Từ khi biết thế nào là trời và đất, Điền đã biết đất không chỉ có màu nâu. Nhưng trên hết vẫn là màu nâu. Mọc trên đất là màu xanh của lúa, màu vàng của lúa, sự úa tàn của những gốc rạ trơ trọi dưới bầu trời.
Anh đứng trên bờ con mương nhỏ vắt ngang cánh đồng làng, con mương đã cạn nước vào mùa khô hanh, nheo mắt nhìn về cái làng Đông nhỏ bé. Làng nằm rải ra như cách một người đàn ông nằm duỗi chân duỗi tay trên đất.
Điền có gương mặt lạnh, tóc húi cua. Đôi mắt linh hoạt, đủ che đậy sự nồng ấm. Đôi vai và khuôn ngực nở rộng. Từ chỗ anh đứng đến một cái hố nhỏ giữa thửa ruộng gần con mương chỉ chừng mươi bước chân. Đêm qua, ai đó đã đào sâu xuống để tìm đất sét trắng, và có lẽ đã thất vọng. Cả cánh đồng rộng lổn nhổn, bạc màu. Lúa mới gặt, người ta chưa kịp đánh đi những gốc rạ. Đôi chỗ đất đã được cày bật lên.
Điền chống hai tay nhìn khắp mặt đất.
Từ chỗ này anh có thể nghe thấy âm thanh lẫn lộn của làng buổi sáng sớm.
Cuối làng có một ngôi nhà nhỏ. Lửa bếp đã nhóm.
Người đàn bà đang hì hụi bắc lên bếp nồi cám lợn. Chị đẩy rơm vào bếp, rồi nhìn lửa cười. Khi nồi cám đã sôi lục bục, thơm nức, chị đứng dậy vớ cuốc ra đồng. Từ phía xa vẳng đến tiếng hát của người đàn bà mộng du.
Khúc đồng dao của lửa
Bờ sông đâu lở đâu bồi
Bạt ngàn sao và nắng
Anh có đưa em về
Xin mang giúp em câu hát xưa trời mưa bong bóng..
Chị nhìn xa hút về phía đó, nơi gió và tiếng hát quyện với nhau, hất lên mùi bùn đất và mùi rạ thô. Chị bỗng nhớ mẹ đến xót xa.
Ngày còn nhỏ chị thường theo mẹ đến hội thi hát quan họ. Không ngờ mẹ hát hay và nổi bật nhất trong hội. Khi tiếng trống mở hội vang lên, chị giật tay áo mẹ:
- Mẹ ơi, hai ông kia chuẩn bị múa.
- Không phải múa đâu, họ vật đấy.
- Con không thích đánh nhau.
Mẹ cười giòn tan:
- Đấy là thi đấu để xem ai khoẻ hơn.
Hai người thanh niên quần nhau trên sân vật. Những bắp thịt cuồn cuộn. Tiếng cổ vũ ồn ào và sôi động.
Tiếp đến là đu tiên. Những chàng trai cô gái trông như những công chúa hoàng tử bay vút lên cao, tà áo tung như hứng dải mây. Ở hội thi hát đối, mẹ thật giống nàng hoàng hậu với những khúc Thiết tha, Én bắc nhạn nam... Ban đầu, những đôi hát đối đẩy đưa những câu thật ngọt. Nếu giời chấp thuận thì chúng em xin vâng. Anh Hai biết chợ gần thì đi chợ gần, em không biết chợ gần thì đi chợ xa... Những câu ca cứ thế vút lên khiến những chàng trai cô gái nông dân quên cả thực tại.
Nhưng kí ức vụt chạy qua như cơn lốc xoáy làm tiêu tan những kỉ niệm đẹp. Trước mắt chị là cảnh người cha quật mẹ xuống nền hè vào một đêm trăng. Đầu tóc mẹ tả tơi. Nhưng hình như mẹ không hề oán thán điều gì. Đôi mắt mẹ vẫn ánh lên lấp lánh. Mẹ kín đáo cất thẻ bài giải nhì vào bọc. Chị bất giác muốn gọi thật to: mẹ ơi, bây giờ mẹ ở phương trời nào?
Từ xa, có tiếng xe bò lăn bánh. Sương sớm đã tan, và chị đã có thể nhìn thấy người con trai làng bên hàng ngày vẫn gặp chị. Họ thường đi ngang qua nhau vào buổi sáng sớm. Chẳng ai nói với ai câu nào, nhưng bước chân người đàn bà thường khẽ run lên. Còn người con trai thường giật căng dây cương trong khoảnh khác khiến con bò kéo xe dừng khựng lại, rồi nó lại thong thả đi tiếp cho tới khi sương tan hẳn, cánh đồng hiện lên xù xì thô kệch phía sau lưng Điền.
