Nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM) là cây bút khá đa dạng thể loại. Sau tin vui đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư không lâu, cuốn sách Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái của bà cũng vừa được NXB Công an nhân dân tái bản. Văn nghệ xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện giữa nhà văn Trầm Hương với PV báo SGGP.
Với nhà văn Trầm Hương, Đường 1C huyền thoại – Những bờ vai con gái có ý nghĩa như thế nào?
Nhà văn TRẦM HƯƠNG: Không chỉ có ý nghĩa với riêng tôi mà còn có ý nghĩa với những người làm nên tuyến đường lịch sử. Các anh, chị đọc, đã khóc vì nhớ lại một thời máu lửa và cảm ơn tôi đã viết về một tuyến đường thanh niên xung phong (TNXP) 1C ít người biết đến. Nhưng chính tôi mới là người phải cảm ơn, vì không có những người dám trụ lại tuyến đường – nơi sắt thép cũng tan chảy; không có những người dám hy sinh, làm sao thế hệ chúng tôi có được cuộc sống hôm nay.
Trên con đường được ví như “Trường Sơn giữa đồng bằng” ấy, có sự đóng góp công sức, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là tính mạng của rất nhiều chàng trai và cô gái đồng bằng. Vì sao bà lại lựa chọn điểm nhấn cho cuốn sách của mình là “những bờ vai con gái”?
Vì hơn 2/3 lực lượng TNXP 1C là những cô gái trẻ, hầu hết chưa có gia đình, nhiều chị chưa có người yêu. Lực lượng này cũng có con trai nhưng chính các anh cũng nói rằng: “Đàn ông lặn hụp, cực khổ như thế nào cũng không sao, nhưng thương các chị quá!”. Rõ ràng là có yếu tố giới ở đây. Các anh thương những người con gái vì sự thấu cảm.
Con gái mảnh mai, yếu đuối, được ví như hoa, mềm như lụa, vậy mà vác trên vai trọng lượng gần bằng số ký của mình. Ngày này qua ngày khác, các chị phải dầm mình trong cánh đồng mênh mông nước mùa lũ, băng qua cánh đồng khô hạn mùa nắng, chống chèo đi qua lòng sông giăng đầy mìn. Những mặt hoa da phấn phải phơi mình với nắng mưa, bom đạn. Chưa kể, những ngày “đèn đỏ”, bị bệnh, các chị cũng giấu để cùng đồng đội tải hàng. Tôi cũng là phụ nữ nên thật rung cảm với những bờ vai con gái ấy.
Ngoài sự rung cảm đó, bà còn gặp thuận lợi gì khi tiếp cận cũng như thể hiện những trang viết của Đường 1C huyền thoại?
Là phụ nữ, nên tôi dễ dàng tiếp cận những nhân chứng trên tuyến đường lịch sử này. Tôi đến với các anh, các chị là một người con, người em, chứ không phải là một nhà văn, nhà báo. Các anh chị tìm được người đồng cảm nên sẵn sàng mở lòng. Có những chuyện ẩn ức, oan khuất, cả những bí mật chôn vùi tận đáy lòng, nhưng các anh chị đã bộc bạch.
Gặp lại những nhân chứng tuyến đường 1C, xúc cảm lớn nhất trong tôi là sự chạnh lòng. Bởi, nhiều anh chị cựu TNXP năm xưa đã sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho Tổ quốc, mà giờ cuộc sống của họ khó khăn quá! Nhiều anh chị không có nhà ở, con cái bị nhiễm chất độc da cam. Có chị phải đi nhặt rác ngoài bãi biển kiếm sống… Đó là sự thật, không chút cường điệu. Vậy mà, khi nhắc đến những ngày xưa, nhắc đến đồng đội, các anh chị vẫn đầy tự hào, vẫn rưng rưng lòng thương nhớ. Tôi đã lặng đi trước túp lều rách nát của chị Huỳnh Thị Bé giữa bãi hoang ở Kiên Giang. Cái chòi lá trống trơn nhưng nơi trang trọng nhất trong gia đình là nơi để những huân, huy chương thời tham gia TNXP 1C. Ký ức tuyến đường là niềm tự hào, vẫn luôn đi theo cuộc đời các anh chị.
Gần đây, bà đang dành nhiều ưu tiên cho thể loại phi hư cấu. Ngoài Đường 1C huyền thoại, bà còn có 2 tập hồi ký là Người mẹ đảm đang và Tình yêu của mẹ. Bà có sự phân định như thế nào giữa văn chương hư cấu và phi hư cấu?
Tôi nghĩ, dù là hư cấu hay phi hư cấu, thì cũng bắt đầu bằng ngôn từ, thoát ra từ trái tim. Cả hư cấu cũng cần chất liệu cuộc sống. Hư cấu hay phi hư cấu đều cần có sự lôgíc trong cách thể hiện. Giữa quá nhiều tin giả, những chuyện ngôn tình lâm ly, không ít độc giả muốn được đọc một câu chuyện thật xúc động, có địa chỉ, cũng không kém phần ly kỳ. Có ai nghĩ người chết 40 năm chợt sống dậy nơi tuyến đường 1C? Có ai nghĩ một tay súng từng thu hút hỏa lực về phía mình, bắn rơi trực thăng giải cứu những lãnh đạo cao cấp, trong hòa bình sống trong căn nhà rách nát, sẽ sập bất cứ lúc nào? Vậy mà có đấy. Không cần hư cấu, cứ viết bằng sự đồng cảm, sẻ chia là đã chạm đến trái tim người đọc!
Thời gian qua, bà có một việc làm ý nghĩa là vận động các nhà hảo tâm và bán sách gây quỹ để xây nhà tình nghĩa cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu TNXP. Bà có thể chia sẻ thêm về công việc này?
Để làm được việc này, tôi thật cảm ơn báo chí, truyền thông đã đồng hành cùng tôi. Qua những bài viết trên báo, những bộ phim tài liệu, nhiều người đã tìm đến, giúp đỡ những cảnh đời khó khăn, giúp xây dựng nhà tình nghĩa cho những người lính năm xưa. Trong quá trình tìm tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng, tôi có niềm hạnh phúc thật to lớn, bởi qua quyển sách, nhiều người đang sống hiểu thêm về tuyến đường lịch sử quan trọng này. Không chỉ vậy, với tôi, niềm hạnh phúc lớn hơn gấp nhiều lần là khi trang viết của mình trở thành cầu nối, vận động được 5 tỷ đồng từ Công ty Golf Long Thành để xây dựng 100 căn nhà tình nghĩa cho các cựu TNXP, gia đình chính sách các tỉnh miền Tây, Củ Chi (TPHCM)… Chương trình này được đưa về Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ – cơ quan tôi công tác đã tổ chức thực hiện, kết hợp với các Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương.
Theo SGGP