Sáng tác

Lời nguyền từ đống mảnh vỡ - Truyện ngắn dự thi của Trần Vinh

Trần Vinh
Truyện
07:58 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - Mọi người bất giác rùng mình bởi lời nguyền từ đống mảnh vỡ. Chao ôi! Một kiếp người trọng danh dự đến mức lạc loài. Lão sống chỉ để chờ giải oan. Lão chết vẫn tiếp tục nằm chờ nỗi oan được giải. Sống hay chết lão vẫn lo con mình phải mang tiếng xấu.
aa

Những cơn gió heo may cuối mùa giống như bàn tay vô hình đang trải rộng tấm thảm cỏ gà xanh mướt phủ khắp bờ bãi ven sông. Dòng sông Ngàn dềnh dàng yên ả. Đây cũng là thời gian đám trẻ làng Trung dắt trâu bò ra thả rông dọc triền sông rồi cùng vẽ ra đủ thứ trò chơi trên thảm cỏ. Đám con trai chơi mấy trò đánh khăng, đánh đáo, đánh cù, chọi cỏ gà... Đám con gái thì đánh chuyền đánh chài. Hầu như ngày nào đám trẻ cũng vào cái lán cưa xẻ gỗ ở cuối bãi đất để hốt mùn cưa, gỗ vụn nhóm lò bên gò đất sát bờ sông. Lửa nổi lên, tất cả những gì chúng kiếm được như ngô khoai sắn, tôm cua cá... đều cho vào nướng. Có lẽ đó là các món ăn mà đám trẻ thích thú nhất trong những buổi chăn bò bên triền sông Ngàn.

Một hôm, khi đám trẻ đang xúm xít nướng ngô thì có ông lão xách mấy củ khoai lò dò đến xin nướng nhờ. Ông lão vui tính, chỉ vài buổi đã trở thành bạn của đám trẻ. Chúng được lão kể cho nghe đủ thứ chuyện mà chuyện nào chúng cũng thích. Có lần lão mơ màng nhìn dòng sông rồi kể chuyện đời. Ngày xưa lão cũng có nhà cửa, vợ con. Thế rồi lão bị đi tù oan. Mãn hạn tù, lão xin ở lại trại tù mà không được. Cán bộ đưa lão ra bến xe, gửi lão về quê.

Đám trẻ về nhà cứ vô tư kể về ông lão mới quen. Người lớn nghe chuyện biết là lão Bàng đã được ra tù. Câu chuyện lão Bàng bị oan thì dân làng đều đã ngầm hiểu với nhau. Bây giờ lão Bàng ra tù, người làng cũng đành im lặng. Chỉ có điều, từ đó, một góc của lán cưa xẻ gỗ bên sông, nơi lão Bàng đang tạm tá túc bỗng dưng thay đổi. Lão Bàng thấy lạ, nếu không có đám trẻ đang ở tuổi thật thà mau miệng thì lão cũng chẳng hiểu ra chuyện gì. Khi thì tấm chăn cũ, khi thì mớ khoai, lon gạo… của những ai đó ra sông gánh nước, tắm giặt rồi “vô tình” để lại.

Người làng Trung chưa ai quên được bi kịch của nhà lão Bàng. Vợ lão vốn xinh đẹp nhất vùng, lại còn nổi tiếng bởi những câu hò đối đáp lảnh lót trên dòng sông Ngàn thơ mộng. Khi đó đường bộ chưa phát triển, thi thoảng mới có chuyến xe ì ạch chạy qua. Vì vậy dòng sông Ngàn chính là con đường thủy giao thương nhộn nhịp nhất. Khúc sông chảy qua làng Trung rộng mênh mang, bãi cát vàng mịn, nước trôi lững lờ. Nơi đây không chỉ là nguồn nước mà còn là nơi giao lưu tắm táp của dân làng. Chị em trong làng có thói quen khi tắm sông thường mặc độc chiếc váy mỏng. Lội xuống sông, nước lên đến đâu vén váy lên đến đó. Khi nước đến ngang bụng thì ngồi hẳn xuống và lận váy lên thành cái khăn đội đầu. Chị em tắm sông vừa thả mình trong làn nước vừa hò đối đáp với những chàng trai đang xoăn tay chèo chống trên những con đò dọc. Giọng hò khi lảnh lót bông đùa, khi ngọt ngào lưu luyến như có sức hút, kéo những con đò lướt vào sát chỗ chị em. Có dịp, một chiếc đò dọc thường bị mắc cạn mỗi khi đi qua chỗ có vợ lão Bàng đang tắm. Gã chủ đò như con rái cá hăng hái nhảy xuống ngụp lặn khơi lạch. Chẳng biết gã khơi lạch kiểu gì mà chốc chốc lại có nàng cười ré lên, đứng bật dậy khỏi mặt nước.

