Nhà trọ - truyện ngắn của Nguyễn Thị Châu Giang |
Không khí đặc quánh. Trời phồng rộp lên rồi vỡ ra vài giọt nước bám bụi đen sì chảy chậm chạp trên thành lan can bằng gỗ mốc xỉn. Mọi người đâm bổ ra đường, cố hít vào ngực một thứ khí sền sệt để giảm bớt sự ngột ngạt. Nhưng vô hiệu. Trời vẫn bỏng rộp và cây cối héo rũ.
Ba tôi từ công sở về, mặt mày hốc hác. Ông ngồi dựa lưng vào cánh cửa, đầu gục xuống. Mẹ mon men lại gần, giọng sợ hãi: "Có chuyện gì thế?" "Giảm biên chế." Mẹ ngơ ngác: "Sao bảo chỉ còn vài năm nữa ông nghỉ hưu?" Ba ngẩng lên, thiểu não: “Thế nó mới đến. Thằng Hiền bảo công ty làm ăn thua lỗ vì cơ cấu tổ chức nhân sự. Phải thay đổi - Ba ứa nước mắt - Mình tung hê nó lên. Bây giờ rõ thằng ăn cháo đái bát." Tôi giật mình. Chỉ mới một ngày, mặt ba già sọm. Những nếp nhăn chảy ngoằn ngoèo không phương hướng trên mặt, ba đã già rồi, và đôi khi lầm lẫn nữa. Tôi bảo: "Con thấy ba nghỉ được rồi. Thời buổi này bọn trẻ nhanh chân lẹ mắt lên nắm quyền mới được." "Nhưng tao nhiều kinh nghiệm." Ba nhấm nhẳn. Tôi cười: "Kinh nghiệm nhưng vi tính, tiếng Anh, giao thiệp không có ba cạnh tranh nổi với ai." Ba nổi cáu: "Mày thì biết gì”, những mạch máu chạy trên trán ông căng ra như sắp đứt. Mẹ suỵt khẽ "Thì con nó cũng chỉ muốn ông nghỉ ngơi." "Nghỉ ngơi gì." Ba thở dài - Biết lấy gì sống đây? Đang đi đường bằng tự nhiên bước hụt xuống hố. Bà bảo không đau sao được” và ông nặng nề đứng dậy, bỏ vào nhà.
Chị Nhân bày cơm ra bàn, hỏi khẽ: "Cãi nhau à?" "Không. Ba nghỉ làm rồi." Chị Nhân để nghiêng tô canh, nước trào ra bàn. Tôi cười: "Bình tĩnh. Chứ kiểu này về làm dâu là tiêu rồi." Chị ngỏn nghẻn cười: "Em thấy anh Hiền thế nào?" "Ai? - Tôi trố mắt - Lão Hiền vừa cho ba nghỉ việc đấy." Mặt chị Nhân tái xanh. Hai mắt thất thần nhìn ra ngoài cửa sổ vần vũ mây mà không sao mưa nổi. "Làm sao bây giờ." "Thì cứ yêu đi đã - Tôi nháy mắt - Đợi ba nguội tính sau" và tôi cố sửa lại vẻ mặt nghiêm túc, ảm đạm.
Bữa cơm trôi qua nhạt thếch. Chị Nhân không nuốt nổi cơm, cứ len lét nhìn ba mẹ. Tôi đá chân chị: "Chị Nhân ơi, ăn nhanh đi chơi." Ba ra lệnh: "Mai hai chị em lên gác. Tầng dưới cho thuê bớt mới đủ sống." Tôi nhăn nhó: "Nhưng chật lắm" và hì hụi dắt xe chạy ra đường. Những cơn gió hiếm hoi thổi tốc vào mặt làm tôi quên hết mọi chuyện.
