Trước khi được gặp và ngày ngày làm việc cùng ông ở Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã nhiều lần nghe nói về ông, trong đó có ba lần để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Lần thứ nhất vào cuối năm 1991, khi ấy tình Hòa Bình mới được tái lập, tôi quay về Hòa Bình phụ trách phần Sáng tác - Xuất bản của ngành Văn hóa - Thông tin và chuẩn vị thành lập Hội Văn nghệ. Một buổi tối, bật ti vi thấy tên ông là tác giả kịch bản hiện trên màn hình, người bạn ngồi xem cùng tôi reo lên: “ A... Đào Quang Thép kìa ! Chà chà, ông bạn khá quá nhỉ !” Cùng với tiếng reo, gương mặt bạn tôi bừng sáng rạng rỡ nhuốm vẻ hãnh diện, sau đó anh khoe với tôi mối quan hệ giữa anh và “ông bạn” anh vừa thốt gọi. Thì ra, hai vị biết nhau, chơi với nhau khá lâu rồi. Từ những năm 60 (thế kỷ 20). Cùng là lính Công an vũ trang. Cùng dân ham viết, nuôi ước mơ thành người cầm bút theo đòi sự nghiệp báo chí, văn chương. Cùng được gọi về Trại bồi dưỡng những người viết trẻ do Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Tư lệnh Công an vũ trang tổ chức năm 1967. Mấy thứ “cùng” đã gắn kết hai người thành đôi bạn viết trẻ mặc cùng sắc phục từ đó. “Lão chuyển ngành trước tôi. Chuyển ngành nhưng lão vẫn theo nghiệp cầm bút, không như tôi. Nghe nói đầu tiên lão chuyển sang làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, vì trước khi về đài, với tư cách người của Công an vũ trang, lão tham gia sáng lập chương trình phát thanh “Lũy thép biên phòng”. Sau, lão chuyển sang Đài Truyền hình. Ở đấy đâu được hơn chục năm, lão nhảy về Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, rồi sau làm lãnh đạo Đài. Nhảy được thế, phải nói là giỏi. Cũng phải thôi, lão làm báo mả lắm, làm thơ viết văn cũng khá. Năng khiếu của lão bộc lộ ngay khi về dự Trại bồi dưỡng viết văn trẻ năm 1967
|
Hai năm sau cái đêm “Văn kỳ thanh...” do xem truyền hình thấy tên ông trên màn ảnh nhỏ ấy, tôi chuyển công tác về Hà Nội, và tình cờ được nghe chuyện về ông thêm hai lần nữa do chính anh trai ông kể.
Đào Quang Thép nhập ngũ năm 1963. Lính thôi, nhưng có văn hóa cao nên được bố trí dạy bổ túc cho các sĩ quan từ chuẩn úy trở lên của đơn vị. Năm 1964 bọn Mỹ gây chiến tranh phá hoại, dùng máy bay, tàu chiến đánh phá miền Bắc. Hải Phòng là một trọng điểm, trận đầu tiên chúng đánh vào Sở dầu. Trực tiếp tham gia chiến đấu, sau đó được giao mang di vật của một liệt sĩ về cho gia đình anh ta ở huyện Vĩnh Bảo, những điều tai nghe mắt thấy đã giúp ông viết được bút ký “Trận địa đầu cầu”. Bút ký đầu tay được gửi cho Ban biên tập tạp chí “Cửa biển” của Hội Văn nghệ Hải Phòng, được nhà thơ Nguyễn Viết Lãm khen và duyệt in ngay. Cái bút ký như chứng chỉ đầu tiên về năng khiếu cầm bút để các thủ trưởng đưa ông về Bộ Tư lệnh, được kiểm chứng qua đợt tuyên truyền rầm rộ sau chiến dịch đánh phá ác liệt mang tên “Biển lửa” của Mỹ vào Hải Phòng bị trả giá đắt bởi những máy bay bị bắn cháy và tên giặc lái bị bắt ở đảo Cát Hải, ông trực tiếp tham gia. Năng khiếu càng được khẳng định sau thời gian được gọi dự Trại viết trẻ, Đào Quang Thép thực hiện những chuyến đi dài viết về các miền biên viễn giáp giới Trung Quốc và Lào. Sau những chuyến đi, Đào Quang Thép đã viết rất nhiều. Nổi nhất là truyện “Mưa nắng Phìa On” viết về Anh hùng Công an vũ trang Quàng Văn Liến người dân tộc Xá. Quá mê chuyện về chàng Anh hùng này, về sau, ông viết thêm một truyện thơ lấy tên “Ở vùng gió lửa” nữa, đưa in ở Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc...
