Sáng tác

Nhà thờ họ Vĩ. Truyện ngắn của Hoàng Minh Tường

Hoàng Minh Tường
Truyện
09:54 | 14/11/2024
Baovannghe.vn- Đợt về làng Động với cái túi căng phồng này, là cuộc về trả ơn nguồn cội, sau mấy phi vụ làm ăn thắng lớn. Sau khi đến dâng lễ và thắp hương nhà thờ tổ
aa

Họ Vĩ là họ bé nhất làng Động. So với các họ Nguyễn, họ Hoàng…, thậm chí còn không bằng một chi. Dân ngụ cư lép vế đủ đường, từ thời cụ tổ dạt đến đây, vẫn chỉ quần tụ tít xóm Đầm cuối làng. Buồn nhất là cái nhà thờ, từ hồi bị máy bay Pháp thả bom, vẫn là ngôi từ đường ba gian, tre xoan đã mọt ruỗng, mái ngói bong tróc, có chỗ còn hở một khoảng trời.

Nhà thờ họ Vĩ. Truyện ngắn của Hoàng Minh Tường
Minh họa Đặng Tiến

May thay, có một đinh thuộc đời thứ tám, bề vai với ông trưởng tộc Vĩ Long, bỗng từ Séc, tức là Tiệp Khắc cũ, về làng, mang theo một túi da căng phồng. Có người đoán là vàng và đô la, có người thì thào hình như là thuốc phiện. Người em của Vĩ Long tên là Vĩ Văn Đan, có tên ngoại quốc là Vidan. Đan đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức, khi bức tường Berlin sụp đổ, bèn chạy sang Ba Lan, rồi sang Tiệp. Trải mấy chục mùa đông băng giá, buốt rụng tay, vừa đánh hàng từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan sang, vừa đứng trơ mặt ở các khu chợ vòm, lại qua vài lần ngồi đếm lịch trong các trại giam, cuối cùng Đan cũng có chút vốn liếng, rủ một nhóm bạn thuê đất, lập một khu thương mại của người Việt tại thủ đô nước Séc. Vidan đổi đời từ đó. Ông đưa vợ con, rồi lần lượt anh em cháu chắt, đi bằng đủ mọi con đường, sang Séc, lập thành một làng Động nhỏ ở bên ấy.

Đợt về làng Động với cái túi căng phồng này, là cuộc về trả ơn nguồn cội, sau mấy phi vụ làm ăn thắng lớn. Sau khi đến dâng lễ và thắp hương nhà thờ tổ, Vidan đến nhà riêng ông trưởng tộc Vĩ Long.

- Mấy chục năm lăn lộn kiếm sống ở xứ người, cứ mỗi lần gặp hoạn nạn hoặc nhập trại giam là em lại mơ thấy cụ tổ họ Vĩ mình anh ạ - Vidan thổ lộ - Lạ lắm nhé, cụ tổ mình trông hao hao giống như trong bức tranh thờ Nguyễn Trãi. Cũng râu dài phơ phất…

Vĩ Long xua tay:

- Ấy chết. Làm sao cụ tổ nhà mình dám sánh với Ức Trai - Là thầy giáo dạy sử, Vĩ Long biết do quá ngưỡng vọng vĩ nhân, khiến đứa em họ mình có chất hoang tưởng - Nhưng số chú hưởng phúc lộc họ Vĩ thì đúng rồi. So với bọn cùng trang lứa làng Động, giờ chú là người thành đạt nhất.

Vidan nhìn quanh rồi ghé tai ông trưởng tộc nói nhỏ:

- Chỉ bác biết thôi nhé. Đời thứ chín con cháu mình bắt đầu làm rạng danh dòng họ Vĩ đấy bác ạ. Thằng Đại con ông Đới nhà em, bác biết không? Ông thầy tử vi nói, đến đời thứ chín họ Vĩ ta có ngôi mộ đời thứ tư kịch phát. Điều này ứng với thằng cháu Vĩ Đại nhà chúng ta bác ạ. Chức bộ trưởng sẽ trong tầm tay nó. Chẳng biết nó học hành thế nào mà giờ có bằng tiến sĩ rồi đấy. Anh cả lệnh cho em về đợt này để cứu trợ thằng cháu Đại. Có ba suất cùng chạy đua cái ghế tổng cục trưởng. Thằng Đại yếu thế nhất, nếu không có đạn…

Vĩ Long ngớ ra một lúc, rồi cũng hiểu.

