xét nhỏ về nghệ thuật viết tiểu thuyết…, đặc biệt Công việc của người viết tiểu thuyết, Nguyễn Đình Thi vừa đi sâu vào những vấn đề lý luận thể loại vừa bàn về những vấn đề “bếp núc” của nghề viết. Đó là một sự bổ sung kịp thời, bổ ích, có tác động tích cực soi sáng và thúc đẩy cho công việc sáng tạo của văn nghệ sĩ.
2. Xuất phát từ quan niệm cách mạng về nghệ thuật: “nghệ thuật phải không ngừng sáng tạo”; “sáng tạo là vấn đề cốt yếu nhất của người nghệ sĩ”; “một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”..., trong suốt hành trình nghệ thuật của mình, Nguyễn Đình Thi luôn khát khao tìm tòi, đổi mới. Trước yêu cầu thực tế của nền văn nghệ mới, cùng với việc “xung kích” tìm tòi, khai phá về mặt lý luận ông đồng thời mạnh dạn thử nghiệm, cách tân trên từng thể loại. Nhờ thế ở mỗi thể loại Nguyễn Đình Thi đều có được những thành tựu riêng, để lại được những dấu ấn tài hoa, lịch lãm riêng góp phần vào sự vận động, phát triển của từng thể loại và của cả nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.
Nhất quán trong quan niệm: nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, Nguyễn Đình Thi đã tiên phong, “xung kích” trong lĩnh vực âm nhạc cách mạng. Ngay trong nhịp sống sôi động của dân tộc ở một thời khoảng đáng nhớ nhất - những ngày Cách mạng tháng Tám giành chính quyền - bằng nguồn cảm hứng nồng nhiệt, Nguyễn Đình Thi đã kịp thời sáng tác hai nhạc phẩm Diệt phát xít và Người Hà Nội. Cả hai nhạc phẩm đã được chọn làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam (Diệt phát xít) và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội (Người Hà Nội) và trở thành những ca khúc sống mãi với thời gian, gắn liền với lịch sử đất nước. Người Hà Nội cùng với những trường ca Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ, Sông Lô của Văn Cao, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận đã thực sự là những “viên gạch chịu lửa” đặt nền móng cho thể hợp xướng trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Nhắc đến Nguyễn Đình Thi công chúng thường nhớ ngay đến những nỗ lực cách tân mang ý nghĩa tiên khởi của ông về thơ ngay từ trong lòng nôi văn hóa kháng chiến. Nguyễn Đình Thi đến với thơ khi phong trào Thơ mới sau những thành tựu đáng kể tạo nên “một thời đại mới trong thi ca” đã có phần già cũ, sáo mòn. Khát vọng làm mới thơ Việt đã trở thành khát khao cháy bỏng, da diết của Nguyễn Đình Thi. Vượt lên sự kỳ thị, phê phán khắt khe của không ít bạn bè, đồng nghiệp đương thời, ông kiên trì đổi mới thơ vừa bằng việc hoàn thiện một hệ thống quan niệm vừa bằng thực tiễn sáng tác thơ của chính mình.
Trong quan niệm của Nguyễn Đình Thi: thơ là tiếng nói của tâm hồn. Làm thơ là để thể hiện cảm xúc “phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn”, “một trạng thái tâm lý đang rung chuyển khác thường, tóe lên ở nơi giao nhau giữa tâm hồn với mọi vật”. Thơ “phải nói ra cảm xúc” nhưng đó phải là những cảm xúc thực “nẩy lên từ cuộc sống thực”, những cảm xúc mãnh liệt đến độ đủ để “nung chảy” và “đúc” nên thơ tất cả những chất liệu hiện thực của đời sống. Để thể hiện được những cảm xúc đó không thể gò gẫm, giam hãm thơ trong những câu thơ, vần điệu, nhịp điệu cố định, “đều đều”. Nguyễn Đình Thi không loại bỏ vần, vần theo ông vẫn “là lợi thế rất đắc lực cho sự truyền cảm. Nhưng không phải hết vần là hết thơ. Khi làm thơ, thái độ của người làm là ghi lại cho đúng cảm xúc. Nếu cảm xúc gặp được vần thì hay. Nhưng gặp khi nó gò bó, hãy vượt lên nó đã. Hình thức nghệ thuật (các luật bằng trắc) phải tự thân nó ra. Khi gạt luật bên ngoài