Chuyên đề

Nhà văn Trần Đức Tiến: Với người viết, cần nhất sự tỉnh táo

Câu chuyện văn hoá
10:03 | 20/06/2023
Nhà văn Trần Đức Tiến vừa được tôn vinh cho những đóng góp của ông với văn học thiếu nhi ở giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn của Báo Thể thao & Văn hoá.
aa

Nhà văn Trần Đức Tiến vừa được tôn vinh cho những đóng góp của ông với văn học thiếu nhi ở giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn của Báo Thể thao & Văn hoá. Ông cũng mới được tín nhiệm giữ vai trò Chủ khảo cuộc thi trong khuôn khổ Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Đức Tiến xung quanh những vấn đề của đời sống văn học thiếu nhi hiện nay.

Cơ hội trở thành người tử tế

- Xin chúc mừng ông với giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn vừa rồi. Là người đã từng nhận khá nhiều giải thưởng văn học, ông nhìn nhận thế nào về các giải thưởng trong đời sống văn học Việt hiện nay?

+ Theo tôi, giải thưởng văn học chỉ thực sự có nghĩa tích cực khi nó góp phần khích lệ người viết, cả về tinh thần làm việc lẫn khả năng sáng tạo nghệ thuật. Đã là giải thưởng văn học, thì dứt khoát tác phẩm đoạt giải phải có giá trị nghệ thuật ở một mức độ xứng đáng nào đó, nói nôm na là hay. Muốn thế, trước hết, giải phải được tổ chức và vận hành một cách nghiêm túc. Các yêu cầu đặt ra rõ ràng ngay từ đầu, và không nên pha trộn tiêu chuẩn chất lượng nghệ thuật với các tiêu chuẩn khác. Ban giám khảo (sơ khảo và chung khảo) phải là những người có uy tín về chuyên môn, có khả năng thẩm định tốt, và đặc biệt phải công tâm. Cung cách xét giải (thảo luận, bỏ phiếu… nếu có), nên công khai, minh bạch.

Theo sự quan sát của tôi, có một số giải thưởng văn học của chúng ta hiện nay chưa hẳn đã đảm bảo được những điều kiện trên. Nói ra có thể làm mất lòng người này người kia, nhưng trong thực tế, việc “chạy giải”, “ban phát” giải dường như vẫn tồn tại thấp thoáng đâu đó, làm cho giải mất “thiêng”.

Tôi không phải là ngưởi chủ động gửi tác phẩm dự giải Dế Mèn, mà do các thành viên trong ban tổ chức đề cử. Giải này chấp nhận cả hai trường hợp: tác giả gửi tác phẩm tham dự, và ban tổ chức phát hiện, đề cử. So với không ít giải thưởng khác đòi hỏi người tham dự phải gửi tác phẩm, thậm chí phải làm hồ sơ dự giải, thì cách làm này của báo Thể thao&văn hóa là sự cởi mở, trân trọng thành quả của các tác giả. Điều đó khiến tôi rất cảm động.

Nhà văn Trần Đức Tiến nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn của Báo Thể thao & Văn hoá. Ảnh: TL

- Ở mảng sách dành cho thiếu nhi, chắc hẳn ông cũng nhận thấy gần đây có khá nhiều giải thưởng được công bố rầm rộ với giá trị cao từ các hội đoàn, sở ban ngành, đơn vị xuất bản… từ giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đến Giải thưởng Văn học Kim Đồng, Giải Dế Mèn, Giải thưởng Sách thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh… chưa kể Giải thưởng Sách Quốc gia hàng năm cũng có hạng mục sách Thiếu nhi. Nó có cho thấy điều gì không thưa ông? Tại sao bỗng dưng gần đây sách cho thiếu nhi lại được quan tâm một cách đặc biệt như vậy?

+ Sách đọc cho thiếu nhi, trong đó có sách văn học, cần phải được quan tâm thường xuyên và xứng đáng hơn nữa. Có lần, nhân đọc lại một tập truyện thiếu nhi của nhà văn K.Paustovsky, tôi đã viết: còn trẻ không đọc ông, coi như đã đánh mất một cơ hội để trở thành người tử tế khi trưởng thành. Bạn có thể cho tôi là cực đoan, nhưng thực lòng tôi nghĩ thế. Và tất nhiên ngoài Pau, còn có nhiều nhà văn khác cũng đáng đọc không kém ông. Điều gì thuộc hàng quan trọng nhất, giúp nâng đỡ, bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, khiến sau này các em trở thành những công dân có văn hóa, sống đời sống tử tế, nếu không phải là sách?

