Chuyên đề

Những dòng sông tôi yêu

Văn học địa phương 08:08 | 06/12/2020
Mỗi miền quê trên đất nước ta đều có những dòng sông đẹp, nên thơ. Ai ở đâu, gắn bó với dòng sông nào thì có kỷ niệm sâu đậm với dòng sông đó. Là người con Quảng Bình, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “gió lào cát trắng”, bão lụt thường niên, tôi vẫn luôn tự hào quê hương mình có những dòng sông đẹp, anh hùng! Dòng sông đã cho tôi nhiều cảm hứng để làm thơ.
aa

Mỗi miền quê trên đất nước ta đều có những dòng sông đẹp, nên thơ. Ai ở đâu, gắn bó với dòng sông nào thì có kỷ niệm sâu đậm với dòng sông đó. Là người con Quảng Bình, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “gió lào cát trắng”, bão lụt thường niên, tôi vẫn luôn tự hào quê hương mình có những dòng sông đẹp, anh hùng! Dòng sông đã cho tôi nhiều cảm hứng để làm thơ.

Với sông Kiến Giang

Kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ tôi gắn với Kiến Giang - cái dòng sông có đặc điểm riêng, khác với những dòng sông ở những nơi khác. Nó vừa mặn, vừa ngọt, có nhiều bến đò ngang, lại có đoạn chảy qua bờ cát trắng lẻ đôi. Tôi cứ ngỡ nó chạy theo chiều dài đất nước... Không phải ngẫu nhiên mở đầu bài thơ Kiến Giang ơi! tôi viết:

Từ trời xanh từ núi xanh

Hay từ lòng mẹ mà thành Kiến Giang?

Nghi vấn về việc xác định vị trí, nguồn gốc lịch sử của dòng sông như vậy là vì thật khó đoán biết Kiến Giang bắt nguồn từ đâu! Nó như từ trời rơi xuống lại như từ núi sinh ra, hay từ lòng đất mẹ hiện lên? Không rõ nó có tự bao giờ, chỉ biết khi tôi sinh ra thì đã nghe mẹ kể chuyện và hát ru về dòng sông hiền dịu ấy:

Từ trong thăm thẳm thời gian

Tôi nghe tiếng mẹ hò khoan vọng về

Nơi tôi thầm gọi nôi quê

Có con sóng dịu vỗ về trái tim.

Có những buổi sáng tôi ra bến, qua đò ngang gặp nụ cười người thân, nghe tiếng cát lao xao dưới mạn đò; có những buổi chiều tôi đứng ngẩn ngơ nhìn những cánh buồm đò dọc đủ các màu đi trong lặng im... Có lẽ, nhờ có lời ru của mẹ, nụ cười của người thân, âm thanh của cát và sắc màu của những cánh buồm mà có tôi. Tôi cảm ơn tất cả:

Có nụ cười lúc bình minh

Lao xao cát nói, lặng thinh cánh buồm

Để tôi có một tâm hồn

Lắng trong nước thấm tận nguồn dân ca

Nối rừng xa với biển xa

Ngọt như sông lại mặn mà như sông.

Đó là với tôi - người cầm súng đi xa, còn với em - người ở lại thay tôi công việc đồng áng thì:

Để trưa đứng bóng giữa đồng

Đỡ em cơn khát cháy lòng đợi tôi

Sông là gương của bầu trời

Cũng là gương của em - người tôi yêu.

Tôi cố gắng lồng cái hư vào cái thực, đưa cái trừu tượng đặt gần cái cụ thể, trộn hoà nghĩa đen, nghĩa bóng để diễn tả về dòng sông - đời mẹ của quê hương mình:

Phải chi điệu lý chiều chiều

Lỡ rơi mà vướng mái chèo người đưa

Trong ngày nắng, đục ngày mưa

Câu ca lượn giữa bốn mùa đầy vơi

Thương bờ cát mịn lẻ đôi

Nên sông sớm tối ngược xuôi một mình.

Kiến Giang là dòng sông đẹp chảy qua hai huyện Lệ Thuỷ - Quảng Ninh, mang nước về với cửa biển Nhật Lệ. Hai huyện như hai đứa con sinh đôi có nhiều nét giống nhau thật khó phân biệt:

“Đâu Lệ Thuỷ đâu Quảng Ninh

Một khúc sông mấy tâm tình đò ngang”.

Phần kết bài thơ tôi dùng từ “ơi” đặt ở đầu câu và phương pháp láy hình tượng vừa để thể hiện tình cảm yêu quê hương nồng cháy của mình vừa để tạo sóng dư âm cho bài thơ nhờ dòng sông mà có:

“Ơi tha thiết giọng hò khoan

Nghe em hát ngỡ Kiến Giang ru mình!”

Bài thơ Kiến Giang ơi! ra đời từ đó.

Đây là một bài thơ được đăng báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) kịp thời nhất của tôi. Tôi còn nhớ, lúc tôi bị tái phát vết thương nằm điều trị tại Bệnh xá Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vì nhớ mẹ, nhớ quê mà tôi làm được bài thơ này. Sau một thời gian báo Văn nghệ đăng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong chương trình ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên theo điệu chầu văn xen lý ta lý. Giờ đây, mỗi lần nghe lại bài thơ này qua làn sóng của Đài do Nghệ sĩ ưu tú Lài Tâm thể hiện, tôi xúc động không kém gì lúc mới viết ra bài thơ đó.