Ít lâu sau cuộc trò chuyện, trong một lần ăn trưa với Nhà văn Trần Dũng, thấy ông “a lô” một hồi vào cái điện thoại cầm tay, rồi ông xuýt xoa: Mình cảm ơn bác Đào Quang Thép, nhờ bác ấy cho quân vác máy quay tại trận, vụ cãi cọ về việc sửa nhà ở của các gia đình trú trong chung cư 16 Hàng Bún mới yên. Phải nói sức mạnh của Truyền hình ghê thật, anh gian nào cũng ngại bị bêu mặt lên màn ảnh nhỏ. Nhưng cái chính là mình rất quý tấm lòng của bác Thép với bạn bè. Khi bạn có việc cần giúp, bác ấy có ngay, không nề hà...
Thêm một lý do tôi rất muốn diện kiến để thật hiểu về Đào tiên sinh.
Và dịp ấy đã đến: chính ông cùng Nhà văn Hà Phạm Phú nhiệt thành đón tôi về làm việc tại Hãng phim Hội Nhà văn ngay sau khi tôi chính thức nghỉ hưu tại tạp chí Văn nghệ công nhân, đúng dịp hai ông đang bấn việc: ông Phú chỉ huy việc quay phần cuối bộ phim truyện nhựa “Hà Nội - Hà Nội”, còn ông Đào Quang Thép lo hoàn chỉnh kịch bản và làm đồng Đạo diễn bộ phim “Tiền Cụ Hồ”...
* * *
Nhanh thế, mới đó đã hơn chín năm trôi qua kể từ buổi tôi về Hãng phim.Trong chín năm ấy, có đến quá nửa số tháng, năm tôi làm việc gần gũi bên nhà văn họ Đào, chỉ mấy năm nay tôi và ông mới không ngày ngày gặp nhau. Hãng phim ít việc, ông lo giúp hai em trai làm báo, tôi được mời làm xuất bản, rồi ông bị cái bệnh tiểu đường chết tiệt nó biến chứng lung tung lang tang, bắt ông mất nhiều thì giờ ra vào các bệnh viện, là những lý do khiến tôi và ông - hai anh bạn đồng tuổi Quý Mùi ít được gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng “a lô” cho nhau, khi cần.
Bữa nay ngoại lệ: dù đang phải thẩm định gấp một bản thảo tiểu thuyết, tôi vẫn xếp đấy, tìm đường đến nhà ông. Có sự ngoại lệ vì có sự vui: đến mừng ông vừa in thêm hai đầu sách mới: tập truyện ngắn “Hai nửa trái tim” và truyện dài “Thằng Bờm lên mạng”. Chịu ông bạn già, sức khỏe thế mà cứ viết, cứ in đều đều. Tám năm, bốn đầu sách, cuốn nào cũng dày bịch: Dị hình (tiểu thuyết), Bỏ làng ra phố (truyện dài), Thằng Bờm lên mạng (truyện dài 3 tập), và tập truyện ngắn Hai nửa trái tim vừa mới phát hành khiến tôi và Nhà văn Trần Dũng không thể không đến tận nhà ông để chúc mừng. Biết tôi có kinh nghiệm làm xuất bản, trừ Hai nửa trái tim, ba đầu sách còn lại tôi đều được ông cho đọc từ dạng bản thảo, và trực tiếp biên tập, đưa in Dị hình và Thằng Bờm lên mạng. Dị hình là tiểu thuyết thứ tư của Đào Quang Thép sau khi ông cho ra mắt bạn đọc Kẻ đi ở, Khát chữ, Xóm chiều. Điều đáng nói là hai trong ba cuốn tiểu thuyết đó được trao giải cao. Kẻ đi ở được trao giải Nhì thể loại tiểu thuyết do Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng (tác phẩm xuất sắc dòng Văn học Công nhân giai đoạn 1996 - 2006). Khát chữ lĩnh giải B của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật toàn quốc năm 2000 (không có giải A). Đọc kỹ mấy tiểu thuyết của Đào Quang Thép, thấy Dị hình là sự tiếp nối mạch tiểu thuyết đã có dấu ấn đặc trưng thể hiện ở Kẻ đi ở và Khát chữ. Đó là những tiểu thuyết viết chuyện một người và chuyện một thời. Là bút pháp lấy kể chuyện làm rường cột. Dấu ấn nội dung và bút pháp này đặc biệt nổi trội ở tiểu thuyết Dị hình. Chuyện xoay quanh một nhân vật trung tâm có tên là Vũ Văn Cáy, một gã con hoang đầy dị tật, do láu cá, lưu manh mà tồn tại qua thời chống Pháp, chống Mỹ và vẫn có chỗ đứng đàng hoàng cả ở thời Đổi mới. Người đọc giật mình khi càng lúc càng thấy Cáy sống dai, sống ung dung được không chỉ do tố chất láu cá bẩm sinh của gã, mà còn do sự tiếp tay, o bế của cơ chế Tổ chức