- Tức là phải chạy cửa sau. Thời buổi giờ là thế. Văn hóa phong bì mà. Thi hào Nguyễn Du đã tiên đoán từ hơn hai trăm năm trước rồi: Có ba trăm lạng việc này mới xong…

- Cả cụ Nguyễn Du cả bác trưởng đều đoán như thần. Mọi việc êm dầm mát mái rồi bác ạ. Đầu tháng tới là thằng Vĩ Đại có quyết định bổ nhiệm.

Đến lúc này thì thầy giáo dạy sử Vĩ Long mới lắc đầu, lè lưỡi thực sự. Đúng là thời đại tên lửa. Cái gì cũng vun vút đến chóng mặt. Những điều thế hệ ông tưởng không làm được, hoặc chật vật lắm mới làm được, thì với bọn trẻ bây giờ như trở bàn tay. Thời của ông, sao mà cái gì cũng trầy trật, bê bết. Vĩ Long, biệt danh “sử gia làng”, lừng lẫy trong giáo giới toàn tỉnh, ai cũng kính phục. Giáo viên dạy giỏi toàn quốc nhé, chiến sĩ thi đua liên tục mười tám năm nhé, mà về hưu mới được chức chủ tịch công đoàn, lương kịch trần bảy triệu sáu. Hay ông Vĩ Văn Đới chi thứ tư, hơn ông một giáp, nhưng lúc nào gặp cũng xưng em, gọi anh một phép. Ông Đới kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, ba mươi hai năm quân ngũ, chín lần dũng sĩ diệt Mỹ, được báo chí ca ngợi như người hùng đánh Mỹ trong trận Plei Me, mười hai năm chiến sĩ quyết thắng toàn quân, huân chương chiến công, quân công cả Việt Nam, Lào, Campuchia có hết, mà về hưu mới được thăng chức thượng tá kịch trần. May mà năm kia, nhờ các bạn đồng ngũ yêu mến, làm đơn từ, báo cáo, xác minh hơn chục năm trời, mới được phong anh hùng lực lượng vũ trang. Ghê chưa, họ Vĩ thấp cổ bé họng nhất làng Động, giờ có một tiến sĩ, một thiếu tướng, lại thêm một anh hùng quân đội. Đúng là thế gian biến cải vũng lên đồi...

Đang như lên tăng xông, bừng bừng hưng phấn, thầy giáo trưởng họ Vĩ Long bỗng ngồi bần thần, như vừa nghe chuyện gì nhầm lẫn. Thoắt cái ông đã chìm sâu vào quá khứ, nhớ lại những tháng ngày dạy học. Thằng Vĩ Văn Đại, là đứa cháu mà ông và cả họ phải lo xin xỏ cho nó nhiều nhất. Bố nó đi chiến trường biền biệt. Mỗi lần tranh thủ về thăm vợ vài ba ngày, thì liền trút hết cho người vợ ốm yếu cái thiên chức vĩ đại là đẻ thêm một đứa con. Sáu lần về phép của người anh hùng tương lai là bảy đứa con. Thằng Đại là thứ sáu, nhận nhiệm vụ bế ẵm đứa thứ bảy. Ăn còn không đủ, thì học hành cái nỗi gì. May mà sau cuộc đánh giặc biên giới phía Bắc, trung tá Vĩ Văn Đới được rút về Hà Nội, có điều kiện chăm sóc vợ con hơn. Những năm ấy, thằng Đại với thằng Lân con trai Vĩ Long, chơi thân nhau như anh em ruột. Hai thằng học với nhau từ mẫu giáo tới hết phổ thông. Càng học lên, trình độ hai thằng càng cách biệt, một thằng như thầy, một thằng không bằng trò. Bài toán, lý, hóa nào thằng Đại cũng nhờ thằng Lân giải hộ. Hôm thi tốt nghiệp phổ thông môn toán, thằng Đại liều lĩnh đến mức, lấy cớ xin ra ngoài đi tiểu tiện, nhưng cố tình đi qua mép bàn thằng Lân, giật lấy tờ giấy nháp. Ai ngờ kì thi ấy thằng Đại đủ điểm vào đại học. Vượt được cửa vũ môn ấy, cá chép bỗng hóa rồng. Từ khi được bố xin cho về làm ở tỉnh đoàn, lại bỏ chữ đệm Văn, thành đồng chí Vĩ Đại, rồi lấy con gái ông có chân trong quốc hội, Đại như đã được lập trình sẵn, như diều gặp gió, tiến vù vù. Mười hai năm vượt tám cấp. Làng Động bỗng có một nhân vật vua biết mặt, chúa biết tên.

