Cuối Chạp. Mưa dầm dề cả nửa tháng. Thứ mưa phùn dai dẳng, buồn lê thê. Gió bắc rét căm căm. Cái lạnh âm ỉ ngấm vào người đi đường một cách tê tái, buốt nhói. Ở quê, không gian trống trải nên càng thấy rõ điều đó hơn. Người làng vẫn đi làm đồng, lầm lũi những cái bóng trên khu ruộng trơ sá cày. Nhiều người đi nhặt rạ rơm sót lại sau vụ gặt, người vạc bờ, cuốc góc ruộng sẵn đi chờ đổ ải là cày cấy. Các chị choai choai đi nhổ rau dại về cho lợn trên khu ruộng hành tỏi vừa mới dỡ. Mùi dọc hành gặp mưa nẫu ra hăng nồng khắp cánh đồng. Quà cho các chị là mấy nắm rau khúc màu trắng bạc mang về làm bánh. Lũ trẻ thì dong trâu bò ra bãi cỏ ven làng rồi túm lại bên bụi tre già trú mưa, tìm cây que đốt lửa sưởi ấm. Con đò còi cọc vẫn cần mẫn sang sông, dường như không bận tâm mưa gió. Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 phiên đều đặn. Chở đò là ông lão người gầy gò, đen đúa.
Ông già đội cái nón cũ, sẵn sàng chống sào đẩy đò chở người làng. Có hôm gió to, nước lên, ông phải cho đò ngược bến một đoạn xa rồi chèo sang, tính sao để đò vừa tự trôi theo chiều gió, vừa đi theo nhịp tay chèo cập đúng cái bến của bờ bên kia. Nhiều hôm nhìn từ đê xuống, con đò không khác gì chiếc lá đang chao lên trong gió. Mưa quất xuống mặt sông, phủ bụi chồng chồng lớp lớp lên mái đò (mà đò chỉ có mái che chỗ ông lão ngồi mỗi khi nghỉ chèo) khiến người ta có cảm giác con đò đang đi trong hư ảo. Cảnh vật ướt đẫm. Tiếng nước sông vỗ mạn đò như tiếng gọi cá của ông Thần sông trong truyền thuyết. Vừa xôn xao, dồn dập vừa xa xôi mơ hồ. Ông lão chở đò im lặng. Chừng bốn năm người đàn bà ngồi túm vào nhau tránh rét. Chợt nghĩ, nếu chẳng may chiếc lá kia lật xuống, không biết rồi ra sao... Tôi không bao giờ cho phép mình hình dung điều đó.
Mẹ tôi là một trong những người đàn bà đi đò ấy. Mẹ luôn đi từ mờ đất, gánh hai thúng gạo đầy sang chợ bán. Mẹ vừa làm ruộng vừa làm hàng xáo lấy cám nuôi lợn, kiếm gạo nuôi cả nhà. Đồng lương giáo viên của bố tôi không kham nổi chuyện học hành, ăn uống cho bốn đứa con giữa thời bao cấp đói kém. Mãi sau này tôi mới nhận ra những cuốn sách chị em tôi đọc thời đó được mua bằng đồng tiền mặn chát nước mắt, mồ hôi của cha mẹ mình. Trưa. Bến sông cô tịch. Cả vùng trời mênh mông xám ngoét. Chuyến đò trở về làng chở đầy mưa và hai người đàn bà ngồi co ro trong gió bấc. Chị Tuần cùng làng là bạn buôn của mẹ. Phía trước họ là lũ trẻ con đang hau háu chờ quà mẹ và cái Tết Nguyên đán đang sầm sập đến. Hai người đàn bà cố thu mình trong chiếc áo mưa rẻ tiền cho đỡ lạnh, mắt nhìn vào mấy nắm bỏng mật trong lòng thúng nghĩ đến lũ nhóc, dù bụng đói meo.
Đò cập bến, hai đôi quang gánh đi như trôi trên bờ đê, hai cái bóng xiêu đi vì gió mưa. Hai đôi chân trần tím tái. Mãi sau này mẹ mới đi giày vải. Có hôm mưa rét quá, cả làng không ai ra khỏi nhà, chị Tuần nghỉ chợ, chuyến đò về làng chỉ chở mình mẹ tôi và... mưa. Không biết mẹ đã nghĩ gì khi ngồi trong lòng đò với cả trời mưa trước mắt nhỉ? Mẹ không biết bơi mà sao dám đi đò nhiều thế - đã có lúc tôi thầm hỏi vậy. Lớn lên mới hiểu rằng, vì con mình mà mẹ có thể làm mọi thứ. Đơn giản vì mẹ là Người Mẹ. Có lúc rảnh rỗi mẹ tôi đã kể, nhìn mưa mù mịt trên sông chợt nghĩ đến dòng sông Vong Xuyên mà Mạnh Bà đứng đợi linh hồn để cho uống bát canh quên lãng trong truyện cổ đã thấy sợ sợ, nhưng chắc Trời Phật thương cho đi chợ kiếm cơm nuôi bốn đứa con, đâu dễ mà đắm đò. Mẹ tôi cả đời tin vào chuyện “Trời có mắt”, “có phúc khắc có phần” nên vô tư, thiện lành đi qua bao khổ nạn, tai ương.
Vào lúc chị em tôi vẫn trong chăn mẹ đã thắp đèn (mãi sau những năm 1990 làng tôi mới có điện) để sắp sửa hàng đi bán. Bố dậy sớm nấu ăn sáng và đun nước rửa mặt cho cả nhà. Bố mẹ hay nói chuyện với nhau về văn chương, dứt chuyện là mẹ đi chợ, có hôm không kịp ăn gì. Con đò đợi sẵn ngoài bến sông. Nó đã quá quen những người đi sớm nhất. Tiếng xích sắt khua loảng xoảng khi người lái đò nhảy lên bờ sông neo đò cho khách lên. Nước kêu lóp bóp lóp bóp ngay mũi đò. Loáng cái, mấy bóng người đã ra đến giữa sông, tan dần vào mưa phùn như đi vào thế giới liêu trai.
Chúng tôi ở nhà trông nhau và đợi mẹ về dưới gốc cây nhằm nhặm ngoài cổng. Từ đó có thể nhìn ra tận đê, mùa mưa lũ còn nhìn thấy cả cánh buồm trôi trên sông. Cây nhằm nhặm to như cây hồng ăn quả, hoa nhằm nhặm cánh trắng nhị vàng như hoa chè nhưng thơm như hoa đại. Bây giờ ở quê không thấy cây hoa này nữa. Cánh buồm nâu trên sông cũng đã đi đâu mất từ khi nào không rõ. Chưa từng có món gì ngon bằng mấy nắm bỏng mật mẹ mang về. Ngọt và thơm mãi. Tôi nhìn thấy những ngón tay mẹ tím tái vì mưa rét.
Có hôm trời hửng, tôi theo mẹ đi chợ. Đò đông. Những người đàn bà trong làng gánh hành tỏi, rau củ, gà vịt đi chợ bán sắm Tết nói cười xi xao. Chợ tan họ về sớm hết, mẹ và tôi về cuối cùng. Tôi ngồi thụp xuống lòng đò, ghé mắt sát mép đò để nhìn sang hai bờ sông. Quá kinh ngạc. Một thế giới hoàn toàn khác hiện ra. Hai bên triền sông hoa cải nở bạt ngàn, vàng rực rỡ, đẹp như trong tranh vẽ. Thảm vàng trải dài như chạm tới chân trời, sát gần mây cao. Ngay dưới là dòng sông im như lụa phẳng. Tôi chỉ sợ, nếu nhắm mắt lại, hay ngẩng lên là vẻ đẹp như không có thật ấy biến mất… “Này, bé con, ngồi hẳn hoi lên, ngã chết đuối đấy”- tiếng ông lão làm tôi giật mình. Hai thảm hoa và dòng sông may quá, còn trong ký ức tôi. Tôi ngồi dựa vào gối mẹ kêu đói. Mẹ lại cho ăn trước cái bánh rán mật.
Không biết bao ngày như vậy qua đi, có một ngày mưa, đò không chở khách. Ông lão lái đò bơi giỏi nhất vùng bị đuối nước. Nhiều đồn đoán về sự ra đi của ông - một người hiền lành, ít nói. Tôi thì nghĩ chắc ông đã bỏ sức cứu một ai đó dưới lòng sông không thành.
Từ đó, con trai ông chở đò, nhưng ngày mưa, đàn bà làng tôi ít đi chợ hơn. Mẹ tôi cũng không đi vào những ngày bão bùng mưa gió nữa. Mỗi áp Tết, lúc mưa phùn trút xuống, tôi đều ra đứng bên bờ sông để nhìn xem thế giới hư ảo ngày xưa và hoa cải có còn không. Mẹ tôi cười bảo, chuyện mới đó mà như rất xa rồi, giờ đò máy đi lại dễ dàng, cách đó vài cây số đã có cầu Bến Tuần sang sông.
Nỗi nhớ về những chuyến đò mưa luôn làm tôi cay mắt, cồn cào. Gặp đâu đó con đò lẻ loi sang bến, tôi lại nhớ những người đàn bà lam lũ quê mình, nhớ mẹ ngồi co ro trong mưa rét trên đò, canh mấy món quà cho chị em tôi. Điều đó như nốt nhạc trầm trong bản nhạc cuộc đời. Thiếu nốt trầm đó, bản nhạc chẳng còn sâu lắng. Cảm giác như mỗi ngày, tôi đều được đón nhận một món quà từ ký ức của mình.
Quả thật, tôi vẫn gặp hoa cải miên man nở sáng cả mặt sông và những chuyến đò của ông lão chở đầy mưa trong những giấc mơ.
Tranh: Hà Vũ Trọng |