Vừa gõ gõ ngón tay xuống mặt bàn trong dáng vẻ sốt ruột, Edmond vừa xem lướt qua và chọn lọc các tài liệu trong máy vi tính cá nhân trước khi tải chúng sang ổ cứng ngoài. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của anh ở văn phòng này. Bao thăng trầm, khủng hoảng, bao lần đối mặt với cảm giác có lỗi và nỗi tuyệt vọng của nhân viên bị sa thải, những ngày dài lê thê mà anh phải làm công việc của hai, ba người... sẽ chỉ còn là quá khứ.
Edmond mệt mỏi nhớ lại những lần hệ thống mạng bị trục trặc, anh phải làm việc một mạch đến tận mười, mười một giờ đêm. Hôm nào may mắn được về sớm, khi anh thả người vào ghế, khởi động ô tô để lái về nhà cũng là lúc đồng hồ chỉ tám giờ tối. Rồi những cung đường dài hun hút nhàm chán từ nhà tới công ty, hai tiếng đi, hai tiếng về, những đoạn ùn tắc xe di chuyển ì ạch rèn luyện tính nhẫn nại khốn khổ của lái xe. Từ ngày mai trở đi, tất cả sẽ kết thúc, anh sẽ tự do với công việc của riêng mình. Edmond thở một hơi dài như trút được một gánh nợ khổng lồ.
Kéo sát ghế lại bàn máy vi tính, Edmond chuyển sang xử lý thư mục ảnh. Khiếp thật, thế quái nào mà mình lại có hơn ba mươi ngàn bức ảnh thế này nhỉ, anh lẩm bẩm. Phải hủy bớt đi thôi. Xem nào…
Edmond bỗng chùng người xuống và nhìn trân trân vào bức ảnh một cô gái trẻ mặc váy hoa ngồi tươi cười trên thảm cỏ. Becky—cô người yêu của anh thuở nào. Những ký ức ngọt ngào lẫn vị mặn của biển bất chợt dồn về như những cơn sóng tưởng đã lặng mà vẫn ngầm cuộn trong tim. Đã gần sáu năm qua rồi. Edmond hối hả lục lọi hộp thư điện tử tìm một cái địa chỉ...
Ở một góc văn phòng bên kia trái đất, một phụ nữ dáng vẻ tất bật đang chuẩn bị sách vở và tranh thủ xem thư điện tử. Đồng hồ văn phòng chỉ chín giờ. Còn mười lăm phút nữa mới đến giờ lên lớp dạy. Lướt qua hộp thư, nàng bỗng giật nảy mình khi nhìn thấy một cái tên người gửi quen quen.
“Chào Becky… Dạo này em thế nào? Hôm nay anh ngồi dọn ổ máy vi tính và bỗng nhìn thấy ảnh em. Không thể không nhớ về những kỷ niệm ở Hawaii của chúng ta. Hy vọng là em hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình…”
Những cơn sóng ở Hawaii - Truyện ngắn của Bích Ngọc |
Tháng 6 năm 2001.
Edmond đang lúi húi mò mẫm tìm trong một mớ hàng chục sợi dây nối mạng điện các loại thì cửa văn phòng bỗng hé mở. Một cô gái tóc đen nhỏ nhắn thò đầu vào và xin gặp nhân viên kỹ thuật hỗ trợ mạng. Edmond ngẩng lên và để ý thấy cô đang ôm trước ngực một chiếc cặp da đựng máy tính xách tay.
Mặc dù không phải là nhân viên kỹ thuật, vẻ mặt lo lắng rụt rè của cô gái bỗng khiến Edmond quan tâm. Anh nói nhân viên đã đi về hết, nhưng nếu có thể, anh sẽ giúp cô. Thì ra là cô không biết dùng hệ thống nối mạng mới nâng cấp của trường và không làm sao truy cập internet từ phòng riêng ở ký túc xá được. Chỉ sau vài phút hỏi và nhập dữ liệu, Edmond đã làm xong quá trình cài đặt vận hành. Khuôn mặt cô gái có vẻ giãn ra, bớt căng thẳng lo lắng. Cô cảm ơn anh và bỏ máy vào cặp, định bước ra về.
Edmond bỗng thấy khát nước. Anh ngăn cô lại, rót hai cốc nước và đưa mời cô một cốc. Anh lấy danh thiếp đưa cho cô, và bảo cô có thể liên hệ nếu có việc gì cần hỏi về kỹ thuật mạng. Cô gái cảm ơn, xưng tên cô là Becky. Edmond ngập ngừng, hỏi liệu cô có thể giúp anh một việc nhỏ được không. Becky đồng ý và ngồi lại.
Edmond muốn tìm một nơi ở gần trường có phòng trống cho thuê. Anh mới chuyển đến Hawaii từ một tuần nay để thực hiện một hợp đồng ngắn hạn giúp nâng cấp hệ thống mạng của trường. Anh vẫn đang thuê một phòng ở một khách sạn gần bãi biển Waikiki, vừa xa nơi làm, vừa khá đắt. Anh muốn tìm thuê một căn hộ gần trường trong khoảng sáu tháng.
Becky hướng dẫn anh tìm trên mạng một lô địa chỉ nhà có phòng cho thuê gần trường, tiện thể vớ lấy tờ báo ra hàng ngày của trường và chỉ cho anh xem mục rao vặt dành cho sinh viên. Chỉ trong mười lăm phút, anh đã ghi ra được ba, bốn địa chỉ rất khả dĩ để đến xem nhà. Anh xem đồng hồ và hỏi Becky có muốn cùng đi ăn tối ở quán ăn sinh viên ngay gần đó không. Cô lắc đầu từ chối, nói là mình đang bận học hè, ngày nào cũng phải đọc và đến lớp. Edmond lại hỏi liệu có lúc nào cô dẫn anh đi thăm quan biển đảo Hawaii được không. Anh nói anh là người Thụy Điển, mới học xong chương trình thạc sĩ về Quản trị hệ thống mạng ở bang Texas. Đây là công việc toàn thời gian đầu tiên anh nhận làm ở Mỹ. Nghe vậy, Becky bỗng nhiệt tình hẳn lên. Cô bảo anh ghi lại số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của cô (thực ra anh đã có rồi, vì cô đã cho anh dữ liệu để nối mạng khi nãy), hẹn cuối tuần nếu rảnh thì liên lạc và sẽ thu xếp một hôm.
Becky là du học sinh người Việt Nam, mới đến Hawaii được 10 tháng. Cô lấy tên đó để các bạn nước ngoài dễ nhớ, dễ gọi. Khi gặp Edmond, Becky đang rất buồn. Người yêu của cô có dấu hiệu nhạt tình và không chung thủy. Anh không những đã quên sinh nhật đầu tiên của cô ở nước ngoài, không gửi thư chúc mừng, không gửi quà, mà còn gửi nhầm một bức thư điện tử, lời lẽ ngọt ngào nhưng chẳng liên quan gì đến cô, rõ ràng là dành cho một bóng hồng đáng yêu nào khác mới xuất hiện trong cuộc sống của anh, đến địa chỉ hộp thư của cô. Vì vậy, cô đã giận dỗi không liên lạc với anh nữa. Thêm vào đó là cuộc sống du học sinh căng thẳng, cô đơn, khiến cô tự nhủ việc gì cô phải chung thủy nữa, trong khi xung quanh cô lúc nào cũng có một vài sinh viên, tây có, ta có, ở khu ký túc xá thường xuyên ỡm ờ tán tỉnh?
Chỉ sau lần đi biển thứ nhất và một buổi ăn tối, Becky đã trở thành người yêu của Edmond. Về sau, khi nghe Becky thú nhận là cô có cảm tình với anh sau khi anh nói anh là người Thụy Điển, một đất nước vốn rất thiện chí với Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Mỹ và suốt thời kỳ cấm vận, Edmond phá lên cười, hỏi cô đó có phải là lý do duy nhất khiến cô đồng ý đi chơi với anh. Không. Becky cười tủm tỉm và chối. Cô yêu anh vì anh đẹp trai, thông minh, và dí dỏm nữa. Edmond hơn cô tám tuổi, là con lai Thụy Điển và Li-băng. Anh có khuôn mặt vừa Âu vừa Á rất đáng yêu và phong trần.
Cuộc tình lãng mạn của họ chỉ kéo dài được một tháng cho đến khi Edmond thú nhận anh đang ly thân với vợ và đã có hai con, một con trai lên chín, một con gái mười bốn tuổi. Anh có con từ khi đang học đại học ở Stockholm. Khi đó, vợ anh vẫn còn là một nữ sinh trung học. Bố vợ anh đã di cư sang Mỹ từ lâu và bảo lãnh cho cả gia đình anh sang Mỹ cách đó khoảng bốn năm. Vợ anh không làm nghề gì cả, chỉ ở nhà nội trợ và hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. Sống trong cuộc hôn nhân ngày càng nhạt nhẽo và chỉ có hai đứa con để níu giữ, anh dự định trả tiền cho vợ học ngành y tá trong hai năm tới để cô ấy có thể tự lập, rồi họ sẽ ly dị khi con gái lớn vào đại học, nghĩa là sau đó bốn năm.
Becky đau đớn, thất vọng. Cô không bao giờ muốn làm người thứ ba. Kinh nghiệm sống ở Việt Nam khiến cô nghi ngờ rằng Edmond chỉ nói thế để cô hy vọng và “lợi dụng” tình cảm cũng như thân xác của cô chứ thực ra không có ý định ly dị vợ. Nhưng cô đã trót yêu anh rồi. Họ vẫn dạo chơi bên nhau, nắm tay ngồi bên bờ cát lóng lánh vàng, cùng tận hưởng cảm giác lãng mạn mỗi khi đứng trong lòng đại dương mênh mông, nhưng sóng biển dưới chân Becky đã bắt đầu cuốn theo những giọt nước mắt.
Cuối hè đó, Becky quyết định đi chơi thành phố New York một mình trong vài tuần, mặc cho Edmond hết sức năn nỉ can ngăn. Anh chỉ ở Hawaii cho đến tháng 12, rồi sẽ nhận một công việc khác ở Silicon Valley (thung lũng điện tử ở San Jose, California). Anh nói, khi đó anh sẽ đưa Becky đi cùng vào chơi San Francisco. Becky kiên quyết đi New York một mình. Cô không vào tin nhắn Yahoo, không điện thoại, chỉ muốn có một khoảng lặng để suy nghĩ và dứt khoát chia tay Edmond.
Mọi quyết tâm của cô tiêu tan trong giây lát khi vừa đặt chân trở về Hawaii. Edmond gửi bưu thiếp, tin nhắn đến ký túc xá, nói anh mong điện thoại của cô. Becky không cầm lòng được. Cô gọi điện, và câu đầu tiên của anh là: “Becky, em đã trở về Hawaii với anh rồi đấy ư?” Có lẽ đáng ra cô không nên gọi điện cho anh. Trái tim của cô quá mềm yếu khi nghe những lời nói đó. Cô không cưỡng nổi mong muốn gặp lại anh, và “mối tình vô vọng” của họ lại kéo dài thêm ba tháng nữa. Chuyến đi chơi San Francisco và San Jose vào Nô-en năm đó đáng ra rất tuyệt vời nếu cô không trĩu lòng vì tình yêu đến thế. Dù đang đi bên anh, lúc nào cô cũng buồn, và nghĩ mình phải chia tay anh, trong khi anh vẫn rất quan tâm và dịu dàng với cô. Khi họ chia tay nhau ở sân bay SFO vào đúng ngày tết dương lịch năm 2002, và cả trong suốt chuyến bay trở về Hawaii kéo dài năm tiếng sau đó, cô đã rơi không biết bao nhiêu nước mắt vì anh. Họ không bao giờ gặp nhau nữa, mặc dù vẫn nói chuyện qua Yahoo mỗi năm vài lần.
Ngay cả lúc đọc thư của anh gần sáu năm sau đó, khi Becky đã là vợ của một người đàn ông tốt nhất trong số tất cả những người mà cô đã gặp, và là mẹ của một bé gái đáng yêu nhất trên đời, cô vẫn khóc, vẫn nhớ đến quay quắt cảm giác đứng bên anh giữa những cơn sóng Hawaii đánh táp vào chân mình thuở đó, những cơn sóng mang theo cát vàng lóng lánh và đã cuốn đi bao giọt nước mắt của cô.
Edmond đã nói thật. Anh li dị vợ năm 2006. Từ đó đến nay, lúc thì anh sống độc thân, lúc thì sống chung với bạn gái, những quan hệ ngắn ngủi, không ràng buộc. Anh thôi việc ở thung lũng điện tử năm 2007, và dốc tiền đầu tư vào một dãy nhà hai tầng, mười bốn phòng để cho thuê ở ngoại ô San Jose. Hầu hết khách thuê nhà là công nhân người Mỹ gốc Việt làm việc tại tập đoàn công ty cũ của anh.
Nguồn Văn nghệ số 14/2022