Lời nguyền từ đống mảnh vỡ - Truyện ngắn dự thi của Trần Vinh
Lời nguyền từ đống mảnh vỡ - Truyện ngắn dự thi của Trần Vinh.

Vợ lão Bàng sinh con. Thằng con sinh ra đặt tên là Chích. Thằng Chích mới được mấy tháng tuổi thì vợ lão bỏ đi. Lão Bàng không còn thời gian mà đau khổ. Lão phải vất vả bế con đi xin sữa khắp làng. Ai cũng thương và khen lão khéo nuôi con. Cũng từ đó, tiếng hò sông nước cứ lắng dần rồi mất hút.

... Từ lâu cả làng đều đã vào hợp tác xã, người nông dân bỗng trở thành xã viên. Riêng cha con lão Bàng vẫn là hộ cá thể. Lão không vào hợp tác xã không phải vì lão chống đối hay không yêu làng yêu nước. Đơn giản là cha con lão đang rất hài lòng với cuộc sống hiện có. Không việc gì lão phải chạy theo đám đông nào cả. Hơn nữa, bốn sào ruộng mà ông bà để lại cho lão thì lão phải giữ bằng được. Vào hợp tác xã là mất ngay bốn sào ruộng sâu, mùa nào lúa cũng tốt bề bề. Lão không thể nào chấp nhận được điều đó.

Lãnh đạo và Ban quản trị hợp tác xã hạ quyết tâm phải vận động bằng được hộ lão Bàng vào hợp tác xã. Không thể để cái gai giữa mắt mãi được. Xã nhà có bao nhiêu thành tích mà cuối cùng vẫn phải thua xã bạn vì còn hộ cá thể. Tuy nhiên, lão Bàng vốn là người nhiều chữ nhất nhì trong làng nên ai cũng kiêng dè. Vì thế mà ông chủ nhiệm họ Trương phải đích thân đến nhà lão Bàng vận động. Ông chủ nhiệm cười hơ hớ, nói với lão Bàng:

- Ông Bàng ạ, ông là người khôn ngoan, nhiều chữ nghĩa nên chắc ông cũng hiểu câu tục ngữ “Dại đoàn hơn khôn độc” chứ? Bà con xã viên có dại thì cũng là dại đoàn. Cả làng cả nước như vậy. Còn ông khôn nhưng là khôn độc…

- Dạ, thưa ông chủ nhiệm. Ông nói bà con xã viên là “dại đoàn” thì ông sai quá rồi đó. Tôi chưa vào hợp tác xã không phải là chuyện khôn hay dại đâu ạ.

- Ấy chết, ông Bàng hiểu nhầm ý tôi rồi. Vào hợp tác xã là để cho dân giàu nước mạnh. Chứ nông dân cá thể như ông là mầm mống sinh ra tư bản đấy. Nguy hiểm lắm! Tôi nói thật, đời thằng Chích, à… chậm lắm thì đến đời con thằng Chích là cả xã hội này đều ba thẳng.

- Ông chủ nhiệm nói xã hội ba thẳng là sao ạ?

- Này nhé, đi lên xã hội chủ nghĩa là đường thẳng, nhà thẳng, ruộng thẳng. Nếu cứ cá thể như ông thì làm sao mà ba thẳng được?

- À tôi hiểu ý ông chủ nhiệm rồi. Nghe nói khi đó còn có cả chuyện làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu nữa đấy.

- Đúng đúng! Hợp tác xã sẽ làm ra vô số của cải. Bà con xã viên cần bao nhiêu thóc gạo cũng có, cứ ra kho nhận về mà dùng. Ruộng đồng cày cấy có máy móc làm thay người hết. Vậy mà bây giờ ông lại ngồi tiếc mấy sào ruộng…

- Thưa ông chủ nhiệm, nông dân mà tiếc ruộng thì có gì sai nào? Mà cha con tôi có dám ngăn cản ai tiến lên ba thẳng xã hội chủ nghĩa đâu. Khi nào cái ba thẳng mà nó… thẳng đến ruộng đất nhà tôi là tôi ủng hộ liền.

Ông chủ nhiệm họ Trương đã không thuyết phục được lại còn phải ôm nỗi tức ra về. Nỗi tức đó nhanh chóng lây lan sang cán bộ lãnh đạo xã. Con người ta, khi cùng chung nỗi tức giận thì rất dễ đồng cảm với nhau và sẵn sàng đứng về một phía. Hiện tượng đó có lúc được coi là sự thống nhất cao của một tập thể.