- Đến thắp hương cho các cụ, mà em tủi cực quá.- Giọng Vidan bỗng trầm hẳn xuống - Các cụ tổ phù hộ cho anh em con cháu mình như thế, trải hơn mấy trăm năm mà có cái nhà thờ họ cũng không xây cất cho khang trang được.

Vĩ Long ngồi cắm mặt, thở dài.

- Thấy các họ khác trong làng, các nhà thờ họ lớn trong vùng xây cất ào ào mà tôi thấy tủi quá. Tôi đang tính, kì giỗ tổ này sẽ bẩm với các ông chú bà cô và anh em trong họ, cho bổ đầu người đóng góp. Cả họ một trăm mười bảy bếp, một trăm chín mươi hai đinh, mỗi bếp hoặc mỗi đầu đinh, cứ tạm thu ba triệu…

Nghe Vĩ Long trần tình, Vidan biết là mình đã điểm trúng huyệt, bèn móc trong túi áo ra chiếc phong bì, với chiếc đĩa gần đó, đặt vào.

- Chuyện này, ngoài bác, em không muốn ai biết. Mấy chục năm kiếm sống ở xứ người, em cũng tích cóp được món tiền mọn. Đây chỉ là cái lễ nóng, em nhờ bác thắp hương, khấn các cụ phù hộ cho vợ chồng con cái em và những người làng Động tha hương …

- Ấy chết, để tôi đưa chú mang lễ sang nhà thờ tổ…

- Dạ, đây là quà em mừng riêng bác, để bác lo hương khói các cụ… Việc này hệ trọng nên anh Đới mới bảo em phải đến báo cáo với bác trưởng. Nói đến chuyện xây dựng nhà thờ họ Vĩ, người vô thần như anh Đới em, cũng đồng ý ngay. Anh cả em, thượng tá Vũ Văn Đới sẽ thay mặt chi thứ tư chúng em làm chủ đầu tư. Kinh phí xây dựng em sẽ lo toàn bộ…

- Tức là… - Ông Vĩ Long tưởng mình nghe nhầm.

- Việc này phải vô cùng tế nhị, bác trưởng ạ - Vidan lại lấy trong túi ra một bản vẽ, trải trước mặt Vĩ Long - Em đã thuê kiến trúc sư vẽ phác thảo công trình nhà thờ. Trước mắt, chỉ mong xây được ba gian chính điện và gian nhà ngang để tiếp khách và việc họ. Bác Đới em có gợi ý là có thể huy động thêm các nhà tài trợ trong họ, hoặc đóng góp theo đầu đinh, để nhà thờ ngang bằng các họ trong làng. Nhưng em xin, hãy cứ để một mình em lo liệu. Tiền em dành dụm được bên Séc nhờ phúc tổ họ Vĩ ta cũng tạm đủ…

Ông Vĩ Long bàng hoàng, tưởng như mơ. Nhẩm tính, nếu xây đúng như bản vẽ, tường xây, cột, nóc, cửa gỗ tứ thiết, mái ngói mũi hài… cũng không dưới năm tỷ đồng. Một con số trong mơ ông cũng không dám nghĩ đến. Cả tám đời họ Vĩ làng Động, lần đầu tiên có người dám làm một chuyện tày đình. Vận hội họ Vĩ đã xoay chuyển rồi.

