MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU CỦA CHI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TẠI NGHỆ AN (2018-2024) Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An với thời gian 6 năm hoạt động đã giành được một số kết quả sau: I. Tổ chức sáu (06) đợt đi thực tế sáng tác trong & ngoài tỉnh. II. Xuất bản 08 cuốn sách tác phẩm phẩm chọn lọc của hội viên gồm : 1. Sáu (06) Tâp san "Nhà Văn Nghệ An" 2. Hai (02) Tuyển tập được Nhà Xuất bản Nghệ An tham mưu với UBND tỉnh xuất bản theo diện sách đặt hàng của nhà nước: - "Nhà Văn Nghệ An" (2018- 2019) - "Nhà Văn Nghệ An" (2020-2024) III. Nhiều hội viên đạt Giải thưởng Văn học từ địa phương đến trung ương. Đặc biệt có: - Một (01) giải thưởng Văn học ASEAN của tác giả Nguyễn Thế Quang - Ba (03) tác giả nhận giải thưởng Văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Thế Quang - Vân Anh - Lê Hồ Quang . |
( Đọc: "Nhà văn Nghệ An"- tác phẩm chọn lọc 2020 -2024)
Nghệ An là vùng đất học, văn chương, khoa bảng. Vùng đất ấy, từ cổ chí kim đã có biết bao nhà nho, nhà văn, nhà thơ đóng góp lớn cho văn hóa Việt Nam. Với lịch sử hiện đại, các nhà văn, nhà thơ Nghệ An vẫn là một “đội ngũ” đông đảo.
![]() |
Nội dung chọn lọc tác phẩm của các hội viên Chi hội trong khoảng thời gian hơn 4 năm, từ năm 2020 đến nay, bố cục theo ba phần: Thơ - Văn xuôi - Lý luận phê bình. |
Chỉ riêng các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện sinh sống và sáng tác, sinh hoạt trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An có 18 nhà văn, nhà thơ, là một trong những chi hội có số hội viên đông ở các tỉnh Bắc miền Trung.
Chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, Nhà Xuất bản Nghệ An đã xuất bản tập sách: "Nhà văn Nghệ An". Nội dung chọn lọc tác phẩm của các hội viên Chi hội trong khoảng thời gian hơn 4 năm, từ năm 2020 đến nay, bố cục theo ba phần: Thơ - Văn xuôi - Lý luận phê bình.
Về Thơ có 11 tác giả, trong đó có những người quen biết với độc giả yêu văn chương như Thạch Quỳ (Vương Đình Huấn), Vân Anh (Nguyễn Thị Vân Anh), Lê Quốc Hán, Nguyễn Văn Hùng, Trần Thu Hà....; Văn xuôi có 5 tác giả, trong đó có những tác giả quen thuộc như Nguyễn Thế Quang, Hồ Ngọc Quang, Đàm Quỳnh Ngọc...; Lý luận phê bình: 2 tác giả, nổi bật là PGS.TS. Đinh Trí Dũng. Tổng cộng: 18 tác giả.
Về tác phẩm, văn xuôi và lý luận phê bình chọn vào sách cân đối, mỗi tác giả 2 bài; Về thơ, chủ yếu là 9 - 10 bài mỗi tác giả (cá biệt cố nhà thơ Thạch Quỳ được chọn 13 bài), nhưng cũng có người 4 bài (La Quán Miên). Về tuổi đời có những hội viên cao tuổi như nhà thơ Dương Huy sinh năm 1939, còn lại đa số là thế hệ 4X đến 6X, trẻ tuổi nhất là Hồ Lê Quang, sinh 1974.
Nhà văn PGS.TS. Đinh Trí Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An, cho biết, “...sáng tác của các hội viên rất đa dạng, phong phú, với số lượng tác phẩm lớn. Tập sách này chỉ là một phần nhỏ trong số đó, được các tác giả tự lựa chọn và gửi về Ban Biên tập. Do khuôn khổ có hạn, Ban tuyển chọn không thể đưa hết các tác phẩm của các hội viên gửi đến”.