đi, phải có luật bên trong rất mạnh”(3). Trong bối cảnh thơ đầu những năm kháng chiến chủ yếu là hướng ngoại, Nguyễn Đình Thi đã mạnh dạn đề xuất một khuynh hướng thơ mới: thơ hướng nội, thơ không câu nệ vào vần điệu bên ngoài mà coi trọng “nhịp điệu bên trong”. Cảm xúc nào nhịp điệu ấy. Câu thơ ngắn dài, có vần hay không vần là tùy thuộc vào cảm xúc, miễn sao đạt tới một kết cấu nghệ thuật tổng thể trong một nhịp điệu nội tại phù hợp với nhịp điệu của cảm xúc. Một quan niệm mới mẻ như thế không dễ được chấp nhận trong bối cảnh “đại chúng hóa” của thơ kháng chiến và thực tế đã mang đến cho ông nhiều “nỗi khổ”. Mặc dù vậy ông vẫn âm thầm kiên trì theo đuổi. Những tìm tòi “rất khổ” của Nguyễn Đình Thi được “ủ trấu giữ lửa” suốt những năm kháng chiến chống Pháp đã bùng cháy “sáng lòa” trong những bài thơ, tập thơ sáng giá từ Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải, Tia nắng, Dòng sông trong xanh đến Suối reo, trong đó nhiều bài thơ đã trở thành niềm khao khát của mỗi sự nghiệp thơ, thành tài sản tinh thần quý giá của nhiều thế hệ công chúng. Có thể nói, khuynh hướng cách tân thơ của Nguyễn Đình Thi có ảnh hưởng rộng rãi và lâu dài, góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu mới của nền thơ cách mạng Việt Nam.
Cùng với những “khai phá” trong thơ, Nguyễn Đình Thi cũng là người luôn “xung kích” trong lĩnh vực văn xuôi. Đi vào kháng chiến chống Pháp, ông viết nhiều truyện ký, tiểu thuyết phản ánh trực diện, kịp thời hiện thực đời sống kháng chiến. Hai tập truyện ký Thu đông năm nay và Bên bờ sông Lô tập hợp những sáng tác từ 1948 đến 1954 đã ghi nhận những nỗ lực và đóng góp kịp thời của ông vào văn học kháng chiến. Sau chiến dịch Trung du, ông viết tiểu thuyết Xung kích, khác hẳn với tiểu thuyết Tự lực văn đoàn trước đó. Lấy nhân vật trung tâm từ chính trung tâm của thời đại và con người trong chiến đấu, Xung kích đã dựng được những bức tranh sống động của đời sống, khắc họa được chân dung tập thể quần chúng kháng chiến và xây dựng được khá rõ nét, sinh động một số nhân vật để lại được ấn tượng đậm đẹp trong lòng người đọc. Xung kích đánh dấu một bước phát triển mới của văn xuôi Nguyễn Đình Thi và của nền văn xuôi kháng chiến Việt Nam.
Bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông lại một lần nữa “xung kích” trong đề tài chiến tranh cách mạng. Chỉ trong hai năm ông cho xuất bản hai tiểu thuyết Vào lửa và Mặt trận trên cao viết về những binh chủng mới, hiện đại của quân đội Nhân dân Việt Nam. Không chỉ ngợi ca tinh thần dũng cảm, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của người lính, trong hai tiểu thuyết này Nguyễn Đình Thi đã đặt ra nhiều vấn đề cơ bản của cuộc sống chiến đấu: vấn đề hai thế hệ, vấn đề sống và chết, vấn đề tình yêu và hạnh phúc, vấn đề mối quan hệ quân dân... - những vấn đề văn xuôi Việt Nam vẫn tiếp tục đề cập, lý giải trong nhiều thập niên sau này. Hai tiểu thuyết Vào lửa và Mặt trận trên cao một lần nữa ghi nhận nỗ lực đáng quý của Nguyễn Đình Thi trong việc hòa nhập và kịp thời phản ánh hiện thực cuộc sống chống Mỹ. Viết về chiến tranh rất dễ rơi vào một trong hai thái cực hoặc quá nhấn mạnh khía cạnh mất mát, tang tóc, bi thương hoặc chỉ nghiêng về mặt anh hùng, quả cảm, lãng quên đi những đau khổ nhọc nhằn, những mất mát hy sinh của con người trong chiến tranh. Với ý thức phản ánh chân thực hiện thực đa chiều, đa dạng, Nguyễn Đình Thi đã khắc phục được điều đó. Những sáng tác của ông về chiến tranh cách mạng nhờ thế chân thực, cận nhân tình và tạo được xúc động sâu xa trong tình cảm của người đọc.