*
Hai chị em chuyển lên gác. Căn phòng bé xíu, ẩm mốc, và ngột ngạt. Phía bên trái có cánh cửa sổ phủ mây và trông sang một mái tôn đầy phân mèo. Buổi tối gió hiu hiu thổi, một thứ mùi lờm lợm bốc lên không sao chịu được. Lâu lắm nó mới được mở ra, sau khi xịt nước hoa đầy phòng.
Nhà dưới ba mẹ ngăn ra làm đôi. Đằng trước vừa làm phòng khách vừa làm phòng ngủ của ông bà và một cái bếp bé tí hin. Phía sau còn hai phòng nhỏ kê một cái giường và một cái bàn cũ kĩ bằng gỗ, một cánh cửa cũng bằng gỗ thông ra con hẻm khác. Tất cả cũng sử dụng chung công trình phụ đặt dưới chân cầu thang. Ban đầu mẹ định lắp máy lạnh cho nước ngoài thuê nhưng tính đi tính lại thế nào mẹ bảo ba để thế cũng hời. Ba ừ hữ, bỏ mặc mọi chuyện cho mẹ. Ba lãnh đạm và lẩn thẩn với tất cả.
Người đầu tiên đến thuê là một phụ nữ còn trẻ dẫn theo hai đưa bé giống nhau như đúc. Cô không đẹp nhưng có duyên. Cái duyên ngầm càng nhìn lâu càng đắm đuối, hợp vai trò của một cô thư kí phải luôn cặp với những ông chủ cỡ bự. Cô xách theo linh tinh đồ đạc, bày đầy góc nhà và nhìn tôi cười: "Cháu xem cô còn trẻ thế này mà bận bịu quá." Tôi lơ láo nhìn lên trần nhà bám muội than đen sì: "Thế chú ấy đâu?" Cô ngẩn ngơ không trả lời. Tôi lí nhí: "Cháu không biết nên mới hỏi", chỉ muốn chui tọt xuống kẽ đất. Vừa may chị Nhân chạy sang dặn: "Ba mẹ đi chơi. Sáu giờ rồi, chị cũng phải đi đây." Hôm nay chị Nhân rất đẹp. Chị diện váy trắng, tóc xõa loăn xoăn kiểu cách trên khuôn mặt buồn dịu. Tôi ghẹo: "Đi chơi với Hiền à? Không sợ ba mẹ biết à." Chị im lặng cắm cúi bước đi. Cô Diệu lắc đầu bảo: "Chị cháu khổ vì tình, lụy vì tình. Đàn bà như thế không sướng được. Nhất là tâm." "Thế còn cháu?" Cô nắm chặt tay tôi, mắt ánh lên những tia ma quái: "Cháu thì khác. Cháu mạnh mẽ hơn chị Nhân nhiều." Cô thở dài "Mà con gái thế nào thì cũng khổ."
Hai đứa bé con đã lăn ra ngủ vùi. Tôi khen: "Hai đứa chắc giống bố." Cô bỏ nốt túi xách vào gầm bàn: "Ừ, mỗi người một nét", giọng lạnh tanh. Tôi đi về nhà thấy nhà vắng vẻ và buồn như nhà trọ không người thuê. Tôi mở cửa. Lại một mùi chua lòm bốc lên hầm hập.
Mẹ đẩy cửa vào, hai bàn tay nổi đầy gân xanh miết chặt vào nhau. Mẹ nhìn tấm ảnh của cô gái treo đầu giường vẻ khó chịu nhưng rút cục không phê phán như mọi hôm mà chỉ hỏi giọng lo lắng: "Con có hay nói chuyện với chị không? Ba con giờ giở tính, mẹ không lo lắng gì cho hai con cả... lại còn chuyện buôn bán." Tôi cười: "Tụi con lớn rồi mẹ à", trong bụng nghĩ thầm, mẹ lúc nào cũng thế, có lo lắng gì đâu ngoài chuyện phiền trách chúng con. "Dạo này chị mày hay về muộn thế." - Mẹ mơ màng - "Hồi xưa đi chơi chín giờ về mẹ đã bị bà ngoại rầy. Bây giờ tự do quá dễ hư." "Cũng còn tùy – Tôi dúi đầu vào ngực mẹ - Mẹ đâu phải là bà ngoại. Mà tụi con là con gái ngoan." Mẹ gật đầu: "Ừ, mẹ mong thế. Con gái xảy chân ra đường bao nhiêu là cạm bẫy." Mẹ xuống nhà. Căn phòng yên trở lại. Chiếc quạt máy chạy lè xè như đuổi ruồi. Một con mèo đi lang thang trên mái tôn kêu gào thảm thiết.
Chị Nhân về, mồ hôi ướt đẫm. Chị bảo "Mệt quá" và đổ vật xuống giường. Mắt mũi khép lờ đờ. Tự nhiên tôi thấy chị giống như một con mèo hoang. Con mèo hoang trắng muốt. Chị hé mắt: "Em ngủ khuya thế?" "Em chờ chị." "Lần sau cứ ngủ trước đi. Chị đi cổng nhà chị Diệu, ba mẹ không biết đâu." "Mẹ vừa ở đây. Mẹ đang lo - Tôi cười - Thế nào nhỉ? Con gái ra đường xảy chân bao nhiêu cạm bẫy. "Chị nghiêm nét mặt vẻ bồn chồn dữ. Rồi quay mặt vào tường "ngủ đi", vẻ đầy bí ẩn. Đôi vai gầy nảy lên một cái. Tôi hỏi: "Có chuyện gì thế?" "Yêu đương. Mày con nít không biết đâu." "Chị lầm rồi. Con nít bây giờ tinh lắm. Chuyện gì cũng giỏi cả." "Vậy à. Chị vật vã. Chữ trinh có đáng ngàn vàng không?" "Có chứ." Tôi quả quyết quay sang đã thấy chị ngủ mất, hơi thở thật bình yên.
*
Bạn trai của cô Diệu rất nhiều. Nhưng tuyệt nhiên không thấy bố của hai đứa bé. Gặng hỏi cô cũng chỉ bảo đang làm ăn xa. Cô với hai đứa bé sống phần nhiều là nhờ vào những người bạn tốt bụng. Nhiều hôm cô đi đến khuya mới về, tôi lại sang trông con cho cô. Hai đứa bé như hai con búp bê nhưng ngớ ngẩn. Chúng không biết nói, biết cười. Cô bảo:
"Cô sống đến giờ là vì hai đứa. Chứ đời cô bầm giập, chẳng còn tương lai." Tôi vuốt mái tóc óng mượt của cô "Sao lại không? Cháu thấy cô như thế này bao nhiêu bạn bè là hạnh phúc." Cô cười lúc lắc mình không nói, mặt bỗng dưng hóp lại như mặt bà già.
Khoảng tháng sau, cô Diệu bàn với mẹ tôi để nhà cho thêm một người khách thuê. Cô ở ngoài, người đó ở trong. Đó là một người đàn ông cứng tuổi - một họa sĩ nghiệp dư. Ông ta đến mang theo các loại khung và giá vẽ, những bức tranh ngoằng nguỵt khó hiểu, bốn chiếc lọ gốm xanh đậy kín nắp và một con mèo mun ăn nhiều nhưng gầy giơ xương.
Tôi dẫn hai đứa bé vào phòng ông, lặng yên xem ông vẽ. Ông hỏi: "Mẹ chúng nó đâu?" "Đi làm rồi ạ." Ông gật gù: "Một người đàn bà rất tốt." "Cháu cũng nghĩ thế." Tôi ru hai đứa ngủ. Ngồi hết giờ này đến giờ khác xem ông phết lên toilet những mảng màu đỏ ối hoặc tăm tối mà sau cùng được chú thích bằng một dòng chữ nhỏ "Ký ức chiến tranh" nghiêng ngả như những bóng người lội dưới bom. Cho đến khi chị Nhân về, mẹ của bọn trẻ về tôi mới lồm cồm bỏ lên lầu.
