Sáng tác

Tam tòa chiều nay mưa bay bay… Tản văn của Lê Hà Ngân

Lê Hà Ngân
Tản văn
11:28 | 18/12/2024
Baovannghe.vn - Con đò nhỏ ngày xưa giờ đã rộng và vững chãi như phà, con đường lồi lõm ngày xưa giờ đã êm như lụa, nhưng sao vẫn nhớ tiếng bê non khát sữa gọi mẹ ngơ ngác trên cánh đồng.
aa

Tam tòa chiều nay mưa bay bay… Tản văn của Lê Hà Ngân

Mưa phùn làm bầu trời xám đục, rét se sắt. Bến sông trở gió, bàng bạc như khói phủ, nhìn con đò thiu ngủ bên mép sóng, mình lại nao lòng. Chỉ mong đò nhanh sang để mình về tới nhà nội cho sớm, còn kịp trở về kẻo trời nhanh tối. Mong đò sang sông, còn nhìn thấy mẹ, còn thủ thỉ mách bà nội Khoai những chuyện không đâu vào đâu của bố con nhà Khoai, để thấy nụ cười ấm áp của mẹ. Chiều qua mưa lạnh, buồn buồn chợt nhớ hũ lạc đã lâu không ai đụng tới liền lấy đem rang. Nhìn mẻ lạc lại nhớ bóng mẹ gầy đổ dài xuống sân nắng, hong phơi từng hạt lạc, chắt chiu dành dụm gói ghém cho con dâu đem về phòng khi nhỡ bữa, mình lại chạnh lòng, hũ lạc còn đầy nguyên, ngủ im trong lòng hũ thiếu bàn tay người lại thương mẹ biết bao. Có chút rưng rưng thương nhớ lại ùa về. Chỉ mong ngày mai được nghỉ một buổi dạy là về ngay với mẹ. Hình như giời thương hay sao mà sáng mưa tầm tã, non trưa trời hửng … Ba chân bốn cẳng vứt cặp sách vào nhà là dắt xe gói ghém quà bánh hành quân luôn.

Khách lục tục xuống đò, mình cũng phi xe máy xuống. Gã thấp bé vắt vẻo cây đàn nguyệt nhìn mình chòng chọc, nói bâng quơ: mua cá chép đi! Cá chép sông vàng ươm vừa vướng lưới, mua về nhà mà ăn... Mình phớt lờ chả nói gì. Mình vốn ghét kiểu nói chỏng lỏn thiếu chủ ngữ như kiểu nói cho giời đất gió sông nghe hay sao ấy! Mặc con lý ngư vọng nguyệt vàng ươm trong rổ đặt trên sàn thuyền, mình vẫn tỉnh bơ... hắn vác cá lại gần, mình lột kính đen kéo khăn bịt mặt cầm điện thoại chụp sông nước như chả có gì liên quan. Bỗng gã lóng ngóng toét miệng xun xoe:

- Em chào cô! Sao cô lại đi đò sang đây ạ!

Mình ngớ người thì hắn vội rối rít mừng rỡ như chưa có cái sự lấc cấc lúc trước:

- Con em học cô! Em là phụ huynh ở lớp cô chủ nhiệm mà.

Rồi hắn cứ thao thao bất tuyệt kể về việc gã vào Đò Lèn Thanh Hóa làm cung văn cho khóa lễ giải hạn và hầu bóng tối nay. Mình mỉm cười xã giao mong đò nhanh sang.

Tòa cổ miếu đã mờ xa, đò cập bến, đang chuẩn bị nổ máy dắt xe lên bờ thì một nụ cười hiền lành, tiếng nói không lẫn vào đâu được cất lên:

- Em về nội đấy à? Sao lại đi một mình? Bố cu Khoai đâu?

Mình ngỡ ngàng chưa kịp hỏi thăm vài câu thì chuyến đò kia lại rời bến... Chỉ thấy bàn tay anh vẫy vẫy trong mưa bụi giữa xuân.

Nụ cười và ánh mắt đôn hậu ấy làm sao quên được. Lại nhớ ngày mới ra trường dạy vài năm rồi về trường chuyên của huyện. Anh dạy đội tuyển toán, mình dạy đội tuyển văn. Anh đã có vợ, còn mấy con em thì chưa chồng. Đứa nào có người yêu cũng đem qua trường trình diện, anh nhiệt tình tư vấn cho mấy con cô, khiến đứa nào cũng bám lấy quân sư mè nheo. Ngày bố Khoai tìm tới trường mình dạy, anh nhìn kỹ chả nói gì. Hôm sau vừa dắt xe vào cổng chạm mặt anh mình hỏi luôn: Đại ca không nói gì à? Anh mỉm cười buột miệng: Đẹp trai quá! Anh sợ cô khổ vì giữ chồng, nhưng mà còn nghèo quá! Mình rớm nước mắt trước câu nói sau của anh. Kệ anh! Nghèo là cái gì cơ chứ? Cứ lấy được nhau là sung sướng rồi. Chả nghĩ gì nữa buột miệng nói luôn: Không đẹp trai em loại khỏi vòng gửi xe. Anh mỉm cười độ lượng rồi lặng lẽ bước vào lớp toán.

Ngày cưới lũ học trò đội tuyển văn chín, mười hai đứa con gái xinh như mộng tíu tít cắm hoa hồng trang trí đám cưới cho cô giáo. Đang ngắm nghía chiếc áo dài trắng muốt mà chú rể mua cho vợ thì một đứa chạy vào:

- Cô ơi! Ra thầy gặp.

Mình ngỡ ngàng thầy nào nhỉ? Thì anh xuất hiện với cái hộp nhỏ vuông vức trên tay:

- Anh cho cô mượn ba cái nhẫn vàng này, cô đeo vào tay nhé! Đừng để tay trống trơn về nhà chồng sẽ tủi em ạ! Sau đám cưới lấy tiền mừng, vợ chồng mua trả anh sau.

Mình ứa nước mắt cảm động không dám chối từ sự thật thà của ông anh tốt bụng. Lòng cứ tự hỏi rằng trên đời này có nhiều người chu đáo thế hay không? Hơn hai mươi năm gặp lại anh vẫn đôn hậu ấm áp như ngày nào.

Con đường hun hút ngày xưa khi lần đầu tiên bồng con về nhà chồng ùa về nhắc nhớ. Nhớ ngày sinh con được hơn một tháng phải vẽ hề vào mặt con bồng về quê nội. Gái đẻ yếu tay đường xóc chỉ lo không bế được con, phải để chồng lấy quân phục quấn cho con kỵ vía qua bao quãng đường đồng. Mình chạy xe máy chầm chậm để chồng bồng con cho chắc, Tay lái run run đôi khi phải dừng lại bên đường, thằng bé cứ ngủ khì trong tay bố, rồi về nhà yên lành trong niềm hân hoan của ông bà nội.

Con đò nhỏ ngày xưa giờ đã rộng và vững chãi như phà, con đường lồi lõm ngày xưa giờ đã êm như lụa, nhưng sao vẫn nhớ tiếng bê non khát sữa gọi mẹ ngơ ngác trên cánh đồng. Nhớ dáng mẹ chiều nào đi dạy về cũng vội vàng tất tả vào ngõ, cất cặp sách rồi ôm lấy thằng đích tôn hít hà. Mình vẫn lặng lẽ một mình trên bến đò xưa, thương hoa bèo tím lênh đênh trên sông nước mỗi lần về quê, mà thấy khoai sắn ngọt bùi theo mỗi dấu chân đi.

Tam tòa chiều nay mưa bay bay… Tản văn của Lê Hà Ngân
Tranh Henri Mege
Cởi trói - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Cởi trói - Thơ Nguyễn Thế Kiên

Baovannghe.vn- Lênh huyênh/ Tự trói mình
50 năm tiểu thuyết - một cái nhìn lướt qua

50 năm tiểu thuyết - một cái nhìn lướt qua

Baovannghe.vn - Nhìn lại đường đi của tiểu thuyết Việt Nam 50 năm có thể khẳng định hướng vận động của tiểu thuyết sau 1975 ngày càng hòa nhập với thế giới.
Bản tin Văn nghệ ngày 18/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 18/12/2024

Baovannghe.vn - Ngày 17/12 tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp cùng Học viện Chính trị Công an Nhân dân trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Phát huy giá trị Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ an ninh, trật tự trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Lối thoát thênh thang cho đường cùng. Truyện ngắn của Chimamanda Ngozi Adichie (Nigeria)

Lối thoát thênh thang cho đường cùng. Truyện ngắn của Chimamanda Ngozi Adichie (Nigeria)

Baovannghe.vn - Học sinh buộc phải nghỉ học từ đầu mùa dịch Covid, tức từ đầu 2020. Cha mẹ ít việc. Các con gái phải đi giặt thuê. Nhiều đàn ông cho chúng tiền, ít nhất gấp đôi công giặt. Cuối năm ngoái, gần 100 bé gái có bầu. Người gây họa chủ yếu là dân đô thị, lắm tiền rửng mỡ. Vùng này, chỉ có hai kẻ rửng mỡ như vậy.
Nguyễn Đình Thi - người lính “xung  kích” trong sáng tạo nghệ thuật

Nguyễn Đình Thi - người lính “xung kích” trong sáng tạo nghệ thuật

Baovannghe.vn - Đời văn của Nguyễn Đình Thi gắn bó chặt chẽ với cách mạng và đời sống văn hóa của dân tộc. Suốt trong hành trình dài hơn sáu thập kỷ, trong nhiều tư cách: nhà văn - nhà văn hóa, người nghệ sĩ sáng tạo - người cán bộ quản lý văn nghệ, ông đã có những đóng góp to lớn góp phần xây dựng nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.