- Để tôi mời các cụ cao niên, các trưởng chi trưởng ngành họp bàn…

- Vâng, em phải báo cáo trước với bác trưởng tộc. Em biết, đa số trong họ sẽ hoan hô nhiệt liệt, nhưng có người ghen ăn tức ở sẽ khích bác, thậm chí gàn quải, phá đám, cho rằng anh em chi thứ tư nhà em muốn bỉ mặt họ, cố tình chơi trội…

- Làm cỗ mời họ đến xơi, đâu phải dễ. Chú biết thế là rất hiểu cho cái khó trong vai trưởng tộc của tôi… Nhưng mà, tâm chú thành, lực chú mạnh, ắt các cụ tổ sẽ phù hộ chúng ta.

*

Là giáo viên lịch sử, nhưng phải chờ cho tới khi nghỉ hưu, thầy giáo Vĩ Long, trưởng tộc họ Vĩ, mới tập trung hết thời gian, tâm huyết để soạn lại cuốn gia phả họ. Ngoại trừ một cuốn sách chữ nho, bìa phết nhựa sung, mép bị mòn rách soạn từ đời vua Thành Thái và ngôi nhà thờ làm lại do bị bom cháy, gia sản họ Vĩ không còn gì. Cứ theo những gì còn chép lại và lời người già trong làng thì người họ Vĩ đầu tiên đến lập nghiệp, làng Động tên tục là Dài. Do có biết chút võ nghệ, nên anh Dài được cụ Cửu Nhạc, trưởng tộc đời thứ sáu họ Nguyễn Hữu cho làm thuê. Cô con gái cụ Cửu Nhạc tên là Mơ nhỡ thì, mê anh Dài, liền được cụ Cửu ghép đôi, cho một đám ruộng ngoài đầm sen, rồi làm một nếp nhà cho vợ chồng ở riêng. Xóm Đầm chính là nơi phát tích của họ Vĩ. Tính ra đến ông Vĩ Long mới được năm đời.

Tại sao lại họ Vĩ mà không phải họ Vũ, họ Võ? Các đời trước cụ Vĩ Văn Dài, là những ai? Ở đâu? Những câu hỏi này làm đau đầu nhà sử học Vĩ Long.

Bỗng một ngày, anh chàng sinh viên đại học Vĩ Văn Đại bỗng đưa về làng một ông thầy họ Vũ, có nghề lập tử vi và viết gia phả cho các dòng họ. Ông thầy họ Vũ cho xem cuốn tộc phả họ Vũ Việt Nam dày đến nghìn trang và dứt khoát nói rằng, ông tổ Vĩ Văn Dài chính là cụ Vũ Văn Trường, thuộc chi Bính họ Vũ thôn Nhân Bản xã Nhân Nghĩa, xứ Hải Đông, nơi phát tích họ Vũ, họ Võ toàn quốc, mà ông thủy tổ là Vũ Hồn.

*

Ngày họ Vĩ khởi công xây dựng nhà thờ có mưa lắc rắc buổi sáng, báo hiệu ngày hoàng đạo. Đích thân cụ Vĩ Văn Kiên, 92 tuổi, đời thứ bảy cuối cùng còn sống, ông trưởng tộc Vĩ Long và anh hùng Vĩ Văn Đới, đời thứ tám, cùng bổ nhát cuốc khởi móng.

Đúng giờ động thổ, thì có tiếng xe ngoài đầu ngõ. Tổng cục trưởng Vĩ Đại đi xe Mercedes đen bóng về làng. Đây là lần về quê thứ hai kể từ khi Đại nhậm chức tổng cục trưởng, tức là cũng đã gần một năm. Lần về quê thứ nhất là để lễ thành hoàng làng, lễ tổ đường, báo cáo rằng, nhờ hồng phúc họ Vĩ, nhờ long mạch làng Động, Vĩ Đại đã được hưởng phúc lộc như ngày hôm nay. Lần về này, trông Vĩ Đại khác hẳn. Dường như cao to hơn, bệ vệ hơn. Gương mặt bớt dài đi và phảng phất nét từng trải, quyết đoán. Cùng đi với anh là ông thầy tử vi họ Vũ và kiến trúc sư Minh Quang, tổng công trình sư thiết kế và quy hoạch chùa Ba Vàng nổi tiếng. Đại đưa khách đến thẳng nơi đang động thổ nhà thờ họ. Anh tỏ ra rất bận, chỉ kịp chắp tay chào khắp lượt các bậc huynh trưởng, rồi cùng hai người khách đo đạc khu nhà thờ cũ, ngó nghiêng hai nhà kế bên, ngắm cái ao cạn trước cửa rồi vào thì thào với ông trưởng họ Vĩ Long và mấy bậc cao niên điều gì đó. Một tiếng sau, Vĩ Đại và hai người khách lại ra xe, về Hà Nội.

Mấy bà hay buôn dưa lê, trông theo xe, thì thào: “Vĩ Đại làng mình rồi còn lên to. Vừa lên chức mà các ngôi đình, chùa to nhất nước đều có hòn đá khắc tên dưới mấy gốc đa, gốc đề. Cứ đà này, làng mình sẽ có trung ương…”

Lần về làng của Vĩ Đại ấy, khiến cuộc khởi công ngôi nhà thờ họ Vĩ bị dừng lại hơn ba tháng. Sau đó là một bản vẽ thiết kế mới, khác hẳn bản vẽ của ông Vidan Việt kiều Séc. Rồi mảnh vườn nhà bà Bảo bên trái và khu nhà ngang của ông Luận bên phải được họ Vĩ mua đứt. Cái ao cạn trước nhà cũng được sang tên. Từ diện tích mặt bằng cũ hơn hai trăm mét vuông, giờ đây mặt bằng xây dựng nhà thờ họ Vĩ đã tăng gấp năm lần, gồm bốn sổ đỏ, với tổng diện tích hơn nghìn mét vuông, trong đó có nhà thờ chính điện với gác chuông hai tầng, hai nhà tả hữu vu, nhà dịch vụ, khu bếp, vệ sinh, sân tế, và một ao sen rộng hơn một sào Bắc Bộ.

Ròng rã hơn một năm trời, vật tư tiền của thiên hạ đổ về làng Động ùn ùn. Không ngờ uy tín và quan hệ của Vĩ Đại xa rộng đến thế. Toàn cung tiến với tài trợ, đóng góp, chứ bố con Vĩ Đại chẳng phải chi khoản nào. Ông Vĩ Long mở hẳn một cuốn sổ ghi chép, sau này có chứng cứ báo cáo với họ. Những khoản lớn, toàn các công ty, tập đoàn, các đại gia máu mặt đảm nhận: gạch, đá, sỏi, cát, xi măng do tổng công ty vật tư Vạn Lợi cung tiến; sắt thép do tập đoàn Beroza Group tài trợ; gỗ lim Nghệ An, gỗ mít và đá xanh Thanh Hóa do liên doanh K&T cung cấp; đồ thờ, nghi trượng tế lễ do chủ tịch tập đoàn Phát Lộc đảm nhiệm. Đến như hội người mù của tỉnh cũng xin được cung tiến bức cuốn thư gỗ vàng tâm viết ba chữ triện thếp vàng: Đức lưu quang. Riêng câu đối treo hai bên điện thờ thì ông trưởng tộc Vĩ Long nói với Vĩ Đại để ông quyết. Phải có một đôi câu đối riêng cho nhà thờ họ Vĩ, không lẫn với bất cứ câu đối nào, ngắn gọn, súc tích mà nói lên được cái hồn cốt, cái truyền thống, cái viễn cảnh của dòng họ… Suốt nửa năm trời, ông Vĩ Long tìm khắp các thầy đồ, giáo sư, tiến sĩ tên tuổi mà vẫn chưa có câu nào ưng ý. May thay, lại chính ông em Vidan ở Séc cứu nguy cho ông anh. Vidan có người anh vợ là giáo sư Đặng Văn có biệt tài làm câu đối. Vợ chồng Vidan nhờ chính tay ông anh viết tặng bằng thứ chữ triện cổ. Đôi câu đối như sau: Động xá danh hương, địa thắng nhân hòa di mỹ tục/ Ứng Thiên cựu phủ, khởi nguyên hoạn lộ tự Vĩ gia. Làng Động thuộc phủ Ứng Thiên là nơi phát tích dòng họ Vĩ. Ứng Thiên là tên phủ cũ từ thời Lê. Đôi câu đối của giáo sư Đặng Văn, được ông Vidan thuê thợ làng nghề nổi tiếng Sơn Đồng chạm trổ tinh xảo trên gỗ mít, dát vàng, thực sự là tác phẩm nghệ thuật đương đại sáng giá… Bây giờ, so với các ngôi nhà thờ làng Động, thậm chí khắp vùng Ứng Thiên, không đâu có ngôi tổ đường bề thế, hoành tráng, mĩ thuật đến thế. Các trùm xây dựng sành sỏi trong vùng, chỉ đến sờ vào dãy cột gỗ lim nâu bóng, chạm vào mặt hoa cương đá xứ Thanh, ngắm từng đường chàng đường lõng của các bức trạm trổ gỗ mít, gỗ sưa…, rồi đứng từ gác chuông sừng sững, bao quát xung quanh, qua hồ sen ngan ngát có con đường nhựa mới mở đi vòng hai mép hồ, mới lắc đầu lè lưỡi ngầm phục công trình đã lên tầm tâm linh văn hóa nghệ thuật...