Chị Nhân vẫn chơi với anh Hiền, dù đôi khi lương tâm cắn rứt, hạnh phúc lung lay khổ sở. Tôi nhắc khéo: "Coi chừng ba mẹ biết." Chị bĩu môi: "Ba mẹ vô tư lắm, không biết đâu." Chị treo áo vào tủ: "Sau này có con chị sẽ quan tâm đến nó, nhưng theo cách khác." "Là sao?" "Là không dạy dỗ suông thế này.” Chị nhún vai bất cần và lơ mơ ngủ mất. Tôi nằm mãi mà không ngủ được. Không hiểu giờ này mẹ con cô Diệu đã ngủ chưa. Ông họa sĩ đáng mến đang làm gì bên bốn chiếc lọ màu ngọc bích đậy kín bưng. Họ đang làm gì khi đêm chậm rãi trôi qua.
*
Cơm dọn ra mà không ai ăn nổi. Hôm nay ba mẹ từ nhà dì về, mặt mày hớt hải. Vừa bước vào nhà ba đã hỏi chị Nhân về chưa. Tôi lăc đầu: "Chị Nhân chiều nay đi ăn cơm với bạn bè." Ông nghiến răng: "Với thằng Hiền phải không?" Tôi hốt hoảng "Con không biết." "Thế mà tao biết. Hai đứa chúng nó đi trước mắt tao tình tứ lắm." Mẹ rụt rè: "Thì khoan đã. Ông cứ nhặng xị cả lên con nó sợ." Ba vò đầu bứt tóc: "Lửa cháy đến nơi mà bà còn bảo khoan. Làm sao tôi khoan được."
Khoảng mười giờ chị Nhân về, hát nho nhỏ từ cổng. Mẹ nhắc khéo "Vui vẻ nhỉ. Sao không đi đến hết đêm đi". Chị ngơ ngác. Tôi thò tay kéo áo chị: "Lộ rồi!" Ba gầm gừ: "Mày bỏ nó đi. Cái thằng đấy không đáng xách dép cho mày. Nó hại cha mày chưa đủ, định để hại cả mày luôn à?" Chị nức nở: "Nhưng anh ấy đàng hoàng, yêu con thật lòng. Chuyện của ba anh ấy bảo vì công ty không cần công việc đó nữa. Mà ba cũng đã già" . "Nó nói láo. Nó bị tao cản trở việc làm ăn phi pháp của nó - Ba xuống giọng - Thôi con ạ, nghe ba còn bao nhiều đám khác". Tôi can: "Ba ơi, chuyện tình yêu khó nói, khó dứt ra lắm." Trong bụng hoang mang không biết có nên bênh chị Nhân không. Anh chị cũng tội nhưng đứng về phía ba có thằng con rể từng hất cẳng mình như thế cũng kì. Mà trong sách báo không có trường hợp nào như vậy cả. Tôi dáo dác. Chị Nhân nhìn tôi biết ơn. Ba hầm hè: "Nhưng tao cấm. Mày đừng có mang voi về giày xéo nhà này". Chị Nhân òa khóc, gào to: "Nhưng con và anh ấy yêu nhau. Ba không có quyền". "Tao có quyền là ba mày". Ba ôm ngực ho sù sụ, mặt tái nhợt. Mẹ hốt hoảng: "Đưa ba vào giường mau". Ba uống mấy viên thuốc an thần, vật vã một lúc mới ngủ được. Tôi nghe mẹ thì thào và giọng chị Nhân nghẹt cứng: "Ba mẹ cứ yên tâm" và tiếng hít mũi đánh roẹt.