Với sông Nhật Lệ

Sông Nhật Lệ là nơi hội tụ nguồn nước hai con sông Kiến Giang và Đại Giang (còn gọi là sông Long Đại) đổ ra biển Đông. Tuổi thơ tôi không được sống gần sông Nhật Lệ, nhưng khi vợ con còn ở Đồng Hới, mỗi lần về nhà thăm vợ con, tôi vẫn có những kỷ niệm với dòng sông này; nhất là sau ngày tái lập tỉnh Quảng Bình, chuyển gia đình từ Huế ra ở Đồng Hới. Đây là một dòng sông nổi tiếng được nhiều nhà thơ làm thơ tặng. Nhờ có những buổi dạo chơi dọc bờ sông hoặc ngồi thưởng ngoạn tại các nhà hàng trên sông mà tôi có cảm xúc đầy tràn với dòng sông. Bài thơ Huyền thoại trăng Nhật Lệ tôi làm tại nhà hàng Hương Biển (trước khách sạn Hữu Nghị bây giờ). Cái cảnh thiên nhiên lúc ấy thật đúng với thơ của tôi:

Bập bềnh ru ngọn sóng

Điệu hát tình lênh đênh

Nhật Lệ trăng huyền thoại

Sóng vỗ, trào tim anh!

Tôi ngắm các du khách đến với quê hương mình mà thấy tự hào phấn chấn:

Anh đến bóng lung linh

Miên man nồm Đồng Hới

Phải vì dòng sông tranh

Hay vì say hồng nở?

Hình ảnh bông hồng ở đây vừa gợi về “thành phố Hoa Hồng” thời chống Mỹ (do một nhà báo nổi tiếng nước ngoài đặt tên), vừa là hình ảnh các “bóng hồng” xinh đẹp của Đồng Hới!

Người ở người đi, chia tay bịn rịn:

Anh đi lòng còn nhớ

Hương biển chiều chênh chao

Anh đi lòng còn nhớ

Hương biển say ngọt ngào?

Cảnh đẹp, tình người đẹp đã cho tôi những câu thơ dạt dào tình cảm:

Dù đi đâu về đâu

Người ơi đừng quên nhé

Nhật Lệ trăng huyền thoại

Mắt ướt buồn chiêm bao!

Nhật Lệ đêm huyền thoại

Em hát vầng trăng chao…

Bài thơ được nhạc sỹ Hoàng Sông Hương phổ nhạc thành bài hát được nhiều người yêu thích.

Bên cạnh bài thơ trên, tôi còn có bài thơ Nhật Lệ sông thơ, cũng đã được phổ nhạc. Bài này có những hình ảnh và ý tưởng bổ sung cho bài Huyền thoại trăng Nhật Lệ: Chưa xa mà đã nhớ về em/ Nhật Lệ ơi, trong mơ anh thầm gọi/ Anh say nụ cười, anh mê giọng nói/ Anh yêu em: Nhật Lệ sông thơ!/ Nhật Lệ ơi, trong mơ anh thầm nhắc/ Nhật Lệ ơi, ấm áp tình em/ Nơi có đủ hương rừng vị biển/ Nơi ru êm giấc ngủ bao người…

Với sông Gianh (tên cũ là Linh Giang)

Đây là dòng sông mang nhiều dấu ấn lịch sử. Cho đến ngày cầm súng lên đường nhập ngũ, tôi mới được đi qua sông Gianh bằng phà dưới tầm bom pháo giặc Mỹ. Anh con bác ruột của tôi từng lái ca nô phà, hi sinh ở đây. Sau giải phóng miền Nam, hoặc bằng ô tô, hoặc bằng xe máy, tôi qua lại nhiều lần phà Gianh. Trước lúc làm bài thơ Tâm tình với sông Gianh, tôi có hai bài thơ viết về sông Gianh đã đăng báo, in sách: Ngược sông Gianh và Sông Gianh biếc

Anh ngược sông Gianh xuôi về em

Minh Cầm, Minh Lệ sớm lên đèn

Mụ Hôn thuở ấy ai hôn nhỉ?

Núi chiều như cũng choáng hơi men!

Đứng giữa sông Gianh nhớ sông Gianh

Những ngày Trịnh - Nguyễn buồn phân tranh

Đêm mưa em ở bờ bên ấy

Có biết bên này đang sóng chênh? (Ngược sông Gianh)

Hoặc:

Dường như sông Gianh biếc

Với em chung cuộc đời

Nửa nước hòa sắc cỏ

Nửa nước pha màu trời (Sông Gianh biếc)

Song, có thể nói rằng: Khi có cây cầu bắc qua sông Gianh thì cảm xúc thơ của tôi mới thực sự dạt dào, lắng đọng. Trong bài thơ Tâm tình với sông Gianh, tôi láy đi láy lại câu thơ sao tôi thương dòng sông thuở ấy/ sao tôi thương con phà ngày ấy/ sao tôi cứ thương/ thương những đoàn xe đợi phà thức trắng là để nhấn mạnh nỗi buồn đau chia cắt đất nước mấy trăm năm trước và sự ác liệt những năm đánh Mỹ; khắc sâu và nhắc nhớ các thế hệ đừng bao giờ quên lịch sử của ông cha. Cầu Gianh đã mang lại hạnh phúc cho nhân dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung:

Bây chừ sang sông không phải đợi dò

Bắc cầu sông quê, đôi lứa hẹn hò

….

Cung đàn đất nước

Ai nối đường tơ

Vang mãi bản tình ca…

Tôi rất tâm đắc với những câu thơ như: Phải vì sông sâu cầu phải muộn tình?.../ Soi vào sông quê thấy rõ lòng mình!

Bài thơ Tâm tình với sông Gianh cũng đã được phổ nhạc thành bài hát, được cán bộ, nhân dân hai bên bờ sông Gianh yêu thích, đưa đi biểu diễn trong các chương trình văn nghệ.

Với sông Son

Dòng sông này là một nhánh của sông Gianh, có nguồn nước chảy ra từ đại ngàn Trường Sơn và các hang động kỳ vĩ. Sông có đặc điểm mùa mưa lũ nước màu son nhưng mùa nắng thì nước trong xanh, có thể nhìn thấy đáy. Hiện nay, du khách muốn đến thăm động Phong Nha, động Tiên Sơn đều phải đi thuyền ngược sông Son lên hang động, vì thế sông trở thành một địa danh đáng yêu, đáng nhớ với bao người. Tôi làm bài thơ Sông Son lòng mẹ để tặng một người bạn gái vốn có nhiều kỷ niệm với dòng sông ấy:

Ôi sông Son! Không dưng ta nhớ

Nơi tuổi thơ bơi lội tung tăng

Bắp ngô nướng thơm vào giấc ngủ

Tím môi em mùa sim, móc chín hồng…

Luôn ngọt mát, sông như lòng mẹ

Ru hồn ta những tháng năm xa

Nuôi ước mơ cho bao thế hệ

Bạc thời gian sông vẫn không già!

Từ những con sông ngoài đời, tôi đã biến thành những con sông trong thơ của tôi với mong muốn giúp nhiều người hiểu biết hơn và yêu quý hơn những dòng sông quê hương mình. Tôi nghĩ đây cũng là cách tri ân tình cảm với quê hương!

Không ngờ, trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua những dòng sông tôi yêu có lúc bỗng biến mất! Nước mưa từ trời liên tục trút xuống và từ rừng đổ về khiến các dòng sông lồng lên hung dữ rồi sau đó mất tích trong biển nước! Nay nước rút, từng dòng sông lại hiện nguyên hình, lại êm ả uốn lượn giữa lòng đất mẹ…

Thương lắm Quảng Bình, những dòng sông tôi yêu!

Nguồn Văn nghệ số 49/2020


Lộng Phấn. Truyện ngắn của Dương Bình Nguyên

Lộng Phấn. Truyện ngắn của Dương Bình Nguyên

Baovannghe.vn- Hắn sinh ra bên bờ sông Nhuệ, đúng dịp ngập lụt, rác thối phun đầy lên mặt phố. Mẹ hắn sinh hắn trong căn phòng nước ngập ngang ống đồng. Bà đỡ, vốn là một y tá già, vừa cắt rốn vừa bảo, thằng này có tướng leo cao đấy, mặt dày trán thấp lại tai quắt, kiểu gì chả làm quan.
Phim về đề tài chiến tranh tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử

Phim về đề tài chiến tranh tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử

Baovannghe.vn - Bộ phim điện ảnh Ký ức Nam Xuân mang đề tài chiến tranh Cách mạng do Nhà nước đặt hàng sản xuất nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phim lấy mốc từ Tổng tiên công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại miền Nam và được lồng ghép với yếu tố nghệ thuật đờn ca tài tử - loại hình văn hóa nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Giao lưu nghệ thuật “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2025”

Giao lưu nghệ thuật “Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung 2025”

Baovannghe.vn - Đây là hoạt động văn hóa đặc biệt do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Cục Phát thanh – Truyền hình Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đài Phát thanh & Truyền hình Quảng Tây và Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (Trung Quốc) tổ chức, nhằm hưởng ứng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18/1/1950 – 18/1/2025) và “Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung 2025”.
Văn học như một nhịp cầu: Hội Nhà văn Việt Nam tại Đối thoại Văn minh Toàn cầu

Văn học như một nhịp cầu: Hội Nhà văn Việt Nam tại Đối thoại Văn minh Toàn cầu

Từ ngày 5 đến 12 tháng 7 năm 2025, Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã tham dự Hội nghị Đối thoại Văn minh Toàn cầu diễn ra tại Bắc Kinh, đồng thời tham gia nhiều hoạt động bên lề hội nghị tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Mắt cười. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thùy Dương

Mắt cười. Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thùy Dương

Baovannghe.vn - Cần ai đó xoa dịu nỗi cô đơn Và lấp đầy những gian phòng trống...