Mười năm gần đây đã có thật nhiều bài tản văn, tạp văn, tùy bút… có mặt khá đều trên các báo và tạp chí chuyên về văn chương văn hóa đã đành, và cả trên các báo chí thông tin tổng hợp nữa. Trên đà viết và đăng khá sôi nổi ấy, các nhà xuất bản chuyên và không chuyên ngành văn học cũng cho ra mắt một số tập sách tản văn, tạp văn, tùy bút. Tác giả của thể văn này đa số là các nhà báo có nhiều tố chất văn chương, và các nhà văn cũng thạo nghề làm báo, họ đang ở tuổi trung niên.
Thì cũng là chuyện nghề thôi, trên cánh đồng đã quen mà vẫn lạ ấy, theo thời tiết khí hậu và nhu cầu của cộng đồng, mình gieo cấy được gì mà thuận với vốn liếng của mình, thì mình cứ làm thôi. Các nhà đã bảo với tôi thế, bằng các cách nói khác nhau. Tôi và mọi người chắc đều cho rằng vậy cũng là phải. Tuy nhiên, cũng đã nhiều khi, sau bao lần đọc miên man, tôi đã trộm nghĩ:
Có người viết đã thành, văn thơ của họ đã có đường nét và âm hưởng, thì cứ thế mà viết tiếp đi; hà tất phải chuyển bút làm gì… Nhưng khi nhớ lại, đọc lại một số tập như Bay trên mái nhà thành phố của Phong Điệp, Một người đâu phải nhân gian của Phạm Khải, Khói đốt đồng của Đỗ Xuân Thu… rồi trước nữa là Y Phương với tập Tháng Giêng một vòng dao quắm, Dạ Ngân với 100 tản mạn hồn quê… và mới đây, là tập Nhà sau lưng phố của Hải Thanh (nhà xuất bản Phụ nữ, 2017), thì tôi biết là mình như đã vội nghĩ rồi!
Xưa nay các nhà nghiên cứu với các nhà sáng tác vẫn tranh biện với nhau, chân thật, đến mức có lúc gay gắt (bề ngoài), mà trong thâm tâm, những ai đã lao động nghiêm túc trong giới này đều tự hiểu: Chính sự tranh luận của họ, cũng đã góp phần tạo ra những cú hích cho hoạt động chuyên môn của mỗi người. Cái ý nghĩ, cái sự thống nhất cao này ở họ nhiều khi đã được ghi lại ở một số ý như luận điểm, ví dụ: Mỗi thể văn chương đòi hỏi một cách viết – sáng tạo riêng, đặc thù; Mỗi tác giả lớn, phải là một phong cách sáng tạo độc đáo mà có sức dẫn dắt, lan tỏa…
Nhưng, lại nhưng, khi có người hỏi: Thế tạp văn thì đòi hỏi một cách viết thế nào?
Câu hỏi này không dễ trả lời cho ngọn ngành.
Thôi thì lấy cuốn Nhà sau lưng phố của Hải Thanh ra làm ví dụ mà mổ xẻ, luận bàn vậy.
Thứ Nhất: Tác phẩm văn chương là phải thật, tản văn cũng vậy thôi.
Vâng, phải thực. Nhưng đây không phải là thực theo kiểu chụp ảnh làm phóng sự, cũng không phải là thực như “thơ” xưa về con cóc, như chuyện ai viết theo lối thấy gì kể nấy ở nơi nọ chốn kia… Cái thực trong tập tản văn Nhà sau lưng phố trước hết, là tâm trạng thực, nghĩ suy thực của tác giả về cảnh đời.
Trong bài Hạt thóc giống lan man từ chuyện lấn đất, buôn gạo, đến chuyện đi học, đi thi, chọn nghề theo nghề… nhà văn kể thật tự nhiên như không, rồi làm một hơi toàn những câu ngắn tiếp nhau thế này:
“Tôi nghĩ tới mẹ tôi, là bà nội thằng Tèo. Bà hầu như suốt đời khổ nghèo. Làm ra hạt thóc vàng mà chưa khi nào được bữa cơm đến thích. Uống nước còn cầm chừng lấy đâu có ăn no. Cái ngon mang đi bán, cái còn lại thì để dùng. Như là cơm có sạn, mỗi khi tống một miếng vào mồm vẫn phải dăm bảy lượt khen ngon. “Bán hàng ăn những chũm cau”, chợ chiều xưa vốn thế.”
Chưa xong được, chưa nguôi được, đến đoạn kết, tác giả hạ bút viết:
“Đã qua hơn thập kỉ của thế kỉ mới. Cả thế giới tung hô về sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ. Người nông dân quê tôi bỏ ruộng, tha phương cầu thực là điều không thể không xẩy ra. Khi con người lạc lõng, bơ vơ ở chính quê mình cũng có nghĩa là niềm tin cạn kiệt”.
Đấy là cái thực được diễn đạt không hề màu mè khiến người đọc giật mình và như tê lạnh. Viết tản văn phóng bút mà đối thoại thẳng căng đấy ư?
Là bản gốc thi nhân, nên khi viết tản văn, được thả bút viết ra những chuyện mình biết, những điều mình vẫn nung nấu trong tâm can hay nhân tiện mà bột phát, tự nhiên, Hải Thanh cũng đã đưa đến cho bạn đọc những đoạn thơ văn xuôi ý tứ sâu xa, được diễn ra qua câu chữ gọn gàng, đủ chốt ý và dẫn gợi, không bó buộc ý nghĩ người đọc:
“Mỏng manh ơi nón lá. Chòng chành ơi nón lá. Vòm trời trong trẻo ấy đã dắt tôi qua tuổi bốn mươi. Khi tôi ra đời, cũng đúng là năm cha tôi hy sinh ngoài mặt trận. Mẹ tôi dựa vào tôi để sống. Giờ chỉ còn lại là chiếc nón đã che chở mẹ tôi suốt những tháng năm dài loạn lạc và cả thời gian ngổn ngang, day dứt của thời bình”. (Chòng chành nón lá)
Có lẽ không phải là ngẫu nhiên mà khi viết về cuộc sống hôm nay ở làng quê, Hải Thanh hay dừng bút kể nhiều về các bà mẹ, về người chị, và những người ra trận, người về người không… Ở bài Nếp nhà có cấu trúc gần với một truyện ngắn, ông viết:
“Tướng Dự có lần kể:
- Tôi như con đò bỏ “bến quê” này mà đi, hơn bốn mươi năm sau mới quay trở lại. Bến ấy là quê cha.
Bến ấy vẫn như xưa, có bụi tầm xuân mòn mỏi đợi những người xa về tìm lại những giấc mơ ngày nhỏ dại.
Sáng nay qua, những cánh tầm xuân mảnh mai vẫn đẫm những giọt sương như người sắp trào nước mắt. Cây như muốn nói với tôi rằng, chính tại nơ đây, ký ức tuổi thơ tôi còn nguyên những con cua, con cá; những chiều hè đùa chạy theo cánh diều một lá, những buồn – vui không kể hết một thời…
Những người già đã già hơn, những người trẻ đã lên vai lên vế, chỉ bến quê vẫn thế, giang tay chào đón tôi về.
Chao ôi, bến quê ấy neo tôi không chỉ là những sợi dây kỷ niệm, mà còn bao điều khác thiêng liêng, mà không phải bất cứ lúc nào trên đường đời tôi cũng trọn tình, trọn nghĩa…”
Tôi đã đọc đoạn này mấy lần. Có thực là ông tướng Dự trận mạc ngoan cường này nói chuyện mà như viết thơ ra thế không? Hay là cái tâm sự tâm trạng của con người can trường khôn ngoan này đã nhập vào hồn cốt có chất văn chương của người nghe chuyện mà diễn ra một đoạn như vậy?
Trong một thiên tạp văn đứng được, vẫn có hai cái thực là thế. Ở đây, tản văn, tạp văn, tùy bút văn chương có sự gặp nhau với thể chân dung văn học, là cùng xuất hiện vài bức chân dung ngay trong một bài, một đoạn văn vừa rất thực lại như mộng mơ, vừa biểu hiện rờ rỡ lại cứ mông lung xa mờ.
Rồi chúng ta dần dần nhận ra: Cái thực mà mộng ảo mờ xa ấy, chính nó, lại làm ta thấy cái thực của cảnh quan càng lung linh hơn, vì cái thực ở cảm hứng, nghĩ suy trong hồn người viết cũng tạo ra ba động hơn, lại chính xác hơn.
Thứ Hai: Cảnh đời và thế sự
Tôi có đọc thơ của Hải Thanh, một chút so sánh, liên tưởng… khiến tôi cho rằng: Có lẽ thơ Hải Thanh có sôi nổi này kia, nhưng chủ yếu vẫn là sự chiêm nghiệm để rồi có giọng điệu trầm lắng. Và với thơ, để muốn có tác phẩm thơ đích thực, tác giả đã phải tự tiết chế cảm xúc mà kiệm lời chăng? Còn khi viết tản văn, xem ra nhà thơ có thoải mái thả bút cho cảm nhận về thế thái nhân sinh thế sự chân tình được tự do xuất hiện thoải mái trên các trang viết hơn thì phải… Bởi thế mà cảnh đời sự đời trong tập tản văn này của Hải Thanh thật phong phú, với rất nhiều chi tiết được rút ra từ kỷ niệm riêng tư của tác giả, từ các lần gặp gỡ, quan sát cuộc sống đương thì mà tác giả vừa mới trải mấy năm gần đây…
Nhưng là viết tản văn, tạp văn, Hải Thanh đã không sa đà vào biển sóng chi tiết vốn giàu có của mình. Như đã dẫn đôi chút ở trên, chi tiết trong tản văn của Hải Thanh vừa đủ vì được chọn mà đưa ra, chỉ nhằm làm đề tựa đề dẫn cho ý nghĩ của tác giả là chính, mà thôi.
Ở bài Tên làng có nhiều chi tiết được kể dựng ra như vậy về cái làng Mọc ngự trên vùng đất chiêm khê mùa thối với bao nhiêu việc đào đắp mưa gió bết bê thuyền và mái chèo giúp dân làng làm lụng giao lưu để sống mà cố vượt qua sự thua kém… nhà thơ đã có đoạn toát yếu mà luận về thế sự một làng khiến ai đọc cũng lo cho cả một vùng, một nước nữa:
“Có người thẩn thơ nghĩ rằng, thế hệ trẻ thành đạt biết yêu quê mình, thất đúng là làng có phúc. Chứ ở nhiều nơi khác, cánh thanh niên bỏ làng ra đi, khối đứa còn không thèm trở lại nơi chôn rau cắt rốn nữa. Lỗi ấy có một phần của bề trên là không tạo được môi trường cho họ ở lại hay hấp dẫn họ trở về. Cái gì cũng mệnh lệnh. Kiên nhẫn đến mấy cũng đến chán, chúng chấp nhận cảnh làm thuê cho người nước ngoài ở chính quê mình”.
Một sự thực trớ trêu và cay đắng. Đúng thế. Tôi và nhiều người có quen biết nhà thơ Hải Thanh, vẫn biết đấy là một người nhiệt thành, sôi nổi thế này, thế này… mà đọc một số đoạn như trên, vẫn thấy có một con người khác ở Hải Thanh đấy. Đoạn trên là lời ý của riêng người viết, hay là lời ý của một nông dân, một trưởng thôn… hay một ông bà nghỉ hưu mà còn hay ngẫm ngợi gần xa với quốc gia đại sự nữa đây?
Nhà thơ nhà văn là giống người hay lo toan, vừa tóm lược bao nhiêu cảnh đời chưa biết đã trọn chưa, lại đã dự báo thế này thế nọ. Giống người này, như Hải Thanh qua tạp văn đấy, là tự làm mệt làm khó cho mình chăng? Ấy là tôi ngỡ thế thôi. Lại nhớ có người bảo với tôi: Ông quen nhiều nhà văn nhà thơ thì cho tôi quen với… Các ông ấy kể chuyện thế sự dân gian mà giúp cho bọn tôi được nhiều lắm… chỉ tiếc là tôi thiếu thì giờ quá!
Tôi muốn nhắc họ hãy đọc Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Nguyễn Bắc Sơn, Lê Minh Khuê… đi, ít thì giờ, thì đọc tản văn, như của Hải Thanh đây vậy.
Nguồn Văn nghệ số 20.2019