Sang mùa, khi những đợt gió cuối thu bắt đầu se sắt, khi nắng chẳng chói chang chỉ rót những mật vàng và mưa bão đã thôi không vần vũ. Vườn nhà sau bao ngày hoang hoải đợi chờ, nay trở mình vần lên những thớ đất mịn màng, tơi xốp tuồng như đã tích đủ ngọt lành sẵn sàng đón chào những hạt giống mới. Để rồi những mầm xanh cứ thế đâm chồi vươn mình rạng rỡ đón mùa sang.
Làng tôi nhỏ, nằm nép mình bên dòng sông Nhật Lệ, đoạn có cây cầu Quán Hàu bắc ngang nối hai bờ nam bắc. Làng nằm ở địa thế thấp lại gần sông nên năm nào cũng phải đón ít nhất một trận lụt. Nước lụt đục ngầu khỏa đều lên những mảnh vườn quê, có năm lụt to, nước dâng cao ngồn ngộn như muốn nuốt luôn những mái nhà đứng chơ vơ, thoi thóp giữa mênh mông. Người quê tôi gọi đó là nước bạc, thứ nước mà nếu dầm lâu thì người sẽ ốm, cây cối cũng héo mòn. Cuối mùa, khi bão tan nước rút, vườn nhà ai cũng trống huơ trống hoác, khoác lên mình tấm áo choàng phù sa bàng bạc, hoang hoải đến xao lòng. Nhìn hoang tàn là thế, nhưng ba lại bảo đó là thứ thuốc bổ quý giá cho vườn rau vụ đông sắp tới. Đúng là với người lạc quan thì khó khăn không thể là trở ngại.
Nắng lên mấy ngày, vườn tược khô ráo, nhà nhà rộn ràng bắt đầu làm đất trồng rau vụ đông. Biết bao giống cây chuẩn bị cho mùa Tết đã sẵn sàng chờ gieo hạt. Ở làng tôi, hầu như nhà nào cũng còn giữ một khu vườn rộng trồng nhiều cây cối. Vườn nhà tôi cũng rộng, bao quanh là ổi, là na, mấy bụi chuối cuối vườn và cây khế chua sát ngõ. Mảnh đất rộng giữa vườn được ba mẹ "quy hoạch" để trồng rau. Nói là quy hoạch chẳng ngoa, bởi với tôi, từ lâu họ đã là những kỹ sư nông nghiệp tài ba mà tôi vô cùng thán phục.
Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh |
Thửa đất sau lụt tuềnh toàng, hoang hoải ấy được xới lên, đánh tơi, nhặt cỏ. Rồi những luống, những hàng, những thửa được chia ngay ngắn, đều tăm tắp. Mọi góc mọi kẽ trong vườn đều được xới lên, tận dụng để gieo trồng những giống cây khác nhau một cách rất hợp lý. Các luống, hàng, thửa to hay nhỏ, dài hay ngắn được chia tùy thuộc nhu cầu sử dụng các loại rau. Thường thì mẹ trồng nhiều nhất các giống cải: cải cay, cải bẹ, cải củ, cải thìa... Các loại cải được dùng nhiều để nhúng lẩu, nấu canh, cuốn gỏi. Do đó, thửa to nhất, dài nhất được ưu tiên để gieo hạt cải các loại. Những thửa còn lại, mẹ gieo mùi ngò, rau cần, xà lách, cà rốt, cải bắp... Hạt giống đem gieo là những hạt đẹp và chắc, được lựa chọn kỹ càng từ mùa trước, phơi khô gói kỹ rồi đem hong trên chái bếp suốt một năm trời. Những vồng đất còn lại thì mẹ sẽ ươm gừng, trồng khoai lang, giâm củ hành... Trong khi mẹ gieo hạt, cấy giống các loại rau, ba tỉ mỉ dùng những thanh tre chặt sẵn đều nhau, cắm xuống đất khéo léo đan chéo tạo thành một hàng rào bao quanh vườn ngăn không cho lũ gà vào đào bới. Như đã quen nếp, người nào việc nấy, chỉ nhìn nhau làm việc là đã hiểu ý để phối hợp nhịp nhàng. Hai bóng người cần mẫn, miệt mài từ sáng sớm đến tận chiều buông, gà lên chuồng họ mới vào nhà. Mảnh vườn cũng đã tươm tất, đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Những thửa đất ánh lên màu nâu màu mỡ, mịn màng mời gọi những mầm xanh. Bởi mới nói, bàn tay của những kỹ sư trên vườn nhà thật tài tình điệu nghệ biết bao.
Không phụ công người, chỉ khoảng độ một tuần sau, những thửa đất bắt đầu lấm chấm những mầm xanh li ti. Cả khu vườn ươm lên một màu xanh mơ màng chưa rõ ràng, thứ màu xanh yếu ớt của những giống rau mới nhú hòa với màu nâu của đất tạo thành một gam màu đẹp lạ và cuốn hút. Chỉ ít bữa nữa thôi, màu xanh sẽ định hình, những cây con đều tăm tắp nép vào nhau dày dặn tạo thành những luống rau tươi non đẹp mắt. Những lá xà lách như những đóa hồng xanh cuộn tròn được vun lên từ đất, luống cải bắp ngậm gió uống sương to tròn chắc nịch. Những mầm xanh của ruộng hành đều tăm tắp cứ cố nhướn mình, xuyên qua lớp đất dày vươn lên tìm ánh sáng. Tôi đặc biệt thích ngắm những ruộng hành, tôi thấy rõ sự lớn lên của chúng từng ngày, dù nhỏ bé nhưng ở nó luôn toát ra sức sống mạnh mẽ, cứ vươn về phía sáng mà xanh tươi mơn mởn. Chợt nghĩ, nếu đời người ai cũng như hành, biết chấp nhận và vượt qua mọi khó khăn thử thách thì cuộc đời này thật ý nghĩa biết bao.
Đông sang thật rõ ràng khi cây bàng thay màu lá đỏ, khi tiếng gió xạc xào sau bụi chuối mỗi đêm, khi nhìn những cánh thiên di vội vã bay ngang trời chiều tìm về miền ấm. Và đây, tôi tin mùa đông về thật rồi khi những luống rau của mẹ đã dậy lên màu xanh mỡ màng mê mải. Những mầm xanh ấy luôn ngời lên sức sống rộn ràng giữa gió rét mùa sang.