và của những kẻ có chức có quyền nhưng thoái hóa biến chất. Và như vậy, chuyện Vũ Văn Cáy không chỉ khuôn khoanh trong cuộc đời gã nữa mà thành chuyện thời đại, là hồi chuông cảnh báo Thế sự rồi. Hồi Dị hình mới ra mắt bạn đọc, tôi đã viết bài nói cảm nhận này của tôi về cuốn sách ấy. Cuối bài viết, tôi có vài lời bàn cùng tác giả. Lấy kể chuyện làm nền tảng cho bút pháp cũng được, nhưng tiểu thuyết là truyện dài hơi, nhiều trang chữ lắm, chỉ kể chuyện thì xem chừng không ổn. Cần có dựng, có tả nữa. Cho người đọc được đổi món ăn. Ăn mãi một thứ, dù nem công chả phượng, sẽ đến lúc bị ngán, không ăn tiếp được, Đào tiên sinh ạ…
Cùng tiếp Nhà văn Trần Dũng và tôi bữa ấy trong căn hộ hiện đại trên tầng thứ 19, tòa nhà CT3, Đơn nguyên 2, khu đô thị Văn Khê, bên Nhà văn Đào Quang Thép có chú em trai Đào Quang Vang. Tôi gặp Vang từ mười năm trước, khi chú vừa được anh Thép kéo từ bộ đội về ở tạm trong căn nhà anh chị, ngày ngày xách máy đi quay những phóng sự theo lịch sắp xếp của Đài để có sản phẩm phát hình, vừa rèn tay nghề vừa có thu nhập. Sau đó, Vang sang Thời báo kinh tế, chẳng bao lâu thành phóng viên có tay nghề vững, và khi ba anh em họ Đào lập tổ hợp truyền thông Hợp Phát thầu một lúc mấy tờ báo và tạp chí, Vang đã thành người quản lý đội ngũ phóng viên của tổ hợp. Nhớ những gì tôi hình dung về con đường đời dằng dặc nửa thế kỷ nhà văn đã đi qua, trong một lần tôi nghe ông tâm sự mới đây. Con đường ấy bắt đầu từ năm 1963, khi ông rời nhà vào thành phố Cảng, vận quân phục Công an vũ trang, lòng nao nức đứng trên bục giảng. Rồi ông hăm hở cùng đồng đội bắn máy bay Mỹ, sau đó lại hăm hở thử sức trên những trang viết. Tôi cố mường tượng gương mặt cây bút trẻ Đào Quang Thép khi được gọi về Trại bồi dưỡng của Hội Nhà văn - một mơ ước tôi không đạt được, bởi lúc đó tôi đang phải làm nhiệm vụ của một chiến sĩ Thanh niên xung phong khuất lấp trong rừng núi Hòa Bình theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đào Quang Thép kể rằng, sau Trại bồi dưỡng, với nhiệm vụ của một phóng viên, ông đi dọc miền biên giới phía Bắc, từ Móng Cái, Bình Liêu qua Bình Lập và các đồn biên phòng thuộc Lạng Sơn, Cao Bằng. Rồi ông tới Leng Xu Xìn - nơi ngã ba biên giới Việt Nam – Lào - Trung Quốc thuộc tỉnh Lai Châu. Từ Lai Châu, ông lặn lội lên Điện Biên Phủ, đến ngủ cùng chiến sĩ đồn biên phòng Mường Lói, sau đó tới Mường Nhà. Bước chân cây bút trẻ mặc áo lính còn qua biên giới sang đất Lu ăng Pra băng bên nước bạn Lào. Và, khi đã về Bộ Tư lệnh ở Thủ đô, với tư cách phóng viên chiến tranh, ông đi khắp khu Bốn khói lửa, từ dọc dài biên giới phía Tây đến mặt trận Quảng Trị và Nam Lào… Ôi chao, bao nhiêu đường núi, biết mấy nắng mưa, đến cái ngày đầu tháng 6 năm 1967 bước chân bạn văn đồng niên của tôi mới được dạo phố phường Hà Nội, hành trang cầm bút đã có vài cái ký, mấy bài thơ đăng báo cùng cuốn truyện “Mưa nắng Phìa On” làm vốn liếng, làm điểm tựa cho ông bứt lên trong nghề báo, nghiệp văn, để hôm nay có cái danh mục với 8 đầu sách truyện dài, tiểu thuyết và cũng từng ấy đầu sách truyện ngắn, truyện ký, truyện thơ; lại có thêm danh mục phim, danh mục giải thưởng in kín một bìa sách mang tên Nhà văn - Nhà báo Đào Quang Thép, một danh mục đáng nể, không nhiều người cầm bút làm được!
Nghe tôi nói điều này, Nhà văn họ Đào nở nụ cười, nhưng rồi ông bâng khuâng nhìn ra bầu trời qua hành lang dài rộng nhà ông: “Còn nhiều cái muốn viết lắm, bực nỗi mắt tôi…” Câu nói bỏ lửng đầy tiếc nuối khiến người nghe nao lòng.
Văn nghệ số 42/2015