Diễn đàn lý luận

Đôi điều suy ngẫm về sưu tầm và giới thiệu bản dịch “Nhật ký trong tù”

Quế Võ
Lý luận phê bình
09:13 | 02/09/2024
Baovannghe.vn - Trong khối di sản văn hóa tinh thần mà chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Nhật ký trong tù là một di sản hết sức đặc biệt
aa

Trong khối di sản văn hóa tinh thần mà chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, đã được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam[1], gồm: Đường cách mệnh, Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù là một di sản hết sức đặc biệt.

Nhật ký trong tù “viết cho riêng mình”, nhưng là một tác phẩm văn học có giá trị đặc biệt về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, là “bức chân dung tự họa” hết sức rõ nét về vị lãnh tụ, nhà văn hóa, người nghệ sĩ Hồ Chí Minh[2]. Bởi vậy, kể từ khi công chúng được biết đến vào năm 1960, theo tìm hiểu của tôi cho đến nay chưa có tác phẩm văn học Việt Nam nào được in, phát hành và phổ biến rộng rãi như Nhật ký trong tù bằng chữ Quốc Ngữ.

Cũng vào năm 1960, không lâu sau khi bản dịch chữ Quốc Ngữ được xuất bản ở Hà Nội, một bản Ngục trung nhật ký bằng chữ Hán cũng được xuất bản ở Bắc Kinh. Đồng thời, trong năm đó bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Nga (Тюремный дневник) cũng được xuất bản ở Moscow và bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Pháp (Journal de prison) được xuất bản ở Hà Nội. Như vậy, có lẽ cho đến nay chưa có tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch ra tiếng nước ngoài sớm sau khi được xuất bản như vậy.

Trong vòng 64 năm qua Nhật ký trong tù tiếp tục được dịch ra nhiều thứ tiếng khác, được xuất bản lại ở nhiều nước trên thế giới và trở thành tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất. Thế nhưng, cho đến giờ câu hỏi Nhật ký trong tù đã được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng và xuất bản ở bao nhiêu quốc gia vẫn chưa được biết đến một cách thống nhất giữa các nhà sưu tầm, nghiên cứu.

Theo những công bố mà tôi đọc được, phần lớn các bài viết đề cập đến vấn đề này đều có chung nhận định: Nhật ký trong tù đã được dịch ra “hàng chục tiếng nước ngoài”, đã được in ở “hàng chục quốc gia”. Một số ít tác giả có đưa ra số lượng và kể tên các ngôn ngữ đã có bản dịch, song số lượng giữa các tác giả không thống nhất, ngay cả trong cùng một thời gian. Chẳng hạn, số lượng được đưa ra ít nhất là 11 (vào năm 2013) và nhiều nhất là 25 (từ năm 2007)[3]. Gần đây nhất, tại Hội thảo khoa học “80 năm Nhật ký trong tù - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng” do Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tháng 8/2023, Nhật ký trong tù được cho là đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng (trong đó chắc kể cả chữ Quốc Ngữ)[4].

Như vậy, số liệu về “Nhật ký trong tù” được dịch ra tiếng nước ngoài vẫn ở tình trạng mà dịch giả Thúy Toàn, người quan tâm và dành nhiều thời gian nhất cho chủ đề này, từng viết từ năm 2013: “Kể ra con số bản dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như số nơi mà tác phẩm của Người được xuất bản, cho đến nay còn chưa được tìm hiểu đầy đủ, chính xác”[5].

Trong các thống kê trên, có điều cần lưu ý: một số tác giả, như Lê Hồng Hà (Bảo tàng Hồ Chí Minh)[6] hay dịch giả Thúy Toàn, xếp bản Ngục trung nhật ký in ở Trung Quốc vào bản dịch tiếng nước ngoài là không thỏa đáng. Bởi lẽ đó chỉ là bản in của nguyên bản tác phẩm bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh. Theo tìm hiểu và sưu tầm của chúng tôi, đến nay (2024) Nhật ký trong tù đã được dịch ra ít nhất 37 ngôn ngữ/ chữ viết nước ngoài, không kể bản dịch chữ Quốc Ngữ và bản tiếng Tày - Nùng. Như vậy, so với con số 25 bản dịch (thật ra chỉ 24, nếu không kể bản chữ Hán in ở Trung Quốc), có 8 ngôn ngữ đã có bản dịch chưa được biết đến ở Việt Nam. Còn số bản dịch chưa được biết thì nhiều hơn.

Đôi điều suy ngẫm về sưu tầm và giới thiệu bản dịch “Nhật ký trong tù”
Một số bản dịch NKTT chưa được sưu tầm, giới thiệu (Ảnh: VXQ)

Việc nghiên cứu, giới thiệu các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài theo tôi cũng chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam so với bản dịch chữ Quốc Ngữ. Phần lớn các bài viết chỉ kể tên ngôn ngữ đã có bản dịch mà không cho biết những thông tin cụ thể: tên bản dịch, tên dịch giả, nhà xuất bản, số lượng bài thơ được dịch hay số trang in. Vì thế người đọc không có được thông tin cần thiết để có thể hình dung và tìm hiểu về bản dịch, nếu muốn.

Một số bài viết có đề cập đến các thông tin này nhưng cũng còn sơ sài, thiếu chính xác, thậm chí sai. Chẳng hạn: Bản dịch tiếng Tây Ban Nha do Feliz Pita Rodriguez dịch, nhà xuất bản Editorial Arte y Literatura (Văn học và Nghệ thuật) ở La habana xuất bản lần đầu năm 1970 trong Cocuyo Colection chứ không phải nhà xuất bản “Lahabana Cuba, năm 1969” như giới thiệu trong Nội san của Bảo tàng Hồ Chí Minh, hay “nhà xuất bản Coleccion del Sur” như tác giả Sông Thương từng viết. Còn bản dịch được giới thiệu là “Bản tiếng Dân tộc miền Nam Liên Xô (cũ)” trên Nội san của bảo tàng Hồ Chí Minh chính là bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng Basque[7].

Hiện một số thông tin thiếu chính xác không được đính chính nên bị/được lặp lại nhiều lần với nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau. Không ít người đã viết rằng người đầu tiên dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Pháp là Phan Nhuận, song sự thực bản Nhật ký trong tù bằng tiếng Pháp đầu tiên là do Đặng Thế Bính, Lê Văn Chất, Vũ Quý Vị và G.Boudarel dịch xuất bản năm 1960. Lại nữa, đến nay vẫn còn một số bài báo viết rằng Phan Nhuận “tình nguyện vào ngục Bastille” để dịch Nhật ký trong tù, trong khi thực sự vào năm 1963 Phan Nhuận chỉ viết ông “đã dịch phần lớn những bài thơ của cụ Hồ Chí Minh trong nhà lao Xăng tê là nơi mà vì công việc nghề nghiệp tôi thường lui tới”. Điều này đã được dịch giả Nam Trân dịch và công bố năm 1964[8].

Trong số các bản dịch Nhật ký trong tù tiếng nước ngoài, phải nói rằng bản dịch tiếng Anh Prison Diary và dịch giả Aileen Palmer được biết đến nhiều nhất. Thế nhưng, Palmer đã dịch Prison Diary từ tiếng gì và ở đâu? Suốt một thời gian dài, nhiều người dẫn theo dịch giả Thúy Toàn, rằng Aileen Palmer là một trong những người Australia sang giúp Việt Nam sau năm 1954[9]. Nhưng mới đây, qua cuốn sách của tác giả Sylvia Martin[10], chúng ta được biết Aileen Palmer chưa từng đến Việt Nam và bà dịch Prison Diary từ bản dịch nghĩa đen từ tiếng Anh qua một người bạn là Malcolm Salmon[11].

Những sai sót cứ được lặp lại kiểu như vậy rất nhiều, khó có thể kể hết.

Nhật ký trong tù đến với công chúng Việt Nam và được dịch ra tiếng nước ngoài đã hơn 6 thập kỷ, thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cũng như những ai quan tâm đến “bảo vật quốc gia” này cần chú ý hơn tới việc sưu tầm, giới thiệu các bản dịch tiếng nước ngoài. Việc làm này giúp chúng ta, những người Việt Nam hiểu thêm về Hồ Chí Minh qua cái nhìn khách quan, ít thiên kiến hơn từ bên ngoài. Qua những lời giới thiệu của các dịch giả, chúng ta biết được vì sao họ thích và dịch Nhật ký trong tù ra ngôn ngữ của mình.

“Tôi dịch Nhật ký trong tù vì đây là những bài thơ hay. Bởi vì tôi ngưỡng mộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, ngưỡng mộ cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường của ông cho tự do của dân tộc.” Đó là lời của nhà thơ “huyền thoại” Phần Lan Pentti Saarikoski, dịch giả Nhật ký trong tù tiếng Phần Lan The poliittinen runot (Những vần thơ chính trị) viết “Vào ngày tang lễ Hồ Chí Minh 10/9/1969” trong “Lời nói đầu” và được in cả ở bìa 4 của bản dịch.

Còn đây là những nhận xét trong bài viết "The Poet Ho" của Jenner, William J. F trong tờ tuần báo về Văn học của Anh The Times Literary Supplement, năm 1965 qua bản dịch Prison Diary: “Hồ Chí Minh phản ứng với việc bị mất tự do của mình bằng sự hài hước, giễu cợt nhẹ nhàng trước cảnh ngộ cực khổ của chính mình và cảm thông với những người bạn tù. Không có sự anh hùng, chỉ đôi khi có sự mệt mỏi và chán nản. “Rụng một chiếc răng” là một ví dụ điển hình cho cái nhìn của ông. Thật khó tưởng tượng Mao Trạch Đông viết bài nào đó tương tự như bài “Ghẻ lở”. Sự nghiệp dư và khiêm nhường của các bài thơ đã khiến chúng trở thành những lời tuyên truyền thuyết phục nhất…”

Đã đến lúc cần xây dựng một ngân hàng dữ liệu về các bản dịch Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài nói riêng cũng như các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài nói chung, như một số quốc gia đã làm[12]. Với sự phát triển của các phương tiện công nghệ như ngày nay, việc làm này hoàn toàn có thể thực hiện được. Thiển nghĩ các cơ quan chuyên trách như Bảo tàng Hồ Chí Minh hay Hội Nhà văn, cụ thể là Ban văn học dịch có thể tranh thủ sự hợp tác giúp đỡ của các cơ quan đại diện Việt Nam cũng như các cá nhân người Việt ở nước ngoài để triển khai việc đó.

Một việc có thể làm sớm, thiết thực nhân 65 năm Nhật ký trong tù được dịch và xuất bản ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, theo tôi, là kết nối với các dịch giả hiện còn sống (không còn nhiều lắm), trong số đó có hai dịch giả sắp bước vào tuổi 80, để có những ứng xử nhân văn với những người đã đem “bảo vật quốc gia” của Việt Nam đến với người nước ngoài[13]. Đó là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp theo truyền thống quý báu của người Việt Nam.

Võ Xuân Quế

* Bài viết thể hiện cách nhìn và quan điểm của tác giả.


[1] Cục Di sản Văn hóa, Bảo vật quốc gia (https://dsvh.gov.vn/bao-vat-quoc-gia-1758)

[2] Thanh Hằng, Tọa đàm “70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch”: Tính nhân văn và sức sáng tạo làm nên giá trị trường tồn (https://cand.com.vn/van-hoa/Toa-dam-70-nam-tac-pham-Nhat-ky-trong-tu-cua-Ho-Chu-tich-Tinh-nhan-van-va-suc-sang-tao-lam-nen-gia-tri-truong-ton-i238405/

[3] Xem: Võ Xuân Quế, Bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Phần Lan chưa được biết đến? https://kinhtedothi.vn/ban-dich-nhat-ky-trong-tu-bang-tieng-phan-lan-chua-duoc-biet-den.html

[4] https://tuoitre.vn/khang-dinh-vai-tro-to-lon-cua-bao-vat-quoc-gia-nhat-ky-trong-tu-20230818191216087.htm

[5] Thúy Toàn, Sức lan tỏa của Nhật ký trong tù, Tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ, đăng ngày 10/17/2013 & sách: Thúy Toàn, Sức lan tỏa của thi ca và cuộc đời Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, 2014;

[6] Lê Hồng Hà, Sưu tập sách Nhật ký trong tù: Bản dịch và xuất bản ở nước ngoài, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thông tin-Tư liệu, Nội san, số 22-2008

[7] Võ Xuân Quế, “Nhật ký trong tù” và bản dịch được một tù nhân dịch trong tù, Văn Nghệ Công an, số 698 (798) từ ngày 14/3 đến 21/3/2024. & Báo Công An Nhân Dân online (https://cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nhat-ky-trong-tu-va-ban-dich-duoc-mot-tu-nhan-dich-trong-tu-i725361/)

[8] Phan Nhuận, Vài lời về dịch, Nam Trân (dịch), Tạp chí Văn học số 5-1964, tr.9-14,

[9] Thúy Toàn, Đi tìm tác giả những bản dịch"Nhật ký trong tù" sang tiếng Anh (https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Di-tim-tac-gia-nhung-ban-dichNhat-ky-trong-tu-sang-tieng-Anh-i326409/)

[10] Sylvia Martin, Ink in her veins: the troubled life of Aileen Palmer, UWAP Publishing 2016.

[11] Võ Xuân Quế, Những điều chưa biết về bản dịch Nhật ký trong tù tiếng Anh đầu tiên và người dịch, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 1037, 20/05/2024.

[12] Chẳng hạn Hội Văn học Phần Lan có một ngân hàng dữ liệu các tác phẩm văn học dịch của Phần Lan từ năm 1839 đến nay (http://dbgw.finlit.fi/kaannokset/esittely.php?lang=ENG).

[13] Chúng tôi hiện kết nối được với 5 dịch giả của các bản dịch hiện còn sống ở Ấn Độ, Anh, Sri Lanka, Bangladesh.

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bác Hồ với thơ tứ tuyệt Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận tranh "Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập" Luôn có ánh mắt Bác Hồ dõi theo… Một cuốn sách quý viết về Bác Hồ Bác Hồ với văn học dân gian
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.