Đành rằng vào hợp tác xã là phải trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng việc tồn tại hộ lão Bàng cá thể thì trong con mắt số đông đó là bẻ nạng chống trời, là chống đối xã hội. Cha con lão Bàng đi đâu cũng gặp phải những ánh mắt coi khinh, những cái cười mỉa mai lạnh nhạt. Mấy câu chửi bóng gió như “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”, “quân cá thể cũng là quân phản động”… đã nhàm tai cha con lão. Khổ nhất là vào vụ chiêm, cả làng nhìn cha con lão như nhìn hai thằng ăn trộm. Bốn sào ruộng sâu của lão ở giữa rốn của cánh đồng, có bao giờ thiếu nước đâu. Ấy vậy mà lão cứ bị nghi ngờ trộm nước từ mấy đám ruộng hợp tác xã. Có lần trước ngày hợp tác xã lấy nước về cho cánh đồng làng Trung, ông đội trưởng họ Phùng dẫn theo hai dân quân xộc vào nhà lão Bàng tuyên bố:

- Ruộng nhà ông Bàng hiện tại sắp khô kiệt rồi nhé. Vài ngày nữa mà ruộng ông đầy nước thì đừng có trách tôi không nói trước.

- Thế thì hay quá! Mùa này tôi đang chờ ruộng khô hẳn để trồng khoai. Trong vòng ba ngày tới nhà tôi tuyệt đối không có ai ra ruộng. Sang ngày thứ tư mà hợp tác xã để cho ruộng của tôi đầy nước thì ông phải cử người ra tát cho cạn đấy nhé.

Ông đội trưởng đập bàn rồi vác cái mặt hằm hằm vừa bước ra khỏi nhà lão Bàng vừa chửi:

- Mẹ cha nó! Đồ cá thể mà còn bố láo!

Thật ra lão Bàng chưa bao giờ cảm thấy đắc ý khi cán bộ hoặc người của hợp tác xã cãi lý thua lão. Lão biết cuộc sống của cha con lão sẽ ngày càng bị ghẻ lạnh, o ép hơn. Con trai cũng đã đến tuổi lấy vợ mà lão chưa dám nghĩ tới. Ở cái vùng quê này, con cái hộ cá thể thì đừng hòng mà lấy vợ gả chồng trong làng. Cũng may là mấy năm qua lão gửi thằng Chích sang xã bên học nên nó đã học xong được cấp hai.

Lại chuẩn bị vào một mùa cấy mới, xã viên vác cuốc, vác rựa đi phát cỏ bờ ruộng. Dòng nước tưới từ con mương thủy lợi đã sắp về đến cánh đồng. Đêm trăng, lão Bàng cũng vác rựa đi phát cỏ cho mấy sào ruộng của mình. Tranh thủ phát cỏ dưới đêm trăng vừa mát vừa tránh được những cái nhìn soi mói và những lời cạnh khóe nanh nọc của bà con xã viên. Lão nghĩ vậy nhưng vầng trăng trên cánh đồng đang chuẩn bị cho vụ mới lại không đủ sáng. Hết đám mây đen này đến đám mây đen khác cứ nối nhau vần vũ. Mặt trăng nhìn nhem nhuốc như lấm nhọ đang cố ngoi ra khỏi đám mây. Cả cánh đồng trở nên chập chờn, oi bức ngột ngạt. Lão Bàng phải ngửa mặt lên trời như mấy con cá trong vũng nước đục, vừa ngáp vừa chờ ánh trăng để thấy đường mà phát cỏ.

Mò mẫm mãi lão Bàng mới phát cỏ được một đoạn bờ ruộng. Lão bỗng giật mình bởi tiếng hô lớn:

- Đứng im! Bắt quả tang! Tên Bàng trộm nước của hợp tác xã! Anh em dân quân trói nó giải lên xã ngay!

Lão Bàng vừa buông cây rựa ra thì ông chủ nhiệm họ Trương đã lao đến vật lão xuống. Ba người dân quân họ Phùng cũng xông vào để bắt trói. Khi lão Bàng đang bị đè sấp giữa ruộng thì ông chủ nhiệm thét lên:

- Trời ơi! Chết tao rồi... tao bị chém vào đầu rồi...