Nhiều giải thưởng mở ra cho văn học thiếu nhi, như đã nói, nếu được tổ chức một cách nghiêm túc, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến việc sáng tác cả về số lượng và chất lượng.

- Ông cũng được xướng tên trong vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Văn học Kim Đồng vừa khởi động. Ông có bình luận gì về cách vận hành của các cuộc thi, xét giải văn học thiếu nhi, đặc biệt là cách chấm tác phẩm dự giải?

+ Thông thường khi mở một cuộc thi (hay một cuộc xét giải) văn học thiếu nhi, đơn vị chủ quản phải bắt đầu bằng việc công bố thể lệ, nói rõ những yêu cầu về chủ đề, đối tượng tham dự, thể loại tác phẩm, quy cách tác phẩm, thời gian tham dự (bắt đầu và kết thúc), ban giám khảo (sơ khảo và chung khảo)…, và nếu có thể, cả hệ thống giải thưởng kèm theo giá trị giải thưởng. Các khâu vận hành: nhận (hoặc phát hiện) tác phẩm tham dự; tiến hành đọc, đánh giá sơ bộ, gạn lọc tác phẩm từ sơ khảo chuyển lên chung khảo… đều rất quan trọng. Bảo đảm thời gian, không bỏ sót tác phẩm có chất lượng là yêu cầu của giai đoạn này. Và đương nhiên, quan trọng, quyết định hơn cả là khâu cuối cùng: ban chung khảo đọc, nhận xét và chấm giải.

Ở các cuộc họp báo công bố Giải thưởng văn học Kim Đồng 2023-2025 (Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh), tôi đều nói: các thành viên trong Hội đồng chung khảo như Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Nguyễn Thụy Anh, Vũ Thị Quỳnh Liên đều là những nhà văn, nhà biên tập sách văn học cho thiếu nhi nổi tiếng, có uy tín chuyên môn cao, từng làm giám khảo nhiều cuộc thi, xét giải thưởng văn học thiếu nhi khác, nên chắc chắn là những người giàu kinh nghiệm. Còn về sự thẩm định, ai chả biết thẩm mĩ của từng người không thể có sự trùng hợp hoàn toàn? Kết quả chấm giải của một ban giám khảo cụ thể không phải là khuôn vàng thước ngọc cho tất cả… Chính vì thế, ngoài yếu tố chuyên môn, cá nhân tôi luôn đặc biệt coi trọng sự công tâm. Đây là “cuộc chơi” với trẻ con, vì trẻ con. Người lớn cần phải trong sáng, gương mẫu.

- Chuyện qua đã lâu nhưng cũng xin hỏi ông, vì sao ông rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam?

+ Vâng, quả thật đây là câu chuyện không vui và rất “nhạy cảm”. Nhưng bạn đã hỏi thì cũng xin nói thật: tôi nhận lời mời làm Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn với một tâm trạng háo hức, muốn cùng các đồng nghiệp làm được một chút gì đó có ích cho văn học thiếu nhi, cho các em. Nhưng tôi nghĩ việc gì cũng vậy, luôn có quy chế chung cho mọi người, bên cạnh nguyên tắc riêng của mình, khi thực hiện. Tôi là kẻ luôn đặt sự trung thực lên hàng đầu. Khi thấy sự trung thực và những nguyên tắc có nguy cơ bị vi phạm, tôi tự biết mình không thể tiếp tục công việc ở vị trí đó.

- Có thể hỏi lúc này hơi sớm, nhưng ông kì vọng gì ở Giải thưởng Văn học Kim Đồng trong mảng văn học thiếu nhi?

+ Một ưu thế dễ thấy ở Giải thưởng văn học Kim Đồng so với một số giải thưởng văn học khác: tác phẩm tham dự giải chỉ cần đạt chất lượng ở một mức nào đó (qua vòng sơ khảo chẳng hạn), chưa biết đoạt giải hay không, là đã có thể được xuất bản. Thương hiệu Kim Đồng vốn nổi tiếng, hình thức ấn phẩm lại sang trọng, đẹp đẽ, “cầm cuốn sách của mình trên tay có thể quên cả giải thưởng” (lời một cộng tác viên của Nhà xuất bản). Vì thế, tôi hi vọng giải thưởng này sẽ thu hút được đông đảo tác giả tham dự. Chọn ra được những tác phẩm xuất sắc trong số đó, vừa khó lại vừa dễ. Khó, vì giám khảo phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, nâng lên đặt xuống… Dễ, vì ở một tập hợp lớn, thường xuất hiện “đỉnh” hơn là ở một tập hợp không đủ lớn.

Với tôi, Giải thưởng sẽ thực sự thành công, nếu qua đó phát hiện ra được những tác giả có tiềm năng đổi mới diện mạo nền văn học thiếu nhi hiện nay theo hướng tích cực. Không hiểu sao, tôi có linh cảm những tác giả đó sẽ thuộc về thế hệ trẻ - 8X, 9X, hoặc trẻ hơn nữa…

Nhà văn Trần Đức Tiến giao lưu cùng các bạn đọc nhỏ tuổi tại Câu lạc bộ Đọc sách cùng con trong một dịp ra Hà Nội. Ảnh: CLBĐSCC

Chưa bao giờ hết niềm tin vào sách

- Một ngày của ông thường diễn ra thế nào?

+ Tôi ngủ ít. Mỗi đêm chỉ ngủ chừng hai tiếng rưỡi, ba tiếng đồng hồ. Thức dậy chừng một giờ sáng, nhưng bốn rưỡi mới ra khỏi giường. Tập thể dục, tưới cây, đun nước sôi, chuẩn bị bữa sáng. Thích tự nấu ăn, ít khi ra quán. Ăn sáng xong, pha một li cà phê, rồi một ấm trà. Tám giờ ngồi vào bàn làm việc, mở máy tính. Có hôm viết được nửa trang, vài trang A4, có hôm chẳng được chữ nào. Trưa nằm nghỉ một tiếng (hầu như không ngủ). Khoảng hai rưỡi đến bốn giờ tắt điện thoại, tập một bài thể dục. Tưới cây. Đọc sách, báo. Tối xem phim (không xem phim Việt). Đi ngủ.

Ngày nào cũng như ngày nào, lặp lại như thế từ nhiều năm nay, trừ những khi có việc đột xuất phải xa nhà ít hôm. Tẻ nhạt, chán ốm, phải không?

- Xóm Bờ Giậu và A lô! Cậu đấy à? đã được bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận tích cực, ông sẽ tiếp tục với thế giới đồng thoại trong những tác phẩm sắp tới chứ?

+ Tôi thấy vui vì những người viết đồng thoại ngày một nhiều. Chắc sẽ đến một lúc mình tự nguyện rời khỏi “mảnh đất” đó.

- Lực lượng viết cho thiếu nhi hiện nay cũng rất đông đảo và nhiều khác biệt, từ những nhà văn chuyên nghiệp đến những người mới nhập môn, từ người lớn viết cho/viết về tuổi nhỏ đến các em ở các lứa tuổi khác nhau viết cho thế hệ mình. Điều này có khó khăn cho công tác chấm giải khi quá nhiều sự hội tụ trong một không gian chung đòi hỏi một sự nhất quán? Đã từng ngồi hội đồng và chấm giải văn học, ông có kinh nghiệm gì để “quy đồng” những khác biệt này trong việc đánh giá các tác phẩm đảm bảo khách quan, bình đẳng?

+ Tôi chưa bắt đầu công việc với các thành viên khác trong Hội đồng chung khảo, nên cũng chưa thật hiểu rõ quan điểm, sở thích… của từng người. Nhưng với tôi, khi được mời “chấm” văn trong bất kì cuộc thi nào, chỉ có một “mẫu số” duy nhất là VĂN HAY. Phân biệt tác giả già-trẻ, nam-nữ, chuyên nghiệp-không chuyên nghiệp, thậm chí khuyết tật-không khuyết tật (về hình thể, sức khỏe…), thực ra không phải là ưu ái, đề cao họ, mà lại làm họ tổn thương đấy. Người viết văn, tôi nghĩ, cần nhất là được đối xử công bằng với văn chương, chứ không cần những thứ ưu ái ngoài văn chương.

Hai tác phẩm về thế giới đồng thoại gây chú ý của nhà văn Trần Đức Tiến. Ảnh: TL

- Dù có thiên chức cao cả trong việc góp phần kiến tạo tâm hồn cho trẻ nhỏ qua những trang sách nhưng có một thực tế là việc đọc sách đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các loại hình/phương tiện giải trí khác. Là người dành một thời lượng sáng tác lớn trong suốt cuộc đời dành cho bạn đọc nhỏ tuổi ông có băn khoăn về điều này?

+ Không hề. Lịch sử luôn có những bước đi của riêng nó, và nhiều khi ta phải biết chấp nhận - chấp nhận khôn ngoan hơn là cố tìm cách cưỡng lại. “Lịch sử đọc sách” cũng vậy. Người đọc sách ít đi, không phải lỗi ở họ, mà trước hết là ở những người làm ra sách. Có những thứ hấp dẫn hơn sách, thì tự nhiên người ta bỏ sách chạy theo chúng. Để kéo họ lại với sách thì chỉ có cách làm cho sách hay lên, hoặc nghĩ xa hơn thì phải biết “chờ thời” - tôi chưa bao giờ hết niềm tin vào sách và vẫn hi vọng rồi sẽ lại đến thời của sách…

Nếu sách viết cho thiếu nhi của tôi bị các em chê, ít đọc, ít mua, tôi sẽ xấu hổ với chính mình. Giả dụ đến một lúc nào đó hết chịu nổi thì tôi sẽ bỏ viết cho các em, làm việc khác. Chuyện thường mà!

- Để kiến tạo một thị trường văn học cho thiếu nhi lành mạnh, phát triển, nhìn từ phía những người viết cần làm gì theo ông?

+ Với người viết, có lẽ cần nhất là phải tỉnh táo tự biết mình đang ở chỗ nào, đang ở “bậc” nào trong cái thang giá trị văn chương cho thiếu nhi, trước hết là văn chương cho thiếu nhi trong nước. Rộng hơn chút, là phải có năng lực cập nhật bức tranh toàn cảnh của văn học thiếu nhi. Lười đọc, quen lối nhìn nhận quan liêu, giáo điều, cho văn học thiếu nhi của ta hiện nay là “ngủ quên”, cần phải “đánh thức”, ít tác giả, không có tác phẩm hay, khi phải kể về tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi thì nhắc lại không biết chán những tác giả, tác phẩm cách đây vài ba chục năm, thậm chí cả hơn nửa thế kỉ… Còn mơ ngủ như thế thì còn dẫm chân tại chỗ.

- Như vậy, theo ông văn học thiếu nhi không cần phải… đánh thức?

+ Nó có ngủ quên bao giờ đâu mà phải đánh thức!

- Cám ơn ông đã chia sẻ!

DƯƠNG TỬ THÀNH thực hiện

Nguồn VNQĐ


Giáo viên nhận xét bộ sách giáo khoa Cánh Diều sau 4 năm học

Giáo viên nhận xét bộ sách giáo khoa Cánh Diều sau 4 năm học

Baovannghe.vn - Nội dung sát với chương trình giáo dục phổ thông 2018, hình ảnh bắt mắt, bài học sinh động... là ưu điểm của bộ sách giáo khoa Cánh Diều được giáo viên đánh giá cao.
Trên 8000 tác phẩm dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”

Trên 8000 tác phẩm dự Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”

Baovannghe.vn - Ngày 14-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo tổng kết Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Giao lưu và ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Hàn "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau”

Giao lưu và ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Hàn "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau”

Baovannghe.vn - Chiều ngày 14/11, tại Nxb Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra giao lưu và ra mắt tập thơ song ngữ Việt - Hàn "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau”
Bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1372/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo,2 dự án luật, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Đi trong nhà - Thơ Phạm Đình Ân

Đi trong nhà - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Nhổm dậy mò mẫm đi