Trong bối cảnh nền tiểu thuyết Việt Nam còn non trẻ và trong yêu cầu cần có những bộ tiểu thuyết xứng tầm với thời đại, Nguyễn Đình Thi viết Vỡ bờ - bộ tiểu thuyết hai tập, gần một ngàn trang tái tạo chân thực, sâu sắc bức tranh đa diện về xã hội Việt Nam thời kỳ 1936 - 1945 - thời kỳ “tức nước vỡ bờ” để đi đến Cách mạng tháng Tám. Với Vỡ bờ ông đã thực thi những vấn đề rất sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trong công việc nghề nghiệp của nhà văn mà mình đã đề cập đến trong những bài viết về tiểu thuyết đặc biệt trong Công việc của người viết tiểu thuyết. Coi nhân vật là trung tâm của tiểu thuyết, ở Vỡ bờ Nguyễn Đình Thi tập trung sự chú ý vào nhân vật và nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật; đi sâu vào đời sống bên trong, đời sống nội tâm của nhân vật, nhấn mạnh đến sự vận động biện chứng của tâm hồn con người; đặt nhân vật trong những “trường hợp điển hình”. Thành công của Vỡ bờ ghi nhận những đóng góp đáng trân trọng của Nguyễn Đình Thi ở thể loại tiểu thuyết. Vỡ bờ cùng với bộ Cửa biển của Nguyên Hồng, Phất của Bùi Huy Phồn, Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng... đã khẳng định một cách thuyết phục một nỗ lực mới của các nhà tiểu thuyết Việt Nam trong việc xây dựng những bộ tiểu thuyết sử thi hoành tráng, nhiều chủ đề lớn có chiều sâu và tầm khái quát cao.
Nguyễn Đình Thi cũng là người có những đóng góp mang ý nghĩa “xung kích” trong thể loại kịch. Cũng như trong thơ, ở kịch ông có điều kiện gửi gắm, ký thác nhiều nỗi niềm, nghĩ suy, trăn trở tâm huyết của mình. Năm 1993 với tuyển tập kịch dày dặn gồm 10 vở, ngót 700 trang in “Một bộ kịch quan trọng của nhà văn Nguyễn Đình Thi và của nền sân khấu hiện đại nước ta” (Huy Cận) trong đó có nhiều vở có tiếng vang: Tiếng sóng, Giấc mơ, Hoa và Ngần, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan... công chúng có điều kiện nhận diện gương mặt kịch tác gia Nguyễn Đình Thi với phong cách riêng, độc đáo. Kịch Nguyễn Đình Thi phong phú về thể tài và đa dạng về bút pháp. Bên cạnh những vở kịch lấy đề tài lịch sử ông cũng chú tâm khai thác một cách sáng tạo những đề tài từ trong nguồn mạch dân gian. Bằng những mâu thuẫn, xung đột kịch mới hướng vào những vấn đề có chiều sâu nhân bản: xung đột giữa thật và giả, giữa quyền lực và quyền sống của con người, giữa vận nước và số phận của cá nhân... Nguyễn Đình Thi có điều kiện khám phá sâu sắc bản chất của đời sống, của con người. Kịch của ông do vậy thường tiềm ẩn những triết lý nhân sinh cảm động. Qua kịch, Nguyễn Đình Thi cũng muốn gửi gắm những tâm sự, nghĩ suy “đến chảy máu não” của ông về thời cuộc và số phận con người, về lẽ sống và những tâm thế ứng xử của con người trong cõi thế đặc biệt của những người trí thức, kẻ sĩ trước vận mệnh của đất nước. Ông đã sáng tạo được một thế giới kịch độc đáo với những dạng xung đột riêng, những vấn đề riêng, những hình tượng nhân vật riêng và một giọng điệu, ngôn ngữ riêng. Tất cả đều in đậm dấu ấn của những tìm tòi, suy nghĩ, lý giải thật độc đáo và táo bạo. Với những đổi mới tâm huyết và mạnh dạn đó, kịch Nguyễn Đình Thi đã để lại được những dấu ấn sâu đậm, những ảnh hưởng tích cực góp phần đổi mới sân khấu hiện đại Việt Nam.
Là một trong những người có vai trò quan trọng tạo dựng nền văn nghệ cách mạng, suốt trong hành trình nghệ thuật bền bỉ, dẻo dai của mình Nguyễn Đình Thi luôn “xung kích” tìm tòi đổi mới cả trong lý luận và thực tiễn sáng tác. Tinh thần “xung kích” của Nguyễn Đình Thi đã tác động mạnh mẽ và tạo được ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài góp phần thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.
.................................
(1) Các trích dẫn (1), (2) được dẫn từ Nguyễn Đình Thi tuyển tập, tập 3, NXB Văn học, Hà Nội, 1997.
(2) Trích dẫn (3) được dẫn từ Nguyễn Đình Thi về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.227.