Ngay lập tức, một trận đòn kinh hoàng giáng xuống lão Bàng. Đến khi lão Bàng tỉnh lại thì thấy mình đang nằm giữa sân kho hợp tác xã. Người lão bê bết máu và bùn. Lão cố nói mà cứ ư ử không thành tiếng. Trong tiếng ồn ào, lão nghe loáng thoáng: “Cái lão Bàng cũng ghê gớm thật. Đã ăn trộm nước lại còn giết người. May mà ông chủ nhiệm phúc còn lớn chứ không thì chết oan rồi”; “quân cá thể là đồ phản dân hại nước, phải dẹp, dẹp hết...”

Công an huyện về trực tiếp điều tra. Lão Bàng một mực kêu oan, lão thề không trộm nước, không chém người. Nhưng ai mà tin được lời của một kẻ không chịu vào hợp tác xã? Cây rựa của lão còn dính máu, dính tóc và một mảng da đầu của ông chủ nhiệm họ Trương. Cả ba người dân quân họ Phùng đều khai báo chính lão Bàng đã vung rựa bổ xuống đầu ông chủ nhiệm. Thời nào pháp luật cũng trọng chứng hơn trọng cung. Phiên tòa xét xử lão Bàng can tội cố sát, chống người của hợp tác xã nhanh chóng tiến hành. Một bên là chứng cứ rành rành, là ông chủ nhiệm cùng ba đồng chí dân quân thực thi nhiệm vụ, là khí thế hợp tác xã... Còn bên phía lão Bàng chẳng có gì ngoài tiếng xấu của một kẻ cá thể, đi ngược chủ trương đường lối và có tiền sự nghe đài địch. Vì thế nên lão Bàng dù kêu oan từ đầu đến cuối phiên tòa cũng không thoát khỏi cái án sáu năm tù giam. Rất nhiều người hả hê với bản án trừng trị một kẻ cá thể. Khi người ta có sẵn định kiến và cả tin thì rất dễ trở thành tàn nhẫn. Mà cái tàn nhẫn của đám đông lại rất dễ bị nhầm lẫn với sự đồng tình của người dân về tính nghiêm khắc của pháp luật.

Hai tháng sau vụ ông chủ nhiệm bị chém, hợp tác xã tổ chức Đại hội xã viên, bầu lại Ban quản trị. Ông chủ nhiệm họ Trương vì sức khỏe bị suy yếu sau cú mất mảng da đầu nên hợp tác xã chiếu cố cho ông được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Ban quản trị mới được bầu lên. Ông đội trưởng họ Phùng lên chức chủ nhiệm hợp tác xã. Nhìn lại danh sách Ban quản trị mới không còn họ Trương nào nữa. Ông cựu chủ nhiệm họ Trương ngồi nhà, suốt ngày chửi: “Quân họ Phùng là lũ giết người, lũ ăn cướp, lũ lừa đảo”. Dân làng chẳng ai chấp người bị chấn thương sọ não. Cứ để ông cựu chủ nhiệm chửi đổng cho khuây khỏa. Còn lão Bàng ở trong tù thì vẫn tiếp tục kêu oan. Suy cho cùng, kêu oan cũng là một thứ quyền lợi cuối cùng có ý nghĩa tích cực nhất của phạm nhân. Phạm nhân nào còn kêu oan tức là còn hy vọng, còn niềm tin vào công lý.

Thằng Chích con lão Bàng mới là người khổ nhất. Hắn đã phải chịu đựng sự khinh khi ghẻ lạnh của người làng đối với hộ cá thể. Bây giờ thằng Chích lại phải chịu thêm sự phỉ nhổ của kẻ có cha là một phạm nhân can tội cố sát. Những người trước đây chuyên cày thuê cho ruộng nhà lão Bàng bây giờ cũng lắc đầu ngoảnh mặt. Thằng Chích lủi thủi, mặt cúi gằm vác cuốc ra ruộng thì bị nhóm trai làng chặn lại không cho đi trên bờ ruộng của hợp tác xã. Sợ quá, thằng Chích không dám ra ruộng nữa.

Đói đầu gối phải bò, thằng Chích đành phải lân la ra bến sông xin bốc vác hàng hóa cho mấy con đò dọc. Hàng bốc từ đò lên bến có đủ thứ, từ đồ sành sứ cho đến mắm muối, chăn chiếu, chuối mít, cam bưởi, chè xanh, măng rừng, than củi... Thằng Chích cặm cụi bốc xếp, không bao giờ để cho các chủ đò phải phàn nàn. Tiền công chủ trả bao nhiêu hắn cũng nhận với ánh mắt biết ơn. Vì vậy mà cô con gái xinh đẹp con chủ đò đã đem lòng thương cảm hắn.

