Văn hóa nghệ thuật

Nhạc Việt 2024: Thị trường đã thấy đường đi

Phan Mỹ Linh
Âm nhạc
08:00 | 01/01/2025
Baovannghe.vn - Âm nhạc Việt Nam có một năm “thắng lớn” không chỉ ở những con số, những xu hướng trào lưu mà còn ở những người nghệ sĩ đang miệt mài sáng tạo, những tấm lòng sẻ chia...
aa

Khi nhìn lại nền âm nhạc đại chúng Việt Nam trong năm vừa qua, công chúng sẽ cảm thấy bất ngờ và đôi chút choáng ngợp với những sự kiện chưa từng có. Một lứa nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là GenZ và Alpha đang miệt mài hoạt động nghệ thuật, với nhiều tác phẩm nổi bật. Chúng ta có những sản phẩm âm nhạc chất lượng, được đề cử tại lễ trao giải Grammy. Nhiều chương trình và hoà nhạc thu hút hàng trăm khán giả tham dự. Điều này gợi mở về một câu chuyện thị trường âm nhạc đã dần thấy lối đi, với những “trận thắng lớn”.

Tất nhiên, rất khó để phân tách rạch ròi giữa câu chuyện nghệ thuật và thị trường (thuần tuý về mặt kinh doanh). Mối quan hệ giữa tài năng, các sản phẩm chất lượng và quy mô của thị trường vốn gắn bó khăng khít với nhau, kể cả khi hoạt động marketing hay truyền thông quảng bá đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp thị và phân phối sản phẩm nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Nhưng nếu chỉ nhìn thuần tuý về mặt thị trường âm nhạc Việt Nam trong năm 2024, công chúng sẽ thấy được những dấu hiệu tích cực, thậm chí có thể gọi là “bùng nổ”. Gần như mọi lĩnh vực trong quy mô ngành âm nhạc nội địa đều cho thấy sự phát triển chưa từng thấy.

Đường tiến lên của nhạc Việt

Những đóng góp đáng kể nhất của âm nhạc và doanh thu của ngành giải trí và truyền thông ở Việt Nam cũng như toàn cầu dựa trên kinh doanh sản phẩm âm nhạc vật lý (CD, DVD, vinyl, cassette), nhạc trực tuyến (bao gồm tải nhạc số và nghe trực tuyến), quyền biểu diễn và phân phối âm nhạc (phim, chương trình truyền hình). Việt Nam đang hoà chung vào xu hướng phát triển này, đạt được những con số ấn tượng có thể đo lường ở các mảng nhạc số, sản phẩm âm nhạc vật lý, chương trình âm nhạc truyền hình (thuộc mảng phân phối âm nhạc khác) và tổ chức biểu diễn hoà nhạc.

Ở mảng nhạc trực tuyến, nghiên cứu của We Are Social cho thấy, 58,3% nội dung video trực tuyến mà người dùng Việt Nam tiêu thụ là video âm nhạc. Cùng với đó, sự đa dạng của các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến (miễn phí và có trả phí) đến từ nội địa và quốc tế có mặt tại Việt Nam đang trở thành kênh nghe nhạc chính của khán giả, đặc biệt là người trẻ. Theo báo cáo tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024 (Đại học RMIT Việt Nam) vừa công bố, dịch vụ phát nhạc trực tuyến trên thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ, đạt thị phần tương đương khoảng 17,5 tỷ USD và được sự đoán còn phát triển mạnh. Thị trường nhạc số Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Năm 2024, thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đạt 61,97 triệu USD. Dự báo, đến năm 2027, thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 72,36 triệu USD (theo Statistic Market Forecast).

Không chỉ có thị trường nhạc số tăng trưởng, sự trỗi dậy của thị trường sản phẩm âm nhạc truyền thống, kinh doanh băng đĩa nhạc cũng có những khởi sắc. Các hãng âm nhạc quốc tế lớn như Sony Music, Universal Music, Warner Music đều đã đặt chi nhánh tại Việt Nam. Trong khi đó, các hãng ghi âm trong nước như InQ, DEV, Dao Music... đều tham gia vào “cuộc chơi” âm nhạc đầy sôi động này. Những đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối sản phẩm âm nhạc vật lý non trẻ nhưng đầy linh hoạt như LPClub, Hãng đĩa thời đại... cũng đang sản xuất và phân phối nhiều sản phẩm âm nhạc gồm đĩa CD, đĩa than (vinyl), băng cassette trên thị trường.

Quang Đặng, người sáng lập nên LPCLub, hãng sản xuất và phân phối nhiều sản phẩm âm nhạc nổi bật của các nghệ sĩ trẻ trong những năm gần đây chia sẻ, “Khán giả đang ngày càng quan tâm đến sản phẩm vật lý. Mặc dù vẫn chưa thể khẳng định thị trường về các sản phẩm như CD, cassette... là bùng nổ nhưng sự quan tâm, và số lượng bán ra có thể đạt vài nghìn ấn bản cho một đĩa nhạc là điều đang diễn ra, mang đến dấu hiệu tích cực. Có những sản phẩm như album Gieo của Ngọt có thể bán ra với số lượng vài nghìn đĩa, đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ.”

Sự phát triển dễ thấy và mạnh mẽ nhất trong năm vừa qua của ngành âm nhạc Việt Nam chính là sự bùng nổ của thị trường biểu diễn hoà nhạc. Có lẽ, chưa bao giờ thị trường nội địa chứng kiến những sự kiện âm nhạc với hàng chục nghìn khán giả quan tâm như các concert Anh Trai “Say Hi” cũng như Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Chỉ riêng các đêm diễn của hai chương trình này đã có hơn cả trăm nghìn lượt khán giả tham dự. Số lượng vé, thời gian mở bán (với tỷ lệ bán vé 100%) và giá tiền các hạng vé đa dạng nhưng không rẻ, cho thấy giá trị của “miếng bánh” tổ chức biểu diễn hoà nhạc đang rất được chào đón. Ví dụ, nếu tính toán đơn giản với giá vé trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng và lượng khán giả là 30.000 người thì doanh thu của Hoà nhạc Anh Trai “Say Hi” sẽ rơi vào 60-100 tỷ đồng mỗi đêm. Cùng với đó, con số hàng chục nghìn khán giả theo dõi hoà nhạc trực tuyến cũng cho thấy sức hút và khả năng tạo ra lợi nhuận không nhỏ từ các hoà nhạc này.

Sự thành công của những đêm biểu diễn hoà nhạc tại sân vận động của Anh Trai “Say Hi”Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai cũng cho thấy các cuộc thi âm nhạc truyền hình vẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng. Ngoài “Anh Trai”, “Chị Đẹp”, các cuộc thi khác như Rap Việt, Our Song Vietnam... cũng gây sức hút đáng kể cũng như sự quan tâm của công chúng. Cũng từ đây, những mô hình kinh doanh và phát triển thương hiệu âm nhạc (truyền hình thực tế kết hợp hoà nhạc, các sản phẩm đi kèm) đang tạo ra những hướng đi đầy hứa hẹn.

Bên cạnh sức hút của những concert hàng chục ngàn khán giả mỗi đêm kể trên, thị trường biểu diễn âm nhạc của Việt Nam cũng sôi động theo nhiều quy mô khác nhau. Hình thức biểu diễn hoà nhạc kết hợp với du lịch tại các địa điểm như Ninh Bình, Hội An, Đà Lạt vẫn tiếp tục thu hút khán giả. Tuy năm 2024 vắng mặt các lễ hội âm nhạc như Monsoon Music Festival, Hay Glamping Music Festival, nhưng mô hình lễ hội/đại nhạc hội âm nhạc vẫn thu hút đông đảo khán giả với những thương hiệu đã được khẳng định trong những năm gần đây như Genfest, HOZO Super Festival, 8Wonder...

Những ca sĩ đang thành công trên thị trường, từ những ngôi sao nhạc Pop thập niên 2000 như Mỹ Tâm, cho đến thập niên 2010 như Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng MTP… và những nghệ sĩ GenZ cũng có số lượng bán vé hoà nhạc ấn tượng. Đơn cử như trường hợp của Phương Mỹ Chi với Concert School tour - Vũ điệu cò bay 2024 đã thu hút hơn 8.000 khán giả tham dự. Các chương trình biểu diễn âm nhạc cho các nghệ sĩ độc lập, nghệ sĩ trẻ như Những Thành Phố Mơ Màng, Hội - Thuần - Hội, Nhạc Hội Cà Chua, 8 the Theatre… cũng dần tạo ra các thương hiệu đánh trúng thị hiếu và nhu cầu của nhóm công chúng đặc thù. Bên cạnh đó, những đêm diễn nhỏ (quy mô khoảng vài trăm khán giả) của những nghệ sĩ Indie vẫn bán được vé và có khán giả.

Đã thấy đường tiến lên, cần tính đường vươn xa

Theo báo cáo tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024, có 4 nhân tố chính thúc đẩy nền âm nhạc kỹ thuật số ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nhân tố này cũng có thể áp dụng cho toàn bộ nền âm nhạc gồm: Nghệ sĩ, người hâm mộ, nền tảng phát nhạc trực tuyến, dịch vụ vận hành âm nhạc. Từ sự tăng trưởng trong quy mô nhạc trực tuyến, thị trường biểu diễn hay sự ra đời và số lượng các sản phẩm vật lý, công chúng có thể đưa ra nhận định, thị trường âm nhạc Việt Nam đang phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, cũng cần phải có cái nhìn một cách cẩn trọng hơn, để không “ảo tưởng” với những con số và những thành công được các phương tiện truyền thông đánh lừa. Bên cạnh việc thấy đường đi lên mang tính “hiện tượng”, chúng ta cũng cần phải tính đến đường xa của thị trường nhạc đại chúng Việt Nam.

Ở mảng biểu diễn âm nhạc, không phủ nhận sức hút từ những “đại hoà nhạc” như Anh trai “Say Hi”, Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai nhưng những con số về lượng khán giả tham dự vẫn còn nhập nhằng, thiếu tính nhất quán. Ví dụ như với chương trình Anh Trai “Say Hi”, ban tổ chức, đơn vị tài trợ và các nghệ sĩ tham gia đã công bố số lượng khán giả khác nhau, dễ gây “tù mù” về thực tế bán vé cũng như điều kiện về mặt vận hành, quản lý trong khâu tổ chức. Điều này không chỉ đặt ra những câu hỏi về số lượng khán giả thực sự mua vé xem hoà nhạc mà sâu xa hơn, đặt ra yêu cầu cần phải có những đơn vị quan sát và thống kê độc lập để có thể đánh giá đúng quy mô của thị trường.

Việt Nam đang là điểm đến mới của nhiều nghệ sĩ quốc tế, với quy mô tổ chức và giá trị thương mại lớn trong các năm gần đây như BLACKPINK, 2NE1, Maroon5, Imagine Dragons. Bên cạnh đó, thị trường biểu diễn trong nước cũng đang có sự đột phá lớn với nhu cầu cao của khán giả nội địa. Câu chuyện về bài toán tổ chức, trang thiết bị, phương tiện di chuyển, an ninh... cũng sẽ cần phải cải thiện hơn để đáp ứng sự lớn mạnh của xu hướng phát triển này. Các đại nhạc hội thu hút số lượng khán giả lớn cũng đặt ra các vấn đề về giao thông, dịch vụ du lịch (lưu trú, đi lại). Bên cạnh đó, việc thiết kế mô hình hay mang đến các giá trị văn hoá bản địa cũng cần được chú ý, đặc biệt hơn khi âm nhạc và thị trường biểu diễn nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ với báo Tuổi Trẻ về thị trường biểu diễn âm nhạc Việt Nam rằng, những gì đang diễn ra với thị trường biểu diễn tại Việt Nam có thể giống hay khác với quốc gia nào thì đó cũng là một tín hiệu tốt cho sự phát triển của âm nhạc trong nước. Thị hiếu, cách thưởng thức và xu hướng của tệp khán giả hiện tại khác với các thế hệ trước đây nên các nhà tổ chức cũng cần có những mô hình tổ chức phù hợp. Việc bóc tách thị hiếu khán giả không chỉ đáp ứng nhu cầu ở hiện tại mà còn chuẩn bị cho đường dài của thị trường biểu diễn đầy tiềm năng này.

Tất nhiên, một thị trường biểu diễn âm nhạc khoẻ mạnh và phát triển bền vững không chỉ trong chờ vào một vài cú huých như Anh Trai “Say Hi” hay Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Những sự kiện hoà nhạc nhỏ và đặc thù, các lễ hội âm nhạc có giá trị văn hoá và thương hiệu cũng cần được quan tâm và hỗ trợ để tạo nên một sự phát triển bền vững. Trong đó, phải kể đến sự thiếu vắng của Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) trong năm 2024 là một “điểm nghẽn” của phát triển lĩnh vực biểu diễn âm nhạc. Với một thập kỷ ra đời và định vị thương hiệu, Gió Mùa là một trong những lễ hội âm nhạc và văn hoá thực thụ của thủ đô. Tuy nhiên, các vấn đề về cấp phép biểu diễn, địa điểm tổ chức… cùng một số yếu tố khác đã khiến cho chương trình phải lỡ hẹn với công chúng. Việc nhìn nhận về giá trị văn hoá (bên cạnh thương mại), bản sắc âm nhạc Việt Nam cũng cần được bàn luận và có sự hỗ trợ từ nhiều phía, để những chuỗi hoà nhạc lớn không chỉ “thắng” về mặt số lượng khán giả hay mặt kinh doanh mà còn chứa đựng nhiều sản phẩm văn hoá, sáng tạo có nhiều giá trị của dân tộc. Đó cũng là câu hỏi về bản sắc Việt Nam trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá mà đất nước chúng ta đang hướng tới.

Không chỉ thị trường biểu diễn, các thị phần về nhạc trực tuyến hay sản phẩm vật lý (CD, vinyl, cassette) cũng có những dấu hiệu khả quan nhưng chưa thực sự bùng nổ về mặt doanh thu, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ độc lập. Nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn tự bỏ tiền ra làm sản phẩm và chưa thực sự thu được lợi nhuận từ chính những thực hành âm nhạc, sáng tạo của họ. Nhạc sĩ Quốc Trung từng làm giám đốc âm nhạc cho các hoà nhạc của ca sĩ Vũ., nhóm nhạc Chillies… chia sẻ rằng, tuy khán giả rất nhiệt tình, đáng yêu và “chịu chơi” nhưng lợi nhuận mà các nghệ sĩ thu về vẫn chưa cao, thậm chí chỉ hoà vốn hoặc có doanh thu chưa đáng kể. Vì thế, các nghệ sĩ tự bỏ tiền túi để nuôi đam mê nhưng để đi đường xa với “vốn” tự thân không phải là điều dễ dàng.

Nhạc Việt 2024: Thị trường đã thấy đường đi
Tiết mục Trống Cơm đầy ấn tượng tại chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Ảnh: Yeah1

Niềm vui trên con đường rộng mở

Nhìn vào bức tranh tổng quan âm nhạc Việt Nam, chúng ta có thấy những gam màu tươi sáng về số liệu, cũng như sự lớn mạnh của quy mô thị trường. Vượt lên những số liệu kinh doanh, khán giả vẫn có thể thấy niềm vui nhỏ, đầy khích lệ và những giá trị tinh thần mà âm nhạc có thể mang lại.

Còn nhớ dịp đầu năm 2024, cái tên Duy Đào - nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo tại Hà Nội được đề cử tại hạng mục Thiết kế ấn phẩm đặc biệt (Best Boxed or Special Limited Edition Package) với album Gieo của Ngọt tại Grammy 2024. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm sáng tạo của Việt Nam được Viện Hàn lâm Âm nhạc Mỹ chú ý và ghi nhận đề cử. Dù không dành chiến thắng nhưng sự kiện này xác lập hai điều: giá trị trong các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao; và âm nhạc độc lập (Indie) tiếp tục dẫn đầu thị trường. Gần đây, Duy Đào cũng thông báo rằng, anh đã trở thành giám khảo chấm giải Grammy 2025.

Không chỉ mảng nhạc đại chúng có những thành tựu, những hoà nhạc mang tính “đặc thù” hơn như giao hưởng, cổ điển cũng có những sự kiện ấn tượng. Đầu tháng 6, NSND Đặng Thái Sơn - người châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất cuộc thi quốc tế Frédéric Chopin - có hai buổi hòa nhạc piano với tên gọi Đặng Thái Sơn và các học trò. Đây cũng là lần đầu tiên nghệ sĩ biểu diễn cùng các học trò tại Việt Nam. Những concert tên tuổi với quy mô quốc tế nhiều năm qua vẫn định kỳ góp mặt làm cho thị trường hoà nhạc tại Việt Nam thêm sôi nổi. Toyota concert hay Giai điệu mùa thu đã trở thành những cái tên quen thuộc với khán giả yêu nhạc cổ điển trong nước, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM.

Những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam được kết hợp với âm nhạc đại chúng tại chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai mang đến sự thích thú cho khán giả. Trước đó, nhiều sản phẩm âm nhạc pop kết hợp yếu tố âm nhạc truyền thống, dân gian từ Hoàng Thuỳ Linh (album Hoàng), Phương Mỹ Chi (album Vũ Điệu Cò Bay); những sản phẩm âm nhạc của Ngô Hồng Quang; kết hợp cải lương giữa NSND Bạch Tuyết với rapper Wowy, ca sĩ Hoàng Dũng cũng mang đến những sáng tạo độc đáo, hợp thời.

Thông qua những ứng dụng trực tuyến, âm nhạc đại chúng của Việt Nam cũng được bạn bè trên thế giới đón nhận. Khán giả thế giới có thể hát và nhảy theo See Tình của Hoàng Thuỳ Linh hay Ghen Cô Vy (Nioeh, Khắc Hưng, Min và Erik) trong những năm gần đây là một ví dụ điển hình. Nhiều ca sĩ trẻ cũng đang tham gia các chương trình lưu trú, biểu diễn tại các sự kiện âm nhạc quốc tế (dù còn cục bộ) nhưng vẫn cho thấy sức ảnh hưởng của âm nhạc ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Niềm vui của sáng tạo và thưởng thức âm nhạc còn đến từ tình yêu tổ quốc, từ chính những đồng bào ruột thịt. Những sự kiện âm nhạc vì đồng bào, như trong đại dịch Covid-19 hay gần đây, khi cơn bão Yagi đi qua miền Bắc đã chứng minh điều đó. Các nghệ sĩ, bao gồm cả ca sĩ, người làm nhạc không chỉ sáng tác, hát về tình người mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ, quyên góp. Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng (đạo diễn Việt Tú, nhà báo Trần Mai Anh, nhà văn Hoàng Anh Tú, Đoàn Phương Thảo, nhà báo Đinh Đức Hoàng, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, và nhiều thành viên tích cực khác) cũng phát động chương trình Tiếng gọi yêu thương. Mọi người có thể quyên góp bằng nhiều hình thức như tiền, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật để đấu giá…

Âm nhạc Việt Nam có một năm “thắng lớn” không chỉ ở những con số, những xu hướng trào lưu mà còn ở những người nghệ sĩ đang miệt mài sáng tạo, những tấm lòng sẻ chia. Mỗi “chiến thắng” trên con đường phát triển âm nhạc đang rộng mở đều đáng trân trọng để mạnh mẽ bước tiếp.

Bốc thăm  - Thơ Hoàng Việt Hằng

Bốc thăm - Thơ Hoàng Việt Hằng

Baovannghe.vn- Thời bao cấp bốc thăm từ cái kim cuộn chỉ/ lốp xe đạp thống nhất, phích Rạng đông
Tiếng chiêng và Ngọn lửa. Tản văn của Uông Thái Biểu

Tiếng chiêng và Ngọn lửa. Tản văn của Uông Thái Biểu

Baovannghe.vn - Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, lửa đã thắp sáng tâm linh của họ. Họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí.
Những khát vọng đổi mới trong xung đột kịch giai đoạn 1975 - 1985 dưới góc nhìn đương đại

Những khát vọng đổi mới trong xung đột kịch giai đoạn 1975 - 1985 dưới góc nhìn đương đại

Baovannghe.vn - Từ những xung đột nội tâm trên sân khấu kịch nói, có thể thấy văn học nghệ thuật 1975-1985 đã chuyển hướng khám phá chiều sâu tâm hồn con người
Dây chỉ buộc vía - Thơ Vương Anh

Dây chỉ buộc vía - Thơ Vương Anh

Baovannghe.vn- Lần lần cổ tay con cháu/ Bà tìm vòng chỉ ... còn đâu!
Thời tiết ngày 4/1/2025: Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi

Thời tiết ngày 4/1/2025: Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 4/1: Bắc Bộ trời rét. Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi.