2001 đến 2021 là hai thập kỷ. Đây là khoảng thời gian Đà Nẵng có những thay đổi lớn lao. Nếu ai đó đến Đà Nẵng 20 năm trước và giờ mới trở lại, họ sẽ hầu như không nhìn thấy dấu vết của thành phố của 20 năm về trước.
Bên bờ đại dương giờ là một thành phố khác: hiện đại và tráng lệ. Khi đêm xuống, bạn tắt hết đèn của thành phố ấy đi, sẽ có một thứ trùm lên cảm xúc và suy tư của bạn, đó là tiếng sóng đại dương. Sóng là tiếng nói của đại dương sâu thẳm và rộng lớn mà ta chưa thể nào đi hết, hiểu hết. Ngày lại ngày, đêm lại đêm, những con sóng thay nhau dội vào bờ kể cho chúng ta biết bao câu chuyện của đại dương thẳm sâu và rộng lớn ấy. Và tôi nghĩ, văn chương Đà Nẵng trong tập tuyển này giống như những tiếng sóng lớp này đến lớp khác kể cho chúng ta bao câu chuyện và bao bí mật của đại dương đời sống...
Tất cả những nhà thơ xuất hiện trong tập tuyển này tôi đều đã đọc họ từ trước cho dù người đọc nhiều, người đọc ít. Đấy là những nhà thơ đã làm nên chân dung thơ ca Đà Nẵng và làm nên một phần quan trọng của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Các nhà thơ trong tuyển thơ văn được giải thưởng của Đà Nẵng trong 20 năm qua đã tạo ra con đường thơ ca đầy sống động, đa dạng và mang chiều sâu triết lý. Từ nhà thơ Lưu Trùng Dương đến Thanh Quế, Ngân Vịnh đến Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nho Khiêm rồi Nguyễn Kim Huy, Hồ Sĩ Bình, Đinh Thị Như Thúy, Trần Tuấn và những tên tuổi khác... Điểm chung mà các nhà thơ Đà Nẵng là dựng lên đời sống con người ở vùng đất này và dựng lên đời sống tư duy sâu sắc về Cái Đẹp. Nhưng mỗi nhà thơ đã mang tới một giọng nói riêng biệt. Những giọng nói riêng biệt ấy đã làm lên vẻ đẹp thơ ca. Và đấy chính là thơ ca. Bởi thơ ca không phụ thuộc vào một hình thức, một cách nói nào duy nhất để sinh ra.
Nếu Lưu Trùng Dương với những ngôn từ giản dị, cảm xúc chân thành, hiện thực rõ ràng thì Nguyễn Ngọc Hạnh lại chìm trong suy tưởng đầy tính biểu tượng về những giá trị nhân văn ẩn sâu dưới bề mặt đời sống ngày ngày. Nếu Thanh Quế ngắn gọn, xúc tích, có tính giễu nhại và nhiều đau đớn thì Hồ Sĩ Bình lại tạo nên cái bàng bạc, xa xôi trong những dày vò muôn thuở. Nếu Ngân Vịnh dạt dào, mãnh liệt và ngập tràn thương nhớ thì Đinh Thị Như Thúy lại mong manh, tinh khiết với những nỗi buồn lộng lẫy. Nếu Nguyễn Nho Khiêm với những câu thơ dân dã, hoang mang, và lặng lẽ tụ hương như quả chín thì Trần Tuấn lại đầy “ma thuật” trong ngôn từ, cấu trúc và bùng nổ trong khám phá thi ca và đời sống mang tính triết lý. Nếu Nguyễn Kim Huy chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong triển khai con đường của một bài thơ bằng những hình ảnh đẹp và ngôn từ tinh tế thì Nguyễn Nhã Tiên lại thâm trầm tạo ra những khoảng lặng đầy suy tư. Rồi các nhà thơ khác trong tập tuyển này như Phan Hoàng Phương, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Văn Tám, Trần Trúc Tâm, Nguyễn Hoàng Thọ, Hoàng Tư Thiện, Phụng Lam, Hoàng Thanh Thụy... mỗi người mang đến một vẻ đẹp thơ ca và những tầng lớp khác nhau của triết lý nhân sinh. Tất cả những nhà thơ trong tuyển tập này đều nhìn thấy cái vô hạn của vũ trụ và cái hữu hạn của kiếp người. Họ đã làm mờ đi mọi ranh giới thông thường của địa lý và thời gian để tạo ra sự mênh mông của cảm xúc, sự đa nghĩa của ngôn từ, sự biến đổi của thi pháp và tạo nên những tầng lớp triết lý nhân sinh.
Sự hiện diện trong phần văn xuôi của các tác giả Bùi Công Dụng, Nguyễn Thị Anh Đào, Đỗ Văn Đồng, Quế Hương, Lê Khôi, Thu Loan, Đà Linh, Thái Bá Lợi, Bùi Tự Lực, Hoàng Minh Nhân, Nguyễn Đông Nhật, Phạm Phát, Vĩnh Quyền, Trần Trung Sáng, Nguyễn Thị Thu Sương, Bùi Văn Tiếng, Trương Điện Thắng, Nguyễn Văn Xuân, Đoàn Xoa lại mang đến cái rộng lớn và đồ sộ của đời sống và sáng tạo. Các nhà văn trong tuyển này đã làm nên một đội ngũ hùng hậu. Một số nhà văn trong tuyền tập này đã nhận những giải thưởng uy tín và danh giá của văn học Việt Nam như giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hội Nhà văn và các giải thưởng khác. Cũng như thơ, các nhà văn Đà Nẵng có mặt ở đây đã dựng lên một phần rất quan trọng của lịch sử văn học không chỉ của Đà Nẵng mà của nền văn học Việt Nam.
Đọc những trang văn xuôi trong tuyển tập là tôi đã đi qua một thời gian dài về những gì đã và đang diễn ra trên mảnh đất này. Một người chạy xe ôm, một lính Mỹ trở lại chiến trường Việt Nam, một người không có căn cước, một cậu bé mồ côi trở thành một sỹ quan quân đội, một kẻ dùng mưu mô giành quyền lực khi chết mới nhận ra giá trị đích thực của cuộc đời, một người giúp việc chăm sóc cho một cậu con nhà giàu, những câu chuyện về một triều Vua, một người phụ nữ xưa danh giá, những kẻ điên khùng nhiều nghĩa trong cuộc sống mưu sinh, tranh giành lợi ích, chuyện về một chó hoang nhưng để nói về thế giới người, những câu chuyện về một thời chiến tranh tàn khốc và giá trị làm người, một người tí hon trong rạp xiếc, về con sông Hàn nổi tiếng và sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, về những người Đà Nẵng sống ở xứ người, về những khoảnh khắc kỳ diệu của đời sống đi qua và có nguy cơ biến mất…
Mỗi chương tiểu thuyết, mỗi truyện ngắn, mỗi ghi chép, mỗi tản văn mà các nhà văn đã kể lại bằng sự sáng tạo khác biệt của mình đã cho người đọc thấy được một Đà Nẵng ở bên trong những ngôi nhà. Hay nói cách khác là một Đà Nẵng của những số phận người khác nhau, của những thăng trầm và những biến cố của lịch sử và của thời đại. Biết bao câu chuyện và bao số phận mà nếu không có nhà văn thì người đọc không bao giờ biết được. Biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống ẩn chứa trong những chuyện thường nhật được hiển lộ bởi quyền năng của văn học. Đời sống rộng lớn và thẳm sâu như biển cả. Và tôi vẫn nghĩ các nhà văn Đà Nẵng là những con sóng bền bỉ kể về đại dương vô tận của đời sống ấy. Cho dù cuộc sống có bao chuyện đau buồn trong những năm chiến tranh, sau chiến tranh, trong đời sống thường nhật trong hòa bình với những phức tạp và khắc nghiệt thậm chí cả nỗi tuyệt vọng đâu đó thì bến bờ cuối cùng mà mỗi tác phẩm trong tuyển này đều tìm đến là sự công bằng, tình yêu thương đồng loại, những vẻ đẹp kỳ vĩ của đời sống và những giấc mơ làm người chân chính. Mỗi tác phẩm đều mang đến những vẻ đẹp của thể loại và nhiều đột phá trong cấu trúc và xây dựng nhân vật.
Bạn hãy ngồi trong đêm để nghe những lớp sóng đại dương dội vào bờ, bạn sẽ thấy đại dương mênh mông hơn, sâu thẳm hơn. Cũng như bạn hãy đọc từng tác phẩm trong tập tuyển này và hãy lắng nghe. Bạn sẽ thấy vẻ đẹp của ngôn từ, của những hình ảnh sáng tạo, của những biểu tượng đẹp đẽ, của những triết lý sâu sắc trong sáng tạo thể loại hiện ra từ mỗi bài thơ, mỗi truyện ngắn, mỗi chương tiểu thuyết, mỗi ghi chép, mỗi tản văn cùng những vẻ đẹp NGƯỜI đang bị chôn vùi thức dậy. Tất cả những điều đó làm lên con đường của văn học, con đường của ý nghĩa sống. Xin cám ơn các nhà văn, nhà thơ Đà Nẵng đã hiện diện ở đây.
_______
* Tác phẩm văn học đoạt giải 2001–2021 của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng
Nguyễn Quang Thiều
Nguồn Văn nghệ số 14/2023