Một lần khi trả tiền công, cô gái còn tặng hắn cái khăn len. Thằng Chích đứng trân người. Tai hắn không còn nghe và miệng hắn cũng không nói được lời nào. Hắn dường như đã quên mất sự thân thiện của người đời, nói chi đến những lời chân tình và quà tặng của một cô gái. Cầm cái khăn, hắn đi về nhà như kẻ mộng du. Đêm đó hắn không ngủ được. Bản năng của một thằng con trai lâu nay bị chìm nghỉm trong cuộc sống lầm lũi, cuộc sống mà không mấy khi hắn dùng đến tiếng người bỗng dưng bừng tỉnh. Trong người hắn trỗi dậy nỗi khát khao mãnh liệt. Suốt đêm vuốt ve cái khăn len, hắn cứ ngỡ như đang được mơn man trên mái tóc người con gái. Lâu lắm rồi hắn mới nhận ra có tiếng chim hót líu lo chào buổi sáng trong vườn nhà. Thằng Chích bước ra sân, ngước nhìn đôi chim chào mào đang nhảy nhót chuyền cành. Hắn mỉm cười. Thì ra hắn vẫn còn biết cười. Vẫn còn biết cười tức là hắn đã trở lại làm người.

Sau mấy lần nghe thằng Chích tâm sự, con gái chủ đò nằng nặc xin cha được theo thằng Chích lên bờ. Cũng may là lão chủ đò vốn rất cảm mến tin tưởng thằng Chích và cũng không muốn con gái cứ lênh đênh sông nước nữa nên vui vẻ đồng ý. Một hôn lễ đơn giản đã diễn ra trên con đò dọc. Tuy nhiên, con gái chủ đò lên bờ lấy chồng đã gặp phải bao điều mà nàng chưa bao giờ nghĩ đến. Khi dân làng biết nàng là vợ của thằng Chích, gặp ai nàng cũng bị mỉa mai cạnh khóe.

Người văn vẻ thì nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Kẻ độc miệng lại xổ toẹt ra: “Không phải đồ trôi sông lạc chợ thì cũng là loại gái bỏ chồng theo trai”... Nàng ấm ức chạy về khóc với chồng. Thằng Chích đành kể hết cho vợ nghe nguyên nhân bị dân làng bài xích ghét bỏ. Vợ thằng Chích thủ thỉ:

- Đằng nào thì ruộng nhà mình cũng bỏ hoang. Mà vì cố giữ mấy sào ruộng nên cha phải đi tù, cả nhà ra nông nỗi thế này. Thôi thì cứ vào hợp tác, người ta sống được, mình sống được.

- Mình bàn cũng phải. Tôi không giữ được mảnh ruộng của cha ông nữa, cùng đường rồi. Để ngày mai tôi qua gặp ông chủ nhiệm xem sao.

Việc vào hợp tác xã của vợ chồng nhà thằng Chích được thực hiện vô cùng chóng vánh. Cả hai vợ chồng hắn bỗng dưng trở thành xã viên hợp tác xã. Ngày đầu tiên hai vợ chồng dậy sớm chờ tiếng mõ ra đồng. Thật tội nghiệp! Vợ chồng thằng Chích đâu đã quen với cách thức công việc của đội sản xuất. Bà con xã viên tỏ ra thích thú khi nhìn vợ chồng thằng Chích như nhìn hai sinh vật lạ. Vợ chồng hắn càng lóng ngóng, ngớ ngẩn bà con xã viên càng thỏa mãn sự khinh ghét và được bữa cười no nê. Cũng từ hôm đó vợ chồng thằng Chích rất sợ tiếng mõ, không dám ra đồng với bà con xã viên nữa. Bảng chấm công điểm của nhà thằng Chích trống trơn. Đến đợt chia thóc, hộ thằng Chích chỉ được tính một nhân khẩu vì vợ hắn chưa làm đầy đủ thủ tục theo quy định. Cũng may là do mới mùa đầu vào hợp tác xã nên Ban quản trị đã linh hoạt “điều hòa” cho hộ thằng Chích tổng cộng được hai yến thóc bổi. Vợ chồng hắn nhìn nhau ứa nước mắt.

Điều mà vợ chồng thằng Chích chán nản nhất là vào hợp tác xã bốn sào ruộng nhà đã thành ruộng công rồi, không còn là hộ cá thể nữa nhưng cái hố ngăn cách vẫn còn nguyên. Miệng lưỡi người làng ngày càng cay độc. Mỗi khi người ta dạy con cái cứ lấy chuyện nhà thằng Chích ra mà răn đe. Làm như nhà hắn là tấm gương tày liếp. Tai ác hơn, người làng còn rỉ tai nhau chuyện thằng Chích là con rơi của một gã buôn đò dọc. Lão Bàng chỉ là kẻ nuôi con tu hú. Không hiểu sao một cái làng từ xưa vốn hiền hòa bên dòng sông Ngàn êm đềm vậy mà giờ đây mỗi ngày người ta không xỉa xói được mấy câu là không chịu được. Mọi cố gắng của vợ chồng thằng Chích đều trở nên vô nghĩa. Thằng Chích hiểu ra gia đình hắn đã hết đất sống ở cái làng lắm người nhiều ma này thật rồi. Ngôi nhà lão Bàng đã được một người họ Phùng mua lại. Người làng không còn thấy vợ chồng thằng Chích nữa.

Trong trại tù, lão Bàng là một phạm nhân khác thường. Khác thường vì lão cải tạo tốt nhưng cứ đều đặn gửi đơn kêu oan suốt thời gian thụ án. Đến khi mãn hạn tù thì lão lại năn nỉ xin cán bộ quản giáo cho lão được tiếp tục ở lại. Dĩ nhiên không trại tù nào chấp nhận cái nguyện vọng ngược đời đó. Người ta đưa được lão từ làng vào trại tù thì cũng sẽ đưa được lão từ trại tù về làng. Mà không về làng thì lão biết đâm đầu vào đâu? Lão Bàng luôn có nỗi sợ trở về làng là vào một cái nhà tù truyền kiếp khủng khiếp nhất. Sự khinh miệt, căm ghét là một thứ bạo lực trọn đời dành cho kẻ cá thể can tội cố sát như lão. Ở trong trại tù, người ta luôn mong cho lão sớm được trở về với xóm làng. Còn ở trong làng thì người ta chỉ muốn lão phải biến mất.

Lão Bàng về làng mà trong lòng vẫn nặng trĩu nỗi oan và nỗi lo. Lão không dám gặp ai ngoài lũ trẻ con trên bãi cỏ ven sông. Dòng sông quê trong xanh phẳng lặng, thảm cỏ rộng mở mướt mắt, tiếng cười reo hồn nhiên trong trẻo của trẻ con đã giúp lão phần nào bình tâm trở lại. Có những điều mà lão Bàng chưa hề biết, đó là trong thời gian lão ngồi tù cũng là thời gian đủ dài giúp dân làng nhìn nhận lại bao biến cố đau lòng để hiểu ra được bóng dáng của sự thật. Dù chưa người dân nào nói ra nhưng dường như ai cũng ngậm ngùi và có cảm giác ít nhiều mắc lỗi với cha con nhà lão Bàng.

Một cuộc sửa sai âm thầm diễn ra. Đầu tiên là mấy ông bạn già trong tổ phụ lão rủ nhau ra bãi sông để “tình cờ” gặp lão Bàng. Lão tổ trưởng cười nói rổn rảng:

- Ôi đúng là ông Bàng về đây thật rồi. Mấy ngày qua lũ trẻ cứ về nhà là khoe ríu rít cái ông lão ngoài bãi, thì ra là ông. Mừng quá! Mừng quá các ông ạ!

- Tôi... tôi chào các ông... tôi thì... bây giờ tôi chẳng biết nói sao cả... - Lão Bàng lúng túng nói không nên lời. Lão tổ phó gạt phắt:

- Không phải suy nghĩ gì cả. Chúng tôi đang tìm thêm người thì gặp được ông. May quá! Ngay bây giờ ông về tổ trồng rau với chúng tôi nhé.

- Tôi bây giờ thì làm được cái gì nữa. Ai mà tin...

Lão tổ trưởng nói dứt khoát:

- Không ai tin thì phải làm cho người ta tin chứ. Ông về với chúng tôi, không trồng rau thì làm bảo vệ ăn ở tại chỗ luôn.

Nghe đến đây cái mặt lão Bàng thuỗn ra rồi giật giật dúm dó. Da mặt hết đỏ lại tái nhợt theo từng cơn nấc. Lão khóc mà cứ như bị nghẹn. Đã lâu lắm rồi, giờ lão mới được khóc tự do. Khóc mà không phải nuốt nước mắt vào trong. Lão mặc cho nước mắt chảy ra ngoài. Nước mắt dường như cũng khô kiệt, chỉ đủ lấp đầy mấy nếp nhăn trên má. Dù sao thì lão đã tìm được chỗ nương náu cuối cùng để chờ đến ngày được giải oan.

Thế là lão Bàng trở thành người chuyên trực bảo vệ ban đêm của trại phụ lão trồng rau. Lão Bàng cũng thừa hiểu, để được làm chân bảo vệ đêm không hề dễ dàng. Ban quản trị lúc đầu dứt khoát từ chối bởi vì một phạm nhân can tội cố sát mới ra tù thì không thể làm bảo vệ được. Tuy nhiên, do chưa tìm ra người nên đành phải chấp nhận. Lão Bàng buồn lắm. Biết đến bao giờ lão mới rửa được nỗi oan cố sát? Ban ngày, ngoài phụ giúp mấy việc lặt vặt ra thì lão chỉ có hai việc chính. Đó là làm điếu cày và đi nhặt mảnh vỡ sành sứ. Những ngày cải tạo trong trại, lão học được nghề làm điếu cày. Điếu cày của lão Bàng làm rất đẹp. Trên miệng ống điếu và đầu nõ được khảm đồng vô cùng tinh xảo. Đặc biệt nhất là khi hút, điếu của lão luôn có âm thanh khác biệt với những cái điếu cày thông thường. Tiếng điếu cười sằng sặc, tiếng điếu giống gà gáy hay tiếng điếu tằng tằng như súng tiểu liên đều có cả. Ai đặt hàng kiểu gì lão làm kiểu đó. Nhờ vậy mà lão có thêm chút thu nhập sống đắp đổi qua ngày.

Việc chính thứ hai là lão đi nhặt mảnh vỡ sành sứ. Lão nhặt từ bến sông đến đường làng, bờ bãi. Nơi nào có mảnh vỡ là lão đến nhặt rồi xếp thành đống như cái tổ tò vò ở cuối bãi đất canh tác, nơi quanh năm không mấy ai bước đến. Cái “tổ tò vò” càng lớn dần lên thì bến sông, đường làng ngõ xóm càng sạch sẽ. Trẻ con chạy nhảy nô đùa được an toàn hơn. Tiếng lành đồn xa, bà con trong làng bắt đầu hình thành thói quen, không còn vứt bỏ mảnh vỡ tuỳ tiện như trước nữa. Thậm chí trường học trong xã còn phát động phong trào noi gương lão Bàng, làm sạch đường đường làng ngõ xóm.

Thế rồi sức khỏe của lão Bàng ngày một đuối dần. Lão không còn đi nhặt mảnh vỡ nữa. Mỗi ngày lão chỉ ăn được mấy thìa cháo. Một buổi sáng, những người trong tổ phụ lão nhốn nháo vì không thấy lão Bàng đâu cả. Sau đó cả làng đổ xô đi tìm. Công an xã cũng vào cuộc, tất cả những chỗ nghi ngờ đều được lùng sục tìm kiếm. Một tháng, ba tháng rồi cả năm vẫn không tìm ra bất cứ manh mối nào liên quan đến sự mất tích bí ẩn của lão Bàng.

Hai năm sau, khi cụ tổ trưởng tổ phụ lão, cũng là người bạn già thân thiết của lão Bàng dọn nhà bỗng nhìn thấy cái rương nhỏ bằng tôn trên nóc tủ. Cụ tổ trưởng chợt nhớ ra đó là cái rương của lão Bàng gửi tạm khi mới làm bảo vệ được mấy tháng. Cụ tổ trưởng liền nhắn mấy người trong tổ phụ lão đến cùng mở rương. Cái rương không khóa, chỉ có sợi dây dù buộc hình chữ thập. Trong rương có một cuốn sổ ghi chép, kẹp trong sổ có mấy tấm ảnh cũ. Đặc biệt, có hai cái phong bì dán kín làm bằng giấy nâu của bao đựng xi măng. Một cái phong bì bên ngoài ghi nắn nót: “Xin kính gửi các cụ phụ lão và bà con làng Trung”. Chiếc phong bì còn lại có dòng chữ: “Gửi con trai Đậu Văn Chích”.

