Năm nay đánh dấu lần xuất hiện ít nhất của các nhà văn Anh trong lịch sử giải Booker, khi chỉ duy nhất cuốn tiểu thuyết Western Lane của Chetna Maroo lọt vào danh sách rút gọn.
6 tác phẩm vào danh sách rút gọn.
Ngoài tác phẩm nói trên, thì 4 trong 6 vị trí trong danh sách này cũng thuộc về các nhà văn nam. Chúng gồm Prophet Song (tạm dịch: Khúc tiên tri) của Paul Lynch, The Bee Sting (tạm dịch: Vết ong chích) của Paul Murray, This Other Eden (tạm dịch: Một địa đàng khác) của Paul Harding, và If I Survive You (tạm dịch: Nếu chúng ta tồn tại) của Jonathan Escoffery.
Nữ tác giả người Canada - Sarah Bernstein hoàn chỉnh danh sách với cuốn tiểu thuyết Study for Obedience (tạm dịch: Nghiên cứu về sự vâng lời). Không ai trong số 6 tác giả từng lọt vào danh sách rút gọn trước đó.
Theo hội đồng giám khảo, Western Lane của Maroo là cuốn tiểu thuyết “đầy mê hoặc nói về sự im lặng có thể ảnh hưởng thế nào đến một gia đình sau những đau buồn”. Cuốn sách này cũng có dung lượng ngắn nhất trong 6 đề cử, khi chỉ dày 161 trang.
The Bee Sting của nhà văn người Ireland - Paul Murray thì lại là một tác phẩm tràn đầy bi kịch, khi kể về một gia đình Ireland đang gặp khủng hoảng và cũng đồng thời là cuốn tiểu thuyết dài nhất năm nay. Chủ tịch hội đồng giám khảo – nữ tiểu thuyết gia Esi Edugyan cho biết, cuốn tiểu thuyết thứ 4 của Murray “hài hước nhưng cũng buồn bã và đầy chân thực”. Ở tác phẩm này, các nhân vật đã phải trải qua “vô số sai sót cũng như sai lầm không thể nào quên”.
Các giám khảo cho biết The Prophet Song cũng từ nhà văn người Ireland - Paul Lynch, là một tác phẩm “hấp dẫn, không khoan nhượng và cảm động khủng khiếp”, từ đó cảnh báo về “sự bấp bênh của nền dân chủ”. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở Dublin, là một câu chuyện đen tối về Ireland dưới chính phủ độc tài hư cấu.
Trong khi đó Study for Obedience của Bernstein kể về một phụ nữ trẻ đi đến một đất nước xa xôi ở phía bắc để làm quản gia cho anh trai mình. Các giám khảo cho rằng cuốn sách là “sự suy ngẫm đầy xung năng về sinh tồn và là một lời phê bình về sự tàn ác của người ngoài cuộc”. Edugyan nói: “Nó có sức hấp dẫn kì lạ khi mang cảm giác vừa giống với một tác phẩm lịch sử với bối cảnh đồng quê, những điều mê tín nhỏ nhặt và những dân làng hoài nghi; nhưng cũng là thứ gì đó có tương đối hiện đại”.
Harding, tác giả người Mĩ, người đoạt giải Pulitzer hạng mục tiểu thuyết năm 2010 với cuốn Tinkers là nhân vật nổi bất nhất năm nay. Cuốn tiểu thuyết lọt vào danh sách rút gọn This Other Eden của ông được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Maine, nơi đã trở thành một trong những cộng đồng hòa nhập chủng tộc đầu tiên ở phía đông bắc nước Mĩ. Ban giám khảo cho biết thật hiếm khi “gặp được một tác phẩm hư cấu lịch sử vừa trữ tình lại vừa đồng cảm đến vậy”.
Ban giám khảo năm nay.
Chủ tịch ban giám khảo cho rằng đây là “hành trình đưa chúng ta đến chế độ thuộc địa khắc nghiệt của Đảo Apple, nơi định cư của những nô lệ châu Phi, người nhập cư Ireland và cư dân bản địa. Tuy nhiên sự xuất hiện của một nhà truyền giáo đã kéo theo những cảnh huống không mong muốn, từ đó dẫn đến kết cục thảm khốc. Chúng tôi bị hấp dẫn bởi bản giao hưởng làm bằng ngôn ngữ vô cùng tinh tế của Harding.”
If I Survive You ngược lại là cuốn sách đầu tay của Escoffery, và cũng đồng thời là nhà văn Mĩ thứ hai trong đề cử năm nay. Tác phẩm tập hợp 8 câu chuyện nhỏ có sự liên kết về một gia đình người Jamaica đang phải chống chọi với nạn phân biệt chủng tộc và cuộc khủng hoảng tài chính ở Miami. Ban giám khảo cho biết: “Tất cả hiện thực đều được tái hiện ở đây với những chi tiết chân thực: sự mong manh trong việc tồn tại, giấc mơ Mĩ và con đường sinh tồn đầy bất trắc”.
6 tác giả lọt vào vòng chung kết được chọn từ 13 đầu sách lọt vào danh sách dài, từ tổng số 163 cuốn sách được xuất bản từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/09/2023. Tất cả tác giả lọt vào danh sách rút gọn sẽ đều nhận được tiền thưởng trị giá 2.500 bảng Anh.
Bình luận về việc có nhiều nam giới xuất hiện trong danh sách hơn những năm gần đây, Chủ tịch ban giám khảo Edugyan nói rằng “chính sức mạnh và chất lượng tác phẩm đã đưa những nhà văn này vào danh sách rút gọn”. Một giám khảo khác, nam diễn viên Robert Webb, thì nói đùa rằng “chúng tôi tập trung vào việc đánh giá hơn là quan tâm liệu họ có được gọi là Paul hay không”.
Edugyan cho biết cuộc thảo luận để quyết định danh sách rút gọn kéo dài từ 4 đến 4 tiếng rưỡi đồng hồ, và các cuộc tranh luận “thường rất lôi cuốn, đôi khi thân mật nhưng cũng có khi lên đến gay gắt”. Webb nói rằng rất khó để từ bỏ một số cuốn sách, đặc biệt là trong trường hợp của Sebastian Barry, người được đưa vào danh sách dài lần thứ 5 cho cuốn tiểu thuyết Old God's Time. “Tôi rất tiếc nuối vì một số cuốn sách đã không được chọn, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm theo ý thích. Nhưng các cuộc tranh luận phần lớn đều rất vui vẻ,” ông nói.
Trong ban giám khảo năm nay còn có giáo sư văn học James Shapiro, diễn viên Adjoa Andoh và nhà thơ Mary Jean Chan. Andoh nói rằng cô thấy được sự đa dạng trong danh sách rút gọn. “Sự đa dạng văn chương đó nói lên sự phong phú trong con người chúng ta, cũng như hoàn cảnh mà rất nhiều người trong số chúng ta thường sẽ gặp phải,” cô nói.
Shapiro nói: “Một số tiểu thuyết xuất sắc có xu hướng phản ánh hiện thực nghiệt ngã mà tôi cảm thấy là nơi chúng ta đang sống. Chúng tôi tìm đến những nhà văn sáng tạo để nhìn sâu hơn nữa vào những cuộc khủng hoảng đang phải đối mặt.”
Edugyan cũng nói nhiều hơn về vai trò của mình. Rằng “được yêu cầu làm giám khảo cho giải Booker là một vinh dự to lớn. Từng lọt vào danh sách rút gọn trước đây, nên tôi hiểu tác động của nó, đặc biệt trong khả năng làm nên tên tuổi cho các tác giả đến từ những nơi xa xôi, từ đó kết nối độc giả với các tác phẩm của họ. Đây là một nỗ lực mà bản thân tôi không hề xem nhẹ.”
Cô cũng đưa ra góc nhìn bao quát về tình hình năm nay “Danh sách rút gọn bao gồm những tác phẩm đưa chúng ta không chỉ ra ngoài thực tế mà còn vượt khỏi ngôn ngữ chung hàng ngày. Những cuốn sách này từ chối việc thực hành văn chương một cách dễ dàng. Ở đây có nỗi kinh hoàng, cũng như có những niềm vui, nỗi buồn và sự an ủi. Những tác giả này cùng nhau đã để lại cho chúng ta một bức chân dung đa tầng về ý nghĩa của việc tồn tại trong thời đại ngày nay. Mỗi một tác phẩm đều tuyệt hảo và toàn diện theo phong cách riêng của nó, và cho chúng ta thấy rằng dù cho kết quả có như thế nào, thì việc tồn tại của con người luôn là một cuộc hành trình kiên cường.”
Người chiến thắng giải thưởng sẽ được công bố vào ngày 26 tháng 11. Người chiến thắng năm ngoái là The Seven Moons of Maali Almeida (tạm dịch: Bảy mặt trăng của Maali Almeida) từ nhà văn người Sri Lanka Shehan Karunatilaka.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ LitHub
Nguồn VNQĐ