Ngày khánh thành nhà thờ họ Vĩ, hơn cả một ngày hội. Xe sang các loại chật đường làng. Hoa, phướn, câu đối… tràn ngập. Khách từ miền Nam miền Trung, Hà Nội, Hải Phòng… từng đoàn. Có nhiều ông Tây bà đầm khiến người làng Động trố mắt, trầm trồ. Cả họ, từ trẻ em ẵm ngửa, tới người cao tuổi nhất đều được mời đến ăn cỗ. Rồi các họ trong làng, thông gia, dâu rể, nội ngoại, các ban ngành trong thôn, trong xã, con cháu công tác xa và thân thuộc bạn bè…, tất tật hơn hai trăm mâm đóng sáu mà còn thiếu cỗ. Người ở xa, về muộn phải ngồi đóng tám, đóng mười, hết lại tiếp, lo đông lo chật chứ không lo thiếu cỗ.

Trưởng tộc Vĩ Long gầy tọp đi mấy kí, nhưng mà vui đến quên ăn quên ngủ. Ngày trọng đại này, tiếc là ba anh em bố con chi thứ tư, có công đầu, công to nhất trong công trình nhà thờ lại đều vắng mặt, Vidan bận công chuyện bên Séc không thể về được. Ông Vĩ Văn Đới mổ tuyến tiền liệt, vẫn còn nằm bệnh viện. Người quan trọng nhất, xoay chuyển phương án xây dựng, đầu tư toàn bộ công trình là tổng cục trưởng Vĩ Đại thì đến tối hôm trước mới báo về, xin được vắng mặt vì công tác đột xuất. Đột xuất gì? Thì ra ông cháu quý tử của dòng họ Vĩ bận dự cuộc họp khẩn lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm chức thứ trưởng.

Chiều tối, Vĩ Đại mới cùng vợ con cưỡi xe Mercedes về làng, mang lễ dâng bàn thờ tổ, lầm rầm khấn vái hồi lâu, rồi tranh thủ báo cáo với bác trưởng tộc:

- Thấy công trình khánh thành mĩ mãn, bố và chú Vidan con cùng gia đình và cả chi thứ tư nhà con sung sướng lắm, vì đã phần nào hoàn thành bổn phận với tiền nhân. Các cụ các bác xem cần hoàn thiện nốt khâu đoạn nào của nhà thờ, cứ cho hoàn thiện tiếp. Mọi chi phí con sẽ thanh toán hết ạ.

Chồng chưa nói dứt, cô vợ đã lấy từ túi xách ra một gói như tảng gạch, dúi vào tay ông trưởng họ:

- Chúng con đưa bác thêm ít tiền để bác chủ động chi cho nhà thờ. Kính mong hằng ngày bác cầu khấn các cụ tổ phù hộ cho Vĩ Đại nhà con báo hiếu được tổ tiên…

Đến lúc này, ông Vĩ Long mới nhìn kĩ cô cháu dâu. Quả đúng như lời đồn, vợ Đại vừa đẹp người vừa khéo nói. Đôi mắt lá răm chết người, hai lúm đồng tiền thế kia thì nó hút hết cả tài lộc thiên hạ.

Mâm cỗ cúng vẫn có nhã ý chờ Vĩ Đại được hạ từ ban thờ xuống. Lẽ thường ông trưởng tộc Vĩ Long sẽ rất xuề xòa theo kiểu bề trên mỗi lần anh em thằng Lân thằng Đại gặp nhau, nhưng lần này ông lại trịnh trọng khác thường:

- Đây là lộc tổ, bác vẫn phần đợi các cháu. Nếu không có cháu Đại, các cụ tổ họ Vĩ ta không thể có được ngôi tổ đường như ngày hôm nay.

Chưa cạn ly, mà Vĩ Đại đã rưng rưng. Lẽ ra anh sẽ im lặng tiết chế cảm xúc, nhưng trong không khí tối linh của ngôi tổ đường vừa phục dựng, với đèn nến hương trầm huyền ảo, anh không kìm nén được.

- Bác ơi, con vừa khấn báo với các cụ tổ, rằng nhờ hồng phúc của họ nhà ta, mà chiều nay, trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm cuối cùng, thằng cháu Vĩ Đại của các cụ tổ họ Vĩ làng Động đã được vào danh sách bổ nhiệm chức thứ trưởng.

Ông Vĩ Long giang hai tay ôm choàng lấy Vĩ Đại, nước mắt giàn giụa.

*

Từ ngày xây xong nhà thờ, cả họ Vĩ làm ăn phát đạt hẳn. Vidan mới trúng hội đồng quản trị, giữ chức tổng giám đốc tập đoàn Quê Việt ở Séc. Vĩ Lân nhận bằng tiến sĩ ở đại học Berkeley, Mỹ. Riêng Vĩ Đại, đúng như lời thầy tử vi, được giữ trọng trách thứ trưởng thường trực. Ghế thượng thư chỉ còn là thời gian.

Giỗ tổ họ Vĩ sau đó tiến hành trong hai ngày. Ngày đầu là lễ, ngày sau là hội. Tất cả trống, chiêng, cờ, phướn, áo, mão và đồ tế tự đều được sắm mới hết. Đội tế mười ba người, chủ tế áo thụng đỏ, mũ phốc đầu, quần trắng, hia đỏ, các đông sướng, tây sướng và bồi tế, chấp sự áo thụng xanh, quần trắng. Đội trống kèn, sênh phách, cũng mới được đi đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Riêng điều này thì họ Vĩ hơn đứt mấy họ trong làng, ấy là đội múa sinh tiền, toàn các gái đang xoan, áo vàng, khăn vành, thắt bao xanh, như văn công. Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa. Có ông cháu đời thứ chín sắp vào trung ương có khác, họ Vĩ giờ danh giá, sang trọng bậc nhất vùng.

Cũng dịp ấy, trên tập san Di sản Văn hóa đăng một khảo cứu, nhan đề Nhà thờ họ Vĩ làng Động, một hình mẫu văn hóa tâm linh của một vị giáo sư nổi tiếng, khiến ngày nào ông trưởng tộc Vĩ Long cũng phải tiếp hàng chục đoàn khách đến chiêm bái và tìm hiểu.

Suốt một năm trời sau đó, cả họ Vĩ chờ đợi đại hội. Không chỉ trưởng họ Vĩ Long, mà nhiều người họ Vĩ nín thở.

Rồi ngày vĩ đại ấy đã đến. Đồng chí Vĩ Đại được thăng chức bộ trưởng.

Suốt đêm ấy nhà thờ họ Vĩ rực sáng đèn, rộn vang chiêng trống và điệu nhạc tế Lưu thủy. Đây là buổi lễ cáo yết bất thường. Trưởng tộc Vĩ Long đích thân đứng chủ tế, để kính báo với tổ tiên việc trọng đại nhất của họ Vĩ từ thời các cụ thượng tổ: lần đầu họ Vĩ có quan thượng thư trong triều, chỉ dưới quan tể tướng nhất phẩm.

Những ngày đó, nhà thờ tổ họ Vĩ người vào ra nườm nượp. Con cháu, thông gia, đối tác, bạn bè, trong xã, trong huyện, miền xuôi, miền ngược, khắp Bắc Trung Nam…

Bộ trưởng Vĩ Đại bận rộn lắm, không thể về làng. Nhưng lại thường xuyên xuất hiện trên tivi và tất cả các kênh truyền thông đại chúng.

*

Hai năm. Sau đại dịch Covid.

Lại đến ngày giỗ tổ họ Vĩ. Theo kế hoạch từ năm trước, năm nay họ Vĩ sẽ tế lễ ba ngày. Sáng ngày thứ ba, sẽ là lễ chúc thọ người già, vinh danh người có công, trao học bổng và phần thưởng cho các con em học giỏi, trao quà tình nghĩa cho các con em và gia đình hoàn cảnh khó khăn… Buổi trưa cả họ mở đại tiệc chiêu đãi khách gần xa và tất cả các gia đình họ nội họ ngoại. Mọi việc tổ chức, hậu cần và thực đơn do công ty tổ chức sự kiện Phương Đình nổi tiếng, lo liệu hết.

Uống nước nhớ nguồn, thờ kính tổ tiên là để lại ân đức cho con cháu mai sau, theo nguyện vọng của cả họ, bộ trưởng Vĩ Đại sẽ cung tiến nhà thờ họ một bức tượng thờ cụ tổ Vĩ Văn Dài, tức cụ Vũ Văn Trường. Vì cụ Dài không để lại di ảnh, tranh họa, cả họ cũng không ai biết mặt cụ tổ mình, nên bộ trưởng Vĩ Đại xin với họ cho lấy hình mẫu bố đẻ mình là anh hùng Vĩ Văn Đới, chắt nội đời thứ năm, chi thứ tư của cụ tổ để làm mẫu đúc tượng. Bức tượng bán thân, tác phẩm của điêu khắc gia Phạm Văn làm tặng, được đúc bằng đồng đỏ, trong ruột tượng yểm một lượng vàng SJC, do chính những người thợ đúc đồng trứ danh làng Ngũ Xã chế tác.

Theo kế hoạch, bộ trưởng Vĩ Đại sẽ về trước một ngày để làm lễ nhập tượng cụ thượng tổ, sau đó sẽ tiến hành lễ giỗ như truyền thống.

Đêm trước ngày lễ nhập tượng cụ tổ họ Vĩ, bộ trưởng Vĩ Đại bỗng điện báo cáo lỗi với ông trưởng họ Vĩ Long: “Bác ơi, con đành có tội với cụ thượng tổ. Cấp trên vừa triệu tập cuộc họp khẩn cấp, con không thể về được. Nhờ bác báo cáo với các cụ, các chú bác cô dì trong họ. Con sẽ về tạ lỗi sau ạ.”

Cả họ Vĩ, cả làng Động xôn xao. Sao lần nào việc họ, Vĩ Đại cũng có họp gấp? Hay là lại thăng chức đột ngột? Mà sao phải họp vào ngày nghỉ lễ và chủ nhật? Trưởng họ Vĩ Long xin ý kiến các bậc bề trên. Các bậc trưởng lão đều thống nhất: bố con ông Vĩ Văn Đới, Vĩ Đại là chi thứ tư của họ, không phải chi trưởng, nên việc lễ hô thần nhập tượng và giỗ tổ họ vẫn tiến hành bình thường.

Sang ngày thứ hai. Không phải tin vỉa hè, qua da-lo, hay phê-tê-bốc, mà buổi thời sự, kênh truyền hình chính thống nhà nước:

“…Trung ương quyết định để đồng chí Vĩ Đại thôi các chức vụ hiện tại để kiểm điểm các khuyết điểm đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua.”

Cả họ Vĩ như đưa đám. Chiêng trống nhà thờ ngưng bặt.

Có người rỉ tai ông trưởng họ Vĩ Long: “Hình như thằng Vĩ Đại nhà mình dính líu đến vụ cút-kít gì đó. Cái nhà thờ họ Vĩ này hình như cũng được xây bằng tiền cái cót-két gì đó…”

VN21/2024

Nhà thờ họ Vĩ. Truyện ngắn của Hoàng Minh Tường
Ảnh minh họa. Nguồn pinterest.
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.