Vì vậy, nhìn nhận Nhật ký trong tù từ không gian và thời gian Bác bị giam cầm; để càng thấy rõ Bác là lãnh tụ, là nhà thơ có trách nhiệm cao đối với đứa con tinh thần mình đẻ ra, chỉ mình xem!. Chính những bài “nhật ký”, chúng ta hiểu sâu sắc thêm tấm lòng cao cả của Bác đối với cộng đồng xã hội, một sự rèn luyện tư tưởng, rèn luyện học thuật ngay trong trại giam khắc nghiệt của kẻ thù để nuôi dưỡng khát vọng Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh!
Ngày Bác Hồ còn hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tác phẩm chính luận báo chí của Người đã có tiếng vang tầm thế giới. Trở về, sau ba mươi năm đi tìm đường cứu Nước, Bác khẳng định một thứ công cụ, có tác động lớn động viên quần chúng tham gia Mặt trận Việt Minh để đánh Tây, đuổi Nhật là báo chí cách mạng. Báo Việt Nam độc lập số 101, ngày 1-8-1941, Bác viết bài: Khuyên đồng bào mua báo “Việt Nam độc lập”: Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt, /Làm dân ta như điếc, như mù, / Làm ta dở dại dở ngu, /Biết gì việc nước biết đâu việc đời, /Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất, /Làm cho ta mở mắt mở tai,/ Cho ta biết đó biết đây, /Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian... Bác khẳng định, động viên: Ai không chịu ngu si mù tối, /Ắt phải xem báo ấy mới nên, /Giúp cho báo ấy vững bền, /Càng ngày càng lớn càng truyền khắp nơi, /Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời!.
Trên báo Việt Nam độc lập từ số 101, ngày 1-8-1941 đến số144 ngày 21-11-1942 đã đăng 16 bài thơ: Khuyên đồng bào mua báo “Việt Nam độc lập”; Việt Nam độc lập; Dân cày; Phụ nữ, Trẻ con; Công nhân; Ca binh llnh; Ca đội tự vệ; Ca sợi chỉ; Hòn đá; Con cáo và tổ ong; Nhóm lửa; Chơi giăng; Trẻ chăn trâu; Bài ca du kích và hai bài theo thể thơ thất ngôn bát cú đả kích hóm hình, sâu sắc: Tặng toàn quyền Đồ Cư; Tặng thống chế Pe Tanh. Năm 1941, Bác viết bài thơ: Mười chính sách của Việt Minh. Đặc biệt bài diễn ca: Lịch sử nước ta dài hơn 150 câu thể thơ lục bát. Như vậy trong vòng chỉ hơn một năm sau ngày Bác về nước, với công việc đầy khó khăn, chèo lái con thuyền cách mạng, chỉ riêng lĩnh vực thi ca Bác đã để lại một số lượng đáng kính, một hình thức nghệ thuật phong phú, một tư tưởng lớn hòa nhập từ đạo lý lớn có tính truyền thống của 4.000 năm dựng nước và giữ nước: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.
Đề cập những bài thơ của Bác được đăng trên báo Việt Nam độc lập, để chúng ta tìm hiểu về cuốn nhật ký Bác ghi ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch từ khoảng thời gian 29-8-1942 đến 10-9-1943 với tổng số 134 bài. Chỉ trong vòng hơn một năm Bác viết nhật ký ở trong tù, mà hơn 50 năm nay, kể từ khi Nhật ký trong tù được tìm thấy, được dịch ra tiếng Việt, một số tiếng nước ngoài, thì đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu với tấm lòng kính trọng kể cả trong nước và nước ngoài. Tôi chợt nảy ra ý nhìn nhận Nhật ký trong tù từ không gian và thời gian Bác bị giam cầm; để càng thấy rõ Bác là lãnh tụ, là nhà thơ có trách nhiệm cao cả đối với đứa con tinh thần, mình đẻ ra, chỉ mình xem! Chính những bài “nhật ký”, chúng ta hiểu sâu sắc thêm tấm lòng cao cả của Bác đối với cộng đồng xã hội, một sự rèn luyện tư tưởng, rèn luyện học thuật ngay trong trại giam khắc nghiệt của kẻ thù để nuôi dưỡng khát vọng Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh!
Mở đầu tập nhật ký: Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
Biết làm chi đây trong bối cảnh Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài. Bác đã chọn một việc làm là viết nhật ký bằng thơ từ ngôn ngữ chính thống của nước Trung Hoa. Vấn đề nảy ra, Bác không viết bằng tiếng mẹ đẻ hay tiếng Pháp. Hẳn do Bác sinh trưởng trong một gia đình vào bậc đại nho. Điều quan trọng hơn Bác chọn thứ ngôn ngữ của nước đang cầm tù Bác, dễ thổ lộ với bạn tù chăng, và có dịp nâng cao trình độ thứ tiếng của một nước có nhiều quan hệ mật thiết với Việt Nam.
Chủ đề của tập Nhật ký khá phong phú, là sự cộng hưởng tư tưởng, đề tài, đối tượng... với mục đích thông cảm, giác ngộ quần chúng, lạc quan yêu đời, vạch trần âm mưu của kẻ thù và một ước mơ cháy bỏng là giải phóng dân tộc, giải phóng đồng loại khỏi ách áp bức. Văn phong, cách viết dí dỏm, trào lộng, ví von rất điển tích dân gian. Viết ở trong tù, nhưng các bài thơ tuy qua bản dịch đã đem lại những áng thơ hay, nội dung sâu sắc.
![]() |
Nhật ký trong tù là tập thơ chữ Hán do Hồ Chí Minh sáng tác |
Với bài viết này, chỉ xin đề cập một khía cạnh ghi lại cảnh ở tù, mối quan hệ giữa các người tù và cách nhìn rõ đâu là bạn của tù nhân đang làm công việc cho kẻ thống trị. Nỗi khổ của tù nhân, chế độ hà khắc của nhà tù, tình cảm đồng loại được thể hiện rất súc tích, gắn các điển tích quen thuộc bằng thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, dí dỏm, pha chất trào lộng thâm thúy nhẹ nhàng, người đọc dễ tiếp thu. Sự hà khắc của nhà tù, nỗi thống khổ của tù nhân có sự lay động sâu sắc tới bạn đọc bởi chất bi hài đan cài. Cái cùm: Được cùm chân mới yên bề ngủ,/ Không được cùm chân ngủ ở đâu?; Dây trói: Rồng quấn vòng quanh chân với tay/ Trông như quan võ đủ tua, đai. Tính kịch được đẩy lên cao độ: Tua đai quan võ bằng kim tuyến/ Tua của ta là một cuộn gai. Thiên nhiên là nguồn cảm hứng, vượt qua cảnh hà khắc bị giải trên đường. Mặc dù bị trói chân tay/ Chim kêu rộn núi, hương bay ngát rừng... Một sự đặc tả có tính tố cáo so sánh: Khiêng lợn, lính canh đi một lối/ Ta thì người dắt, lợn người khiêng/ Con người coi rẻ hơn con lợn/ Chỉ tại người không có chủ quyền.
Cuộc sống trong lao tù được Bác ghi lại ở nhiều đối tượng khác nhau nhằm tố cáo chế độ lao tù hà khắc, sự đồng cảm của đồng cảnh ngộ, phân rõ bạn, thù ngay trong bộ máy thống trị. Đặc biệt, xen vào sự khổ ải là niềm tin về cuộc sống để hướng tới tương lai. Những thông điệp ấy, nhật ký của Bác viết muốn san sẻ động viên với bạn tù. Chất trào lộng càng sắc bén đồng lạng đồng cân ở hai yếu tố: tố cáo kẻ thù - động viên tù nhân vượt qua khổ ải để tìm đến chân trời tự do!
Tác giả đã nhân hóa hiện tượng ghẻ lở do không được tắm giặt: Ghẻ lở đầy mình như hoa gấm/ Sột soạt luôn tay tựa gẩy đàn/ Mặc gấm, bạn tù đều khách quý/ Gảy đàn trong ngục thảy tri âm. Khách quý. Tri âm phải từ đạo lý khối đại đoàn kết quần chúng. Chút “thi vị” để mà yêu đời: "Đôi ngựa" ngày đi chẳng mỏi chân/ Món gà “năm vị”, tối thường ăn/ Thừa cơ rét, rệp xông vào đánh/ Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần" (Đêm ngủ ở Long Tuyền). Một cách so sánh có thực tạo nên nghịch lý: Nhà lao xây dựng kiểu tân thời/ Đèn điện thâu đêm sáng rực trời. Nhưng: Mỗi bữa ăn lưng bát cháo/ Cho nên cái bụng cứ rung hoài...
Một đề tài nhật ký đề cập là nỗi thống khổ của người tù thể hiện trực tiếp hay gián tiếp: Gia quyến người bị bắt lính; Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng... Tiếng khóc của cháu bé: Oa...! Oa…! Oaa...!/ Cha sợ sung quân cứu nước nhà/ Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/ Phải theo mẹ đến ở nhà pha. Sự so sánh, nâng kịch tính tố cáo: Di, Tề chẳng ăn gạo nhà Chu, Tù bạc chẳng ăn cháo nhà nước/ Di, Tề chết đói ngàn Thú Dương/ Cờ bạc chết đói trong tù ngục. Ở trong tù, Bác cũng nhận rõ bản chất của con người, tốt xấu do sự giáo dục mà nên. Bác nhận rõ cái tốt, khát khao cuộc sống của tù nhân từ Tiếng sáo của người tù; Chiều hôm; Buổi trưa... Bác đã để lại thiện cảm của các bạn tù: “Cùng hội cùng thuyền nên phải giúp,/ Viết thay báo cáo dám từ nan/ “Chiểu theo", thừa lệnh" nay vừa học./ Đã được bao lời bạn cảm ơn".
Ngay trong hàng ngũ của kẻ thống trị, bác nhận rõ người tốt để cảm ơn, giúp bạn tù nhận rõ ai là thù ai là bạn. Đó cũng chính là bài học vận động cách mạng, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế: Khoa viên họ Trần tới thăm; Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách. Kết thúc cuốn Nhật ký bài - Kết luận: Sáng suốt, nhờ ơn Hầu chủ nhiệm / Tự do trở lại với mình rồi / Ngục trung nhật ký từ đây dứt,/ Tái tạo ơn sâu, cảm tạ người.
Viết đến đây, tôi chợt nảy ra một giả thử. Đó là tập Nhật ký trong tù không được phát hiện và dịch ra tiếng Việt, thì số phận những viên ngọc quý đó sẽ ra sao. Tôi cũng như nhiều người có thể trả lời rằng, những viên ngọc quý đó đã phản ánh trách nhiệm của người cộng sản trước cộng đồng quần chúng, trước sự khao khát của Bác là nước được độc lập, dân được ấm no hạnh phúc. Khát vọng ấy của Bác không có biên giới. Một cách nhìn viên ngọc quý, đó là trách nhiệm của người viết dù không đăng báo đi chăng nữa thì tác phẩm dù mình viết mình đọc cũng phải đáp ứng giá trị chân - thiện - mỹ. Nhật ký trong tù là một phần di sản văn hóa quan trọng của Người, tạo nên Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, Nhà văn hóa kiệt xuất thế giới.