Sau mấy phút bàn bạc, các cụ nhất trí mở cái phong bì gửi các cụ và bà con làng Trung. Bức thư mở ra, đúng là nét chữ khá đẹp của lão Bàng. Cụ tổ trưởng run run đọc. “Tôi xin kính thưa các cụ và bà con làng Trung. Ông bà xưa đã dạy “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Đời tôi bị mắc oan tội cố sát. Khi chết đi chẳng lẽ tôi vẫn phải mang tiếng xấu hay sao? Cuộc đời thằng Chích con tôi cũng không thể cứ mang tiếng là con kẻ tội phạm. Tôi đã quyết phải sống để chờ đến ngày được giải oan. Tôi biết sức tôi không đủ để chờ nhưng tôi cũng không thể chết xuống lỗ khi tiếng xấu còn đó. Vì vậy tôi đã chuẩn bị cho mình cái đống mảnh vỡ để khi không còn hơi sức nữa thì sẽ chui vào đó mà chờ cho đến ngày được giải oan. Chừng nào tôi được giải oan thì xin bà con hãy giúp cho tôi hai việc. Thứ nhất là chôn xác tôi ở nghĩa trang của làng. Thứ hai là khi nào thằng Chích về làng xin bà con chuyển giúp tôi lá thư đến tận tay thằng Chích. Còn nếu như mọi người vẫn nghĩ tôi là kẻ cố sát thì xin cứ để tôi tiếp tục nằm chờ trong đống mảnh vỡ”. Cụ tổ trưởng nghẹn ngào nói như khóc: “Ông Bàng ơi ông Bàng! Lâu nay ai cũng biết ông bị oan rồi. Chỉ là chưa ai kịp mở miệng nói ra với ông thôi mà...” Mặt sau lá thư có thêm dòng chữ: “Ai chém vào đầu ông chủ nhiệm thì ông chủ nhiệm biết, mấy người dân quân họ Phùng biết, trời biết đất biết”.

Ngay sau đó mọi thông tin được các cụ báo lên xã. Công an xã cùng với một số dân quân và các cụ phụ lão đến ngay chỗ có đống mảnh vỡ sành sứ. Mặc dù đống mảnh vỡ đã bị dây leo phủ kín nhưng mấy đồng chí công an vẫn tìm ra được một cái cửa nhỏ sát đất đủ cho người chui lọt. Lực lượng dân quân lập tức được huy động bốc dỡ phần trên của đống mảnh vỡ. Chỉ một lúc sau, mọi người đều vô cùng bất ngờ chứng kiến. Thi thể lão Bàng hiện ra như một cái xác ướp. Bộ đồ lão thường mặc vẫn còn nguyên. Dưới chân vẫn là đôi dép lốp. Trên đầu có một lá đồng to cỡ bằng trang giấy. Đồng chí công an xã cầm lên thấy những dòng chữ khắc còn rất rõ nét. Một người đọc to lên: “Đây là xác của Đậu Văn Bàng tuổi Canh Ngọ người làng Trung. Tôi nằm đây để chờ giải oan”. Mọi người bất giác rùng mình bởi lời nguyền từ đống mảnh vỡ. Chao ôi! Một kiếp người trọng danh dự đến mức lạc loài. Lão sống chỉ để chờ giải oan. Lão chết vẫn tiếp tục nằm chờ nỗi oan được giải. Sống hay chết lão vẫn lo con mình phải mang tiếng xấu.

Chiều hôm sau, một đám tang kỳ lạ đã diễn ra. Đám tang mà không có tang gia, không có khăn tang, không có di ảnh, không có kèn trống... Chỉ có đoàn người lặng lẽ di quan từ đống mảnh vỡ. Cụ tổ trưởng dẫn đầu đám tang, người làng Trung nối dài theo sau. Đám tang đi trên thảm cỏ gà xanh mướt dọc bờ sông Ngàn. Những cơn gió heo may cuối mùa làm cho nước sông gờn gợn. Dòng người đưa tang vòng qua ngôi nhà cũ lão Bàng rồi đi thẳng ra nghĩa địa của làng. Trước khi hạ huyệt, cụ tổ trưởng phụ lão đốt thêm bó hương, chắp tay cung kính: “Nam mô a di đà Phật. Kính thưa hương linh cụ Đậu Văn Bàng. Hôm nay dân làng Trung xin được làm theo ý nguyện của cụ, thành tâm đưa cụ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Mọi người đều biết cụ là người lương thiện. Thằng Chích con trai cụ không phải mang tiếng xấu nữa. Xin cụ hãy buông bỏ mọi oan khuất để thanh thản về cõi vĩnh hằng. Nam mô a di đà Phật”.

Dòng người lần lượt cúi đầu bước đi vòng quanh, mấy tiếng sụt sùi xen lẫn với những tiếng thở dài não nề. Vậy là xong một kiếp người. Từng nắm đất tiễn biệt làm đầy lên nấm mồ. Bầu trời bỗng nhuốm vàng dờn dợn. Đám mây vảy rồng giống như vô vàn những cục đá tròn trộc lốc vàng ỏng, chỉ chực rơi xuống. Từng người lặng lẽ ra về, cuối cùng chỉ còn lại cái bóng liêu xiêu của ông cựu chủ nhiệm họ Trương bên nấm mồ lão Bàng.

Văn nghệ, số 49/2023
Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024
Đọc truyện: Những ngày bất thường. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Đọc truyện: Những ngày bất thường. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương