Sáng tác

Những kẻ dạ hành. Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến

Nguyễn Vĩnh Tiến
Truyện
11:40 | 15/12/2024
Baovannghe.vn - Không một ai trong hai chúng tôi có thể ngờ được con đường phía trước đẹp đến như vậy. Gió trên vai tôi dường như cũng run lên. Tôi dựa đầu vào vai anh tìm một cảm giác yên bình, lưng anh âm ấm, mùi mồ hôi thỉnh thoảng nồng lên rồi tắt lịm.
aa

Bóng của chúng tôi chạy chầm chậm trên đường, hai bên là cánh đồng trải rộng, không rõ đồng bông hay đồng lúa. Đôi khi xe đi vào chỗ lầy, bùn và nước bắn lên quần tôi từng đám ri rỉ chảy xuống.

- Mấy hôm trước, Hà Nội mưa to - Tôi lên tiếng.

Anh không đáp, hình như gật đầu. Trăng sao đêm nay đi đâu cả, xung quanh chúng tôi, cảnh vật đều mù mờ khó nhận, ánh đèn pha yếu ớt cũng chỉ đủ làm rạng lên trong phút chốc những thân cây đen sì phía trước. Tiếng ếch nhái, côn trùng bị át đi nhưng vẫn đủ để tôi nhớ đến khoảnh vườn, cái ao nhỏ sau nhà tôi. Khoảnh vườn trồng toàn ổi và cái ao nổi lều phều toàn lá sắn và cỏ tươi. Lẽ nào tôi thả sức hồi tưởng về tuổi thơ khi anh bên cạnh vẫn lặng yên như vậy?

Xe đột ngột chết máy, chúng tôi dắt bộ một đoạn. Tôi nhìn chẳng rõ cái gì cả, và anh nữa, anh hoàn toàn có thể là một khúc gỗ đang dịch chuyển trong màn đêm, anh cũng có thể là tôi thì sao? Tự nhiên tôi thấy mọi thứ thật đáng yêu. Giữa cánh đồng có những túp lều tranh có những trái tim vàng. Mà tại sao lại thế nhỉ? Lãng mạn quá chăng? Tôi và anh trong đêm nay bỏ thành phố, ra ngoại ô, đi trên con đường đầy hố trũng này cũng lãng mạn quá chăng? Cánh đồng trên kia liệu có dư một túp lều để tôi và anh trú chân ở đó không? Hình như "Đen Ngòm" đang cười cái gì đó. Tốt hơn hết là không nên giễu cợt nhau, hãy chìa bàn tay ra, bàn tay của "Đen Ngòm" biết đâu lại màu trắng.

Anh cúi xuống sửa xe, một lúc sau thì đèn sáng. Tôi trèo lên xe và bất giác ngoái đầu lại. Chẳng còn gì ở đằng sau. Anh hỏi tôi:

- Có lẽ con đường thẳng rẽ cho ta một lối thoát?

Tôi bật cười:

- Anh đang đọc bài thơ nào vậy?

Anh không đáp nhưng tôi đoán anh đang cười bởi bờ vai anh đang rung lên với một nhịp điệu khác thường. Anh là kĩ sư hoá chất, người Hà Nội. Chiều nào đi làm về anh cũng qua chỗ tôi. Tôi thích rửa mặt, lau tay cho anh và ngồi nhìn anh hút thuốc. Chữ O anh thả ra bao giờ cũng tròn và lâu tan. Nhiều khi tôi lấy tay phẩy phẩy, chữ O lảng lên cao, khi khác tôi xòe cả hai bàn tay để hứng, chữ O lại tan mất. Thấy tôi làm vậy, anh không nhả chữ O nữa, thưởng phả khói thuốc xuống dưới gầm bàn.

Những kẻ dạ hành. Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến
Ảnh pixabay

Chiều nay, anh đến chỗ tôi với khuôn mặt buồn buồn. Tôi không gạn hỏi, đỡ lấy túi xách và không lấy khăn lau mặt cho anh như mọi khi. Tôi chỉ hỏi: "Anh có muốn rửa tay không?” Thấy anh mân mê điếu thuốc, tôi bưng chậu nước vào bếp rồi pha trà. Anh đăm đăm nhìn tôi rồi chợt hỏi "Em đã đọc thơ Khuất Nguyên chưa?" Tôi đáp: "Chưa." Chờ anh nói thêm câu gì nữa nhưng mắt anh đã phóng ra ngoài cửa sổ. Tôi biết Khuất Nguyên, thấy anh hỏi vậy nên rờn rợn. Tôi nói lảng sang chuyện khác: "Buổi chiều, em có gặp một hoạ sĩ trông quen quen, hình như là bạn anh." Anh giật mình: "Sao?" "Anh ấy nhìn em chòng chọc” - Tôi nói tiếp, thấy giọng mình có vẻ yếu đi và mất hết tính thuyết phục. Anh chau mày: "Ai nhỉ?" Anh nổi cáu và tôi chỉ muốn khóc.Tôi muốn khóc cho tan đi linh cảm nhỏ nhoi về những điều không tốt đẹp.Tôi thấy mình nhỏ bé nhường bao. Sao anh không đốt cháy tôi như những điếu thuốc của anh để rồi nhả những chữ O tuyệt diệu đó.

Xe lại sa vào chỗ lầy. Lần này tôi phải xuống xe để đẩy cùng anh. Đôi chân của tôi ngập sâu trong bùn. Bây giờ thì mùi mồ hôi của anh đã át đi tất cả. Hơi thở của tôi dồn dập, hình như đôi bàn chân anh cũng không nhấc lên được. Chúng tôi đứng như thế khá lâu khi trời đổ mưa mới thoát khỏi chỗ lầy. Xe anh hết xăng, bùn bết cả vào chỗ tôi ngồi. Anh nghiêng xe nổ máy. Được một đoạn, chúng tôi lại xuống dắt xe đi bộ. Cũng may còn một quán nước ven đường, chúng tôi ghé vào đó đổ xăng và gột bùn. Trời mưa to, cả anh và tôi đều rét run. Anh vừa đi nghỉ mát một tuần ở Bãi Cháy theo tiêu chuẩn của cơ quan. Một tuần chúng tôi không gặp nhau, tại sao tôi lại thoáng tiếc chuyến đi vô định đêm nào? Mưa to nữa, tôi có thêm hối tiếc không?

Tôi ôm chặt lưng anh, chắc cả hai đều ấm lên trong tư thế này. Xe của chúng tôi cào trong nước, ánh đèn pha chập chờn. Mưa quất vào tay, vào vai tôi. Không biết vẻ buồn buồn trên khuôn mặt anh lúc chiều có bị mưa gió hành hạ không? Tôi xiết lưng anh, hé mắt nhìn. Hai bên đường vẫn là cánh đồng mênh mông, trong cánh đồng, vẫn những túp lều tranh nghiêng ngả. Tôi lại tìm thấy cảm giác bình yên, trong suốt, đen như mực.

Mưa đã ngớt. Anh quay lại hỏi tôi "Em lạnh phải không?" Tôi đáp: "Vâng." Xung quanh tôi bây giờ không còn là cánh đồng, những thân cây gầy khẳng, bùn đất hay những túp lều tranh đen như đêm nữa. Con đường đang đi qua làng, ánh đèn thấp thoáng một vài chỗ. Anh dừng xe trước một quán vắng và bảo tôi vào mua thuốc lá. Tôi trèo xuống xe, đi một cách thận trọng về phía đèn sáng. Trong quán có ba người, tôi chỉ nhìn mặt có hai mà đã sợ rụng rời chân tay. Chủ quán là một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, hai tay dựa mép bàn, tóc búi ngược. Khoảng cách giữa hai con mắt của chị ta rất xa nhau nên cái mũi có vẻ chun lại và hơi hếch. Người thứ hai là đàn ông, cởi trần, khuôn mặt hung dữ, mắt híp. Người thứ ba quay lưng về phía tôi, không rõ đàn ông hay đàn bà, chỉ nhìn thấy mảng tóc ở gáy như đám cháy. Người đàn ông cởi trần hối tôi: "Cô cần gì?" Tôi lấy hết cam đảm nói: "Quán còn thuốc lá không?" Chị chủ quán lắc đầu. Tôi không dám nhìn chị ta nữa, miệng lí nhí cảm ơn rồi lao thẳng ra đường. Anh vẫn đứng ở đó, ơn trời.

Xe đi được một đoạn thì ra khỏi làng. Bây giờ tôi mới nói với anh mấy câu thừa thãi: "Quán hết thuốc lá rồi." Anh im lặng. Tôi để ý thấy quang cảnh xung quanh. Xe nảy côm cốp, đoạn đường này rất tồi tệ. Nhác thấy mấy cái lò gạch tôi lại tưởng tượng lung tung.

Ngày bé tôi hay lân la đến các bãi đóng gạch xin đất sét về nặn tượng. Ngày đó, ý muốn trở thành nhà điêu khắc khiến tôi bất chấp tất cả những ý kiến của những người thân trong gia đình. Ngay cả bà ngoại, người tôi yêu quý nhất cũng khuyên tôi: "Nghề đó không thích hợp." Tôi vẫn lén lút nặn tượng sau hiên nhà, tối nặn con lợn, con gà, đầu người... Những sản phẩm tôi nặn ra nhiều đến nỗi tôi phải vứt bớt đi. Thường thì tôi vứt đi những tượng xấu, những tượng con vật chứ chẳng bao giờ tôi vứt tượng người đi cả. Tôi thích ngồi ngắm những khuôn mặt bằng đất đó, chỉ tiếc rằng chúng không nói được. Vậy mà lớn lên, tôi lại trở thành sinh viên khoa Sử trường Tổng hợp. Những ngày nghỉ, về nhà, tôi vẫn thăm những khuôn mặt đất của tôi giờ đã khô cong nứt nẻ, có cái vỡ toác. Bây giờ chúng vẫn không nói được nhưng chúng cười được, chúng cười tôi. Mà xét cho cùng, tôi không có lỗi. Sức mạnh nào đó đang điều khiển tôi, điều khiển cả những khuôn mặt bằng đất do tôi tự nặn ra đó.

Trời đã sửa soạn sáng, gà gáy ở đâu đó, chúng tôi vẫn đang đi. Chúng tôi có phải là những người đầu tiên đón bình minh không? Tôi đã thấm mệt, tim đập mạnh và nhanh hơn. Anh vẫn chưa nói gì. Con đường dần dần lộ ra. Bây giờ thì tôi biết chắc hai bên là cánh đồng lúa. Gió thổi luồn qua. Lúc này thì chưa nhất thiết phải hoàn toàn khô ráo.

Nắng lên, đám lá cây hai bên đường xanh mướt. Hình như anh cười, vai anh lại rung lên một nhịp điệu rất lạ. Tôi nghĩ mình cũng đang cười nhưng không thành tiếng. Tay tôi xiết chặt anh, mắt tôi hé nhìn qua vai anh. Phía trước, con đường vẫn có rất nhiều những hố trũng nhưng tất nhiên là mặt trời đã kịp thả những đồng tiền vàng vào đó.

Văn nghệ Trẻ, số 13/1997
Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Ma thuốc độc. Truyện ngắn dự thi của Lê Văn Thân

Baovannghe.vn- Mùa này, sương phủ trắng sườn đồi. Người qua đường cởi nón dừng lại một chút sương đã bám vào mái đầu. Càng đi càng mất hút trong sương. Sương bám vào khuôn mặt lạnh tanh của những người khi ngang qua nhà tôi.
Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975: Diện mạo và khuynh hướng

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1975: Diện mạo và khuynh hướng

Baovannghe.vn- Tiểu thuyết lịch sử sau Đổi mới cũng đang làm cuộc chuyển mình với những tìm tòi, đổi mới trong quan niệm thẩm mĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử
50 năm văn học Đà Nẵng nhìn từ hai chân dung thơ: Đông Trình - Tần Hoài Dạ Vũ.

50 năm văn học Đà Nẵng nhìn từ hai chân dung thơ: Đông Trình - Tần Hoài Dạ Vũ.

Baovannghe.vn - Đông Trình và Tần Hoài Dạ Vũ là hai chân dung có những điểm tương đồng và có nhiều dị biệt - dị biệt giữa họ và người cùng thời - điều làm nên cá tính sáng tạo cho mỗi nhà thơ. Và nhìn từ hai chân dung thi ca ấy cũng có thể thấy phần nào sự biến động và hệ quả của các khuynh hướng, trong mỗi giai đoạn văn học.
Tăng cường các giải pháp, thúc đẩy Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tăng cường các giải pháp, thúc đẩy Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp

Baovannghe.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 133/CĐ-TTg về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06
Hoa giả hoa thật - Thơ Mai Thìn

Hoa giả hoa thật - Thơ Mai Thìn

Baovannghe.vn- Cùng màu sắc ấy/ cùng thanh tao ấy