Bên cạnh Sherlock Holmes thì Sir Arthur Conan Doyle cũng có một nhân vật khác gắn liền với tên tuổi mình, đó là Giáo sư Challenger. Có danh tiếng lớn ở mảng trinh thám, thế nhưng không phải ai cũng biết ông từng được coi như một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho các tác phẩm sci-fi (khoa học viễn tưởng).
Một mẫu hình khác
Trong chuỗi tác phẩm xoay quanh nhân vật này, có thể thấy rằng Conan Doyle đã rất thành công khi xây dựng được những nhân vật hoàn toàn đối lập, mà mỗi một người đều mang theo mình những đặc trưng riêng. Ông không xây dựng họ nhờ nhờ, nhợt nhạt, mà luôn có được những dấu ấn riêng. Được kể từ ngôi thứ 3 trong góc nhìn của chàng nhà báo 23 tuổi, cuốn nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất Thế giới thất lạc đã là nền móng cho những nhân vật rồi sẽ có ấn tượng lớn ở quãng sau này.
Nếu Sherlock Homes đã được bồi đắp như một nhân vật có phần trầm tính, thì có thể thấy nhân vật Giáo sư Challenger hoàn toàn ngược lại, khi Conan Doyle xây dựng cá tính cho mẫu hình này nóng tính, hung hăng cũng như luôn muốn kiểm soát những người xung quanh. Ông là vị Thánh duy nhất của bản thân mình, và tuy không áp đặt nó lên người khác, nhưng cũng thường trực coi thường người khác, và không ngần ngại châm biếm chính họ.
“Bộ tứ” nổi tiếng bao gồm một cậu trai trẻ có đầy nhiệt huyết với một mong muốn là lấy được người phụ nữ mình yêu. Đó cũng là Huân tước John - một chàng thanh niên kiểu Don Quixote, khi“mọi hiểm nguy trong cuộc sống là một hình thức thể thao, là trò chơi giữa anh và Số Phận, còn Tử Vong là cái giá phải trả, nó khiến anh trở thành một người bạn đồng hành tuyệt hảo.”
Ngoài những nhân vật đóng các vai trò như là “chất dẫn” để cấu trúc truyện, Conan Doyle cũng thêm vào đó một chút hài hước, qua hai nhân vật “không đội trời chung” và cũng đều là những nhà khoa học. Nếu giáo sư Challenger cuồng tín, thô lỗ thì người đồng liêu Summerlee không có gì hơn là một “mồi lửa”, một người khích bác cho cuộc hành trình khám phá Nam Mĩ cũng như khơi mào cho những trận chiến bằng nỗi hoài nghi của bản thân mình.
Tuy vậy khi bước sâu vào trong tác phẩm, ta có thể thấy Conan Doyle có một góc nhìn vô cùng ấn tượng đối với thiên nhiên. Trong tập Thế giới thất lạc, ông đã dành ra rất nhiều trang viết để mà ngợi ca chính vẻ đẹp này, với sự hùng vĩ cũng như bất khả chạm đến của một vương quốc kì diệu dưới bàn tay con người. Xứ sở mà chỉ mình ông tìm thấy gồm có “tổ tiên” của chính chúng ta – đám dã nhân, cũng như những con khủng long từ kỷ Jura vẫn còn tồn tại trong một vùng đất không có bàn tay con người.
Miêu tả xoáy vào trọng tâm của xứ sở đó, Conan Doyle đã cho thấy rằng con người chúng ta hóa ra nhỏ bé và đầy hèn mọn đứng trước tự nhiên. Không chỉ nằm ở kích thước hay các khả năng săn mồi mà ta khó có thể tưởng tượng, mà thông qua các suy ngẫm đậm tính tâm linh, như trong truyện Vành đai khí độc, ông cũng cho thấy chúng ta chỉ là một loại “nấm-người” mọc trên bề mặt của Mẹ thiên nhiên, của “Người Làm Vườn Vĩ Đại”.
Dù cho ý tưởng về loại khí độc truyền qua môi trường ete của Conan Doyle đã được chứng minh là phi thực tế, nhưng nó cũng đã gửi đi thông điệp đúng đắn, khi con người “bắt đầu nhận ra sự tồn tại tiếp diễn của họ không thực sự là thứ nhất thiết với vũ trụ”. Tuy vậy đây không chỉ là phản ứng một chiều, khi con người luôn có khả năng sống sót nếu biết phát huy một cách hài hòa cũng như đúng lúc tiềm lực của mình. Nếu trong Thế giới thất lạc là những khẩu súng mà đám dã nhân chưa thể biết đến, thì với Vành đai khí độc, dù cho “khả năng của vũ trụ là khôn lường”, thì “kẻ khôn ngoan nhất là người luôn trong tư thế sẵn sàng cho những điều không ngờ tới”.
Xuất thân từ ngành Y học, Doyle không phủ nhận khả năng “lật ngược tình thế” của con người nhỏ bé, dù cho kích thước có phần khiêm tốn với phần còn lại của thế giới này. Trong truyện Ngày thế giới gào thét, tuy có phần giống một motif khác của Jules Verne, nhưng qua những chi tiết chính, ta có thể thấy con người có đủ khả năng chạm đến những điều không tưởng như tâm trái đất bằng chính máy móc và trí thông minh của bản thân mình. Dù vậy như đã nói trên, nếu khả năng ấy không được kiểm soát, thì nhiều hệ lụy hoàn toàn có thể xảy ra. Cổ máy phân rã có dung lượng ngắn hơn hầu hết các câu chuyện khác, nhưng lại xoáy sâu vào một vấn đề cực kì quan trọng, đó là tham vọng trở thành “bá chủ thế giới” vốn luôn tồn tại bên trong con người.
Và cũng mang theo tính chất của các tác phẩm sci-fi, nên ít nhiều giờ đây có thể thấy rằng những phát kiến của Conan Doyle cũng đang dự báo một điều gì đó đang dần “ứng nghiệm”. Nếu Thế giới thất lạc được chọn xảy ra trong khu vực Amazon mà con người vẫn chưa khám phá được hết hoàn toàn, thì Vành đai khí độc hoàn toàn có thể là những biến động thiên về môi trường, khi tin tức gần đây ngày càng truyền đi những tin không mấy khả quan về phía tương lai.
Một bản dạng khác
Bộ 2 tác phẩm sci-fi nổi tiếng của Conan Doyle.Ra đời vào năm 1912, Thế giới thất lạc được cho là đã phản ánh rất nhiều tâm tư của Conan Doyle. Theo đó cũng như Sherlock Holmes được lấy cảm hứng từ Tiến sĩ Bell, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã cho rằng nhân vật Giáo sư Challenger cũng được bắt nguồn từ bạn bè của Doyle. Nhiều nguồn tài liệu đã chỉ ra rằng đó chính là sự kết hợp của cả hai người: bạn ông, nhà thám hiểm Percy Fawcett; cũng như người thầy đã từng dạy Doyle khi ông vẫn còn học tại trường Y, giáo sư Sinh lý học William Rutherford.
Nếu như Fawcett đã cho tác giả những tư liệu quý về các chuyến thám hiểm vùng đất Nam Mĩ (mà bất ngờ hơn là ông cùng con trai mình cũng đã mất tích trong quá trình tìm kiếm một thành phố bị lãng quên cũng trong khu vực này), thì Giáo sư Rutherford lại giúp cho Doyle có nguồn tính cách cũng như góc nhìn khác biệt về người trần tục, về sự kình chống, những niềm tị hiềm cũng như phe phái trong giới khoa học đương lúc bấy giờ.
Một dự đoán khác cũng được nhiều người cho rằng có ảnh hưởng đến Doyle là sự tương quan giữa Thế giới Thất lạc và thuyết duy linh mà ông chịu nhiều ảnh hưởng khi vợ qua đời vào năm 1906, cũng như sau đó là các thành viên trong gia đình mình. Lúc đó ông đã rơi vào trạng thái suy nhược, và có thể sự an ủi trong thuyết duy linh về một vùng đất thần tiên nơi các linh hồn có thể tương tác, gặp nhau và cùng nói chuyện đã góp một phần rất lớn để định hình nên tác phẩm lần này.
Ngoài ra những người thân cận với vị tác giả cũng từng nói rằng nếu Doyle cả đời chạy trốn thành công của Sherlock Holmes, thì ngược lại, sự thành công của tuýp nhân vật Giáo sư Challenger luôn luôn khiến ông cảm thấy tự hào. Người viết tiểu sử và các thành viên trong nhà của Doyle coi đây là một nhân vật “thay thế” cho ông, như một bản dạng hoàn toàn khác biệt, trẻ con hơn, hồn nhiên hơn với niềm đam mê khoa học, du lịch, phát minh… mà các quy tắc của xã hội của thời bấy giờ không thể đụng đến.
Doyle cũng cho rằng đây là nhân vật khiến ông thích thú hơn bất cứ cá tính nào mà mình từng tạo ra. Thực tế là trong ấn phẩm lần đầu xuất bản, ông cũng đã hóa trang thành Giáo sư Challenger để chụp loạt ảnh quảng bá cho tác phẩm này. Ngoài ra bằng các công nghệ khám phá về sau, người ta cũng thấy được rằng Doyle ban đầu cũng cho nhân vật Challenger địa chỉ ngôi nhà của mình, cũng như có những dữ kiện hướng về độ tuổi tương đồng với ông.
*
Có ảnh hưởng lớn trong văn hóa đại chúng khi là cảm hứng cho loạt dự án Công viên kỷ Jura cũng như trở thành kí ức của nhiều thế hệ, Những cuộc phiêu lưu của Giáo sư Challenger là một series đã cho thấy tài năng của Conan Doyle ở nhiều đề tài, với một bút pháp đa dạng cũng như khả năng biến hóa phong phú, từ đó tạo ra những câu chuyện riêng có phần ấn tượng, mang tính cảnh báo.
ĐOÀN ANH TUẤN
Nguồn VNQĐ