Nhưng lần này thì Điền dừng hẳn xe và chào:
- Chị Đào!
Đào khẽ nhướn mày. Ánh sáng ban mai hất vào đôi mắt, lấp lánh buồn. Mái tóc dày mượt bỗng lồng lên theo cơn gió bắt chợt nổi lên từ cánh đồng.
- Mạ héo cả rồi!
Chị nhìn anh, ngạc nhiên vì sự chia sẻ.
- Vâng, tôi cũng đang không biết phải tính sao.
Rồi chị đứng tránh hẳn vào vệ đường, mắt nhìn anh mơ hồ, lạnh lạnh:
- Tôi có thừa ít giống mới. Chị lấy mà dùng. Loại này khá lắm.
Rối không đợi chị trả lời hay kịp phản ứng gì, anh nhảy xuống, bê mấy xảo mạ ra khỏi xe bò. Đào lắc đầu:
- Nhưng...
- Chị đừng ngại. Đằng nào tôi cũng đem cho mà. Ruộng nhà tôi cấy đủ rồi.
- Phiền anh quá. Để chúng tôi... chúng tôi gửi lại tiền...
- Không! Đây là mẻ thí nghiệm của tôi. Tôi biếu anh chị đấy. Dù sao anh ấy cũng là chỗ đi lại thân quen với người bên làng. Để tôi gom gọn vào nhé.
Chị không biết nói gì hơn. Hai người bê những xảo mạ đặt trên bờ ruộng nhà chị, xếp gọn một góc. Họ vừa làm, vừa tránh né nhau. Nhưng có một lần chẳng may tay anh đụng vào tay chị. Chị đỏ rực mặt, kín đáo ngoảnh lơ chỗ khác.
Khi chỉ còn mình chị trên đồng, chị cũng chẳng kịp nhớ lại những gì vừa xảy ra. Những ngón chân tõe ra bám chặt xuống mặt ruộng, y như giống lúa. Nhưng hình như có điều gì thật khó tả đang dâng lên trong chị khiến chị thấy yêu mảnh ruộng của mình tha thiết.
Lúc đó người chồng đã tỉnh ngủ, ngồi ngáp trên giường. Anh hỏi đứa con gái đang lúi húi làm cơm dưới bếp:
- Mẹ mày biến đâu rồi?
Đứa con gái tóc đuôi gà, người nhỏ xíu đến sắt lại so với cái tuổi lên mười của nó, nhanh nhảu:
- Mẹ con ra ngoài ruộng ạ.
- Sao không bảo vác chiếu ra ngoài ấy mà ngủ? Suốt ngày lúa với chả lúa. Ăn thua mẹ gì. Tao tính đi tìm sét trắng bán cho mấy lão lò gốm còn ăn hơn. Tao làm thuê nhà tay Điền, tao biết, chỉ có vận may con ạ. Chứ tiền công nhật với thóc lúa ăn thua mẹ gì.
Anh vục dậy khỏi giường, ra sân rửa mặt, rồi ngửa cổ súc miệng sòng sọc, miệng vẫn lầm bầm bảo vợ ngu. Vào quá trưa, Điền đánh xe bò đi giao gạch ở khu bến cảng. Trên bến, tàu thuyền san sát. Tiếng còi hú báo hiệu rời bến ngược sông của một chiếc tàu khách làm con bò kéo xe đứng khựng lại, hoan hỉ.
Gia đình Điền có lò gốm trong làng. Nhưng anh rất yêu lúa và cũng đang muốn lên thành phố học để trở thành kĩ sư nông nghiệp. Giao xong hàng, cầm tấm giấy biên nhận từ một tay phụ trách Cung ứng vật tư ở một Công ty TNHH, Điền hờ hững bước vào một nhà hàng tầm tầm ở phố cảng. Trông anh lúc này giống hệt một tay cao bồi chăn bò vùng Nam Mỹ. Nhưng gương mặt anh đôn hậu hơn bộ quần áo anh mặc. Dù không tẩy hết mùi bò, mùi đất nung than xỉ, mùi bùn và mạ non trên người.
Quán ăn bán đủ thứ, cả cà phê và bia tươi. Trong vườn kê những bộ bàn ghế nhỏ đủ cho từng cặp trai gái ngồi với thế giới riêng họ. Phía gian hàng bên ngoài là khách uống bia, không ồn ào như ở những quán bia hơi tầm tầm khác. Có vẻ khách đều là lớp trung lưu của cái xứ sở đầy bụi và tiếng ồn này.
Điền bỗng nhìn thấy người thầy giáo cũ hồi cấp ba ngồi lặng lẽ ở một góc khuất. Anh đến gần khẽ chào:
- Thưa thầy!
Người thấy ngẩng lên, nheo mắt một lúc rồi cười:
- Anh Điền phải không? Lâu lắm không gặp.
- Thưa, thầy có khoẻ không ạ?
- Anh nhìn tôi thì biết. Anh uống bia nhé.
- Vâng, thầy để em gọi.
Hai thầy trò nâng ly. Ban đầu họ lặng lẽ uống. Sau hơi men ngấm vào người khiến mọi thứ trước mắt Điền đều óng ánh và trong trẻo. Người thầy nói với Điền mà như thủ thỉ cho mình nghe.
- Chiều nào tôi cũng ra ngồi đây để ngẫm nghĩ sự đời. Anh bây giờ là ông hay là thằng?
Điền thoáng nhíu mày:
- Dạ, em vẫn chưa đâu vào đâu. Gia đình neo người quá.
- Thằng nào không làm nên trò trống gì cũng cứ cái giọng điệu như anh. Tôi thấy tiếc cho anh. Ngày trước học giỏi.
Điền trầm ngâm ngắm thầy, biết mình còn chưa học được ở thầy nhiều điều. Người thầy vẫn nhẹ nhàng:
- Ở cái quán này thấy được nhiều điều vô cùng. Anh có hay đọc sách báo không?
- Thỉnh thoảng em cũng mua một vài món. Em đọc được mấy truyện của thầy trên báo. Đầu tiên em không nghĩ đó là thầy vì thầy dạy toán. Nhưng sau thì em nhận ra giọng điệu của thầy.
- Anh đọc những cái truyện vớ vẩn ấy, có thấy ích lợi gì không?
- Em luôn nghĩ phải đi học lên bằng được. Mỗi lần đọc được những gì hay, em lại thấy mình thật vô dụng. Em nhất định phải học thôi thầy ạ!
- Nghĩ như thế là còn muộn chán rồi đấy. Nhưng cũng còn kịp. Anh có vợ chua?
- Dạ chưa!
- Còn may... Còn may…
- Thầy bảo sao ạ?
- Tôi gặp anh thế này rất vui. Hôm qua là vợ tôi làm cho tôi một trận. Bà ấy bảo tôi toàn viết vớ viết vẩn. Tôi không bao giờ sợ những lời nói đó của đàn bà. Nhưng tự nghĩ có lẽ mình cũng chưa viết được gì thật. Gặp anh tôi lại càng thấy đúng như thế.
- Em...
Người thầy đứng lên:
- Thôi tôi về. Tôi vừa nghĩ ra một cốt truyện khá hay, phải về viết thôi. Anh đi học đi nhé. Định làm gì là phải làm bằng được, vì chúng ta chỉ có mỗi một cuộc đời thôi.
Thầy đi rồi, Điền ngồi lặng lẽ một mình với ly bia. Từ trong một hành lang mờ tối của góc quán, một cô gái chạy vụt ra, ngơ ngác, xộc xệch. Rồi cô lao nhanh ra đường phố như một con mèo hoang. Trong quán có sự xáo trộn một loáng, rồi lại lặng lẽ như cũ.
Anh như chợt nhìn thấy hình ảnh lầm lũi của người đàn bà mà anh gặp mỗi buổi sáng sớm trên đồng. Đôi mắt anh sẫm lại.
Trong thời khắc tranh tối tranh sáng, Đào sững người trước cái chuồng bò rỗng không. Chị ôm đầu:
- Trời ơi, con Nâu...
Có tiếng người chồng khật khừng từ cổng vào vì thua bạc
- Cô rên cái gì. Đổi đời rồi, cô không thích à? Chỉ cần một vài mẻ đất sét trắng là tôi sẽ chuộc được con Nâu cho cô. Cô chớ có hở ra đấy, nghe chưa?
Ngoài ngõ, thằng Tư bạn cùng lớp với con gái của họ núp sau một bụi cây, ngó vào. Nó buồn rầu nhìn cái chuồng bồ rỗng không như sẻ chia. Mặt trời bừng lên. Tiếng những chú chim liếu điếu ríu ran chào ngày mới. Rồi như không chịu lép vế với những chú chim nhỏ xinh, vô tư, thằng Tư vung tay quất ngọn roi vào không khí.
Đào bước lầm lũi. Chiếc cuốc trên vai nặng trĩu. Chị nhớ đến con Nâu. Không biết người ta đã đưa nó đi đâu rồi? Nó sắp sinh ra một con bé. Và có lẽ số phận của mẹ con con Nâu là vào lò mổ. Chị biết dù có giận chồng đến mấy thì sự việc cũng đã rồi.
Ngang qua đầm Súng, chị nhìn thấy Điền đang bò ẹp bên mép đầm, bên cạnh là chiếc xuồng nhỏ... Mặt đầm đầy hoa súng, hoa bèo tây óng ánh hồng trong hơi sương.
- Đào...!
Tiếng người con trai tan trong sương sớm. Chị ngập ngừng đứng lại, chống cuốc xuống vệ cỏ.
- Sao anh ấy không ra ruộng? Lúc nào tôi cũng thấy chị một mình?
- Tôi quen rồi. Anh đang làm gì vậy?
- À, chị có vội không? Giúp tôi một tay!
Chị đến gần chiếc xuồng.
- Anh làm gì vậy?
- Đào chống xuồng ra đầm giúp tôi nhé.
- Tôi chèo không được thạo lắm đâu.
- Không sao! Chỉ cần giữ thăng bằng để tôi đo lại độ sâu của đầm. Tôi đang định nhận khoán mặt đầm này. Măt ruộng bên cạnh tôi cũng tính xin nhận khoán.
- Nhưng chỗ này là bãi ruộng làng để...
- Để làm chỗ cho người chết chứ gì? Thì bây giờ còn rộng mà.
Anh cười tươi. Chị quệt mồ hôi, dù hình như chẳng có giọt nào. Chị chống xuồng. Chiếc xuồng xoay xoay rồi tiến ra giữa đầm. Những bông hoa dạt sang hai bên. Anh dừng sợi thừng buộc hòn đá thả xuống đáy đầm ở một vài chỗ. Chị thấy sốt ruột:
- Đã xong chưa?
- Ừ, xong. Chờ tôi đã.
Anh thò tay hái một bông hoa súng rồi đưa cho chị.
- Chị Đào có biết hoa súng còn có tên gọi là gì không?
- Tôi chịu thôi.
- Là hoa tiên tử. Một nàng tiên bị chết trong bùn.
- Vì sao vậy?
- Tôi không nhớ nữa. Nhưng ngày xưa mẹ tôi kể thế. Giá bà còn sống tôi sẽ hỏi lại vì sao cho Đào...
Anh mỉm nụ cười mơ hồ. Chị nhảy lên bờ làm xuồng chòng chành suýt hất anh xuống nước. Nước bắn tung làm ướt áo, ướt tóc anh. Chị chào:
- Tôi về đây!
- Để tôi đưa về cho nhanh.
- Không! Họ cười chết. Chồng tôi...
Chị vớ cuốc quầy quả đi. Bông hoa súng trên mái tóc chị rơi xuống mặt đường, như một nàng tiên bị hắt hủi, lạc lõng giữa đám cỏ gan gà cứng ngắc.
Lúc đó tôi đi ngang qua cánh đồng. Tôi về nông thôn ngàn đời xa lạ với cuộc sống của mình để đi tìm một người. Khi anh chia tay với tôi rồi, tôi mới nhớ ra mình chưa hỏi quê anh ở đâu. Và thế là tôi đi ngang qua đó. Tôi nhìn thấy bông hoa tiên tử màu tím hồng đang héo dần dưới ban mai. Tôi nhìn thấy người đàn bà trẻ khi chị cắm đầu bước trên đường đồng. Chị đẹp đôn hậu, không rực rỡ, hơi thô kệch và không xáo trộn. Tôi nhìn thấy người con trai khi anh ngồi thừ trên bờ đầm.
Tôi cũng nhìn thấy những gốc rạ và những mảnh ruộng cấy sớm, mạ đang bén rễ. Lúc đó tôi nghĩ rằng họ giống như lửa và đất, bám sâu và chở che.
Và những tình cảm thoảng qua, chân chất ấy sẽ giúp họ luôn đứng vững trên mảnh đất lầy bùn của mình.
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |