Sáng tác

"Những cơn bão qua..."

Nguyễn Thu Hà SG
Tản văn
11:00 | 27/07/2024
Mùa bão đang tàn phá một dải quê hương, nơi miền nước biển xanh trong nhất, nơi những con người lành hiền chân chất bám trụ với đất, với quê hương ...
aa

Ngày bé, mỗi khi có bão tôi vừa sợ lại vừa thích. Sợ vì bố mẹ làm ca, đôi khi trùng ca nên chỉ có chị em tôi ở nhà mỗi khi bão đến. Thế cũng có nghĩa là những cơn gió rít gào ngoài cửa , trên mái nhà và mất điện tạo nên âm thanh và ánh sáng kinh khủng nhất kích thích trí tưởng tượng và nỗi sợ hãi trẻ con lên cao nhất.

Ngày đó, gia đình tôi sống trong 1 phòng trong chung cư tập thể ở tầng sát mái. Cột thu lôi gắn trên thành tường mái nhà tập thể đôi khi bắt sét truyền cả cái rùng mình rung chuyển của dòng điện trời vào làm rung bức tường rất đáng sợ. Những ô cửa sổ chớp gỗ thông sơn xanh cũ kỹ, không neo móc có thể bị gió giật bung ra va đập rầm rầm và có thể .. rơi khỏi cửa sổ xuống mặt đất phía dưới bất cứ lúc nào. Nước mưa bị gió táp ràn rạt vào hành lang, chảy lênh láng vào phòng vì khung cửa tập thể không xây chèn bậu chắn được. Sợ vì khu vệ sinh chung nằm đầu hồi dãy nhà khi bão tới không thể mở cửa mà đi ra đó bởi gió và mưa sẽ khiến bọn trẻ con ướt và té ngã trước khi dẫm chân lên được cái bệ xí thông thống không còn cánh cửa sổ nào...


Hà Giang là một trong những tỉnh vùng núi phía Bắc bị thiệt hại nặng do mưa lũ trong những ngày vừa qua. Ảnh Internet

Vậy nhưng cũng có thứ tôi thích khi bão đến. Không, phải nói là nhiều thứ thích. Thích nhất là không phải chổng mông thổi bếp củi đến chảy nước mắt vì đám củi ẩm ướt mà được châm cái bếp dầu có mùi thơm quyến rũ. Nồi cơm gạo mậu dịch đôi khi vàng mọt cạn trên bếp có khoanh cháy bởi bếp dầu giòn đều chứ không khét như bếp củi. Thích cái lạnh ẩm tê tay chân khiến món cơm nóng ăn ngay trên bếp cùng chút mỡ nước trộn thêm thìa nước mắm cũng thành món ngon. Thích những khuôn mặt bầu bĩnh với những đôi mắt đen láy ngây thơ của hai đứa em chờ chị bới cơm đút ăn và kể chuyện cho bớt sợ. Nếu những cái cửa sổ chớp đã được ràng buộc chặt không va đập và cái khe cửa chính được chèn cả đống áo quần để nước không chảy tràn vào được nữa, bọn tôi sẽ an tâm leo lên giường, trốn mình trong cái lều làm bằng chăn căng lên mấy cái đinh và trùm tấm chăn mỏng ấm áp. mặc mưa gió bão bùng ngoài kia, những đứa trẻ thả hồn vào những câu chuyện cổ tích tôi đọc cho các em nghe. Bọn nó sẽ ngủ nhanh sau bữa ăn nghèo nàn ấm bụng và con nhóc tôi nằm chờ bố mẹ với tưởng tượng đủ chuyện về cảnh lụt lội, đổ vỡ ngổn ngang ngoài đường, lo sợ bố mẹ trực chống bão ở cơ quan không biết có bị ướt, bị đói, bị lạnh và an toàn hay không...

Lớn hơn chút nữa, khi cái radio bán dẫn lẹt xẹt thông báo bão xa tôi biết cắt tiền chợ mỗi ngày mẹ đưa để mua vài lạng lạc, lạng vừng rồi rang giã kì cạch với cái cối đá cũ để làm món muối vừng để dành. Thêm một món gắn liền với mưa bão nhỡ chợ nữa được ưu tiên cất trữ là món mắm tôm đặc chưng thịt. Nói là thịt cho oai chứ chút mỡ đầu thủ, mỡ phần sau khi chiên lấy mỡ xào nấu, chỗ tóp mỡ tôi xào với hành củ, hạt tiêu và bột ngọt cho thơm rồi bỏ vào phân nửa số mắm tôm đặc mà cô mậu dịch nháy mắt thông đồng quẹt cái cây đũa cả bằng tre xuống đáy thau mắm lấy cho tôi chỗ ướt mềm nhất. Lọ mắm tôm ấy, hũ muối vừng thơm và những đọt rau mót vội trước bão cùng vài quả khế xanh. ớt hiểm sẽ là những bữa tiệc ấm áp trong cái lạnh lẽo, tối tăm bão gió. Can dầu hoả nhỏ luôn được kiểm tra xem có đủ được một nửa không và cái đèn dầu đầu thỏ được tháo bóng thuỷ tỉnh ra lau cho sạch lớp bồ hóng muội dầu. Những đoạn kẽm làm dây phơi quý giá bị đứt bỏ, gom vuốt thẳng rất được việc khi chằng buộc những cánh cửa chớp. Chiếc đèn dầu có bóng chuốt dài như đầu thỏ tránh gió ấy theo chúng tôi suốt tuổi thơ để nhớ về nỗi sợ hãi về bão gió, đói khổ và đầm ấm gia đình..

Chẳng biết từ bao giờ, nhà tôi có một con dao găm của lính công binh Mỹ dùng cài thay chốt cửa, có lẽ là bố tôi mang từ miền Nam về sau khi đi nhận tiếp quản cảng Sài Gòn. Con dao ấy rất được việc sau khi bão tan. Tôi chỉ cầm nó gọn gàng trong tay, đi khua một vòng xóm là có cả vài ôm củi cành từ những cái cây gãy vì bão. Những thân chuối bị gãy được bọn trẻ con chúng tôi chia nhau, đứa mang về băm nấu cám lợn, đứa bóc bẹ ra chơi. Nhà tôi thường có món nộm thân chuối chay với lạc rang và rau thơm, hôm nào sang thì thêm vài lát thịt xắt mỏng. Dưới nhà tôi có gia đình một ông già cực kỳ khó tính và dữ dằn, ông ấy chiếm một khoảnh đất ở sân chung và trồng cả đám cây cối xanh um thường ngày vẫn la lối cấm bọn trẻ con chúng tôi bén mảng. Cứ mưa bão, hình như cả đám trẻ con trong xóm chúng tôi đều mong mảnh vườn nhà ông ấy bị bão quật cho bõ ghét. Và y rằng, bụi chuối hột của ông ấy thường ngày chỉ để quả chín nuôi đám chim sáo treo đầy cửa sau bão thế nào cũng gãy đổ nhiều nhất. Chẳng ai ngăn được lũ chúng tôi vác những thân chuối to ụ ra chặt chém chơi nghịch và con dao găm của tôi khi ấy thế nào cũng khoét đào được cả củ của một thân chuối. Bố tôi từng doạ đánh đòn nếu cứ theo bọn con trai đi mót vườn sau bão nhưng cái thú ấy thì dù chịu đòn tôi cũng chẳng ngại chấp nhận. Nhiều lần, ngó món ếch nấu củ chuối thơm lừng tía tô, bố tôi đành lắc đầu ngao ngán, chỉ ống quần đầy đất bùn của tôi rồi bảo: Ốc ếch đi mua thì được, cấm đi bắt lỡ xảy chân nguy hiểm...

Lớn hơn nhiều chút nữa, xa nhà, những cơn bão trở thành nỗi buồn thương nằm dưới đáy tim. Những ấm áp quê hương xa xôi gây nhức nhối nỗi nhớ, những mất mát bạn bè người quen gây thương cảm mãi mãi, những đồng cảm lo lắng với đồng bào còn đang gồng mình chịu khổ, cái khổ ngày thơ bé tôi đã từng khiến bản thân lặng lẽ buồn. Bão cũng như những kiếp nạn mà cuộc đời ai cũng ngang qua, đến và đi để lại những vết xước và nhiều chiêm nghiệm. Cuộc đời cũng dạy tôi rằng, giống như thời gian trôi đi bốn mùa, con người ta biết sống là điều quý giá, sống tốt đẹp và tự trọng là điều hạnh phúc. Cũng như bão gió gây tổn thất vỡ đổ, hãy biết phòng bị cẩn trọng nhất, biết sẵn sàng chấp nhận mất mát và vui vẻ tiếp nhận những điều hậu bão mang lại. Đó là cơ hội tái thiết thứ mới mẻ phải tốt đẹp hơn thứ đã mất đi.

Mùa bão đang tàn phá một dải quê hương, nơi miền nước biển xanh trong nhất, nơi những con người lành hiền chân chất bám trụ với đất, với quê có rất nhiều bạn tôi đang sống. Tôi mong cầu bình an đến họ, mong cầu sự tàn phá của thiên nhiên được giảm thiểu nhất. Rồi dông bão sẽ tan, mong cầu như đến và đi, bão sẽ làm con người mạnh mẽ hơn, yêu thương nhau nhiều hơn ...

Nguyễn Thu Hà SG |Báo Văn Nghệ

--------

Bài viết cùng chuyên mục:

Dường như thu đã về phố. Tản văn của Hoài Hương Tháng ba có gì để nhớ - Tản văn của Lâm Trần Dì tôi - Tản văn của Đào Mạnh Long "Cho một ngày bình thường" tản văn của Trần Quỳnh Nga Má tôi - Tản văn của nhà văn Thanh Thảo | Báo Văn Nghệ
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".