Theo nhà thơ Nguyễn Vân Anh, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An, hằng năm Chi hội vẫn duy trì ấn phẩm “Nhà văn Nghệ An” để công bố các sáng tác mới của các hội viên, hiện đã ra được 6 tập. Các hội viên cũng đã xuất bản nhiều tác phẩm. Ngoài ra, các nhà văn nhà thơ vẫn là gương mặt quen thuộc trên các báo, tạp chí, đài phát thanh và truyền hình ở Nghệ An và cả nước.
4 năm gần đây, nhiều hội viên của Chi hội đã đoạt giải cao của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An... Trong đó, có 3 tác giả đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn là nhà văn Nguyễn Thế Quang, nhà thơ Vân Anh và nhà lý luận phê bình Lê Thị Hồ Quang. Khách quan đánh giá, đời sống văn học ở Nghệ An luôn tươi mới, các hội viên luôn khao khát sáng tạo.
Đúng như lời “mở sách” của nhà văn Đinh Trí Dũng, sáng tác của các nhà thơ đa dạng về đề tài như về xứ Nghệ nói riêng, quê hương, đất nước nói chung, đề tài về danh nhân, lịch sử, thế cuộc, thế sự; đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng; đề tài thiếu nhi....Tất cả đủ để vẽ lên “bản đồ tâm hồn” của các nhà thơ Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
"Nhà văn Nghệ An" có 105 bài thơ của 11 nhà thơ. Về đề tài Xứ Nghệ, nhà thơ Vân Anh có “Xứ Nghệ”, “Đất và người miền Trung”," Mùa thu về với Quỳ Châu". Nguyễn Văn Hùng có “Trước bàn thờ cụ Nguyễn”; Đặng Phi Khanh có “Rượu quê”; La Quán Miên có “Lên núi”, “Đường rừng”, “Nậm Pao”; Đậu Phi Nam có “Giữa hai miền quê Bác”; Thạch Quỳ có “Đông Hồi”, “Viết bên biển”; Hồ Mậu Thanh có “Gió Lào xứ Nghệ”, “Cây gạo làng Mơ”...Tất nhiên, sự xác định chỉ là tương đối, hình ảnh làng quê, nỗi niềm quê hương, xứ sở còn hiển hiện trong nhiều bài thơ khác. Có thể đó là thơ trữ tình, thơ thế sự, hay thơ thiếu nhi, thơ trào phúng của Dương Huy.
“Xứ Nghệ / Đứa con nghèo của Người Mẹ Thiên Nhiên / Đất phên giậu che chắn Đông, Tây, rừng, biển/ Trấn giữ ra Bắc vào Nam/ Dẻo dai như đòn gánh”, (Xứ Nghệ, thơ Vân Anh). Nhà thơ Vân Anh – người xếp đầu tiên (theo a,b,c) về thứ tự tác giả trong sách, không phải ngẫu nhiên chọn bài “Xứ Nghệ” đặt ở vị trí đầu tiên trong 10 thi phẩm của chị.
Bằng bài thơ này, nhà thơ đã “thơ hóa” vị trí của Nghệ An không chỉ trên bản đồ hành chính; mà còn định vị Nghệ An trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là vùng đất non xanh nước biếc, con người lam lũ, cương cường, chịu thương, chịu khó.
“Xứ Nghệ.../ Đại thi hào Nguyễn Du/ Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương/ Nơi hai dòng chảy Văn Chương/ dân dã, bác học hợp lưu/ Nơi chưng cất tinh tuý cốt cách Cụ Đồ.../ thẳng ngay thuở khai thiên thông reo Ngàn Hống/ Miên miết mạch ngầm hiếu học xưa xửa dòng Rum”, nhà thơ tự hào, xác tín.
Bài thơ “Đất và người Miền Trung”, được cất lên từ tâm hồn cảm thông với chính bản thân mình, với con người miền Trung nói chung của nhà thơ Vân Anh, nơi thiên nhiên muôn đời khắc nghiệt. Trong gian nan vất vả toát nên vẻ đẹp tâm hồn: “Người Miền Trung/ mười ngón chân hoá rễ cây bám đất/ mười ngón tay hoá cành lá hút cạn Mặt Trời/ nuôi mùa xanh trồi lên từ sỏi đá/ phồn sinh!”.
Ở mảng thơ này, nhà thơ Hồ Mậu Thanh có “Gió Lào Xứ Nghệ”, với những câu thơ giản dị: “Xứ Nghệ ta trung dũng đến kiên cường/ Cũng có phần rèn tôi trong nắng lả / Câu ví giặm, vượt gió Lào nghiêng ngả/ Cũng gằn lên trong thanh quản cô đào...” và ông tự hào có phần trào lộng: “Dân xứ Nghệ gắng gỏi bao đời nay/ Trầm tích tổ tiên, không lời trống bỏi/ Ta chọn chốn này lòng thêm cứng cỏi/ Gió Lào ơi! Hãy chia sẻ cùng ta...”. Vượt lên tất cả, đó mới là bản ngã. Đúng như nhà thơ Vân Anh xác tín: “Nếu có kiếp sau/ Ta lại về Xứ Nghệ đầu thai”, (Xứ Nghệ).
Với La Quán Miên, một hội viên người dân tộc, anh có cái nhìn mở rộng và dung dị về đất nước, khi ẩn dụ hình ảnh “Cây đất nước”. Hình ảnh đất nước thật đáng yêu: “Đứng soi bóng bờ Biển Đông cuộn sóng / rễ cắm sâu vào đất Việt thấm mồ hôi/ cây đất nước Việt Nam, xum xuê mấy ngàn năm tuổi/ các Vua Hùng từ buổi ấy gieo trồng”, và tự hào: “Năm mươi tư cành dân tộc xoè chung điệu múa / năm mươi tư bông hoa anh em cùng toả sắc hương”. La Quán Miên là người có ít bài được chọn nhưng là nhà thơ thứ hai có bài thơ “Lên núi” về sinh thái cùng với “Những con chim loạn giờ sinh học” của Thạch Quỳ và ông cũng là nhà thơ duy nhất có bài thơ “Nậm Pao” về đề tài tình hữu nghị Việt Nam – Lào.
Những con người Xứ Nghệ luôn nặng lòng với đất nước. Những nhà thơ Xứ Nghệ chất chứa suy tư, ưu tư cùng với thân phận, đề tài hậu chiến. Về mảng đề tài này có “Gieo gặt cùng nhân dân”, (Vân Anh), “Ngàn lau bạc trắng”, (Thạch Quỳ)....Ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, có thể kể đến Trần Thu Hà với chùm bài “Anh tôi”, “Sự sống”; Đặng Phi Khanh với “Người ở lại”; hoặc suy ngẫm mở biên độ suy tưởng từ xưa đến nay như Lê Quốc Hán với “Nhớ Ức Trai”; Nguyễn Văn Hùng mới “Mây – trắng – của – tình – yêu”, “Trước đền thờ cụ Nguyễn”; Đậu Phi Nam với “Giữa hai miền quê Bác”....
Thạch Quỳ, nhà thơ Nghệ An tiêu biểu thành danh và nổi danh khi cả đời thơ “bám trụ” bên Lam Giang, chảy miết mải một dòng suy tư. Thơ Thạch Quỳ bao giờ cũng toát lên vẻ đẹp mỹ triết sau “tầng chữ”: “Tôi về phe với cây xanh/ Phe hoa, phe lá, phe nhành cỏ may/ Tôi phe tuyết trắng, bùn lầy/ Phe đêm sao mọc, phe ngày nắng lên/ Người phe nhớ, tôi phe quên / Phe bia đá trắng không tên tuổi gì”, (Phe).
Ở bài thơ “Vĩ nhân và thời gian”, Thạch Quỳ mở đầu cho không gian suy ngẫm: “Tất cả các vĩ nhân đều lần lượt bị thời gian/ chế giễu/ Nhưng vĩ nhân?/ Xứng tầm vóc để thời gian chế giễu, là ai?/ Tên tuổi các người khó đếm đủ trên đầu”. Bài thơ tứ tuyệt “Ngàn lau bạc trắng”, mang đến sự ám ảnh đầy “chất” Thạch Quỳ: “Một dải biên cương núi hiền, sông vắng/ Lau trong chiều gió thổi vẫn phất phơ/ Nghìn nấm mộ trong nghĩa trang im lặng/ Trước ngàn lau bạc trắng ở bên bờ...”.
Thơ của các nhà thơ trong “Nhà văn Nghệ An" cũng đa dạng về thi pháp, có lục bát, có tứ tuyệt, nhưng phần lớn là thơ tự do. Nguyễn Văn Hùng là nhà thơ duy nhất có thơ văn xuôi với tác phẩm “Tôi mơ một cơn bão”.
“Tôi mơ một cơn bão. Chỉ mơ thôi, đã thấy mình bớt vô tích sự rồi. Nói chi xa đổi đất với thay trời, trong vòng tay nhỏ nhoi của bao con Việt...”. Bài thơ này Nguyễn Văn Hùng viết sau khi các tỉnh phía Bắc bị cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) tàn phá. Câu hỏi và khẳng định của nhà thơ ở khổ cuối bài thơ, ám ảnh, có ý nghĩa thức tỉnh, ít nhất về cảm xúc trách nhiệm.
Trong 11 nhà thơ giới thiệu tác phẩm trong “Nhà văn Nghệ An, 2020 – 2024”, nhà thơ Dương Huy tỏ ra có thế mạnh về thơ trào phúng. 10 bài thơ trong sách đều là thơ trào phúng, phơi bày những thói hư tật xấu trong xã hội, từ ngoài đến cơ quan. Đây là loại thơ vừa mang tính tự sự vừa mang yếu tố châm biếm, thường thấy ở trên báo chí thời những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, có những đóng góp nhất định về xây dựng lối sống mới, đánh thức nhân hạnh.
Ban Biên tập giới thiệu nhà văn Nguyễn Thế Quang với tiểu thuyết lịch sử “Hồ Xuân Hương”, (trích). “Hoàng hôn lảng vảng trước mặt, Xuân Hương trở lại chùa. Hơn ba tháng qua, nương náu nơi này, lòng nàng lắng lại dần nhưng nỗi nhớ khôn nguôi, nỗi đau vẫn âm ỉ rỉ máu. Thế nhưng, ở với toàn những người phụ nữ khổ đau, bất hạnh, Xuân Hương thấy có nhiều chị em còn bi đát hơn mình, vết thương lòng có phần dịu bớt đi. Rồi ngày nào cũng như ngày nào, giờ ấy việc ấy được sắp xếp, được định sẵn, đơn điệu, tẻ nhạt, tù túng. Mình không được làm gì khác, không có cái gì của riêng mình, không được làm những điều mình muốn. Mình của người khác. Mình không còn là mình nữa. Xuân Hương không muốn thế. Rồi Xuân Hương lại nghĩ đến bao người, bao nơi mình đã sống, đã gặp, đã qua, nghĩ đến những ngày tới lòng nàng lại đầy xao động. Đời mình sẽ mòn mỏi và kết thúc trong sự cam chịu lặng lẽ bất lực thế này ư? Bao đêm rồi nàng không yên giấc ngủ!”, (chương 27).
Hồ Xuân Hương được tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm” thì nhiều người đã được biết ngay từ khi trên ghế nhà trường; tuy nhiên, đọc tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương” của nhà văn Nguyễn Thế Quang người đọc thấy yêu hơn một nhân vật lịch sử. Chính vì biết sẻ chia thân phận, “thấy có nhiều chị em còn bi đát hơn mình”. Hồ Xuân Hương mới có những áng thơ mạnh mẽ về bình đẳng giới, đấu tranh vì sự bình quyền thời trung đại.
Xuất thân là một nhà giáo, đến với văn chương muộn mằn, khi đã xấp xỉ 70, nhưng nhà văn Nguyễn Thế Quang nói rằng, muộn còn hơn không. Ông đã chứng minh năng lượng sáng tạo ở lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử về các danh nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cả nhân vật lịch sử Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc trích đoạn (chương 26, 27) của tiểu thuyết “Hồ Xuân Hương” cho thấy văn chương Nguyễn Thế Quang luôn có hồn, nhân vật sống động, có cá tính, dẫu đó là nhân vật lịch sử. Điều này chỉ có thể có được nhờ tài năng, vốn sống và tình yêu văn học cháy bỏng.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi có “Sông Lam” (bút ký), “Với kẻ thứ ba”, (truyện ngắn); nhà văn La Quán Miên giới thiệu “Con lợn lòi”, “Gia tài của bố”; nhà văn Hồ Ngọc Quang giới thiệu truyện ngắn “Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió” và bút ký “Hói Nồi kỷ niệm”. Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc, trẻ nhất trong các tác giả văn xuôi mang đến hai truyện ngắn “Những sai lầm được tha thứ” và “Người của một thời”. Đó là những “lát cắt” đẹp trong đời sống xứ Nghệ được chuyển tải vào văn chương, thành vẻ đẹp.
Với nhà văn Hồ Ngọc Quang, anh đã cầm bút từ lúc còn trẻ, đến nay, anh vẫn miệt mài sáng tác. Nếu như thể loại ký của Hồ Ngọc Quang ngồn ngồn tư liệu đời sống thì truyện ngắn của anh tinh tế và sắc sảo trong việc tạo ra tình huống truyện. Đến với truyện "Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió" chứng minh nhận định này.
Với truyện của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc, ta gặp thông điệp nhân văn, trong cuộc sống người nghèo khổ nhiều lắm, nên chị luôn lắng nghe, chia sẻ: “Khi người đàn bà mất hút trong màn đêm, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Ngày hôm sau, theo lời hẹn đã nhắn cho ông Viên, tôi lên Facebook cả ngày đến mấy lần để tiếp tục câu chuyện nghiêm túc và bàn về trách nhiệm, không đùa giỡn như ngày trước. Nhưng trang Facebook của ông ấy đã tắt đèn hoàn toàn. Tất cả chìm vào khoảng trống hư vô mênh mông....”, (Những sai lầm được tha thứ, truyện ngắn Đàm Quỳnh Ngọc).
Ở mảng lý luận phê bình, như đã nói, giới thiệu bốn tác phẩm của hai tác giả PGS. TS. Đinh Trí Dũng và Hồ Lê Quang. Có thể xem đây là hai thế hệ nối tiếp của lĩnh vực phê bình văn học Xứ Nghệ. Nếu như Đinh Trí Dũng hàm súc, trí tuệ; thì Hồ Lê Quang, tác giả trẻ sinh 1974 luôn tươi mới ở phát hiện. Thường viết phê bình đã khó, viết phê bình về phê bình càng khó.
Với tiểu luận “Những kết hợp sáng tạo, độc đáo trong thơ Quang Dũng”, (Quang Dũng vốn là người lính, một nhà thơ nổi bật thời kỳ kháng chiến chống Pháp), PGS.TS. Đinh Trí Dũng không chỉ có những phát hiện mới về cố nhà thơ Quang Dũng, mà công trình của ông còn thiết thực góp phần chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024).
Tiểu luận ““Bi kịch nhỏ” của Lê Minh Khuê, câu hỏi về cái ác” cũng có ý nghĩa như vậy. Nhà thơ Lê Minh Khuê vốn là cựu thanh niên xung phong, trong nhưng năm tháng chống Mỹ cứu nước. “Tôi nghĩ rằng, đến nay, câu hỏi về cái ác đặt ra trong Bi kịch nhỏ vẫn mang tính cảnh báo thời sự - xã hội sắc nét. Dĩ nhiên, nó đồng thời hướng người đọc đến những suy tư, hành động, cảm thụ cần thiết, như một ứng xử minh triết với cái ác”, đúng như cách đặt vấn đề của nhà văn Hồ Lê Quang, cái ác luôn tồn tại. Viết về cái ác cũng để tôn vinh các đẹp. Luận giải về cái ác làm cho cái đẹp thêm những cảm xúc mới là sứ mệnh của các nhà lý luận phê bình. Sau công việc của các nhà văn là đến công việc của các nhà phê bình.
Sách “Nhà văn Nghệ An" được phát hành trước ngày Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025 thực sự là món quà qúy trước hết với các tác giả và bạn đọc yêu văn học; Đồng thời, thiết thực chào mừng Đại hội nhiệm kỳ 2025 – 2030 của Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2025 – năm có nhiều sự kiện lớn của Đảng và dân tộc, đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Cuốn sách ra đời còn thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An đối với hoạt động VHNT trên địa bàn tỉnh nói chung và hoạt động của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An nói riêng. Đây là sự cỗ vũ lớn lao đối với các nhà văn trên con đường sáng tạo. Tin rằng con đường phía trước, với khát khao sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ Nghệ An, bạn đọc có quyền hy vọng và đón đợi những tác phẩm đỉnh cao..