Tôi bỏ sang nhà ông họa sĩ, nằm lên chiếc divan bọc nhung đỏ, nước mắt chảy ướt đẫm gối. Ông hỏi: "Sao thế cháu?". "Chuyện tình yêu. Người ta hay khổ vì chuyện tình yêu". Tôi cảm thấy khó thở khi kể mọi chuyện cho ông nghe. Ông khẽ vuốt tóc tôi: "Ngốc quá. Chưa có gì là nghiêm trọng cả cô bé ạ". Tôi nhổm dậy "Thế khi nào mới là nghiêm trọng?". "Khi không còn ai ở bên mình nữa. Lo lắng cho mình nữa". Mặt ông cau lại. Một giọt nước to tướng chạy xuống má ông. Tôi rụt rè: "Chú khóc à?". "Lại đây tôi cho cô xem". Ông chỉ chiếc bình gốm đặt trên cao: "Gia đình của tôi đấy. Họ chết vì bom Mỹ. Từ lâu rồi, một người vợ và ba đứa con. Tôi tưởng tôi không sống nổi nhưng cô thấy dấy, tôi vẫn đang ngồi cạnh cô đây, đang cầm tay cô đây. Cái gì rồi cũng qua hết. Cô Nhân cô ấy vẫn còn hạnh phúc". Ngừng một lát, ông thì thầm: "Tôi yêu họ". "Sao chú không thờ?". "Ở đây - Ông đưa tay lên ngực - Lúc nào cũng ở đây thì cần gì phải thờ". Tôi bối rối "Cháu xin lỗi vì đã nhắc đến chuyện buồn của chú". "Không đã thành sẹo rồi. Mà tôi cũng muốn cô biết. Cô thật đáng mến". Ông đưa tay kéo con mèo gầy lại gần và dịu dàng vuốt cổ nó. Tôi thấy khung cảnh này thật quen thuộc, đáng yêu. Bên cạnh ông tôi thấy mình hạnh phúc và yên lành. Tôi khoan khoái duỗi người, đoán chắc chị Nhân sẽ không bỏ anh Hiền được. Tôi mỉm cười với ông: "Nếu chú cô đơn chú cứ nói chuyện với cháu. Nhé!". Ông gật đầu và cũng cười. Nụ cười làm mặt ông sáng lên rạng rỡ.
*
Vân tới chơi mang theo mưa đầu mùa ướt rượt. Từ ngày vào Đại học, hai đứa ít gặp nhau hẳn. Bạn bè, bài vở. Kỉ niệm cũng ít khi giở ra ngắm nghía.
Chúng tôi leo lên gác. Căn phòng tối mù, thoảng mùi mưa vọng qua ô cửa. Vân hỏi: "Đã yêu chưa?". Tôi ngập ngừng: "Chắc là đã". Vân rú lên: "Người thế nào?" . "Tuyệt lắm". "Già hay trẻ?" "Già"."Làm gì?". "Hưu rồi". "Có giàu không?". "Không. Nếu không nói là rất nghèo". Vân ngạc nhiên "Con điên. Vậy mà cũng yêu". "Thì sao? Tao thấy hợp". Tôi ngồi thần mặt, phân vẫn không biết có hợp thật không. Hay chỉ ảo tưởng. Mà như thế buồn lắm. Bỗng nhiên chỉ muốn chạy xuống căn phòng có cái chụp đèn màu hồng, con mèo mun gầy gò và bên giá vẽ, một người đàn ông ngồi hiền lành. Mái tóc thưa và mỏng ép sát vào da dầu. Hai túi thịt ở mắt kéo xuống làm mặt ông đầy vẻ đau khổ và từng trải. Tôi yêu vẻ từng trải ấy, sự dịu dàng ấy từ những ngón tay thô của ông. Những thứ mà tụi con trai bây giờ không có, chỉ hời hợt và nhạt phèo. Mà ông thì có tất cả. Tôi yêu ông ấy vì tất cả.
Váy áo của chị Nhân ướt sũng, dính vào da thịt. Tôi bảo: "Đi chơi với bồ mà tênh hênh thế kia. Mỗi lần thế chị nên mặc váy đen thì hơn". "Không - Chị rơm rớm nước mắt - Chữ trinh đáng giá ngàn vàng". Tôi sững người, cổ họng đau buốt: "Sao chị vội vàng thế?"
Đêm ấy hai chị em không ngủ. Mưa tạnh từ lâu. Những con mèo lại đi tuần hành trên mái nhà, gọi nhau thảm thiết. Cả hai cùng thức nhưng không thể nói với nhau một tiếng nào. Mắt tôi bỏng rát. Tôi đi xuống nhà. Căn phòng của ông vẫn còn sáng đèn. Tôi đến vừa lúc ông đang nấu mì. Tôi nhìn ông tồi tội. "Để cháu nấu cho". Ông ngượng nghịu : "Tôi vừa lên cơn sốt. Cảm xoàng thôi nhưng mệt". Ông nằm xuống, hơi thở khò khè "Chiến tranh không chấm dứt được”. "Thôi, đừng nghĩ nữa. Chú ngủ một chút đi". Tôi cầm tay ông cho đến khi ông thiếp đi. Một cái gì nhồn nhột sau gáy. Tôi quay lại. Những hình đàn bà và trẻ con lơ đãng nhìn tôi. Nhưng miệng cười và ánh mắt lạnh buốt. Họ đang đến từ quá khứ đầy sẹo của ông và ở căn phòng này vĩnh viễn. Họ muốn tôi đi. Họ không muốn có tôi ở đây. Cái con bé của hiện tại và tương lai nhộn nhịp, bon chen.
Cô Diệu gửi hai đứa con về quê. Cô cũng đi đâu đó. Hai ba ngày mới về một lần. Căn phòng vắng hơn, bụi mờ trên chiếc bàn gỗ cũ kĩ. Tôi cảm thấy đang rơi xuống vực thẳm tình cảm không lối thoát. Tôi tìm cách bỏ ra khỏi nhà vào bất cứ lúc nào để quên ông nhưng không được. Vân đèo tôi lang thang: "Đùng ủ rũ nữa. Đã lỡ yêu thì tiến tới. Nhưng tao thấy mày dở quá. Lão ấy không có gì chấm được". Tôi cau mày "Tao chẳng chấm gì cả". "Nhưng mày học hành tụt dốc rồi" . "Mặc kệ." Một chiếc Dream chạy qua văng bùn tung tóe. Vân chửi "Mẹ kiếp. Vênh thế". Tôi thoảng thấy bóng cô Diệu ngồi đằng sau, đầy tình tứ. Tôi giục: "Chạy mau lên. Người quen". Vân cho xe rà sát chiếc Dream. Tôi gọi: "Cô Diệu". Cô quay lại. Người đàn ông quay lại. Cả hai đều tràn trề hạnh phúc. Tôi há hốc mồm. Anh ta không hề biết tôi. Cái anh chàng chị Nhân yêu đắm đuối. Cái anh chàng Hiền tôi đã dùng đủ mọi lí lẽ để bảo vệ cho tình yêu trong sáng của họ. Anh ta vẫn nhăn nhở cười, vòng tay qua eo lưng cô Diệu siết chặt. Tôi kéo áo Vân: "Quẹo phải". "Sao?" Vân ngơ ngác: "Thằng bồ của chị tao". Tôi cúi gầm mặt, cố không nghe tiếng cô Diệu gọi. "Nó không biết tao". "Sao mày không chửi nó?". Vân hậm hực. "Thôi kệ, mình là người có học". Nước mắt chảy xuống má tôi bỏng rát.
Tôi ngồi trước mặt cô Diệu. Tôi bảo: "Cô ạ, anh Hiền là bạn trai của chị Nhân". Cô Diệu tái mặt, lắp bắp: "Cô không biết. Cô xin lỗi". Tôi khóc. "Cô biết nhưng vẫn thích thế". "Không. Cô gặp anh ấy ở một bar rượu. Anh Hiền có kể về người yêu của anh ấy cho cô nghe. Nhưng cô không biết là Nhân. Cô chỉ là bạn". Tôi nhìn cô căm thù "Cô nói dối". "Không - cô bật khóc - cô đến đó đón khách". Hai bàn tay cô run bắn, giọng lạc hẳn: "Cô đón khách. Và gặp anh Hiền cùng mấy người bạn. Như là những khách qua đường. Còn cô Nhân ăn đời ở kiếp...". Tôi sợ hãi cắt ngang: "Cô làm thế lâu chưa?". "Lâu rồi. Trước khi đến đây giờ thành quen”. Tôi bỏ về. Tôi gặp chị Nhân ở cầu thang, người sực nước hoa. Chị ôm chặt tôi vui vẻ thông báo: "Chị hạnh phúc quá. Hôm nay anh Hiền cầu hôn chị". Tôi lách người ra gắt: "Chị có biết anh Hiền hay đi chơi gái không?". “Anh ấy có xin phép chị - Chị tỏ vẻ ngạc nhiên - công việc làm ăn cần phải thế nhiều lúc cũng buồn nhưng chị hiểu anh ấy chỉ yêu chị". "Thế lại khác". Một cái gì vỡ ra tê buốt ở ngực. Thất vọng và mệt mỏi. Nỗi trống trải giăng kín làm tôi không sao cử động nổi.
Sáng sớm mẹ vào phòng. Mẹ đưa cho tôi một phong bì và bảo: "Của chị Diệu. Chị ấy vừa dọn nhà đi". Bức thư vỏn vẹn vài chữ "Cháu đã biết cô là ai nên cô phải đi. Cô biết cháu sẽ khinh cô lắm. Nhưng cuộc sống không phải là cái bánh để sẵn trên đĩa. Ai đói thì lấy xuống mà ăn. Cháu đừng cho Nhân biết gì hết. Ngàn lần xin lỗi cháu vì cháu là cô bé đáng yêu”. Chị Nhân chồm người qua: "Chị Diệu viết gì thế?". "À, chào hỏi lung tung ấy mà". Tôi xếp tập vở vào cặp, bỗng nhớ da diết hai con bé xinh như hai con búp bê nhưng không biết nói, biết cười. Vẫn ăn uống và lớn lên như thổi.
*
Tôi chậm chạp bước xuống thang, miệng lẩm nhẩm theo nhịp chân bước: "Yêu, không yêu. Nói, không nói...". Bậc cuối cùng không nói. Nhưng tôi đã quyết định tự thoát khỏi mình. Tôi đẩy cửa. Ông đang ở trần, mặc quần đùi giải rút màu trắng nom rất trẻ trung. Trên giá chiếc bình gốm hôm nay được ủ một tấm vải hoa màu xám nhạt. Ông khẽ giật mình: "A, bé". Tôi ngồi xuống chiếc divang. Đã hai ngày con mèo đen gầy guộc bỏ nhà đi mất. Vài hạt cơm khô còn vương vãi chỗ đĩa ăn cùng một bầy kiến lổm nhổm. Tôi kết luận: "Căn phòng thiếu bàn tay phụ nữ". Ông đề nghị lần đầu tiên sau nhiều ngày quen biết: "Cô ngồi mẫu cho tôi nhé". Ông lấy toile đặt lên giá. Tôi im lặng. Một lúc, tôi lí nhí: "Sao chú không lấy vợ? Không ai sống mãi với quá khứ được". Ông nhìn tôi không nói. Tôi nhắc lại cầu khẩn: "Chú lấy vợ đi". Ông cười: "Ai thèm yêu tôi". "Có". Tôi tiến lại gần ông tay chân lạnh buốt. Ngực đánh trống liên hồi. Tôi đưa tay vuốt nhẹ bờ vai vẫn còn săn chắc của ông, cảm nhận cái rùng mình rất khẽ "Có người yêu chú lắm”. Trong đầu thoảng qua một ý nghĩ: "Anh ấy chưa già. Chưa già như mọi người tưởng". Tôi quỳ xuống, úp mặt vào hai bàn tay đầy mùi sơn dầu của ông. Ông nâng tôi dậy ghì chặt vào lòng. Khi nút áo cuối cùng bung ra, ngực tôi đau buốt. Tôi nhắm chặt mắt. Chữ trinh đáng giá nghìn vàng. Mẹ ơi, khi yêu trên đời chẳng còn gì là có lí cả. Mọi giáo huấn của mẹ chui lọt qua tai mất rồi.
Ông chợt lùi phắt lại cái hôn bay lơ lửng trong gió và lọt thỏm xuống sàn nhà. Ông run rẩy: "Em còn trẻ quá. Tôi thì già rồi". "Có sao đâu". "Dư luận. Tương lai. Còn phải học hành và lấy tấm chồng cho ra nhẽ. Còn ba mẹ em nữa". "Em yêu anh". Người nào đó trong tôi thét lên "Dư luận không cho phép" - Ông tuyệt vọng "Em phải giữ cho em". Tôi cắn chặt môi “Anh hèn lắm". Tôi cẩn thận gài lại từng nút áo "Chú hèn lắm". Đầu tôi vỡ tung. Thất vọng và đau đớn. Tôi muốn chết quách đi cùng những ảo tưởng tình yêu xinh đẹp mà tôi dành cho ông. Nhưng sau cùng tôi đã không chết. Tôi lặng lẽ rời khỏi căn phòng có chiếc bình gốm xanh màu ngọc bích và lỉnh kỉnh cái loại mặt đàn bà, trẻ con lạnh buốt. Tôi nghĩ chắc mẹ hài lòng tôi. Một con bé trinh trắng ít đi chơi và về nhà đúng giờ vào bất cứ lúc nào.
*
Mẹ cằn nhằn: "Căn nhà này không hợp hướng. Không cho thuê được. Ai đến rồi cũng đi". Tôi bỏ chạy xuống nhà sau. Cánh cửa mở toang hoác. Đồ đạc dọn đi, chỏng chơ chiếc giường và chiếc bàn gỗ cũ mèm. Một bức tranh lật úp vào tường. Tôi giở ra. Bức tranh vẽ tôi của đêm trước, ngây thơ và đau đớn. Bên dưới để "Em còn trẻ con lắm" , với chữ kí loằng ngoằng như người đang lội bom. Tôi nặng nề mang nó lên lầu, treo ở đầu giường như để thờ phụng mối tình đầu rất đẹp của mình.
Tôi lao vào học để quên. Chiều tới lại cùng vài đứa bạn kéo nhau vào quán cà phê. Tôi thấy nhẹ nhõm và trẻ trung, cái bầu không khí này tôi đã bỏ quên một thời gian rất lâu. Tôi ngắm anh chàng có chiếc răng khểnh non tơ đang ba hoa chích chòe ở góc kia, thấy cũng dễ thương và đáng yêu hơn trước đây tôi nghĩ. Tự nhiên thầm cảm ơn ông. Vì ông đã giữ lại cho tôi những giây phút bình yên và trong sáng thế này.
Hai chị em vẫn ở trên gác. Ba mẹ tiếp tục sống bên lề của hai đứa con. Chị Nhân mất dạng, khuya mới mò về, hạnh phúc chấp chới trên mặt. Ngôi nhà trọ trở thành cái nhà trọ, cho chính mỗi người chủ của nó. Một cái nhà trọ khi mọi mối quan hệ gắn với nhau lỏng lẻo.
Đêm đêm những con mèo lại tuần hành trên mái tôn gọi nhau da diết. Trong đám đó chắc đã có thêm chú mèo mun gầy guộc bỏ nhà đi từ lúc nào đó; lâu lắm rồi. Như những kỉ niệm buồn cũng đã bỏ đi xa…
1996
N.T.C.G
------------
Bài viết cùng chuyên mục: